Phân tích bức tranh tứ bình trong bài thơ Việt Bắc

Văn mẫu lớp 12

Đề bài : Phân tích khổ thơ sau trong  bài Việt Bắc của Tố Hữu:

Ta về mình có nhớ ta

Ta về ta nhớ những hoa cùng người…

Nhớ ai tiếng hát ân tình thủy chung

Bài làm:
Chiến tranh tuy đã đi qua, đau thương tuy đã đi qua, nhưng hậu quả để lại là những nỗi đau mất mát, mà có lẽ cả đời con người ta cũng không thể học cách quên đi để thoải mái vui vẻ  mà sống đến trọn đời. Khoảng thời gian ấy có nhiều chuyện từng trải, có vui, có buồn, nhưng buồn thì nhiều, mà vui thì đếm được bao nhiêu? “Thơ là tiếng nói của tâm hồn” Tố Hữu đã để lại những món quà vô giá mà trong thời gian chiến tranh ta đã từng trải qua, từng hồi ức, kỉ niệm đều đọng lại trong thơ anh, để thế hệ sau tiếp nối và phát huy truyền thống quý báu của dân tộc. Nghĩ về chiến tranh là nghĩ về con người, về cuộc sống khốn khó, về đau thương vì vậy những niềm vui nho nhỏ cũng được người ta trân trọng, nâng niu. Ngày ấy, sau khi rời từ chiến khu Việt Bắc để về Hà Nội tiếp quản chỉ đạo, một trang sử mới được mở ra, hân hoan bao niềm vui, thì cũng là lúc con người ta nói đến “ân nghĩa thủy chung” mà mình đã gắn bó. Đặt mình trong tâm trạng của người ra đi, và đúng là tâm trạng của người đi. Tố Hữu đã dùng Việt Bắc để gián tiếp trải lòng mình, nhớ về Việt Bắc, là nhớ về con người, về thiên nhiên, về những năm tháng đi qua, thật đẹp, thật đáng nhớ, đáng trân trọng. Trong đó nổi bật lên là khổ thơ tứ bình, nói rất hay về Việt Bắc, mà có lẽ đã để lại trong lòng người đọc nhiều ấn tượng khó phai mờ.
Nghĩ về Việt Bắc là mở lời bằng nỗi nhớ, nhớ đến tha thiết con người và thiên nhiên nơi đây, và như một lời ướm hỏi nghĩa tình:
Ta về mình có nhớ ta
Ta về, ta nhớ những hoa cùng người
Điệp từ ta trong hai câu thơ đến bốn lần, nhấn mạnh đến tâm trạng của người ra đi. Vậy là ta đi, ta nhớ những gì, nhớ những “hoa” cùng “người”. Tố Hữu đã dùng biện pháp hoán dụ, “hoa” tượng trưng cho thiên nhiên miền sơn cước, là nơi thiên nhiên Việt Bắc tươi đẹp. Còn người, là chỉ con người Việt Bắc, ta ra đi ta mang cả nỗi nhớ về cuộc sống thiên nhiên nơi đây, và cũng là nỗi nhớ về cả con người nữa. Về “chất vàng mười” của thiên nhiên vùng Việt Bắc.
Rừng xanh hoa chuối đỏ tươi
Đèo cao nắng ánh dao gài thắt lưng
Bức tranh tứ bình được mở ra, mở đầu là bức tranh thiên nhiên mùa đông. Mùa đông đến là sương giá đến, là tiết trời trở lạnh và con người chìm trong giá rét. Tố Hữu dùng sự tương phản đối lập giữa “rừng xanh” một gam màu trầm tĩnh và lạnh lẽo, đối lập với hình ảnh hoa chuối đỏ tươi, là một gam màu nóng, ấm áp và có sức mạnh xua đi lạnh giá. Người chiến sĩ trên bước đường hành quân, dõi mắt ra xa và trông thấy những nõn búp chuối đỏ tươi, vươn mình trong tiết trời giá lạnh, thực là một hình ảnh đẹp đẽ của thiên nhiên. Và con người ta như được tiếp thêm chút sức mạnh, tinh thần lạc quan để tiếp nối hành trình gian truân của mình. Sau mỗi câu tả cảnh, là đan xen một câu tả người, cứ tiếp nối như vậy giữa thiên nhiên và con người, hòa quyện gắn bó trong tiềm thức người ra đi. Hình ảnh con người bước đến đèo mới đẹp làm sao, ánh nắng chiếu vào chiếc dao gài ở thắt lưng, sáng lên lấp lánh. Một hình ảnh hùng vĩ của con người đã làm chủ được thiên nhiên núi rừng.
Ngày xuân mơ nở trắng rừng
Nhớ người đan nón chuốt từng sợi rang
Tiếp đến là bức tranh đẹp đẽ của mùa xuân. Người ta thường nhắc đến xuân là nhắc đến niềm vui sum họp gia đình, là cảnh con người được sống với sự quây quần đầm ấm. Thiên nhiền của Việt Bắc lại mở màn bằng hình ảnh những cây mơ bung nở hoa trắng, tô điểm cảnh sắc Việt Bắc đẹp đến nao lòng, thanh khiết và trong trắng như người dân nơi đây. Biện pháp đảo ngữ “trắng rừng” chuyển đổi cảm giác đột ngột, như diễn tả một sự chuyển màu vội vàng khi trời chuyển xuân và thật mãnh liệt. Con người lúc này hiện lên không phải đối trọi với thiên nhiên như ở bức tranh mùa đông, mà là thể hiện sự tinh tế, chăm chỉ, và tỉ mỉ với công việc. Một hình ảnh đẹp và tài hoa biết bao.
Ve kêu rừng phách đổ vàng
Nhớ cô em gái hái măng một mình
Hiện lên tiếp theo là bức tranh mùa hè, lần này bức tranh sinh động và tuyệt mĩ hơn khi có sự góp mặt của cả âm thanh. Người ta vẫn nói với nhau, tiếng ve là tiếng gọi hè, thì ở Việt Bắc, khi âm thanh ve kêu vang trời, thì khi đó cả rừng phách như đột ngột chuyển sang nền vàng. Dường như tiếng ve chính là hiệu ứng cho rừng phách đổ vàng. Bức tranh này xuất hiện một “cô em gái” một nét chấm phá đầy thơ mộng, hữu tình, ta thấy thật gần gũi và thân quen. Hành động “hái măng một mình” của cô qua cách diễn tả của Tố Hữu chợt khiến ta cảm thương, và ta muốn chia sẻ với cô em gái làm việc vất vả và thầm lặng này.
Rừng thu trăng rọi hòa bình
Nhớ ai tiếng hát ân tình thủy chung.
Trăng thu đi vào trong thơ ca như một niềm thơ lớn, mỗi khi nhắc đến trăng là ta nghĩ đến vẻ đẹp thơ mộng, mang vẻ đẹp, niềm vui, thanh bình. “rừng thu” là cả một không gian tràn ngập sắc thu, ánh trăng chiếu xuống vùng đất này, là chiếu xuống sự thanh bình, an yên, nó được diễn tả qua từ “rọi” như một luồng sáng mạnh, mang đến hòa bình. Trong khung cảnh ấy, đại từ phiếm chỉ “ai” để chỉ người dân Việt Bắc, tiếng hát ân tình thủy chung vang lên chính là lời đáp cho câu hỏi ở đầu đoạn thơ. “ta về mình có nhớ ta” là một lời đồng vọng ngọt ngào sâu lắng thiết tha. Ta nhớ mình, mình cũng nhớ ta, ta ở lại, chắc chắn sẽ luôn mang kỉ niệm với mình.
Bốn mùa luân chuyển quanh năm, Tố Hữu cố  tình đảo mùa đông lên đầu, mục đích để diễn tả, rằng bắt đầu từ khó khăn, sẽ đi đến bằng thắng lợi vinh quang. Nỗi đau nào cũng sẽ được đáp đền bằng niềm vui, và ta hãy luôn cố gắng vì điều đó.
Kết thúc bức tranh tứ bình bằng mùa thu, bằng hòa bình. Là khổ thơ được đánh giá là tuyệt bút ở trong bài Việt Bắc, tác giả sử dụng nhiều biện pháp tu từ, diễn tả trọn vẹn ý nghĩa của từng mùa trong năm, khổ thơ góp phần làm nổi bật tư tưởng của toàn bộ bài thơ. Khiến ta luôn nhớ về Việt Bắc, con người Việt Bắc luôn đẹp và tuyệt vời như thế.

Xem  thêm :Việt Bắc

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *