Bài văn mẫu HSG về Chữ người tử tù của Nguyễn Tuân

Văn mẫu lớp 11

Nhà phê bình văn học người Nga Bêlinxki viết “tác phẩm nghệ thuật sẽ chết nếu nó miêu tả cuộc sống chỉ để miêu tả, nếu nó không phải là tiếng thét khổ đau hay lời ca tụng hân hoan,nếu nó không đặt ra những câu hỏi hoặc trả lời những câu hỏi đó”.

Phân tích Chữ người tử tù của Nguyễn Tuân để chứng minh nhận định trên

Bài làm

Thế giới không chỉ được tạo lập một lần, mà mỗi lần người nghệ sĩ chân chính xuất hiện là mỗi lần thế giới được tạo lập. Mỗi tác phẩm là mỗi sự dâng hiến, một cuộc đời, một cảm xúc, một chân lý, một ý vị, không một tác phẩm nào viết ra mà không mang đến cho người, cho đời một chân lý, một thông điệp mới .Nhà phê bình người Nga bêlinxki từng viết “tác phẩm nghệ thuật sẽ chết nếu nó miêu tả cuộc sống chỉ để miêu tả. Nếu nó không phải là tiếng thét khổ đau hay lời ca tụng hân hoan. Nếu nó không đặt ra những câu hỏi hoặc trả lời những câu hỏi”. Điều này được thể hiện rất rõ qua tác phẩm  “ Chữ người tử tù” của Nguyễn Tuân.

Tác phẩm nghệ thuật sẽ chết nếu nó miêu tả cuộc sống chỉ để miêu tả, sự miêu tả trong văn chương bắt nguồn từ cuộc sống của con người. Mỗi khía cạnh của văn chương là một góc nhìn về cuộc sống hiện tại hoặc quá khứ nó là một thực trạng một hình thức của cuộc sống và nếu nhà văn chỉ dùng tài năng của mình mà tái hiện lại chúng trên những trang văn đẩy chữ mà không nhằm mục đích gì thì chỉ là một tác phẩm không có ý nghĩa, một tác phẩm chết. Phải chăng đó cũng là căn nguyên để tạo lập một tác phẩm văn học mang lại sự sống mãnh liệt, một tác phẩm sống và dâng hiến cho đời những hương sắc và ý nghĩa, là một tác phẩm mang những tiếng thét đau khổ, hay lời ca tụng hân hoan, là một tác phẩm đặt ra những câu hỏi và trả lời những câu hỏi đó. Những đặc điểm giữa một tác phẩm chết so với những đặc điểm của một tác phẩm sống dường như có một hình thức đối lập giữa chúng, cái thông điệp là những tiếng kêu thét và những lời hân hoan, hay những câu hỏi và lời giải đáp chính là nguồn gốc tạo nên một tác phẩm đúng nghĩa, là lưu giữ cho đời những hương sắc lan tỏa.

Một tác phẩm khi được viết ra là sự kết tinh độc đáo giữa cảm xúc và lý trí của nhà văn, nhà văn đã phải giao thoa với đời bằng chính cái tâm hồn, cốt cách, dùng cái tài trong văn bản mà làm nên những trang văn đầy nhiệt huyết và năng động, mang lại những ý nghĩa, thông điệp nơi bể đời đầy đau khổ. Một nhà văn thực thụ sẽ làm như vậy chứ không phải chỉ tạo lập cho mình những văn bản đầy chữ mà không còn mục đích gì ngoài việc miêu tả, có lẽ cốt cách để làm nên một nhà văn chân chính không chỉ là những cảm xúc sâu thẳm, mà còn là ánh mắt nhân đạo nhìn đời, thấu hiểu đời và diễn đạt chúng trên những tài năng thiên bẩm. Không ít những nhà văn chân chính đã để lại cho đời những dấu ấn và thông điệp đáng quý của một sức sống mãnh liệt trong tác phẩm và cũng không ít những tác giả đã dùng văn chương để nhìn cuộc sống trong những khía cạnh riêng biệt. Nguyễn Tuân cũng không ngoại lệ, trong tư cách là một nhà văn Ông đã làm sáng tỏ tài năng và những thông điệp muốn gửi gắm đến cho đời qua tác phẩm “Chữ Người Tử Tù”.

Là một trong những nhà văn uyên bác, là một trong những cây bút sắc sảo tác phẩm “Chữ Người Tử Tù”, dưới ngòi bút của Nguyễn Tuân đã để lại cho đời những thông điệp, những dư vị của một cuộc sống, những cốt cách và phẩm chất của một con người trong một hoàn cảnh với cách xây dựng hình tượng truyện và cách xây dựng quá trình tâm lý con người đã giúp cho Nguyễn Tuân thể hiện rõ tài năng và phong cách của mình.

“Chữ Người Tử Tù” là tác phẩm viết đến trong hoàn cảnh lao tù giữa Huấn Cao và Viên quản cai ngục và thầy thơ lại trong một hoàn cảnh. Cho một hoàn cảnh trái ngang với những nhân cách cao đẹp đã làm nên một áng văn chương sáng rọi, xua tan mọi tối tăm, dơ bẩn chốn lao tù. Nguyễn Tuân không chỉ thành công ở việc xây dựng tình huống và càng xuất sắc trong cách xây dựng tình thế giữa hai nhân vật Huấn Cao người tử tù, viên quan coi ngục và hoán đổi chúng trong tài năng và làm nên thông điệp chân chính tác phẩm. “Chữ Người Tử Tù” không phải là một tác phẩm chết, bởi những dư vị và dấu ấn nó để lại cho đời lớn hơn là việc miêu tả chỉ để miêu tả.

Đến với nhân vật Huấn Cao của “Chữ Người Tử Tù” là ta đang tìm đến một bậc thiên tài cái thế được biết đến với cái tài viết nhanh và đẹp. Người đời ngưỡng mộ ông và coi ông như một anh hùng cái thế, kính trọng và nể ông. cái tài của ông được người ta ví như vật báu có được, chữ của Huấn Cao mà treo là như có một vật báu trong nhà. Thật ra cái hoàn cảnh để huấn cao được giới thiệu cũng chính là lúc ông trong tư cách là một người tử tù, một người đang bị bắt và một ngông, ấy thế mà khí phách hiên ngang của ông vẫn không bị lay động. Khi bước chân tới nhà lao cách mà ông vứt bỏ cái gông trên cổ xuống đã phần nào chứng minh cho khí phách hiên ngang, trong quá trình ở lao tù viên quan coi ngục đã không ít lần có ý giúp Huấn Cao nhưng ông đều thẳng thừng từ chối và khinh miệt viên quan coi ngục bằng hành động và lời nói rất ngang ngược “ta không muốn nhà ngươi bước chân vào đây nữa”,  thái độ hống hách của người tử tù dường như đang giúp phần thể hiện cho cái ngông của Nguyễn Tuân. Phải chăng những thái độ ngang ngược chỉ là đang góp phần thể hiện cho một khí phách hiên ngang của Huấn Cao, một người tử tù. Bên cạnh đó Huấn cao được biết đến với một cái tâm trong sáng và đầy ngưỡng mộ “ta nhất sinh không vì tiền bạc, Xưa nay ta chỉ cho chữ đúng 3 người”, mặc dù là một thiên tài viết chữ đẹp nhưng Huấn Cao không vì tiền hay bất cứ thứ gì, mà cho chữ có lẽ cái tâm ấy cũng làm sáng tỏ cho cái cách mà Huấn Cao đối xử với viên quản, có chủ vì sợ bị lợi dụng để cho chữ, đồng thời cái tâm ấy cũng thể hiện ở cách khinh miệt, coi thường những con người sống trong dơ bẩn và tội lỗi. những định kiến của huấn cao đối với viên quân cai ngục cũng góp phần làm nên cái tâm trong sáng của Huấn Cao, nhân vật Huấn Cao dưới ngòi bút của Nguyễn Tuân được hiện lên với ba nhận định, một tài năng thiên bẩm, một khí phách hiên ngang và một cái tâm trong sáng. Qua nhân vật này Nguyễn Tuân dường như muốn hướng con người ta đến chân, thiện, mỹ và những thứ tốt đẹp nhất, đồng thời đó là sự khẳng định một người nghệ sĩ thực thụ luôn là sự kết hợp giữa cái tâm và cái tài.

Bên cạnh đó Nguyễn Tuân đã thể hiện rất rõ tư tưởng và thông điệp của mình qua viên quản ngục vẫn là một con người mang những trọng trách dơ bẩn đứng trong địa vị ghê sợ nhất xã hội thời bấy giờ. ấy thế mà viên quản cai ngục lại trở thành một viên ngọc lấp lánh giữa vũng bùn lầy dơ bẩn, một người chuyên làm những công việc xấu xa nhưng với sự đam mê và trân trọng cái đẹp là chữ của Huấn Cao đã trở thành một con người hướng đến lương thiện. Chi tiết miêu tả viên quản ngục “ngồi suy nghĩ mặt lặng như hồ nước áo xuân” đã thể hiện sự hình thành dần dần những lương thiện trong cốt cách nghệ thuật. Thật vậy viên quản ngục dường như bị đánh thức nhân cách bởi chữ của Huấn Cao, trong quá trình thức tỉnh ông đã chịu mọi sinh nhật của Huấn Cao, đến giờ phút cuối cùng đã cúi đầu lí nhí. Quá trình biến đổi từ một nhân cách dơ bẩn đến một tâm hồn lương thiện chính là mục đích và thông điệp mà Nguyễn Tuân muốn gửi đến cho đời “nghệ thuật có chức năng tái tạo và cảm hóa con người”.

Huấn Cao và viên quản ngục coi tù như một viên kim cương lấp lánh trong cõi tối tăm, u ám. Tỏa sáng một cách rạng ngời, đồng thời đó còn là minh chứng cho sự tỏa sáng sẽ không bị bùn lầy che dấu, cái thiện sẽ luôn chiến thắng nhân cách lương thiện, con người dù cho bị vùi dập thế nào nhưng chỉ cần tâm luôn có ý hướng thiện thì sẽ chiến thắng. Viên quan coi ngục chính là một điển hình sáng ở nhất cho hình tượng con người hướng thiên lương trong chốn tối tăm. Đó cũng chính là tài năng của Nguyễn Tuân trong cách xây dựng tình huống và đảo ngược tình thế, qua đó thấy được “lời ca tụng hân hoan” mà Nguyễn Tuân dành cho hai nhân vật tâm huyết, đồng thời Nguyễn Tuân còn thể hiện cái tài văn chương của mình một cách rõ nét nhất, qua cảnh cho chữ cuối cùng của câu chuyện.

Cảnh cho chữ được bắt nguồn từ những tấm lòng của viên quan coi ngục và sự đáp trả nghĩa tình của huấn cao trước tấm lòng biệt nhỡn hiền tài, nguyên nhân làm nên cảnh cho chữ đã trang trọng đầy ý nghĩa và cảnh cho chữ diễn ra lại càng đặc biệt và thấm thía hơn. Cảnh cho chữ được miêu tả là một “cảnh tượng Xưa nay chưa từng có” cả trong văn học lẫn ngoài đời. Người ta thường cho chữ tặng những bản sách, những giảng đường, những nơi trang trọng nhưng với Huấn Cao vị anh hùng cái thế hơn người lại cho chữ tại một nơi ẩm thấp, hôi hám và đầy phân gián. nhưng đó không làm nên tính chất của cảnh cho chữ thiêng liêng này, nhân cách và vẻ đẹp tâm hồn Huấn cao lúc này cao sáng và thăng hoa hơn bao giờ hết. Trước những giây phút cuối đời và tại cái nơi đầy u ám này Huấn cao vẫn thể hiện niềm đam mê nghệ thuật của mình “mực mua ở đâu mà thơm thế”? và huấn cao cho chữ trong bầu khí trang trọng và đầy thiêng liêng, có lẽ cảnh cho chữ còn lắng đọng vào tâm hồn người hơn ở những giây phút cuối cùng mà Huấn Cao dùng để khuyên viên quản ngục. Chi tiết ấy có lẽ đã chiếm đi bao nhiêu tình cảm và nước mắt của người đọc, bởi tình người trong giờ phút ấy và tại thời điểm ấy vô cùng giàu đẹp và thiêng liêng, một lời khuyên chân tình của một người được coi là thiên tài với một con người trông coi dơ bẩn, tối tăm mới lay động lòng người thật hiếm có.

Cảnh tượng cho chữ cuối cùng đã nói lên phong cách và tài năng của Nguyễn Tuân, ông đã xây dựng một cảnh tượng chưa bao giờ có, một cảnh tượng tầm thường nhưng là một chân lý phi thường. Nguyễn Tuân đã miêu tả cảnh cho chữ nhưng không chỉ để miêu tả mà qua đó thể hiện một hình ảnh, một chân lý về cái đẹp trong chốn tối tăm, không phải chỉ những nơi trang trọng ra hoa mới lạ, nơi cái đẹp lên ngôi kể cả trong chốn những nơi dơ bẩn cũng là nơi cái đẹp có thể hiện diện. Ngoài ra cái hệ quả tốt đẹp cuối cùng trong cảnh cho chữ là sự cúi đầu xin lĩnh ý của viên quan Cai ngục và sự cảm kích không ngừng ấy lại là một điểm nhấn cho hình tượng nhân vật. Đó là những câu hỏi vang vọng giữa đời về sự tiếp diễn cuộc sống của viên quan coi ngục, sẽ là những suy nghĩ về sự bỏ lại quyển tước để về quê sinh sống, hay tiếp tục tồn tại nơi chốn dơ bẩn ấy, đó còn là những câu hỏi, những trang chuyện cuối cùng của “Chữ Người Tử Tù”.

Nghệ thuật là một quá trình khổ hạnh Nguyễn Tuân. Thật vậy nghệ thuật cũng là quá trình đi tìm cái đẹp mà người nghệ sĩ sẽ là cây bút tìm và vẽ lại cái đẹp ấy, “Chữ Người Tử Tù” là một điệp khúc, là lời ca tụng hân hoan về con người trong chốn tối tăm bùn lầy, là sự hướng đến cái chân, thiện, mỹ và ca ngợi chúng, là một sự miêu tả nhưng không chỉ để miêu tả về cảnh cho chữ và là một những câu hỏi vang vọng giữa biển đời.

Một tác phẩm nghệ thuật chân chính sẽ không khép lại ở những trang cuối, mà nó kết thúc để mở đầu một cuộc sống mới “Chữ người tử tù” đã làm được điều đó qua những thông điệp ý nghĩa mà nó gửi đến cho cuộc đời, đó là một tác phẩm không chỉ để miêu tả và thực thi sứ mệnh chỉ miêu tả, nhưng đó là một lời ca hân hoan và là những câu hỏi sẽ tồn tại với đời.

Có lẽ một tác phẩm sống mãnh liệt với đời sẽ là một tác phẩm để lại cho đời những thông điệp, những ý vị của một cuộc sống, đó chính là một tiếng thét đau khổ hay lời ca tụng hân hoan, nó luôn đặt ra những câu hỏi và trả lời những câu hỏi đó./.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *