Bài văn hay : Phân tích tình huống truyện Vợ Nhặt của Kim Lân

Văn mẫu lớp 12

Đề bài : Phân tích tình huống truyện “ Vợ nhặt” của nhà văn  Kim Lân, SGK Ngữ văn lớp 12

Bài văn mẫu

Mở bài cho bài Vợ Nhặt:

Kim Lân là “ con đẻ của đồn ruộng”  một lòng đi về với đất với người với những thuần hậu nguyên thủy của cuộc sống nông thôn. “Vợ nhặt” là tác phẩm xuất sắc của ông ,  và là một trong những áng văn hay nhất trong kho tàng truyện ngắn Việt Nam. Tác phẩm được hoàn thiện trong thời gian dài ( 1945-1954) trở thành là tri kỉ của nhiều thế hệ bạn đọc . Nhìn sâu và dọi xa vào tác phẩm có thể thấy được vẻ đẹp của giá trị hiện thực, giá trị nhân đạo cũng như tài năng nghệ thuật già dặn của ngòi bút Kim Lân. Một tình trong những giá trị cơ bản của thiên truyện là đã xây dựng được tình huống độc đáo.

Thân bài:

  1. Tình huống và vai trò của tình huống truyện

Tình huống là tình thế xảy ra câu chuyện, là khoảnh khắc mà trong đó cuộc sống đậm đặc nhất, chứa đựng nhiều ý nghĩa. Xây dựng tình huốn truyện là yêu cầu bức thiết đặt ra trong tác phẩm truyện ngắn.Nó tạo ra vẻ đẹp và bản sắc của truyện , là một trong những phương diện , phương thức nghệ thuật quan trọng thể hiện tài năng và cá tính sáng tạo của người nghệ sĩ  . Chính nhờ tình huống nhà văn tạo ra trong tác phẩm mà tính cách nhân vật được bộc lộ rõ nét. Mặt khác chủ đề tư tưởng được triển khai một cách hợp lí thông qua thế giới hình tượng nhân vật. Tình huống thường tạo kịch tính cho câu chuyện khiến người đọc dồn sự chú ý vào đó.

  1. Tình huống truyện Vợ nhặt

Trong truyện “ Vợ nhặt” Kim Lân đã xây dựng được tình huống truyện độc đáo, hấp dẫn. Tình huống cơ bản của truyện xoay quanh việc Tràng có vợ, đây là một chuyện không có gì to tát, song đặt trên mảnh đất của hiện thực nó thể hiện được tất cả cái trớ trêu của hiện thực cuộc sống, của hoàn cảnh và thân phận con người. Nhan đề của truyện chỉ gồm hai chữ : “Vợ nhặt” nhưng hàm chứa ý nghĩa lớn lao. Phải chăng đó là biểu hiện của một trò đùa tai ác của số mệnh của tạo hóa. Nó như báo trước một sự bi hài và cảm động giữa một bên là biểu hiện của sự tầm thường rẻ rúng ( vợ mà có thể nhặt như cọng rơm cọng rác ngoài đường ) với một bên là hạnh phúc trọng đại bậc nhất của đời người. Sự kết hợp giữa bi hài và cảm động trong “ Vợ nhặt” tạo nên tình huống cơ bản của truyện.

Tính huống lạ.

Một người như Tràng hội tụ đầy đủ những điều kiện ế vợ bỗng dưng lại có vợ một cách dễ dàng mà lại là vợ theo không, vợ  nhặt được ở ngoài đường. Tràng vốn là nông dân nghèo, hơn nữa lại là dân ngụ cư – Loại người lúc bấy giờ bị khinh ghét ruồng bỏ như một thứ cỏ rác ở hương thôn, thêm vào đó lại xấu trai tính tình ngốc nghếch. Qua cách miêu tả của Kim Lân ta thấy Tràng là một nhân dạng được hóa công đẽo gọt quá sơ sài, như kết tinh cái phần tự nhiên hoang dã trong con người – cái phần xa lạ hẳn với mọi cách trau chuốt của xã hội văn minh  .Tràng là người đàn ông có dáng người thô kệch, hai con mắt nhỏ tí, hai quai hàm bạnh ra, thân hình vập vạp , lưng to như lưng gấu . Tràng có tật vừa đi vừa nói lảm nhảm những điều mình nghĩ, hơi một tí là ngửa mặt lên trời cười hềnh hệch. Ngần ấy những điều kiện cũng đã đủ cho Tràng khó lấy vợ nhưng rồi anh ta lại có vợ một cách “ hiển hách”, “ oanh liệt”  cứ như một anh chàng tốt số đào hoa chỉ buông ra có một vài lời ờ ẫm tán tỉnh mà cô nàng đã vội theo về. Ta tưởng đâu như một câu chuyện truyền kì về một thời thảm hại. Song ở đây không hề có mô típ nào tựa như chàng ngố gặp tiên , chỉ có một hiện thực não lòng.

Lí do thứ hai làm cho tình huống càng thêm lạ là người như Tràng đến nỗi thân không nuôi nổi giữa cái thời buổi đói kém miếng ăn là cả vấn đề sinh mạng lại còn đèo bòng chuyện vợ con. Trước tình huống lạ như vậy mọi người hết sức ngạc nhiên . Giữa buổi người chết như ngả rạ, không sớm nào người trong làng đi chợ, đi làm đồng mà không thấy ba bốn cái thây nằm còng queo bên đường. Không khí u ám, vẩn lên mủi ẩm mốc của rác rưởi và mùi hôi của xác người. Trẻ con ngồi ủ rũ , bóng người xanh xám dật dờ như những bóng ma. Hoàn cảnh gia đình Tràng lại rất khó khăn túng thiếu, mẹ con ở một túp lều rúm ró, anh phải đi kéo xe thuê để nuôi mẹ già thế mà lại rước thêm một miệng ăn về nhà. Dân làng thấy Tràng đi với một người đàn bà e thẹn họ nói, bàn tán sôi nổi:” Nhà bà cụ tứ lên sao?” Người thì giải thích : “Chẳng phải từ ngày mồ ma ông cụ có họ mạc nào đâu. Họ suy đoán: “Hay là vợ anh cu Tràng ?trông chị ta thèn thẹn hay đáo để”. Rồi cái đầu thò ra từ bóng tối quay mặt về phía người đàn bà vẫy tay hỏi : Cánh nào đấy?, trẻ con thì trêu đùa “ chông vợ hài” ( hai vợ chồng). Tình huống  Tràng có vợ còn gây ngạc nhiên đối với cả gia đình . Trước hết nói về bà cụ Tứ- người mẹ lam lũ làm việc suốt cả ngày . Đúng lức Tràng đưa vợ về đến nhà đang lúng túng thiếu một điểm tựa tinh thần mà mẹ Tràng mãi chưa về đến nhà. Người vợ Tràng đảo mắt tần ngần nhìn quanh thở dài  .Bà mẹ Tràng đã về, bà lọng khọng bước đến giữa sân rồi đứng sững lại . Vào đến trong nhà bà cụ vẫn chưa hiểu, mãi đến lúc Tràng giải thích “ chúng tôi phải duyên phải kiếp với nhau” người mẹ mới hiểu ra cơ sự. Chính Tràng – người nhặt được vợ cũng không khỏi ngạc nhiên . Nhìn vợ ngồi giữa nhà mà anh cứ ngờ ngợ như không phải thế. Đến tận sáng hôm sau anh cũng bàng hoàng tỉnh dậy : thế ra mình đã có vợ rồi ư ?

Viết “ Vợ nhặt”, nhà văn Kim Lân không nhằm mục đích kêu gọi lòng hiếu kì mà muốn thể hiện tinh thần nhân đạo sâu sắc vì thế tình huống truyện không chỉ lạ mà còn éo le cảm động.

Tình huống éo le cảm động

Xung quanh việc Tràng có vợ, mọi người đều sống trong hoàn cảnh éo le , những người dân xóm ngụ cư có phần vui hơn vì Tràng đã nên vợ nên chồng . Những khuôn mặt hốc hác u tối bỗng nhiên rạng rỡ hẳn lên kèm theo đó là tiếng thở dài ngao ngán . Họ lo thay cho  Tràng vì không biết vợ chồng Tràng có nuôi nổi nhau sống qua cái thời đói khát này không. Tâm trạng Bà cụ Tứ éo le hơn .Lòng người mẹ ngổn ngang những nỗi vui buồn vừa mừng vừa tủi, vui mà canh cánh âu lo. Trên khuôn mặt của người mẹ nghèo những giọt nước mắt len giữa nụ cười gượng, giọng bà cụ nghẹn ngào: “Chúng mày lấy nhau lúc này, u thương quá!”. Bà nghĩ : “Người ta dựng vợ gả chồng lúc ăn nên  làm  nổi, còn gia đình bà thì … biết chúng có nuôi nổi nhau giữa cái thời đói khát này không”.Nhưng muốn hay không thì người con dâu đã đứng đấy, tay vân vê tà áo rách bợt. Ý nghĩ của bà chuyển hướng : Con mình có vợ cũng là một cơ may, cái đói quay quắt té ra cũng có thể xe duyên cho một mối tình , cho hai thân phận bèo dạt này, nên người ta mới theo không về nhà mà thằng con bà mới lấy được vợ.

Tràng cũng sống trong cảnh éo le, niềm hạnh phúc có lúc hình như làm anh quên hết cảnh sống ê chề , những tháng ngày đói khát dài dằng dặc trước mắt. Song có lúc anh vẫn cảm thấy sợ : thóc gạo này đến nỗi cái thân mình còn không nuôi nổi lại còn đèo bòng. Tràng thấy gắn bó với gia đình , thấy hạnh phúc hơn khi có vợ song anh cũng không quên được cái đắng chát của bát cháo đầu tiên đón nàng dâu mới.

Vợ Tràng cũng sống trong cảnh éo le. Thị đến với Tràng trước hết như đến với 1 chốn nương tựa trong cái thì đói kém . Chị đã nén nỗi thất vọng vào trong lòng: một tiếng thở dài cố nén trong lồng ngực trước túp lều rách nát và rúm ró. Cái nhếch mép cười nhạt nhẽo và nét mặt bần thần khi bước vào ngôi nhà của Tràng mà lúc ban ngày còn vỗ túi : “Rích bố cu”. Hai con mắt thị tối lại khi nhìn thấy bát cháo cám.

Tình huống truyện càng éo le hơn khi hạnh phúc của Tràng đặt trên cái nền thê lương ảm đạm của xã hội, cảnh nghèo đói thê thảm của gia đình. Hạnh phúc của Tràng diễn ra trong tiếng khóc hờ của những gia đình có người chết đói, tiếng thức thuế, tiếng quạ kêu thê thảm. Hạnh phúc của Tràng diễn ra khi người chết đói như ngả rạ , mùi khét lẹt của đống rấm , mùi gây của xác người chết. Gia đình Tràng thì đói nghèo quay quắt, bữa cơm đầu đón dâu thật tội nghiệp, cả nhà ăn cháo mà như nuốt buồn nuốt vui vào trong lòng.

  1. Giá trị tư tưởng (ý nghĩa) của tình huống tuyện “Vợ nhặt”.

Nhà văn Kim Lân đã sáng tạo được một tình huống truyện độc đáo, hấp dẫn, đưa người đọc đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác. Thông qua tình huống truyện, nhà văn đã khắc họa thành công hình tượng các nhân vật , đồng thời thể hiện chủ đề tư tưởng của truyện. Như nhiều nhà văn chân chính khác, cái tài của Kim Lân trước hết xuất phát từ cái tâm của người nghệ sĩ , tấm lòng của nhà văn đối với con người, đối với cuộc sống, một tấm lòng không chỉ cảm thông mà còn trân trọng tin tưởng vào cuộc sống. Trong đói khát cùng cực , các nhân vật vẫn hướng về sự sống và ánh sáng, vẫn yêu thương và đùm bọc lẫn nhau.  Chân lí mà Kim Lân muốn khẳng định qua truyện ngắn này chính là chân lí về sự bất diệt của niềm tin , của tình người đầm ấm. Đói khát không làm giảm giá trị của tình người, bao giờ cái hạnh phúc được thương yêu cũng quý hơn tất cả ngay cả khi người ta tưởng như không còn gì hơn là miếng cơm manh áo.

Kết bài cho truyện Vợ nhặt-  Kim Lân

Tạo dựng tình huống truyện độc đáo, Kim lân muốn bộc lộ nỗi xót thương đối với những khiếp người nghèo khổ, cơ cực , đói khát , đồng tời tố cáo tội ác của thực dân Pháp và Phát xít Nhật. Tuy nhiên, cốt lõi tư tưởng của truyện ngắn “ Vợ nhặt” không nằm ở ý nghĩa tố cáo xã hội mà thông qua tình huống truyện, nhà văn muốn thắp lên ngọn lửa yêu thương, mang đến cho độc giả một niềm tin mãnh liệt vào tương lai tươi sáng.

Xem thêm :

Những bài văn mẫu về truyện ngắn Vợ nhặt : Vợ nhặt

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *