Rèn luyện kĩ năng tư duy phản biện trong bài văn nghị luận xã hội

Tài liệu Văn

CHUYÊN ĐỀ

 

TƯ DUY PHẢN BIỆN TRONG BÀI VĂN NGHỊ LUẬN XÃ HỘI

 

 

  1. PHẦN MỞ ĐẦU
  2. Lí do chọn đề tài

Tư duy phản biện là một kĩ năng quan trọng giúp chúng ta khám phá những khía cạnh khác nhau của vấn đề, biết hoài nghi và đặt câu hỏi về mọi sự vật hiện tượng xung quanh mình, sự phản biện chính là động lực và con đường giúp chúng ta tìm ra chân lí. Đứng trước thực tế này, trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo cũng đã có những chuyển biến tích cực và phù hợp nhằm phát huy tối đa năng lực của người học. Đặc biệt đối việc ra đề và kiểm tra đánh giá theo hướng mở trong bài văn nghị luận nói chung và NLXH nói riêng, đòi hỏi học sinh phải tự biết bày tỏ suy nghĩ, đánh giá của mình về mọi vấn đề trong cuộc sống, từ đó có nhận thức và hành động phù hợp đối với xã hội.

Trong nguồn nhân lực, hiện nay điều được coi trọng nhất là trí tuệ chứ không phải cơ bắp. Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ chứng kiến sự xuất hiện ồ ạt của máy móc, của trí tuệ nhân tạo, đồ vật còn biết “ra lệnh” cho nhau, phối hợp với nhau một cách thông minh. Lẽ nào thầy lại muốn biến học trò của mình thành các robot sinh học, chỉ biết nhận “lệnh” và dùng “cơ bắp” thực hành “lệnh” mà thôi? Công cuộc đổi mới căn bản và toàn diện GD-ĐT được phát động và đang được triển khai hẳn có nhằm vào mục đích thay đổi não trạng này.“Đổi mới giáo dục thì phải đổi mới hoạt động dạy và học, muốn đổi mới hoạt động dạy và học mà không khuyến khích tư duy phản biện, không rèn luyện năng lực phản biện khoa học cho học sinh thì mất hẳn một nội dung cơ bản của đổi mới” (TS. Hồ Thiệu Hùng). Như vậy rèn luyện tư duy phản biện là một vấn đề quan trọng, một yếu tố thiết yếu để lộ trình đổi mới dạy văn- học văn đạt kết quả. Như vậy khuyến khích người học tư duy phản biện cũng là nội dung cơ bản của đổi mới căn bản và toàn diện GD-ĐT, trong đó có đổi mới phương pháp giảng dạy của bộ môn Ngữ văn.

Trong bộ môn Ngữ văn, việc dạy học sinh tư duy phản biện, biết cách thể hiện tư duy phản biện cần thực hiện trong giờ dạy văn, trong cách giải quyết các đề văn theo hướng đề mở như hiện nay. Đề mở không chỉ cần thiết đối với học sinh nói chung mà còn có ý nghĩa quan trọng đối với học sinh giỏi văn nhất là trong kiểu bài NLXH.Tư duy phản biện sẽ giúp các em không thụ động trong tiếp nhận ý kiến, không dễ dàng thỏa hiệp với những luồng quan điểm khác nhau. Biết suy nghĩ toàn diện, nhiều chiều, biết bày tỏ những quan điểm, suy nghĩ riêng về các vấn đề của văn học đặc biệt là các vấn đề của đời sống xã hội. Từ đó, các em sẽ biết cách đưa ra và bảo vệ những kết luận hợp lí và toàn diện của riêng mình, thuyết phục người đọc, người nghe. Ở một mức độ cao hơn nó trở thành một yếu tố sáng tạo vô cùng quan trọng trong bài văn học sinh giỏi, nó đánh dấu năng lực cảm thụ, đánh giá và nhìn nhận cuộc đời của học sinh giỏi văn.

Trong thực tế dạy học, chấm bài thi (THNTHPT QG và thi Học sinh giỏi), chúng tôi nhận thấy học sinh thường bày tỏ quan điểm trong bài nghị luận xã hội theo hướng một chiều, ít có sự phản biện, hoặc phản biện mang tính hình thức, gợi ra vấn đề mà thiếu khả năng lập luận phản biện. Giáo viên khi giảng dạy chưa để khoảng trống để hình thành kĩ năng và thói quen phản biện cho học sinh.Khi phản biện cần thuyết phục người khác hướng tới những kết luận chính xác hơn. Phản biện phải mang tính khánh quan, khoa học, tránh lấy “phản đối” làm “phản biện”. Phản biện cần có tâm sáng, tầm cao, cách đúng. Cái khó nhất của việc phát huy khả năng phản biện của học sinh là ở hai điểm: thứ nhất, khó thay đổi tư tưởng, quan điểm của giáo viên (họ quen nghĩ mình luôn đúng trước học trò, thậm chí coi phản biện của học sinh là hành vi vô lễ); thứ hai, tầm hiểu biết của học sinh thường bị giới hạn, cùng với kĩ năng lập luận chưa tốt. Chính vì thế, đề cao mối quan hệ thực sự thân thiện giữa giáo viên và học sinh là điều rất cần thiết.Kĩ năng lập luận –phản biện không phải ngày một ngày hai mà có được mà phải luyện tập trong một thời gian dài, đòi hỏi sự cố gắng và nỗ lực của cả giáo viên và học sinh. Nếu có phương pháp hợp lí, người viết tin rằng học sinh sẽ tiến bộ nhanh chóng và sử dụng phản biện một cách sắc bén, hiệu quả.

  1. Mục đích của đề tài

Từ những thực tế của việc dạy và học kể trên trên chúng tôi đã chọn đề tài này với mục đích trình bày những hiểu biết của mình về khái niệm tư duy phản biện, tầm quan trọng của việc hình thành tư duy phản biện,vai trò và cách thức sử dụng hợp lí tư duy phản biện trong  bài văn nghị luận xã hội. Sau đó xin được giới thiệu những kỹ năng cơ bản để phản biện,cách thức rèn tư duy phản biện, thể hiện tư duy phản biện trong bài văn nghị luận xã hội với đối tượng là học sinh giỏi. Chuyên đề nhằm hai mục đích:

Với học sinh: đề tài đưa ra một vài cách thức giúp học sinh giỏi có thêm kỹ năng phản biện trong viết văn nghị luận xã hội, để học sinh tự tin chủ động sáng tạo khi làm bài, thể hiện đúng chất của học sinh giỏi văn, đáp ứng tốt yêu cầu của việc thi cử theo tinh thần đổi mới của những năm gần đây.

Với giáo viên: cần có ý thức hơn trong giảng dạy và ôn luyện bên cạnh việc cung cấp kiến thức cũng cần chú ý tới việc rèn kỹ năng làm bài và trong đó có việc rèn tư duy phản biện trong văn nghị luận xã hội cho học sinh giỏi.

            3.Đối tượng nghiên cứu và phạm vi nghiên cứu

*Đối tượng nghiên cứu:

-Đối tượng lí luận: Tư duy phản biện, kiểu bài nghị luận xã hội(các dạng bài NLXH, đặc điểm, đặc trưng…).

-Đối tượng nghiên cứu: Các kiểu bài NLXH, cách thức hướng dẫn học sinh hình thành tư duy phản biện,cách vận dụng tư duy phản biện vào việc giải quyết các kiểu bài văn nghị luận xã hội.

-Đối tượng thực tiễn: Học sinh giỏi Văn, các bài văn nghị luận xã hội của học sinh giỏi văn.

*Phạm vi nghiên cứu: Chúng tôi nghiên cứu cách thức hướng dẫn học sinh giỏi môn Ngữ văn hình thành tư duy phản biện, vận dụng tư duy phản biện vào bài văn nghị luận xã hội.

  1. Phương pháp nghiên cứu

Phương pháp nghiên cứu tài liệu: chúng tôi tiến hành tập hợp các tài liệu liên quan đến tư duy phản biện, thể loại văn nghị luận, đặc biệt là văn nghị luận xã hội để nghiên cứu.

Phương pháp thực nghiệm: loại thực nghiệm này nhằm đưa những biện pháp rèn luyện kĩ năng sử dụng tư duy phản biện trong dạy học văn nghị luận xã hội để rút ra kết luận cụ thể và tính thực thi của đề tài.

            5.Cấu trúc chuyên đề        

Ngoài phần mở đầu và kết luận, nội dung chuyên đề gồm ba chương:

Chương I. Giới thuyết chung

Chương II. Rèn tư duy phản biện trong bài văn nghị luận xã hội.

Chương III.Một số đề và bài viết tham khảo.

 

  1. PHẦN NỘI DUNG

 

CHƯƠNG 1. GIỚI THUYẾT CHUNG

           

  1. Khái lược về văn nghị luận
  2. Khái niệm: Nghị luận

Nghị luận là bàn bạc đánh giá một vấn đề. Văn nghị luận là dạng bài văn người viết bàn bạc, trao đổi ý kiến, trình bày quan điểm, thái độ của mình về một vấn đề nhằm thuyết phục người đọc, người nghe chấp nhận, đồng tình với quan điểm của mình.

Dựa vào phạm vi vấn đề được bàn bạc trong bài văn, có thể phân loại hai dạng bài văn nghị luận: Nghị luận văn học và nghị luận xã hội.

  1. Nghị luận xã hội

Nghị luận xã hội là một dạng bài trong văn nghị luận, dùng lí lẽ và dẫn chứng để bàn bạc về một vấn đề xã hội nhằm thể hiện quan điểm, tư tưởng, lập trường của người viết. Đề tài của dạng bài nghị luận xã hội hết sức rộng mở gắn liền với đời sống thực tiễn phong phú đa diện đa chiều. Nó gồm tất cả những vấn đề về tư tưởng, đạo lí, lối sống, quan niệm sống hay một hiện tượng tích cực hoặc tiêu cực đang diễn ra trong cuộc sống hàng ngày.

Nghị luận xã hội là dạng bài văn ghi đậm dấu ấn cá nhân của người viết. Trước các vấn đề xã hội, người viết có quyền bộc lộ thẳng thắn suy nghĩ, quan điểm của mình, có quyền đồng tình hoặc không đồng tình, bảo vệ quan điểm của mình hoặc phản bác những ý kiến đi ngược lại với nhận thức của bản thân.

Văn nghị luận xã hội được phân loại thành các dạng sau: nghị luận về hiện tượng đời sống, nghị luận về tư tưởng đạo lí và nghị luận về vấn đề xã hội đặt ra trong tác phẩm văn học.

  1. Tư duy phản biện-Tầm quan trọng của việc rèn tư duy phản biện

1.Khái niệm tư duy phản biện

Có người nói tư duy là suy nghĩ nhưng không phải mọi suy nghĩ đều là tư duy. Khi bạn bắt đầu đặt câu hỏi và tìm câu trả lời, thì đó cũng là lúc bạn đang tư duy. “Một người biết đặt câu hỏi là một người biết tư duy” (William Wilen). Về mặt thuật ngữ thì critical thinking là tư duy phê phán, tư duy phản biện, hai thuật ngữ tiếng Việt này là như nhau.

Theo Sơ đồ tư duy phản biện của John Hilsdon, Đại học Plymouth thì từ một vấn đề nào đó, chúng ta cần mô tả nó, thu thập thông tin về nó (5W1H: what – cái gì, when – khi nào, who – ai, where – ở đâu, why – tại sao, how – như thế nào), sau đó phân tích và đánh giá xem thông tin đó là gì, người ta đưa ra thông tin đó nhằm mục đích gì, điều gì sẽ xảy ra tiếp theo (What it? So what? What next?). Cần phải đặt ra những câu hỏi đằng sau một vấn đề được đưa ra để đào sâu vấn đề, đó là mục tiêu của tư duy phản biện.

Theo tài liệu tập huấn về Kỹ Năng Sống của tổ chức World Vision Việt Nam, thì có hai định nghĩa về tư duy phản biện:

“Tư duy phản biện là một quá trình tư duy biện chứng gồm phân tích và đánh giá một thông tin đã có theo các cách nhìn khác cho vấn đề đã đặt ra nhằm làm sáng tỏ và khẳng định lại tính chính xác của vấn đề. Lập luận phản biện phải rõ ràng, lôgíc, đầy đủ bằng chứng, tỉ mỉ và công tâm”.

“Tư duy phê phán là hoạt động nhận thức của trí óc có đặc điểm nhìn vấn đề một cách hoài nghi tích cực, nhiều chiều, lật lại vấn đề / không xuôi chiều để phân tích độ tin cậy, nhìn nhận vấn đề một cách hợp lý, chỉ ra chỗ không hợp lý. Sau đó, sử dụng lý lẽ, luận cứ, lập luận chặt chẽ, logic, có cơ sở thuyết phục để bảo vệ chính kiến / chân lý, lẽ phải, các quan điểm khác nhau”.

Thông qua một số góc nhìn mà chúng tôi đã tìm hiểu, có thể khái quát lại một vài ý khi nói đến khái niệm tư duy phản biện như sau: Tư duy phản biện là một quá trình cân nhắc phức tạp, vận dụng tích cực trí tuệ vào việc phân tích, tổng hợp, đánh giá nhiều chiều về sự việc… từ sự quan sát, kinh nghiệm, chứng cứ, thông tin và lí lẽ nhằm đưa ra nhận định về sự việc hay hiện tượng và hình thành cách ứng xử của mỗi cá nhân.

            2.Vai trò, vị trí của việc rèn tư duy phản biện

Tư duy phản biện là “NGHĨ KHÁC”, biết nhìn vấn đề với một suy nghĩ khác, biết ẩn ý đằng sau mỗi thông tin, biết mở rộng vấn đề, đào sâu vấn đề.

            Tại sao cần tư duy phản biện? cần đến mức nào?

Tư duy phản biện rất cần cho xã hội vì nếu không có tư duy phản biện thì xã hội không phát triển và xã hội sẽ dần đi đến thoái bộ, thậm chí là thụt lùi. Nếu không có tư duy phản biện người ta dễ bị dẫn dụ, bị lợi dụng vào những mục đích nào đó, vào chủ ý của một thế lực nào đó hoặc của một con người nào đó. Mỗi con người cần phải có tư duy phản biện trong đời sống, trong nhận thức, trong từng quyết định của mình. Nếu có tư duy phản biện sẽ làm xã hội mở, xã hội phát triển.Khi có tư duy phản biện, chúng ta sẽ biết cách quản lý đời sống của mình phụ thuộc vào những gì chúng ta tin là thật và những khẳng định – chân lý chúng ta chấp nhận. Tư duy phản biện giúp giải quyết vấn đề hay thuyết phục người khác một cách thấu tình, đạt lý. Nó giúp hiểu biết sâu về những quan điểm của bản thân cũng như những người xung quanh. Cần tránh những nhận định sai lầm do định kiến, những lý thuyết giáo điều hay những niềm tin mù quáng. Tư duy phản biện sẽ giúp ta vượt qua niềm tin cũ (nếu sai lầm, lạc hậu), xác lập niềm tin mới, và chúng ta sẽ có tư duy mở trước sự thay đổi.Vì vậy việc hình thành cho học sinh tư duy phản biện là hết sức cần thiết với những lợi ích quan trọng,cụ thể như sau:

Tư duy phản biện giúp học sinh vượt ra khỏi cách suy nghĩ theo
khuôn mẫu, thói quen, truyền thống có sẵn. Với tinh thần phản biện, học sinh sẽ
vượt khỏi những quan niệm truyền thống, thoát ra khỏi những rào cản của định
kiến trong suy nghĩ, nỗ lực tìm cách tiếp cận cái mới. Học sinh sẽ tập trung tìm
hiểu những ý tưởng mới hoặc tìm cách phát hiện những giá trị mới của vấn đề
tưởng như đã là muôn thủa, cũ kỹ. Từ đó, có tâm thế sẵn sàng đón nhận cái mới,
cái tiến bộ trong suy nghĩ, trong cuộc sống. Khi có ý thức rõ ràng trong việc phải
nhìn nhận mọi vấn đề dưới góc nhìn mới, chắc chắn sẽ đưa lại những kết quả
khác, mới lạ, có tính sáng tạo cao. Vì vậy, việc rèn luyện cho học sinh suy nghĩ
theo lối phản biện sẽ kích thích khả năng sáng tạo trong tư duy của các em.
Tư duy phản biện giúp học sinh suy nghĩ một vấn đề theo nhiều
chiều hướng khác nhau với những cách giải quyết khác nhau với những cách
giải quyết khác nhau. Do đó, học sinh sẽ có cái nhìn đa chiều trước một vấn đề
cần giải quyết trong cuộc sống, trong học tập, tránh được hiện tượng nhìn nhận
xem xét vấn đề một chiều, phiến diện

Tư duy phản biện giúp học sinh có ý thức rõ ràng hơn trong lắng
nghe và tôn trọng ý kiến người khác trong lúc tranh luận, giảm tự ái (nếu có) và
sẵn sàng chấp nhận sự thật hơn, cho dù có thể sự thật đó không làm bản thân hài
lòng. Có tư duy phản biện, học sinh sẽ phát triển khả năng lắng nghe các ý kiến
khác với ý kiến của mình và cố gắng tìm hiểu sự thật, tìm hiểu bản chất của vấn
đề, thấu hiểu vấn đề trước khi đưa ra kết luận về vấn đề đó. Học sinh sẽ dám
thừa nhận cái sai của mình, sẵn sàng hơn khi thừa nhận cái đúng của người khác
và vì vậy dễ thiết lập được quan hệ tốt với mọi người

Tư duy phản biện giúp cho học sinh – với tư cách là chủ thể tư duy
có phương pháp tư duy độc lập, nhìn ra những hạn chế và những sai lầm dễ mắc
phải trong quá trình tư duy của chính mình. Từ đó, giúp học sinh đưa ra những
nhận định, phán đoán tối ưu nhất có thể. Ngoài ra, học sinh sẽ nhận thức được
rằng có nhiều ý tưởng là điều rất tốt nhưng quan trọng hơn là việc thực hiện ý
tưởng có khả thi hay không? Làm thế nào để thực hiện được ý tưởng đó?

Tư duy phản biện giúp cho học sinh suy nghĩ theo hướng tích
cực, giảm đươc trạng thái tâm lí buồn rầu, thất vọng, chán đời, mất lòng tin khi
gặp thất bại trong cuộc sống, trong học tập, trong các mối quan hệ.
Tư duy phản biện giúp học sinh nỗ lực cập nhật, chắt lọc được
thông tin cần thiết, có giá trị, bổ ích cho bản thân trong một biển thông tin rộng
lớn. Từ đó nâng cao kĩ năng tiếp cận mọi nguồn tin, tìm tin và xử lí thông tin
một cách sáng tạo. Việc học và rèn luyện tư duy phản biện một cách tích cực sẽ
hỗ trợ quá trình tiêu hóa kiến thức của học sinh. Giúp các em suy nghĩ độc lập,
tư duy theo hướng mở, nhận thức mọi vấn đề một cách rõ ràng hơn, biết phân
tích, tổng hợp, so sánh, đánh giá, từ đó suy nghĩ chín chắn hơn, tự ra quyết định
và hành động phù hợp.

            Tóm lại. Trong thời đại bùng nổ thông tin, cần phải phản biện vì thông tin rất mau bị lỗi thời. Cần đánh giá tính xác thực của thông tin vì có quá nhiều luồng thông tin đến với chúng ta. Cần lọc ra những thông tin cần thiết, những thông tin chất lượng, những thông tin đáng tin cậy, những muốn phản biện thì người dân phải có môi trường phản biện, phải được cung cấp thông tin mới phản biện được vì phản biện dựa trên thông tin chứ không chỉ dựa trên lập luận.tin hợp lý, những thông tin có lợi, những thông tin đã được kiểm chứng.

 

 

 

CHƯƠNG 2. RÈN TƯ DUY PHẢN BIỆN TRONG VĂN NGHỊ LUẬN

           

  1. Tư duy phản biện trong bài văn nghị luận

            1.1. Sự cần thiết của tư duy phản biện trong bài văn nghị luận

Khác với các bài văn thuộc các phương thức biểu đạt khác,  văn nghị luận là văn của tư duy lí tính, là sản phẩm của tư duy, trí tuệ của con người, trong đó có tư duy phản biện.

Tư duy phản biện xuất hiện trong bài văn nghị luận khi người viết thực hiện quá trình tư duy nhằm chất vấn các giả định hay giả thiết, là cách để khẳng định một nhận định nào đó là đúng hoặc sai, vừa đúng vừa sai, đúng hoặc sai trong từng trường hợp, tình huống cụ thể…Do vậy, mặc dù không ý thức một cách rõ ràng hay không chủ định một cách khoa học thì người viết văn nghị luận ít nhiều đều đã sử dụng tư duy phản biện và thể hiện tư duy đó bằng ngôn ngữ. Tư duy phản biện là một trong những yếu tố quyết định thành công của bài văn nghị luận xã hội, bởi vì:

– Tư duy phản biện giúp cho các nội dung trong luận điểm, luận cứ của bài văn được sáng rõ, chặt chẽ, do vậy, vấn đề nghị luận được hiện lên trong bài viết  một cách rõ ràng, xác đáng.

– Tư duy phản biện giúp cho người viết có ý thức quan sát cuộc sống, tích lũy kiến thức về văn học, về cuộc sống…và biết cách sử dụng những trải nghiệm, kiến thức của bản thân vào viết bài nghị luận, đồng thời giải thích được những điều đó bằng tư duy trừu tượng.

– Tư duy phản biện giúp cho người viết đưa ra được những kiến giải, đánh giá hợp lí, đề xuất được phương hướng giải quyết vấn đề phù hợp và hiệu quả trong bài văn nghị luận.

– Tư duy phản biện đem đến cho người viết những suy nghĩ trong nhiều chiều hướng khác nhau khi nhìn nhận một vấn đề hay đi tìm câu trả lời, một hướng nhìn đúng đắn tích cực…cho bài văn, từ đó đêm đến cho bài văn nghị luận sự thấu đáo, chặt chẽ, và cao nhất là tính thuyết phục.

Với những lợi ích của tư duy phản biện trong văn nghị luận như trên, ta thấy tầm quan trọng của tư duy phản biện trong hoạt động tư duy của con người nói chung, trong một lĩnh vực cụ thể là viết bài văn nghị luận nói riêng. Do vậy, với cương vị là một giáo viên dạy văn, giáo viên bồi dưỡng học sinh năng khiếu môn ngữ văn nhất định cần phải chú trọng phát huy kĩ năng tư duy phản biện cho các em, một mặt để thúc đẩy quá trình phát triển tư duy toàn diện, mặt khác phát huy năng khiếu, nâng cao kết quả viết bài văn nghị luận.

1.2. Thực tế về tư duy phản biện trong bài văn nghị luận của học sinh hiện nay

Qua thực tế chấm thi THPT QG, tôi thấy bài làm của học sinh nhìn chung mang tính chất học thuộc, tìm đỏ cả mắt cũng khó mà thấy dấu ấn sáng tạo của cá nhân học sinh. Bài thi nghị luận văn học có nhiều bài tương tự nhau, có tính chất công thức, máy móc, còn bài nghị luận xã hội thì nói chung sơ lược, nông cạn, không có sự sắc sảo, độc đáo. Tình trạng học sinh làm bài theo kiểu học thuộc, học vẹt hay theo mẫu, theo dạng đã trở thành một căn bệnh trầm kha của giáo dục phổ thông. Trong phiếu chấm bài thi THPT Quốc gia 2017 có điểm dành cho sự sáng tạo của học sinh(0,25 trong câu viết đoạn NLVH và 0,5 điểm trong câu NLVH), phần đọc hiểu đáp án rất mở học sinh khi bày tỏ quan điểm có thể đồng ý hoạc không đồng ý vẫn đạt được điểm nếu biết cách lí giải hợp lí.Song trên thực tế số bài đạt được điểm sáng tạo này rất ít. Có thể nói cái yếu nhất của học sinh hiện nay có  là năng lực sáng tạo, sự độc lập trong tư duy. Các em quen với lối tiếp thu tri thức một chiều, ghi nhớ và lặp lại theo mẫu. Dự giờ hội giảng của đồng nghiệp, thấy các em phát biểu khá nhiều, song chủ yếu là nói lại thông tin trong SGK, nội dung đơn giản, ít có sự phát hiện, dấu ấn riêng.

Nguyên nhân của tình trạng nói trên xuất phát từ mô hình “thầy truyền thụ – trò ghi nhớ” đã tồn tại từ rất lâu trong giáo dục. Gắn liền với mô hình đó là quan niệm về thầy giỏi đồng nghĩa với “dạy hay, thuyết giảng hấp dẫn” và trò giỏi tức là “chăm ngoan, thuộc bài”. Mô hình này được duy trì từ tiểu học lên THPT, thậm chí cả lên đại học. Nhiều nhà giáo vẫn quan niệm trò cãi lại thầy, có ý kiến khác với thầy là thiếu tôn trọng thầy. Trong môi trường đó, tư duy phản biện của học sinh không có điều kiện phát huy.

Đối với bài viết của học sinh giỏi Văn yêu cầu sáng tạo trong cách cảm, cách nghĩ, cách viết là một vấn đề được đặt ra hàng đầu và từ lâu. Học sinh giỏi văn cần biết chắt lọc, đánh giá, cảm thụ văn theo cách riêng, biết lật lại vấn đề,xem xét vấn đề một cách toàn diện, mở rộng vấn đề sắc sảo Các em phần lớn đã thể hiện được quan điểm và tư duy phản biện của mình trong bài viết văn song trong từng kiểu bài cũng có sự chênh lệch. Tư duy phản biện trong bài NLXH thường tốt hơn được chú ý nhiều hơn so với bài văn NLVH. Tuy nhiện việc làm này vẫn còn mang tính hình thức đưa ra cho có,tư duy phản biện thụ động phản biện theo gợi ý của thầy cô, hoặc đưa ra phản biện nhưng lại thiếu tư duy để phản biện, thiếu kĩ năng lập luận để làm sáng tỏ và thuyết phục vấn đề.

Khoảng chục năm trở lại đây, ngành giáo dục triển khai nhiều phong trào đổi mới phương pháp giáo dục với phương châm phát huy sự độc lập, sáng tạo của học sinh như “lấy học sinh làm trung tâm”, “nói không với đọc – chép”. Tuy nhiên, hiệu quả thực sự của biện pháp này còn rất nhỏ so với tiềm năng… Cái mô hình cốt lõi “thầy truyền thụ – trò ghi nhớ” vẫn không lay chuyển.

Có nhiều lí do dẫn tới việc đổi mới phương pháp dạy học tiến triển còn chậm, dù ngành giáo dục đã có nhiều nỗ lực. Trước hết là yếu tố con người: các nhà quản lý giáo dục, nhà giáo hiện nay đều là sản phẩm của phương pháp giáo dục cũ, coi đó là chuẩn mực, ít có nhu cầu đổi mới phương pháp dạy học theo hướng phát huy tư duy phản biện của người học. Một bộ phận giáo viên năng lực không đáp ứng được yêu cầu dạy học theo hướng rèn luyện tư duy phản biện cho học sinh. Mặt khác, chương trình quá tải, phương tiện dạy học thiếu thốn… nên giáo viên dù muốn cũng đành phải dạy theo kiểu “đọc – chép” cho kịp chương trình. Về phía học sinh, ngoài lí do chương trình quá tải, tâm lý thực dụng, đối phó theo kiểu “học để thi”, học để lên lớp, lấy bằng cấp triệt tiêu tâm lí tích cực, chủ động trong học tập. Một lí do nữa là do từ nhỏ các em đã quen với kiểu học tập thuộc lòng thụ động nên khó thích ứng với môi trường giáo dục đòi hỏi sự chủ động, độc lập, sáng tạo trong tiếp thu, xử lý thông tin, kiến thức.

Có câu danh ngôn đại ý: Khi một con người không có cái gì là của riêng mình, thì phải thấy ở người đó không có cái gì hết. Nếu không được giáo dục về tư duy phản biện, học sinh có nguy cơ trở thành những con người trì trệ, thụ động, thiếu hụt về tính nhân văn. Một nền giáo dục không có tư duy phản biện sẽ rơi vào khủng hoảng và làm xã hội trì trệ. Vì vậy, hơn lúc nào hết, xã hội đòi hỏi một cuộc cách mạng trong tư duy giáo dục, để đào tạo ra một thế hệ công dân năng động, sáng tạo, đáp ứng yêu cầu của đất nước trong thời kì hội nhập.

            1.3. Cách rèn luyện tư duy phản biện trong văn nghị luận

Với những vai trò, ý nghĩa quan trọng như đã trình bày ở trên, việc sử dụng tư duy phản biện trong bài văn nghị luận là cần thiết. Song đây không phải là việc làm đơn giản. Trừ một số trường hợp học sinh có thói quen tư duy phản biện và sử dụng tư duy đó một cách tự nhiên, thuần thục trong bài văn nghị luận thì đa phần học sinh, kể cả học sinh năng khiếu không có kĩ năng hoặc ít sử dụng tư duy này trong quá trình làm bài. Vấn đề đặt ra đối với người giáo viên dạy văn, đặc biệt là giáo viên có nhiệm vụ bồi dưỡng học sinh năng khiếu môn văn là phải thực hiện rèn kĩ năng tư duy phản biện cho học sinh trong làm văn nghị luận, để bài làm văn có lí lẽ xác đáng, lập luận chặt chẽ, thể hiện được tư duy sắc sảo, logic, biện chứng, và mục đích cụ thể nhất là để nhằm nâng cao chất lượng bài làm văn.

1.3.1 Kỹ năng tư duy phản biện trong làm văn nghị luận

Bài văn nghị luận đòi hỏi học sinh trình bày ý kiến bàn luận, đánh giá của mình về một vấn đề cụ thể được nêu ra ở đề bài. Vấn đề nghị luận thường được xác lập bởi người ra đề và đa phần là những vấn đề được xem là đúng, mang tính chất chân lí. Đây chính là một nguyên nhân quan trọng ảnh hưởng đến tính thường xuyên của việc rèn kỹ năng tư duy phản biện trong làm văn nghị luận cho học sinh. Tư duy phản biện được hiểu là quá trình tư duy mà học sinh khi đứng trước một vấn đề mới được đưa ra, không mặc nhiên thừa nhận nó là đúng hoàn toàn, là chân lí tuyệt đối mà đặt ra các câu hỏi xem xét và tranh luận với mọi ý tưởng, biết nghi ngờ với những điều mình chưa rõ chưa thể cho là đúng, thiết lập lại lối tư duy về một phát ngôn và lập luận nào đó, phản biện lại nhằm đưa ra một lối phản biện khác.

Chẳng hạn, khi viết về sự ngây thơ, trong sáng của nhân vật Mị Châu trong Truyện An Dương Vương và Mị Châu- Trọng Thủy, học sinh có thể đặt ra câu hỏi: sự trong sáng ngây thơ đến mức cả tin để đến mất nước như vậy hóa thành châu ngọc có thỏa đáng không? Trọng Thủy là kẻ mưu mô nham hiểm như vậy, Mị Châu vì sai lầm tin hắn mà phải chết, cả cơ đồ mà vua cha sau bao gian lao gây dựng mới thành đã rơi vào tay giặc, mà sau cùng ngọc Mị Châu rửa trong nước giếng Trọng Thủy lại ngời sáng lạ thường, như thế là nhằm ý gì?…

Hay khi nghị luận về vấn đề “Thời gian là vàng bạc”, học sinh có thể không hoàn toàn đồng tình, mà nhận ra cái không thỏa đáng của so sánh trên: vàng bạc là thứ quý giá, nhưng đơn thuần là thước đo các giá trị vật chất, hoàn toàn có thể hoán đổi, trao đi lấy lại, hết rồi lại có, vơi rồi lại đầy, sao có thể để so sánh với sự quý giá của thời gian một đi không trở lại, một nguồn quỹ mà đã tiêu đi rồi là mất đi vĩnh viễn của đời người?

Vậy làm thế nào để rèn luyện cho học sinh kỹ năng tư duy phản biện khi làm văn nghị luận? Sau đây là một số vấn đề cần lưu tâm trong việc định hướng tư duy cho học sinh, để phát huy tư duy phản biện:

Trước hết, để học sinh có được tư duy phản biện, giáo viên phải cho học sinh nhận thức được rằng học sinh được quyền và cần phải có tư duy phản biện khi làm văn nghị luận, tránh thói quen tư duy dễ dàng chấp nhận mọi vấn đề mà thầy cô đưa ra mặc nhiên là đúng hay thành kiến trong tư tưởng không chấp nhận cái mới và sự khác biệt. Phải giúp học sinh hiểu rằng trước một vấn đề đưa ra, không nên chỉ tán dương khẳng định theo lối xuôi chiều hay nghĩ theo những gì thông thường nhất mà số đông theo, một góc nhìn duy nhất, ngược lại, cần nhận thức rằng trước một vấn đề cần có nhiều góc nhìn, nhiều cách lí giải khác nhau để soi chiếu vấn đề từ nhiều các khía cạnh khác nhau, có thể đưa ra ý kiến tranh luận hoàn toàn khác biệt, miễn là nó đủ thuyết phục. Để có được điều này học sinh cần có sự độc lập nhất định về tư tưởng để không dễ dàng chấp nhận hùa theo số đông, theo điều đã được mặc nhiên thừa nhận.

Thứ hai, để rèn luyện tư duy phản biện cho học sinh, cần phải biết vận dụng những tiêu chuẩn để đưa ra tranh luận. Các tiêu chuẩn được đưa ra phản biện phải có tính lo gic, thuyết phục, tránh khăng khăng cực đoan để bảo vệ ý kiến của mình mà người đọc cảm thấy lỏng lẻo, thiếu thuyết phục. Ví dụ như khi viết về tư tưởng nhân đạo của Ngô Tất Tố trong Tắt đèn, ý kiến phản biện đưa ra để bác bỏ là tác giả đã cố tình làm xấu hình ảnh người đàn ông Việt Nam khi xây dựng nhân vật anh Dậu, một người trụ cột gia đình mà ốm đau bệnh tật không giúp đỡ được gì cho vợ con, còn trở thành gánh nặng để vợ con vì mình mà thêm bao nỗi cay cực, một hình ảnh dúm dó khổ hạnh đầy nhát sợ… mà không nhìn thấy ở đây cái khốn khổ trong số phận của nhân vật là do lịch sử, do hoàn cảnh xã hội gây ra, mang sức phản ánh hiện thực chân thực, sâu sắc, thể hiện tấm lòng thương cảm của nhà văn dành cho nỗi đau khổ của con người, mang sức tố cáo mạnh mẽ đối với tội ác của chế độ thực dân phong kiến đẩy con người đến hoàn cảnh đầy bi kịch. Vì vậy, đây là phản biện cực đoan, cảm tính, thiếu thuyết phục.

Một vấn đề quan trọng trong việc rèn kĩ năng tư duy phản biện cho học sinh trong làm bài văn nghị luận là học sinh cần phải có kiến thức để phản biện. Một ý kiến phản biện chỉ có sức thuyết phục khi đủ căn cứ, đủ dữ liệu để minh chứng cho lập luận của mình. Học sinh thiếu kiến thức sẽ ngại tranh luận, sẽ khó thực hiện tư duy phản biện, bởi vậy, nhất thiết cần trang bị kiến thức để sử dụng trong quá trình làm văn. Đây không phải việc có thể thực hiện trong một thời điểm mà phải là cả một quá trình, vì vậy quan trọng nhất là phải hình thành ý thức cho học sinh về sự cần thiết phải tích lũy kiến thức. Đó là những trải nghiệm từ cuộc sống, những quan sát, tìm hiểu, cảm nhận, đó là những kiến thức được học, đọc được trong sách vở. Học sinh cần phải hiểu rộng, hiểu sâu để khi đứng trước một vấn đề cụ thể nào đó có thể dễ dàng nhận ra đâu là đúng, đâu là sai hay chưa toàn diện, chưa thỏa đáng, chưa toàn diện và thỏa đáng ở đâu, dựa vào đâu để có thể nói như thế…

Như vậy, để rèn tư duy phản biện cho học sinh đòi hỏi giáo viên phải thực hiện nhiều thao tác, công đoạn một cách thường xuyên, liên tục, đồng thời cũng đòi hỏi môi trường giáo dục, môi trường xã hội có tính khuyến khích đối với tư duy phản biện để tư duy phản biện trở thành cần thiết đối với sự phát triển của xã hội, cần có trong phát triển tư duy của mỗi con người, cần thể hiện trong mỗi bài văn nghị luận của học sinh.

            1.3.2 Kỹ năng thể hiện tư duy phản biện trong làm văn nghị luận

Khi có được tư duy phản biện, học sinh cần thể hiện tư duy đó dưới dạng ngôn ngữ trong bài văn nghị luận. Một quy luật gắn với tư duy ngôn ngữ đó là: tư duy rõ ràng thì diễn đạt mới trong sáng. Chính vì vậy, tư duy phản biện là gốc rễ để bài văn giàu tính thuyết phục. Tuy nhiên, trong quá trình cụ thể hóa tư duy thành ngôn ngữ cần chú ý những điểm sau:

– Xác định vấn đề cần phản biện

– Chỉ ra một cách cặn kẽ, rõ ràng trên cơ sở những lí lẽ chặt chẽ và dẫn chứng xác đáng:  tại sao vấn đề trên cần được nhìn nhận lại? Cần nhìn nhận lại ở những góc độ nào? Khi nào? … Ở bước này, học sinh cần huy động vốn kiến thức và kĩ năng lập luận để trình bày.

– Đề xuất phương hướng hoặc cách nhìn nhận đúng đắn vấn đề.

Như vậy, việc rèn kĩ năng tư duy phản biện trong viết văn nghị luận cho học sinh là việc làm cần thiết đối với mỗi giáo viên dạy văn, đặc biệt là giáo viên dạy đội tuyển học sinh giỏi để phát triển tư duy cho học sinh đồng thời nâng cao chất lượng cho bài làm văn nghị luận.

  1. Một số biện pháp rèn luyện kĩ năng tư duy phản biện cho học sinh THPT trong bài văn nghị luận xã hội

            2.1. Rèn luyện kĩ năng tư duy phản biện cho học sinh thông qua việc ra đề

            2.1.1. Quan điểm chung

            Với học sinh THPT, vốn tri thức, vốn sống của các em chưa nhiều, để trao đổi bàn luận về những vấn đề chính trị, xã hội, đạo đức, lối sống vốn trừu tượng, phức tạp và đôi khi nhạy cảm là rất khó. Vì vậy, với các em học sinh, để viết được một bài văn nghị luận xã hội hay là không dễ dàng gì. Để giải quyết vấn đề này, các giáo viên cần đầu tư cho việc tạo ra các đề văn nghị luận xã hội, đặc biệt là các đề văn theo định hướng tư duy phản biện để giúp các em rèn kĩ năng tư duy phản biện trong bài viết của mình.        Tuy nhiên, không phải tất cả các đề bài nghị luận xã hội đều được ra theo định hướng tư duy phản biện.

Nhưng nói chung, hầu hết các bài văn nghị luận xã hội khi yêu cầu học sinh bàn về một tư tưởng đạo lí hay một hiện tượng đời sống đều đòi hỏi học sinh xem xét mọi mặt của vấn đề một cách thấu đáo để tăng tính thuyết phục, nghĩa là có sử dụng tư duy phản biện.

            2.1.2. Các yêu cầu chung của đề văn nghị luận xã hội theo định hướng tư duy phản biện

            Luận đề cần rõ ràng, mạch lạc: Một đề văn nghị luận xã hội  cần phải rõ ràng, mạch lạc mới hình thành cơ sở lí luận và cơ sở thực tiễn để bàn luận và làm sáng tỏ vấn đề. Luận đề thường được nêu ra ngắn gọn dưới dạng một câu hỏi, một ý kiến của danh nhân hay một tình huống có vấn đề để người viết vận dụng mọi hiểu biết để giải quyết vấn đề.

Cấu trúc đề tương đối rõ ràng: Quan niệm mới về đề văn nghị luận nói chung, NLXH nói riêng có thể chỉ nêu vấn đề cần bàn bạc, cần làm sáng tỏ mà không nêu yêu cầu về kiểu bài. Nghĩa là vận dụng thao tác nào làm sáng tỏ vấn đề thì không nên cứng nhắc. Học sinh tùy vào vấn đề mà đề bài yêu cầu mà lựa chọn các thao tác, kĩ năng lập luận cho phù hợp. Đề văn theo cấu trúc này còn gọi là đề mở, đề không giới hạn.

Ví dụ: Hãy trình bày suy nghĩ của anh/ chị về quan niệm: “Có ba cách để tự làm giàu mình: mỉm cười, cho đi và tha thứ”  (Theo Hạt giống tâm hồn – NXB Tổng hợp TP HCM, 2008)

Điều quan trọng là học sinh phải thấy được tính chất đan xen của các thao tác và hướng tới việc vận dụng các thao tác trong bài văn nghị luận nói chung theo yêu cầu của kiểu đề văn mới.

Đề vừa sức với học sinh THPT: Câu trả lời cho câu hỏi: Thế nào là một đề văn vừa sức? quả thực không dễ dàng. Với học sinh THPT, vốn sống và vốn tri thức của các em không nhiều, nếu đặt ra những vấn đề mang tính hàn lâm để tranh luận thì các em sẽ gặp khó khăn. Vì vậy, về nội dung, vấn đề nghị luận phải gần gũi, quen thuộc với cuộc sống thực tiễn; về hình thức thì nên linh hoạt, mềm dẻo, không cứng nhắc giáo điều.

Ví dụ: Phải chăng sống ảo có nguy cơ đánh mất giá trị thực?

                         Viết một bài văn ngắn, trình bày ý kiến của anh/ chị về vấn đề trên.

            2.1.3. Yêu cầu cụ thể của một đề văn NLXH theo định hướng tư duy phản biện

* Đề văn chứa tính có vấn đề:

Đây là yêu cầu của đề văn dựa trên yêu cầu của phương pháp dạy học nêu vấn đề – một phương pháp được coi là hiện đại và có nhiều khả năng trong việc phát triển tưu duy trí tuệ cho học sinh. Phương pháp này có thể kích thích tư duy theo con đường tiếp thu – tái hiện. Đây là lối dạy học dựa vào những khả năng, quy luật của tư duy, đặc biệt là kĩ năng tư duy phản biện. Trong dạy học nêu vấn đề, kiến thức không được đưa đến dưới hình thức có sẵn mà phải thông qua những tình huống có vấn đề đặt ra trước mặt học sinh. Và chỉ có hoàn cảnh có vấn đề mới kích thích được tư duy con người. Tuy nhiên, ngoài hoàn cảnh có vấn đề, để quá trình tư duy có thể diễn ra cần có điều kiện là con người phải ý thức được hoàn cảnh đó, nắm được mâu thuẫn chúa đựng trong vấn đề đồng thời phải có nhu cầu nhận thức giải quyết vấn đề và đặc biệt cần có tri thức cần thiết liên quan đến vấn đề.

Dựa trên những quy luật của tư duy, phương pháp dạy học tiến bộ, việc xây dựng những đề văn có tình huống buộc học sinh phải suy nghĩ, huy động trí tuệ khi làm bài là hoàn toàn phù hợp với yêu cầu của một giờ văn nghị luận xã hội nhằm rèn luyện kĩ năng tư duy phản biện cho học sinh. Đề bài phải phù hợp với đối tượng, đảm bảo tính  khoa học, sát với năng lực học sinh. Đề yêu cầu học sinh khám phá vấn đề cần bàn luận, có cái nhìn xoáy sâu vào vấn đề; từ đó học sinh tạo được khối lượng kiến thức chất lượng, phát triển thêm về phương thức nhận thức và hành động của các em.

Ví dụ: Biết tự hào về bản thân là cần thiết nhưng biết xấu hổ còn quan trọng hơn.

                        Hãy viết một bài văn ngắn (khoảng 600 từ) trình bày suy nghĩ của anh / chị về ý kiến trên.

Đây là một đề văn nghị luận xã hội có tính vấn đề, buộc những công dân sắp sửa bước vào đời phải có cái nhìn trực tiếp đối diện với những điều cơ bản nhất của con người. Đó là sự tự hào, xấu hổ, thói kiêu ngạo hãnh tiến và cả sự tự trọng liêm sỉ…. Với đề bài này, học sinh sẽ phải sử dụng tư duy phản biện để đưa ra cách nhìn nhận về cuộc sống và tự chọn ra con đường đi phù hợp với bản thân mình.

* Đề văn phải có tính mở:

Mục tiêu của mảng văn NLXH là học sinh vận dụng được năng lực tổng hợp vào để giải quyết vấn đề cần bàn luận. Một đề văn hay là đề văn phải có tính mở, tạo cơ hội cho học sinh thể hiện hiểu biết của mình về những vấn đề tư tưởng, triết học, xã hội, phát huy tính sáng tạo của học sinh; mặt khác giúp các em rèn được tư duy phản biện của mình.

Ví dụ: Có ý kiến cho rằng: “Con người từng ngày thay đổi công nghệ nhưng chính công nghệ cũng đang thay đổi cuộc sống con người”.

                        Hãy trình bày suy nghĩ của anh/ chị về ý kiến trên.

            * Đề văn phải hướng vào những vấn đề cuộc sống văn hóa thường nhật của học sinh:

Để viết được một đề văn nghị luận xã hội tốt thì cần phải tạo ra những đề văn giúp học sinh có điều kiện sử dụng vốn sống, vốn hiểu biết hàng ngày của mình. Đó không thể là những đề văn giáo điều khuôn mẫu, xa rời những gì đang xảy ra ngày chính trong cuộc sống của các em.

Ví dụ: “Sự hèn nhát khiến con người tự đánh mất mình, còn dũng khí lại giúp họ được là chính mình”

            Anh / chị hãy viết một bài văn (khoảng 600 chữ) bàn luận về ý kiến trên.

Vấn đề phê phán những kẻ hèn nhát đánh mất mình, đề cao những kẻ dũng khí được sống là mình là những gì đang diễn ra xung quanh cuộc sống của chính các em. Học sinh trình bày quan điểm của cá nhân một cách hợp lí, thuyết phục và theo chiều hướng tích cực.

Người ra đề cũng cần nắm được đặc điểm tâm lí, lứa tuổi này để ra những đề phù hợp. Có như thế, giáo viên mới khiến học sinh thấy được sự gắn bó hữu cơ, qua lại ảnh hưởng giữa kiến thức lí thuyết với thực tiễn, giữa khuôn khổ chật hẹp của kiến thức định hướng sư phạm với sự rộng lớn của kiên thức khoa học, xã hội và nhân văn.

            2.1.4. Một số nguồn ngữ liệu được sử dụng trong đề văn nghị luận xã hội theo định hướng tư duy phản biện

– Ngữ liệu lấy từ các bản tin trên báo chí, những văn bản nhật dụng: Việc thu nhận lấy các thông tin mới đang được bàn tán đang trên các phương tiện thông tin đại  chúng đưa vào đề văn sẽ kích thích được hứng thú làm bài của các em, giúp các em rèn được kĩ năng tư duy phản biện qua các bài văn nghị luận xã hội, với cái nhìn đa chiều về sự việc, xem xét vấn đề một cách logic…

Ví dụ 1: Nghiên cứu của Ridgway và Clayton vẫn chưa nói chắc được rằng liệu việc đăng tải những hình ảnh tự sướng quá nhiều có thật sự gây ra sự rạn vỡ trong các mối quan hệ yêu đương hay không. Thay vào đó, nghiên cứu này lại cho thấy rằng chứng ái kỷ hay việc yêu bản thân thái quá không chỉ làm cho con người quá hài lòng với vẻ ngoài của bản thân và đăng tải nhiều hình ảnh tự sướng, mà còn phải đối mặt với việc yêu đương không thuận lợi.

Dấu hiệu của một người yêu bản thân thái quá là cụm từ chuyên gia dùng để ám chỉ “thói ngạo mạn và tự yêu mình thái quá”. Những người này rất cần sự quan tâm từ người khác, đồng thời họ cũng có những ảo tưởng qua suy nghĩ hay qua hành động và không có khả năng thấu cảm với người khác.

Những người ái kỷ thường phóng đại tầm quan trọng của họ đối với người khác. Mối bận tâm của những người này là về vẻ ngoài của bản thân và thèm muốn được ngưỡng mộ bởi những người xung quanh họ. Đây có thể là một trong các lý do giải thích tại sao họ nghiện sử dụng mạng xã hội và đăng tải nhiều hình tự sướng của bản thân.

            Những người mắc chứng yêu bản thân quá mức cũng thường đăng tải những trạng thái lên Facebook để cập nhật chế độ ăn uống hay thói quen luyện tập thể dục của họ phù hợp với những bận tâm về ngoại hình của chính mình.

(Người mê chụp ảnh selfie có dấu hiệu mắc bệnh ái kỷ

 – Báo Dân sinh, ngày 12/7/2016)

Hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh (chị) về chứng yêu bản thân quá mức của giới trẻ trong xã hội hiện đại.

Ví dụ 2: Chỉ những người làm cha mẹ mới thật sự hiểu rằng đau khổ cũng là sướng vui, dâng hiến cũng là thu hoạch, hy sinh cũng là thỏa mãn. Vì vậy, cha mẹ càng yêu thương con cái bao nhiêu thì sự cho đi càng to lớn bấy nhiêu. Tình yêu ấy như những giọt nước mát lành nhỏ giọt vào trái tim con. Song bản năng sống thôi thúc con người không ngừng phá vỡ tổ kén, nếu quá nhiều vướng víu, ràng buộc của cha mẹ sẽ biến sự hy sinh và dâng hiến vì tình yêu ấy trở thành tấm song sắt kìm kẹp tâm hồn con.

            Kỳ thực, cha mẹ cần phải hy sinh cho con cái một cách sáng suốt. Ở Grand Canyon nước Mỹ có một loài đại bàng, hằng ngày đại bàng mẹ bay 200 dặm chỉ để tìm những cành vạn tuế có gai về làm một cái tổ kiên cố, bên trên phủ lá cây, lông vũ, cỏ dại, cho chim con khỏi bị gai đâm. Chim non lớn dần theo thời gian, một hôm đại bàng mẹ sẽ cố tình phá cái tổ bình yên ấy, thấy vậy lũ chim con ra sức vỗ cánh, sau đó chúng đều biết bay. Cái tổ có gai vừa thể hiện tình yêu thương thầm lặng của đại bàng mẹ, vừa thể hiện sự hiểu biết rộng lớn của nó.

(Trích Vô cùng tàn nhẫn vô cùng yêu thương

                                                            – Sara Imas. NXB Dân trí, 2014, tr 93)

Từ hình ảnh “đại bàng mẹ sẽ cố tình phá cái tổ bình yên ấy, thấy vậy lũ chim con ra sức vỗ cánh, sau đó chúng đều biết bay”, hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ)  trình bày suy nghĩ của anh (chị) về sự trưởng thành của mỗi con người.

            – Ngữ liệu là các ý kiến, châm ngôn, danh ngôn: Các danh ngôn, châm ngôn là những đúc kết kinh nghiệm sống của các học giả, những nhà khoa học, tồn tại theo thời gian và trở thành một bài học vô cùng quý giá với mỗi chúng ta.

Ví dụ 1. Nhà khoa học Pax- tơ có câu: “Không phải nghề nghiệp làm danh giá cho con người mà chính con người làm danh giá cho nghề nghiệp”.

            Từ lời khuyên của nhà khoa học, anh / chị hãy bàn luận về vấn đề chọn ngành nghề của học sinh lớp 12 sau khi tốt nghiệp THPT.

Ví dụ 2. Hãy đọc những câu sau:

            “Hãy đi con đường của mình, để mặc người ta nói” (Dante Alighieri)

            “Người hay hỏi sẽ không lạc đường” (Ngạn ngữ Ba Lan)

            “Cần kiên nhẫn để lắng nghe ý kiến người khác, nghiêm túc nghĩ lại lời người chỉ trích bạn đúng hay sai” (Leonardo Da Vinci)

            Anh/ chị hãy viết bài văn về chủ đề “Tin vào bản thân và tiếp thu ý kiến của người khác”

– Ngữ liệu là một phần, hoặc cả tác phẩm văn học: Những đoạn thơ, những câu chuyện đầy tính nhân văn cũng có khả năng dạy các em rất nhiều về cách ứng xử trong cuộc sống. Thông qua những câu chuyện đó, các em có cái nhìn chân thực về cuộc sống và tạo dựng cho bản thân những hành trang để đi tiếp trên con đường của mình.

Ví dụ 1: Nhà thơ Vũ Quần Phương từng viết:

Có bao giờ sông chảy thẳng đâu em

Sông lượn khúc, lượn dòng mà tới bể.

            Hai câu thơ trên gợi cho em suy nghĩ gì về dòng sông và những bài học cuộc đời rút ra từ đó?

Ví dụ 2: Đọc câu chuyện sau:

Con cáo và con báo

Một lần nọ, cáo và báo cãi nhau xem ai đẹp hơn. Báo khoe từng cái đốm trên khắp bộ da của mình. Còn cáo vốn tự hào về trí khôn của nó hơn vẻ bề ngoài, sau cùng đã cắt ngang sự khoe khoang của báo bằng một câu nói như thế này:

– Có nói gì thì nói, tôi vẫn đẹp hơn anh nhiều, tôi không chỉ có vẻ đẹp bên ngoài mà vẻ đẹp của tôi còn thể hiện qua trí tuệ của tôi nữa kia”

(Ngụ ngôn Ê-dốp)

Từ ý nghĩa của câu chuyện trên, anh/chị hãy viết bài văn bàn luận về sự nhận thức giá trị bản thân của giới trẻ hiện nay?

            2.2. Rèn luyện kĩ năng tư duy phản biện thông qua việc hướng dẫn học sinh tìm hiểu đề, lập ý

            2.2.1. Rèn luyện kĩ năng tư duy phản biện thông qua việc hướng dẫn học sinh tìm hiểu đề

Tìm hiểu đề là công việc cần thiết. Bởi có tìm hiểu đề, ta mới xác định được kiểu đề, đúng yêu cầu của thể loại, đúng nội dung vấn đề, đưa ra các câu hỏi gợi mở để làm rõ vấn đề cần bàn luận. Từ đó, người viết mới tránh được các lỗi lạc đề, lệch trọng tâm vấn đề, hoặc bỏ sót ý của đề. Có tìm hiểu đề người viết mới sử dụng được những kĩ năng tư duy để tạo nên sự thống nhất, hài hòa giữa các phần viết.

Tìm hiểu đề gắn liền với định hướng tư duy phản biện gồm các bước sau:

– Đọc kĩ đề: Đây là khâu quan trọng. Đọc kĩ đề để biết mình phải làm gì. Đọc kĩ đề để có thể phản biện vấn đề mà đề bài đặt ra (các quan điểm, ý kiến, đánh giá…). Đọc kĩ đề để bản thân người học tìm ra những yếu tố then chốt liên quan trực tiếp đến việc giải quyết nội dung của đề bài…

– Nhận diện cấu tạo đề: Đọc kĩ đề và xác định đề thuộc kiểu loại nào (nghị luận về một tư tưởng đạo lí, nghị luận về một hiện tượng đời sống, nghị luận về một vấn đề tư tưởng, xã hội rút ra từ một tác phẩm văn học…). Người ra đề cũng có thể đưa ra các luận đề trực tiếp, gián tiếp hay tự do linh hoạt.

– Phân tích, xác định yêu cầu về nội dung và hình thức nghị luận của đề: Xác định yêu cầu về nội dung nghị luận thực chất là hướng tới trả lời câu hỏi Đề yêu cầu viết về cái gì? Xác định yêu cầu hình thức nghị luận của đề bài, chúng ta cần trả lời câu hỏi Đề yêu cầu viết như thế nào?. Nếu xác định không đúng yêu cầu nội dung và hình thức của đề đồng nghĩa với việc bài viết hỏng.

– Xác định phạm vi và mức độ nghị luận: Người viết cần trả lời các câu hỏi sau: Những lĩnh vực kiến thức liên quan đến nội dung nghị luận? Lựa chọn dẫn chứng thuộc phạm vi nào để làm rõ nội dung nghị luận? Cần giải quyết nội dung nghị luận một cách khái quát hay cụ thể? Cần tán thành hay bác bỏ những vấn đề nào trong đề?

– Đưa ra các câu hỏi gợi dẫn: Học có tư duy phản biện, thực ra là học cách hỏi, khi nào hỏi và hỏi câu gì để có thể làm rõ vấn đề cần bàn luận một cách chính xác nhất. Học cả cách lập luận, khi nào dùng lập luận và dùng phương pháp lập luận nào cho vấn đề được nêu ra. Vì thế, muốn định hướng tưu duy phản biện cho học sinh trong phần tìm hiểu đề thì giáo viên cần hướng học sinh đưa ra những câu hỏi gợi dẫn với vấn đề nghị luận đang được cần bàn. Các câu hỏi buộc học sinh phải động não, suy luận, đánh giá sự việc theo nhiều hướng khác nhau và đưa ra các quan điểm cá nhân về vấn đề đó đồng thời rèn kĩ năng phản biện để bảo vệ quan điểm của mình bằng cách đưa ra các luận điểm, luận cứ chính xác, mạch lạc, logic, nhằm thuyết phục được người đọc, người nghe.

Ví dụ: Vận dụng những kinh nghiệm trong cuộc sống của mình, anh / chị hãy trả lời câu hỏi sau: “Cuộc sống đem lại cho ta điều gì?”

Hãy viết một bài văn ngắn trình bãy suy nghĩ của anh/chị.

Đối với cách tìm hiểu đề thông thường: Giáo viên thường chỉ yêu cầu học sinh xác định được những yêu cầu chính sau đây:

Yêu cầu về nội dung: Suy nghĩ về giá trị của cuộc sống đối với mỗi con người trong xã hội.

Yêu cầu về hình thức thể loại: Bình luận

Yêu cầu về tư liệu: Lấy dẫn chứng trong đời sống thực tế.

Đối với cách tìm hiểu đề có sử dụng kĩ năng tư duy phản biện: Cùng với việc xác định yêu cầu về nội dung, thể loại, phạm vi nghị luận, giáo viên hướng dẫn học sinh đặt ra những câu hỏi gợi dẫn để học sinh có thể tiếp cận gần nhất với vấn đề đang được bàn luận:

+ Cuộc sống là gì?

+ Tại sao lại đặt vấn đề “cuộc sống đem lại cho ta điều gì?”

+ Cuộc sống đem tới cho ta điều gì?

+ Ta thấy cuộc sống có đơn giản không? Tại sao?….

2.2.2. Rèn luyện kĩ năng tư duy phản biện thông qua việc hướng dẫn học sinh lập ý

Lập ý chính là quá trình suy nghĩ có ý thức nhằm định ra những nội dung cơ bản của bài viết trước khi được diễn đạt thành bài văn. Từ luận đề, học sinh xác định các luận điểm lớn, luận điểm nhỏ dựa vào những kiến thức cần thiết cho vấn đê được bàn luận. Sau khi tìm ý, học sinh sẽ tiến hành chọn ý. Về phần công việc này, giáo viên nên chú trọng tới những suy nghĩ chủ quan của học sinh. Giáo viên giữ vai trò là người  giúp học sinh cảm nhận và soi chiếu vấn đề ở nhiều góc nhìn khác nhau theo các câu hỏi gợi dẫn các em đã xác định trong khâu tìm hiểu đề, từ đó các em tự tìm ra con đường đi riêng của mình. Mọi suy nghĩ của các em đều nên được trân trọng, miễn rằng các em có những suy nghĩ tích cực và cách lập luận chặt chẽ, thuyết phục.

Ví dụ: Có anh B và anh C sinh ra trong hai gia đình khác nhau. Cả hai đều có một người bố nghiện ngập. Sau này, anh B trở thành một người luôn đi đầu trong công tác phòng chống tệ nạn xã hội và bạo  lực gia đình. Còn anh B lại là phiên bản của cha anh. Nhà xã hội học cùng đặt một câu hỏi: “Điều gì lại khiến anh trở nên như thế?”. Và nhà xã hội học đã nhận được cùng một câu trả lời: “Có một người cha như thế nên tôi phải như thế”            

            Từ câu chuyện trên, anh/ chị trình bày sự ảnh hưởng của gia đình với mỗi cá nhân con người.

Lập ý nhằm cụ thể hóa định hướng tư duy phản biện:

+ Giải thích: Gia đình là gì?

Là nơi con người ta sinh ra, lớn lên, là cái nôi nuôi dưỡng chở che con người ta khôn lớn.

Là cái nôi hạnh phúc của con người từ bao thế hệ…

+ Bàn luận:

Ảnh hưởng của gia đình đối với mỗi cá nhân? (Gia đình là nơi bao bọc, chở che, là nơi trở về của mỗi con người. Gia đình là nơi con người có thể bộc lộ con người thật của mình không cần giấu diếm. Gia đình là nơi hình thành nuôi dưỡng nhân cách con người…)

Có phải cứ gia đình tốt thì đều sinh ra những người con có nhân cách tốt hay không? Tại sao? (Không phải cứ gia đình tốt sẽ tạo ra được những con người có nhân cách tốt. Muốn tạo ra những nhân cách tốt thì con người đó phải biết thay đổi bản thân mình cho phù hợp cuộc sống, biết khẳng định mình trong cuộc sống, biết giữ mình trước những cám dỗ…)

Ta có nên tuyệt đối hóa vai trò của gia đình không? (Gia đình có ảnh hưởng rất lớn đến việc hình thành nhân cách con người. Gia đình có sự tác động một phần lên sự hình thành nhân cách con người còn cuộc đời của mỗi con người phụ thuộc phần lớn vào chính bản thân họ…)

+ Mở rộng: Gia đình tác động rất lớn lên sự hình thành nhân cách con người. Muốn phát triển nhân cách, con người phải tự chọn cho mình một lối đi phù hợp cho bản thân. Cùng chung tay xây dựng và bảo vệ gia đình và giúp nahu hoàn thiện nhân cách con người.

            2.3. Rèn luyện kĩ năng tư duy phản biện thông qua việc chấm và trả bài

            2.3.1. Rèn luyện kĩ năng tư duy phản biện thông qua việc chấm bài

Trước mỗi bài văn của học sinh, mỗi giáo viên cần có một thái độ cần mẫn, công bằng, chu đáo và tận tâm với các em. Mỗi bài viết đều là sản phẩm trí tuệ của các em, vì vậy người chấm cần phải có thái độ tôn trọng với bài làm của các em dù có thể bài viết chưa được tốt. Thực tế cho thấy, cách chấm điểm, cho điểm và lời phê của thầy cô có thể làm cho học sinh trưởng thành lên và ngược lại, cũng có thể trở thành nỗi ám ảnh đáng sợ với học sinh. Vì thế, giáo viên cũng cần lựa chọn từ ngữ như thế nào để vừa chỉ ra lỗi của học sinh trong bài làm, vừa là một lời động viên, khuyến khích các em không bi quan, chán nản.

Rèn luyện kĩ năng tư duy phản biện thông qua xây dựng đáp án: Khi đọc bài làm của học sinh, nhất là ở các bài viết của học sinh giỏi, nhiều học sinh có thể có những suy nghĩ khác nhau và khác với suy nghĩ của các thầy cô. Bởi các em đang ở độ tuổi trưởng thành, có sự tự ý thức về cuộc sống, ham tìm hiểu khám phá…. Đặc biệt trong thời đại bùng nổ thông tin như hiện nay, các em tiếp cận nhiều luồng thông tin khác nhau, đưa đến nhiều cái nhìn khác nhau về cuộc sống. Vì vậy, người chấm cần phải có thái độ tỉ mỉ, thận trọng khi xem xét bài làm của học sinh, và cần trân trọng những bài văn dám thể hiện suy nghĩ, lập trường riêng của mình về các vấn đề trong cuộc sống. Chính vì thế, khi xây dựng đáp án, giáo viên cũng cần phải xây dựng một đáp án mở, để tránh đưa bài viết của học sinh vào một khuôn mẫu cứng nhắc, không phải huy được tính sáng tạo của các em.

Lời phê của giáo viên trong một bài văn cũng chính là một sự phát hiện, khuyến khích năng lực của học sinh. Một bài làm có kiến thức sâu sắc, có tư duy phản biện, độc lập, sáng tạo không bao giờ thu hẹp bài làm của mình trong khuôn khổ giáo điều, rập khuôn. Bài văn là những phát hiện phong phú, mạch lập luận chặt chẽ, tư duy sắc bén… Khi chấm, giáo viến cần hướng vào và nhấn mạnh những điểm nổi bật đó. Người chấm cần luôn chú ý tới những biểu hiện của tư duy phản biện, những bài có ý tứ mới lạ độc đáo; nhờ đó, chúng ta mới có thể thúc đẩy sự sáng tạo, phát triển tư duy cho học sinh trong quá trình chấm bài.

Lời phê của giáo viên phải là sự phát hiện, khuyến khích những bài làm sử dụng kĩ năng tư duy phản biện tạo phong cách riêng, mang đậm dấu ấn cá nhân trong cách diễn đạt. Bài làm của học sinh nhiều khi cũng là tâm huyết mà học sinh muốn gửi tới thầy cô giáo. Được ghi nhận, khuyến khích kịp thời, các em sẽ tự tin và hứng thú hơn ở nhưng bài sau. Nhưng nếu không được ghi nhận, ngược lại bị phê phán, học sinh sẽ có tâm lí chán nản, không tin tưởng vào khả năng của bản thân. Tùy theo điều kiện và khả năng của giáo viên, đặc điểm của đối tượng học sinh mà giáo viên có thể lựa chọn cho mình một phương pháp tối ưu trong việc chấm bài để rèn luyện kĩ năng tư duy phản biện cho học sinh trong bài văn nghị luận xã hội.

            2.3.1. Rèn luyện kĩ năng tư duy phản biện thông qua việc trả bài

Một giờ trả bài thông thường trải qua các công đoạn: đọc lại đề, lập dàn ý, chữa lỗi, nhận xét chung, thông báo điểm. Nhưng với một giờ trả bài nhằm mục đích rèn luyện tư duy phản biện cho các em thì cần phải làm khác. Giáo viên nên tạo ra một môi trường thảo luận sôi nổi, dân chủ để các em cùng quan sát, xem xét lại bài làm của chính mình và của các bạn về vấn đề nghị luận. Đây cũng là cơ hội để các em thẳng thắn bày tỏ quan điểm của mình, đồng ý hay không đồng ý, bác bỏ ý kiến của người khác hay đưa ra những ý mới giúp cho vấn đề mở ra sâu rộng hơn.

Trên đây là một vài biện pháp cơ bản góp phần rèn luyện kĩ năng tư duy phản biện cho học sinh ở bộ môn Ngữ văn. Tuy nhiên, việc rèn kĩ năng tư duy phản biện cũng cần linh hoạt ở các đối tượng học sinh khác nhau, vận dụng các biện pháp trên một cách thường xuyên và lâu dài để học sinh có cơ hội rèn luyện tư duy phản biện đạt hiệu quả tốt nhất.

 

 

 

CHƯƠNG 3. MỘT SỐ ĐỀ VÀ BÀI VIẾT THAM KHẢO

            Tư duy phản biện có vai trò quan trọng trong việc phát triển tư duy sáng tạo và góp phần phát triển xã hội hiện đại, thay đổi cách nghĩ xuôi chiều hoặc theo định hướng của người khác. Nhưng hiện nay việc ra đề và dạy kĩ năng cho học sinh phản biện từ cấp Tiểu học đến Trung học phổ thông còn nhiều hạn chế. Hầu hết các nhà trường vẫn là cách ra đề truyền thống làm thui chột khả năng suy nghĩ, óc quan sát và phán xét của học sinh và phần nhiều vẫn là những bài  viết theo theo định hướng của thầy cô giáo và  các nhà nghiên cứu nên không khỏi giản đơn và nhàm chán, nhiều khi sáo rỗng. Rõ ràng ngoài việc tiếp thu người khác thì những ý kiến, nhận định của chính bản thân học sinh mới là những phần đóng góp quan trọng nhất cho bài viết tạo nên dấu ấn riêng chứng tỏ học sinh có cái nhìn toàn diện, soi chiếu đối tượng ở nhiều góc độ để đánh giá đúng đối tượng. Cũng không nên nghĩ rằng cứ phản biện là nói ngược lại người khác mà cần hiểu đó là sự nhìn nhận, khám phá theo cách của cá nhân. Ở nhà trường phổ thông chúng ta khi giảng dạy cần hướng học sinh có cách nhìn cách nghĩ riêng. Vì vậy giờ học vừa dân chủ mà đối tượng lại được bàn sâu và kĩ trong cả văn  nghị luận xã hội và văn học. Những câu hỏi tại sao, vì sao, có cách khác không , đã đúng chưa cần được phát huy tối đa. Giáo viên tuyệt đối không nên dạy cách làm bài theo mẫu, nhớ máy móc để học sinh chép và trả bài như giáo viên định hướng. Học sinh có thể nói chưa hay, chưa đúng nhưng nói được quan điểm của chính mình cần phải được khuyến khích. Một khâu quan trọng là ra đề phải tạo được tình huống, nội dung và hứng thú để học sinh phát triển tư duy này. Không ra những đề chỉ cần học sinh nhớ để viết lại hay đề mà mọi học sinh đều đánh giá, bàn luận giống nhau. Sau đây là một số đề và bài viết tuy chưa tiêu biểu nhưng phần nào đã đổi mới được tư duy này.

  1. Giới thiệu một số đề văn

Đề 1:

            Phải, chúng ta đều tỏa sáng, như mặt trăng, như những vì sao và như mặt trời…”

Đó là lời trong một bài hát nổi tiếng của John Lenon, thành viên của ban nhạc huyền thoại The Beatle. Anh chị trình bày suy nghĩ của mình về câu nói trên.

Đề 2: 

Có người nói: “Mỗi người chúng ta đều có thể hạnh phúc khi chúng ta tin rằng mình đang hạnh phúc”. Người khác thì lại cho rằng “hạnh phúc cần phải được đảm bảo bởi những điều kiện nhất định”, chẳng hạn như phải có địa vị xã hội, có tiền bạc thì mới là hạnh phúc.

Hạnh phúc là cái gì đó nằm ngoài tầm kiểm soát của chúng ta hay con người có thể lựa chọn để có hạnh phúc? Hãy viết một bài luận để phát triển quan điểm của bạn về vấn đề này. Hãy củng cố quan điểm và lập luận của mình bằng các ví dụ từ sách báo, các trải nghiệm cá nhân hoặc các quan sát của bạn trong cuộc sống

Đề 3:

            “… Nhặt chi con ốc vàng
Sóng xô vào tận bãi
Những cái gì dễ dãi
Có bao giờ bền lâu…”
(Lâm Thị Mỹ Dạ)

Liệu có phải chúng ta chỉ trân trọng những gì đạt được khi phải vượt qua bao khó khăn gian khổ mà coi nhẹ những gì ta dễ dàng có được? Hãy viết một bài luận để phát triển quan điểm của bạn về vấn đề này. Hãy củng cố quan điểm và lập luận của mình bằng các ví dụ từ sách báo, các trải nghiệm cá nhân hoặc các quan sát của bạn trong cuộc sống.

Đề 4:

“Để có thể thành công đúng với năng lực mà ta có, chúng ta cần phải biết sẵn sàng bỏ qua quan điểm của người khác. Chỉ khi không quan tâm người khác nghĩ gì về mình, chúng ta mới có thể đạt được những mục tiêu quan trọng nhất của cuộc đời”

Liệu phát biểu trên có đúng không? Hãy viết một bài luận để phát triển quan điểm của bạn về vấn đề này. Hãy củng cố quan điểm và lập luận của mình bằng các ví dụ từ sách báo, các trải nghiệm cá nhân hoặc các quan sát của bạn trong cuộc sống.

Đề 5:

Phàm đã sinh ra ở trên đời, ai cũng muốn mình được hạnh phúc. Nhưng hạnh phúc cũng là khái niệm thật khó mà nắm bắt được. Có lẽ một triết gia người Anh đã có lý khi nói rằng: “Việc không đạt được một số điều mà ta mong ước là một phần tất yếu của hạnh phúc”.

Điều gì làm cho ta hạnh phúc hơn: Quá trình theo đuổi khát vọng hay việc đạt được khát vọng đó? Hãy viết một bài luận để phát triển quan điểm của bạn về câu hỏi nêu trên. Hãy củng cố quan điểm và lập luận của mình bằng các ví dụ từ sách báo, các trải nghiệm cá nhân hoặc các quan sát của bạn trong cuộc sống.

Đề 6:

Có người cho rằng: “Ngoài giá trị giải trí, tiểu thuyết, truyện cổ tích, thần thoại, khoa học viễn tưởng… và nói chung những câu chuyện về những nhân vật và sự kiện không có thật – đều vô bổ. Chúng không mang lại thông tin giá trị nào về thế giới thực và chẳng giúp gì ta trong sự phát triển cá nhân cũng như việc nhận biết về thế giới xung quanh”

Liệu những nhân vật, sự kiện không có thật trong văn học có dạy cho chúng ta điều gì ích lợi không? Hãy viết một bài luận để phát triển quan điểm của bạn về vấn đề này. Hãy củng cố quan điểm và lập luận của mình bằng các ví dụ từ sách báo, các trải nghiệm cá nhân hoặc các quan sát của bạn trong cuộc sống.

Đề 7:

“Khi không hài lòng với hoàn cảnh, việc đầu tiên chúng ta thường nghĩ đến là thay đổi nó mà không nghĩ đến cách thay đổi quan trọng và hiệu quả hơn: thay đổi chính quan niệm của chúng ta. Nói một cách khác, chúng ta không nên lo lắng tìm cách thay đổi thế giới cho nó trở nên tốt đẹp hơn mà nên tìm cách thay đổi chính bản thân mình để phù hợp với thế giới đó”.

Bạn có đồng ý với quan điểm trên không? Điều gì là tốt hơn: thay đổi quan niệm của bản thân hay thay đổi hoàn cảnh? Hãy viết một bài luận để phát triển quan điểm của bạn về vấn đề này. Hãy củng cố quan điểm và lập luận của mình bằng các ví dụ từ sách báo, các trải nghiệm cá nhân hoặc các quan sát của bạn trong cuộc sống.

Đề 8:

 Đi dọc đất nước với tâm nguyện tìm lại cội nguồn bằng trải nghiệm của chính mình, chàng trai Việt kiều Trần Hùng John đã có một nhận xét: “Phần nhiều người Việt Nam có tính cách thụ động, là những người đi theo chứ không phải người tiên phong. Nếu có ai đó đi trước và thử trước thì tôi sẽ theo sau chứ không bao giờ là người dẫn đường. Áp lực xã hội khiến bạn phải đi theo con đường đã vẽ sẵn” . Anh chị có đồng tình với ý kiến trên hay không? Hãy trao đổi với Trần Hùng John và bày tỏ quan điểm sống của chính mình.

Đề 9:

Tiếng lành đồn xa nhưng tiếng xấu còn đồn xa hơn. Bạn có chung quan điểm trên không? Hãy bàn luận và đưa ra quan điểm của mình.

  1. Một số bài viết tham khảo
  2. Đề bài:

“Khi không hài lòng với hoàn cảnh, việc đầu tiên chúng ta thường nghĩ đến là thay đổi nó mà không nghĩ đến cách thay đổi quan trọng và hiệu quả hơn: thay đổi chính quan niệm của chúng ta. Nói một cách khác, chúng ta không nên lo lắng tìm cách thay đổi thế giới cho nó trở nên tốt đẹp hơn mà nên tìm cách thay đổi chính bản thân mình để phù hợp với thế giới đó”.

Bạn có đồng ý với quan điểm trên không? Điều gì là tốt hơn: thay đổi quan niệm của bản thân hay thay đổi hoàn cảnh? Hãy viết một bài luận để phát triển quan điểm của bạn về vấn đề này. Hãy củng cố quan điểm và lập luận của mình bằng các ví dụ từ sách báo, các trải nghiệm cá nhân hoặc các quan sát của bạn trong cuộc sống.


Bài làm

Trong những năm gần đây chúng ta liên tục được theo dõi rất nhiều mâu thuẫn về chính trị, kinh tế trên khắp thế giới: đảo chính ở Thái Lan, xung đột giữa Bắc Triều Tiên và Mỹ… Quanh ta trong cuộc sống hàng ngày các cuộc mâu thuẫn cũng hay xảy ra trong gia đình, nhà trường, trên đường phố. Một trong những lý do dẫn đến mâu thuẫn là ý kiến của các cá nhân khác nhau thì không giống nhau. Khi đứng trước những sự việc như vậy, một số người cố gắng thay đổi hoàn cảnh, một số khác lại cho rằng thay đổi bản thân thì hiệu quả hơn. Tôi không đồng ý với ý kiến rằng chúng ta không nên lo lắng thay đổi thế giới mà chỉ cần thay đổi bản thân. Khi không hài lòng với hoàn cảnh, ta nên thay đổi bản thân trước và nếu được, chúng ta hoàn toàn có thể đi đến bước tiếp theo là thay đổi thế giới vì tôi nghĩ thay đổi bản thân và thế giới đều quan trọng như nhau.

Rất nhiều người đã có lý khi cho rằng thay đổi bản thân dễ dàng hơn là thay đổi thế giới. Thật vậy, bản thân chúng ta thuộc quyền kiểm soát của chính chúng ta. Chúng ta hầu như hoàn toàn có khả năng thay đổi như ý muốn. Thế giới bao la rộng lớn, gồm cả tự nhiên và cả xã hội. Một cá thể nhỏ bé sẽ gặp rất nhiều khó khăn để thay đổi thế giới. Khi mới ra nước ngoài, tôi không quen ăn các món cay của Thái Lan hay là carry của Ấn Độ. Sẽ dễ dàng hơn nếu tôi tập ăn cay so với việc tôi yêu cầu đầu bếp nấu các món ăn Việt Nam cho riêng tôi. Việc tôi đã tập ăn cay thành công chứng tỏ rằng việc thay đổi cá nhân có thể là một cách hiệu quả, ít tốn công sức để giải quyết xung đột hoàn cảnh.

Mặt khác, thay đổi bản thân dường như là xu hướng của tự nhiên. Từ hàng trăm triệu năm nay, các loài sinh vật đã tiến hóa để trở nên phù hợp và thích nghi với sự thay đổi của môi trường, theo thuyết tiến hóa của Darwin. Ếch nhái ngủ đông để tiết kiệm năng lượng, động vật có vú có lông để giữ ấm… Trong khi đó, những cố gắng làm thay đổi thế giới xung quanh của loài người đang gặp phải rất nhiều cản trở và tạo ra hậu quả: đập Three Gorges ở Trung Quốc đang hủy hoại nền sinh thái, đốt phá rừng ở Indonesia tạo ra các vụ cháy lớn và bụi bay sang tận Singapore và Malaysia, chưa kể đến hiện tượng nóng toàn cầu (global warming) hay băng tan ở Nam Cực. Xem ra lịch sử và thực tế đã cho thấy chúng ta không nên thay đổi thế giới mà chỉ nên thay đổi bản thân.

Tuy nhiên những người ủng hộ việc thay đổi bản thân đã quên mất rằng việc cá nhân thay đổi thế giới là việc hoàn toàn có thể xảy ra. Khi một cá nhân cảm thấy thế giới quanh mình đang ngừng phát triển, hoặc là đang có xu hướng sai, nếu có tầm nhìn xa và bằng hành động quyết tâm, anh ta có thể thay đổi nó. Lịch sử đã chứng minh nhiều ví dụ, khi một con người thay đổi xã hội quanh mình, thậm chí là cả thế giới. Barack Obama đã làm thay đổi cách người dân Mỹ nhìn người Mỹ gốc Phi, và làm cho ý kiến ủng hộ Mỹ tăng lên trong một năm qua (theo BBC). Albert Einstein nghĩ ra công thức nổi tiếng E=MC2 và làm thay đổi cả cuộc chiến tranh thế giới thứ 2 và cả cách chúng ta sản xuất vũ khí cũng như tạo ra năng lượng trong tương lai. Một cá nhân thay đổi cả thế giới là việc đã xảy ra nhiều lần trong quá khứ và rất có khả năng xảy ra trong tương lai.

Thay đổi bản thân và thay đổi thế giới không nhất thiết phải bị tách rời. Theo tôi, nếu muốn thay đổi để thế giới xung quanh tốt đẹp hơn thì cần thay đổi bản thân trước, sau đó thuyết phục bạn bè, người thân xung quanh thay đổi. Dần dần, nếu sự thay đổi đó tốt sẽ được nhân rộng. Tôi có điều kiện sống và học tập ở Singapore trong 4 năm. Điểm khác biệt lớn nhất tôi thấy được giữa Singapore và Việt Nam là ý thức công cộng. Họ không bao giờ vứt rác ra đường, luôn nhường nhịn nhau trên đường phố. Khi về Việt Nam, tôi cố gắng vận động bạn bè học theo. Lúc đầu họ bảo tôi là không bình thường, nhưng vì tôi thấy việc giữ gìn vệ sinh công cộng là đúng và cần thiết nên vẫn kiên trì. Dần dần, các bạn tôi đã nghe theo và bây giờ họ luôn vứt rác đúng chỗ. Một hành động nhỏ của bản thân hoàn toàn có thể dẫn đến sự thay đổi của xã hội xung quanh.

Thay đổi bản thân hay thay đổi thế giới? Rất nhiều người gặp khó khăn khi đứng trước lựa chọn này. Tại sao chúng ta không chọn cả hai? Thay đổi bản thân trước vì nó dễ dàng và tự nhiên. Dần dần bằng sự quyết tâm chúng ta có thể thay đổi làm cho thế giới tốt đẹp hơn. Cũng có thể biết đâu sau này, chính chúng ta là những người dám đương đầu với thử thách để xây dựng một thế giới mới. Những cá nhân đã thay đổi thế giới là động lực để chúng ta thử làm những điều to tát như lập công ty hoặc ứng cử vào chính phủ. Đó có thể là những con đường để chúng ta trở thành những người vĩ đại

Nguyễn Hà Minh

Đề bài:

Có người cho rằng: con người ta sẽ dễ dàng tiếp thu kiến thức nếu như được sống trong những điều kiện thuận lợi như: bố mẹ quan tam chiều chuộng, gia đình sung túc, giàu có, luôn gặp may mắn thành công trên con đường học vấn cũng như sự nghiệp.

Nhưng cũng có ý kiến cho rằng: bạn không thể học được một điều gì đó thật sự cho đến khi bạn gặp phải khó khăn, phạm phải sai lầm hay trở ngại trên con đường bạn đi. Thử thách không hề cản trở mà càng làm cho bạn trưởng thành hơn.

Bạn nghĩ thế nào về vấn đề trên? Hãy đưa ra những lập luận, dẫn chứng từ chính bản thân bạn hoặc từ những người xung quanh bạn để bảo vệ cho ý kiến của mình.


Bài làm:

Điều mà tôi trải nghiệm được từ cuộc sống, từ những người thân trong gia đình tôi là luôn phải đứng dậy sau mỗi lần vấp ngã, phải rút ra kinh nghiệm để về sau không ngã thêm một lần nữa thì với tôi  lúc nào cũng vẹn nguyên giá trị.

Bởi thế nên tôi không bao giờ ngại đối diện với những khó khăn, những thất bại hay những trở ngại của chính bản thân. Có sao đâu, thử thách luôn giúp ta trưởng thành hơn, dày dạn kinh nghiệm hơn. Và cũng vì thế nên tôi tin rằng mỗi chúng ta không thể học được một điều gì đó thật sự cho tới khi chúng ta phạm phải sai lầm hay vướng mắc. Những con người sinh ra và lớn lên trong một cuộc sống nhung lụa, luôn được bố mẹ nuông chiều, và dường như được số mệnh trải thảm đỏ trên con đường họ đi có lẽ sẽ không bao giờ hiểu được cái cảm giác thất bại. Và vì thế khi họ gặp trắc trở, có ai trong cuộc đời lại chưa từng gặp phải một hòn đá chắn ngang đường và họ sẽ khó lòng gượng dậy mà đi tiếp. Mà ta cứ giả sử rằng họ sẽ may mắn cho đến khi nhắm mắt xuôi tay đi chăng nữa, thì thử hỏi một xã hội chỉ toàn những con người luôn thuận lợi trong bất cứ việc gì họ làm, vậy những rủi ro sẽ do ai hứng chịu đây? Và liệu rằng xã hội ấy có phát triển được hay không?

Bất cứ ai đã từng tập xe đạp đều bị ngã ít nhất một lần. Nếu sau cú ngã ấy, bạn sợ đau, không dám lên xe đi tiếp, thì bạn sẽ chẳng bao giờ có thể đi được xe đạp. Và bạn sẽ bỏ lỡ mất cái cảm giác được làm chủ tay lái của mình, ngắm nhìn cảnh vật trôi qua thật nhanh trước mắt..cái cảm giác thật tự do, hạnh phúc. Hay đã bao giờ bạn được nghe kể về quá trình tập bay của những chú chim non chưa? Khi chim non đã mọc đủ lông đủ cánh, vào một ngày đẹp trời nọ, chim bố,chim mẹ sẽ xô chim non ra khỏi tổ. Chú chim yếu ớt kia sẽ rơi, rơi mãi…cho tới khi chú gắng hết sức dang đôi cánh bay vút lên trời xanh. Hành động tưởng như độc ác kia của chim bố mẹ thực ra lại chứa rất nhiều yêu thương. Nếu để chim non cứ mãi quanh quẩn trong tổ thì trọn đời chú sẽ chỉ như những con gà không thể bay. Phải biết tới nỗi sợ hãi có thể chết khi bị rơi như thế thì những chú chim non mới có đủ động lực để tung cánh ngang trời. Trong cuộc sống cũng đã có ko ít người đã biết đứng dậy sau những cú ngã đầy đau đớn. Ông Lý Tường Tuấn – Tổng giám đốc Tập đoàn tài chính Golden Brigde, Hàn Quốc  một hậu duệ của nhà Lý tại xứ sở kim chi đã bị thất bại bảy lần trước khi lập ra tập đoàn tài chính hàng đầu kia. Ông ấy thành công vì ông ấy biết rút ra kinh nghiệm từ những lần thất bại, bởi “thất bại là mẹ thành công”!
Mỗi lần thử thách sẽ cho ta thêm nhiều bài học quí giá. Đừng sự thử thách.

Trần Ngân Giang

 

 

 

  1. PHẦN KẾT LUẬN

Rèn luyện tư duy phản biện là một kĩ năng cần thiết cho mọi người trong cuộc sống hiện nay và cần nhìn nhận như là một nhân tố phát triển xã hội, một nhân tố dấu tranh với những cái bảo thủ, lạc hậu và trì trệ không dám vươn ra khỏi vòng cương tỏa của những suy nghĩ những định kiến đã không còn là chân lí. Đây được coi như một trong những kĩ năng “vàng” không chỉ ở môn Ngữ văn mà là một trong những kĩ năng cần thiết của bất cứ ai giúp chúng ta nhận diện đúng sai, tốt, xấu, nên hay không nên để đạt  được thành công trong cuộc sống. Việc hướng dẫn học sinh rèn luyện kĩ năng này ngay từ khi mới bước vào ghế nhà trường sẽ tạo ra những công dân độc lập trong suy nghĩ và sáng tạo. Vậy nên việc dạy học  ở nhà trường rất cần thiết  rèn luyện kĩ năng này đặc biệt môn văn luôn đòi hỏi sự sáng tạo, không dập khuôn, máy móc. Đây cũng chính là một nhân tố góp phần đổi mới phương pháp giảng dạy môn Ngữ văn ở nhà trường phổ thông hiện nay.

 

 

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

 

  1. Dự án Việt Bỉ (2010), Dạy và học tích cực – một số phương pháp và kĩ thuật dạy học, NXB Đại học sư phạm Hà Nội.
  2. Hoàng Dân (2012), Đề văn nghị luận xã hội, NXB Thanh niên, Hà Nội.
  3. Nguyễn Trung Kiên (2012), Về vai trò của tư duy phản biện và những yêu cầu cho việc giảng dạy ở Việt Nam, Phát triển và hội nhập, tr 80 – 83, NXB TP HCM.
  4. Nguyễn Quốc Siêu (2001), Kỹ năng làm văn nghị luận phổ thông, NXB Giáo dục.
  5. Tony Buzan (2007), bản đồ tư duy trong công việc, NXB Lao động xã hội.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *