Triết lí nhân sinh trong bài Vội vàng của Xuân Diệu

Văn mẫu lớp 11

Bài văn mẫu phân tích triết lí nhân sinh thể hiện trong bài thơ vội vàng của Xuân Diệu

“Trên cánh đồng văn chương màu mỡ nhà văn như những hạt bụi bay lượn trong không khí để tìm những nguồn ánh sáng độc đáo cho riêng mình”. Xuân Diệu đã tìm cho mình hơi hướng mới về cách sáng tác, sự yêu đời hòa mình vào thiên nhiên cuộc sống để tìm ra ý nghĩa của cuộc đời. Điều đó đã được ông thể hiện trong “vội vàng” tác phẩm là sự sáng tạo độc đáo của ông và ở đó còn thể hiện triết lý nhân sinh sâu sắc.

Quả không sai khi nói rằng thơ là tiếng nói  tình cảm và cảm xúc. Nếu không có cảm xúc thì người nghệ sĩ không thể sáng tạo nên những vần thơ hay, ngôn từ cũng chỉ là những xác chữ vô hồn, nằm thẳng đơ trên trang giấy. Nói như Ngô Thì Nhậm: “thi sĩ phải xúc động hồn thơ cho ngọn bút có thần”. Đúng vậy thơ không phải là những dòng chữ thẳng đứng được sản xuất ra từ trí tưởng tượng của nhà thơ, mà ở đó phải có hồn, có cảm xúc để tạo ra chất riêng cho tác phẩm. Xuân Diệu được mệnh danh là ông hoàng của thơ tình, là nhà thơ xuất sắc của nền văn học Việt Nam, ông luôn khao khát một sự sống trỗi dậy từ vạn vật xung quanh,  ông có những ước muốn táo bạo như muốn vươn mình trong cuộc sống, và điều đó được ông thể hiện trong Vội Vàng là một trong những tác phẩm nổi tiếng của ông trích trong tập “thơ thơ” xuất bản năm 1938. Tác phẩm là cảm hứng trội dậy về cuộc sống vội vàng đồn thời cũng thể hiện triết lý nhân sinh sâu sắc của ông.

Mở đầu bài thơ ta bắt gặp một khát khao táo bạo muốn đoạt quyền của tạo hóa, để thỏa mãn ước muốn của mình:

“tôi muốn tắt nắng đi

cho màu đừng nhạt mất

Tôi muốn buộc gió lại

cho hương đừng bay đi”

Với sự độc đáo và táo bạo, ở đây không chỉ là sự ngông cuồng mà còn thể hiện những ước muốn vươn lên của tạo hóa, thi nhân muốn tắt nắng, buộc  gió…. ngưng đọng lại những gì đẹp nhất của cuộc đời, không chỉ vậy tác giả sử dụng thể thơ ngũ ngôn, tái tạo lại sự dứt khoát mạnh mẽ, khẳng định về cái mà mình muốn làm bằng được. Nhà thơ muốn vũ trụ ngừng quay, thời gian ngừng chảy để níu giữ những gì tốt đẹp nhất của cuộc sống, để thi nhân tận hưởng những giây phút của tuổi trẻ bởi tuổi trẻ chẳng  hai lần thắm lại. Với tâm hồn khao khát  sống, khao khát yêu thương, khao khát tận hưởng và khao khát giao cảm mãnh liệt, Xuân Diệu đã khám phá ra vẻ đẹp của xuân phơi phới đầy tình tứ, ở những cảnh vật quen thuộc

“của ong bướm này đây tuần tháng mật

này đây  của đồng nội xanh rì

này đây là của cành tơ phơ phất

của Yến Anh này đây khúc tình si

và này đầy ánh sáng chớp hàng mi

mỗi buổi sớm thần vui hằng gõ cửa

tháng giêng ngon như một cặp môi gần”

Đây là một bức tranh thiên nhiên, từ chính con mắt xanh non biếc rờn của tác giả, được khao khát yêu đời, khao khát về cuộc sống. Nxhưng cảnh vật trước mặt hiện ra thật sinh động, cảnh vật ấy đang ở độ non tơ, diễm lệ. Bức tranh ấy hội tụ đầy đủ những hương thơm, ánh sáng và màu sắc âm thanh. Đây chính là phép tương giao, sự sáng tạo mới mẻ của Xuân Diệu khi ông học được ở Thơ mới. Cảnh vật ông vẽ ra đều có cặp, có đôi như sự tương đồng, sự táo bạo ấy còn chỗ ông lột tả trong câu thơ

“tháng giêng ngon như một cặp môi gần”

Bởi lẽ câu thơ là Xuân Diệu đang tưởng tượng tháng giêng ngon, tươi như cặp môi của một người thiếu nữ đang ở độ tuổi đẹp nhất của cuộc đời, điều này càng làm rõ thêm triết lý nhân sinh cao cả về cuộc sống của ông tạo ra. Không chỉ vậy trong khao khát cháy bỏng ấy, Xuân Diệu bỗng Cảm thấy lo lắng cho tương lai phía trước:

“tôi sung sướng nhưng vội vàng một nửa

tôi không chờ nắng hạ mới hoài xuân”

Từ đây cho thấy thi nhân sẽ không dừng lại khi chưa đạt được ước muốn, câu thơ như bẻ đôi bởi dấu chấm như có hai trạng thái đối ngược nhau: một bên là lo lắng, một bên là sung sướng, đối lập nhau nhưng nó hoàn toàn có ý nghĩa tương phản của cuộc sống và cuộc đời. Và Xuân Diệu sẽ không để cuộc sống trôi qua dễ dàng, mà ông vẽ lên những gì ông có thể tận hưởng đầy đủ. Được mệnh danh là “nhà thơ mới nhất trong những nhà thơ mới” triết lý nhân sinh của ông càng trở nên sâu sắc khi ông biết nghĩ cho cuộc đời, cuộc sống của mình: “Xuân đương tới nghĩa là xuân đương qua

xuân còn non nghĩa là xuân sẽ già

Mà xuân hết nghĩa là tôi cũng mất”

Câu thơ ấy đã làm rõ ý nghĩ của tác giả, đây chính là quy luật của tạo hóa mà không ai có thể thay đổi được. Nhà thơ nhận thức được điều đó với việc sử dụng các cặp từ trái ngược nhau “tới – qua, non- già”, tác giả đã tạo ra sự tương phản sinh động, nhấn mạnh sự trôi chảy của thời gian. Ý thức được điều đó Xuân Diệu tự nhận thấy “Mà xuân hết nghĩa là tôi cũng mất”  tuổi xuân được xem là tuổi đẹp nhất của con người, Nếu trôi qua thì sẽ không bao giờ trở lại được nữa. Ông luôn suy nghĩ về quá khứ để tái hiện nên hiện tại, từ những cảm nhận đó mà ông thấy sự phai tàn của vạn vật xung quanh nó trôi qua như một sự quên lãng:

Mùi tháng năm  đều rớm vị chia phôi

khắp núi sông đang than thầm tiễn biệt

cơn gió xinh thì thào trong gió biếc

Phải chăng hơn vì nỗi phải bay đi

chim rộn ràng bỗng đứt tiếng reo thi

phải chăng hờn độ phai tàn sắp sửa

Tất cả vạn vật, tạo hóa và thời gian trôi vào quên lãng của quá khứ, và một quá khứ ra đi thì không thể quay lại được nữa, tương lai là một điều mờ mịt vậy nên tác giả mới thấy được sự trôi chảy của thời gian một cách nhanh chóng. Đến đây ý thức về cuộc sống của tác giả lại càng ngày càng rõ rệt và Xuân Diệu đã trở nên vội vàng để bắt kịp với cuộc sống, với thời gian:

“chẳng bao giờ

ôi! chẳng bao giờ nữa”

tác giả đã phải dùng những câu cảm thán để nói về sự trôi chảy của cuộc sống. Xuân Diệu đã vội vàng đến tận hưởng hết mùa xuân tươi đẹp của mình

“Ta muốn ôm cả sự sống mới bắt đầu mơn mởn

Ta muốn riết mây đưa và gió lượn

Ta muốn say cánh bướm với tình yêu

Ta muốn thâu trong một cái hôn nhiều”

sử dụng điệp từ “ta muốn” làm nên sự vội vàng gấp gáp,  để nhấn mạnh nên cuộc sống không chờ đợi ai và chúng ta phải biết nắm bắt nó. Đến đây triết lý nhân sinh của ông càng trở nên sâu sắc hơn,  bằng một câu thơ kết:

“hỡi Xuân Hồng ta muốn cắn vào ngươi”

Triết lý nhân sinh của Xuân Diệu mới mẻ, tạo ra sự tươi mới trong thơ ca về nội dung lẫn hình thức nghệ thuật, cùng với ngôn ngữ giản dị, mộc mạc tạo sự táo bạo. Câu thơ giàu hình ảnh gợi cảm, nhấn mạnh sự cần thiết của cuộc sống với những động từ mạnh tạo sự vội vàng gấp gáp của cuộc sống, cần phải nắm trọn tất cả những gì tốt đẹp nhất trong cuộc sống, bởi thời gian trôi qua là không thể quay trở về được nữa.

Đọc xong những câu thơ của Xuân Diệu, ta thấy rằng thơ của ông được xuất phát từ cuộc đời và “Vội Vàng” là tác phẩm thể hiện rõ sáng tạo nghệ thuật độc đáo của ông, sự sáng tạo ngông cuồng để tận hưởng những thứ đẹp đẽ của cuộc đời. Tác phẩm này Xuân Diệu cũng thể hiện được triết lý nhân sinh sâu sắc một cách tinh tế, tạo ấn tượng sâu sắc trong lòng người đọc.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *