Đề đọc hiểu và nghị luận xã hội 200 chữ :Tư duy phản biện

Đề thi THPT Quốc Gia

ĐỌC HIỂU (3 điểm):

Đọc đoạn trích sau:

Hiểu một cách đơn giản, tư duy phản biện là việc chúng ta không chấp nhận ngay lập tức một vấn đề, dù nó hấp dẫn và có vẻ dễ tin đến đầu. Luôn có nhiều mặt cần xem xét đối với vấn đề ấy và phải trải qua quá trình tư duy, bao gồm các giai đoạn từ thu thập dữ liệu, phân tích, lập luận, đánh giá rồi mới đi đến kết luận cuối cùng. Kết quả của quá trình đó là tính chính xác của vấn đề được làm sáng tỏ (…)

Với sự lên ngôi của mạng xã hội, thông tin được chia sẻ rộng rãi trong thế giới phẳng đang thay đổi con người một cách sâu sắc. Trang bị tư duy phản biện trở thành nhu cầu thiết thân để mỗi cá nhân tồn tại được giữa những đợt sóng thông tin khổng lồ, ứng xử hợp lý trước các tác động tích cực lẫn tiêu cực và thế giới mạng mang lại (…)

Khi nhận được một thông tin, phản ứng đầu tiên trên mạng thường là chỉ trích, thiếu quá trình xác minh thông tin đó đúng hay không, có các mặt tốt và xấu nào. Vì thế mới có các vụ thông tin giả tràn lan. Một tấm ảnh chụp bộ xe hơi đồ chơi đăng tải cũng có thể khiến dư luận dậy sóng truy tìm chủ nhân các “siêu xe”. Một thông tin xào nấu từ bài báo cũ, thêm thắt chi tiết bạo lực, cũng được lan truyền gây hoang mang sợ hãi. Những tin đồn về cái chết của ai đó, dù họ vẫn sống, được chia sẻ mà không cần suy nghĩ. ..

Trở thành một netizen, khá đông người trẻ rơi vào một trong hai thái cực: Hoặc vì thiếu góc nhìn riêng, lười suy xét, cảm thấy khó khăn khi phân biệt đúng sai, chúng ta sẽ tìm đến một số cá nhân có tiếng nói mạnh hơn, chờ đợi ý kiến và quan điểm của họ. Chính từ đây hình thành nên những đám đông dễ bị kích động, với những vụ “ném đá tập thể” đã và sẽ còn tiếp tục xảy ra. Hoặc trường hợp thứ hai, chúng ta trở thành chính các cá nhân mạnh mẽ có thể dẫn dắt đám đông, gây nên những cuộc tranh cãi ồn ào. Vấn đề là ở đây, khi trình bày quan điểm, các bước phân tích, đánh giá không được dùng đến. Tiêu chí chính xác bị bỏ qua. Mục tiêu tìm kiếm sự thật bị gạt bỏ, nhường bước cho mong muốn bằng mọi giá giành phần thắng trong cuộc chiến”. Và như thế, hầu hết những cá nhân này rơi vào bẫy nguy biện.

(http://kenh14.vn/la-chu-cuu-trong-bong-toi-hay-cam-khien-va

giao-len-buoc-ra-vung-sang-20171202010302908.chn)

Thực hiện những yêu cầu:

Câu 1. Dựa vào đoạn trích, hãy cho biết hiểu một cách đơn giản, tư duy phản biện là gì?

Câu 2. Theo tác giả, tại sao tư duy phản biện trở thành nhu cầu thiết thân của mỗi cá nhân trong thế giới phẳng hiện nay?

Câu 3. Anh/chị hiểu thế nào là “bẫy ngụy biện” được đề cập trong đoạn trích?

Câu 4. Theo anh/chị, tư duy phản biện có đồng nghĩa với sự phản đối không?

LÀM VĂN (7 điểm):

Câu 1 (2 điểm)

Từ nội dung đoạn trích ở phần Đọc hiểu, hãy viết 01 đoạn văn (khoảng 200 chữ) về những hệ lụy của việc “ném đá tập thể” xảy ra gần đây trên mạng xã hội?

GỢI Ý GIẢI ĐỀ:

ĐỌC HIỂU (3,0 điểm):

Câu 1. Hiểu một cách đơn giản, tư duy phản biệnlà việc chúng ta không chấp nhận ngay lập tức một vấn đề, dù nó hấp dẫn và có vẻ dễ tin đến đâu.

Câu 2. Theo tác giả, tư duy phản biện trở thành nhu cầu thiết thân của mỗi cá nhân trong thế giới phẳng hiện nay là để mỗi cá nhân tồn tại được giữa những đợt sóng thông tin khổng lồ, ứng xử hợp lý trước các tác động tích cực lẫn tiêu cực và thế giới mạng mang lại.

Câu 3. Có thể hiểu “bẫy ngụy biện” được đề cập trong đoạn trích là cái “bẫy” mà một số người tự tạo ra cho mình. Họ thường bao biện, đổ lỗi, quy chụp, đánh tráo khái niệm… khi muốn giành phần thắng về mình mà không phân tích đúng – sai.

Câu 4. Tư duy phản biện không đồng nghĩa với sự phản đối vì tư duy phản biện là một quá trình biện chứng bao gồm sự phân tích và đánh giá thông tin đã có theo cách nhìn khác nhằm làm sáng tỏ và khẳng định tính chính xác của vấn đề, trong khi phản đối phần lớn biểu thị một thái độ như chống lại, không tuân theo..

LÀM VĂN (7 điểm):

Câu 1 (2 điểm)

Yêu cầu: Đảm bảo dung lượng (khoảng 200 chữ); hình thức, nội dung của đoạn văn; HS có thể trình bày đoạn văn theo cách diễn dịch, quy nạp, tổng phân hợp, song hành, móc xích; có thể lựa chọn các thao tác lập luận phù hợp để triển khai vấn đềnghị luận: những hệ lụy của việc “ném đá tập thể” xẩy gần đây trên mạng xã hội.

Sau đây là một gợi ý:

– Việc “ném đá tập thể” xảy ra gần đây trên mạng xã hội gây ra nhiều hệ lụy. Đối với cá nhân, việc “ném đá tập thể” có thể khiến những nạn nhân của nó rơi vào hoảng loạn, bị tổn thương nặng nề, mất niềm tin vào cuộc sống…

– Đối với cộng đồng, việc “ném đá tập thể” trên mạng gây hiệu ứng tiêu cực, làm mất đi những mối quan hệ tốt đẹp trong cuộc sống thực, không đảm bảo được sự công bằng, văn minh; vi phạm những chuẩn mựcđạo đức…

*Đoạn văn tham khảo:

Việc ném đá tập thể một cá nhân trên mạng xã hội đã và đang gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng. Một nữ ca sĩ rơi vào tình trạng trầm cảm trong thời gian dài vì cư dân mạng hùa nhau công kích và phản đối chuyện tình cảm của cô với bạn trai. Một nữ sinh trung học đã chọn cách từ bỏ cuộc sống tươi đẹp dở dang phía trước vì không chịu được những lời nói độc địa của mọi người trên mạng xã hội khi bị lộ những hình ảnh nhạy cảm. Như vậy chúng ta có thể dễ dàng thấy được, những cá nhân bị ném đá tập thể trên mạng xã hội nhẹ thì trầm cảm, nặng thì tự kết liễu đời mình. Ném đá tập thể khiến cho người chịu công kích rơi vào trạng thái hụt hẫng, hoảng loạn, hoàn toàn mất đi niềm tin vào chính mình và người khác. Trong trường hợp xấu nhất, nạn nhân tìm đến cái chết nghĩa là xã hội đã mất đi một lao động, để lại vết thương khó lành cho gia đình và những người xung quanh. Việc ném đá tập thể trên mạng xã hội tưởng là “ảo” mà lại gây ra những hậu quả “thật”, ảnh hưởng tới sự ổn định và phát triển, không chỉ của cá nhân mà còn của cộng đồng. Vì vậy, mỗi người hãy trở thành “cư dân mạng” văn minh để chung tay xây dựng cuộc sống hạnh phúc.

================= HẾT =================

 

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *