Đề thi thử THPTQG Năm 2018 Môn Ngữ Văn – Đề 02 (Có lời giải)

Đề thi THPT Quốc Gia

ĐỀ BÀI

I. ĐỌC HIỂU

Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu bên dưới:

… Tôi lại nhớ dạo đi thăm vùng đất lòng chảo ở Yamagata có nghe được câu chuyện thế này: Một đoàn người trồng nho đến từ vùng đất lòng chảo Kofu ở Yamanashi đến đây tìm hiểu tại sao nho vùng Yamagata lại ngọt đến thế. (Dạo đó, ở Tokyo mọi người rất yêu thích nho không hạt của Yamagata. Có lẽ vì thế mà đoàn thị sát Kofu đã đến đây.)

Đến thăm vườn, đoàn thị sát hết sức ngạc nhiên vì cỏ vẫn mọc um tùm trong vườn như thể thiếu vắng bàn tay chăm sóc chu đáo của con người. Ở Yamanashi, họ không để cỏ mọc trong vườn, dù chỉ là một ngọn.

Vậy tại sao nho vùng này lại ngọt? Cuối cùng đoàn cũng tìm ra được nguyên nhân. Đó là do sự chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm. Cũng giống như vùng đất lòng chảo Kofu, Yamagata mang khí hậu lục địa. Vào mùa hè, trời nắng nóng như thiêu như đốt, từng đạt mức cao kỷ lục ở Nhật Bản. Tuy nhiên, vào buổi sáng sớm và chiều tối, thời tiết lại rất mát mẻ. Cây nho cũng cảm nhận được sự thay đổi đột ngột đó. Để bảo vệ mình, cây tự sản sinh ra một lượng đường. Điều này cũng tương tự như lá cây phong chuyển sang sắc đỏ khi nhiệt độ ngày và đêm chênh lệch quá mức. Sự chênh lệch nhiệt độ của vùng này quá lớn, nên nho đặc biệt thơm ngon. Vì thế từ xưa Yamagata đã có tiếng là vùng đất của nho.

Con người cũng vậy, có người rất thú vị, cũng có người rất tẻ nhạt. Nếu ta cứ sống dưới tia nắng ấm áp của mặt trời thì sẽ không tạo ra được vị ngọt cuộc sống…

(Trích Bài học trồng nho, theo Cha mẹ nên dạy gì cho con cái?,

Toyama Shigehiko, NXB Phụ nữ, tr.122-125)

Câu 1. Theo tác giả, vì sao nho ở vùng Yamagata lại rất ngọt và thơm ngon?

Câu 2. Cây nho đã “làm gì” để thích nghi với điều kiện khắc nghiệt của thời kết ở Yamata?

Câu 3. Chỉ ra tác dụng của sự kết hợp các phương thức biểu đạt tự sự, nghị luận trong đoạn trích.

Câu 4. Anh/Chị nhận được bài học nào từ việc trồng nho ở Yamagata?

II. LÀM VĂN

Câu 1. Từ đoạn trích thuộc phần Đọc hiểu, hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ), trình bày suy nghĩ của anh/chị về ý kiến cho rằng: Nếu ta cứ sống dưới tia nắng ấm áp của mặt trời thì sẽ không tạo ra được vị ngọt cuộc sống.

Câu 2. Cảm nhận của anh/chị về hình tượng nhân vật ông lái đò trong thiên tùy bút Người lái đò Sông Đà (Nguyễn Tuân).

Từ đó, liên hệ với truyện ngắn Chữ người tử tù và chỉ ra sự nhất quán của Nguyễn Tuân trong quan niệm của nhà văn về con người.

GỢI Ý LÀM BÀI

I. ĐỌC HIỂU

Câu 1

Nho ở vùng Yamagata rất ngọt và thơm ngon là do sự chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm

Câu 2

Để thích nghi với điều kiện khắc nghiệt của thời tiết ở Yamagata, cây nho đã tự sản sinh ra một lượng đường để tự bảo vệ mình trước hoàn cảnh sống khắc nghiệt.

Câu 3

Phương thức biểu đạt tự sự giúp người viết kể lại cho chúng ta câu chuyện lí thú về cây nho ở Yamagata, phương thức nghị luận giúp tác giả đưa ra được bài học nhân sinh từ việc trồng nho. Sự kết hợp giữa hai phương thức này thực chất chính là sự kết dính câu chuyện thú vị với triết lí giản dị mà giàu tính nhân văn.

Câu 4

Bài học nào từ việc trồng nho ở Yamagata: Nếu biết vượt lên trên điều kiện/ hoàn cảnh sống khắc nghiệt, ta có thể thành công/ tạo nên giá trị đặc biệt trong cuộc sống.

II. LÀM VĂN

Câu 1

Trên cơ sở những hiểu biết về văn bản ở phần Đọc hiểu, thí sinh có thể trình bày suy nghĩ của mình về vấn đề cần nghị luận (Nếu ta cứ sống dưới tia nắng ấm áp của mặt trời thì sẽ không tạo ra được vị ngọt cuộc sống.) theo nhiều cách nhưng phải hợp lí, có sức thuyết phục. Thí sinh có thể viết đoạn văn (khoảng 200 chữ, tương đương 2/3 trang giấy thi) theo hướng:

– Giải thích ngắn gọn: tia nắng ấm áp chỉ điều kiện thuận lợi, vị ngọt chỉ thành quả tốt đẹp. Ý kiến khẳng định trong điều kiện lí tưởng, con người ta khó có thể tạo ra được những điều tốt đẹp khác.

– Bày tỏ quan điểm đồng tình hoặc không đồng tình với ý kiến, đồng thời lí giải vì sao đồng tình hoặc không đồng tình. Chẳng hạn: Ý kiến xác đáng vì môi trường, điều kiện sống tốt đẹp không tạo ra được thử thách, sự kích thích để con người có động lực chinh phục. Theo đó, sẽ không có những thành quả tốt đẹp nào khác được tạo ra…/ Ý kiến không xác đáng vì điều kiện thuận lợi có thể giúp những con người sáng tạo khám phá bản thân, thiên nhiên, xã hội… để tạo nên những điều mới lạ, kì diệu hơn nữa…

Câu 2

Trên cơ sở hiểu biết về tác giả Nguyễn Tuân và đoạn trích Người lái đò Sông Đà, thí sinh có thể cảm nhận về hình tượng nhân vật ông lái đò, từ đó liên hệ với truyện ngắn Chữ người tử tù để chỉ ra sự nhất quán trong quan niệm của nhà văn về con người theo nhiều cách nhưng phải hợp lí, có sức thuyết phục. Dưới đây là một số gợi ý:

* Giới thiệu vài nét về tác giả, đoạn trích, vấn đề cần nghị luận

– Nguyễn Tuân là nhà văn có vị trí quan trọng trong văn học Việt Nam hiện đại với phong cách nghệ thuật độc đáo. Ông được mệnh danh là “một cái định nghĩa về người nghệ sĩ” (Nguyễn Đăng Mạnh) và là nghệ sĩ suốt đời đi tìm cái Đẹp.

Người lái đò Sông Đà là một trong những thiên tùy bút đẹp nhất của Nguyễn Tuân. Tác phẩm khắc họa thành công hình tượng người lái đò và thể hiện sự nhất quán của nhà văn trong quan niệm về con người ở giai đoạn trước và sau Cách mạng tháng Tám.

* Cảm nhận về hình tượng nhân vật người lái đò

– Nguyễn Tuân đã gọi người lái đò sông Đà là ông đò. Cách gọi tạo nên sự hòa quyện giữa người và nghề, một người lao động làm công việc bình dị, đời thường (chèo đò).

– Trong đoạn trích, hình tượng ông đò được tập trung khắc họa qua cuộc vượt thác trên sông Đà. Nguyễn Tuân đã khắc họa cuộc vượt thác của ông đò như một trận giao chiến giữa ông với Sông Đà hung bạo. Xét về tương quan lực lượng, ông đò cùng với năm bơi chèo của mình chỉ có thứ võ khí duy nhất là cán chèo trong tay, trong khi đó Sông Đà đã dàn thạch trận trên sông và bố trí đâu vào đó các lực lượng ở các vị trí sẵn sàng nghênh tiếp con thuyền đơn độc.

+ Trùng vi thạch trận thứ nhất:

  • Sông Đà mở ra năm cửa trận gồm bốn cửa tử và một cửa sinh (phía tả ngạn) và liên tiếp ra những đòn tấn công ông đò cùng các bơi chèo: Nước thác reo hò làm thanh viện cho đá. Những hòn đá bệ vệ oai phong lẫm liệt, hòn thì xấc xược hất hàm hỏi cái thuyền phải xưng tên tuổi, hòn thì lùi lại, thách thức con thuyền. Mặt nước hò la vang dậy ùa vào bẻ gãy cán chèo võ khí trên cánh tay các bơi chèo. Sóng nước đá trái, thúc gối vào bụng và hông thuyền, đội cả thuyền lên. Nước bám lấy thuyền như đô vật túm tắt lưng ông đò đòi lật ngửa mình ra. Cuối cùng, sóng thác đánh đến đòn hiểm độc: cả cái luồng nước vô sở bất chí ấy bóp chặt lấy hạ bộ người lái đò.
  • Ông đò:

Giữa trận nước vang trời thanh la não bạt, trước sự thách thức của đá và sóng trên sông, ông đò bình tĩnh, tập trung dồn hết tâm lực để giữ mái chèo khỏi bị hất lên khỏi sóng trận địa phóng thẳng vào mình, tránh những ngón đòn đá trái, thúc gối liều mạng của sóng nước.

Bị sóng thác đánh đến miếng đòn hiểm độc nhất, ông đò cố nén vết thương, hai chân vẫn kẹp chặt cuống lái không rời. Mặt ông đò méo bệch, biến dạng, biến sắc đi vì đau đớn nhưng trong cuộc chiến sinh tử với loài thủy quái khổng lồ, vị chiến tướng nhất định không chịu lùi bước (và cũng không thể lùi bước). Ông vẫn giữ chắc võ khí – là mái chèo – trong tay mình để chiến đấu như một chiến sĩ kiên cường, anh dũng, không chịu khuất phục trước kẻ thù.

Đối lập với tiếng hò la vang dậy, tiếng hỗn chiến của nước của thác đá là tiếng chỉ huy rõ ràng ngắn gọn tỉnh táo của ông đò. Chi tiết cho thấy thái độ chủ động, bình tĩnh, mưu trí, dũng cảm của vị chiến tướng. Phải là một người từng trải, giàu kinh nghiệm, quen thuộc trên sóng nước Sông Đà, ông đò mới có thái độ bình tâm đáng phục như thế.

  • Kết quả, ở trùng vi thạch trận thứ nhất, mặc dù lực lượng, thanh thế của thác đá Sông Đà có phần áp đảo nhưng chiến thắng vẫn thuộc về vị chiến tướng tài ba, trí dũng: ông đò.

+ Trùng vi thạch trận thứ hai:

  • Sông Đà: tăng thêm nhiều cửa tử, bố trí lệch cửa sinh qua bờ hữu ngạn. Sông Đà lúc này như hổ báo, hùm beo đang hồng hộc tế mạnh trên sông đá. Các loài thủy quái chỉ trực xô ra, níu lấy thuyền lôi vào tập đoàn cửa tử.
  • Ông đò: Không một phút nghỉ ngơi, ông đã phá luôn vòng vây thứ hai và đổi chiến thuật. Trước dòng thác hùm beo, ông đò ghì cương lái, bám chắc lấy luồng nước đúng mà phóng nhanh vào cửa sinh, để lại phía sau bọn đá tướng tiu nghỉu cái mặt xanh lè thất vọng. Ông đò hiện lên như một dũng mãnh như Võ Tòng đả hổ với đường lái điêu luyện, điệu nghệ.

+ Trùng vi thạch trận thứ ba:

  • Sông Đà: Ít cửa hơn vòng đầu nhưng bên trái phải đều là luồng chết.
  • Ông đò: Không xuất hiện trực tiếp mà gián tiếp hiện lên thông qua hình ảnh con thuyền. Con thuyền như một mũi tên tre, vút qua cổng đá cánh mở cánh khép, cửa ngoài, cửa trong, lại cửa trong cùng, mũi tên tre đó xuyên nhanh qua hơi nước, vừa xuyên vừa tự động lái được lượn được. Đường đi vun vút của con thuyền – mũi tên tre tiếp tục cho thấy bản lĩnh kiên gan và sự tài hoa của người lái đò.

Ông đò vừa trí dũng vừa tài hoa.

– Sau một ngày giao tranh dữ dội với thác đá Sông Đà, ông lái đò cùng các bạn chèo nghỉ trong hang đá. Lúc ngừng chèo, họ chẳng bàn tán một lời nào về cuộc chiến thắng đã qua nơi cửa ải nước đủ tướng dữ quân tợn vừa rồi. Rất ung dung, thanh thản, ông lái đò nướng ống cơm lam và toàn bàn tán về cá anh vũ cá dầm xanh, về những cái hầm cá hang cá mùa khô nổ những tiếng to như mìn bộc phá rồi cá túa ra tràn đầy ruộng. Dường như ngày nào cũng thế, họ phải chiến đấu giành giật sự sống từ thác dữ nên họ cũng chẳng có gì là hồi hộp, đáng nhớ.

  • Vẻ đẹp bình dị, khiêm nhường của những con người bình dị vô danh, những người không ai nhớ mặt đặt tên nhưng đã làm nên bao điều kì diệu cho Tổ quốc.

* Liên hệ với truyện ngắn Chữ người tử tù và chỉ ra sự nhất quán của Nguyễn Tuân trong quan niệm của nhà văn về con người

– Nhân vật chính trong Chữ người tử tù (truyện ngắn viết trước CMTT) là Huấn Cao. Huấn Cao được khắc họa với ba vẻ đẹp nổi bật: tài hoa nghệ sĩ, khí phách hiên ngang và thiên lương trong sáng.

Người lái đò Sông Đà là tác phẩm được viết ở giai đoạn sau CMTT. Từ nhân vật Huấn Cao trong Chữ người tử tù đến nhân vật ông đò trong Người lái đò Sông Đà, có thể nhận thấy sự nhất quán của Nguyễn Tuân trong quan niệm của nhà văn về con người:

+ Con người từ cuộc đời thực đi vào sáng tác của Nguyễn Tuân đều là những người nghệ sĩ tài hoa trong nghề nghiệp của mình

+ Con người được tô đậm bởi những phẩm chất siêu phàm, phi thường, xuất chúng

+ Con người luôn được đặt trong những hoàn cảnh khó khăn, những thử thách vô cùng khắc nghiệt để bộc lộ phẩm chất đáng quí

Quan niệm đề cao con người, đậm chất nhân văn.

– Sự nhất quán trong quan niệm của nhà văn về con người của Nguyễn Tuân thể hiện tình yêu, sự trân trọng của tác giả đối với các nhân vật, đồng thời tạo nên dấu ấn riêng biệt, phong cách nghệ thuật độc đáo của nhà văn.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *