Đề nguồn thi HSG duyên hải Bắc Bộ Ngữ văn 10 năm 2019 – Chuyên Tuyên Quang

Đề thi khối 10
HỘI CÁC TRƯỜNG THPT CHUYÊN

VÙNG DUYÊN HẢI VÀ ĐỒNG BẰNG BẮC BỘ

TRƯỜNG THPT CHUYÊN TUYÊN QUANG 

———————        

ĐỀ THI ĐỀ XUẤT

KỲ THI HỌC SINH GIỎI NĂM 2019

MÔN NGỮ VĂN LỚP 10

Thời gian làm bài: 180 phút                                      

(Đề thi gồm 01 trang)

Câu 1 (8,0 điểm)

[…]
Người ta nói rằng từ khi có máy ảnh, con người ngày càng thích nhìn bản sao của thế giới hơn là nhìn thế giới thật. Em cũng thích ngắm bản sao hơn chăng?

Em có biết, tất cả những chiếc máy ảnh đều mô phỏng theo hoạt động của đôi mắt, nhưng chưa bao giờ tái tạo một cách hoàn hảo cấu trúc tinh vi của mắt và bộ não con người. Những bức ảnh em chụp rất đẹp, nhưng hãy chấp nhận rằng có những vẻ đẹp không thể ghi lại bằng máy ảnh mà chỉ có thể ghi lại bằng ký ức và cảm xúc.

Như buổi hoàng hôn này, ngoài cái ánh nắng vàng vọt rọi phết lên những đóa sen tàn, ngoài cái xanh mướt của đồng lúa đương thì, còn có hương cỏ dại, hương lúa non đang kỳ ngậm sữa thơm tinh khiết. Còn có bầu không khí trong trẻo mát lạnh của chiều thu, cái huyền hoặc của ánh trăng mọc sớm trong chiều mờ sương ở vùng thôn dã.

Chiếc máy ảnh có thể giúp em giữ lại một khoảnh khắc đẹp, nhưng nó chỉ thay thế được một giác quan duy nhất. Trong khi đó, bộ não của em lưu giữ được ký ức của rất nhiều giác quan. Các nhà khoa học thuộc đại học Oxford đã cảnh báo rằng giác quan của con người đang bị suy giảm chức năng nghiêm trọng. Những cư dân thành phố như em thường giành 90% quỹ thời gian trong ngày để làm việc, sinh hoạt trong nhà, trước màn hình tivi và máy tính. Vậy thì khi có cơ hội đứng giữa thiên nhiên, cớ gì em lại chăm chú nhìn thế giới qua chỉ một khoảnh khắc đẹp, trong khi cùng lúc ấy em có thể tận hưởng vô số khoảnh khắc vô giá khác?

(Hơn một khoảnh khắc bị bỏ lỡ – Nếu biết trăm năm là hữu hạn, Phạm Lữ Ân)

Lời khuyên đem lại cho anh/ chị bài học nào về cách ngắm nhìn, sống cuộc sống thực trong sự phát triển của công nghệ và thế giới ảo?

Câu 2 (12,0 điểm)

“Yếu tố thần kì làm cho truyện cổ tích li kì và hấp dẫn […] hết sức thơ mộng, lãng mạn, trong sáng” (Giáo trình văn học dân gian Việt Nam – Nguyễn Bích Hà) nhưng xét cho cùng, yếu tố thần kì cũng cho thấy sự bất lực của nhân dân trong cuộc đấu tranh đòi công bằng ở thế giới cổ tích.

Suy nghĩ, quan điểm của anh/chị? Làm rõ bằng một số truyện cổ tích Việt Nam mà anh/chị đã học và đọc.

– Hết –

 

HƯỚNG DẪN CHẤM MÔN NGỮ VĂN – LỚP 10                           

Câu 1 (8,0 điểm)

  1. Yêu cầu về kỹ năng

Biết cách làm bài văn nghị luận xã hội, huy động những hiểu biết về đời sống xã hội, khả năng bày tỏ quan điểm riêng.

– Bố cục rõ ràng; lập luận chặt chẽ; diễn đạt trong sáng; không mắc lỗi chính tả, dùng từ, ngữ pháp; vận dụng tốt các thao tác lập luận; dẫn chứng tiêu biểu, chọn lọc.

– Diễn đạt có chất văn.

  1. Yêu cầu về kiến thức

Trên cơ sở hiểu ý nghĩa của lời khuyên, thí sinh có thể trình bày theo nhiều cách nhưng phải có căn cứ xác đáng. Thí sinh được tự do bày tỏ quan điểm của mình nhưng phải có thái độ chân thành, nghiêm túc, phù hợp với chuẩn mực đạo đức xã hội. Sau đây là một số định hướng:

  1. Giải thích (2,0 điểm)

– Lời khuyên đem lại bài học về cách ngắm nhìn, sống cuộc sống thực trong sự phát triển của công nghệ và thế giới ảo.

– Bài học từ cách sử dụng chiếc máy ảnh:

+ Hãy coi trọng việc ngắm nhìn thế giới bằng đôi mắt của mình, cảm nhận thế giới bằng giác quan, bằng những cảm xúc. Đó cũng là việc ta sống thật bằng con người mình, làm giàu cho tâm hồn, giác quan của mình.

+ Đừng quá phụ thuộc vào các tiện nghi, máy móc. Đừng quá coi trọng việc thể hiện ra với mọi người cuộc sống của mình.

  1. Bàn luận (4,0 điểm)

– Trong cuộc sống hiện đại, khi các trang mạng kết nối đang ngày càng phát triển, cuộc sống của con người cũng có nhiều thay đổi. Con người được trợ giúp nhiều hơn bởi máy móc, cũng lệ thuộc hơn vào máy móc. Con người phát triển nhu cầu được giao lưu, kết nối bằng nhiều hình thức (dẫn chứng từ hiện tượng cụ thể trong ngữ liệu đề bài)

– Sự thay đổi ấy cũng có những ý nghĩa tích cực:

+ Thể hiện sự phát triển của công nghệ, phục vụ và làm tăng chất lượng cuộc sống của con người

+ Giúp kết nối con người; giúp các cá nhân thể hiện nhiều hơn, rõ hơn về bản thân, về các khả năng, sở trường…

– Tuy nhiên, nếu con người không làm chủ được sự thay đổi ấy, con người sẽ bị phụ thuộc vào công nghệ, vào thế giới ảo, mà quên mất cuộc sống của mình, cho mình.

+ Công nghệ có ưu việt riêng, có thể làm nhiều điều con người không làm được, ví như máy ảnh có thể lưu trữ, hiện hình một hình ảnh rất cụ thể, rất lâu dài qua một tấm ảnh, có thể giúp nhiều người cùng biết đến khung cảnh ấy.

+ Nhưng có những điều không một máy ảnh nào có thể lưu trữ được: hương vị không gian lúc ấy, cảm xúc lúc ta nhìn ngắm nó… Nếu chúng ta chỉ mải mê chụp ảnh, ta có thể đã bỏ qua cơ hội cảm nhận đầy đủ vẻ đẹp của khung cảnh ấy, bỏ qua giây phút mình thực sự ngắm cảnh, thực sự cùng ai đó bên cạnh cảm nhận vẻ đẹp.

– Lời khuyên giúp ta biết coi trọng hơn sự cảm nhận, ngắm nhìn thế giới bằng con người mình, sống thật trong từng khoảnh khắc… để nâng cao giá trị cuộc sống của bản thân.

 

  1. Mở rộng vấn đề (1,0 điểm)

– Công nghệ cao không có lỗi, nó phục vụ con người. Vấn đề là con người phải biết làm chủ nó.

– Thế giới mạng không có lỗi. Nó kết nối con người và là một phương diện thể hiện con người bạn. Vấn đề là bạn để nó chiếm bao nhiêu?

  1. Liên hệ bản thân, rút ra bài học nhận thức và hành động (1,0 điểm)

Đặt bản thân vào vấn đề: Đã biết sống cho mình, cảm nhận cuộc sống riêng như thế nào? Hiểu ra điều gì và thay đổi thế nào sau bàn luận.

 

Cách cho điểm

– Điểm 7- 8: Viết đúng kiểu bài nghị luận xã hội; trình bày vấn đề một cách sâu sắc, thuyết phục; văn có giọng điệu.

– Điểm 5- 6: Viết đúng kiểu bài nghị luận xã hội; trình bày vấn đề cơ bản rõ ràng nhưng chưa thật sâu sắc; mắc một số lỗi nhỏ về diễn đạt và chính tả.

– Điểm 3- 4: Trình bày được khoảng một nửa yêu cầu về kiến thức; còn mắc lỗi về diễn đạt và chính tả.

– Điểm 1-2: Bài viết tỏ ra chưa hiểu rõ vấn đề, lúng túng trong cách giải quyết, mắc nhiều lỗi diễn đạt và chính tả .

– Điểm 0: Bài viết lạc đề, hiểu sai vấn đề hoặc không làm bài.

 

Câu 2 (12,0 điểm)

  1. Yêu cầu về kĩ năng

Có kĩ năng viết bài nghị luận văn học; bố cục rõ ràng; lập luận chặt chẽ; có tri thức chính xác, phong phú về vấn đề nghị luận; kết hợp nhuần nhuyễn các thao tác lập luận: giải thích, chứng minh, bình luận…; văn viết có giọng điệu.

  1. II. Yêu cầu về kiến thức

Thí sinh có thể làm nhiều cách, song cần đảm bảo một số ý cơ bản sau:

  1. Giới thiệu vấn đề nghị luận (0,5 điểm): Giá trị, vai trò của yếu tố thần kì trong truyện cổ tích.
  2. Giải thích (1,0 điểm)

– Yếu tố thần kì trong truyện cổ tích:

+ Là kết quả của những hư cấu, tưởng tượng kì ảo và bay bổng của nhân dân; là một đặc điểm tiêu biểu của tư duy dân gian khi sáng tạo nghệ thuật.

+ Tồn tại ở nhiều dạng: nhân vật kì ảo (ông Bụt, bà Tiên…), đồ vật kì ảo có phép lạ, sự hóa thân kì ảo…

– Yếu tố thần kì làm cho truyện cổ tích li kì và hấp dẫn […] hết sức thơ mộng, lãng mạn, trong sáng: Có vai trò lớn làm nên sự li kì, huyền ảo, hấp dẫn cho truyện cổ tích.

– Yếu tố thần kì cũng cho thấy sự bất lực của nhân dân: Là phương diện thể hiện sự bất lực của nhân dân trong việc giải quyết mâu thuẫn Thiện – Ác trong một giai đoạn lịch sử.

  1. Bình luận (3,0 điểm)

– Nếu truyện cổ tích hấp dẫn con người, đem lại cho con người niềm tin vào một xã hội công bằng, vào lẽ phải, điều thiện, cho con người đôi cánh để bay qua những vụn vặt, thiếu thốn, bất công đời thường… thì điều ấy được tạo dựng bởi chính yếu tố thần kì của thể loại truyện:

+ Yếu tố thần kì tham gia vào cốt truyện, làm cho câu chuyện có thể tiếp tục, có thể kéo dài, có thể chuyển hướng … dù đã đi vào bế tắc.

+ Yếu tố thần kì tạo nên lực lượng bảo vệ nhân vật chính (thường là nghèo khổ, xấu xí, bất hạnh, ngây thơ …) trước cái tàn ác, tham lam ( thường giàu có, hung hãn, quỷ quyệt)

+ Yếu tố thần kì mở ra trước mắt người đọc, người nghe cổ tích một thế giới khác, đúng như mơ ước, nguyện vọng, lí tưởng, làm thỏa mãn người đọc, người nghe.

– Nhưng, đó cũng là sự bất lực của nhân dân:

+ Nhân vật chỉ có được hạnh phúc nhờ vào phép màu, vào các lực lượng siêu nhiên… có nghĩa là trong đời thực, họ không thể có hạnh phúc, không thể bảo vệ hạnh phúc của mình.

+ Cái Ác chỉ khuất phục, chỉ bị trừng trị bởi ông Bụt bà Tiên… có nghĩa cái Ác vẫn đang hoành hành trong đời thực.

+ Mâu thuẫn giữa các nhân vật không thể giải quyết một cách hiện thực, có nghĩa là chưa thể tìm ra cách giải quyết.

+ Yếu tố thần kì, kì ảo, hoang đường là cách giải quyết không hiện thực, chỉ thể hiện mơ ước mà chưa chỉ ra cách thực hiện… cho thấy sự bế tắc khi đi tìm con đường giải phóng.

– HS cần lấy được các dẫn chứng cho các ý từ truyện cổ tích Việt Nam.

 

  1. Chứng minh (6,0 điểm)

– HS chọn được ít nhất 2 truyện cổ tích thần kì; hoặc biết cách lấy ngữ liệu từ truyện cổ tích thần kì Việt Nam đã học và đọc.

– Chỉ ra được các yếu tố thần kì của truyện.

– Làm rõ được 2 phương diện đang nghị luận về giá trị, vai trò của yếu tố thần kì:

+ Tạo nên sự hấp dẫn cho tác phẩm; đem lại cho tác phẩm những ý nghĩa sâu sắc; tạo ra thế giới cổ tích đẹp đẽ, thơ mộng.

+ Chỉ ra sự bất lực của nhân dân – người kể chuyện trong việc giải quyết các mâu thuẫn.

– Phần Chứng minh có thể được kết hợp với các phần Giải thích và Bình luận, khi HS giải thích, bình luận và chứng minh từng khía cạnh của vấn đề.

  1. Đánh giá, mở rộng (1,5 điểm)

– Khẳng định ý kiến đúng đắn.

– Bày tỏ quan điểm, cách nhìn về thế giới cổ tích và giá trị của chúng: trân trọng những khát vọng, mơ ước; đồng cảm với những nỗi niềm của người xưa… có cái nhìn đa chiều về vấn đề.

– Thêm hiểu và trân trọng những câu chuyện cổ tích – những bài học làm người đầu tiên.

 

Cách cho điểm

– Điểm 12: Đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về kĩ năng và kiến thức, tri thức phong phú, lập luận sắc sảo; không mắc lỗi về chính tả, diễn đạt.

– Điểm 10-11: Đáp ứng được hầu hết các ý cơ bản, mắc một vài lỗi nhỏ về chính tả, diễn đạt.

– Điểm 8-9: Đáp ứng được phần lớn những ý cơ bản, mắc một số lỗi về chính tả, diễn đạt.

– Điểm 6-7: Trình bày được khoảng một nửa yêu cầu về kiến thức, mắc một số lỗi chính tả, diễn đạt.

– Điểm 4-5: Bài viết sơ sài, tri thức văn học nghèo nàn, phân tích dẫn chứng hời hợt, mắc một số lỗi chính tả, diễn đạt.

– Điểm 1-2-3: Chưa hiểu rõ vấn đề, kĩ năng làm văn đuối, mắc nhiều lỗi chính tả, diễn đạt.

– Điểm 0: Hoàn toàn lạc đề hoặc không làm bài.

* Lưu ý: Giám khảo nắm yêu cầu của hướng dẫn chấm để đánh giá tổng quát bài làm của thí sinh. Cần khuyến khích những bài viết có chất văn, có những suy nghĩ sáng tạo.

 

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *