Phân tích bài thơ Tỏ lòng của Phạm Ngũ Lão

Văn mẫu lớp 10

Phân tích bài thơ Tỏ lòng của Phạm Ngũ Lão

Trần Thái Tông từng nói: “Văn chương phải là thế trận đuổi nghìn quân giặc”. Trong thời kì đất nước loạn lạc, nhiễu nhương bị nước ngoài lâm le xâm chiếm thì con người ta phải phát huy một cách tốt nhất tinh thần sắc son, ý chí đứng lên bảo vệ Tổ quốc, dân tộc. Phạm Ngũ Lão đã viết nên bài thơ “Tỏ lòng” thể hiện một tinh thần yêu nước hồn hậu, quyết tâm đứng lên chống lại giặc bạo hung tàn. Có lẽ vậy mà có ý kiến cho rằng: “Chủ nghĩa yêu nước là nội dung lớn, xuyên suốt quá trình tồn tại và phát triển của văn học trung đại Việt Nam” thật sâu sắc và đầy ý vị:

“Hoành sóc giang sơn tháp kỉ thu

Tam quân tì hổ khí thôn ngưu

Nam nhi vị liễu công danh trái

Tu thính nhân gian thuyết Vũ Hầu”.

Bài thơ “Tỏ lòng” ra đời trong một hoàn cảnh đầy biến động, nhân dân toàn quốc đang ra sức đứng lên chống giặc ngoại xâm đánh tan quân Mông Nguyên đi đến thắng lợi vẻ vang. Nhắc đến Phạm Ngũ Lão là phải nhắc đến một người nông dân chất phác “Ngồi đan sọt mà lo việc nước”. Ông đã góp một phần công lao không nhỏ cho chiến tích của đất nước, con người.  Phạm Ngũ Lão là một con người văn võ song toàn. Không chỉ giỏi về binh thư mà ông còn có một tâm hồn phong phú lãng mạn đậm chất thi ca. Bằng tài năng, phong cách của bản thân mình, ông đã viết nên những bài thơ bất hủ kêu gọi tinh thần yêu nước thương dân của con người. Xuất thân từ tầng lớp bình dân, nông dân nên ông thấu hiểu tâm tư, tình cảm của con người, quân đội mình- đa phần là tầng lớp tri thức nghèo, nông nô vứt quốc bỏ ruộng đứng lên kháng chiến. Bài thơ “Tỏ lòng” vừa cô trúc lại trầm lắng như lời tâm sự thì thầm của bậc hiền tài.

“Thơ như đôi cánh tôi bay

Thơ là vũ khí trong trận đánh”

(Raxum- Ganzaxop)

Sức mạnh của ý chí, tinh thần kiên cường, bất khuất là một thứ vũ khí sắc bén có thể nhấn chìm tất cả các bè lũ bán nước hại nước. Nhưng tinh thần ấy đã đi sâu vào trong thi ca trong các tác phẩm văn học qua ngòi bút của các nhà văn thiên tài. Trong chiến tranh là phải có hi sinh, mất mát mà không chỉ dựa vào sức mạnh của bản thân con người mà phải dựa vào cơ sở của văn chương tinh thần. Cũng như vậy ngay từ đầu bài thơ, tác giả đã ngụ ý khi đặt nhan đề là “Thuật hoài”. “Thuật” có nghĩa là bày tỏ, “hoài” là mang trong lòng. Nhìn chung lại chỉ bằng hai từ mà diễn đạt được cả hoài bão lớn lao trong lòng tác giả. Mà ở đây là một vị tướng tài nắm giữ một chức vụ quan trọng nơi biên cương đang mong mỏi ở quân đội mình một tinh thần ý chí sắt đá đứng lên đánh tan quân thù giữ vững nền độc lập của đất nước xinh đẹp này.

Nguyễn Việt Chiến từng đưa ra quan điểm của mình rằng:

“Hồn dân tộc ngàn năm không chịu khuất

Đẩy con thuyền hướng mãi ra khơi”.

Dân tộc ta, con người ta dù bất cứ ở đâu trên mọi miền đất nước luôn hướng về Tổ quốc mình- nơi ông cha ta, máu thịt ta sinh thành. Phạm Ngũ Lão đã bắt đầu câu thơ với hình ảnh con người oai phong lẫm liệt thể hiện một cái hồn hào khí sát thái Đông A:

“Hoành sóc giang sơn tháp kỉ thu”

“Hoành sóc” ở đây có nghĩa là múa giáo. Người chiến sĩ, trang nam nhi hòa kiệt đang cầm trên tay mình một ngọn giáo sắc nhọn cảnh báo quân thù một cái kết không đáng có khi xâm phạm bờ cõi đất Việt. Cả một không gian, thời gian hiện lên trước mắt độc giả với giang sơn hùng vĩ, thời gian thăm thẳm. Con người ấy vẫn hiên ngang kiêu hãnh trước bão táp phong ba của cuộc đời. Sừng sững vững vàng ở đây như không có gì có thể lay chuyển được. Trải qua mấy mùa thu- mấy mùa lá rụng con người ấy không nhớ nhà chăng- có! Dĩ nhiên là nhớ nhưng vì mong ước một tương lai no đủ cho gia đình và toàn xã hội. Ánh mắt ấy luôn xa xăm về một ngày bình yên không bóng quân thù. Hình ảnh người tráng sĩ làm nên thời đại đã đẹp hình ảnh:

“Tam quân tì hổ khí thôn ngưu”

Còn hùng vĩ và oai vệ hơn. Cả một bức tranh cổ trang hiện lên trong tâm trí ta gồm ba đội quân “tiền quân”, “trung quân”, và “hậu quân” với hàng nghìn con người mang trên mình gậy gộc vũ khí bước đi vững vàng trước tiếng hò gieo của quân dân, quần chúng. Hình ảnh “Ba quân khí mạnh nuốt trơi trâu” như một lần nửa khẳng định chủ quyền dân tộc. Lời cảnh báo một cái kết đắng cho kẻ mưu mô xâm lược. Nó như có thể nuốt trôi tất cả những gì ngăn cản hay cản trở nó. (Át cả sao ngưu). Hình ảnh so sánh vừa có tác dụng cụ thể hóa sức mạnh vật chất lại khái quát hóa sức mạnh tinh thần tạo vẻ hùng hậu cho câu thơ. Thể hiện hào khí Đông A của quân đội nhà Trần một lòng vì dân vì nước vì hạnh phúc độc lập không xa, ta như từng bắt gặp hình ảnh này trong thơ:

“Thuyền bè muôn đới

Tinh kì phấp phới

Tì hổ ba quân giáo gươm sáng chói”

Cũng nói đến tinh thần sức mạnh của quân đội ta.

Tinh thần yêu nước một lòng sắc son với dân tộc không chỉ thể hiện qua sức mạnh vật chất mà còn thấm đượm tâm tư nổi lòng của kẻ làm trai:

“Đã mang tiếng ở trong trời đất

Phải có danh gì với núi sông”

Tư tưởng ấy không phải của riêng Nguyễn Công Trứ mà nó đã xuyên suốt một quá trình lịch sử ảnh hưởng ít nhiều đến tư tưởng đạo lí của con người. Tư tưởng ấy cũng hòa nhịp cùng Phạm Ngũ Lão về cái chí làm trai của con người thời đại bấy giờ. Nó thể hiện ở nỗi thẹn. Thẹn vì một nỗi dân chưa giàu, nước chưa mạnh. Xuyên suốt hai câu thơ sau như lời giãi bày tâm sự của tác giả:

“Nam nhi vị liễu công danh trái

Tu thính nhân gian thuyết Vũ Hầu”

Làm đấng nam nhi mà chưa chả xong nợ công danh thì thật luống thẹn khi nghe người đời kể chuyện Vũ Hầu. Tác giả thật tài tình khi sử dụng hình ảnh Vũ Hầu tên thật là Vũ Lượng Hầu tức Gia Cát Lượng- một quân sư tài giỏi đời Hán giúp nhà vua khôi phục đất nước thịnh trị. Nỗi thẹn ấy thường là nỗi thẹn của người có nhân cách cao cả. Nguyễn Khuyến trong bài “Thu vịnh” cũng từng bày tỏ nỗi thẹn với Đào Tiềm- một danh sĩ cao khiết lại vừa có tâm. Tác giả hổ thẹn vì chưa có tài mưu lược như Vũ Hầu, thẹn vì nước chưa bình an, yên ổn. Đặt trong hoàn cảnh này, nỗi thẹn có tác dụng thôi thúc con người. Từ đây, ta càng một lần nữa khẳng định được chủ nghĩa yêu nước là nội dung lớn, xuyên suốt quá trình tồn tại và phát triển của văn học trung đại.

Trong xã hội ngày nay, Việt Nam là một đất nước nhỏ bé nhưng có tiềm lực về tài nguyên, kinh tế nên luôn bị nước ngoài lâm le xâm lược. Là một công dân trên đất nước này, chúng ta phải có một lòng nồng nàn yêu nước và lí tưởng sống. Giàn khoan 981 xoáy vào thềm lục địa nhói đau từ biển lên rừng buốt tim 90 triệu dân Việt.

Bài thơ “Tỏ lòng” của Phạm Ngũ Lão mãi mãi để lại tiếng vang ở đời về lòng yêu nước thương dân. Bài thơ không chỉ hay về giá trị nội dung mà còn hay bởi giá trị nghệ thuật của nó đem lại- một bài thơ đường luật ngắn gọn bằng biện pháp so sánh, ẩn dụ đã vẽ nên cả một thời đại, để lại bài học tư tưởng sống: “Lí tưởng sống chính là ngọn đèn chỉ đường. Không có lí tưởng thì không có phương hướng mà không có phương hướng thì không có cuộc sống”.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *