Phân tích nhân vật Mỵ trong hai lần miêu tả

Đề thi khối 12

 ĐỀ: Trong truyện ngắn Vợ chồng A Phủ, nhà văn Tô Hoài hai lần đối sánh Mị với con trâu, con ngựa. Ở đoạn đầu tác phẩm: “Bây giờ thì Mị tưởng mình cũng là con trâu, mình cũng là con ngựa, là con ngựa phải đổi ở cái tàu ngựa nhà này đến ở cái tàu ngựa nhà khác, ngựa chỉ biết ăn cỏ, biết  đi làm mà thôi”. Trong đêm mùa xuân, sau khi bị A Sử trói đứng: “Mị vùng bước đi, nhưng tay chân đau không cựa được. Mị  không nghe tiếng sáo nữa. Chỉ còn tiếng chân ngựa đạp vào vách. Ngựa vẫn đứng yên, gãi chân, nhai cỏ. Mị thổn thức nghĩ mình không bằng con ngựa

Phân tích hình ảnh Mị trong hai lần miêu tả trên, từ đó làm nổi bật sự thay đổi của nhân vật.

ĐỊNH HƯỚNG: Đây cũng thuộc dạng bài so sánh 02 chi tiết tương đồng liên quan đến 01 nhân vật từ đó thấy được sự thay đổi tâm lí, nhận thức của nhân vật. Cụ thể qua 02 lần đối sánh Mị với con trâu, con ngựa để thấy Mị có sự thay đổi trong tâm lí, nhận thức: từ mơ hồ đến ý thức rõ về thân phận tủi nhục của bản thân còn khốn khổ hơn thân trâu ngựa. à Giá trị hiện thực và nhân đạo của tp. Tấm lòng của nhà văn với nhân vật.

NỘI DUNG CỤ THỂ:

I.MB: Gọi tên tác giả, tác phẩm, nêu đề

Cách 1: bắt đầu bằng quan niệm VH phản ánh hiện thực c/s  + con người à nêu đề ở dạng tóm tắt. Nguyễn Minh Châu từng nói: “Văn học và cuộc sống là hai đường tròn đồng tâm mà tâm điểm chính là con người”. Qua những ống kính vạn hoa của người nghệ sĩ, cuộc đời hiện lên với bao số phận đáng thương và cũng từ đó những vẻ đẹp tâm hồn tỏa sáng. Tô Hoài với trái tim và lòng thấu hiểu về cuộc sống đồng bàoTây Bắc, nhà văn đã trải lòng mình trên từng trang văn của tp Vợ chồng A Phủ để nói hộ cuộc sống tủi cực của người dân vùng cao Tây Bắc trước ngày giải phóng mà điểm sáng chính là nhân vật Mị. Trong đó hai lần đối sánh Mị với con trâu con ngựa ở đoạn đầu tp và đêm mùa xuân sau khi bị A Sử trói đứng càng khắc họa rõ nét cuộc đời khổ nhục của Mị hơn bao giờ hết.

– Cách 2: bắt đầu bằng quan niệm VH là tiếng nói nhân đạo vì con ngườià nêu đề chi tiết, trích dẫn nguyên văn. Một tp văn học thật sự có giá trị khi nó lên tiếng vì con người, ca ngợi và bảo vệ con người. Thông qua lăng kính tình thương và lòng nhân ái, Tô Hoài đã trình diễn những giá trị nhân đạo nhân văn sâu sắc trong nền văn chương cách mạng. Những giá trị cao đẹp ấy được kết tinh trong tp Vợ chồng A Phủ. Cái nhìn hiện thực sắc bén và lấp lánh nhân đạo của ông được thể hiện qua nhiều chi tiết, những lần đối sánh, những hình ảnh mang giá trị biểu tượng cao… gợi ra những suy nghiệm sâu xa trong lòng người đọc. Ấn tượng nhất là hai lần đối sánh Mị với con trâu, con ngựa ở đoạn đầu tác phẩm: “Bây giờ thì Mị tưởng mình cũng là con trâu, mình cũng là con ngựa, là con ngựa phải đổi ở cái tàu ngựa nhà này đến ở cái tàu ngựa nhà khác, ngựa chỉ biết ăn cỏ, biết  đi làm mà thôi” và trong đêm mùa xuân, sau khi bị A Sử trói đứng: “Mị vùng bước đi, nhưng tay chân đau không cựa được. Mị không nghe tiếng sáo nữa. Chỉ còn tiếng chân ngựa đạp vào vách. Ngựa vẫn đứng yên, gãi chân, nhai cỏ. Mị thổn thức nghĩ mình không bằng con ngựa

II.TB:

1.Giới thiệu khái quát tác giả, tp, nd đề yêu cầu:

– Tô Hoài là cây bút với đời văn đổ bóng qua hai thế kỉ, đạt kỉ lục với hơn hai trăm đầu sách có giá trị, phong phú về nhiều mặt. Ông sáng tác theo xu hướng hiện thực, thiên về phản ánh những sự thật đời thường. Đây cũng là ngòi bút thường viết về đề tài Tây Bắc với phong cách giàu chất thơ, ngôn ngữ giàu chất tạo hình, tinh tế, thể hiện sự hiểu biết phong phú về phong tục tập quán, có sự gần gũi, gắn bó với cuộc sống con người.

 

Vợ chồng A Phủ, được viết vào năm 1952, tiêu biểu cho phong cách văn xuôi của tác giả,  tp được “thai nghén” từ chuyến đi kéo dài tám tháng của nhà văn cùng bộ đội vào giải phóng Tây Bắc – nơi “để thương để nhớ” cho ông, khiến ngòi bút ấy rung lên những trăn trở đau đáu về cuộc sống tủi nhục của những người lao động miền núi trong xã hội thực dân phong kiến, đồng thời phản ánh sức sống tiềm tàng và ý thức phản kháng mãnh liệt của họ.

-Mị là nhân vật chính của truyện, điển hình cho số phận và tâm hồn của người dân Tây Bắc. Để làm bật nổi hình tượng này, Tô Hoài đã dụng công xây dựng nhiều chi tiết đặc sắc, nổi bật trong số đó là chi tiết đối sánh Mị với con trâu con ngựa ở đoạn đầu tp và đêm mùa xuân sau khi bị A Sử trói đứng

2.Lí thuyết:

+ Chi tiết trong tác phẩm tự sự: Chi tiết là các tiểu tiết của tác phẩm mang sức chứa lớn về cảm xúc và tư tưởng. Chi tiết được lựa chọn đưa vào truyện ngắn phải độc đáo, giàu ý nghĩa nghệ thuật, đóng vai trò quan trọng góp phần làm nên nét độc đáo trong nội dung tư tưởng và hình thức nghệ thuật của tác phẩm.

+ Vị trí và vai trò chi tiết hai lần đối sánh Mị với con trâu con ngựa ở đoạn đầu tp và đêm mùa xuân sau khi bị A Sử trói đứng là những chi tiết quan trọng trong việc khắc họa tâm lí nhận thức của nhân vật và bộc lộ tư tưởng chủ đề tác phẩm, tài năng tác giả.

  1. Phân tích: hình ảnh Mị trong hai lần miêu tả:

a/Đối sánh Mị với con trâu con ngựa ở đoạn đầu tp: Bây giờ thì Mị tưởng mình cũng là con trâu, mình cũng là con ngựa, là con ngựa phải đổi ở cái tàu ngựa nhà này đến ở cái tàu ngựa nhà khác, ngựa chỉ biết ăn cỏ, biết  đi làm mà thôi”. ­­Đây là những dòng nội tâm của Mị hé mở cảm thức của Mị về thân phận sau những tháng ngày bị cầm tù bởi cường quyền thần quyền trong nhà cha con thống lí Pá Tra.

Hoàn cảnh dẫn đến chi tiết: Tóm tắt về nhân vật: lai lịch, tính cách, số phận…(khoảng 5-7 dòng): Mị là cô gái trẻ , đẹp , tài hoa, hiếu thảo, có lòng tự trọng, yêu tự do. Vì món nợ truyền kiếp, Mị trở thành con dâu gạt nợ . Cuộc sống ở nhà thống lí như địa ngục trần gian, Mị bị     bóc lột sức lao động, bị hành hạ đến tê liệt cả sức sống. …

-“Bây giờ thì Mị tưởng mình cũng là con trâu, mình cũng là con ngựa”. Ở đoạn đấu tp, số phận Mị  hiện lên thật chua xót, bi kịch qua thủ pháp vật hóa: đối sánh Mị với con trâu con ngựa. Một thân phận cùng cực khi so sánh với kiếp ngựa trâu, những con vật được cho ăn, bị nhốt trong chuồng…để trở thành công cụ lao động từ sáng đến tối, để qua ngày, qua tháng, qua năm chỉ biết ăn rồi làm. Người nhà thống lí đối xử với Mị không khác gì đối xử với con trâu con ngựa nuôi  – một cỗ máy lao động vô tri. Thủ pháp vật hóa càng khắc tả đậm nét số phận đau đớn tủi nhục của Mị, không còn là con người, như một gia súc câm lặng, lầm lũi.

+Bây giờ”mang sắc thái hiện sinh, hiện hữu trong thực tại, không phải là quá khứ, những suy nghĩ hiện lên rõ ràng, đau xót. Khi Mị chưa bị bắt về làm con dâu gạt nợ cho nhà Pá Tra, những ngày sống tự do bên cha, được hưởng tình yêu, hp thì hình ảnh con trâu con ngựa không hề xuất hiện. Đây là dụng ý nghệ thuật cuả nhà văn.

+ Song hành với cảm thức hiện sinh là “Mị tưởng” , chữ tưởng ấy như một định đề cho số phận, gợi lên những liên tưởng đau đớn về sự tự ý thức bản thân “Mị tưởng mình cũng là con trâu, mình cũng là con ngựa””. Cho dù sự nhận thức ấy có mơ hồ, lờ mờ cũng không thể phủ nhận cuộc đời hèn mọn, thống khổ cuả Mị. “tưởnglà hệ quả việc bị kiềm tỏa cả về thể xác và tinh thần đã trùm phủ lên cuộc đời cô gái trẻ ấy những suy nghĩ tiêu cực tự xem mình là loài vật, làm bào mòn, triệt tiêu bản năng sống, ý thức sống, không còn khả năng phản kháng, chống trả. (Liên hệ Câu văn đưa người đọc nhớ lại sự xuất hiện của Mị trong những trang văn đầu giới thiệu đi vào thiên truyện. Hình dáng buồn khổ cùng quẫn bi thương của người con gái “ngồi quay sợi bên tảng đá trước cửa, cạnh tàu ngựa”. Mị lẫn vào với những vật vô tri như tảng đá, gợi số phận như kiếp ngựa trâu).

+Điệp ngữ: “cũng là” như khẳng định chắc nịch, đóng đinh trong suy nghĩ của Mị về thân phận của mình không thể thay đổi được khiến người ta phải cam chịu, phải chấp nhận cho dù nó ngang trái. Điều ấy đã biến một cô gái giàu sức sống như một bông hoa ban phơi phới sức xuân của núi rừng Tây Bắc trở thành người con dâu gạt nợ, kẻ ở trừ nợ không công lầm lũi đáng thương dưới sự chà đạp, áp chế của bọn chúa đất phong kiến.

– Mị coi mình “là con ngựa phải đổi ở cái tàu ngựa nhà này đến ở cái tàu ngựa nhà khác, ngựa chỉ biết ăn cỏ, biết  đi làm mà thôi”

+ Mị tưởng rằng Mị chỉ như vật trao đổi, mua bán của bọn nhà giàu, cũng như Mị đã từng trở thành “món hàng” trừ nợ cho nhà Thống Lí “con ngựa phải đổi ở cài tàu ngựa nhà này đến cái tàu ngựa nhà khác”.

+Câu văn: ngựa chỉ biết ăn cỏ, biết  đi làm mà thôi” như tiếng thở dài não nề của tác giả dành cho những ngày tháng Mị bị đọa đày. Điệp khúc “chỉ biết”… “biết” xoáy sâu vào sự nỗi thống khổ của một con người bị đè nén, kìm kẹp không lối thoát, sống một cuộc đời nô lệ, bị bóc lột sức lao động,tù túng, ngột ngạt, nhàm chán, lặp đi lặp lại những công việc như một thứ khổ sai “mỗi năm mỗi mùa, mỗi tháng lại đi làm: Tết xong thì lên núi hái thuốc phiện, giữa năm thì giặt đay, xe đay, đến mùa thi đi nương bẻ bắp, và dù lúc đi hái củi, lúc bung ngô, lúc nào cũng gài một bó đay trong cánh tay để tước thành sợi. Bao giờ cũng thế, suốt năm suốt đời như thế. Con ngựa con trâu còn có lúc, đêm nó còn được đứng gãi chân, đứng nhai cỏ, đàn bà con gái nhà này thì vùi váo làm việc cả đêm cả ngày”…”. Hai từ “mà thôi” trên trang văn của Tô Hoài như cái buông tay, phó mặc, bất lực cho số phận.

àNhà văn Tô Hoài để hình ảnh Mị xất hiện ngay ở phần đầu tp trong sự so sánh với con trâu con ngựa nhằm khẳng định không phải “ở lâu trong cái khổ, Mị quen khổ rồi” mà chính cuộc sống bị áp bức bóc lột tàn bạo cả về thể xác và tinh thần đã làm một cô Mị trước kia giàu sức sống và khát vọng tự do nay trở nên hoàn toàn tê liệt tinh thần phản kháng thậm chí là chai sạn, vô cảm… Nếu là con người bình thường, Mị sẽ còn khao khát giải thoát khỏi thực tại đen tối nhưng sự thực giờ đây, Mị đã không còn ý thức được mình là con người, trong cô chỉ còn lại thường trực một ý niệm duy nhất, ý niệm về thân phận ngựa trâu của mình. Mà đã là ngựa trâu thì làm gì biết phản kháng, làm gì còn ý thức về một cuộc sống tự do, hạnh phúc. Như vậy, hình ảnh con trâu con ngựa đã trở thành đồng dạng thân phận, biểu tượng cho số phận nô lệ “không thời hạn”, cho cuộc đời cam chịu của Mị ở nhà thống lí Pá Tra, Bản thân hình ảnh ấy đã có sức tố cáo lớn tội ác của bọn thực dân, chúa đất phong kiến  miền núi đã hủy diệt sức sống con người, làm cho họ mãi mãi chấp nhận cuộc sống nô lệ. Đó là sự hủy diệt sự sống, cướp đoạt quyền sống, quyền làm người đáng sợ! Viết những dòng văn hiện thực mà người đọc vẫn nhận ra tấm lòng đau đáu xót thương của Tô Hoài dành cho con người lao động miền rẻo cao Tây Bắc.

b/Đối sánh Mị với con trâu con ngựa trong đêm mùa xuân, sau khi bị A Sử trói đứng: “Mị vùng bước đi, nhưng tay chân đau không cựa được. Mị không nghe tiếng sáo nữa. Chỉ còn tiếng chân ngựa đạp vào vách. Ngựa vẫn đứng yên, gãi chân, nhai cỏ. Mị thổn thức nghĩ mình không bằng con ngựa

Hoàn cảnh dẫn đến chi tiết: Tóm tắt về tâm trạng của Mị trong đêm tình mùa xuân trước khi xuất hiện chi tiết này (khoảng 5-7 dòng): Lắng nghe mùa xuân về qua tiếng sáo, Mị như thấy lòng mình ấm lại. Chính tiếng sáo giúp Mị hồi sinh sức sống. Mị ý thức được giá trị bản thân “Mị còn trẻ, Mị muốn đi chơi”, Mị cũng đã sửa soạn để đi chơi tết… nhưng ý định giải thoát của Mị không thành khi A Sử trở về: Hắn thẳng tay vùi dập tàn nhẫn sự trỗi dậy đó : Nó xách cả một thúng sợi đay ra trói đứng Mị vào cột nhà” Nhưng A Sử chỉ trói được thể xác Mị chứ không trói được tâm hồn của Mị bởi tâm hồn Mị đang tự do dạo chơi trong thế giới của khát vọng sống Trong bóng tối, Mị đứng im lặng, như không biết mình đang bị trói. Hơi rượu nồng nàn, Mị vẫn nghe tiếng sáo đưa Mị đi theo những cuộc chơi, những đám chơi…

 Mị khôngbiết mình bị trói nghĩa là cô không sống bằng thể xác nữa mà thực sự đang sống bằng tâm hồn và tiếng sáo gọi bạn tình đã nhập vào hồn Mị. Mị chập chờn gữa mê và tỉnh sau một cuộc vượt ngục bằng tinh thần Mị vui sướng quá đến nỗi, Mị không biết mình đang bị trói, quên đi cảm giác đau đớn tê dại; chỉ đến khi Mị “vùng bước đi”. Chi tiết diễn tả thật quyết liệt lòng ham sống của Mị. Bất chấp thực tại khổ đau, bước chân Mị muốn được giải thoát.  Nhà văn Tô Hoài với tất cả niềm yêu thương, trân trọng ông dành cho đứa con tinh thần của mình đã để cho Mị được sống tiếp, sống với những khát khao vừa bừng dậy… Đau đớn thay khao khát ấy bị va đập với hiện thực phũ phàng “tay chân đau không cựa được”. Và thực sự cô chỉ tỉnh, sợi dây siết chặt vào da thịt như đứt ra từng mảnh đau đớn”.

– Cô nhận ra thực tại tàn khốc, mọi giấc mơ tan biến: “Mị không nghe tiếng sáo nữa. Chỉ còn tiếng chân ngựa đạp vào vách”. Dòng chảy êm trôi của quá khứ tươi đẹp, ước mơ tự do, khát vọng được giải thoát đã ghẽn lại để nhường chỗ cho thực tại: “tiếng sáo” – biểu tượng cho tình yêu, hạnh phúc, tự do đột ngột biến mất, nhường chỗ cho “tiếng chân ngựa đạp vào vách” – hiện thân của đau đớn tủi cực, hiện thực trần trụi của kiếp ngựa trâu. Hai âm thanh mang giá trị biểu tượng đối nghịch nhau cùng giúp Mị thức tỉnh. Nghĩa là ngọn lửa phản kháng vừa được nhóm lên trong tâm hồn Mị đã lại dần tắt lịm giữa hiện thực tăm tối. Âm thanh tiếng chân ngựa đạp vào vách” đến từ hiện thực  đắng cay không thể chối bỏ.

“Ngựa vẫn đứng yên, gãi chân, nhai cỏ” – câu văn tả thực nhưng vẫn gợi nhiều mặc cảm xót xa. Những động từ nối tiếp và cách ngắt nhịp đều đều trong một câu văn ngắn khiến nhịp văn dần lắng lại sau những cố gắng “vùng bước đi”, sau những chống cự, phản kháng, vùng dây… Nhịp văn về với lời tự sự đều đặn như sự cố phận, như những mệt mỏi, đắng cay mà Mị vẫn phải chịu đựng. Con ngựa thì vẩn ung dung tự tại sống cuộc đời của nó “vẫn đứng yên, gãi chân, nhai cỏ”.

Mị thật sự đối mặt với thực tại sống của bản thân. Tỉnh rồi mới thấy lòng cay đắng “Mị thổn thức nghĩ mình không bằng con ngựa”.

+ “thổn thức” – một từ láy chỉ trạng thái cảm xúc biểu đạt sự xúc động, những đau khổ dồn tụ lâu ngày, xót xa hóa thành tiếng khóc, thành giọt nước mắt đắng cay khi nhận ra số kiếp bất hạnh, tủi nhục của mình. Giọt nước mắt bất lực đầy thương cảm!

+Sắc thái vật hóa lại một lần nữa được Tô Hoài sử dụng khi khắc tả tâm trạng Mị khi bị A Sử trói đứng trong đêm tình mùa xuân. Nhưng lần này, Mị không còn cảm thấy, không còn “tưởng”, không còn  những suy tư mơ hồ, mộng mị mà rõ ràng, cụ thể, ý thức sâu sắc  cội nguồn nỗi thống khổ của bản thân. Mị “nghĩ” “mình không bằng con ngựa”. Sắc thái vật hóa đã đạt đến cao trào khi Mị nhận ra bản thân mình, số phận mình còn không bằng cả thân trâu ngựa. Suy nghĩ này đau đớn xót xa biết bao  cho số kiếp một người con gái tài hoa, xinh đẹp, giàu khát vọng sống của  ngày trước giờ đây lại có những nhận thức bi kịch, khốn cùng, Mị còn không có cả cuộc sống tự tại như một con vật nuôi bình thường chứ đừng nói đến cuộc sống của một con người. Sự nhận thức về thân phận của Mị khiến người đọc ám ảnh, xót thương. (Liên hệ: Mị từng so sánh đời người đàn bà lấy chồng nhà giàu ở Hồng Ngài thì một đời  con người chỉ biết đi theo đuôi con ngựa của chồng”.)

àNhà văn Tô Hoài xây dựng hình ảnh Mị trong đêm mùa xuân, so sánh với con trâu con ngựa để thấy khi Mị đã thực sự thức tỉnh, khi sức sống đã hồi sinh trong Mị thì sẽ khao khát giải thoát khỏi thực tại đen tối . Mị đã thực sự ý thức được mình là con người, nhưng thân phận lại khổ đau tủi cực hơn cả  thân ngựa trâu nhà giàu.. Như vậy, hình ảnh con trâu con ngựa ở phân đoạn này đã trở thành một đối chứng cho sự thức tỉnh ý thức sống của nhân vật. Chắc chắn rằng những suy nghĩ của Mị về thân phận mình sẽ trở thành động lực cho những lần vùng dậy khác mạnh mẽ hơn. Đoạn văn ngắn về dòng nội tâm và hành động của Mị trong tay bậc thầy truyện ngắn Tô Hoài thật sự ấn tượng!

  1. Nhận xét:

-ND:

+Từ so sánh ngang bằng ở đầu tác phẩm đã phát triển thành đối sánh không cân xứng: “Mị tưởng mình cũng là con trâu, mình cũng là con ngựa, là con ngựa phải đổi ở cái tàu ngựa nhà này đến ở cái tàu ngựa nhà khác, ngựa chỉ biết ăn cỏ, biết  đi làm mà thôi”, đến “Mị thổn thức nghĩ mình không bằng con ngựa”. Nếu như hình ảnh con trâu con ngựa ở phần đầu tp là một kiểu biểu tượng, đồng dạng cho thân phận và tâm thế cam chịu kiếp sống nô lệ thì cũng hình ảnh ấy ở phân đoạn thứ hai của tp nó lại là biểu tượng đối chứng cho sự thức tỉnh ý thức sống của Mị.

+Và nhân vật cũng có sự thay đổi rõ nét trong tâm lí và nhận thức. Nếu ở phần đầu của tp Mị nhận thức về phân phận mơ hồ, bị cường quyền và thần quyền áp chế quá lâu khiến mị lờ mờ dẫn đến cảm xúc lầm lũi vô cảm, phó mặc, cam chịu…không có sự phản kháng àthì phần sau Mị đã nhận thức rõ ràng, thấu suốt, thấm thía nỗi đau thân phận mình thậm chí không bằng con trâu con ngựa và Mị bước đầu đã có sự phản kháng muốn thoát khỏi hoàn cảnh sống bức bối ấy. Đây là tiền đề để nhân vật vùng lên, tự giải phóng, thoát khỏi thân trâu ngựa trong một đêm đông làm nức lòng người như phần cuối của câu chuyện Mị cởi trói cho A Phủ và tự giải thoát cho cuộc đời mình.

+Khi xây dựng những chi tiết, hình ảnh như vậy gắn liền với diễn biến tâm lí của nhân vật  cho ta cảm nhận rõ tư tưởng nhà văn muốn gửi gắm: 1/hoàn cảnh sống ảnh hưởng đến tính cách, Mị sống trong một môi trường phi nhân tính, bị chà đạp về cả thể xác và tinh thần dễ dẫn đến sự cam chịu, chai lì cảm xúc nhưng hoàn cảnh sống ấy cũng là phép thử để nhân vật bộc lộ niềm khao khát được thay đổi hiện thực sống, để có hạnh phúc, tự do. 2/Phân đoạn ngắn nhưng đủ sức truyền tải giá trị hiện thực và nhân đạo của tp (viết thêm …).

-NT:

+Đây là chi tiết nghệ thuật xuất hiện 04 lần trong tp, gợi nhiều suy tư sâu xa – dụng ý nt của nhà văn.

+Nghệ thuật xây dựng nhân vật, tả xen với kể, nhất là biệt tài miêu tả và phân tích tâm lí nhân vật qua lời văn nửa trực tiếp: khi là dòng nội tâm của Mị khi là lời của nhà văn nhập thân vào Mị để bày tỏ lòng mình à Sức hấp dẫn cho tp và là tài năng của Tô Hoài.

+Ngôn ngữ mộc mạc dễ hiểu, giọng văn ấm áp giàu tình  thương yêu con người.

III.KB: Cuộc đời sáng tạo nt không mệt mỏi của Tô Hoài đã đưa ông trở thành một trong những “cây đại thụ” tỏa bóng xuống làng văn VN hiện đại. VCAP sẽ mãi là một tp có giá trị và có sức hút với nhiều thế hệ người đọc. Và chắc hẳn chúng ta không thể quên hình ảnh con trâu con ngựa trong tp,  những chi tiết nhỏ nhặt nhưng gây ấn tượng, tạo nên sức dư ba, ám ảnh , chứa đựng nhiều ý nghĩa sâu sắc.

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *