Phân tích 8 câu đầu bài thơ Việt Bắc, bài văn mẫu 4

Văn mẫu lớp 12

Phân tích 8 câu đầu bài thơ Việt Bắc- Tố Hữu

“Mình về mình có nhớ ta

Mười lăm năm ấy thiết tha mặn nồng…

Cầm tay nhau biết nói gì hôm nay…

Bài văn mẫu số 4

Bài làm

Tố Hữu là lá cờ đầu của thơ ca cách mạng Việt nam. Thơ  ông mang khuynh hướng sử thi và cảm hứng lãng mạn, đậm chất trữ tình. Trong sự nghiệp sáng tác của mình ông đã để lại nhiều tác phẩm có giá trị như tập thơ “Từ ấy”, “Máu và hoa”… trong đó tiêu biểu nhất là bài thơ “Từ ấy” trích trong tập thơ “Từ ấy”. bài thơ đã thể hiện một cách thành công về nỗi nhớ nhung, tâm trạng bồi hồi, lưu luyến trong buổi chia tay của người Việt Bắc với cán bộ cách mạng. Điều đó được thể hiện rõ nhất trong đoạn thơ

“Mình về mình có nhớ ta

Mười lăm năm ấy thiết tha mặn nồng.

Mình về mình có nhớ không

Nhìn cây nhớ núi, nhìn sông nhớ nguồn?

– Tiếng ai tha thiết bên cồn

Bâng khuâng trong dạ, bồn chồn bước đi

Áo chàm đưa buổi phân li

Cầm tay nhau biết nói gì hôm nay…

Việt Bắc là căn cứ địa cách mạng, là cái nôi kháng chiến. Sau chiến thắng Điện Biên Phủ tháng 7 năm 1954 hiệp định Giơ ne vơ được kí kết. Tháng 10 năm 1954 Đảng và chính phủ rời chiến khu Việt bắc trở về Hà Nội. Nhân sự kiện lịch sử ấy Tố Hữu đã viết bài thơ “Việt Bắc”.

Câu thơ mở đầu là một câu hỏi tu từ chứa nhiều cảm xúc:

“Mình về mình có nhớ ta”

“Mình” là chỉ người ra đi-người chiến sĩ cách mạng, “ta” chính là người Việt Bắc. Câu hỏi chính là lời của người ở lại hỏi người ra đi rằng khi người chiến sĩ cách mạng về xuôi rồi còn có nhớ đến người Việt Bắc hay không? Với cách xưng hô “mình-ta” đậm chất ca dao cùng với điệp từ mình đã cho ta thấy được tình cảm gắn bó thân thiết đầy yêu thương, làm cho nỗi nhớ càng trở nên day dứt khôn nguôi. Người Việt Bắc muốn hỏi người kháng chiến có nhớ:

Mười lăm năm ấy thiết tha mặn nồng”

Mười lăm năm là từ chỉ thời gian, là khoảng thời gian gắn bó keo sơn giữa người chiến sĩ và người Việt Bắc. Đó là một khoảng thời gian dài cùng nhau chiến đấu, cùng nhau vượt qua biết bao gian khổ. Từ “ấy” vang lên chứ tác giả không sử dụng từ “đó” như để làm tăng thêm ý nghĩa của khoảng thời gian “mười lăm năm” đồng thời thể hiện sự trân trọng của tác giả với những ngày tháng gắn bó. Những từ “thiết tha”, “mặn nồng” là những từ nhấn mạnh tình cảm gắn bó keo sơn giữa người Việt Bắc và người cách mạng. Qua đó tác giả muốn nhấn mạnh hơn về tình nghĩa thủy chung son sắt luôn hướng tới cách mạng, hướng tới những người chiến sĩ của người dân Việt Bắc.

Câu thơ tiếp theo như một lời nhắc nhở đối với người chiến sĩ cách mạng:

“Mình về mình có nhớ không”

Vẫn là câu hỏi tu từ, vẫn là cách xưng hô “mình” nhưng đây là câu hỏi vang lên như một lời nhắc nhở “có nhớ không”. Người Việt Bắc muốn nhắc nhở người chiến sĩ cách mạng về xuôi hãy nhớ đến Việt Bắc, hãy:

“Nhìn cây nhớ núi nhìn sông nhớ nguồn”

Khi về tới Hà Nội, người cách mạng khi nhìn thấy cây ở Hà Nội phồn hoa thì hãy nhớ đến núi rừng nơi Việt Bắc. Hãy nhớ nơi gắn bó thủy chung, son sắc, nơi người cách mạng và người Việt Bắc đã cùng chiến đấu, cùng nhau vượt qua bao gian khổ. Khi nhìn thấy sông thì hãy nhớ đến nguồn, hãy nhớ đến sông núi Việt Bắc. Nhớ đến những dòng sông cùng các chiến sĩ cách mạng chiến đấu. hay đó chính là lời nhắc nhở của người Việt Bắc đối với người chiến sĩ cách mạng khi trở về xuôi nhìn thấy cảnh vật nơi phồn hoa đô thị tươi đẹp ấy thì hãy nhớ đến con người Việt Bắc, nhớ đến những ngày tháng chiến đấu gian khổ nơi núi rừng đầy hiểm trở, cheo leo.  Điệp từ “nhìn” và “nhớ” dường như đã nhấn mạnh ý hỏi của người ở lại. Mong muốn những người cách mạng luôn nhớ về nơi Việt Bắc. Nơi có những con người sắt son, thủy chung, luôn mong nhớ về người cách mạng.

Bốn câu thơ đầu tiên là lời của người Việt Bắc hỏi người cán bộ về xuôi. Với lối đối đáp cách xưng hô “mình- ta”, điệp từ cùng với từ láy, đặc biệt là kết hợp với câu hỏi tu từ đã cho thấy được tình cảm gắn bó thiết tha, mặn nồng, thủy chung son sắt của người Việt Bắc. Qua đó ta có thể cảm nhận được phẩm chất tốt đẹp của con người nơi đây. Dù phải sống trong khó khăn, đồi núi hiểm trở, thiếu thốn nhưng tình yêu của họ đối với người chiến sĩ là không hề thay đổi, luôn luôn cồn cào, da diết và mãnh liệt.

Vẻ đẹp của đoạn thơ không chỉ là lời của người Việt Bắc mà còn là câu trả lời của người cách mạng dành cho Việt Bắc:

“Tiếng ai tha thiết bên cồn

Bâng khuâng trong dạ bồn chồn bước đi

Áo chàm đưa buổi phân li

Cầm tay nhau biết nói gì hôm nay”

Với đại từ nhân xưng “ai” đó chính là tiếng lòng của người Việt Bắc vang vọng như muốn gọi người chiến sĩ ở lại, hay đó chính là tiếng lòng của người chiến sĩ không muốn chia xa. Từ “tha thiết” như làm cho tiếng gọi đó vang vọng hơn, sâu lắng hơn, làm cho ta cảm nhận được tình cảm giữa Việt Bắc và người cán bộ cách mạng như vô cùng sâu nặng. Câu thơ tiếp theo càng làm rõ hơn điều đó:

“Bâng khuâng trong dạ bồn chồn bước đi”

Từ láy “bang khuâng”, “bồn chồn” chính là để chỉ tâm trạng người ra đi. “Bâng khuâng” là trạng thái lưu luyến day dứt, như còn lâng lâng một điều gì đó sâu sắc lắm trong tình cảm của mình. Nó khiến cho tâm trạng của con người day dứt đến khó chịu ,“bồn chồn” là chỉ sự ray rứt trong tâm trạng của con người như lo lắng điều gì đó. Tất cả đã tạo nên tâm trạng của người chiến sĩ cách mạng về xuôi, khi trở về xuôi vẫn còn mang trong mình nỗi nhung nhớ, ray rứt khôn nguôi, cả sự lo lắng trong tâm trạng của người cán bộ cách mạng. Qua đó ta có thể cảm nhận được tình cảm của người cách mạng đối với Việt Bắc cũng sâu nặng không kém gì tình cảm của người Việt Bắc dành cho họ.

Hai câu thơ cuối là hình ảnh chia tay đầy nước mắt giữa người chiến sĩ cách mạng và người Việt Bắc:

“Áo chàm đưa buổi phân li

Cầm tay nhau biết nói gì hôm nay”

“áo chàm” là màu áo nâu, là màu áo của người nông dân nghèo khổ, cực nhọc, vất vả quanh năm suốt tháng lao động cần cù để phục vụ cho cách mạng. Hình ảnh hoán dụ “áo chàm” chính là để chỉ người Việt Bắc. Những người Việt Bắc ra tiễn những người cách mạng về xuôi trong một tâm trạng day dứt, bâng khuâng. Từ “phân li” như thể hiện buổi chia tay ấy như là sự chia cắt. Dường như họ không muốn rời xa nhau nhưng do hoàn cảnh họ phải chia li, xa rời nhau mỗi người một nơi. Qua đó thể hiện nỗi tiếc thương nhung nhớ, khẳng định tình cảm gắn bó sâu đậm của người Việt Bắc và người chiến sĩ cách mạng. Tình cảm ấy được khẳng định rõ ràng hơn trong câu thơ cuối:

“Cầm tay nhau biết nói gì hôm nay”

Không phải không có gì để nói mà là có quá nhiều điều để nói, không thể nói hết và không biết nói điều gì đầu tiên, từ “biết nói gì” đã thể hiện điều đó. Mười lăm năm gắn bó keo sơn, mười lăm năm cùng nhau vượt qua bao khó khăn gian khổ tình cảm của họ quá sâu đậm, có quá nhiều điều để nói nhưng những lời nói ấy tại sao không thốt nên lời, nó cứ nghẹn lại trong cổ họng mà thứ trào ra chỉ có nước mắt của sự chia li. Không nói ra được họ chỉ biết cầm tay nhau, chỉ hành động “cầm tay” thôi đã cho ta cảm nhận thấy tình yêu thương mặn nồng giữa họ. Hành động “cầm tay” thay cho những lời nói yêu thương, những lời gửi gắm, tình cảm giữa họ dường như được truyền hết qua hành động ấy. Đó còn là sự thể hiện tình cảm, tâm trạng chưa xa đã nhớ của người chiến sĩ cách mạng và đó cũng chính là tiếng lòng của họ.

Tám câu thơ ngắn gọn nhưng mang biết bao ý nghĩ. Qua đó cho ta cảm nhận sâu sắc về tình cảm thủy chung son sắt, gắn bó sâu nặng giữa người Việt Bắc và người cán bộ cách mạng về xuôi. Qua đó ta thấy được tâm trạng bồi hồi lưu luyến day dứt của họ.

Không chỉ thành công về nội dung, đoạn thơ còn thành công về nghệ thuật. Với lối đối đáp, cách xưng hô mình –ta, điệp từ, điệp ngữ cùng với hình ảnh hoán dụ, từ láy, ngôn từ bình dị, đậm đà tính dân tộc, tiêu biểu cho phong cách thơ Tố Hữu.

Qua đoạn thơ ta đã cảm nhận được một cách rõ nét tình cảm, tấm lòng, tình yêu thương mà người Việt Bắc và người cán bộ cách mạng dành cho nhau. Tám câu thơ trong bài thơ “Việt Bắc” của Tố Hữu mang lại cho người đọc nhiều ấn tượng sâu sắc. Những ân tình ấy sẽ sống mãi trong lòng người đọc hôm nay và mai sau.

Xem thêm : Tuyển tập những bài văn mẫu về Việt Bắc : Việt Bắc

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *