Thi pháp thời gian nghệ thuật

Tài liệu Văn

                   CHƯƠNG:  THI PHÁP THỜI GIAN NGHỆ THUẬT

  1. KHÁI NIỆM THỜI GIAN NGHỆ THUẬT.
    • Thời gian nghệ thuật là một phạm trù của nghệ thuật.

Trong triết học, thời gian là hình thức tồn tại của vật chất bởi không có gì tồn tại ngoài thời gian. Thời gian có 3 chiều: quá khứ, hiện tại và tương lai.Thời gian tự nhiên này có tính chất là không thể đảo ngược được. Nó chỉ vận động một chiều, đã qua đi thì không bao giờ trở lại. Thời gian này chưa phải là thời gian nghệ thuật.

Vậy thời gian nghệ thuật là gì?

Tác phẩm nghệ thuật là một thế giới- thế giới nghệ thuật, thế giới này có nhân vật vận động trong không gian và thời gian. Thời gian trong tác phẩm được tái tạo lại. Đó có thể là cả một đời người(Chí Phèo – Nam Cao), cũng có thể chỉ vài ngày(Một bữa no– Nam Cao), một ngày(Bến quê– Nguyễn Minh Châu), nhưng cũng có khi chỉ là một khoảnh khắc(Qua đèo Ngang– Bà huyện Thanh Quan). Bên cạnh đó, thời gian này đặc biệt hơn thời gian tự nhiên bởi có thể đảo ngược, từ hiện tại hồi tưởng về quá khứ(Cải ơi-Nguyễn Ngọc Tư), từ hiện tại vụt thoáng đến tương lai( Bến quê-Nguyễn Minh Châu). Thời gian này cũng có thể giãn nén, có thể cảm thấy tháng năm trôi qua trong chốc lát, lại có thể cảm thấy  ngày dài như vô tận. Thời gian trôi qua nhanh hay chậm, dài hay ngắn, theo trật tự tự nhiên hay đảo ngược đều bắt nguồn từ dụng ý nghệ thuật của tác giả. Và thời gian này là thời gian nghệ thuật.

Vậy thời gian nghệ thuật là thời gian mà ta có thể cảm nhận được trong tác phẩm nghệ thuật với trường độ ngắn dài, nhịp điệu nhanh chậm và các chiều. Thời gian nghệ thuật là một hình tượng nghệ thuật, là sản phẩm sáng tạo của tác giả nhằm tạo ra cảm xúc thẩm mĩ cho người tiếp nhận.

  • Tầm quan trọng của thời gian nghệ thuật đối với sáng tác.

Thời gian nghệ thuật là phạm trù đặc trưng của văn học bởi văn học là nghệ thuật của thời gian. Theo D.X. Likhasop (Nhà thi pháp văn học Nga cổ): “ Thời gian là đối tượng, là chủ thể, là công cụ miêu tả, là sự ý thức và  cảm giác về sự vận động và thay đổi của thế giới trong các hình thức của thời gian xuyên xuốt toàn bộ văn học”. Bản thân thời gian chính là một đối tượng của sự cảm nhận, một chủ đề, đề tài của tác phẩm văn học. Người ta có thể miêu tả một đời, một thế hệ hoặc một ngày, một phút giây trong cuộc đời hoặc cũng có thể tái hiện những năm tháng không thể nào quên.

Thời gian trong văn học không chỉ đơn giản là cái dung chứa các quá trình đời sống mà còn là một nhân tố độc lập tham gia vào hành động nghệ thuật, là một trong những phương tiện hữu hiệu nhất để tổ chức nội dung của nghệ thuật.

Là hình thức của hình tượng nghệ thuật, thời gian nghệ thuật là một trong những phạm trù quan trọng nhất của thi pháp học, bởi vì nó thế hiện thực chất sáng tạo nghệ thuật của nghệ sĩ. Nghệ sĩ có thể chọn điểm bắt đầu và kết thúc, có thể kể nhanh hay chậm, kể xuôi hay ngược, có thể chọn điểm nhìn từ quá khứ, hiện tại hay tương lai, có thể chọn độ dài khoảnh khắc hay nhiều thế hệ, nhiều cuộc đời. Thời gian thể hiện ý thức sáng tạo nghệ thuật của nhà văn.

  1. CẤU TRÚC VÀ BIỂU HIỆN CỦA THỜI GIAN NGHỆ THUẬT.
    • Thời gian trần thuật.

Thời gian trần thuật là thời gian vận động theo dòng vận động tuyến tính, một chiều của văn bản ngôn từ. Tác phẩm văn chương diễn đạt các sự vật, hiện tượng theo trật tự thời gian của lời nói liên tục từ câu đầu đến câu cuối, không thể đảo ngược. Thời gian trần thuật là thời gian của người kể, của sự kể( thời gian tác giả phát ngôn). Do thế, đây là thời gian hiện tại, hữu hạn, có tốc độ và nhịp điệu riêng, không thể đảo ngược.

  • Thời gian trần thuật là một thời gian hữu hạn vì nó có mở đầu và có kết thúc.
  • Thời gian trần thuật có nhịp điệu và tốc độ riêng do người kể có thể kể nhanh hay chậm, kể lướt qua hay dừng lại miêu tả chi tiết. Khi nào diễn đạt khái quát thì thời gian lướt nhanh( ví dụ đoạn miêu tả những ngày tháng ê chề của Kiều ở lầu xanh trong Truyện Kiều), khi nào miêu tả chi tiết thì thời gian như dừng lại(ví dụ đoạn lão La Hán bị quân Nhật hành hình trong truyện Cao lương đỏ)
  • Thời gian trần thuật không thể đảo ngược. Thời gian trần thuật là thời gian vận động theo chiều của ngôn từ, không thể đảo ngược.
  • Thời gian trần thuật luôn mang thời hiện tại. Khi đọc một tác phẩm, ta dường như quên đi thời gian thực tại mà chìm vào thời gian đang diễn ra trong tác phẩm. Có thể thời gian của câu chuyện đã là quá khứ nhưng thời gian của người đọc luôn là hiện tai.
    • Thời gian được trần thuật.

Là thời gian của sự kiện được nói tới. Thời gian được trần thuật bao gồm: thời gian sự kiện và thời gian nhân vật.

|- Thời gian sự kiện là chuỗi liên tục của các sự kiện trong quan hệ trước sau, nhân quả. Thời gian sự kiện có thể được tính theo độ dài thời gian mà nó diễn ra. Ví dụ, thời gian sự kiện trong “Truyện Kiều” là 15 năm, trong “Chí Phèo” là cả cuộc đời Chí Phèo. Nhưng thời gian sự kiện trong truyện cổ tích như Cây khế, Tấm Cám thì chỉ có tính liên tục mà không biết diễn ra trong bao lâu.

Trong thời gian sự kiện, người ta chia 2 lớp thời gian: thời gian tiền sử và thời gian cốt truyện. Thời gian tiền sử thường được kể bổ sung, thuyết minh thêm cho nhân vật. Thời gian cốt truyện thì được trần thuật liên tục, tạo cảm giác vận động cho tác phẩm. Ví dụ thời gian tiền sử trong truyện “Chí Phèo” là  lai lịch của Chí phèo, còn thời gian cốt truyện được tính từ khi “hắn vừa đi vừa chửi” đến kết thúc truyện.

– Thời gian nhân vật: bao gồm thời gian tiểu sử và thời gian được nếm trải qua tâm hồn nhân vật.

Thời gian tiểu sử là thời gian về cuộc đời nhân vật.

Thời gian được nếm trải qua tâm hồn nhân vật( thời gian tâm trạng) là thời gian được hình thành qua cảm nhận chủ quan, tùy lúc của nhân vật. Nó có thể đảo ngược, từ hiện tại hồi tưởng lại quá khứ, có thể kéo giãn ra, có thể co ngắn lại. Chẳng hạn, trong nỗi nhớ nhung mong ngóng, người chinh phụ cảm thấy thời gian như dài đằng đẵng đến vô tận:

 

“Khắc giờ đằng đẵng như niên

Mối sầu dằng dặc tựa miền biển xa”

(Chinh phụ ngâm – Đặng Trần Côn)

Ngược lại, với lòng yêu tha thiết cuộc sống này, Xuân Diệu thấy thời gian qua gấp gáp quá:

Xuân đương tới nghĩa là xuân đương qua

Xuân còn non nghĩa là xuân sẽ già

(Vội vàng)

Có thể nói, thời gian nhân vật gắn liền với thời điểm có ý nghĩa riêng với nhân vật đó.

  • Mối quan hệ giữa thời gian trần thuật và thời gian được trần thuật. 

Sự sắp xếp, phối trí giữa thời gian được trần thuật vào thời gian trần thuật mới tạo ra thời gian nghệ thuật thật sự. Mối quan hệ này được biểu hiện qua các tương quan sau đây:

2.3.1. Tương quan giữa điểm mở đầu và kết thúc của thời gian trần thuật với điểm mở đầu và kết thúc của thời gian sự kiện.

Hai điểm mở đầu và kết thúc của hai thời gian trên có thể trùng nhau hoặc không trùng nhau. Hai điểm này có thể trùng nhau như trong truyện cổ tích, truyện ngụ ngôn…Hai điểm mở đầu và kết thúc của thời gian trên không trùng nhau trong tác phẩm “Chí Phèo”. Thời gian trần thuật bắt đầu từ khi “hắn vừa đi vừa chửi”, còn thời gian sự kiện là cả cuộc đời Chí Phèo, được bắt đầu từ khi “Từ một sáng tinh sương, một anh đi thả ống lươn” nhặt được Chí đỏ hỏn trong cái lò gạch bỏ không. Đây là trường hợp bắt đầu từ giữa. cũng có trường hợp bắt đầu từ kết quả của sự kiện đã kết thúc(Cao lương đỏ -Mạc Ngôn).

2.3.2. Tương quan sự kiện trong thời gian trần thuật:

Các sự kiện trong thời gian trần thuật có thể:

  • Các sự kiện được trần thuật kiên tục nhau, sự kiện này kề theo sau sự kiện trước. (Hai con dê-Ngụ ngôn La phông ten)
  • Giữa các sự kiện có khoảng cách thời gian ngắn hoặc dài, được thông báo hoặc thông qua miêu tả phong cảnh, môi trường.
  • Gối đầu nhau, sự kiện này chưa xong, sự kiện kia đã tới.
  • Các sự kiện được ngắt giữa chừng nhằm gây chú ý, đợi chờ. Điều này được thể hiện rõ nhất trong tiểu thuyết chương hồi với câu kết “muốn biết sự thể ra sao, xin xem hồi sau sẽ rõ”
  • Đảo ngược thời gian, hồi tưởng, hồi thuật. Ví dụ thời gian trong “Nỗi buồn chiến tranh” của Bảo Ninh.
  • Dồn nén nhiều sự kiện có độ dài thời gian lớn trong một khoảnh khắc trần thuật hoặc trải rộng một hành động vốn diễn ra nhanh trong cả đoạn trần thuật. Đó là “dụng ý nghệ thuật” của tác giả nhắm tạo ra những hiệu quả thẩm mĩ nhất định.

Như vậy, ý thức về tương quan giữa thời gian trần thuật và thời gian sự kiện làm tăng thêm tính hiện thực của miêu tả, tạo nên tính độc đáo, không lặp lại của chúng.

2.3.3. Tương quan giữa thời gian trần thuật với thời gian nhân vật.

Xây dựng thời gian trần thuật dựa vào quá trình tự ý thức của nhân vật. Ý thức con người vận động theo qui luật ký ức và liên tưởng. Vận dụng kí ức của nhân vật để trần thuật là một thủ pháp đặc trưng của văn học. Ví dụ như khi nói: tôi còn nhớ như in… hay dạo đó…là đã sử dụng kí ức. Kí ức có khả năng tập hợp các sự kiện cách xa nhau lại. Chẳng hạn như trong “Cánh đồng bất tận”, Nguyễn Ngọc Tư đã kể lại việc người mẹ phản bội cha qua hồi ức của đứa con gái tên Nương.

Mối tương quan này còn thể hiện rõ trong thơ trữ tình.Ở đó thời gian trần thuật trùng với thời gian trữ tình.

Vd

Đêm qua ra đứng bờ ao

Trông cá cá lặn trông sao sao mờ

Buồn trông con nhện giăng tơ

Nhện ơi nhện hỡi, nhện chờ mối ai

Buồn trông chênh chếch sao mai

Sao ơi sao hỡi nhớ ai sao buồn (ca dao)

Thời gian trần thuật là thời gian trữ tình. Thời gian chờ đợi từ đêm qua đến sáng mai. Ý thức vận động từ trông người đến thương mình. Đó là thời gian mòn mỏi. Bài ca dao thể hiện tính chất của thời gian đợi chờ.

Như vậy, thời gian trần thuật và thời gian được trần thuật có mối quan hệ qua lại, tác động lẫn nhau. Giữa hai lớp thời gian này có thể có một khoảng cách rất lớn, nhưng có khi lại không có khoảng cách.

  • Các bình diện thời gian.

– Thời gian hiện tại: Thời gian hiện tại đóng vai trò chủ đạo, bởi đó là thời gian của cảm nhận. Hồi tưởng là quay về quá khứ, cũng có nghĩa là sống với cái hiện tại của quá khứ. Mơ ước về tương lai là sống với cái hiện tại của tương lai.

– Thời gian quá khứ là sự hồi tưởng quay về quá khứ, cũng có nghĩa là sống với hiện tại của quá khứ. Thời quá khứ trong văn học xuất hiện rất muộn. Trong truyện dân gian  và nhiều truyện trung đại, thời quá khứ không xuất hiện do nhân vật không biết hồi tưởng. chỉ khi nào có ý thức về đời sống nội tâm thì nhân vật mới có khả năng hồi tưởng và xuất hiện thời quá khứ. Coi trong quá khứ là một đặc điểm của văn học hiện đại. Quá khứ thường thể hiện trong hồi ức (hồi ức của Nương về gia đình trong Cánh đồng bất tận-Nguyễn Ngọc Tư), qua hình tượng người già, qua các dấu tích, phế tích.

– Thời gian tương lai là thời gian mơ ước, dự kiến của con người về cuộc sống hiện tại của tương lai, của điều chưa xảy ra nhưng con người có thể dự đoán trước hay mơ ước sẽ xảy ra. Đó thường là thời gian của hi vọng, của những gì thường là tốt đẹp nhất hay những dự báo về những điều xấu. Thời gian này thể hiện qua giấc mơ, dự kiến, ước mơ, qua hình ảnh trẻ con, bào thai. Ví dụ trong truyện ngắn Chí phèo, Thị Nở nhìn xuống bụng và nghĩ tới cái lò gạch bỏ hoang. Hình ảnh này dự báo tương lai u tối của thêm một kiếp người.

Ngoài ra, còn có thời gian vĩnh viễn tuần hoàn, không quá khứ, không tương lai, chỉ có một sự kéo dài bất biến.

  • Độ đo thời gian.

Độ đo thời gian thể hiện mức độ ý thức về thời gian. Con người bắt đầu đo thời gian theo đơn vị ngày (từ mặt trời mọc đến khi mặt trời lặn), sau đó theo mùa, theo năm. Với sự phát triển, người ta đo thời gian bằng thời đại, kỉ nguyên, thế kỉ. Như vậy độ đo thời gian là một đại lượng ước lệ mang tính quan niệm.

Độ đo thời gian gắn với thể loại. Ví dụ trong kịch, do chia hồi, thời gian trong mỗi hồi được tính theo đồng hồ, thời gian giữa các hồi tính theo lịch, thời gian trong tác phẩm trữ tình và tự sự thì được tính tự do, đa dạng.

Trong văn học cổ Việt Nam người ta thường đo thời gian đời người bằng “Trăm năm” (Trăm năm trong cõi người ta, chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau- Truyện Kiều). Ngoài ra độ đo thời gian còn được tính theo mùa và ngày ( Sen tàn cúc lại nở hoa/ Sầu dài ngày ngắn đông đà sang xuânTruyện Kiều), thậm chí là phút và giây(trong truyện “Những ngôi sao xa xôi” của Lê Minh Khuê, thời gian chờ bom nổ bom của ba nhân vật Thao, Nho, Phương Định được kéo dãn ra đến phút, giây).

  • Thời gian khép kín và thời gian mở.

    2.6.1. Thời gian khép kín

Là thời gian của truyện vận động theo các dữ kiện đã cho cho đến khi kết thúc, là thời gian vận động một chiều từ mở đầu cho đến hết. Tính khép kín của thời gian truyện thể hiện ở chỗ toàn bộ câu chuyện  được trình bày trong khoảng mở đầu và kết thúc. Người đọc không cần phải suy nghĩ, phán đoán những gì xảy ra ngoài giới hạn khung truyện, không có quá khứ xảy ra trước khi mở đầu truyện và sẽ không có tương lai xảy ra sau khi truyện kết thúc. Truyện kết thúc là hết, không còn gì dang dở nữa. Ví dụ, kết thúc truyện “Thạch Sanh”, số phận cuộc đời của các nhân vật được định đoạt rõ ràng, không còn gì để suy nghĩ ngoài câu chuyện.

       2.6.2. Thời gian mở

Là thời gian của tiến trình sự kiện trong đó xuất hiện nhiều khả năng mới, bước ngoặc mới mà không hề do ai hay do việc gì định trước. Do đó tác phẩm kết thúc không theo các dữ kiện ban đầu mà theo các dữ kiện mới có, viễn cảnh mới.( Chi tiết kết thúc truyện “Chí Phèo”: Thị Nở nhìn bà cô rồi nhìn nhanh xuống bụng và nghĩ đến cái lò gạch bỏ không gợi ra một viễn cảnh mới về một “Chí Phèo con”, một sự lặp lại lẩn quẩn trong số phận của người nông dân cùng khổ trước cách mạng tháng Tám)

  1. LƯU Ý KHI NGHIÊN CỨU VỀ THỜI GIAN NGHỆ THUẬT.
    • Tính chất và chức năng của thời gian nghệ thuật.

Hình tượng nghệ thuật nào cũng diễn ra trong một khoảng thời gian nhất định. Cùng với không gian, thời gian là trục tung và trục hoành mà giao điểm của nó sẽ xác định sự hiện hữu của các hình tượng nghệ thuật. Mặt khác, đến lượt mình, thời gian lại là những hình tượng nghệ thuật. Thời gian trong nghệ thuật với thời gian thực tế ngoài đời cũng giống như nhân vật trong nghệ thuật với con người thực ngoài đời. Mặt khác, về thực chất đó là một loại quan niệm nghệ thuật, một loại hình tượng nghệ thuật, là một phương tiện nhận thức và phản ánh đời sống. Nó vừa mang bản chất của cá tính sáng tạo nghệ thuật vừa thể hiện sự nhận thức, quan điểm, thế giới quan của người sáng tác.

  • Những lưu ý khi nghiên cứu thời gian nghệ thuật.

– Nghiên cứu về thi pháp thời gian nghệ thuật cần lưu ý hai vấn đề căn bản. Thứ nhất, quan niệm về thời gian của nhà văn. Thứ hai là cách thức tổ chức thời gian nghệ thuật của nhà văn. Khi nói quan niệm thời gian của nhà văn, cũng tức là nói ý thức của nhà văn về thời gian. Ý thức đó vừa phản ảnh những quan hệ thời gian hiện thực, vừa là sự nhận thức, đánh giá, phán xét những quan hệ đó.

– Quan niệm về thời gian của nhà văn có thể được bộc lộ qua những phát biểu và những cảm nghĩ trực tiếp về nó. Nhưng được bộc lộ chủ yếu gián tiếp qua việc tổ chức các mối quan hệ, đại lượng, bình diện, tính chất, của thời gian trong tác phẩm. Việc tạo dựng các nhân vật, sự kiện, hiện tượng, chi tiết,…theo những quan hệ, nhịp độ trình tự, mức độ tính chất, … nào đó bộc lộ quan niệm nghệ thuật về thời gian của nhà văn.

  1. THỰC HÀNH.

Phân tích thời gian nghệ thuật trong tác phẩm “Màu thời gian ” của Đoàn Phú Tứ.

Trong những năm 40 của thế kỷ trước, Đoàn Phú Tứ được biết đến không phải với tư cách là một nhà thơ mà là một nhà soạn kịch. Ông cũng có làm thơ, một trong số đó là “Màu thời gian”. Ví như “Hoàng Hạc Lâu” của Thôi Hiệu, khi nói đến những tác giả tiêu biểu của phong trào Thơ Mới không ai kể đến Đoàn Phú Tứ, nhưng khi giới thiệu những bài Thơ Mới tiêu biểu chắc chắn phải có “Màu thời gian”. Có một vị trí xứng đáng trong “Thi nhân Việt Nam” bởi “Màu thời gian” mang một vẻ đẹp rất đặc biệt. Với kết cấu độc đáo, ngôn từ giàu tính nhạc, bài thơ như một bản tình ca buồn về một mối tình tan vỡ nhưng vẫn say đắm, thủy chung và  thắm đượm tình người. Hơn nửa thế kỷ đã qua nhưng khúc ca về mối tình tan vỡ ấy vẫn làm ta nghẹn đi trong xúc động:

  “Sớm nay tiếng chim  thanh

   Trong gió xanh

   Dìu vương hương ấm thoảng xuân tình

   Ngàn xưa không lạnh nữa, Tần phi

   Ta lặng dâng nàng

   Trời mây phảng phất nhuốm thời gian…

 

Màu thời gian không xanh

Màu thời gian tím ngát

Hương thời gian không nồng

Hương thời gian thanh thanh…

 

 

Tóc mây một món chiếc dao vàng

Nghìn trùng e lệ phụng quân vương

Trăm năm tình cũ lìa không hận

Thà nép mày hoa thiếp phụ chàng…

 

Duyên trăm năm đứt đoạn

Tình một thuở còn vương

Hương thời gian thanh thanh

Màu thời gian tím ngát…”

Thời gian bắt đầu từ hiện tại, thể hiện bằng trạng từ chỉ thời gian “Sớm nay”:

Sớm nay tiếng chim thanh

 Trong gió xanh

 Dìu vương hương ấm thoảng xuân tình.

Với những câu thơ xen kẽ dài – ngắn; với lối gieo vần chân bằng những phù bình thanh thanhxanh và trầm bình thanh tình; với sự quấn quýt, luyến láy của cặp từ vươnghương,…Đoàn Phú Tứ đã phổ vào khúc bi tình ấy một giai điệu man mác buồn, một giai điệu luyến lưu, gợi niềm nhung nhớ. Cũng chính nỗi nhớ nhung này mà thời gian đột ngột quay về quá khứ “ Ngàn xưa không lạnh nữa, Tần phi”. Quá khứ này của ai và từ thuở nào? Nó không phải là quá khứ của mối tình hiện tại, không phải là quá khứ của chủ thể trữ tình mà là thuở

ngàn xưa” của nàng Tần phi. Từ câu thơ này, bài thơ đã nhuốm màu thời gian vạn thuở, mang hương vị của những mối tình thiên thu. Nàng Tần phi trong tình sử ngày xưa không muốn chồng trông thấy dung nhan tiều tụy, tàn phai của mình hiện tại nên đã “nép mày hoa” tránh mặt, chỉ gửi lại một mái tóc thanh xuân để làm tín vật thay người. Thà mang tiếng phụ phàng để giữ mãi trong lòng tình quân hình ảnh của một Tần phi xuân sắc! Tình yêu thủy chung và tỏa sáng vẻ đẹp của sự dâng hiến, hi sinh! Mà bản chất của một tình yêu chân chính bao giờ cũng thế: nó mang vẻ đẹp của đức hi sinh, của tình chung thủy; nó vượt khỏi sự hữu hạn của kiếp người để mãi mãi là nhịp đập bồi hồi trong trái tim của những tâm hồn trẻ. Chính vì lẽ đó mà trong những câu thơ tiếp theo,  ranh giới giữa quá khứ và hiện tại đã bị xóa nhòa:

“ Ta lặng dâng nàng

Trời mây phảng phất nhuốm thời gian”

Chủ thể trữ tình xưng “ta” như xác định một thời gian hiện tại. Nhưng cách gọi người yêu là “nàng” trong mối tương quan với “ta” lại “phảng phất nhuốm thời gian” quá khứ. Cả “trời mây”, tức là cái không gian vĩnh cửu, bất biến kia cũng nhuốm màu thời gian vĩnh hằng.

Thì ra, Đoàn Phú Tứ đâu chỉ nói về một mối tình trong hiện tại mà còn nói đến những mối tình tuy đã dở dang nhưng mãi tím ngát sắc màu thủy chung của muôn đời:

“Màu thời gian không xanh

Màu thời gian tím ngát

           Hương thời gian không nồng

          Hương thời gian thanh thanh”

Có phải từ mối tình tuy đã vỡ tan nhưng vẫn còn nguyên vẹn tình yêu và hương vị ngọt ngào trong hiện tại mà tác giả liên tưởng đến mối tình ngan ngát hương thời gian trong câu chuyện tình sử ngày xưa để định nghĩa sắc màu và hương vị của tình yêu? Một cách định nghĩa thật đặc biệt “Màu thời gian tím ngát”, “Hương thời gian thanh thanh” . Người Pháp nói “Thời gian có màu xanh” để nhấn mạnh sức thanh xuân của nó, Đoàn Phú Tứ thì nói “ Màu thời gian tím ngát” để làm nổi bật sự vững bền, chung thủy của tình yêu. Chung thủy ngay cả khi đã mất nhau! Bởi một tình yêu đâu chỉ đẹp khi thắm nồng, nó còn đẹp ngay cả khi tan vỡ. Sự tan vỡ làm nên sắc buồn “tím ngát” và hương vị “thanh thanh”, một hương thơm nhẹ nhàng mà lan tỏa như sắc hương của một mối tình lặng thầm mà đậm sâu, không thể nào quên. Một câu chuyện tình được nhắc đến trong “sớm nay” đã gợi ra một trường liên tưởng về những mối tình đẹp của muôn đời:

                        “Tóc mây một món, chiếc dao vàng

                        Nghìn trùng e lệ phụng quân vương

                        Trăm năm tình cũ lìa không hận

                        Thà nép mày hoa thiếp phụ chàng”

Nàng Kiều khi cùng chàng Kim thề nguyền đã cắt tóc làm tín vật trao tình “Tóc mây một món, dao vàng chia đôi”; Tần phi dâng lên quân vương mái tóc mây như khẳng định lòng thủy chung trước sau như một dù xuân sắc có tàn phai, tình duyên không trọn vẹn; Nàng Dương quý phi, trang tuyệt sắc của Đại Đường, khi bị vua Đường Minh Hoàng ghen tuông, ruồng rẫy, đã cắt nắm tóc dâng vua để bày giải nỗi lòng;… Hình ảnh “Tóc mây một món, chiếc dao vàng” đã trở thành “vật chứng” của lòng thủy chung, của khát vọng tình yêu thiên trường địa cửu. Nhắc về một mối tình đã mất mà không lời trách móc, không tiếng oán hờn, không đổ lỗi cho nhau, chỉ có một nỗi niềm tiếc xót dâng tràn và những câu chuyện về tình yêu thủy chung cứ ngân vang như một điệp khúc bất tận về một mối “tình cũ lìa không hận”. Chung thủy và thứ tha mới là bản chất thật sự của tình yêu theo quan niệm của Đoàn Phú Tứ và của những ai thật sự hiểu được giá trị của tình yêu. Trước một tình yêu vỡ tan, con tim cất lên khúc hát của tình thương, tình người! Nói như Quang Dũng “ Em mãi là hai mươi tuổi/ Ta mãi là mùa xanh xưa/ Giữ trọn tình người cho đẹp”( Không đề ). Chao ôi! Mong sao tất cả những ai là tình nhân trên đời, khi mất nhau có thể hành xử với nhau, với tình yêu bằng nghĩa cử cao đẹp; bằng tình người nhân ái, vị tha đến cảm động lòng người như thế!

Từ trường liên tưởng đến quá khứ, đoạn kết bài thơ quay trở về hiện tại để khẳng định sức sống bền bỉ của tình yêu và lòng thủy chung đợi chờ sau khi mối tình đã đứt đoạn:

“ Duyên trăm năm đứt đoạn

Tình một thuở còn vương

Hương thời gian thanh thanh

Màu thời gian tím ngát”

Với sự lặp lại kết cấu câu thơ 5 chữ và lặp lại về ý với đoạn thơ thứ hai, đoạn thơ cuối đã tạo được nhiều dư âm trong lòng người đọc. Nó như một điệp khúc mãi ngân vang hát cho một nỗi niềm “còn vương tơ lòng” khi mối tình đã “lìa ngó ý”. Một mối tình đã mất nhưng tình yêu thì còn vẹn nguyên! Và con tim cao thượng này đã không hề hoài nghi hay phỉ báng tình yêu mà ngược lại, vẫn phơi phới niềm tin vào lòng chung thủy của tình mình và lòng người. “Màu thời gian” là màu tình yêu, “hương thời gian” là hương tình yêu mãi “thanh thanh”, “tím ngát” trong lòng ta! Tác giả đã dùng thời gian nghệ thuật để thể hiện quan niệm của mình về tình yêu. “Duyên trăm năm đứt đoạn” là hiện tại; nhưng “tình một thuở còn vương” không phải dừng ở hiện tại. Đó là thời gian mở, từ “còn” gợi ra một trường liên tưởng hướng đến tương lai. Từ chuyện tình ngàn xưa đến mối tình ngày nay để rồi mở ra một “cảnh giới” mới cho tình yêu: vươn đến ngàn sau.

Đoàn Phú Tứ đã dùng thời gian vĩnh hằng để khẳng định lòng thủy chung vĩnh viễn. Một thời gian mang dáng nét không gian với hương thanh thanh, với màu tím ngát! Trong màu thời gian ấy, câu chuyện tình yêu mang trọn vẹn vẻ đẹp của một bài tình ca buồn. Một “tình khúc thiên thu” với giai điệu thanh thanh, man mác buồn như sắc màu tím ngát của một loài hoa. Còn có hình thức nào phù hợp với nội dung của thi phẩm này hơn nữa?

 

 

* Như vậy, cùng với không gian nghệ thuật, thời gian nghệ thuật làm nên hình thức tồn tại của thế giới nghệ thuật. Tác phẩm nghệ thuật là một xác định. Cái làm nên tính xác định đó chính là không gian và thời gian. Bởi thế, nghiên cứu thời gian nghệ thuật là công việc rất quan trọng giúp ta khám phá tác phẩm như một thế giới, một chỉnh thể nghệ thuật.

 

NHÓM THỰC HIỆN:

  • Nguyễn Thị Ánh Loan
  • Nguyễn Vân Anh
  • Tống Quang Khả
  • Lê Thị Diễm

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *