Bài văn mẫu phân tích đoạn 3 bài thơ Tây Tiến Quang Dũng

Văn mẫu lớp 12

Phân tích đoạn thơ sau trong bài Tây Tiến của Quang Dũng:

Tây tiến đoàn binh không mọc tóc

Quân xanh màu lá dữ oai hùm

Mắt trừng gửi mộng qua biên giới

Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm

Rải rác biên cương mồ viễn xứ

Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh

áo bào thay chiếu, anh về đất    

Sông Mã gầm lên khúc độc hành

Bài làm :

Quang Dũng là nhà thơ chiến sĩ, ông viết rất hay về đồng đội thân yêu của mình , về núi rừng miền Tây một thời trận mạc đầy gian khổ hi sinh. Đây là bài thơ hay nhất, tiêu biểu nhất của Quang Dũng , cũng là bài thơ hay nhất viết về anh Bộ đội cụ Hồ trong kháng chiến chống Pháp. Với bài thơ này,. Quang Dũng đã góp một thanh âm trong trẻo trong bản hòa ca ca ngợi vẻ đẹp của người  lính, của con người và núi rừng miền Tây. Với nỗi nhớ và niềm tự hào tha thiết, Quang Dũng đã  khắc họa thành công khí phách anh hùng và tâm hồn lãng mạn của người chiến sĩ trong hào khí nóng bỏng của chiến trường miền Tây :

Tây tiến đoàn binh không mọc tóc

Quân xanh màu lá dữ oai hùm

Mắt trừng gửi mộng qua biên giới

Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm

Rải rác biên cương mồ viễn xứ

Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh

áo bào thay chiếu, anh về đất    

Sông Mã gầm lên khúc độc hành

Bài thơ Tây Tiến được sáng tác năm 1948 tại Phù Lưu Chanh khi ông đã rời xa đơn vị cũ và đồng đội. Chất lãng mạn và tinh thần bi tráng thấm đượm trong từng lời thơ, trong từng hình tượng của bài tạo nên vẻ đẹp độc đáo của bài thơ này. Hình tượng người lính được khắc họa bằng cảm hứng lãng mạn và tinh thần bi tráng , bút pháp lãng mạn được sử  dụng rộng rãi nhằm phát huy cao độ trí tưởng tượng của độc giả. Ở đây nhà thơ đã sử dụng rộng rãi các yếu tố cường điệu phóng đại, các thủ pháp đối lập để đậm tô cái phi thường tạo nên ấn tượng mạnh mẽ về đoàn binh Tây Tiến gian khổ vất vả song anh dũng hào hoa. Tinh thần bi tráng thể hiện bằng giọng điệu âm hưởng , màu sắc tráng lệ hào hùng khi viết về đoàn binh Tây Tiến trên cái nền vẻ đẹp vừa đa dạng vừa độc đáo, vừa hoang  vu hiểm trở hùng vĩ dữ dội khác thường, vừa thơ mộng ấm áp của núi rừng và cũng duyên dáng mĩ lệ của con người Tây Bắc. Những người lính Tây Tiến trực tiếp xuất hiện với vẻ đẹp độc đáo kì lạ:

Tây tiến đoàn binh không mọc tóc

Quân xanh màu lá dữ oai hùm

Quang Dũng đã chọn lọc những nét tiêu biểu nhất của người lính Tây Tiến để khắc họa nên bức tượng đài tập thể . Không mọc tóc không phải là đoàn binh Tây Tiến không có tóc, không được tự nhiên ưu ái ban phát cho mái đầu xanh, là trường hợp ngoại lệ của con người trong xã hội, mà là vì hiện thực gian khổ đói rét bệnh tật sốt rét rừng đã làm cho các anh tiều tụy, hình hài rụng hết cả tóc . Và có lẽ do đoàn quân phải chiến đấu giáp lá cà với địch nên phải cắt trụi tóc, tránh đi điểm yếu của mình : Địch không túm được tóc (?). Lính ta so với lính địch hẳn là nhỏ bé hơn, có cắt tóc đi mới phát huy được sức mạnh của mình một cách triệt để. Như vậy cụm từ “ không mọc tóc” vừa nhấn mạnh được hiện thực khốc liệt của cuộc chiến tranh vừa tô đậm được sự hi sinh cao cả của những chiến sĩ Tây Tiến vì cách mạng. “ Không mọc tóc đâu phải là hình ảnh li kì giật gân, sản phẩm của trí tưởng tượng bịa đặt mà là một sự thực nghiệt ngã, một sự hi sinh có thực của người lính Tây Tiến. Hiện thực người lính qua bút pháp cường điệu đã gây nên một ấn tượng khó quên bởi hình ảnh người lính được vẽ bằng những đường nét , những gam mầu rừng núi tạo nên vẻ đẹp cứng rắn gân guốc oai phong và dữ dội khác thường. Thực tế cái nghiệt ngã gian lao vất vả của chiến trường , của bệnh tật đã làm cho thân xác người lính tiều tụy tóc rụng , da xanh hòa lẫn vào màu của lá rừng.

Viết về anh Bộ đội cụ Hồ trong những năm kháng chiến chống Pháp , các tác giả thường nhắc đến bệnh sốt rét hiểm nghèo để khắc họa sự gian khổ hi sinh của người  lính phải chịu đựng , Chính Hữu trong bài “Đồng chí” đã viết :

Anh với tôi biết từng cơn ớn lạnh

Sốt run người vầng trán ướt mồ hôi

Nhà thơ Tố Hữu viết :

Giọt giọt mồ hôi rơi

Trên má anh vàng nghệ

Nhưng với nguồn cảm hứng lãng mạn bắt nguồn từ niềm lạc quan yêu cuộc sống nó đã chắp cánh cho tư tưởng bay bổng. Cho nên hình tượng người lính trở nên có vẻ đẹp khỏe khoắn  mang dáng rừng thế núi, mang oai phong lẫm liệt như những con hổ nơi rừng thiêng. “ Dữ oai hùm là những nét chạm khắc tài tình làm nổi bật chí khí hiên ngang tinh thần quả cảm xung trận của các chiến sĩ Tây Tiến tương phản với không mọc tóc , quân xanh màu lá – cái hình hài không lấy gì đẹp .Giữ oai hùm là hình ảnh nói lên chí khí của người lính mang tính kế thừa và sáng tạo của Quang Dũng- Các chiến binh sát thát đời Trần: “Tam quân tì hổ khí thôn ngưu” ( “Thuật hoài” -Phạm Ngũ lão ), hay “Sĩ tốt kén người hùng hổ/Bề tôi chọn kẻ vuốt nanh” ( “Bình Ngô Đại Cáo”- Nguyễn Trãi).  Trên trận tuyến chống quân thù, thời đại nào cũng có những chiến sĩ” tì hổ” và “ dữ oai hùm” như thế đó !. Với niềm tự hào , Quang Dũng đã viết nên những câu thơ rất hay : “Quân xanh màu lá dữ oai hùm”. Lấy cái thô cái mộc để tô đậm cái đẹp, cái dũng khí ẩn chứa trong tâm hồn người chiến sĩ . Những người lính Tây Tiến qua cái nhìn của Quang Dũng không phải là những người khổng lồ không tim. Cái nhìn nhiều chiều của Quang Dũng giúp ông  nhìn thấy xuyên qua cái vẻ oai hùm dữ dằn . Bề ngoài của họ là những tâm hồn, những trái tim tuổi trẻ rạo rực khao khát yêu thương vượt lên trên cái gian khổ ác liệt thiếu thốn bệnh tật mất mát đau thương … Muôn lần khó khăn thử thách họ vẫn có những giấc mộng đẹp.

Mắt trừng gửi mộng qua biên giới

Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm

Mộng và mơ gửi về hai phía biên cương và Hà Nội, nơi còn đầy bóng giặc . “Mắt trừng” gợi tả nét dữ dội oai phong lẫm liệt , cái cảnh giác tỉnh táo của người lính trong chiến trận ác liệt . Mộng qua biên giới- mộng tiêu diệt quân thù bảo vệ biên cương lập nên chiến công nêu cao truyền thống anh hùng của đoàn bình Tây Tiến.

Người lính Tây Tiến nhớ về Hà Nội theo cách riêng của mình, nỗi nhớ sâu sác mang nét lãng mạn hào hoa của người Hà Nội .Nó thật khác với nỗi nhớ của người lính xuất thân từ người nông dân. Trong bài “Đồng Chí” Chính Hữu viết:

Giếng nước gốc đa nhớ người ra lính

Hay nỗi nhớ của người lính trong bài “ Nhớ” của Hồng Nguyễn: Nhớ người vợ trẻ “mòn chân bên cối gạo canh khuya”. Tình cảm ấy giống như một bóng cây xanh mát , một hồ nước ngọt trên đường hành quân đầy nắng lửa của người lính. Giữa chiến trường miền Tây vô cùng khốc liệt ấy nếu người lính không biết mơ mộng thi vị hóa cuộc sống vì mục đích cao xa hơn thì họ sẽ chết chìm trong hiện thực khắc nghiệt trước khi gục ngã vì súng đạn kẻ thù. Chất lãng mạn ấy là phẩm chất cần thiết để làm tăng thêm nghị lực sức mạnh vượt lên trên khó khăn thử thách nắm bắt thời cơ vận hội để chiến thắng. Những câu thơ đó xưa bị coi là “mộng rớt” thì nay lại là những câu thơ độc đáo. Mặt khác, những người lính Tây Tiến đặt mộng lập chiến công , mộng tiêu diệt quân thù bảo vệ biên cương lên trên mơ về dáng kiều thơm. Cả mộng và mơ đều đẹp nhưng phải chăng tác giả muốn nói những người lính Tây Tiến đặt nghĩa vụ trách nhiệm với tổ quốc lên trên  những ước mơ thầm kín của mình.

Trong chiến tranh không thể không nói tới hi sinh mất mát, Quang Dũng cũng không che giấu sự thực đó: Đoàn binh Tây Tiến nhiều khi phối hợp tác chiến với quân đội Lào trên cả hai địa bàn Việt Lào. Nhiều chiến sĩ đã vĩnh viễn nằm lại nơi biên cương xa xôi:

Rải rác biên cương mồ viễn xứ

Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh

Tác giả sử dụng những từ Hán Việt mang sắc thái trang trọng cổ kính khi nói về cái chết. “Rải rác” là biểu thị số ít nhưng “ rải rác biên cương” thì không phải là số ít nữa rồi. “ Mồ viễn xứ” gợi lên cái chết khủng khiếp , đậm chất bi hùng. Nếu đứng riêng lẻ thì câu thơ gợi ấn tượng buồn thảm đến vô cùng , nhưng từ cái buồn thảm ấy câu thơ sau đã nâng đỡ nó lên thành bị tráng bỏi nó nói được điều cốt lõi trong nhân cách của người lính. Câu thơ thể hiện thái độ tự nguyện cống hiến tuổi thanh xuân cho tổ quốc của những người lính trẻ Tây Tiến.Tuổi thanh xuân đẹp là thế, khát vọng thế ,mộng mơ là thế nhưng vẫn sẵn sàng sả thân , thật không có sự hi sinh nào cao cả hơn! Những người lính Tây Tiến ra chiến trường với quyết tâm “ Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh”. Khi ngã xuống, họ được mai táng trong bộ quần áo của chính mình :

Áo bào thay chiếu anh về đất

Sông Mã gầm lên khúc độc hành

Sự hi sinh nào cũng gợi cảm giác buồn đau tang thương, nhưng trong đoạn thơ này, ý thơ buồn mà không bi lụy. Cảm hứng thơ mỗi khi chìm vào bi thương lại được nâng đỡ bởi đôi cánh của lí tưởng , bằng tinh thần lãng mạn. Chính vì vậy sự thực người lính gục ngã trên chiến trường không có lấy một mảnh chiếu che thân, tấm ván để khâm liệm qua cái nhìn của Quang Dũng lại được bao bọc trongn hững tấm áo bào sang trọng. Tác giả thật tinh tế khi sử dụng cụm từ “ anh về đất” để nói về sự hi sinh ấy. Câu thơ góp phần giảm nhẹ cái bi thương , đồng thời thể hiện niềm trân trọng yêu thương của đất nước, của đồng đội đối với những người đã ngã xuống. Quang Dũng nói về cái chết với những từ ngữ thật giản dị, mộc mạc mà thiêng liêng, giúp bình thường hóa, tự nhiên hóa cái chết theo đúng quan niệm của các chiến sĩ trong thời kì đầu cuộc kháng chiến chống Pháp. Người lính Tây Tiến tự nguyện chiến đấu với một lòng yêu nước nồng nàn, tình thần xả thân vì nghĩa lớn, giống như những tráng sĩ thuở xưa “ gieo thái sơn nhẹ tựa hồng mao”.

Cái bi tráng bi thương bị át hẳn trong tiếng gầm thét dữ dội của dòng sông Mã: Sông Mã gầm lên khúc độc hành. Những người lính Tây Tiến ngã xuống đã  nhận được sự cảm thông sâu sắc của thiên nhiên, của dòng sông Mã oai hùng. Dòng sông gầm lên khúc độc hành tiễn đưa linh hồn người lính về với đất mẹ. Đó là tiếng khóc của tự nhiên hay là sự phẫn nộ của tự nhiên? Dòng sông Mã gắn bó với đoàn binh Tây Tiến , để cho dòng sông ấy tấu lên khúc nhạc trầm hùng chính là cách mà nhà thơ đậm tô thêm tầm vóc phi thường của người lính, con người tương xứng với núi non, sông nước mênh mông. Đoạn thơ tiêu biểu cho phong cách thơ Tố Hữu , ngôn ngữ bình dị kết hợp với những từ Hán Việt làm nổi bật cái cao cả thiêng liêng, cái bình thường đậm tô cái anh hùng. Giọng điệu của đoạn thơ thể hiện thái độ kính cẩn, trân trọng của Quang Dũng trước sự hi sinh của đồng đội.

Có thể nói, đoạn thơ trên là đoạn thơ độc đáo nhất trong toàn bài. Hình tượng người lính Tây Tiến sống anh dũng chết vẻ vang được khắc họa bằng bút pháp lãng mạn đậm chất bi tráng. Đoạn thơ mãi mãi là bức tượng đài nghệ thuật độc đáo bi tráng in sâu vào tâm hồn dân tộc.

Xem thêm : Những bài văn mẫu về Tây Tiến : Tây Tiến

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *