Đề nguồn thi HSG duyên hải Bắc Bộ Ngữ văn 10 năm 2019 – Chuyên Trần Phú Hải Phòng

Đề thi khối 11
HỘI CÁC TRƯỜNG CHUYÊN

VÙNG DUYÊN HẢI VÀ ĐỒNG BẰNG BẮC BỘ

TRƯỜNG THPT CHUYÊN TRẦN PHÚ

ĐỀ ĐỀ XUẤT

 

 

 

ĐỀ THI CHỌN HỌC SINH GIỎI LẦN THỨ XII

MÔN NGỮ VĂNKHỐI 10

Thời gian làm bài: 180 phút

 (Đề này có 02 câu; gồm 01 trang)

Câu 1 (8 điểm)

Benjamin Franklin cho rằng: “Có ba thứ cực kỳ rắn: thép, kim cương và tự thấu hiểu bản thân”.

Theo anh/chị, làm thế nào để có thể tự thấu hiểu bản thân mình?

Câu 2 (12 điểm)

Nhà thơ Lưu Quang Vũ từng viết:

Hồn dân tộc dậy ta làm thi sĩ

                               Quá khứ nhiều mà ta chẳng già nua

(trích Đất nước đàn bầuLưu Quang Vũ, Gió và tình yêu thổi trên đất nước tôi, NXB Hội nhà văn H.2016, trang 149)

Anh/chị hiểu ý thơ trên như thế nào? Bằng những hiểu biết về thơ văn Lí – Trần, hãy làm sáng tỏ.

————– HẾT ————–

 

HƯỚNG DẪN CHẤM

Môn: Ngữ văn (Khối 10)

(Hướng dẫn chấm gồm 08 trang)

Câu Nội dung Điểm
 

Câu 1

 

 

 

I. Về kĩ năng:

– HS biết cách làm bài nghị luận xã hội về một tư tưởng đạo lý. Biết vận dụng các thao tác giải thích, phân tích, chứng minh, bình luận… Đưa ra được ý kiến riêng khi giải quyết vấn đề.

– Bài viết có bố cục mạch lạc, hệ thống luận điểm, luận cứ rõ ràng, dẫn chứng phong phú thuyết phục.

– Bài viết có chất văn, trình bày sạch sẽ, khoa học.

 
II. Về kiến thức: Thí sinh có thể trình bày theo nhiều cách nhưng luận điểm phải rõ ràng, lí lẽ và dẫn chứng hợp lí. Khuyến khích bài làm sáng tạo. Cần làm rõ được các ý chính sau:  
1. Giải thích

Rắn: một trạng thái của vật chất trong tự nhiên; cứng, khó bị phá vỡ.

Thép, kim cương: những khối vật chất rắn chắc, có liên kết bền vững.

Tự thấu hiểu bản thân: hiểu chính mình, biết mình có gì, muốn gì, cần gì.

à So sánh việc tự thấu hiểu bản thân với thép, kim cương, B.Franklin đã khẳng định đây là một công việc không hề dễ dàng, đòi hỏi ở con người sự nỗ lực khám phá, đào sâu khai thác, tìm hiểu chính mình.

à Đặt ra câu hỏi cho mỗi người: “Làm thế nào để có thể tự thấu hiểu bản thân?”

2,0

 

 

 

 

 

 

2. Bình luận

a, Tại sao con người phải “tự thấu hiểu bản thân”?

– Con người sinh ra là một cá thể riêng biệt, không ai sinh ra đã biết mình là ai, sứ mệnh của mình là gì. Song trải qua quá trình tự rèn luyện, trau dồi những kinh nghiệm, ta mới dần hình thành định nghĩa về bản thân.

– Tự thấu hiểu bản thân khiến ta biết mình là ai, đang đứng ở vị trí nào để không ảo tưởng hay tự ti về mình.

– Tự thấu hiểu bản thân giúp ta biết được những ưu – nhược điểm của mình, từ đó hoàn thiện bản thân theo hướng tốt nhất (khai thác tiềm năng, phát huy điểm mạnh, hạn chế điểm yếu).

– Là tiền đề, bản lề cho các quyết định trong cuộc sống (chọn trường, chọn ngành, chọn nghề,…).

b, Làm thế nào để “tự thấu hiểu bản thân”?

– Xác định rõ bản thân có những điểm mạnh, điểm yếu, những giá trị cốt lõi nào.

– Học cách lắng nghe và yêu thương chính mình.

– Ngừng việc so sánh bản thân với người khác.

– Xác định được lí tưởng sống, mơ ước, đam mê.

– Sẵn sàng va chạm, trải nghiệm, thử sức.

– Học cách đặt câu hỏi: hỏi chính mình và hỏi những người xung quanh về mình.

– Làm các trắc nghiệm tính cách, tìm hiểu và nghiên cứu tâm lí bản thân.

– Tuy nhiên, sau khi lắng nghe các ý kiến đánh giá đó, cần suy xét đúng sai, tiếp thu có chọn lọc, để tâm tới “tiếng nói nội tâm nhỏ bé nhưng bền vững” của mình.

5.0
3. Liên hệ mở rông, bài học

– Tự thấu hiểu bản thân, con người cần tránh những suy nghĩ sai lệch, nhìn nhận không đúng về mình.

– Trên cơ sở sự thấu hiểu bản thân, cần phát huy tiềm năng của mình, vận dụng điều đó để đạt được thành công trong cuộc sống.

– Hiểu được bản thân nhưng chúng ta cũng nên học cách hiểu những người xung quanh.

– Cần mở lòng mình đón nhận những âm vang cuộc sống; học nhiều, đi nhiều, trải nghiệm nhiều. Đôi khi, phải hiểu thế giới, hiểu con người, bạn mới có thể hiểu được chính mình.

1.0
  Tổng điểm 8.0
 

Câu 2

 

 

 

I. Yêu cầu chung: Hiểu đúng vấn đề, nắm được cách làm bài văn nghị luận văn học. Biết phân tích dẫn chứng để làm sáng tỏ vấn đề. Bài viết nêu được ý kiến riêng, có sức thuyết phục. Bố cục rõ ràng, lập luận chặt chẽ. Hành văn trôi chảy. Văn viết có cảm xúc. Không mắc các lỗi diễn đạt, dùng từ, ngữ pháp, chính tả.  
II. Yêu cầu cụ thể: Thí sinh có thể trình bày theo nhiều cách khác nhau nhưng cần đảm bảo các yêu cầu sau:  
1. Giải thích ý kiến

Hồn dân tộc: Là tinh thần của nhân dân Việt Nam; là tinh hoa văn hóa, giá trị của thời đại; là những nét đẹp trong đời sống của dân tộc a…

Dậy ta làm thi sĩ: Những gì thuộc về trang sử hào hùng của dân tộc đã nuôi dưỡng những tình cảm cao đẹp, đã khơi gợi cảm hứng, khiến thi sĩ phải cầm bút viết nên những trang thơ.

Quá khứ nhiều: Lịch sử Việt Nam đã trải qua hơn 4000 năm, với biết bao những biến cố thăng trầm, với biết bao những sự kiện vĩ đại.

Mà ta chẳng già nua: Lắng nghe dòng thác lịch sử dội về từ quá khứ, thi sĩ càng thấy mình trẻ lại, sống trong khí thiêng sông núi, trong cái “hồn dân tộc”.

à Câu thơ khẳng định những tác động tích cực của quá khứ, của lịch sử đối với đời sống con người, đời sống thi ca.

1.0
2. Bình luận: Vì sao những sự kiện lịch sử, những âm vang mà người xưa để lại có thể khiến người nghệ sĩ sống trọn vẹn với quá khứ huy hoàng, để rồi viết nên những tác phẩm độc đáo? Bởi:

– Văn học cũng như mọi loại hình nghệ thuật khác đều là sản phẩm tinh thần của một cá nhân nghệ sĩ. Mà cá nhân người nghệ sĩ đó lại thuộc về một cộng đồng, một dân tộc nhất định. Mỗi tác phẩm văn học ít nhiều đều  mang dấu ấn riêng về văn hóa, phong tục tập quán hay tâm lí, tính cách đặc trưng của dân tộc mình. Vậy “hồn dân tộc ”(tính dân tộc) có thể được xem như là một thuộc tính xã hội của văn học, là một “ thuộc tính tất yếu của việc sáng tạo” ( Bielinxki).

– Viết văn còn là thể hiện cảm xúc, cái nhìn, quan điểm đánh giá của người nghệ sĩ về một thời đại nào đó. Từ những sự kiện trong quá khứ, con người được sống lại không khí một thời, thấy mình lúc nào cũng được tắm mát trong dòng chảy của lịch sử dân tộc.

3,0

 

 

 

3. Chứng minh: Học sinh lựa chọn tác phẩm tiêu biểu của thơ văn Lí – Trần, phân tích để làm rõ nội dung của nhận định. Cần bám sát vấn đề, tránh phân tích đơn thuần hoặc lan man không định hướng.

– Giới thiệu khái quát về hồn dân tộc trong thời đại Lí – Trần.

Hồn dân tộc thời đại Lí – Trần với tinh hoa văn hoá, vẻ đẹp trong đời sống đời thường của con người dậy ta làm thi sĩ.

– Lịch sử hào hùng thời đại Lí – Trần với những sự kiện vĩ đại dạy ta trở thành nhà thơ.

– Giá trị của lịch sử, quá khứ bồi đắp tâm hồn, làm ta như trẻ lại:

+ Thêm trân trọng giá trị của lịch sử.

+ Thức dậy tinh thần dân tộc, ý chí, lòng yêu nước.

+ Ý thức được trách nhiệm của bản thân trong việc gìn giữ phát triển tinh hoa văn hoá, hồn cốt dân tộc.

6,0
4. Đánh giá:

– Thơ ca phải có chức năng phản ánh đời sống, đặc biệt là lịch sử dân tộc, phải thể hiện được hồn dân tộc đậm đà.

– Định hướng đối với người sáng tạo: để có thể phản ánh lịch sử dân tộc một cách khái quát và bản chất nhất, người viết cần phải nắm rõ lịch sử, có tinh thần yêu nước. Đặc biệt, người viết cần phải có tài năng để sáng tạo những hình tượng nghệ thuật điển hình, mang âm vang của thời đại.

– Định hướng đối với người tiếp nhận:  để có thể lĩnh hội trọn vẹn hồn dân tộc trong tác phẩm, người đọc cần tiếp nhận tác phẩm trong mối liên hệ với thời đại mà nó ra đời. Đồng thời người đọc cũng cần có nhiều trải nghiệm về đời sống, có ý thức đọc để tích lũy kiến thức.

2.0
  Tổng điểm 12.0
* Lưu ý:

– Trên đây chỉ là những gợi ý có tính chất định hướng, giám khảo cần thảo luận kĩ về yêu cầu nội dung và biểu điểm để bổ sung cho hoàn chỉnh trước khi chấm.

– Giáo viên linh hoạt khi chấm bài. Cần khuyến khích, trân trọng những tìm tòi, sáng tạo riêng cả trong nội dung và hình thức của bài làm.

Giáo viên cho điểm lẻ đến 0.25.

 

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *