Đề thi thử THPTQG Năm 2018 Môn Ngữ Văn – Đề 01 (Có lời giải)

Đề thi THPT Quốc Gia

ĐỀ BÀI

I.ĐỌC HIỂU

Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu bên dưới:

Mỗi khi có dịp tới xem một cuộc chạy marathon, tôi thường không quan tâm lắm tới người vô địch và liệu anh ta có phá được kỷ lục này nọ không. Tôi thấy những người về chót thú vị hơn nhiều. Lần nào cũng vậy, khi những người thắng cuộc đã lên bục nhận giải, chụp ảnh, trả lời truyền hình, rồi đã về nhà tắm rửa xong, thì nhóm người này vẫn hì hục, nhẫn nại ở những cây số cuối cùng. Tôi đứng ở ven đường để ngắm lòng quyết tâm đầy đau đớn của họ. Thường khi họ rẽ vào khúc ngoặt cuối cùng dẫn tới đích thì các băng rôn đã được tháo xuống từ lâu, cũng không còn ai đứng ở vạch đích để bấm thời gian cho họ, và người xem cũng đã ra về gần hết. Bám sát gót những người đang lê lết này là các nhân viên vệ sinh khua chổi quét đường.

Tôi không để ý tới những người về đầu vì họ là dân chuyên nghiệp, họ sinh ra để dẫn đầu, họ có tố chất để làm điều siêu phàm. Những người về cuối thì hiểu rằng họ không có vai trò gì trong cái cuộc thi thố này. Họ chẳng đem lại vinh quang cho ai, mà thất bại của họ cũng không làm ai mảy may quan tâm. Động cơ để họ cắn răng lê bước tiếp không phải là một quốc gia, hay danh tiếng của bản thân mà họ cần phải bảo vệ. Họ đơn thuần bướng bỉnh và có thể hơi điên rồ. Họ tiếp tục chỉ vì bỏ cuộc không phải là lựa chọn của họ…

(Trích Vẻ đẹp của người chạy marathon về chót, theo Bức xúc không làm ta vô can, Đặng Hoàng Giang, NXB Hội Nhà văn, 2017, tr.15-16)

Câu 1. Tác giả thấy gì khi đứng ven đường và ngắm những người chạy marathon về chót?

Câu 2. Động cơ nào khiến những người về chót trong mỗi cuộc thi marathon không bỏ cuộc giữa chừng?

Câu 3. Người viết đã thể hiện tình cảm, thái độ ra sao đối với những người marathon về chót?

Câu 4. Theo anh/chị, có nhất thiết phải theo hết hành trình marathon không khi biết mình không phải là người về đích đầu tiên?

II. LÀM VĂN

Câu 1. Từ đoạn trích thuộc phần Đọc hiểu, hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ), trình bày suy nghĩ của anh/chị về ý kiến cho rằng: Những người về đầu dân chuyên nghiệp, họ sinh ra để dẫn đầu, họ có tố chất để làm điều siêu phàm.

Câu 2. Cảm nhận của anh/chị về đoạn thơ sau:

Ta về, mình có nhớ ta

Ta về, ta nhớ những hoa cùng người.

Rừng xanh hoa chuối đỏ tươi

Đèo cao nắng ánh dao gài thắt lưng.

Ngày xuân mơ nở trắng rừng

Nhớ người đan nón chuốt từng sợi giang.

Ve kêu rừng phách đổ vàng

Nhớ cô em gái hái măng một mình

Rừng thu trăng rọi hoà bình

Nhớ ai tiếng hát ân tình thuỷ chung.

(Trích Việt Bắc, Tố Hữu, Ngữ văn 12, tập một,

NXB Giáo dục Việt Nam, 2008, tr. 111)

Từ đoạn thơ trên, hãy liên hệ với bài thơ Từ ấy trong Ngữ văn 11 (tập hai) để làm rõ tính chất trữ tình chính trị trong thơ Tố Hữu.

GỢI Ý LÀM BÀI

I. ĐỌC HIỂU

Câu 1

Khi đứng ven đường và ngắm những người chạy marathon về chót, tác giả đã nhìn thấy họ (những người chạy marathon về chót) vẫn hì hục, nhẫn nại ở những cây số cuối cùng với lòng quyết tâm đầy đau đớn.

Câu 2

Những người về chót trong mỗi cuộc thi marathon vẫn không bỏ cuộc giữa chừng, vì có thể họ đơn thuần bướng bỉnh và có thể hơi điên rồ nhưng bỏ cuộc không phải lựa chọn của họ.

Câu 3

Qua đoạn trích, có thể thấy người viết đã thể hiện sự quan tâm đặc biệt cùng lòng cảm thông, sẻ chia và trân trọng đối với những người thi marathon về chót.

Câu 4

Lựa chọn hoàn thành hay không hoàn thành hết hành trình marathon khi biết mình không phải là người về đích đầu tiên thuộc về mỗi người, chính xác hơn là phụ thuộc vào mục đích của họ khi đến với hành trình này là gì… Dẫu vậy, khi đã bắt đầu đặt ra mục tiêu và dù không thể thực hiện tốt dự định ấy, ta vẫn nên hoàn thành nó, bởi nếu cứ bỏ cuộc một cách dễ dàng, không tự chiến thắng bản thân, thì nhiều hành trình khác sẽ trở nên gian nan hơn nhiều.

II. LÀM VĂN

Câu 1

Trên cơ sở những hiểu biết về đoạn trích thuộc phần Đọc hiểu, thí sinh có thể trình bày suy nghĩ của mình về vấn đề cần nghị luận (Những người về đầu dân chuyên nghiệp, họ sinh ra để dẫn đầu, họ có tố chất để làm điều siêu phàm.) theo nhiều cách nhưng phải hợp lí, có sức thuyết phục. Thí sinh có thể viết đoạn văn (khoảng 200 chữ, tương đương 2/3 trang giấy thi) theo hướng:

– Nêu ngắn gọn ý kiến: Ý kiến khẳng định mối quan hệ giữa tính chuyên nghiệp tố chất với thành công/ thắng lợi của những người về đầu.

– Ý kiến vừa xác đáng, vừa không xác đáng. Mặt xác đáng: những người về đầu/ chiến thắng/ thành công thường là những người có tố chất. Mặt chưa xác đáng: không phải ai có tố chất cũng có thể dẫn đầu. Làm nên chiến thắng/ thành công còn nhiều yếu tố khác (môi trường rèn luyện, ý chí nghị lực, đam mê, tinh thần khổ luyện, sự may mắn…).

Câu 2

Trên cơ sở hiểu biết về tác giả Tố Hữu và đoạn trích Việt Bắc, thí sinh có thể cảm nhận về đoạn thơ, từ đó liên hệ bài thơ Từ ấy để để làm rõ tính chất trữ tình chính trị trong thơ Tố Hữu theo nhiều cách nhưng phải hợp lí, có sức thuyết phục. Dưới đây là một số gợi ý:

* Giới thiệu vài nét về tác giả, tác phẩm, vấn đề cần nghị luận

– Tố Hữu là một trong những tác gia văn học của văn học Việt Nam hiện đại.

Việt Bắc là một trong những thi phẩm xuất sắc nhất của đời thơ Tố Hữu.

– Đoạn thơ khắc hoạ khung cảnh thiên nhiên và con người Việt Bắc.

* Cảm nhận về vẻ đẹp của đoạn thơ

Thí sinh có thể cảm nhận về vẻ đẹp của đoạn thơ theo những cách khác nhau, nhưng cần làm nổi bật các khía cạnh sau đây:

– Về nghệ thuật: Đoạn thơ có một kết cấu độc đáo của một bộ tranh tứ bình với bốn mùa xuân – hạ – thu – đông, trong đó, ở mỗi cặp lục bát cứ một câu lục diễn tả nỗi nhớ cảnh thì ứng với nó lại là một câu bát diễn tả nỗi nhớ người; kết hợp hài hoà giữa gợi và tả; lựa chọn các hình ảnh đẹp, đặc trưng cho thiên nhiên và con người Việt Bắc…

– Về nội dung: Vẻ đẹp của thiên nhiên và con người Việt Bắc hiện lên trong nỗi nhớ da diết của người đi.

* Nhận xét, đánh giá

– Đây là một trong những đoạn thơ hay nhất, đẹp nhất của trích đoạn Việt Bắc nói riêng và toàn bộ bài thơ nói chung.

– Đoạn thơ không chỉ thể hiện soi chiếu vẻ đẹp của cảnh và người Việt Bắc qua nỗi nhớ của người đi mà còn khắc ghi một cách sâu đậm tình cảm thuỷ chung, sâu sắc của cán bộ cách mạng với đồng bào kháng chiến.

* Liên hệ với bài thơ Từ ấy để làm rõ tính chất trữ tình chính trị trong thơ Tố Hữu

– Tính chất trữ tình chính trị: hiện thực đời sống cách mạng, những tình cảm chính trị gắn liền với những tình cảm và đạo lí dân tộc; hình thức thơ trữ tình.

– Biểu hiện tính chất trữ tình chính trị trong đoạn thơ trích từ Việt Bắc và trong Từ ấy:

+ Đoạn thơ trong Việt Bắc và bài thơ Từ ấy đều bộc lộ những tình cảm chính trị (niềm vui của chàng thanh niên khi bắt gặp lí tưởng cộng sản; tình cảm giữa cán bộ cách mạng với đồng bào Việt Bắc). Tình cảm ấy chuyển hóa thành tình yêu thương, gắn bó giữa những người thân trong đại gia đình lao khổ (Tôi đã là con của vạn nhà/ Là em của vạn kiếp phôi pha/ Là anh của vạn đầu em nhỏ…); thành tình cảm luyến lưu, bịn rịn giữa người về với người ở (trong Việt Bắc).

+ Giọng điệu sôi nổi, nhiệt huyết; hình ảnh thơ tươi sáng, giàu tính biều tượng (Từ ấy); giọng điệu tâm tình ngọt ngào, lối kết cấu đối đáp, cách sử dụng cặp đại từ mình – ta, hình ảnh thơ đẹp, mang ý nghĩa biểu trưng… (Việt Bắc)

– Khẳng định tính chất trữ tình chính trị là một trong những nét đặc trưng nổi bật trong phong cách nghệ thuật thơ Tố Hữu. Có thể lí giải nét đặc trưng này từ chính quan niệm viết thơ để làm cách mạng/ làm cách mạng bằng thơ của tác giả.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *