Hãy viết văn bản nghị luận phân tích, đánh giá về chủ đề và một số nét đặc sắc về nghệ thuật của bài thơ “ Hương sơn phong cảnh ca” ( Chu Mạnh Trinh)

Văn mẫu lớp 10

Mở bài 1 .Bạn có bao giờ thắc mắc rằng điểm khởi đầu và đích đến của văn học là ở đâu ? Người thi sĩ sẽ kiếm điều gì trong chính trang viết của mình? Bàn về sứ mệnh cao cả ấy, nhà văn người Nga Pau- xtốp-xki đã từng quan niệm rằng : “Niềm vui của nhà văn chân chính là niềm vui của những người dẫn đường đến cái đẹp”.Còn đối với nhà văn Thạch lam thì cho rằng : “ Công việc của nhà văn là phát hiện cái đẹp ở chỗ không ai ngờ tới, mang đến cho người đọc một bài học trông nhìn và thưởng thức”.Ta thấy điều đó càng được khắc họa rõ nét qua nghệ thuật của nhà thơ Chu Mạnh Trịnh – người nghệ sĩ trái tim tha thiết suốt đời đi tìm và phụng sự cái đẹp . Ông đã để lại cho văn đàn nhiều tác phẩm có giá trị , đặc biệt không thể không nhắc đến bài thơ Hương Sơn phong cảnh .Với những nét đặc sắc của nghệ thuật cũng như chủ đề của bài thơ , ông đã tài tình khắc họa một khung cảnh thiên nhiên kì vĩ vào trong tâm trí của độc giả.

Mở bài 2.Thiên nhiên luôn là nguồn cảm hứng bất tận cho những nhà văn, nhà thơ thể hiện tài năng và bày tỏ cảm xúc. Đứng trước một khung cảnh đẹp, con người khó tránh khỏi cảm giác rợn ngợp, say đắm, để rồi xuất khẩu thành thơ. Đối với Chu Mạnh Trinh, cảm xúc ấy được đẩy tới đỉnh điểm khi có dịp thăm thú Hương Sơn, một dãy núi với hệ thống núi nước trùng điệp, phức tạp, được mệnh danh là “Nam thiên đệ nhất động”. Trong ba tác phẩm viết về cảnh non nước hữu tình nơi đây, “Hương Sơn phong cảnh ca” là bài thơ nổi bật và giàu tính miêu tả nhất.

 

  Hương Sơn phong cảnh ca là một trong ba bài thơ được Chu Mạnh Trinh viết vào dịp ông đứng trông coi việc trùng tu tôn tạo quần thể thắng cảnh Hương Sơn. Bài thơ viết theo thể hát nói,19 câu thơ vẽ nên một bức tranh thiên nhiên xinh đẹp và nên thơ về phong cảnh Hương Sơn. Đây là một bài thơ vịnh cảnh và thể hiện tâm sự. Không chỉ vẽ cảnh đẹp, mà còn vẽ lòng người, đó là tâm sự yêu nước, tự hào với cảnh đẹp quê hương đất nước của nhà thơ. Bài thơ nằm trong bộ tác phẩm viết về Hương Sơn, bao gồm Hương Sơn phong cảnh ca, Hương Sơn Nhật Trình và Hương Sơn hành trình. Điểm độc đáo của Hương Sơn phong cảnh ca là tác giả sử dụng thể thơ hát nói tự do, không bị bó hẹp trong khuôn khổ lục bát hay Đường luật thông thường. Với tinh thần sảng khoái và sự choáng ngợp trước cảnh thiên nhiên quá đỗi mộng mơ, tác giả thể hiện sự thích thú, đồng thời là sự tôn trọng thiên nhiên và tình yêu tổ quốc thiết tha, dạt dào.

  Bài thơ với những vần thơ long lanh mềm mại như dải lụa đào, rồi thơ ca và thắng cảnh cũng hòa quyện vào nhau như là sinh ra để dành riêng cho nhau. Nhà văn đến với chùa Hương, phóng tầm mắt ra xa với cảnh nhìn bao quát đẹp vô cùng, bức tranh sơn thủy hữu tình hiện ra trước mắt:

Bầu trời, cảnh bụt

Thú Hương Sơn ao ước bấy lâu nay

Kìa non non, nước nước, mây mây

Đệ nhất động hỏi là đây có phải?

  Cảnh Bụt”, một cách miêu tả rất độc, lạ và sáng tạo. Miêu tả vẻ đẹp đến mức siêu thực của Hương Sơn, tác giả không dùng quá nhiều những từ ngữ mĩ miều. “Cảnh Bụt”, một cảnh đẹp chỉ có ở chốn thiên đình, lại phảng phất sự duy tâm, linh thiêng, tĩnh lặng. Đây chính là Hương Sơn trong truyền thuyết, Hương Sơn mà chúa Trịnh Sâm năm xưa phải trầm trồ tán thưởng, là “ao ước bấy lâu nay” được diện kiến. Bầu trời cao rộng đưa hồn thơ cất cánh bay bổng, người đọc có thể hình dung sự rộng mở của không gian khiến ta cảm giác như đang bồng bềnh giữa những đám mây. Hòa cùng với cảnh trời ấy là non, là nước, là mây trời. “Kìa non non, nước nước, mây mây”, nước thiếp núi, núi tiếp mây, tất cả sự vật như hòa thành một tổng thể bức tranh, hòa quyện vào nhau như bất tận. Chốn sơn thủy hữu tình tưởng như chỉ có trong tưởng tượng nay đã hiện rõ trước mắt nhà thơ, Hương Sơn đẹp không chỉ bởi phong cảnh hùng vĩ, không chỉ bởi hệ thống núi nước độc lạ mà còn là không khí “Bụt”, thoát tục, thanh thuần. Đẹp là thế, để tác giả với tâm hồn nhạy cảm, sau sự bỡ ngỡ phút ban đầu đã phải bật thốt lên rằng: “Đệ nhất động” hỏi là đây có phải? Một câu hỏi không cần trả lời, câu hỏi chỉ để một lần nữa khẳng định lại vẻ đẹp chốn bồng lai tiên cảnh này. Vẻ đẹp khiến con người ngỡ ngàng, nét đẹp mang màu sắc tiên giới, phảng phất hương khói chốn linh thiêng. Thiên nhiên chào đón khách tham quan bằng nét đẹp thanh khiết, sạch sẽ, mời gọi những tâm hồn trong sạch và hướng thiện tới với đất Phật, nơi thiên nhiên và con người giao hòa trong một khung cảnh không thể diễn tả bằng lời.

 Cảnh vật hiện lên đẹp một cách lạ thường dưới ngòi bút của tác giả. Những hình ảnh cổng phật với cảm nhận tinh tế khiến tác giả không thể không thốt lên đây có phải đệ nhất động.  “Cá nghe kinh”  là một hình ảnh sáng tạo, đầy chất thơ. Cảnh sắc Hương Sơn mang màu sắc thiền tính:

Thỏ thẻ rừng mai chim cúng trái,

Lửng lơ khe Yến cá nghe kinh
Thoáng bên tai một tiếng chày Kình

Khách tang hải giật mình trong giấc mộng

 Quả là sống trong cảnh Bụt, nhìn con chim ăn trái mai (mơ) mà tác giả tưởng tượng ra con chim đang cúng trái cái đầu gật lên, gật xuống để mổ trái cây, nhìn con cá đang lặng lờ bơi mà tác giả nghĩ cá đang nghe kinh (im lặng để nghe). Chim cúng trái, cá nghe kinh… rồi cả không gian cũng như loãng ra trong tiếng chuông chùa không dứt tiếng chày kình. Và, đến lượt con người (khách tang hải) lại say bởi cảnh vật, say bởi cái không gian đáng mến ấy.

  Không khí thần tiên thoát tục đã bao trùm Hương Sơn. Cả một vùng trời đất, từ không gian đến cảnh vật, con người đều ngất ngây trong khí đạo, mùi thiền. Tác giả Hương Sơn phong cảnh ca gọi đó là cảnh Bụt. Thực ra cảnh Bụt cũng là cảnh Tiên đẹp, người ta thường dùng nó để chỉ cái đẹp khác với cái đẹp thông thường.

Nhưng Chu Mạnh Trinh không gọi là cảnh Tiên mà gọi là cảnh Bụt vì gọi như thế vừa tránh được cái sáo mòn của chữ, lại vừa gợi được khí vị thiêng liêng phù hợp với đối tượng miêu tả; mặt khác gọi là cảnh Bụt cũng vừa thể hiện được cái đẹp vừa thể hiện được hành động từ bi cứu nhân độ thế của đạo Phật.

Cảnh có hồn hay hồn người đã nhập vào cảnh? Ở đời có cái đẹp đánh thức cái ham muốn tầm thường của con người, nhưng cũng có cái đẹp làm cho con người thánh thiện hơn lên. vẻ đẹp đó là của Hương Sơn. Con người trong cuộc sống đời trần vốn nhuộm đầy ưu tư phiền muộn và cả bụi bặm đời thường. Nhưng khi đến vói Hương Sơn tất cả sẽ được rũ bỏ để thành cao khiết hơn lên, thánh thiện hơn lên, bởi ở đây con người có đủ điều kiện để trở nên trong sạch:

Này suối Giải Oan, này chùa Cửa Võng,

Này hang Phật Tích, này động Tuyết Quynh.

Nhác trông lên ai khéo họa hình,

Đá ngũ sắc long lanh như gấm dệt

  Suối Giải Oan, chùa Cửa Võng, hang Phật Tích, động Tuyết Quỳnh, hàng loạt những danh lam thắng cảnh nằm trong quần thể Hương Sơn được tác giả liệt kê lần lượt. Người ta thấy có sự giao hòa của con người và thiên nhiên, nếu tự nhiên ban tặng cho suối, cho hang, cho động thì con người đã biết cách tận dụng cảnh đẹp có một không hai ấy để xây dựng chùa, nơi thờ tự và tu luyện nghiêm trang, thanh khiết

Cách phối thanh bằng, trắc trong hai câu thơ này cũng cho thấy bút pháp điêu luyện, tài hoa của tác giả để làm nổi bật tính nhạc của bài hát nói. Hương Sơn có rất nhiều di tích thắng cảnh nhưng Chu Mạnh Trinh chỉ giới thiệu bốn cảnh điển hình, chỉ gợi ra mà không tả. Suối Giải Oan, chùa Cửa Võng, am Phật Tích, động Tuyết Quynh mỗi di tích mỗi thắng cảnh đều đem đến cho ta nhiều liên tưởng và hướng thiện lòng người hành hương. Ai cũng cảm thấy mình đang cùng nhà thơ chan hòa vào cảnh Bụt, được sống lại giây phút mà chỉ có bầu trời, cảnh Bụt nơi Hương Sơn mới ban phát cho mình. Cảm hứng tín ngưỡng về đạo Phật được thể hiện qua những vần thơ nói về suối, chùa, am, động như mời gọi du khách, lắng nghe tiếng chuông chùa xa đưa lại mà ngạc nhiên, mà ngỡ ngàng…

Tả hang động, Chu Mạnh Trinh dùng những từ ngữ đầy màu sắc, giàu tính tượng hình. Cảnh sắc hang động ấy được tạo dựng nên bởi hóa công và tài trí của con người

“Nhác trông lên ai khéo vẽ hình

 Đá ngũ sắc long lanh như gấm dệt”

Những liên tưởng so sánh về nhũ đá trong các hang động biểu lộ niềm tự hào của nhà thơ về đất nước và con người Việt Nam: yêu đời, yêu tạo vật, biết đem bàn tay khéo léo tô điểm cảnh trí non sông. Hương Sơn có đường lên trời có hang xuống âm ti địa ngục dẫn khách hành hương du nhập vào thế giới siêu thoát. Cảnh được tả từ xa tới gần, từ khái quát đến cụ thể, từ cao xuống thấp, từ thấp lên cao, huyền ảo.

Tả hang động, Chu Mạnh Trinh dùng những từ ngữ đầy màu sắc, giàu tính tượng hình. Cảnh sắc hang động ấy được tạo dựng nên bởi hóa công và tài trí của con người:

“Thăm thẳm một hang lồng bóng nguyệt.

 Gập ghềnh mấy lối uốn thang mây”.

Tiếp theo là những câu thơ giàu chất họa, chất nhạc với các từ láy gợi hình long lanh, thăm thẳm, gập ghềnh vẽ ra vẻ đẹp mộng ảo, thần tiên huyền bí của “Nam thiên đệ nhất động”. Các từ láy: thăm thẳm, gập ghềnh gợi tả độ sâu, nét lượn cheo leo, khúc khuỷu của sườn non, hang động mà du khách lần bước vượt qua để hòa nhập với thiên nhiên, để chiếm lĩnh cái hồn của cảnh bụt. Phép đảo ngữ đã làm nổi bật cái độ sâu thăm thẳm của hang động, cái nét gập ghềnh của những sườn non, những thang mây cao vút. Có hang sâu thăm thẳm, lại có lối uốn gập ghềnh, có bóng nguyệt lồng hang, lại có thang mây uốn lối… Câu thơ mềm mại uyển chuyển, mỗi một chi tiết nghệ thuật là một nét vẽ, nét khắc tài hoa. Cảnh đẹp mang tình người và hồn người, đáng yêu và đáng nhớ.

 Tựu trung lại, cả đoạn thơ tác giả nhằm thể hiện vẻ đẹp siêu thoát của Hương Sơn; nhưng siêu thoát chứ không siêu hình. Chính vì thế ai chưa một lần đến Hương Sơn, sau khi đã thưởng thức bài thơ này rất khao khát được đến và rồi sẽ nghiệm ra vẻ đẹp để càng yêu mến Hương Sơn hơn. Hương Sơn đẹp! vẻ đẹp của Hương Sơn suy rộng ra cũng là vẻ đẹp của giang sơn, đất nước:

                    Chừng giang sơn còn đợi ai đây

                     Hay tạo hóa khéo tay xếp đặt?

                      Lần tràng hạt niệm Nam mô Phật

                      Cửa từ bi công đức biết là bao!

                      Càng trông phong cảnh càng yêu

 Một câu hỏi không cần câu trả lời nhưng chắc chắn ai cũng có thể trả lời được: đợi chủ nhân của nó. vẫn biết cảnh đẹp Hương Sơn chủ yếu là do thiên tạo, nhưng sao không phải là trên đất khác mà lại trên đất này- đất Việt Nam? Chính vì thế Hương Sơn là của người Việt Nam, của giang sơn Việt- Nam.

Và từ đó ta cũng có thể hiểu ra: yêu Hương Sơn là yêu giang sơn Việt Nam. Câu thơ kết thúc tác giả còn bỏ lửng: Càng trông phong cảnh càng yêu như có ý để người đọc tự viết tiếp những từ mà tự mình cho là hợp lí nhất . Không khí thần tiên là nơi để tu tập, để giũ bỏ tham sân si của cuộc sống trần gian, thả trôi tâm hồn về miền cực lạc. Đất Phật, đất tổ, nơi con người và thiên nhiên giao hòa, một hình ảnh trữ tình, nên thơ. Con người và thiên nhiên cùng nhau tồn tại, trao cho nhau tình yêu thương và sự tôn trọng. “Càng trông phong cảnh lại càng yêu”, một câu thơ thể hiện tâm trạng trực tiếp, câu thơ mang nặng cảm xúc tình tự, xốn xang. Màu sắc linh thiêng và kì bí của Phật pháp, người đọc cảm nhận được sự giao thoa và hòa hợp giữa con người và thiên nhiên, không chỉ có núi non nước ngự trị mà còn có cả đình chùa do con người xây dựng, lòng hướng Phật do con người truyền bá, làm thiên nhiên càng thanh tịnh hơn, yên bình hơn.

  Bằng bút pháp nghệ thuật điêu luyện cùng với tâm hồn lãng đãng, bồng bềnh, tác giả đã để lại một thi phẩm mang chiều sâu cả về khía cạnh miêu tả cũng như biểu cảm. Phong cảnh Hương Sơn hiện lên vừa kì vĩ, lý thú lại vừa gần gũi, yên bình, mang đến cho con người cảm giác khoáng đạt, thoát ly trần tục. Cảnh đẹp là thế, nhưng viết ra được, truyền tải được cảnh đẹp đến người đọc hay không, đó là cái tài hơn người của Chu Mạnh Trinh. Hương Sơn phong cảnh ca” là một trong những tác phẩm hay nhất viết về đề tài cảnh sắc thiên nhiên. Đặc biệt, ở bài thơ này, không những chỉ vẽ lên bức tranh danh lam thắng cảnh đẹp tựa chốn bồng lai bao người mơ ước, mà còn khéo léo thể hiện lòng yêu thiên nhiên, yêu non sông đất nước, tự hào, tự tôn dân tộc của Chu Mạnh Trinh. Cảnh thiên nhiên đẹp hài hòa khi kết hợp với bàn tay của con người, sự xuất hiện của con người. Con người đứng giữa thiên nhiên đẹp kỳ vỹ mà vẫn không hề thấy xa lạ, choáng ngợp. Hơn nữa còn qua đó mà càng thêm yêu, càng thêm muốn cống hiến, muốn giữ gìn. Quả là một bài thơ vừa đẹp, lại vừa hay

“Hương Sơn phong cảnh ca” là một bức tranh phong cảnh nhưng được vẽ bằng ngôn từ, là một sợi dây kết nối giữa con người và thiên nhiên. Vẻ đẹp thiên nhiên càng được khắc họa với những nét vẽ vừa tráng lệ lại vừa yểu điệu uyển chuyển. Qua đó, cũng thể hiện tình yêu thiên nhiên và cũng như sự tinh tế, con mắt tinh tường của tác giả trước vẻ đẹp mà thiên nhiên ban tặng.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *