Tư tưởng đất nước của nhân dân thông qua đoạn trích Đất Nước của Nguyễn Khoa Điềm

Văn mẫu lớp 12

Đất nước do đâu mà có? Đã bao giờ bạn tự hỏi như vậy với chính mình hay chưa? Và bạn có thể lí giải điều đó như thế nào? Trả lời cho vấn đề này, có rất nhiều nhà thơ và nhà sử học đã lặn lội đi tìm câu trả lời thỏa đáng nhất. Trong đó có nhà thơ lớn Nguyễn Khoa Điềm, ông ta khẳng định tư tưởng đất nước của nhân dân, do dân mà thành.
Nguyễn Khoa Điềm là người đầu tiên lý giải đất nước trên cội nguồn của chính nhân dân mình. Ông đã thể hiện điều này rất rõ nét trong đoạn trích đất nước của trường ca mặt đường khát vọng. Nhìn đất nước trên cả hai bình diện không gian và thời gian lịch sử, đất nước hiện ra trong bài thơ càng trở nên tuyệt diệu và hoàn mĩ bội phần.
Trước  tiên, với cách nhìn đầy độc đáo của mình, Nguyễn Khoa Điềm đã liên tưởng và nhắc đến cội nguồn đất nước của nhân dân từ bằng những danh lam thắng cảnh, thiên nhiên non nước của Việt Nam.
Những người vợ nhớ chồng còn góp cho Đất Nước

Những núi Vọng Phu
Ta còn nhớ sự tích núi Vọng Phu, người vợ vì nhớ mong ngóng đợi chồng nên bản thân cùng con đã bị hóa thành ngọn núi, đứng đợi chờ chồng cả ngàn năm. Đến nay núi Vọng Phu vẫn còn, và là minh chứng rõ nét cho sự tích từ ngàn đời, điều đó càng thể hiện rõ một tư tưởng đất nước được sinh ra, thành tạo từ chính con người Việt Nam. Danh lam thắng cảnh là sự hóa thân của tấm lòng thủy chung của người vợ, và đó là thứ do chính con người Việt Nam làm ra từ ngàn đời, và đó còn là một nét đẹp của truyền thống văn hóa dân tộc.
Cặp vợ chồng yêu nhau còn góp nên hòn Trống Mái
Gót ngựa của Thánh Gióng đi qua còn trăm ao đầm để lại
Chín mươi chín con voi góp mình dựng đất tổ hùng vương
Những con rồng nằm im góp dòng sông xanh thẳm
Người học trò nghèo góp cho Đất Nước mình núi bút
non Nghiên
Con cóc, con gà quê hương cùng góp cho Hạ Long thành thắng cảnh
Những người dân nào đã góp tên Ông Đốc, Ông Trang,
Bà Đen, Bà Điểm
Tình cảm của những đôi trai gái, của sự thủy chung son sắt giữa vợ và chồng, tượng trưng cho việc thành tạo nên một danh lam thắng cảnh là “hòn Trống Mái”. Những ao đầm cũng do người dân ta tạo ra, đó là gót ngựa của ngày xưa Tháng Gióng đánh đuổi giặc Ân và còn sót lại cho đến bây giờ. Những đền thờ, chùa miếu, đất tổ Hùng Vương là sự góp sức của những chú voi của Việt Nam, chín mươi chín con voi to lớn đã dựng xây nên đất tổ Hùng Vương để mùng mười tháng ba hằng năm ta đều cúi mình tưởng nhớ. Những dòng sông là hình ảnh của con lạc cháu hồng, của rồng thiêng sông núi đã hóa thân tạo mình thành những dòng sông xanh thẳm, mang lại sự phồn thịnh, tươi tốt cho đất nước ta. Hình ảnh những núi bút non nghiên chính là sự hóa thân của sự tích cây bút vàng, cây bút của người học trò nghèo đã vẽ nên và làm ra những núi bút non nghiên cho tổ quốc đất nước mình.  Động từ “góp” được sử dụng mới bình dị và thân thuộc làm sao, đó cũng là sự hóa thân của nhân dân mà tạo thành. Những danh từ “Ông Đốc, ông Trang bà Đen bà Điểm” đều là tên riêng của những người đã có công khai hoang đất đai, mở rộng diện tích sống và canh tác cho người dân, vì thế tên họ gắn liền với những mảnh đất quê hương mình. Vì vậy ta có thể thấy, bằng con mắt nhìn theo không gian, Nguyễn Khoa Điềm thấy đâu đâu cũng là hiện thân của người dân mình trên từng danh lam thắng cảnh, từng tấc đất dòng sông quê hương. Và Nguyễn Khoa Điềm còn sử dụng những từ ngữ “dáng hình” “ao ước” “lối sống” vì thế những gì xung quanh ta càng trở nên thân thuộc, càng trở nên thiêng liêng, vì nó đều do con người nhân dân ta góp công tạo dựng nên từ ngàn đời.
Không nhìn theo khía cạnh không gian, Nguyễn Khoa Điềm nhìn đất nước theo tư tưởng đất nước của nhân dân trên bình diện lịch sử. Nhìn vào lịch sử nước ta từ hàng ngàn năm, những binh đoàn xe không kính, những người lính tây tiến hào hoa ra trận, chẳng phải họ đều là những người con máu đỏ da vàng, đã nguyện hi sinh để làm ra đất nước? Vì vậy Nguyễn  Khoa Điềm đã nói:
Năm tháng nào cũng người người lớp lớp
Con gái con trai bằng tuổi chúng ta

Cần cù làm lụng
Khi có giặc thì người con trai ra trận
Người con gái trở về nuôi cái cùng con
Năm tháng nào cũng có lớp lớp thế hệ đã sống và cống hiến hết mình cho tổ quốc quê hương. Họ không những chăm chỉ để tạo dựng thành quả, làm động lực vững chắc ở hậu phương gửi ra tiền tuyến. Mà còn là một trong những cách để dựng xây đất nước ngày càng phát triển phồn thịnh. Họ còn là những người vô danh, đã hi sinh thân mình để bảo vệ từng tấc đất quê hương ta.
Họ đã sống và chết
Giản dị và bình tâm
Không ai nhớ mặt đặt tên
Nhưng họ đã làm ra đất nước
Họ giữ và truyền cho ta hạt lúa ta trồng
Họ gánh theo tên xã tên làng trong mỗi chuyến di dân
Họ đắp đập be bờ cho người sau trồng cây hái trái

Họ có thể là những người mà cả ngàn đời sau ta cũng không thể biết mặt, biết rõ tên tuổi, nhưng những năm tháng đó đi qua, chính họ là người tiếp nối cây cầu dân tộc, để thế hệ chúng ta hôm nay nhận được những thành quả xứng đáng. Bằng biện pháp liệt kê “truyền” “gánh” “đắp đập” Nguyễn Khoa Điềm đã kể lại một truyền thống quý báu của dân tộc, sự cần cù siêng năm, chăm chỉ tháo  vát, và nhờ thế đã dựng xây được đất nước ta giàu đẹp. Giữ được mãi truyền thống lâu đời của nhân dân ta. Họ có công lao to lớn trên mọi phương diện.
Nguyễn Khoa Điềm bằng cái nhìn độc đáo và cái nhìn đầy mới mẻ thu hút, đã đánh giá và khẳng định chính xác nguồn gốc của đất nước và tư tưởng đất nước do dân ta tạo thành. Nhìn đất nước trên bình diện không gian địa lí và thời gian lịch sử, đã cho ta thấu rõ thế nào là tư tưởng đất nước của nhân dân, giải thích cho ta hiểu những điều xung quanh ta, cuộc sống ta hiện tại, đều bắt nguồn từ nhân dân ta mà ra, vì vậy ta cần phải cống hiến hết mình, phải sống và chiến đấu nhiều hơn họ, để báo đáp lại những gì cha ông ta đã gây dựng nên hiện tại, và phấn đấu hơn nữa trong tương lai.

Nguyễn Khoa Điềm thực đã để lại một tài sản vô giá cho văn học Việt Nam, nhờ cái nhìn mới mẻ và đầy thú vị, cùng sự lí giải logic và hợp lí. Ông đã góp phần làm nên một cái nhìn mới mẻ về đất nước, và còn mang đến cho người đọc một góc nhìn đầy ý nghĩa và thêm yêu hơn cuộc sống của chính mình.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *