Phân tích nhân vật vợ anh Cu Tràng trong truyện Vợ Nhặt của Kim Lân

Văn mẫu lớp 12

Mỗi nhân vật đi qua, sẽ đọng lại cho ta nhiều hồi ức và ấn tượng về họ. Tuy chỉ là hình tượng nhân vật được vẽ ra qua trí tưởng tượng tài hoa của người nghệ sĩ. Nhưng, dù đó có là nhân vật nào, chính hay phụ, đều ngầm thể hiện và mang đến bài học lớn cho người đọc. Đọc vợ nhặt của Kim Lân, ta ấn tượng với một anh Cu Tràng hết mực ngây ngô đáng yêu, một bà cụ Tứ hiền hậu, nhân từ.. và hẳn không thể quên một cô vợ của Tràng – là Thị. Thị không tên không tuổi, nhưng chính vì có Thị ta như lại càng cảm nhận rõ hơn nỗi khổ của người dân lúc bấy giờ. Và ta càng thêm trân trọng Thị, một nhân vật phụ trong tác phẩm đã để lại cho ta nhiều ấn tượng khó phai mờ.

Lúc trước, mỗi khi đọc vợ nhặt, ta đều dành nhiều hơn sự quan tâm chú ý cho hai mẹ con nhà nghèo – anh cu tràng mà lại không chú ý lắm đến người vợ nhặt. Thực ra, chúng ta không thể thấu hết rằng, chính vì có Thị, nên cốt truyện mới trở nên độc đáo, và qua đó ta còn nhận diện được nhiều những khía cạnh nội dung nghệ thuật của tác phẩm. Và Thị, đã đóng góp một hình dung quan trọng, để tạo nên việc biểu đạt nội dung câu truyện.

Vậy là Thị đến với ta từng bước đi đầu tiên, qua sự giới thiệu của cây bút tài hoa Kim Lân. Ông đã vẽ lên một hình ảnh người phụ nữ tiều tụy hết sức có thể. Trong cái thời buổi ấy, trong lúc “cái đói đã tràn đến xóm này tự lúc nào” khi cuộc sống đang dần đến bờ vực cạn kiệt của cái chết đói, chết khát. Nơi “người chết như ngả rạ” và thật khủng khiếp khi “không khí vẩn lên mùi ẩm thối của rác rưởi và mùi gây của xác người”. Vậy đấy, cuộc sống qua đi, cái đói, cái chết, linh hồn con người đã hoàn toàn bị cướp đoạt đến “xanh xám như những bóng ma”, và… Thị đến với ta từ đó.

Kim Lân đã đặc tả Thị với hình hài không sao quên được, đó là những chi tiết như những nốt nhạc dạo đầu, cho thấy một sự biến dạng của thị về nhân hình, dẫn đến sự biến dạng của tính cách của chính Thị, đó là những hình ảnh với đường nét thiếu nữ tính và duyên dáng, “cái ngực lép nhô lên” “thị gầy sọp” “quần áo tả tơi như tổ đỉa”, “ hai con mắt trũng hoáy” một người phụ nữ lao động? Cớ sao lại mang trong mình hình hài khó coi như vậy? Hình ảnh thị hiện ra khiến ta có cảm giác thiếu sức sống, như một cơ thể không có linh hồn, tiều tụy, tơi tả…

Đấy là hình dạng của Thị, Thị đến với ta như người đàn bà từ nơi xa, xuất hiện đột ngột như một cơn gió lạ trong cuộc đời Tràng, và nên duyên cùng Trang như một sự vô tình của tạo hóa. Hơn thế, Thị là người đàn bà không tên không tuổi, không rõ lai lịch, không có  gốc gác. Thị tới với ta, với Tràng bằng bản tính của một người đàn bà thiếu duyên, kém ý tứ, và chẳng có gì nhiều hơn ngoài hai từ “sỗ sàng”. Thị gặp Tràng ở quán bánh đúc, Thị đã hạ mình vì miếng ăn, thị “sưng sỉa” vì Tràng đã thất hứa với mình và khi được mời ăn, Thị đã cúi mặt ăn một lúc một chặp bát bánh đúc không ngừng nghỉ. Một sự kiêu hãnh một sự tự trọng và thanh cao của người phụ nữ, trong thị không còn gì cả. Và ta còn bất ngờ hơn về người đàn bà “vô duyên thiếu ý” này, khi Tràng bông đùa nói câu: “có về với tớ thì khuân hàng lên xe rồi cùng về” vậy là thị theo Tràng thật, Thị chẳng còn gì để mất, và Thị đánh đổi cả cuộc đời mình vì miếng ăn trong cái hoàn cảnh khốn khổ ngày ấy. Cái khổ, cái đói là mấu chốt đã làm thị thay đổi cả về nhân hình và nhân tính, qua đó cũng là tiếng nói tố cáo của Kim Lân về một xã hội ngày càng xuống cấp, con người ngày càng trở nên nhỏ bé và “vụn vặt” như một thứ bỏ đi, thứ chỉ đáng để “nhặt” về, kể cả đó là người vợ.

Nhưng không, Kim Lân không thể không yêu con người, bằng sự nhân đạo, ông đã cho ta thấy một cô Thị rất khác sau khi về với Tràng. Kim Lân thật sự khéo léo khi cho Tràng – qua lính kính của anh ta. Đã cho ta thấy một Thị rất khác so với lúc trước: “Tràng hôm nay nom Thị khác lắm, rõ ràng người đàn bà hiền hậu đúng mực không còn vẻ gì chao chát, chỏng lỏn như mấy lần Tràng gặp ngoài phố” và với sự hiền hậu và sự tháo vát tảo tần đúng mực của một người phụ nữ cần có, thị đã vun vén đến bất ngờ cho người đọc, khi “nhà cửa, sân vườn hôm nay đều được quét tước, thu dọn sạch sẽ gọn gàng”. Thật sự Thị đã thay đổi rồi, Kim Lân đã cho ta thấy sự thay đổi của con người khi tìm được đến hạnh phúc thực sự. Và hơn thế thị đã truyền niềm tin vào gia đình nhỏ bé của mình, khi kể về sự việc dân ta phá kho thóc của Nhật.

Và hơn thế, qua nhân vật này, Kim Lân đã gửi gắm được không chỉ về nội dung mà còn về nghệ thuật. Nhờ nhân vật Thị, cốt truyện được khai triển và phát triển theo logic, và nhờ đó đã thể hiện một tình huống truyện độc đáo.

 Vậy đấy, Thị không đẹp, Thị không phải là người đàn bà nổi bật, nhưng với cuộc sống và cuộc đời tối đen ấy, Thị thực sự được may mắn và đã trở thành người phụ nữ đẹp nhất với Tràng. Thị không có tên là một ẩn ý nghệ thuật của Kim Lân, nhưng ta có thể gọi thị bằng cái tên thân thương “vợ anh cu tràng” để thấy được vẻ đẹp của Thị, và nhờ Thị đã làm nổi bật lên vẻ đẹp bản chất của người phụ nữ Việt Nam, và mang phần không nhỏ thể hiện giá trị nghệ thuật đặc sắc của tác phẩm.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *