Bài văn phân tích Đây thôn Vĩ Dạ hay và đầy đủ

Văn mẫu lớp 11

Phân tích Bức tranh thiên nhiên và tâm trạng con người trong Đây Thôn Vĩ Dạ

Trên cánh đồng văn chương rộng lớn người nghệ sĩ như những hạt bụi bay lượn trong không gian không khí. Để tìm những chất vàng còn ẩn dưới cánh đồng kia, Hàn Mặc Tử cũng như vậy, ông như một con ong cần mẫn đi hút những dư vị của thiên nhiên để góp mật ngọt cho đời, cho thơ ca Việt Nam. Những chất vàng mà ông kiếm được đó chính là vẻ đẹp thiên nhiên và tâm trạng của con người, điều đó được khắc họa qua ngòi bút tinh tế của ông trong bài thơ Đây Thôn Vĩ Dạ.

Thơ là tiếng nói của tình cảm, là nơi dừng chân của tâm hồn, là tiếng hát được bắt nhịp từ những vần thơ, để có được như vậy các nhà thơ đã phải lặn ngụp trong biển lớn của cuộc đời để đúc rút ra được những linh hồn sống trên trang giấy. Chứ không phải là những xác chữ nằm thẳng đơ vô hồn, vô cảm. Chính vì vậy dưới ngòi bút của Hàn Mặc Tử, bài thơ như một sinh thể sống với một tâm hồn bay bổng lãng mạn ghi dấu cho người đọc. Hàn Mặc Tử là một trong những đỉnh cao của phong trào thơ mới, Ông không chỉ làm xúc động người đọc bằng ngôn từ truyền cảm, mà ông còn đem lại cảm giác xao xuyến cho người đọc và những cảm xúc dạt dào. Chính vì những đau đớn do căn bệnh đem lại nên ông luôn khát vọng sống, khát vọng giao hòa giao cảm với đời, với con người. Bài thơ Đây Thôn Vĩ Dạ chính là một minh chứng cho khát vọng ấy, dưới ngòi bút tinh tế Hàn Mặc Tử đã vẽ nên bức tranh thiên nhiên và tâm trạng con người qua nỗi nhớ của mình khi ông đang nằm trên giường bệnh. Bài thơ được sáng tác năm 1938 được in trong tập “thơ điên” sau đó đổi thành “đau thương” xuất bản năm 1940.

Khổ thơ đầu là những tiếc nuối và những hoài niệm xa xăm về cảnh, về người, về thôn Vĩ. Bức tranh thôn Vĩ đẹp tuyệt vời, còn tình người thì tha thiết nhớ mong:

“sao anh không về chơi thôn Vĩ

nhìn nắng hàng cau nắng mới lên

vườn ai mướt quá xanh như ngọc

lá trúc che ngang mặt chữ điền”

Mở đầu bài thơ là một câu hỏi “sao anh không về chơi thôn Vĩ”. Câu hỏi đó chính là sự phân thân của nhà thơ, nhà thơ hóa thân và cô gái Huế để hờn dỗi, trách móc rất nhẹ nhàng nhưng ẩn sâu sau đó là một lời mời mọc rất chân thành, trong câu thơ nhà thơ đã để lộ tình cảm của mình với cô gái Huế, mặc khác câu thơ là câu hỏi tu từ , là nhà thơ tự trách mình vì sao cảnh Huế đẹp vậy mà anh không vào chơi ? đó sẽ trở thành một câu hỏi đau đớn và khắc khoải của nhà thơ. Nhưng đến đây tác giả lại vẽ nên một bức tranh thôn Vĩ xinh xắn thơ mộng cảnh sắc ấy được chiêm ngưỡng từ xa tới gần, từ xa nhà thơ đã nhìn thấy “nắng hàng cau nắng mới lên” Câu thơ với điệp từ “nắng” đã gợi tả lên trong mắt người đọc một không gian đầy ánh sáng, cảnh vật rõ nét, sống động. Cây cau là một loài cây mang vẻ đẹp đặc trưng của thôn Vĩ, với thân hình thẳng tắp, tán lá xanh mướt. Nhắc tới hình ảnh cây cau ta lại nhớ đến Hàng cau trong thơ Nguyễn Bính

“ Nhà em có một giàn giầu

nhà anh có một hàng cau liên phòng”

Ở đây hàng cau của Hàn Mặc Tử được điểm lên với ánh sáng của buổi ban mai, khi ánh nắng chiếu vào nó trở nên lấp lánh đầy sức sống, gợi lên một vẻ đẹp thanh sạch của Vĩ Dạ. Vườn cây thôn Vĩ tươi tốt đến mức khách đường xa phải trầm trồ “vườn ai mướt quá xanh như ngọc”

“mướt quá”  là sự cực tả sắc thái của lá cây sau một đêm với những giọt sương đọng lại trên cây, được ánh sáng chiếu vào khoác  lên người một màu xanh mơ màng, non tơ như ngọc bích. Cùng nói về màu xanh ngọc bích trước Hàn Mặc Tử, Xuân Diệu đã từng viết

“bầu trời xanh ngọc qua muôn lá”

Quả là màu xanh của hoa lá đã làm nên hồn thơ muôn thuở của thơ ca Việt Nam, đến đây bức tranh thiên nhiên còn được Hàn Mặc Tử miêu tả một cách sắc nét hơn khi có sự xuất hiện của con người “lá trúc che ngang mặt chữ điền”

Vĩ Dạ nổi tiếng với màu sắc xanh của Trúc một loại cây được trồng trước ngõ, lá trúc thì mảnh mai, mặt chữ điền thì vuông vắn, phúc hậu. Tất cả đều tạo nên vẻ đẹp hài hòa giữa con người và thiên nhiên. Đồng thời qua đó người đọc còn cảm nhận được vẻ đẹp phúc hậu của người con gái Huế, mà là vẻ đẹp của sự kín đáo, duyên dáng,  e ấp thiếu nữ rất Huế. Cùng về thôn Vĩ Dạ nhà thơ viết

“Vĩ Dạ Thôn! Vĩ Dạ thôn!

biếc xanh cần trúc không buồn mà say”

Đó chính là những hình ảnh đẹp của thiên nhiên được tác giả ghi lại trong dĩ vãng xưa, từ đó cho thấy tình cảm của thi nhân với Huế rất sâu nặng. Nếu ở đoạn thơ đầu nhà thơ Nhìn cảnh vật bằng sự lạc quan yêu đời, thì sang khổ thơ thứ hai nhà thơ lại có sự mặc cảm về cảnh chia lìa tan tác và đến đây tác giả đã bộc lộ một niềm khát vọng, bâng khuâng:

“gió theo lối gió mây đường mây

dòng nước buồn thiu hoa bắp lay

Thuyền ai đâu bến sông trăng đó

Có chở trăng về kịp tối nay?”

Đây chính là vẻ đẹp đặc trưng của xứ Huế, Đó là hình ảnh của dòng sông Hương chảy lững lờ mà Hoàng Phủ Ngọc Tường gọi đó là điệu slow tình cảm riêng cho Huế. Hai bên bờ sông là những bông hoa dịu nhẹ bay trong gió và trớ trêu khi ở trên cao gió đi theo lối gió, mây đường mây… đó chính là cái tác giả sợ nhất sự chia lìa cảnh vật mang đến một nỗi buồn thiên cổ, sầu thiên thu. Chúng ta cũng từng bắt gặp trong thơ Nguyễn Du

“Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu

Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ?”

Ở đây ta còn bắt gặp một hình ảnh mới mẻ mà chỉ có trong thơ Hàn Mặc Tử đó là hình ảnh sông trăng từ xưa đến nay thường bắt gặp hình ảnh thuyền trên sông trăng nhưng Hàn Mặc Tử thì khác đọc câu thơ ta tưởng rằng đang trôi vào cõi nhớ của nhà thơ, cảnh sống ấy là hình ảnh của cô gái Huế là hình ảnh siêu thực mà tác giả học được bên trường phái Phương Tây, đó là sự mong ngóng hi vọng khắc khoải lo âu, sự hoài nghi, sự khẩn thiết, yêu cầu nhưng nhà thơ dường như cảm nhận được sự thất vọng. Nhà thơ như ý thức được rằng nếu Trăng không về kịp thì mình vĩnh viễn rơi vào trạng thái đau đớn. Nỗi hoài nghi đau đáu của nhà thơ đó là sự khắc khoải hoài nghi.

Đọc khổ cuối của bài thơ

“mơ khách đường xa khách đường xa

áo em trắng quá nhìn không ra

Ở đây sương khói mờ nhân ảnh

Ai biết tình ai có đậm đà”

Từ “mơ” nằm ở câu đầu, nằm mơ quá khứ chứ không phải là “mong” khách đường xa trong màu áo trắng, khiến nhà thơ nhìn không gian mờ ảo, áo trắng ở đây tưởng như bình thường nhưng lại rất bất thường bởi nó gợi ra từ cảm quan của nhà thơ. “Trắng quá” là sự cực cả của màu sắc, sắc trắng trong khổ thơ Hàn Mặc Tử tự tượng trưng cho vẻ đẹp tuyệt nhất. Vì vậy mà nhân vật em trong đây đã làm cho tác giả quá ngạt thở rồi, trở nên thất vọng ở đây nhà thơ luôn xem đây là lãnh cung giam lỏng mình, là thế giới của hiện thực của nỗi đau mà nhà thơ đang phải gánh chịu, và đó là cái thế giới đối lập với thế giới ngoài kia: “sương khói mờ nhân ảnh” là thế giới của ảo ảnh, của hư vô, của những ám ảnh về sự mất mát của mình. Nhà thơ luôn mang trong mình một nỗi đau và khi bị đặt trong những giây phút ấy nhà thơ khao khát được sống, được giao hòa giao cảm với thiên nhiên với cuộc đời trong mối tình vô vọng đơn phương.

“Ai biết tình ai có đậm đà” đến đây đối tượng hướng tới cụ thể nhưng sự đáp trả lại rất mơ hồ, mờ ảo. Câu hỏi như một tiếng kêu đau đớn mang theo một nỗi buồn vô vọng và uẩn khúc của Hàn Mặc Tử với cuộc đời.

Bởi sự khát khao mong cầu được sự đồng cảm của nhân vật trữ tình. Đây Thôn Vĩ Dạ chính là nhịp cầu nối Hàn Mặc Tử cùng các thế hệ nhà thơ khác.

Bài thơ sử dụng một số biện pháp tu từ như điệp từ, nhân hóa, so sánh, câu hỏi tu từ…. Bằng thủ pháp nghệ thuật liên tưởng cùng với bút pháp phác họa, tác giả đã phác họa ra trước mắt  người đọc khung cảnh thiên nhiên và tâm trạng con người một cách sắc nét nhất. Từ đó làm nên sự thành công của bài thơ và làm rõ được phong cách của Hàn Mặc Tử. Thơ của Hàn Mặc Tử như một khúc ca tráng lệ về cảm xúc, đó chính là hình ảnh thiên nhiên cùng với tâm trạng con người làm rõ giá trị bài thơ gây ấn tượng sâu sắc cho người đọc. Đây chính là dấu son chói lọi trong phong trào thơ mới và trong cuộc đời thơ ca của Hàn Mặc Tử.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *