Phân tích khổ thơ trong bài thơ Vội Vàng của Xuân Diệu

Văn mẫu lớp 12

Xuân đương tới, nghĩa là xuân đương qua
Xuân còn non, nghĩa là xuân sẽ già
Mà xuân hết, nghĩa là tôi cũng mất.
Lòng tôi rộng, nhưng lượng trời cứ chật,
Không cho dài thời trẻ của nhân gian
Nói làm chi rằng xuân vẫn tuần hoàn
Nếu tuổi trẻ chẳng hai lần thắm lại!
Còn trời đất, nhưng chẳng còn tôi mãi,
Nên bâng khuâng tôi tiếc cả đất trời;

     Mùi tháng năm đều rớm vị chia phôi,
Khắp sông núi vẫn than thầm tiễn biệt,…
Con gió xinh thì thào trong lá biếc…
Phải chăng hờn vì nỗi phải bay đi?
Chim rộn ràng bỗng đứt tiếng reo thi,
Phải chăng sợ độ phai tàn sắp sửa?
Bài làm:
Nhắc đến phong trào thơ mới, ta không thể không nghĩ tới người đã làm nên tên tuổi trong phong trào này, đó chính là thi sĩ Xuân Diệu. Xuân Diệu đến với ta như một vị khách phương xa, mà lâu dần ta cũng thân quen với thi sĩ ấy. Sao có thể quên được một giọng thơ sôi nổi, đắm say và yêu đời thắm thiết được kia chứ? Xuân Diệu để lại một bầu xuân cho dân tộc không bao giờ vơi cạn. Đặc biệt trong bài thơ Vội vàng, với khổ thơ thứ ba, đã cho ta thấy rõ điều đó.

Trước cách mạng cũng như bao tâm hồn thi sĩ cô đơn lạc điệu, trước cảnh nước mất nhà tan. Nên thi sĩ Xuân Diệu cũng ru mình trong những phong trào lãng mạn, thơ ca của ông là sự khát khao giao cảm với đời, và muốn ôm trọn vẻ đẹp của cuộc đời rộng lớn. Vì muốn sống trọn với cuộc đời, nên sinh ra cái tính thích “sống vội” mà trong mọi khoảnh khắc, Xuân Diệu cùng với sự nhạy cảm của mình, luôn cảm nhận được những bước đi tinh tế của thời gian.

Xuân đương tới nghĩa là xuân đương qua
Xuân còn non nghĩa là xuân sẽ già
Mà xuân hết nghĩa là tôi cũng mất.

      Vậy đấy, ngay cả trong khi xuân đang qua, xuân chưa hết, nhưng mỗi giây mỗi phút người thi sĩ ấy đều đang tha thiết với đời, và đều biết rằng xuân đương qua. Sử dụng lối thơ giải thích , hai câu đầu Xuân Diệu đã nổi bật được sự phai tàn, rơi rụng của thời gian. Sự mong manh dễ vỡ, dễ đến cũng dễ đi của xuân thì. Đó thật sự là một dự cảm của một cái tôi thơ mới. Xuân Diệu vốn ôm ấp một tình cảm thiết tha với mùa xuân, với cuộc sống, nên với ông xuân hết cũng nghĩa là lòng chết. Xuân đi rồi, bản thân cũng thấy quạnh hiu và chán chường. Đúng là với Xuân Diệu, ông coi mùa xuân là tất cả.
Lòng tôi rộng, nhưng lượng trời cứ chật,
Không cho dài thời trẻ của nhân gian,
Nói làm chi rằng xuân vẫn tuần hoàn
Nếu tuổi trẻ chẳng hai lần thắm lại
Hai câu đầu diễn tả một khát vọng, hoài bão của Xuân Diệu. Ông ôm ấp ước mơ được thâu tóm xuân xanh vào lòng, được hưởng hết mình cái nhụy ngọt ngào của xuân thì. Tuy chỉ là ước vọng chủ quan của nhà thơ, nhưng cũng đủ cho ta thấy một tiếng yêu đời rạo rực trong tim thi sĩ trẻ. Những câu tiếp theo, diễn tả một quy luật bất biến của thời gian, quy luật khách quan của đất trời. Lời thơ ẩn chứa những nỗi buồn tiếc thương với tuổi trẻ không bao giờ mãi mãi. Tiếng thơ Xuân Diệu càng trở nên khắc khoải, buồn bã, còn là gì khi xuân chẳng còn? Xuân còn nhưng tuổi trẻ không còn thì cũng không còn nghĩa lí gì.

Còn trời đất nhưng chẳng còn tôi mãi
Nên bâng khuâng tôi tiếc cả đất trời
Mùi tháng năm đều rớm vị chia phôi
Khắp sông núi vẫn than thầm tiễn biệt…
Xuân Diệu đang tự nhủ với lòng mình, cũng là lời tranh luận với mọi người. Tuổi trẻ ra đi sẽ vĩnh  viễn mất đi, chẳng còn lại gì, vì vậy lời thơ cứ thấm thía. Xuân Diệu đã sử dụng nhuần nhuyện sự cảm nhận của mọi giác quan, nên tưởng như tháng năm đang rớm mùi vị của tiếc nuôi với thời gian. Sông núi cũng như đang vang lên khúc ca tiễn biệt với thời gian, tuổi trẻ của chính mình. Vậy đấy, trong lòng Xuân Diệu vốn là một bầu xuân, một bầu tuổi trẻ, nên mọi cảm nhận dường như đều bị chi phối bởi tư tưởng này của ông.

Con gió xinh thì thào trong lá biếc
Phải chăng hờn vì nỗi phải bay đi?
Chim rộn ràng bỗng đứt tiếng reo thi
Phải chăng sợ độ phai tàn sắp sửa?

Những thanh âm cụ thể, của tiếng gió thì thào trong từng chiếc lá, tiếng chim đang vui nhưng dường như cũng nhận ra điều gì mà đứt tiếng reo thi. Con gió xinh thì như mang một nét mơ hồ vô hình, một vẻ đẹp thiếu nữ, thể hiện nét mĩ học riêng của Xuân Diệu. Tác giả sử dụng câu hỏi tu từ “phải chăng” cuối câu  thơ, có tác dụng thể hiện niềm băn khoăn trăn trở, nỗi phấp phỏng lo âu của mình trước sự phai tàn, rơi dụng. Một dự cảm tàn phai của thời gian, luôn ngấm ngầm trong dòng máu thi sĩ trẻ. Từ đó như muốn cất lên một tiếng nói, hãy sống và cống hiến hết mình, khi cuộc đời vẫn còn dài và thời gian của chúng ta chưa bị chia lìa, rơi  rụng…

Là khổ thơ thứ ba, cũng là khổ thơ thể hiện rõ nhất một cái tôi Xuân Diệu yêu đời và vì thế mới nổi bật một trái tim luôn ám ảnh từng bước chuyển động của thời gian và không gian. Luôn mang trong mình một dự cảm lo âu về sự rơi rụng, mong manh của thời gian, xuân xanh và tuổi trẻ. Vì thế nó đã chi phối toàn bộ tiếng thơ Xuân Diệu trước cách mạng. Càng khiến cho ta thấy một cái tôi đích thực là Xuân Diệu, luôn đắm say và sôi nổi với đời như vậy đấy.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *