Đề thi học sinh giỏi môn văn bàn về quá trình sáng tạo Nghệ thuật

Đề thi khối 12
TRƯỜNG THPT CÁI BÈ

BỘ MÔN NGỮ VĂN

ĐỀ THI THỬ LẦN 1 CHỌN HỌC SINH GIỎI CẤP TỈNH

Năm học 2017 – 2018

Môn: Ngữ văn

Bài làm ở nhà

(Đề thi có 01 trang, gồm 2 câu)

—————————————————————————————————-

 

Câu 1: (8.0 điểm)

Viết một bài văn trình bày suy nghĩ của anh (chị) về câu ngạn ngữ sau:

“Người chỉ luôn biết nghĩ về mình là người ít hiểu mình nhất”.

Câu 2: (12.0 điểm)

“Quá trình sáng tạo nghệ thuật chân chính bao giờ cũng là một quá trình kép: vừa sáng tạo ra thế giới, vừa kiến tạo nên bản thân mình”.

Bằng trải nghiệm văn học của mình, anh (chị) hãy bình luận ý kiến trên.

———————————————–HẾT———————————————-

 

Thí sinh không được sử dụng tài liệu. Giám thị không giải thích gì thêm.

Họ và tên thí sinh:……………………………………… Số báo danh: ………………………..

TRƯỜNG THPT CÁI BÈ

BỘ MÔN NGỮ VĂN

ĐỀ THI THỬ LẦN 1 CHỌN HỌC SINH GIỎI

 CẤP TỈNH

Năm học 2017 – 2018

Môn: Ngữ văn

Bài làm ở nhà

—————————————————————————————————-

 

Câu 1: 8.0 điểm.

Bày tỏ suy nghĩ về câu ngạn ngữ : “Người chỉ luôn biết nghĩ về mình là người ít hiểu mình nhất”.

I. YÊU CẦU CHUNG:

– HS biết cách vận dụng kiến thức và kĩ năng làm văn nghị luận xã hội đúng yêu cầu của đề bài.

– Bài làm có bố cục rõ ràng mạch lạc, lập luận chặt chẽ, dẫn chứng thuyết phục, không mắc lỗi chính tả, dùng từ, ngữ pháp.

II. YÊU CẦU CỤ THỂ:

 HS có thể trình bày theo nhiều cách khác nhau nhưng cần đảm bảo các ý cơ bản sau:

A. Giải thích vấn đề:
– “Người chỉ luôn biết nghĩ về mình”: chỉ những người có lối sống ích kỉ, vô tâm, không quan tâm đến những người xung quanh mình. 0.5 điểm
– “người ít hiểu mình nhất”: không hiểu được chính bản thân mình, không khám phá được những điều tốt đẹp, quý giá của bản thân. 0.5 điểm
– Câu nói: nêu lên một trong số những tác hại của lối sống vô cảm. 1.0 điểm
B. Vận dụng lí lẽ và dẫn chứng để khẳng định tính đúng đắn của vấn đề:

Chẳng hạn:

– Cuộc sống của con người là sự tổng hòa các mối quan hệ xã hội. Nếu chỉ biết nghĩ tới lợi ích của bản thân mình thì ta không thể hiểu được bản thân mình, không khám phá được điều tốt đẹp nơi bản thân. 1.0 điểm
– Nếu chỉ biết nghĩ cho mình, ta không chỉ đánh mất những giá trị đẹp đẽ của bản thân mà còn làm ảnh hưởng đến những người xung quanh. 1.0 điểm
– Sống hài hòa, mở lòng với những người khác, ta còn có cơ hội để nhìn lại mình, soi lại mình và điều chỉnh bản thân theo hướng hoàn thiện hơn. 1.0 điểm
C. Vận dụng lí lẽ và dẫn chứng để bàn bạc, mở rộng vấn đề:

Chẳng hạn:

– Làm người thì phải có cái tôi, nhưng không vì thế mà tỏ ra cao ngạo, coi thường người khác. 1.0 điểm
– Cũng phải biết trân trọng bản thân mình mới biết yêu thương, trân trọng người khác. 1.0 điểm
D. Nêu phương hướng phấn đấu của bản thân.

Chẳng hạn:

– Phải biết sống hài hòa, cởi mở, sống nhiệt thành và biết cống hiến.

– Phải biết đặt mình vào hoàn cảnh người khác.

– Luôn quan tâm, chia sẻ với những khó khăn của những người chung quanh.

1.0 điểm
Câu 2: (12.0 điểm)

Bình luận về ý kiến: “Quá trình sáng tạo nghệ thuật chân chính bao giờ cũng là một quá trình kép: vừa sáng tạo ra thế giới, vừa kiến tạo nên bản thân mình”.

       I. Yêu cầu về kĩ năng:

1. Lập luận nêu bật vấn đề. Phân tích tác phẩm tinh tế, sâu sắc.

2. Biết chọn những tác phẩm tiêu biểu.

3. Diễn đạt chính xác, giàu hình ảnh, gợi cảm.

II. Yêu cầu về kiến thức:

Bài làm có thể trình bày theo nhiều cách khác nhau nhưng cần đảm bảo được những ý sau:

1. Giải thích ý kiến:

“sáng tạo ra thế giới”: Dựa trên nền tảng đời sống hiện thực, nhà văn tạo ra một thế giới được tái tạo lại (trong tác phẩm) bằng cách nhìn riêng, cảm nhận riêng.

“kiến tạo bản thân mình”: Bằng chính việc trải mình, chiêm nghiệm những ngang trái trong thế giới riêng của mình, nhà văn chắc lọc được những điều quý giá, đẹp đẽ để dần hoàn thiện nhân cách bản thân.

– Câu nói: khái quát chung cho quá trình sáng tạo nghệ thuật chân chính – vẽ ra thế giới thu nhỏ của hiện thực cuộc đời và xây dựng, hoàn thiện bản thân mình.

2.0 điểm
2. Dùng lí lẽ và dẫn chứng để khẳng định tính đúng đắn của vấn đề:

Chẳng hạn:

– Quy luật của văn học là phản ánh hiện thực cuộc sống. Cuộc đời chính là chất liệu vô tận cho người nghệ sĩ khai thác. Gắn chặt, bén rễ với cuộc đời, tác phẩm văn học mới có sức sống trường tồn.

– Nhưng văn học không phải phản ánh hiện thực như những gì nó có. Bằng năng lực của mình, nhà văn sẽ sáng tạo một thế giới riêng trong tác phẩm; thế giới ấy được nhìn qua lăng kính chủ quan và tình cảm của nhà văn.

 

 

 

2.0 điểm

– Chứng minh:

+ Những nhà văn Việt Nam: Ngô Tất Tố, Nguyễn Công Hoan, Thạch Lam… cùng viết đề tài người nông dân nhưng mỗi nhà văn có cái nhìn, phản ánh những phương diện khác nhau về họ.

+ Những sáng tác của các nhà văn thế giới như O. Henri, Victor Hugo: phản ánh lại hiện thực xã hội và số phận, cuộc đời của những con người có những phẩm chất cao đẹp.

2.0 điểm
– Quá trình sáng tạo là một quá trình song song:

+ Nhà văn phản ánh lại cuộc đời với bao ưu tư, day dứt cũng chính là nhà văn đang bồi dưỡng tâm hồn, lấp những thiếu sót, làm cho tâm hồn mình thêm trong sáng và thuần khiết.

+ Những sáng tác chân chính không chỉ làm cho độc giả vươn đến giá trị chân – thiện –mỹ mà nhà văn, người sáng tạo cũng dần hoàn thiện bản thân hơn.

2.0 điểm
– Chứng minh:

+ Ở Việt Nam ta không thể không nhắc đến Nam Cao- nhà văn nhân đạo lớn. Những trang viết về người trí thức nghèo cũng chính là những suy tư, trăn trở của chính con người ông.

2.0 điểm
3. Dùng lí lẽ và dẫn chứng để bàn bạc, mở rộng vấn đề:

Chẳng hạn:

– Đối với người sáng tác: Quá trình sáng tạo nghệ thuật là một hành trình lao động miệt mài. Nó đòi hỏi người nghệ sĩ phải sống thật với đời, thấu cảm được những vui buồn, sướng khổ của con người trước cuộc đời để sáng tạo và hoàn thiện tâm hồn mình.

– Đối với người đọc: Phải cùng với nhà văn không ngừng nâng cao nhận thức và bồi đắp tâm hồn, tình cảm của mình qua tác phẩm văn học.

2.0 điểm
III. Lưu ý chấm:

1. Chỉ cho điểm tối đa khi thí sinh đạt được cả yêu cầu về kĩ năng và kiến thức.

2. Thí sinh có thể nêu lí lẽ và dẫn chứng theo cách khác, miễn là chính xác, hợp lí.

3. Khuyến khích những bài làm có tính riêng, sáng tạo.

 

——————————————-HẾT————————————————

 

BÀI VĂN THAM KHẢO

Câu 1 (8,0 điểm)

Viết một bài văn trình bày suy nghĩ về câu ngạn ngữ: “Người chỉ luôn biết nghĩ về mình là người ít hiểu mình nhất”.

BÀI VĂN THAM KHẢO

Trong thực tế cuộc sống, con người luôn trăn trở,  đi tìm hạnh phúc. Có nhiều con đường đến với hạnh phúc. Tuy nhiên trên hành trình sống, có không ít người đã tự đánh mất giá trị bản thân vì một lý do ít hoặc không quan tâm đến những người xung quanh mình. Có lý chăng, khi có một câu ngạn ngữ cho rằng: “Người chỉ luôn biết nghĩ về mình là người ít hiểu mình nhất”.

Mỗi ngày qua đi, con người trải qua muôn vàn ý nghĩ: nghĩ công việc, về gia đình, về tương lai… Khi ta biết suy nghĩ nghĩa là ta đang tồn tại. Con người là sự tổng hòa các mối quan hệ xã hội (Mác). Và dĩ nhiên “Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình” (Tố Hữu). Có một truyền thuyết kể rằng, khi một em bé chào đời, Thượng đế trao tặng sinh linh bé bỏng nhất thế giới này một món quà: một chiếc hộp nhỏ với rất nhiều ổ khóa, mà chỉ có người chủ của chúng mới có thể mở được. Anh ta lớn lên, và tìm kiếm chìa khóa trái tim ẩn giấu bên trong thế gian bao la đầy những bí ẩn. Nếu anh ta chỉ biết nghĩ cho riêng mình, sống ích kỉ, không quan tâm tới nỗi đau, cảm xúc của người khác thì không bao giờ mở được chiếc hộp đó…

Một người chỉ nghĩ tới việc có lợi cho bản thân mình, làm những việc mình thích mà thây kệ người khác nghĩ gì, anh ta sẽ bỏ qua cơ hội được khám phá, cảm nhận vẻ đẹp của thế giới này và sẽ không bao giờ tìm được chìa khóa mở cửa trái tim mình vì không thực sự tương tác với thế giới xung quanh khi cuộc sống có hai chiều cho nhận. Chỉ biết nghĩ về mình – đó là một cách sống vị kỉ khiến con người dễ lầm đường lạc lối vì không thể hiểu được chính bản thân mình, không khám phá được điều tốt đẹp, quý giá của bản thân.

Có người cho rằng những người xung quanh anh là những tấm gương phản chiếu chính con người anh. Một lời nói dối, một cử chỉ không đẹp, thái độ dửng dưng trước sự đau khổ của người khác sẽ mang lại nỗi đau cho người khác. Sống ích kỉ, dối trá tức là bạn đã bóp méo hình ảnh của chính mình, từ đó mình cũng chỉ thấy cuộc sống đầy nhỏ nhen, tầm thường vô nghĩa. Bạn đã bỏ lỡ không nhìn thấy một cái tôi nhân hậu, giàu lòng trắc ẩn và luôn biết rung động trước những phép mầu của cuộc sống tiềm ẩn trong chính bạn. Vả chăng, khi khép mình vào lối sống ích kỉ, bạn tìm cách thu lợi cho mình từ người khác hơn là trao tặng những món quà tình thương. Một người không bao giờ mỉm cười có thể không bao giờ thấy được ánh sáng trong nụ cười của mình lấp lánh trên nét mặt người khác. Một món tiền nhỏ cho người bất hạnh ta gặp trên đường có thể nhắc nhở rằng mình giàu có như thế nào.

Còn rất nhiều điều cuộc sống gửi gắm khi bạn sẵn sàng rộng mở trái tim trao tặng người khác những món quà nho nhỏ như thế. Bạn trao đi niềm tin trên đời chắc chắn sẽ giúp cho ngày mới của ai đó sáng bừng lên. Nếu cứ nghĩ về bản thân, nếu cứ khép mình và toan tính, ích kỉ… chắc chắn bạn sẽ mất đi cơ hội thấy được mình tuyệt vời như thế nào trong mắt người khác. Điều đó cũng có nghĩa rằng bạn chưa hiểu hết điều kì diệu mà mình có.

Trong cuộc sống, lối sống vị kỉ nhiều lúc khiến con người không khỏi băn khoăn. Hằng năm có biết bao đứa trẻ được sinh ra nhưng vô thừa nhận. Những sai lầm tai hại xuất phát từ một cử chỉ vô ý thức, lối sống thực dụng lan tràn. Sống chỉ biết nghĩ đến bản thân mình, sống vị kỉ không chỉ làm con người ta mù quáng không nhận ra chân giá trị của bản thân, mà còn làm phiền toái những người xung quanh. Người chỉ luôn biết nghĩ về mình là người không chịu hoặc không thích nghĩ về cuộc sống của ai khác. Sống như thế, con người thật sự đánh mất mình, đánh mất những giá trị đẹp đẽ, nhiều điều quý giá khác như tình thương, sự cảm thông, hạnh phúc được đem niềm vui đến cho cuộc đời. Chứng bệnh tự yêu bản thân mình thái quá dẫn đến hậu quả khó lường : sống ảo tưởng, chênh vênh theo kiểu ếch ngồi đáy giếng.

Sống hài hòa trong các mối quan hệ xã hội, mở lòng, thấu hiểu, sống chân thật với những người xung quanh… sẽ làm nến một trái tim kì diệu. Qua người khác, có khi lại là một cách để nhìn lại mình, soi lại mình và cũng để hiểu mình hơn. Hiểu người đã khó, hiểu bản thân mình lại càng khó hơn. Chỉ luôn biết nghĩ về mình là tự mình luôn đóng cọc khoanh vùng trong một ốc đảo cô đơn. Phải va chạm, phải lăn lộn, phải đặt địa vị mình vào người khác và người khác khác vào hoàn cảnh mình để soi chiếu, để nhận thức, để từ đó thấy được cái tôi của mình và có sự điều chỉnh theo hướng hoàn thiện hơn. Một thực tế chua xót hiện nay là có một bộ phận giới trẻ sống ích kỉ, luôn đặt quyền lợi cá nhân lên trên do được bố mẹ quá nuông chiều, thiếu tương tác với cuộc đời thực, con người thực. Họ sống ảo nhưng chết thật trên máy tính, Internet, thế giới mạng…

Làm người thì phải có cái tôi, bởi “bạn sinh ra là một nguyên bản, đừng chết như một bản sao” (John Mason). Giữ nét riêng nhưng không vì thế mà tỏ ra cao ngạo, hơn người, coi thường người khác. Bạn sống cho ai, trước hết là cho chính mình. Con người phải biết yêu quý, trân trọng bản thân mình mới biết yêu thương người khác. Trân trọng bản thân cũng là một cách khám phá những cảm xúc thật của chính mình, mới hiểu được mình. Nhưng điều đó không có nghĩa mỗi người chỉ luôn biết nghĩ về mình. Nên nhớ rằng trong cuộc sống, mỗi người đều có một tính cách riêng, không ai giống ai; quan trọng nhất là phải biết lắng nghe, thấu hiểu, tôn trọng sự khác biệt ấy. Mặt khác, biết nghĩ và tôn trọng người khác cũng là cách tôn trọng chính mình.

Cuộc sống là cả hành trình tự khám phá để nắm bắt bản chất thế giới xung quanh và chính bản thân mình. Mỗi người chỉ thật sự có giá trị khi tồn tại giữa cộng đồng, sống hài hòa, cởi mở, sống nhiệt thành và biết cống hiến. Những kẻ khép mình trong lối sống vì bản thân, quá đề cao cá nhân sẽ không bao giờ được người khác đồng cảm vì chính họ – “những người luôn chỉ biết nghĩ về mình là những người ít hiểu mình nhất”.

Nhận xét của giám khảo: 

–   Bài làm đã lý giải và bình luận ý nghĩa câu ngạn ngữ sâu sắc và thuyết phục.

–   Văn viết hàm súc, tư duy sắc sảo, có bản lĩnh.

–   Biết gắn thêm bài học bản thân thì toàn diện hơn.

1 thought on “Đề thi học sinh giỏi môn văn bàn về quá trình sáng tạo Nghệ thuật

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *