Phân tích hình tượng người lính Tây Tiến trong đoạn 3, Bài mẫu 2

Văn mẫu lớp 12

Đề” Cảm nhận của anh chị về hình tượng người Tây Tiến được thể hiên trong đoạn thơ sau trong bài thơ “Tây Tiến” của Quang Dũng?

Tây tiến đoàn binh không mọc tóc

[…]Sông Mã gầm lên khúc độc hành

Bài 2:

Nói đến thơ văn trong kháng chiến chống Pháp đặc biệt là hình tượng người lính chúng ta không thể không nhắc đến Quang Dũng- một nghệ sỹ đa tài . Thơ Quang Dũng lãng mạn, phóng khoáng ,chính vì vậy mà ông được ví là nhà thơ của “ xứ Đoài mây trắng”.  Trong sự nghiệp của mình ông đã để lại nhiều tác phẩm có giá trị tiêu biểu là bài thơ “ Tây Tiến”. Bài thơ  đã để lại dấu ấn trong lòng người đọc về hình tượng của những người lính Tây Tiến với vẻ đẹp bi tráng, hào hùng. Vẻ đẹp ấy được thể hiện rõ trong đoạn thơ:

Tây tiến đoàn binh không mọc tóc

Quân xanh màu lá dữ oai hùm

Mắt trừng gửi mộng qua biên giới

Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm

 

Rải rác biên cương mồ viễn xứ

Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh

áo bào thay chiếu, anh về đất

Sông Mã gầm lên khúc độc hành

Tây Tiến là một đơn vị quân đội được thành lập năm 1947 có nhiệm vụ phối hợp với bộ đội Lào bảo vệ biên giới Việt – Lào. Đồng thời đánh tiêu hao sinh lực địch, lực lượng chính trong đơn vị Tây Tiến phần lớn là thanh niên học sinh, tri thức Hà Nội. họ phải sống trong những ngày tháng gian khổ nhưng họ vẫn sống rất lạc quan và chiến đấu rất dũng cảm. Đầu năm 1948 khi Quang Dũng rời đơn vị  tại Phù Lưu Chanh  Quang Dũng đã sáng tác bài “ Nhớ Tây Tiến” khi in tác giả đổi tên thành “Tây Tiến”. Trên cái nền bi tráng, thơ mộng nên thơ của thiên nhiên hình ảnh người lính hiện lên bằng bút pháp vừa lãng mạn vừa hào hoa, vẻ đẹp bi tráng ấy được thể hiện:

“ Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc

Quân xanh màu lá giữ oai hùm”

Vẻ đẹp bi tráng, cái  bi tráng hiện lên từ ngoại hình ốm yếu, đầu trọc, da xanh như màu lá. Đoàn quân kỳ dị” không mọc tóc”, “ xanh màu lá”, theo lời kể của Quang Dũng thời kỳ đó bộ đội ta phải đánh giáp lá cà và dễ dàng trong sinh hoạt nguyên do nữa là những cuộc hành quân vất vả, đói rét, sốt rét rừng. Sốt rét rừng không chỉ có trong thơ của Quang Dũng mà ta còn bắt gặp sốt rét rừng trong bài “ Đồng chí” của Chính Hữu:

“ Tôi với anh biết từng cơn ớn lạnh

Sốt run người vầng trán ướt đẫm mồ hôi”

Vẻ đẹp bi tráng còn được thể hiện ở sự đối lập giữa ngoại hình ốm yếu với tâm hồn bên trong làm nên chất khí của người lính Tây Tiến. Người lính Tây Tiến với tư thế “ dữ oai hùm” một tư thế hiên ngang, khí phách, sẵn sàng xung trận. Tư thế đó mang một vẻ đẹp cốt cách, khí phách anh dũng của những người anh hùng xưa. Tư thế chiếm lĩnh mọi tầm cao, quyết tâm đánh giáp lá cà với kẻ thù. Không chỉ mang vẻ đẹp ngoại hình khác lạ mà người lính Tây Tiến còn mang vẻ đẹp bi tráng, hào hoa, lãng mạn.

“ Mắt trừng gửi mộng qua biên giới

Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm”

Mắt trừng là mắt mở to, nhìn thẳng vào kẻ thù, thề sống chết với kẻ thù. Mắt trừng ấy còn mộng qua biên giới nơi có dáng kiều thơm ở Hà Nội là đôi mắt có tình mang tình cảm ngọt ngào sâu lắng. Người lính Tây Tiến không chỉ biết cầm súng theo tiếng gọi của non sông mà còn mang một tâm hồn hào hoa , lãng mạn. Có một thời người ta hiểu  rằng câu thơ mang mộng tiểu tư sản quá nhiều. Nhưng chính thời gian đã chứng minh rằng chính mộng và mơ như tiếp thêm sức mạnh cho những người lính Tây Tiến. Đó là một tấm lòng luôn hướng về quê hương, Tổ quốc , chính quê hương là động lực giúp cho những người lính Tây Tiến vượt qua khó khăn gian khổ.

Không chỉ được nói đến vẻ đẹp ngoại hình, vẻ đẹp bi tráng mà người lính Tây Tiến còn mang trong mình vẻ đẹp lý tưởng cao đẹp:

“ Rải rác biên cương mồ viễn xứ

Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh”

Tác giả sử dụng từ Hán Việt “ biên cương”, “ viễn xứ” gợi đến những nơi xa xôi của đất nước. Không né tránh hiện thực, tác giả nhìn thẳng vào sự khốc liệt của chiến tranh để miêu tả cái chết. Những nấm mồ hoang lạnh , vô danh mọc trên những con đường hành quân. Khi miêu tả những nấm mồ hoang lạnh tác giả lại nâng đỡ lên bằng một đôi cái lý tưởng “ chiến trường…. đời xanh”. Đó là lời thề quyết tâm dữ dội như lời thề với sông, nước, đất trời nơi đây cũng là một lời thề “ Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” như những người anh hùng xưa khi ra trận.

Quang Dũng là nhà thơ đầu tiên nói rất cảm độngvề sự hi sinh của những con người vô danh và hai mươi năm sau trong kháng chiến chống Mỹ Nguyễn Khoa Điềm đã viết:

“ Họ sống và chết

Giản dị và bình thản

Không ai nhớ mặt đặt tên

Nhưng họ đã làm ra đất nước”.

“Chiến trường” nghe khốc liệt mà sao có vẻ bình thản đến vậy, để rồi hai chữ “chẳng tiếc” mang vẻ bất cần cho “ đời xanh”. Tuổi trẻ ai chẳng cần cho mình một khát vọng tuổi trẻ, một khát vọng tình yêu. Họ hiểu lắm, biết lắm nhưng chết cho Tổ quốc là một sự hi sinh thiêng liêng và cao đẹp.

Dù hi sinh mạng sống của mình nhưng sự hi sinh đó là một sự hi sinh cao cả, sự hi sinh đó thể hiện:

“ Áo bào thay chiếu anh về đất

Sông Mã gầm lên khúc độc hành”

Hình ảnh “ áo bào thay chiếu” là cách nói bi tráng hóa sự hi sinh cao đẹp của những người lính Tây Tiến. Sự hi sinh nhẹ nhàng thanh thản như trở về với đất mẹ “anh về đất”. Họ thản nhiên đón  nhận cái chết, xem cái chết nhẹ tựa lông hồng.

“Sông Mã gầm lên khúc độc hành”, con sông Mã đã độc tấu những khúc nhạc đau thương để tiễn đưa linh hồn của những người lính vào cõi bất tử. Sử dụng hàng loạt từ Hán Việt gợi lên không khí trang trọng, tôn nghiêm như nỗi xót xa đau đớn với những người đồng đội đã ngã xuống, hi sinh vì Tổ quốc cao đẹp.Hình ảnh của người lính Tây Tiến mang vẻ đẹp của người tráng sỹ anh hùng xưa anh dũng, kiêu hùng,hào hoa, lãng mạn.

Qua đoạn thơ trên trong bài thơ “ Tây Tiến” của Quang Dũng tác giả không chí thành công về nội dung mà còn thành công về mặt nghệ thuật trong việc sử dụng cảm hứng và bút pháp lãng mạn, kết hợp chất nhạc và chất họa. Sử dụng từ ngữ đặc sắc, độc đáo các từ chỉ địa danh, từ tượng hình, từ Hán Việt.

Tóm lại, qua đoạn thơ trên trong bài thơ “ Tây Tiến” của Quang Dũng tác giả đã tạc một bức tượng  đài bất tử về người lính dù còn mang nhưng sự thiếu sót, chưa hoàn thiện hình tượng đó đã gây nên bao mối xúc động cho bao thế hệ người đọc từ xưa đến nay và đó cũng là sự bi tráng của toàn bài thơ.

Xem thêm : Những bài văn mẫu về Tây Tiến Quang Dũng : Tây Tiến

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *