Phân tích 8 câu đầu bài thơ Việt Bắc- Tố Hữu, Bài văn mẫu 2

Văn mẫu lớp 12

Phân tích 8 câu đầu bài thơ Việt Bắc- Tố Hữu

“Mình về mình có nhớ ta

Mười lăm năm ấy thiết tha mặn nồng…

Cầm tay nhau biết nói gì hôm nay…

Bài văn mẫu số 2

Tố Hữu là nhà thơ trữ tình chính trị, là lá cờ đầu của thơ ca cách mạng Việt Nam. Thơ ông chất phác, mộc mạc giàu chất trữ tình. Trong sự nghiệp sáng tác của mình ông đã để lại nhiều tác phẩm có giá trị tiêu biểu là bài thơ “Việt Bắc”. Nổi bật lên trong bài thơ là tám câu thơ đầu với lời của kẻ ở, người đi đầy lưu luyến xúc động

“Mình về mình có nhớ ta

Mười lăm năm ấy thiết tha mặn nồng.

Mình về mình có nhớ không

Nhìn cây nhớ núi, nhìn sông nhớ nguồn?

– Tiếng ai tha thiết bên cồn

Bâng khuâng trong dạ, bồn chồn bước đi

Áo chàm đưa buổi phân li

Cầm tay nhau biết nói gì hôm nay…

Việt Bắc là tác phẩm đặc sắc của Tố Hữu được sáng tác vào năm 1954 sau khi hiệp định Giơ-ne –vơ được kí kết, chính phủ và chính quyền trung ương cách mạng chuyển từ căn cứ Việt Bắc về Hà Nội. Nhân sự kiện ấy  Tố Hữu sáng tác bài Việt Bắc.

Nỗi nhớ da diết của những người yêu nhau như thế nào thì nỗi nhớ của con người Việt Bắc với những người cách mạng cũng như vậy:

“Mình về mình có nhớ ta

Mười lăm năm ấy thiết tha mặn nồng

Mình về mình có nhớ không

Nhìn cây nhớ núi nhìn sông nhớ nguồn”

 

Mở đầu đoạn trích là cách xưng hô “mình”-“ta” đầy thân thương gần gũi, “mình”-là người cách mạng còn “ta” chính là người Việt Bắc. Người dân Việt Bắc hỏi rằng:  “Mình về mình có nhớ ta” đọc câu thơ ta thấy ở trong đó có đầy tình cảm lưu luyến, nuối tiếc như một cặp tình nhân khi phải xa nhau, cảm giác đau khổ, không nỡ , nhưng tình yêu thì được hình thành trong quãng thời gian rất ngắn còn tình người giữa Việt Bắc và cách mạng lại là quãng thời gian “mười lăm năm”. Mười lăm năm-đó là một quãng thời gian không hề ngắn , đặc biệt trong mười lăm năm ấy tình cảm nào có nhạt phai mà còn “thiết tha mặn nồng”

Nếu như hai câu đầu là tình cảm giữa người với người thì đến với hai câu sau chính là tình cảm giữa con người với thiên nhiên

Mình về mình có nhớ không

Nhìn cây nhớ núi nhìn sông nhớ nguồn”

Người dân Việt Bắc không biết rằng khi về miền xuôi những người cán bộ cách mạng có còn nhớ  Việt Bắc nữa hay không “Mình về mình có nhớ không” đọc câu thơ lên với giọng thơ nhẹ nhàng ta thấy rưng rưng nước mắt. Núi rừng Việt Bắc, sông núi Việt Bắc đẹp lắm, hùng vĩ lắm nhưng ở miền xuôi lại nhộn nhịp đông đúc. Người dân Việt Bắc sợ, họ sợ những người cách mạng quên mất Việt Bắc, quên mất những ngày tháng hái quả rừng, ăn rau rừng trên núi, quên mất dòng sông vẫn hàng ngày bắt cá . Trong suy nghĩ của họ, họ rất sợ. Từ “nhớ” trong câu thơ được lặp lại như muốn tô đậm thêm nỗi nhớ nhung da diết, không nỡ rời xa, không nỡ chia li. Chỉ với bốn dòng thơ đầu Tố Hữu đã tái hiện lại khung cảnh của buổi chia li thật xúc động, nghẹn ngào và đầy nước mắt.

Trong khung cảnh núi rừng hùng vĩ, cái se lạnh của Việt Bắc những người cách mạng chia tay Việt Bắc

“Tiếng ai tha thiết bên cồn

Bâng khuâng trong dạ bồn chồn bước đi

Áo chàm đưa buổi phân li

Cầm tay nhau biết nói gì hôm nay”

Người cách mạng rời xa Việt Bắc nhưng vẫn nhớ về tiếng nói tha thiết của người dân Việt Bắc lúc chia tay: “Tiếng ai tha thiết bên cồn”. Người cách mạng về xuôi sẽ còn nhớ lắm giọng nói của người dân Việt Bắc. Vì nhớ nên “Bâng khuâng trong dạ bồn chồn bước đi” câu thơ khi đọc lên ta thấy cảm xúc như dân trào.  “bâng khuâng” là từ láy chỉ trạng thái của con người mà cụ thể ở đây là người cách mạng về xuôi, họ ra đi nhưng trong lòng cảm thây lưu luyến không nỡ rời xa. Cảm xúc nghẹn ngào không nói nên lời đến cả bước đi cũng như nặng hơn. Người không muốn đi mà chân cũng không muốn bước, bước chân trở nên “bồn chồn” như cũng muốn quay trở lại Việt Bắc, quay lại quê hương cái nôi của cách mạng, nơi có những con người tình nghĩa, thủy chung luôn chờ đón họ. Họ không nỡ rời xa nhau nhưng trong giây phút nghẹn ngào  cuối cùng được ở gần nhau thì họ lại không thể thốt nên lời

“Áo chàm đưa buổi phân li

Cầm tay nhau biết nói gì hôm nay”

Màu ao “chàm”-màu áo đặc trưng của cách mạng cũng góp chung vào nỗi nhớ của kẻ ở người đi, họ nhớ nhau nhớ cả màu áo của nhau. Họ cầm tay nhau tình cảm thắm thiết mà không thể thốt nên lời. Tâm trang trong câu thơ Cầm tay nhau biết nói gì hôm nay” cũng khiến cho cảm xúc của người đọc và theo cảm xúc của con người trong thơ: bồn chồn, không yên, day dứt, khó diễn tả. Họ chia tay chỉ muốn òa khóc, xúc động không nói nên lời. họ không còn gì để nói với nhau hay họ có quá nhei6u2 cảm xúc muốn nói mà không thể nói hết trong một khoảnh khắc ngắn ngủi này. Chỉ vẻn vẹn có bốn câu thơ với 28 chữ Tố Hữu đã cho người đọc hòa mình vào cuộc chia tay, cũng là lời của người ra đi nói với người ở lại đã làm cho người đọc xúc động nghẹn ngào

Đoạn trích trên trong bài thơ “Việt Bắc” không chỉ thành công ở nội dung mà còn thành công ở nghệ thuật với thể thơ lục bát, lối đối đáp, cách xưng hô mình ta, ngôn ngữ giàu sức gợi. đoạn trích tiêu biểu cho phong cách thơ Tố Hữu đậm đà tính dân tộc.

Tóm lại, tám câu thơ trên trong bài thơ Việt Bắc của Tố Hữu đã để lại trong lòng người đọc những cảm xúc khó phai mờ về tình cảm giữa người Việt Bắc và cách mạng. Bài thơ nói chung và đoạn thơ nói riêng sẽ luôn sống mãi trong lòng chúng ta, trong trái tim người đọc Việt Nam.

Xem thêm : Tuyển tập những bài văn mẫu về Việt Bắc : Việt Bắc

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *