Thuyết minh về hiện tượng bạo lực mạng trong xã hội ngày nay

Đề thi khối 11

Đề bài

ĐỌC – HIỂU (6,0 điểm)

Đọc văn bản sau và thực hiện yêu cầu:

(1)… Tiếng nói là người bảo vệ quý báu nhất nền độc lập của các dân tộc, là yếu tố quan trọng nhất giúp giải phóng các dân tộc bị thống trị. Nếu người An Nam hãnh diện giữ gìn tiếng nói của mình và ra sức làm cho tiếng nói ấy phong phú hơn để có khả năng phổ biến tại An Nam các học thuyết đạo đức và khoa học của châu Âu, việc giải phóng dân tộc An Nam chỉ còn là vấn đề thời gian. Bất cứ người An Nam nào vứt bỏ tiếng nói của mình, thì cũng đương nhiên khước từ niềm hi vọng giải phóng giống nòi. […] Vì thế, đối với người An Nam chúng ta, chối từ tiếng mẹ đẻ đồng nghĩa với từ chối sự tự do của mình… […]

(2)Nhiều đồng bào chúng ta, để biện minh việc từ bỏ tiếng mẹ đẻ, đã than phiền rằng tiếng nước mình nghèo nàn. Lời trách cứ này không có cơ sở nào cả. Họ chỉ biết những từ thông dụng của ngôn ngữ và còn nghèo những từ An Nam hơn bất cứ người phụ nữ và nông dân An Nam nào. Ngôn ngữ của Nguyễn Du nghèo hay giàu?

Vì sao người An Nam có thể dịch những tác phẩm của Trung Quốc sang nước mình, mà lại không thể viết những tác phẩm tương tự?

Phải quy lỗi cho sự nghèo nàn của ngôn ngữ hay sự bất tài của con người?

Ở An Nam cũng như mọi nơi khác, đều có thể ứng dụng nguyên tắc này:

“Điều gì người ta suy nghĩ kĩ sẽ diễn đạt rõ ràng, và dễ dàng tìm thấy những từ để nói ra”. […]

(3)Chúng ta không thể tránh né châu Âu, vai trò hướng đạo của giới trí thức chúng ta buộc họ phải biết ít nhất là một ngôn ngữ châu Âu để hiểu được châu Âu. Nhưng những kiến thức thu thập được, họ không được giữ cho riêng mình. Đồng bào của họ cũng phải được thông phần nữa. Tuy nhiên, sự cần thiết phải biết một ngôn ngữ châu Âu hoàn toàn không kéo theo chuyện từ bỏ tiếng mẹ đẻ. Ngược lại, thứ tiếng nước ngoài mà mình học được phải làm giàu cho ngôn ngữ nước mình. […](Nguyễn An Ninh, Tiếng mẹ đẻ – nguồn giải phóng các dân tộc bị áp bức. Theo SGK Ngữ văn 11, Tập hai, NXB Giáo dục, 2014, tr. 90)

Trả lời các câu hỏi sau

Câu 1(1 điểm): Luận đề của trích đoạn văn bản trên là gì? Luận đề trên đã được triển khai qua các phần như thế nào?

Câu 2 (1 điểm) : Tác giả đã bác bỏ quan điểm của một số người nên “từ bỏ tiếng mẹ đẻ” vì “tiếng nước mình vẫn nghèo nàn?” bằng cách nào?

Câu 3(1,5 điểm): Tác giả đã đề xuất quan điểm nào đối với việc tiếp thu ngôn ngữ và văn hóa Châu Âu? Quan điểm đó có còn giá trị cho đến ngày nay không?  Vì sao?

Câu 4(1 điểm): Ở đoạn (2) tác giả đã nhiều lần sử dụng kiểu câu nào? Hãy chỉ ra tác dụng của việc sử dụng kiểu câu đó?

Câu 5(1,5 điểm): Từ văn bản trên của Nguyễn An Ninh, hãy viết đoạn văn (khoảng 12-15 dòng) trình bày ý kiến của em về hiện tượng sau: Nhiều bạn trẻ có trình độ Tiếng Anh rất cao (ví dụ IELTS 8.0, 9.0) nhưng lại nói tiếng Việt chưa chuẩn (ví dụ ngọng l/n hay còn nói bậy, chửi tục)

LÀM VĂN (4,0 điểm) Chọn 1 trong 2 dạng thuyết minh

Anh/chị hãy viết bài văn (khoảng 600 chữ) thuyết minh về hiện tượng bạo lực mạng trong xã hội ngày nay.

Hướng dẫn đáp án chi tiết  

  1. ĐỌC – HIỂU

Câu 1(1 điểm): Luận đề của trích đoạn văn bản trên là gì? Luận đề trên đã được triển khai qua các phần như thế nào?

-Luận đề: Cần giữ gìn, trân trọng Tiếng nói của dân tộc Việt Nam; không thể vì học tiếng nước ngoài mà từ bỏ tiếng mẹ đẻ.

-Luận đề đó được triển khai qua các phần:

(1)Khẳng định tầm quan trọng của tiếng nói dân tộc trong việc giữ gìn nền độc lập của các dân tộc

(2) Bác bỏ quan điểm “từ bỏ tiếng mẹ đẻ” vì “tiếng nước mình vẫn nghèo nàn”

(3) Đề xuất quan điểm không chối bỏ mà vẫn tiếp thu tiếng nước ngoài

Câu 2 (1 điểm) : Tác giả đã bác bỏ quan điểm của một số người nên “từ bỏ tiếng mẹ đẻ” vì “tiếng nước mình vẫn nghèo nàn?” bằng cách:

-Chỉ ra sự nghèo nàn về hiểu biết và ngôn ngữ của những người đó

-Dẫn chứng về ngôn ngữ của Nguyễn Du

-Dẫn chứng về việc dịch những tác phẩn của Trung Quốc sang Việt Nam

Câu 3(1,5 điểm): Tác giả đã đề xuất quan điểm nào đối với việc tiếp thu ngôn ngữ và văn hóa Châu Âu? Quan điểm đó có còn giá trị cho đến ngày nay không? Vì sao?

  • Tác giả đã đề xuất quan điểm đối với việc tiếp thu ngôn ngữ và văn hóa Châu Âu là: Không chối bỏ mà vẫn phải học hỏi ít nhất một ngôn ngữ Châu Âu để hiểu và tiếp thu văn hóa Châu Âu; đồng thời làm giàu cho ngôn ngữ nước mình.
  • Quan điểm đó vẫn còn nguyên giá trị đến ngày nay vì:

+ Thời đại ngày nay là thời đại hội nhập, rất cần thiết phải am hiểu thêm một ngôn ngữ nước ngoài để giao lưu văn hóa, tiếp thu, học hỏi văn hóa nước ngoài.

+ Đời sống không ngừng vận động, xuất hiện những yếu tố mới mà ngôn ngữ Tiếng Việt chưa kịp bổ sung từ mới, khi đó, ta cần tiếp thu ngôn ngữ nước ngoài để theo kịp xu hướng và làm giàu ngôn ngữ nước mình.

Câu 4(1 điểm): Ở đoạn (2) tác giả đã nhiều lần sử dụng kiểu câu nào? Hãy chỉ ra tác dụng của việc sử dụng kiểu câu đó?

-Tác giả sử dụng nhiều câu hỏi tu từ.

-Tác dụng: Tạo nên tính đối thoại, tranh luận, thể hiện rõ sự bác bỏ với một số người muốn từ bỏ tiếng mẹ đẻ vì chê tiếng mình nghèo; từ đó khẳng định mạnh mẽ quan điểm của tác giả: cần giữ gìn tiếng nói của dân tộc.

Câu 5(1,5 điểm): Từ văn bản trên của Nguyễn An Ninh, hãy viết đoạn văn (khoảng 12-15 dòng) trình bày ý kiến của em về hiện tượng sau: Nhiều bạn trẻ có trình độ Tiếng Anh rất cao (ví dụ IELTS 8.0, 9.0) nhưng lại nói tiếng Việt chưa chuẩn (ví dụ ngọng l/n hay còn nói bậy, chửi tục)

Đoạn văn cần đảm bảo các ý sau:

+ Việc học ngoại ngữ, đạt trình độ tiếng Anh cao là rất cần khuyến khích, trân trọng trong thời đại hội nhập; giúp các bạn trẻ có thể giao lưu, học hỏi tinh hoa văn hóa thế giới; trở thành công dân toàn cầu; năng động, sáng tạo hơn trong công việc

+ Tuy nhiên, việc nói tiếng Việt chưa chuẩn là đáng phê phán vì:

  • Chưa có ý thức giữ gìn sự trong sáng của tiếng nói dân tộc
  • Ảnh hưởng đến việc nói vả viết, hạn chế việc tiếp thu những giá trị đạo đức, bản sắc văn hóa dân tộc
  • Gây mất thiện cảm trong giao tiếp

LÀM VĂN (Đảm bảo các luận điểm cơ bản dưới đây, yêu cầu hướng dẫn chi tiết)

Dang 1. Thuyết minh về một sự vật, hiện tượng đời sống xã hội

* Mở bài: Giới thiệu sự vật, hiện tượng cần thuyết minh, nêu rõ sự tồn tại của sự vật, hiện tượng trong đời sống xã hội.

Trong thế giới ngày này, với sự phát triển của cộng nghệ và thời đại công nghiệp hóa 4.0, mạng xã hội phổ biến và mang lại những lợi ích mạng xã hội cho chúng ta, thế nhưng bên cạnh những ưu điểm ấy, lại nảy ra những “ mặt tối” của các trang mạng xã hội- là tình trạng bạo lực mạng trong thế hệ gen Z ngày nay.

* Thân bài:

1/ Nêu thực chất của sự vật, hiện tượng được thuyết minh

­- Theo UNICEF (Quỹ Nhi đồng liên hợp Quốc), “bạo lực mạng” (Cyberbullying) là việc bắt nạt trên  việc bắt nạt trên các công cụ kỹ thuật số. Nó có thể diễn ra trên phương tiện mạng xã hội, nền tảng nhắn tin, chơi game và điện thoại di động. Đó là hành vi lặp đi lặp lại, nhằm mục đích khiến những người bị nhắm mục tiêu sợ hãi, tức giận hoặc xấu hổ. Đáng lo thay, bạo lực mạng “ẩn nấp” dưới rất nhiều các hình thức khác nhau như quấy rối trực tuyến, đe dọa, xúc phạm người khác, lan truyền những thông tin sai lệch hay xâm phạm quyền riêng tư cá nhân của mỗi người.

+ Theo như kết quả nghiên cứu được công bố của Microsoft, thì 38% người dân của 32 nước trên thế giới từng liên quan đến bắt nạt mạng xã hội.

+Tại Việt Nam con số mà người dùng mạng xã hội lên đến 51% bao gồm 54% ở độ tuổi thanh thiếu niên đã từng liên quan đến bắt nạt.

  • Một khảo sát của PGS. GS.TS Thái Thanh Trúc, Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết tỷ lệ sinh viên bị bắt nạt qua mạng, bắt nạt người khác và cả hai lần lượt ở mức 35,4%, 7,4% và 6,5%.
  • Mạng xã hội là nơi xảy ra quấy rối trực tuyến phổ biến nhất (chiếm 23,3%). Phương tiện thường xuyên nhất để bắt nạt người khác trên mạng là thông qua các phòng trò chuyện (chiếm 3,8%).
  • Hành vi bắt nạt trực tuyến quen thuộc nhất là nói xấu người khác (đặt biệt danh bất lịch sự, pha trò) ở mức 22,1%. Tỷ lệ học sinh có dấu hiệu trầm cảm do bị quấy rối trên mạng là 45,1%, cao gần gấp đôi so với số học sinh bị trầm cảm vì các lý do khác.

2/ Nguyên nhân của việc bạo lực mạng

-Đầu tiên xét về khía cạnh chủ qua, nguyên nhân đầu tiên chính là sự thiếu hiểu biết, ý thực của người dùng mạng xã hội.

-Thứ hai là xuất phát từ lòng ghen tỵ và khát vọng quyền lực của một số cá nhân.

-Việc giáo dục và văn hóa chưa đáp ứng đủ con người, khiến nhiều trường hợp có suy nghĩ lệch lạc.

-An ninh mạng cũng chưa được kiểm soát, đặc biệt là khâu kiểm duyệt nội dung, dẫn đến những bài bạo lực mạng ngày càng tràn lan không kiểm soát  cùng với đó là tốc độ lan truyền chóng mặt của mạng xã hội khiến tình hình ngày càng trở nên phức tạp.

3/ Hậu quả:

Theo TS Khuất Thu Hồng “Ném đá hay bắt nạt trên mạng xã hội có thể xem là hành động giết người tập thể mà không ai cảm thấy mình có lỗi”

– Bạo lực mạng gây tổn thương đặc biệt tới tâm lý của nạn nhân. (Một ví dụ điển hình về hậu quả của việc bạo lực mạng chính là Suli- ca sĩ kiêm diễn viên nổi tiếng của Hàn Quốc.)

– Về thể chất, những người bị bạo lực mạng luôn cảm thấy “ ăn không ngon “ “ ngủ không yên” khi liên tục phải hứng chịu những lời lẽ nặng nề từ mọi người, luôn luôn trong tình trạng sợ hãi.

– Bên cạnh đó, họ còn mắc phải các chứng bệnh về thể chất như mất ngủ, rối loạn, đau đầu, luôn trong tình trạn mệt mỏi….

4/ Giải pháp

-Để giải quyết tình trạng này, chính phủ  cũng như mỗi cá nhân cần có trách nhiệm hơn trong việc đảm bảo an toàn an ninh mạng.

-Mỗi bạn trẻ vào mạng xã hội cần có những kĩ năng, ứng xử văn minh, lịch sự, ý thức được từng lời ăn tiếng nói của mình.

-Nhà nước cũng cần ban hành các biện pháp xử phạt nghiêm khắc hơn với các hành vi bôi nhọ, phỉ báng người khac qua mạng xã hội để mọi người cần có y thức trong việc đăng tải ý kiến cá nhân của mình lên mạng xã hội.

* Kết bài: Nêu ý nghĩa của việc nhận thức đúng về sự vật, hiện tượng được thuyết minh.

Tóm lại, tình trạng bạo lực mạng đang ngày càng trở nên lan rộng và phổ biến hơn. Bản thân mỗi người cần nhận thực rõ hành vi xúc phạm người khác qua mạng là một hành vi sai trái, để lại hậu quả khôn lường cho cả người xúc phạm và người bị xúc phạm. Bằng các biện pháp đã nêu trên, mỗi chúng ta đều cần có trách nhiệm xây dựng lên một cộng động mạng an toàn-lành mạnh- bổ ích

 

Bài viết tham khảo:

Mỗi thời đại, con người đều có các cách khác nhau để trao đổi thư từ và thông tin. Nếu ở những thế kỷ trước, con người thường viêt thư và phải mất một thời gian để chờ đợi phản hồi. Thế nhưng, trong thế giới ngày này, với sự phát triển của cộng nghệ và thời đại công nghiệp hóa 4.0, thì những bức thứ đã được thay thế hoàn toàn bằng các trang mạng xã hội, chỉ với 1 cú click là có thể dễ dàng gửi được những tin nhắn cho mọi người. Không phủ nhận những lợi ích mạng xã hội mang lại cho chúng ta, thế nhưng bên cạnh những ưu điểm ấy, lại nảy ra những “ mặt tối” của các trang mạng xã hội- là tình trạng bạo lực mạng trong xã hội ngày nay.

Theo UNICEF (Quỹ Nhi đồng liên hợp Quốc), “bạo lực mạng” (Cyberbullying) là việc bắt nạt trên  việc bắt nạt trên các công cụ kỹ thuật số. Nó có thể diễn ra trên phương tiện mạng xã hội, nền tảng nhắn tin, chơi game và điện thoại di động. Đó là hành vi lặp đi lặp lại, nhằm mục đích khiến những người bị nhắm mục tiêu sợ hãi, tức giận hoặc xấu hổ. Đáng lo thay, bạo lực mạng “ẩn nấp” dưới rất nhiều các hình thức khác nhau như quấy rối trực tuyến, đe dọa, xúc phạm người khác, lan truyền những thông tin sai lệch hay xâm phạm quyền riêng tư cá nhân của mỗi người.

Một khảo sát của PGS. GS.TS Thái Thanh Trúc, Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết tỷ lệ sinh viên bị bắt nạt qua mạng, bắt nạt người khác và cả hai lần lượt ở mức 35,4%, 7,4% và 6,5%. Mạng xã hội là nơi xảy ra quấy rối trực tuyến phổ biến nhất (chiếm 23,3%). Phương tiện thường xuyên nhất để bắt nạt người khác trên mạng là thông qua các phòng trò chuyện (chiếm 3,8%). Hành vi bắt nạt trực tuyến quen thuộc nhất là nói xấu người khác (đặt biệt danh bất lịch sự, pha trò) ở mức 22,1%. Tỷ lệ học sinh có dấu hiệu trầm cảm do bị quấy rối trên mạng là 45,1%, cao gần gấp đôi so với số học sinh bị trầm cảm vì các lý do khác. Không thiếu gì những trường hợp học sinh lên mạng up story, công khai đá xéo, lập hội chat kín để nói xấu, bôi nhọ, xúc phạm, vì những mâu thuẫn ngoài đời… Đủ các trường hợp từ A-Z, dường như mọi thứ đều được “ bạo lực hóa”.  Hay những “ anh hùng bàn phím” – sẵn sàng phát ngôn mà không thông suốt, không quan tâm đến cảm xúc của người khác mặc dù chưa biết rõ chân tướng sự việc. Hay những hội nhóm được lập ra để “ antifan” những người nghệ sĩ, công khai buông những lời khiếm nhã và phỉ báng họ.

Vậy nguyên nhân của việc bạo lực mạng là từ đâu ? Đầu tiên xét về khía cạnh chủ qua, nguyên nhân đầu tiên chính là sự thiếu hiểu biết, ý thực của người dùng mạng xã hội. Họ không hề lường trước được những hậu quả, những tác hại mà họ gây ra, xem đó như là “ một trò tiêu khiển” để giải tỏa những áp lực của bản thân. Nhiều người cảm thấy cuộc sống của họ quả khố sở và chọn cách tiêu cực, muốn người khác cũng phải chịu cảnh giống mình. Thứ hai là xuất phát từ lòng ghen tỵ và khát vọng quyền lực của một số cá nhân. Thấy mọi người đăng ảnh ai cũng được hưởng một cuộc sống tốt đẹp, được cưới chồng giàu, được đi du lịch thỏa thích, liền đâm ra ghen tỵ rồi bắt đầu đăng status nói kháy, đào quá khứ… Hay một số người thì ảo tưởng quyền lực, tự cho mình cái quyền được phán xét, chỉ trích người khác và tự cho rằng đó là những điều nạn nhân đáng phải chịu đựng. Rồi từ một cá nhân, mọi người bắt đầu chịu tác động của hiệu ứng đám đông, thấy người ta thế, mình cũng nói xấu theo dù chưa biết đúng sai thế nào. Nhưng bên cạnh đó, ta cũng phải xem xét các khía cạnh như việc giáo dục và văn hóa chưa đáp ứng đủ con người, khiến nhiều trường hợp có suy nghĩ lệch lạc. An ninh mạng cũng chưa được kiểm soát, đặc biệt là khâu kiểm duyệt nội dung, dẫn đến những bài bạo lực mạng ngày càng tràn lan không kiểm soát  cùng với đó là tốc độ lan truyền chóng mặt của mạng xã hội khiến tình hình ngày càng trở nên phức tạp.

Bạo lực mạng để lại những hậu quả khôn lường đến nạn nhân. Khi bị bạo lực mạng, bạn cảm thấy rằng bạn như bị tấn công ở khắp mọi nơi và cảm giác như không lối thoát. Bạo lực mạng gây hậu quả đặc biệt tới tâm lý của nạn nhân. Những người bị lăng nhục, xúc phạm sẽ luôn cảm thấy có một áp lực kinh khủng, khiến tâm lý của họ luôn ở trong trạng thái căng thẳng, sợ hãi. Về lâu dài gây lên các chứng bệnh về tâm lý như trầm cảm, nhiều người còn vì quá căng thẳng mà tìm đến cái chết. Một ví dụ điển hình về hậu quả của việc bạo lực mạng chính là Suli- ca sĩ kiêm diễn viên nổi tiếng của Hàn Quốc. Trước áp lực của mạng xã hội với những bình luận mang tính tiêu cực, chửi rủa bằng các từ ngữ nặng nề “ ngu xuẩn”, “ bệnh hoạn” “ thác loạn”  “ vô học”, cô đã được tìm thấy khi tự tử ở nhà riêng sau một thời gian chống chọi với cơn trầm cảm kéo dài trước áp lực nặng nề của dư luận Hàn Quốc dù ở còn tuổi đời rất trẻ. Không chỉ cô, mà còn rất nhiều người nghệ sĩ đã chọn cách tự tử trước sự bức bối của truyền thông dành cho họ. Nhiều trường hợp không tìm đến cái chết, nhưng họ luôn cảm thấy xấu hổ và tự ti,khi làm bất cứ việc gì. Về thể chất, những người bị bạo lực mạng luôn cảm thấy “ ăn không ngon “ “ ngủ không yên” khi liên tục phải hứng chịu những lời lẽ nặng nề từ mọi người, luôn luôn trong tình trạng sợ hãi. Bên cạnh đó, họ còn mắc phải các chứng bệnh về thể chất như mất ngủ, rối loạn, đau đầu, luôn trong tình trạn mệt mỏi….

Để giải quyết tình trạng này, chính phủ  cũng như mỗi cá nhân cần có trách nhiệm hơn trong việc đảm bảo an toàn an ninh mạng. Thứ nhất, mỗi bạn trẻ vào mạng xã hội cần có những kĩ năng, ứng xử văn minh, lịch sự, ý thức được từng lời ăn tiếng nói của mình. Đồng thời, cũng cần tránh xa những hội, nhóm rủ rê phong trào “ làm nhục “ người khác, phản đối, phê phán hành vi xúc phạm người khác. Cùng với đó, nhà nước cũng cần ban hành các biện pháp xử phạt nghiêm khắc hơn với các hành vi bôi nhọ, phỉ báng người khac qua mạng xã hội để mọi người cần có y thức trong việc đăng tải ý kiến cá nhân của mình lên mạng xã hội. Hãy là người sử dụng mạng xã hội văn minh !

Tóm lại, tình trạng bạo lực mạng đang ngày càng trở nên lan rộng và phổ biến hơn. Chính vì vậy chúng ta cần có những biện pháp mạnh mẽ để ngăn chặn điều đó. Bản thân mỗi người cần nhận thực rõ hành vi xúc phạm người khác qua mạng là một hành vi sai trái, để lại hậu quả khôn lường cho cả người xúc phạm và người bị xúc phạm. Bằng các biện pháp đã nêu trên, mỗi chúng ta đều cần có trách nhiệm xây dựng lên một cộng động mạng an toàn-lành mạnh- bổ ích

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *