Phân tích đoạn thơ trong bài thơ Đất Nước – Nguyễn Khoa Điềm

Văn mẫu lớp 12

” Khi ta lớn lên đất nước đã có rồi
Đất Nước có trong những cái “ngày xửa ngày xưa mẹ thường hay kể”

Đất nước bắt đầu với miếng trầu bây giờ bà ăn
Đất nước lớn lên khi dân mình biết trồng tre mà đánh giặc
Tóc mẹ thì bới sau đầu
Cha mẹ thương nhau bằng gừng cay muối mặn
Cái kèo, cái cột thành tên
Hạt gạo phải một nắng hai sương xay, giã, giần, sàng
Đất nước có từ ngày đó…
Đất là nơi anh đến trường
Nước là nơi em tắm
Đất nước là nơi ta hò hẹn
Đất nước là nơi em đánh rơi chiếc khăn trong nỗi nhớ thầm”

Đất nước ta hơn một nghìn năm sống và chiến đấu anh dũng kiên cường. Chưa từng lùi bước trước bất kì kẻ thù nào dù tình thế có khó khăn và phải chấp nhận hi sinh, đổ máu nhiều đi chăng nữa. Cha ông ta ngàn đời nay đã dựng xây lên nền móng của đất nước muôn đời. Nhiệm vụ của lớp trẻ nối tiếp cha anh và xây dựng đất nước ngày càng phồn vinh thịnh vượng. Ta nhớ đến bài thơ đất nước của Nguyễn Khoa Điềm, trích trong trường ca mặt đường khát vọng, viết năm 1971. Nhằm nhắc nhở lớp lớp thế hệ những truyền thống quý báu dân tộc mình.
Hơn trăm năm nay, từ khi sinh ra và lớn lên, có bao giờ ta tự hỏi với lòng mình, đất nước ơi, đất nước có từ bao giờ? Khái niệm đất nước đi vào trong tri thức ta, sống trong lòng từ từ ngày ta bắt đầu biết nhận thức cuộc sống, được dạy vỡ lòng, và đánh vần từng con chữ, ngày ấy ta đánh vần hai từ đất, nước, và ta hiểu đất nước là những gì chúng ta đang sống hiện tại. Nhưng, rốt cuộc đất nước có từ bao giờ? Tại sao người ta lại nghĩ ra đất nước? Nguyễn Khoa Điềm, một nhà thơ lớn của Việt Nam, đã nói cho ta nghe thời gian đất nước ta có:
Khi ta lớn lên đất nước đã có rồi
Đất nước có trong những cái “ngày xửa ngày xưa…”

mẹ thường hay kể
Vậy đấy, đôi khi ta không thể tự lí giải với mình về một thứ mà ngay từ khi ta sinh ra đã có sẵn, và có lẽ nó đã có từ rất lâu, trước khi tổ tiên ta khai sinh ra những vùng đất hoang để về sau dân mình trồng cây hái trái. Nguyễn Khoa Điềm đã lí giải rất đúng, thực ra ta cũng không biết thời gian chính xác, hai tiếng “đất nước” ra đời là giờ, phút năm nào? Cũng không biết ai là chủ nhân đầu tiên khai sinh ra hai tiếng đất nước. Tuy Nguyễn Khoa Điềm khẳng định: “Khi ta lớn lên đất nước đã có rồi” có nghĩa đất nước có từ rất xa xưa, tuy thời gian mơ hồ, nhưng lại vô cùng chính xác.
Những hồi còn bé, ai cũng được nằm trong nôi, ai cũng được nhìn thế giới qua từng câu hát ru, qua cảm nhận từ vòng tay đưa nôi của mẹ. Mỗi khúc hát ru với cánh cò bay lả bay la, là từng lời ca thấm thía in đậm trong tâm trí ta từng ngày. Vậy đấy, đất nước đã có từ rất xa xưa rồi, nhưng đất nước lại chính là thứ được sinh ra từ những điều quen thuộc, thân quen gần gũi với chính mỗi con người, và cũng vì thế, nên đất nước có từ rất lâu đời.

Đất nước bắt đầu với miếng trầu bây giờ bà ăn
Đất Nước lớn lên khi dân mình biết trồng tre mà đánh giặc
Tóc mẹ thì bới sau đầu
Cha mẹ thương nhau bằng gừng cay muối mặn
Cái kèo cái cột thành tên
Hạt gạo phải một nắng hai sương xay, giã, giần, sàng
Đất nước có từ ngày đó…
Cội nguồn đất nước được lí giải bằng sự cảm nhận, cái nhìn đầy mới mẻ từ những phong tục tập quán văn hóa lâu đời. Không ai biết đích đất nước có từ bao lâu? Nhưng chính xác đất nước bắt nguồn từ miếng trầu của bà. Miếng trầu là đầu câu truyện, sự tích trầu cau  ta có biết nó xuất hiện từ bao giờ? Nhưng nó đã là đất nước, và đất nước bắt nguồn bởi chính từ khi điều đó xuất hiện trên đời, nó gắn bó sâu nặng với ta đến nỗi thân quen, bình dị và gần gũi như vậy đó. Đất nước còn là khi “Đất nước lớn lên khi dân mình biết trồng tre mà đánh giặc” Phải, ta còn nhớ truyền thuyết thánh Gióng chứ? Từ ngày dân mình biết đứng lên bảo vệ từng lũy tre mái ngói, từng tấc đất cha ông, thì chính là khi đất nước được ra đời. Ai biết truyền thuyết có từ bao giờ? Nhưng đất nước gắn với truyền thống yêu nước của ta, từ ngày truyền thuyết thánh Gióng ra đời. Nguyễn Khoa Điềm đã lí giải đất nước bình dị làm sao. Người mẹ nông dân tảo tần sớm khuya vất vả, mái tóc dài truyền thống của người phụ nữ Việt Nam được búi gọn sau gáy, nó gắn với vẻ đẹp truyền thống của người phụ nữ, của mẹ chúng ta, người mẹ Việt Nam truyền thống từ ngàn đời. Đất nước còn bắt nguồn từ truyền thống lao động cần cù của người dân Việt Nam. Vì vậy ta có thể thấy, từ cái nhìn đầy độc đáo, mới lạ của Nguyễn Khoa Điềm, ông ta lý giải thời gian ra đời của đấy nước, tuy không chính xác là bao giờ, nhưng ta có thể cảm nhận sự ra đời của đất nước gần gũi với mình như từng hơi thở, từng hành động. Đất nước đã có từ rất lâu trước khi con người có mặt, nhưng lại bắt đầu từ quá trình con người dựng xây, đấu tranh và lao động sản xuất, những phong tục tập quán thân quen qua nhiều nhiều thế hệ.

Đất là nơi anh đến trường
Nước là nơi em tắm
Đất Nước là nơi ta hò hẹn
Đất nước là nơi em đánh rơi chiếc khăn trong nỗi nhớ thầm

Sau khi lí giải và giải thích thời gian ra đời của Đất Nước, Nguyễn Khoa Điềm đã nói cho ta nghe quá trình hình thành và lớn lên của đất nước. Đất nước quen với chúng ta, từng bước chân anh tới trường chính là đất nước, từng dòng sông em từng tắm mát cũng chính là đất nước. Đất nước sống với chúng ta trong sinh hoạt hằng ngày. Đất nước là nơi trông thấy và minh chứng cho tình yêu đôi lứa, là ngày anh ra trận em ở lại nhà nhớ mong mà “đánh rơi chiếc khăn trong nỗi nhớ thầm” đất nước hình thành và lớn lên như vậy đấy.

Nguyễn Khoa Điểm sử dụng nhiều từ ngữ bình dị thân quen, như “búi tóc” “cái kèo cái cột” “hạt gạo”.. đã khiến cho ta cảm nhận được một sự gắn bó thật gần gũi và quen thuộc. Ta tự nhiên thấy yêu đất nước mình quá, hóa ra đất nước đó ư? Không có  gì xa xôi mà gần ta như từng hơi thở.

Khổ thơ khép lại như một minh chứng cho sự ra đời và lớn lên của đất nước, không ai không yêu đất nước và không sống với đất nước. Đất nước đẹp và bình dị, đất nước hiền hòa và bao dung, đất nước là nơi ta sống và gửi gắm yêu thương giữa con người với con người. Cảm ơn những vần thơ của Nguyễn Khoa Điềm, để ta hiểu hơn về đất nước, hiểu hơn về cội nguồn của ta.

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *