Trong số các nhà thơ của phong trào thơ mới ta ít thấy ai có số phận ai oán nghiệt ngã như Hàn Mặc Tử, dường như số phận cay đắng của ông đã được tiên đoán trước qua các bút danh Phong Trần (Gió Bụi), Lệ Thanh (tiếng của nước mắt), Hàn Mặc Tử (người đi trong màn lạnh). Nhắc đến Hàn Mặc Tử, có lẽ ta sẽ nghĩ ngay đến bài thơ Đây Thôn Vĩ Dạ, trong bài thơ vẻ đẹp của thiên nhiên xứ Huế và tâm trạng con người được tác giả thể hiện một cách sâu sắc và xuyên suốt bài thơ.
Hàn Mặc Tử là một trong ba đỉnh cao của phong trào thơ mới, ông là một hiện tượng thơ lạ nhất. Hồn thơ mãnh liệt luôn chất chứa sự mâu thuẫn giữa thể xác và tâm hồn, vì những đớn đau do bệnh tật ông luôn khát vọng sống, khát vọng giao hòa, giao cảm với cuộc đời, với con người. Bài thơ Đây Thôn Vĩ Dạ được sáng tác năm 1938, lấy cảm hứng từ một mối tình đơn phương của Hàn Mặc Tử với một cô gái Huế, bài thơ được in trong tập “thơ điên” sau đổi thành đau thương, xuất bản năm 1940.
Như chúng ta đã biết thơ là một cuộc đời nhưng nó không phải là sự sao chép máy móc mà lại được cảm nhận qua tâm hồn nghệ sĩ để trở thành thơ. Thơ là hình ảnh của cuộc đời tươi nguyên được tái hiện qua lăng kính tình cảm của người nghệ sĩ, vì thế nếu thơ không có tư tưởng tình cảm thì đó chỉ là những lời sáo rỗng, nhạt nhẽo vô vị tầm thường, chỉ là trò làm xiếc, ngôn từ vụng về chẳng thể đánh lừa được người đọc. Với sứ mệnh của một nhà thơ, Hàn Mặc Tử không ngừng tìm tòi sáng tạo để tìm ra cho mình một lối đi riêng, khác với các nhà thơ cùng thời đấy. Đây Thôn Vĩ Dạ đã cho ta thấy rõ điều đó.
Khổ thơ thứ nhất là những tiếc nuối vô vọng, những hoài niệm xa xăm về cảnh và người thôn Vĩ. Bức tranh phong thủy đẹp tuyệt vời, còn người thì tha thiết nhớ mong
“ sao anh không về chơi thôn Vĩ
nhìn nắng hàng cau nắng mới lên
vườn ai mướt quá xanh như ngọc
lá trúc che ngang mặt chữ điền”
Mở đầu bài thơ là một câu hỏi tu từ “Sao anh không về chơi thôn Vĩ”. Câu hỏi đó chính là sự phân thân của nhà thơ, nhà thơ hóa thân và cô gái Huế để hờn dỗi, một cách nhẹ nhàng nhưng đằng sau sự hưởng thụ ấy là một lời mời mọc rất chân thành nhà thơ sử dụng từ “chơi” thể hiện sự gần gũi thân mật thắm thiết. Mặt khác câu hỏi tu từ này là nhà thơ đang tự hỏi mình, tự trách mình sao cảnh Huế đẹp như vậy mà anh không về chơi. Đó là một câu hỏi đau đớn khắc khoải, bởi giờ đây trở về xứ Huế đã trở thành một niềm khao khát của nhà thơ. Có lẽ khi làm bài thơ này Hàn Mặc Tử đang ở giai đoạn cuối của bệnh Phong. Nên ông chỉ có thể trở về thôn Vĩ trong tâm tưởng, nhưng dù trở về trong tâm tưởng thì cảnh thiên nhiên nơi đây vẫn đẹp lung linh.
“Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên
vườn ai mướt quá xanh như ngọc
lá trúc che ngang mặt chữ điền”
Bức tranh thôn Vĩ xinh xắn thơ mộng đã hiện lên với vẻ đẹp lộng lẫy. cảnh sắc ấy được chiêm ngưỡng từ xa đến gần, từ xa nhà thơ trông thấy “nắng hàng cau nắng mới lên”, câu thơ với điệp từ “nắng” gợi cho ta một không gian tràn đầy ánh sáng, cau là một loại cây mang vẻ đẹp đặc trưng của thôn Vĩ, với thân hình thẳng tắp, tán lá xanh tươi. Cau còn là loại cây rất quen thuộc với nhân dân Việt Nam, nơi có phong tục ăn trầu từ ngàn đời. Ở đây hình ảnh cau của Hàn Mặc Tử còn có chi tiết khó quên đó là hàng cau trong nắng mới, nắng mới lên là hình ảnh đẹp của bình minh thôn Vĩ, là nắng rất cao rất trong gợi cảm giác ấm áp.
Vườn cây thôn Vĩ tươi tốt đến mức khách ở xa phải trầm trồ “vườn ai mướt quá xanh như ngọc” vườn ai không xác định nhưng người đọc vẫn có thể ngầm hiểu đó là vườn của cô gái Huế., “mướt quá” là sự cực tả sắc xanh của cây lá. Tại sao tác giả không dùng xanh da trời, xanh thẫm hay xanh biếc mà sử dụng màu xanh ngọc bích, có lẽ đó là màu xanh tinh khiết, quyến rũ. Quả là màu xanh ngọc của cây lá đã làm nên hồn thơ muôn thuở của thơ ca Việt Nam, và bức tranh thôn Vĩ càng đẹp hơn khi có sự xuất hiện của con người “lá trúc che ngang mặt chữ điền”. Vĩ Dạ nổi tiếng với màu xanh cây trúc trong tâm tưởng của thi nhân, bất chợt hiện “mặt chữ điền” lấp ló sau hàng trúc, lá trúc thì mảnh mai, mặt chữ điền gợi sự vuông vắn, phúc hậu. Tất cả tạo nên một vẻ đẹp hài hòa giữa con người và cảnh vật.
Nếu khổ thơ thứ nhất nhà thơ nhìn cảnh vật bằng sự lạc quan yêu đời, thì sang khổ thơ thứ hai đã có sự thay đổi, đó chính là sự mặc cảm về cảnh chia lìa, tan tác “
gió theo lối gió mây đường mây
dòng nước buồn thiu hoa bắp lay
Thuyền ai đâu bến sông trăng đó
Có chở trăng về kịp tối nay”
Hai câu thơ đầu nói về vẻ đẹp đặc trưng của xứ Huế, đó là dòng sông Hương chảy lững lờ mà Hoàng Phủ Ngọc Tường gọi đó là điệu slow tình cảm dành cho Xứ Huế. Hai bên bờ sông là những vườn bắp với những bông hoa nhẹ nhàng lay động, thật ngang trái và trớ trêu ở trên cao gió đã đi theo lối gió, mây đi theo đường mây. Gió và mây là hai sự vật luôn đi liền với nhau, bởi có gió thổi thì mây mới có thể bay, vậy mà giờ đây hai chữ chia lìa vẫn đến.
Trước mắt người đọc là một không gian tràn ngập ánh trăng, con thuyền trở thành thuyền Trăng, dòng sông trở thành sông trăng, và bến trở thành bến Trăng
“Thuyền ai đâu bến sông trăng đó
Có chở trăng về kịp tối nay”
Từ xưa đến nay chúng ta thường bắt gặp hình ảnh thuyền trăng, bến trăng. Và bây giờ ta lại bắt gặp một hình ảnh mới đó là “sông trăng”. Đọc câu thơ người đọc cảm tưởng như đang trôi vào cõi mộng, dường như nhà thơ đang sống trong khắc khoải, hoài mong. “Thuyền Ai”là thuyền của cô gái Huế, con thuyền mà nhà thơ nhắc tới trong mơ ước, chờ mong. Còn “tối nay” phải chăng là giới hạn cuối cùng của cuộc đời nhà thơ, đó chính là ranh giới giữa sự sống và cái chết. “Có chở trăng về” là sự mong ngóng hi vọng, “kịp tối nay” là sự hoài nghi, lo âu, là sự khẩn thiết yêu cầu nhưng dường như nhà thơ đã cảm nhận được sự thất vọng.
Nỗi hoài nghi của nhân vật trữ tình, âm điệu khắc khoải hoài nghi được tô đậm hơn ở khổ thơ thứ ba
“mơ khách đường xa khách đường xa
áo em trắng quá nhìn không ra
Ở đây sương khói mờ nhân ảnh
Ai biết tình ai có đậm đà”
từ “mơ” nằm ở đầu câu, Ở đây mơ chứ không phải mong, dường như mong không được nên nhà thơ phải mơ cho bớt cô đơn, khách đường xa xuất hiện trong màu áo trắng khiến cho nhà thơ choáng ngợp bởi nhìn không ra, trắng quá là sự cực tả màu trắng trong thơ Hàn Mặc Tử tượng trưng cho những vẻ đẹp tuyệt bích, vì quá hồi hộp, quá đam mê, quá ước vọng nên nhân vật trữ tình quá xót xa đau đớn trước một vẻ đẹp nằm ngoài tầm với.
Đến câu thơ thứ ba nhà thơ đã lý giải cho việc nhìn không ra
“Ở đây sương khói mờ nhân ảnh”
ở đây là nơi mà nhà thơ xem là lãnh cung giam lỏng mình, đó là thế giới của hiện thực, một nỗi đau mà nhà thơ đang gánh chịu: “Sương khói mờ nhân ảnh” là thế giới ảo ảnh của hư vô, của những ám ảnh về sự mất mát bởi chính nhà thơ luôn mang trong mình nỗi khắc khoải của một con người đang cầm chiếc vé đợi tàu đi vào cõi chết, và trong suốt thời khắc tuyệt vọng ấy, nhà thơ càng khao khát hơi ấm tình người.
“Ai biết tình ai có đậm đà” đến đây đối tượng được hướng đến càng cụ thể hơn, nhưng sự phát triển lại ngày càng mơ hồ. Câu hỏi như một tiếng kêu đau đớn, mang theo một nỗi buồn vô vọng và những uẩn khúc của Hàn Mặc Tử, một tâm hồn đau thương chơi vơi bất lực trong mặc cảm, chia lìa nhưng cũng thiết tha với cuộc đời. Bài thơ thành công nhờ sử dụng các biện pháp tu từ, điệp từ nhân hóa so sánh, câu hỏi tu từ, bằng thủ pháp liên tưởng cùng với những câu hỏi ….xuyên suốt bài thơ. Nhà thơ đã khắc họa ra trước mắt ta một khung cảnh nên thơ đầy sức sống và ẩn trong đó là nỗi lòng của chính nhà thơ, bài thơ khép lại nhưng mang trong mình vẻ đẹp mỹ lệ huyền ảo của thiên nhiên xứ Huế và tâm trạng khắc khoải, thiết tha cuộc đời của Hàn Mặc Tử sẽ còn đọng lại mãi trong tâm hồn người đọc./.