Rèn kĩ năng đọc hiểu tác phẩm văn học ngoài chương trình cho học sinh chuyên văn-bài 21

Tài liệu Văn

RÈN LUYỆN KỸ NĂNG ĐỌC HIỂU

TÁC PHẨM NGOÀI CHƯƠNG TRÌNH

CHO HỌC SINH CHUYÊN VĂN

 

  1. PHẦN MỞ ĐẦU
  2. Lý do chọn đề tài

Kỹ năng đọc hiểu là kỹ năng quan trọng và cần thiết trong đời sống. Đây là hoạt động cơ bản của con người để chiếm lĩnh tri thức văn hóa. Khái niệm đọc hiểu (comprehension reading) có nội hàm khoa học phong phú có nhiều cấp độ gắn liền với lí luận dạy học văn, lí thuyết tiếp nhận tâm lí học nghệ thuật, lí thuyết giao tiếp thi pháp học, tường giải học văn bản học…Đối với việc dạy học văn ở nhà trường THPT, đọc hiểu là hoạt động đọc và giải mã các tầng ý nghĩa của văn bản thông qua các tín hiệu nghệ thuật để khám phá nội dung văn bản, tư tưởng của tác giả…

Trước đây, hoạt động đọc hiểu trong việc dạy học văn chưa thực sự được coi trọng. Chủ yếu các thầy cô thuyết giảng tác phẩm khiến học sinh thụ động trong việc chiếm lĩnh tác phẩm. Việc giảng dạy môn ngữ văn trở thành việc đọc hộ, hiểu hộ, cảm thụ hộ theo lối mòn sẵn có. Học sinh không có kỹ năng đọc hiểu những văn bản ngoài chương trình sách giáo khoa, không có khả năng vận dụng kiến thức để giải quyết các vấn đề thực tiễn của đời sống. Những năm gần đây, Bộ Giáo dục đã có những đổi mới căn bản theo định hướng phát triển năng lực học sinh. Từ năm 2014 câu hỏi đọc hiểu đã xuất hiện trong đề thi Tốt nghiệp, đề thi THPT Quốc gia,hướng việc dạy học văn chú trọng hơn đến kỹ năng đọc hiểu, coi đây là kỹ năng cần thiết học sinh cần được bồi dưỡng và phát triển. Đặc biệt Chương trình giáo dục phổ thông môn Ngữ văn (dự thảo ngày 19 tháng 01 năm 2018) đã coi việc rèn luyện kỹ năng đọc hiểu tác phẩm là một trong những nhiệm vụ quan trọng tiên quyết giúp học sinh hình thành năng lực ngôn ngữ, năng lực sáng tạo thẩm mỹ…Đáp ứng xu hướng đổi mới đó, nội dung và phương pháp dạy học ngữ văn đều đã có sự thay đổi. Từ việc chỉ đọc hiểu các tác phẩm trongchương trình, kiến thức được mở rộng theo chủ đề và được lựa chọn phù hợp với học sinh. Điều này đòi hỏi các thầy cô cần chú trọng rèn luyện kỹ năng đọc hiểu các tác phẩm ngoài chương trình sách giáo khoa, giúp học sinh vận dụng linh hoạt kiến thức, tự chiếm lĩnh tri thức mới, có khả năng sáng tạo và vận dụng vào đời sống.

Đối với học sinh chuyên văn, rèn luyện kỹ năng đọc hiểu các tác phẩm ngoài chương trình lại càng cần thiết. Đọc hiểu tác phẩm ngoài chương trình không chỉ giúp các em làm quen với dạng đề THPT Quốc gia, mà quan trọng hơn là bồi dưỡng năng lực học sinh chuyên văn. Cụ thể, rèn luyện kỹ năng đọc hiểu tác phẩm ngoài chương trình giúp mở rộng vốn hiểu biết văn học, cung cấp tư liệu dồi dào phong phú,đồng thờinâng caonăng lực cảm thụ thơ văn, tư duy phân tích tổng hợp, liên hệ mở rộng so sánh…cho học sinh chuyên.

Xuất phát từ những lí do trên, chúng tôi thiết nghĩ đặt vấn đề nghiên cứu chuyên đề “Rèn luyện kỹ năng đọc hiểu tác phẩm ngoài chương trình cho học sinh chuyên văn” là hoàn toàn hợp lý và thiết thực, có ý nghĩa khoa học và thực tiễn.

  1. Mục đích nghiên cứu

Chuyên đề nhằm hướng đến một số mục tiêu chính sau:

– Hệ thống hóa lý thuyết về đọc hiểu.

– Xây dựng phương pháp giúp học sinh chuyên văn có kỹ năng đọc hiểu tác phẩm ngoài chương trình và vận dụng vào bài thi học sinh giỏi.

– Cung cấp các bài tập thực hành.

III. Phương pháp nghiên cứu

– Phương pháp thống kê, phân loại

– Phương pháp phân tích, tổng hợp

– Phương pháp so sánh, đối chiếu.

  1. Cấu trúc chuyên đề

Ngoài phần mở đầu và phần kết luận, chuyên đề gồm 4 nội dung chính:

  1. Cơ sở lý thuyết
  2. Rèn luyện kĩ năng đọc hiểu tác phẩm ngoài chương trình theo mức độ nhận thức
  3. Vận dụng kỹ năng đọc hiểu tác phẩm ngoài chương trình nhằm nâng cao chất lượng bài thi học sinh giỏi.
  4. Các bài tập thực hành

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

  1. NỘI DUNG
  2. Cơ sở lý thuyết

Quá trình dạy và học môn Ngữ văn trong trường phổ thông hiện nay ngày càng có nhiều đổi mới để phù hợp với xu hướng hiện đại. Theo định hướng chung, tính tích cực, chủ động, sáng tạo của học sinh được đặt lên hàng đầu. Có rất nhiều cách thức tiếp cận để theo kịp xu hướng đổi mới, trong đó, vấn đề đánh giá năng lực đọc hiểu của người học chính là cách đánh giá toàn diện, khách quan, hiệu quả về quá trình học tập, sáng tạo.

Văn bản văn học là một “cấu trúc mời gọi”. Vì thế, ý nghĩa của văn bản không nằm ngoài sự đọc của người đọc. Để hiểu quá trình sinh nghĩa của văn bản cần nghiên cứu cụ thể hoạt động đọc hiểu văn bản. Mục đích của việc dạy đọc hiểu văn bản văn học là đào tạo năng lực đọc hiểu, một trong những năng lực cơ bản của con người trong đời sống xã hội. Qua đó có thể khẳng định, dạy kĩ năng đọc hiểu văn bản như một khâu đột phá quan trọng việc dạy học văn trong nhà trường phổ thông hiện nay, một năng lực cần được đào tạo và có tiêu chí đánh giá rõ ràng.

Đọc hiểu là một khái niệm rộng, không chỉ là sự tiếp nhận và hiểu ngôn ngữ mà còn là hiểu các kí hiệu, hình vẽ… Tuy nhiên, đối với môn Ngữ văn, đọc hiểu chủ yếu được thực hiện để hiểu văn bản. Ở cấp độ khái quát nhất, đọc hiểu là để hiểu nội dung và hình thức của văn bản, giải thích được những vấn đề có trong nội dung văn bản, đánh giá được tác dụng của những yếu tố thuộc về hình thức, cách thức, phương thức biểu đạt của văn bản. Sâu hơn, đọc hiểu văn bản còn là hiểu những dụng ý, thái độ của tác giả, những tiền giả định có trong văn bản; biết diễn đạt lại những nội dung đã hiểu bằng ngôn ngữ của mình. Ngoài ra, với văn bản nghệ thuật, hiểu còn là sự cảm thụ, rung động, xúc động với vẻ đẹp của ngôn từ, hình tượng,… mà tác phẩm gợi mở.

Nói về việc dạy kĩ năng đọc hiểu văn bản, tác giả Trần Đình Sử chỉ rõ: “Dạy văn là dạy cho học sinh năng lực đọc, kĩ năng đọc hiểu bất cứ văn bản nào cùng loại. Từ đọc hiểu văn mà học sinh trực tiếp tiếp nhận các giá trị văn học, trực tiếp thể nghiệm các tư tưởng và cảm xúc được truyền đạt bằng nghệ thuật ngôn từ, hình thành cách đọc riêng có cá tính. Đó là con đường duy nhất để bồi dưỡng cho học sinh năng lực của chủ thể tiếp nhận thẩm mĩ”. Như vậy, cần đổi mới đánh giá kĩ năng đọc hiểu của học sinh bằng việc đưa ra những văn bản mới, yêu cầu học sinh vận dụng kiến thức, kĩ năng đã có vào việc đọc hiểu và cảm thụ các văn bản mới này. Theo yêu cầu của Chương trình đánh giá học sinh quốc tế (PISA), năng lựcđọc hiểu cũng được định nghĩa như sau: “Đọc hiểu là sự hiểu biết, sử dụng và phản hồi lại trước một văn bản viết, nhằm đạt được mục đích phát triển tri thức và tiềm năng, cũng như việc tham gia của một ai đó vào xã hội”. Đọc được hiểu là giải mã (decoding), hiểu thấu (comprehension) tư liệu, bao hàm cả việc hiểu (understanding), sử dụng (using) và phản hồi (reflecting) về những thông tin với những mục đích khác nhau. Đọc hiểu được xác định gồm3 nhóm:

– Thu thập thông tin

– Phân tích, lí giải văn bản

– Phản hồi và đánh giá

Trên cơ sở đó dựa vào 6 mức độ vận dụng để đánh giá kĩ năng đọc hiểu của học sinh như sau:

– Mức độ 6: Tạo ra được nhiều suy luận, so sánh và phản ánh một cách chi tiết và cụ thể; thể hiện/trình bày một cách đầy đủ và tỉ mỉ hiểu biết của mình về một hoặc nhiều văn bản và có thể tích hợp thông tin từ nhiều văn bản. Với nhiệm vụ này, có thể yêu cầu người đọc bộc lộ suy nghĩ của mình về những chủ đề mới hoặc khác nhau bằng việc nêu ra những ý tưởng/thông tin nổi bật, mang tính khái quát của văn bản. Để phản ánh, đánh giá hình thức văn bản, có thể yêu cầu người đọc đưa ra giả thuyết hoặc phê bình về một văn bản, đồng thời vận dụng sự hiểu biết sâu sắc về văn bản vào thực tiễn.

– Mức độ 5: Liên quan đến việc lấy thông tin, yêu cầu người đọc xác định vị trí và tổ chức một số mảng thông tin liên quan đến các ý nằm sâu trong văn bản. Các nhiệm vụ phản ánh đề cập đến việc người đọc đưa ra đánh giá hoặc giả thuyết dựa trên kiến thức chuyên sâu/chuyên ngành. Cả hai nhiệm vụ diễn giải và phản ánh đều đòi hỏi một sự hiểu biết đầy đủ và chi tiết về một văn bản có nội dung hoặc hình thức mới (không được in trong sách giáo khoa). Đối với tất cả các khía cạnh của đọc, nhiệm vụ ở cấp độ này thường liên quan đến việc xử lí các vấn đề trái với suy nghĩ thông thường.

– Mức độ 4: Bao gồm việc lấy thông tin, yêu cầu người đọc xác định vị trí và tổ chức một số thông tin từ trong văn bản. Một số nhiệm vụ ở cấp độ này yêu cầu giải thích ý nghĩa sắc thái của ngôn ngữ trong một đoạn văn bằng cách đặt nó vào chỉnh thể của văn bản. Các nhiệm vụ diễn giải khác đòi hỏi sự hiểu biết và áp dụng vào một ngữ cảnh mới. Các nhiệm vụ phản ánh ở cấp độ này yêu cầu độc giả sử dụng các kiến thức cơ bản và phổ thông để đưa ra giả thuyết hoặc phê bình đánh giá một văn bản. Người đọc phải thể hiện một sự hiểu biết chính xác về một văn bản dài hoặc phức tạp với nội dung hoặc hình thức có thể không quen thuộc.

– Mức độ 3: Đòi hỏi người đọc xác định vị trí, và trong một số trường hợp nhận ra các mối quan hệ giữa một số thông tin. Các nhiệm vụ giải thích ở cấp độ này đòi hỏi người đọc tích hợp một số phần của một văn bản để xác định nội dung chính, hiểu một mối quan hệ hoặc giải thích ý nghĩa của một từ hoặc cụm từ. Người đọc cần phải đưa ra được những biểu hiện cụ thể trong khi so sánh, đối lập hoặc phân loại. Các thông tin đưa ra thường không phải là nổi bật hoặc có nhiều thông tin cạnh tranh/nhiễu, hoặc có những trở ngại khác từ văn bản, chẳng hạn như các ý tưởng (của người viết) trái với kỳ vọng/suy nghĩ thông thường hoặc có những cách diễn đạt tiêu cực. Những nhiệm vụ phản ánh ở mức này có thể yêu cầu kết nối, so sánh và giải thích, hoặc có thể yêu cầu người đọc đánh giá một đặc điểm của văn bản. Một số nhiệm vụ phản ánh yêu cầu độc giả chứng minh một ý hay của văn bản liên quan đến tri thức hàng ngày. Các nhiệm vụ khác không yêu cầu hiểu chi tiết văn bản, nhưng yêu cầu người đọc rút ra kiến ​​thức ít phổ biến hơn.

– Mức độ 2: Đòi hỏi người đọc xác định vị trí của một hoặc nhiều mẩu thông tin có thể cần phải được suy ra và có thể gặp trong một số hoàn cảnh nhất định. Những yêu cầu khác như nhận ra nội dung chính của một văn bản, hiểu các mối quan hệ, hoặc giải thích ý nghĩa của một phần văn bản được giới hạn khi thông tin là không nổi bật và người đọc phải đưa ra được suy luận ở mức độ thấp. Các nhiệm vụ ở cấp độ này có thể liên quan đến việc so sánh hoặc tương phản dựa trên một đặc điểm nào đó của văn bản. Các nhiệm vụ phản ánh tiêu biểu ở cấp độ này yêu cầu độc giả so sánh hoặc tạo ra sự kết nối giữa các văn bản và kiến thức bên ngoài, bằng cách dựa trên kinh nghiệm và thái độ của cá nhân.

– Mức độ 1a: Đòi hỏi người đọc xác định vị trí của một hoặc nhiều thông tin để nhận ra chủ đề chính hay mục đích của tác giả trong một văn bản về một đề tài quen thuộc, hoặc để tạo ra một kết nối đơn giản giữa các thông tin trong các văn bản và kiến thức thông thường hàng ngày. Thông thường, các thông tin cần thiết trong văn bản là nổi bật và có rất ít tính cạnh tranh/nhiễu. Người đọc được định hướng một cách rõ ràng để xem xét các yếu tố liên quan trong nhiệm vụ và trong văn bản.

– Mức độ 1b: Đòi hỏi người đọc xác định vị trí của một thông tin duy nhất được quy định rõ ràng ở một vị trí nổi bật trong một văn bản đơn giản về cú pháp, ngắn và quen thuộc về chủ đề và thể loại. Chẳng hạn một văn bản tự sự hay một bản danh sách đơn giản. Các văn bản thông thường cung cấp cho người đọc các dấu hiệu, chẳng hạn như sự lặp đi lặp lại các thông tin, hình ảnh hoặc biểu tượng quen thuộc với rất ít các thông tin cạnh tranh/nhiễu. Trong các nhiệm vụ giải thích, người đọc có thể cần phải thực hiện các kết nối đơn giản giữa các thông tin gần kề nhau.

Như vậy, theo cách diễn giải của PISA, mức độ 6, 5, 4 bao gồm việc hiểu văn bản được học, vận dụng vào đọc văn bản mới; các mức độ còn lại áp dụng với những văn bản được học hoặc quen thuộc với người đọc. Từ đó, áp dụng một phần cách đánh giá của PISA để thực hiện theo hướng dẫn hiện nay, sử dụng thang 4 mức: nhận biết – tương ứng với thu thập, kết nối thông tin; Thông hiểu – tương ứng với lí giải, phân tích thông tin; Vận dụng: phản hồi về thông tin trong văn bản; vận dụng cao: phản hồi, đánh giá liên kết thông tin ngoài văn bản (thực tiễn).

Cấp độ tư duy Mô tả
1. BIẾT: Sự nhớ lại tài liệu đó được học tập trước đó như các sự kiện, thuật ngữ hay các nguyên lý, quy trình. Nhớ các khái niệm cơ bản, có thể nêu lên hoặc nhận ra chúng khi được yêu cầu
2. HIỂU:Khả năng hiểu biết về các sự kiện và nguyên lý, giải thích tài liệu học tập, nhưng không nhất thiết phải liên hệ các tư liệu. Hiểu các khái niệm cơ bản và có thể vận dụng chúng khi chúng được thể hiện theo các cách tương tự như cách giáo viên đã giảng hoặc như các ví dụ tiêu biểu về chúng trên lớp học.
3. VẬN DỤNG: Khả năng vận dụng tài liệu đó học vào các tình huống mới và cụ thể hoặc để giải các bài tập; Khả năng phân tích sự liên hệ giữa các thành phần của một cấu trúc có tính tổ chức sao cho có thể hiểu được, nhận biết được các giả định ngầm hoặc các ngụy biện có lý. Có thể hiểu được khái niệm ở một cấp độ cao hơn “thông hiểu”, tạo ra được sự liên kết logic giữa các khái niệm cơ bản và có thể vận dụng chúng để tổ chức lại các thông tin đã được trình bày giống với bài giảng của giáo viên hoặc trong sách giáo khoa.
4. VẬN DỤNG CAO: Khả năng đặt các thành phần với nhau để tạo thành một tổng thể hay hình mẫu mới, hoặc giải các bài toán bằng tư duy sáng tạo; Khả năng phê phán và thẩm định giá trị của tư liệu theo một mục đích nhất định. Có thể sử dụng các khái niệm về môn học – chủ đề để giải quyết các vấn đề mới, không giống với những điều đã được học hoặc trình bày trong sách giáo khoa nhưng phù hợp khi được giải quyết với kỹ năng và kiến thức được giảng dạy ở mức độ nhận thức này. Đây là những vấn đề giống với các tình huống học sinh sẽ gặp phải ngoài xã hội.

Như vậy, nhằm xây dựng chương trình giáo dục phổ thông theo hướng tiếp cận năng lực, riêng đối với môn Ngữ văn, cần chú ý đến khả năng sử dụng ngôn ngữ, khả năng hiểu văn bản trên diễn giải hợp lí hệ thống tín hiệu hoặc giải mã văn học. Nội dung và phương pháp dạy học môn Ngữ văn có một vai trò to lớn trong việc hình thành và rèn luyện năng lực đọc hiểu. Học sinh chuyên văn không chỉ là những người có kiến thức sâu rộng mà còn cần được trang bị đầy đủ năng lực đọc hiểu. Cần tránh xu hướng hàn lâm, quá coi trọng kiến thức, gắn chặt hơn nữa với hiện thực đời sống, các tình huống đời sống cụ thể, yêu cầu học sinh suy nghĩ, vận dụng vào đời sống hàng ngày.

II.Rèn luyện kĩ năng đọc hiểu tác phẩm ngoài chương trình cho học sinh chuyên văn theo các mức độ nhận thức

Đối với học sinh chuyên văn, kiến thức văn học ngoài chương trình sách giáo khoa là tương đối rộng và kỹ năng đọc hiểu là tương đối tốt. Tuy nhiên, những kiến thức ấy cần được chắt lọc, lựa chọn, sắp xếp thành một hệ thống từ đơn giản đến phức tạp. Đặc biệt, các kỹ năng cũng cần được mài giũa thuần thục hơn, áp dụng ở những mức độ nhận thức cao hơn. Vì thế, để rèn luyện kĩ năng đọc hiểu tác phẩm ngoài chương trình cho học sinh chuyên văn, chúng ta vẫn cần đi theo các mức độ nhận thức: nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao, nhưng các câu hỏi sẽ khó hơn, các văn bản được lựa chọn cũng sẽ phong phú, phức tạp hơn.

  1. Rèn luyện kĩ năng đọc hiểu tác phẩm ngoài chương trình cho học sinh chuyên văn theo mức độ nhận biết

Để giúp học rèn luyện kỹ năng đọc hiểu theo mức độ nhận biết, giáo viên phải giúp học sinh ôn tập củng cố lại một cách hết sức hệ thống những kiến thức cơ bản đóng vai trò làm nền tảng, bao gồm:

– Nhận diện phương thức biểu đạt trong văn bản:

 

Tuy nhiên, cần lưu ý, không phải mỗi văn bản chỉ có một hình thức biểu đạt duy nhất, mà thường kết hợp các hình thức biểu đạt khác nhau, nhưng luôn có một phương thức là chủ đạo.

– Nhận diện các phong cách ngôn ngữ:

 

Tuy nhiên trong thực tế, ngữ liệu để dùng đọc hiểu không chỉ được trình bày theo một phong cách ngôn ngữ duy nhất mà thường kết hợp nhiều phong cách khác nhau.

– Nhận diện hình thức ngôn ngữ: Có hai hình thức ngôn ngữ là ngôn ngữ trực tiếp và ngôn ngữ nửa trực tiếp. Ngôn ngữ trực tiếp gồm: Ngôn ngữ nhân vật (ngôn ngữ đối thoại giữa các nhân vật với nhau trong truyện, hoặc chỉ là những lời độc thoại nội tâm của nhân vật); ngôn ngữ của người kể chuyện (ngôn ngữ trần thuật). Ngôn ngữ nửa trực tiếp bao gồm: Ngôn ngữ đan xen giữa lời của nhân vật với lời của người kể chuyện (ngôn ngữ trần thuật nửa trực tiếp).

– Nhận diện các phương thức trần thuật: Gồm trần thuật từ ngôn thứ nhất do nhân vật tự kể chuyện; trần thuật từ ngôi thứ ba, người kể chuyện tự giấu mình; trần thuật từ ngôi thứ ba, người kể chuyện tự giấu mình nhưng điểm nhìn và lời kể theo giọng điệu của nhân vật trong tác phẩm.

– Nhận diện các phép liên kết hình thức:

Nhận diện các kiểu câu: Gồm câu chia theo mục đích nói (Câu tường thuật, câu nghi vấn, câu cảm thán, câu cầu khiến); Câu chia theo cấu trúc/chức năng ngữ pháp: Câu chủ động/câu bị động; câu bình thường/câu đặc biệt; Câu đơn/câu ghép.

Nhận diện các biện pháp tu từ: Giáo viên cho học sinh nhận diện các biện pháp tu từ so sánh; ẩn dụ; hoán dụ; nhân hóa; nói giảm, nói tránh, cường điệu; điệp từ, điệp ngữ, điệp cấu trúc ngữ pháp; phép đối; dùng từ láy.

Nhận diện các thể thơ: Giáo viên cho học sinh nhận diện các thể thơ: Ngũ ngôn (mỗi câu thơ chỉ có năm tiếng); thất ngôn (mỗi câu thơ có bảy tiếng); lục bát (một câu sáu tiếng, một câu tám tiếng tạo thành một cặp); Lục bát biến thể (thường biến thể ở câu tám có thể biến thể thành 9 đến 13 tiếng); song thất lục bát (hai câu 7 tiếng và một cặp lục bát); tự do (số tiếng trong mỗi dòng thơ không đều nhau).

Nhận diện các thao tác lập luận: Các thao tác lập luận bao gồm: Thao tác giải thích (là vận dụng tri thức để hiểu vấn đề nghị luận một cách rõ ràng và giúp người khác hiểu đúng ý mình); Thao tác chứng minh (đưa ra những cứ liệu, dẫn chứng xác đáng để làm sáng tỏ một lí lẽ, một ý kiến để thuyết phục người đọc nghe và tin tưởng vào vấn đề); Thao tác phân tích (chia tách đối tượng, sự vật hiện tượng thành nhiều bộ phận, yếu tố nhỏ để xem xét kĩ lưỡng nội dung và những mối liên hệ bên trong bên ngoài của đối tượng); Thao tác so sánh (đối chiếu hai hay nhiều sự vật, đối tượng hoặc là các mặt của sự vật để chỉ ra những nét giống nhau hay khác nhau, từ đó thấy được giá trị của từng sự vật); Thao tác bình luận (bàn bạc đánh giá vấn đề, sự việc, hiện tượng…đúng hay sai, hay/dở, tốt/xấu, lợi/hại,… để nhận thức đối tượng, cách ứng xử phù hợp và có phương châm hành động đúng); Thao tác lập luận bác bỏ (chỉ ra ý kiến sai trái hiển nhiên của vấn đề, trên cơ sở đó đưa ra nhận định đúng đắn của mình).

– Nhận diện phương pháp lập luận: Các phương pháp lập luận gồm phương pháp diễn dịch (câu chốt, câu nêu ý khái quát đạt ở đầu đoạn); phương pháp quy nạp (câu chốt, câu nêu ý khái quát đạt ở cuối đoạn); phương pháp song hành (không có câu chốt, câu chủ đề, tất cả các câu cùng tập trung hướng tới một chủ đề chung); phương pháp móc xích; phương pháp tổng – phân – hợp (có hai câu chốt nằm ở đầu và cuối đoạn nhưng hai câu này không giống nhau).

 

  1. Rèn luyện kĩ năng đọc hiểu tác phẩm ngoài chương trình cho học sinh chuyên Văn theo mức độ thông hiểu

Mức độ thứ hai của các đề văn đọc hiểu văn bản là thông hiểu, đòi hỏi học sinh cảm nhận được những đặc sắc, nổi bật của văn bản (từ ngữ, hình ảnh,chi tiết quan trọng, đặc sắc, các biện pháp tu từ…); hiểu được ý nghĩa hàm ẩn của văn bản, nêu được chủ đề hoặc nội dung chính của văn bản, sắp xếp, phân loại được thông tin trong văn bản, tìm ra mối quan hệ của các thông tin để lý giải nội dung của văn bản, dựa vào nội dung văn bản để lý giải hoặc giải quyết các tình huống, các vấn đề trong văn bản.

Ở cấp độ này các em học sinh phải trả lời được các câu hỏi sau:

– Thứ nhất: Nội dung chính của văn bản? Tóm tắt nội nội dung của văn bản? Với câu hỏi dạng này học sinh cần đọc kĩ văn bản, có thể dựa vào nhan đề và những câu văn mở đầu và kết thúc của văn bản để xác định nội dung chính.

– Thứ hai: Nếu văn bản không có nhan đề thì đề bài có thể sẽ yêu cầu học sinh đặt cho nó một nhan đề phù hợp với nội dung.

– Thứ ba: Trả lời được các câu hỏi vì sao?

– Thứ tư: Phân tích được hiệu quả các biện pháp tu từ, các chi tiết, các sự kiện thông tin… có trong văn bản.

Nếu câu hỏi yêu cầu hiểu nghĩa của từ, câu, học sinh cần vận dụng thao tác giải thích để giải quyết, với một câu dài, cần xem xét có bao nhiêu vế, hiểu lần lượt từng vế, sau đó mới khái quát nghĩa cả câu.

Ví dụ: Anh/ chị hiểu như thế nào về nghĩa của hai câu:

Đất ấp ôm cho muôn hạt nảy mầm

Những chồi non tự vươn lên mà sống

Gợi ý đáp án:

  • Đất là điều kiện, là môi trường sống chung cho mọi hạt giống
  • Những chồi non phải tự mình vươn lên, sống khỏe mạnh hay yếu ớt đều là do tự mình quyết định.

→ Nghĩa của hai câu: Muốn nói tới con người chúng ta ai sinh ra cũng có điều kiện được sống, còn sống như thế nào thì tự mình phải quyét định, phải nỗ lực vươn lên để khẳng định bản thân, sống có ích.

Nếu gặp câu hỏi “Theo tác giả...”, câu trả lời sẽ nằm ngay trên văn bản.

 

Ví dụ: Tại sao tác giả cho rằng “Biết đâu, trong một lần tò mò hay thắc mắc như vậy, bạn sẽ tìm ra được niềm đam mê cho bản thân”? (đề thử nghiệm của BỘ)

Gợi ý đáp án: Vì dù bạn có chọn cho mình một bộ môn nào đi nữa, dù là nghe nhạc cổ điển, đến thăm các viện bảo tàng hay các phòng trưng bày nghệ thuật hoặc đọc sách về các chủ đề khác nhau… thì bạn cũng nên theo học đến cùng và tìm hiểu nó không ngừng nghỉ cho đến khi đạt đến kiến thức sâu sắc về lĩnh vực đó mới thôi. Biết đâu, trong quá trình học với quyết tâm rèn luyện và củng cố trí tò mò nó sẽ trở thành cá tính của bạn. Nó sẽ trở thành niềm đam mê không thể buông bỏ lúc nào mà bạn không hay biết.

(Trường hợp này câu trả lời nằm ngay trên văn bản)

Nếu gặp câu hỏi “Theo anh/ chị, tại sao tác giả cho rằng...”, câu trả lời sẽ dựa trên ba căn cứ cơ bản sau:

. Thứ nhất: Căn cứ vào nghĩa của câu mà tác giả cho rằng…

. Thứ hai: Căn cứ vào ngữ liệu trên văn bản

. Thứ ba: Căn cứ vào sự hiểu biết của chúng ta

Ví dụ: Theo anh/chị, vì sao tác giả cho rằng: “Niềm vui lớn nhất trong cuộc đời thực ra lại đến vào lúc các em nhận ra các em chẳng có gì đặc biệt cả.”?

Gợi ý đáp án: Tác giả nói như vậy vì:

  • Khi nhận ra mình “chẳng có gì đặc biệt cả” tức là các em hiểu rõ mình là ai, mình đang ở đâu, các em hiểu rằng thế giới ngoài kia kì vĩ, lớn lao, thú vị vô cùng. Và khi đó, các em sẽ có ý thức, có ham muốn, có niềm vui khi học hỏi, khám phá và chinh phục thế giới.
  • Ngược lại, nếu tự mãn về bản thân, các em sẽ không tìm ra mục tiêu cho cuộc sống của mình, vì vậy, cuộc sống sẽ trở nên nhàm chán, vô vị.

(Trường hợp này câu trả lời không có trên văn bản)

  1. Rèn luyện kĩ năng đọc hiểu tác phẩm ngoài chương trình cho học sinh chuyên Văn theo mức độ vận dụng

Năng lực chính cần hình thành và phát triển cho người học là năng lực đọc hiểu. Năng lực này sẽ là trục định hướng cơ bản trong quá trình thiết kế bài học, chi phối việc lựa chọn đơn vị kiến thức và nội dung sẽ được khai thác ở văn bản theo hướng minh họa và làm rõ cho qui trình vận dụng một năng lực cụ thể vào quá trình đọc hiểu. Mà “đọc là tìm ra ý nghĩa trong một thông điệp được tổ chức bằng một hệ thống ký hiệu” (Trần Đình Sử), từ đó nâng cao khả năng vận dụng tài liệu đã đọc vào các tình huống mới và cụ thể hoặc để giải các bài tập; nâng cao khả năng phân tích sự liên hệ giữa các thành phần của một cấu trúc có tính tổ chức sao cho có thể hiểu được, nhận biết được các giả định ngầm hoặc các ngụy biện có lý.

Cấp độ này đòi yêu cầu học sinh phải trả lời được được những câu hỏi sau:

– Ý nghĩa của một số từ ngữ đặc biệt trong văn bản, thường là những từ ngữ được dùng với nghĩa chuyển, nghĩa hàm ẩn chứ không phải là những từ ngữ chỉ có nghĩa trực tiếp.

– Viết một đoạn văn liên quan đến nội dung của văn bản, hoặc viết đoạn văn thể hiện suy nghĩ riêng của bản thân.

Nếu đề yêu cầu rút ra thông điệp: Có hai cách, một là chọn ngay một câu có ý nghĩa nhất làm thông điệp, hai là tự rút ra ý nghĩa của văn bản rồi chọn đó làm thông điệp. Sau đó đều phải lí giải vì sao anh/ chị chọn thông điệp đó.

Nếu yêu cầu nêu lên điều anh/chị tâm đắc, hoặc một số việc làm cụ thể: Câu trả lời hoàn toàn dựa trên sự hiểu biết của mỗi học sinh, cần nêu được ít nhất ba nội dung, rõ ràng, tránh dài dòng.

Ví dụ 1: Đọc đoạn thơ sau và thực hiện các yêu cầu:

Con ong làm mật yêu hoa

Con cá bơi, yêu nước; con chim ca, yêu trời

Con người muốn sống, con ơi

Phải yêu đồng chí, yêu người anh em.

Một ngôi sao chẳng sáng đêm

Một thân lúa chín, chẳng nên mùa vàng

Một người – đâu phải nhân gian

Sống chăng, một đốm lửa tàn mà thôi!

(Tố Hữu – Tiếng ru)

Lí giải vì sao tác giả lại viết: “Con người muốn sống con ơi / Phải yêu đồng chí, yêu người anh em”.

Gợi ý đáp án: Tình đồng chí, tình anh em rất cần thiết đối với con người như con ong cần hoa, con cá cần nước, con chim cần bầu trời. Để có cuộc sống cao đẹp, con người cần biết yêu thương, đùm bọc, che chở nhau, đoàn kết với nhau.

Ví dụ 2: Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu:

(1) Tuổi trẻ là đặc ân vô giá của tạo hóa ban cho bạn. Vô nghĩa của đời người là để tuổi xuân trôi qua trong vô vọng. (…) Người ta bảo, thời gian là vàng bạc, nhưng sử dụng đúng thời gian của tuổi trẻ là bảo bối của thành công. (…) Thế giới này là bạn, đất nước này là của chúng ta. Chúng ta không thể ngồi nhìn đồng bào nghèo khó mãi. Đừng ngồi quây quần thường xuyên bên góc bếp, và cũng đừng thu mình một góc trong nhà trọ nhỏ nhoi, hãy ra đi để nhìn để hiểu; đừng đắm đuối trên màn hình máy tính, trên “smartphone” bằng những câu chuyện phiếm giết thời gian, mà hãy dùng nó như một công cụ nối liền thế giới bên ngoài.

(2) Biến tri thức của loài người, của thời đại thành tri thức của bản thân và cộng đồng, vận dụng vào hoạt động thực tiễn của mình. Trước mắt là tích lũy tri thức khi còn ngồi trên ghế nhà trường để ngày mai khởi nghiệp. Tự mình xây dựng các chuẩn mực cho bản thân, nhận diện cái đúng , cái sai, cái đáng làm và cái không nên làm. Trường đời là trường học vĩ đại nhất, nhưng để có thành công bạn nên có nền tảng về mọi mặt, thiếu nó không chỉ có chông chênh mà có khi vấp ngã.

(3) Hoạt động xã hội, đây là dòng sông cuộc đời. Phù sa sẽ về với bạn để mùa màng, cây lá tốt tươi. Đắm mình trong thực tiễn sẽ cho bạn tình yêu thương, cảm thông và trân trọng con người, để mình cố gắng sống tốt hơn, trách nhiệm hơn. Đây cũng là cách để bạn tận hiến những gì cao đẹp cho đời.

(Trích Bài phát biểu của PGS.TS Nguyễn Văn Minh – Hiệu trưởng

Đại học Sư phạm Hà Nội nhân dịp kỷ niệm ngày 26/3/2016)

Theo anh/chị, các ý kiến sau có mâu thuẫn không: “Tích lũy tri thức khi còn ngồi trên ghế nhà trường để ngày mai khởi nghiệp” và “Đắm mình trong thực tiễn sẽ cho bạn tình yêu thương, cảm thông và trân trọng con người, để mình cố gắng sống tốt hơn, trách nhiệm hơn”? Vì sao?

Gợi ý đáp án: Hai ý kiến không hề mâu thuẫn. Bởi vì:

+ Ý kiến thứ nhất: Đề cập đến vấn đề trau dồi kiến thức lí thuyết trên ghế nhà trường

+ Ý kiến thứ hai: Đề cập đến việc tích lũy những kinh nghiệm thông qua thực tiễn cuộc sống.

à Hai nhiệm vụ cần tiến hành song song để trở thành con người toàn diện, có nền tảng vững chắc để bước vào đời.

  1. Rèn luyện kĩ năng đọc hiểu tác phẩm ngoài chương trình cho học sinh chuyên Văn theo mức độ Vận dụng cao

Trong các mức độ, vận dụng cao là mức độ cao nhất và khó nhất. Theo thang đo của Chươngtrìnhđánhgiáhọcsinhquốctế(PISA), vận dụng cao yêucầungườiđọctạorađượcnhiềusuyluận,sosánhvàphnbácmộtcáchchitiếtvàcụthể.Yêucầungười đọcphảithểhiện/trìnhbàymộtcáchđầyđủvàtỉmỉhiểubiếtcủamìnhvềmộthoặcnhiềuvănbảnvàcóthểtíchhợpthôngtintừnhiềuvănbản.Nhiệmvụnàycũngcóthểyêucầungườiđọcbộclộsuynghĩcủamìnhvềnhữngchủđềmớihoặckhácnhaubằngviệcnêuranhữngýtưởng/thôngtinnổibật,mangtínhkháiquátcủavănbản.Phảnánhvàđánhgiácóthểyêucầungườiđọcđưaragiảthuyếthoặcphêbìnhvềmộtvănbảncótínhtổnghợp/đadạngvềchủđềvàhìnhthứcthểhiện,đồngthờivậndụngsựhiểubiếtsâusắcvềvănbản.Mộtđiềukiệnquantrọngđốivớiphảnánhvàđánhgiáởcấpđộnàylàđộchínhxáccủaphântíchvàsựquantâmđếntừngchitiếtnhỏtrongvănbản. Như vậy, ở mức độ này, học sinh không chỉ áp dụng kiến thức theo các tình huống sẵn có mà phải biết kiến giải, giải quyết các vấn đề thực tiễn. Vận dụng cao đòi hỏi học sinh hiểu sâu sắc về văn bản, có những ý tưởng mới, có thể phản biện một vấn đề quen thuộc, cảm thụ ở chiều sâu có liên hệ đối chiếu…Đây là mức độ giúp giáo viên phát hiện học sinh chuyên có năng khiếu văn học. Rèn luyện đọc hiểu tác phẩm ngoài chương trình ở mức độ vận dụng cao giúp mài sắc tư duy, nâng cao năng lực cảm thụ thẩm mỹ, phát huy khả năng sáng tạo của học sinh.

Trong quá trình giảng dạy, chúng tôi nhận thấy có thể đưa một số dạng bài tập đọc hiểu ở mức độ vận dụng cao như sau:

a,Trình bày kiến giải riêng, phát hiện sáng tạo về văn bản:

Khác với các mức độ nhận biết, thông hiểu học sinh chỉ cần nhận diện được các vấn đề về thể loại, phương thức biểu đạt, phong cách ngôn ngữ, nội dung, chủ đề của văn bản, tư tưởng của nhà văn…mức độ vận dụng cao hướng đến yêu cầu cao hơn. Học sinh cần có những khám phá mới mẻ về văn bản, thể hiện suy nghĩ độc lập, năng lực sáng tạo của bản thân. Đó có thể là một phát hiện mới về nội dung hoặc nghệ thuật, cũng có thể là quan điểm trái chiều với những quan điểm thường gặp mang tính phản biện.

Ví dụ 1:Đọc và suy ngẫm về một ý nghĩa biểu tượng mà em tâm đắc từ hai câu thơ sau:

Hoa huệ trắng và bức tường cũng trắng

Sao bóng hoa in trên tường lại đen?        

( Hoa huệ – Bế Kiến Quốc)

Ví dụ 2:Đọc đoạn văn bản sau :

Người đánh bò đi kéo xe thuê

Người đẻ con đàn nheo nhóc

Mụn vải, mẩu đinh người đều nhặt nhạnh

Mất nắm rơm cũng cãi vã kêu ca

Nhưng khi cần mang tất cả đem cho

Sẻ áo nhường cơm quên mình cứu bạn

                          …

Nhưng mỗi lần đất nước sắp suy vong

Người đều cứu cỗ xe ra khỏi vực

(Trích Người cùng tôi in trong tập Gió và tình yêu thổi trên đất nước tôi

Lưu Quang Vũ – NXB Hội Nhà văn – 2010)

Cảm nhận nét độc đáo về hình tượng Người trong đoạn văn bản trên.

b, Liên hệ thực tiễn:

Văn học phải gắn liền với đời sống. Dạy học văn, nhất là dạy học văn đối với học sinh chuyên văn, việc tạo dựng mối liên kết giữa văn học với cuộc đời lại càng cần thiết và quan trọng. Giáo viên cần tăng cường đưa ra các bài tập yêu cầu học sinh vận dụng kiến thức vào giải quyết một vấn đề trong thực tiễn. Thông thường đó là dạng bài nêu quan điểm, suy nghĩ về một vấn đề xã hội được rút ra từ ý nghĩa, thông điệp của đoạn văn bản đọc hiểu.

Ví dụ 1:Đọc đoạn thơ sau và trả lời câu hỏi dưới đây:

Dưới màu hoa như lửa cháy khát khao

Anh nắm tay em bước dọc con đường vắng

Chỉ có tiếng ve sôi chẳng cho trưa hè yên tĩnh

Chẳng chịu cho lòng ta yên.

Anh mải mê về một màu mây xa,

Về cánh buồm bay qua ô cửa nhỏ

Về cái vẻ thần kì của ngày xưa.

Em hát một câu thơ cũ,

Cái say mê một thời thiếu nữ.

Mỗi  mùa hoa đỏ về

Hoa như mưa rơi rơi

Cánh mỏng manh tan tác đỏ tươi

Như máu ứa một thời trai trẻ.…

          (Thời hoa đỏ – Thanh Tùng, Thivien. net)

Đoạn thơ trên đã cho anh (chị) những thức nhận như thế nào về một “thời hoa đỏ” trong cuộc đời mỗi một con người?

Ví dụ 2:

Đọc văn bản sau và nêu suy ngẫm của em về câu hỏi nhà văn đặt ra ở cuối đoạn:

Sao tôi rất nhớ những cây bàng dọc đường. Đặc biệt, tôi đã quan sát một cây. Một cây bàng cuối đông, cao to, thân vạm vỡ, cành xòe ra như tán. Nó đen đủi lắm. Tất cả lá của nó bị cháy rét; lá vàng pha, lá son đỏ của mùa thu thơ mộng nay đã xịt lại một màu gỉ sắt […]. Nhưng kia kìa, bỗng đâu một trận gió rét thốc tới! Tức thì khối lá ào ào xao động, cây bàng buông xuống một loạt lá sạm đen, lá bay trong gió, có lá bay vèo. Một trận gió nữa xốc tới! Cây bàng lại trút lá, say sưa. Cành của nó nhẹ bớt đi, chọc lên cao hơn. Bây giờ tôi mới nhìn kĩ, thì ra ở cành trụi nhất đã ló những chút màu xanh rồi. Cây bàng! Có phải ngươi là hình ảnh của những cuộc đấu tranh mới, cũ? Có phải ngươi dạy ta một bài học về cuộc chiến đấu để giành lấy mùa xuân?

(Trích Mùa xuân thắng, Xuân Diệu, theo Bài tập Ngữ văn 10,

Tập 1, NXB Giáo dục, 2014, tr 45)

c, So sánh, đối chiếu hai hay nhiều đoạn văn bản:

Đọc hiểu văn học trong thế đối sánh là một biện pháp hữu hiệu để nâng cao năng lực cảm thụ văn chương cho học sinh chuyên văn. Cùng viết bằng một thể loại, cùng chung một đề tài, vào cùng một thời điểm… nhưng mỗi tác phẩm nghệ thuật đích thực đều là một sáng tạo độc đáo, So sánh sẽ làm nổi bật lên vẻ đẹp riêng biệt, độc đáo ấy của mỗi tác phẩm. Trên cơ sở đó mới có thểnhận xét, đánh giá được những đóng góp riêng của mỗi nhà văn, mỗi hiện tượng văn học.

Khám phá cái hay, cái đẹp cái độc đáo riêng biệt của các tác phẩm văn học, của phong cách tác giả, thời đại…trong sự đối sánh đòi hỏi một năng lực cảm thụ tinh tế và một khả năng khái quát tổng hợp, lí giải sâu sắc. Học sinh có cơ hội để phát huy năng khiếu, sở trường, được thể hiện những cảm nhận riêng, những phát hiện độc đáo, lí giải, đánh giá theo sự hiểu biết và cách nghĩ của mình một cách  phong phú, đa dạng. Giáo viên có thể đưa ra các câu hỏi yêu cầu học sinh so sánh về một phương diện nội dung hoặc nghệ thuật nào đó trong hai văn bản như sau:

Ví dụ 1: Trong bài Côn sơn ca, Nguyễn Trãi viết:

Côn sơn suối chảy rì rầm

Ta nghe như tiếng đàn cầm bên tai

Sau này trong bài Cảnh khuya, Hồ Chí Minh viết:

Tiếng suối trong như tiếng hát xa

Trình bày cảm nhận của em về nét đặc sắc riêng trong nghệ thuật so sánh của mỗi nhà thơ.

Ví dụ 2:

Nêu nhận xét của anh (chị) về giá trị biểu đạt của sắc vàng trong hai đoạn thơ sau:

Đây mùa thu tới – mùa thu tới

Với áo mơ phai dệt lá vàng.

(Đây mùa thu tới – Xuân Diệu, Sgk Ngữ văn 11 Nâng cao,

Tập 2, Nxb Giáo dục 2008, tr. 30)

Ô hay! Buồn vương cây ngô đồng

Vàng rơi! Vàng rơi! Thu mênh mông.

(Tinh huyết – Bích Khê, Thi nhân Việt Nam, Nxb Văn học 1995, tr. 205)

Trên đây là 3 dạng bài tập đọc hiểu thường gặp ở mức độ vận dụng cao. Ngoài 3 dạng bài tập trên, để rèn kỹ năng đọc hiểu cho học sinh ở mức độ nâng cao, trong quá trình giảng dạy học sinh, giáo viên nên tăng cường các câu hỏi gợi mở, tăng tính chất tranh luận về một vấn đề trong văn bản để mài sắc tư duy và năng lực cảm thụ cho học sinh. Có thể tham khảo hệ thống câu hỏi hướng dẫn đọc hiểu bài Ngôn Chí 3 của Hoa Kỳ như sau:

Am trúc hiên mai ngày tháng qua,

Thị phi nào đến cõi yên hà.

Bữa ăn dù có dưa muối,

Áo mặc nài chi gấm là.

Nước dưỡng cho thanh trì thưởng nguyệt,

Đất cày ngõ ải luống ương hoa.

Trong khi hứng động vừa đêm tuyết,

Ngâm được câu thần dắng dắng ca.

(Nguyễn Trãi)

– Tại sao nhân vật trữ tình lại để “ngày tháng qua”?

– Nhân vật trữ tình thích điều gì ở cuộc sống nơi đây?

– Tác giả ngụ ý điều gì khi nói về “gấm là” (ở câu 4)?

– Bạn có nghĩ nhà thơ chính là nhân vật trữ tình/người phát ngôn trong bài thơ này không? Tại sao (có hoặc không)?

– Bạn có đồng ý với quan điểm về hạnh phúc của nhân vật trữ tình hay không? Tại sao?

– Bạn có nghĩ rằng hầu hết người Mĩ sẽ chọn lối sống ở ẩn như trong bài thơ không? Tại sao? Bạn có chọn lối sống đó không? Tại sao?

-Trong thời hiện đại người ta có thể sống ẩn dật bằng cách nào?

– Tại sao nhiều người vẫn thích sống ẩn dật, xa rời chốn thị phi?

– Nguyễn Trãi nói: ông viết hay nhất vào những đêm đông lạnh giá. Còn bạn thì khi nào bạn cảm thấy mình sáng tạo nhất? Tại sao?

– Trong bài thơ này, hình ảnh là những bức tranh bằng ngôn từ giúp khơi gợi cảm xúc. Trong việc sáng tạo các hình ảnh, các tác giả đã sử dụng đưa vào những cảm giác hoặc mô tả bằng một hoặc năm giác quan.

+ Vẽ một bảng gồm hai cột. Một cột liệt kê các hình ảnh trong bài thơ dùng để miêu tả cuộc sống của nhân vật trữ tình. Một cột ghi lại những cảm xúc của bạn đối với mỗi hình ảnh.

+ Bài thơ này đã thu hút được nhiều người Mỹ quan tâm đến cuộc sống giản dị. Làm thế nào bài thơ có thể đạt được điều đó?

– Viết sáng tạo: Sử dụng bản nháp mà bạn đã ghi lại trong phần đầu tiên của buổi học về nơi chốn lý tưởng mà bạn muốn tới để tránh xa cuộc sống ồn ào. Dựa vào đó, hãy viết một bài thơ về nơi ẩn dật lý tưởng của bạn. Đọc bài thơ của bạn cho các bạn trong lớp hoặc dán lên bảng tin.

– Tích hợp với nghệ thuật: Hãy minh hoạ cho bài thơ bằng một phương tiện hoặc phong cách mà bạn thích. Ví dụ: bạn có thể vẽ một bức tranh, hoặc thể hiện tâm trạng theo một phong cách trừu tượng, hoặc tạo ra một bức tranh cắt dán lấy cảm hứng từ bài thơ…

III. Vận dụng kĩ năng đọc hiểu tác phẩm ngoài chương trình nhằm nâng cao chất lượng bài thi học sinh giỏi.

Ở phần trên chúng tôi đã trình bày các biện pháp rèn luyện kĩ năng đọc hiểu cho học sinh dựa trên thang đo nhận thức. Dưới sự hướng dẫn của giáo viên, học sinh có kĩ năng đọc hiểu tác phẩm ngoài chương trình theo các mức độ nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao. Bên cạnh việc trang bị kĩ năng cho học sinh, giáo viên cũng cần hướng dẫn các em vận dụng kĩ năng vào thực hành viết. Đối với đối tượng học sinh chuyên văn, để có một bài thi học sinh giỏi đạt chất lượng cao, các em cần vận dụng tổng hợp kiến thức và nhiều kĩ năng trong quá trình làm bài. Trong đó, kĩ năng đọc hiểu tác phẩm ngoài chương trình có một vai trò quan trọng. Đây được xem là một trong những kĩ năng nền tảng giúp các em nâng cao chất lượng bài viết của mình trong các kì thi học sinh giỏi.

Theo cấu trúc đề được sử dụng nhiều năm gần đây của các kì thi học sinh giỏi môn Văn ở các cấp, chúng tôi nhận thấy có hai dạng bài phổ biến là nghị luận xã hội và nghị luận văn học. Với mỗi dạng bài này, cách vận dụng kĩ năng đọc hiểu tác phẩm ngoài chương trình cần linh hoạt.

  1. Vận dụng kĩ năng đọc hiểu tác phẩm ngoài chương trình để làm bài nghị luận xã hội.

1.1. Nghị luận xã hội là phương pháp nghị luận lấy đề tài từ các lĩnh vực xã hội chính trị, đạo đức làm nội dung bàn bạc nhằm làm sáng tỏ cái đúng – sai, cái tốt – xấu của vấn đề được nêu ra. Từ đó đưa ra một cách hiểu thấu đáo về vấn đề nghị luận cũng như vận dụng nó vào đời sống. Nghị luận xã hội có ba dạng cơ bản:

– Dạng nghị luận về một tư tưởng, đạo lý

– Dạng nghị luận về một hiện tượng đời sống.

– Dạng nghị luận về một vấn đề xã hội trong tác phẩm văn học.

1.2. Khi thực hiện bài viết ở dạng đề nghị luận về một vấn đề xã hội trong tác phẩm văn học, học sinh có thể vận dụng kĩ năng đọc hiểu tác phẩm để xác định vấn đề nghị luận.

Nghị luận về một vấn đề xã hội trong tác phẩm văn học là dạng đề yêu cầu học sinh nghị luận về một vấn đề xã hội, một triết lí nhân văn sâu sắc nào đó được rút ra từ trong tác phẩm văn học nghệ thuật.  Tác phẩm văn học được sử dụng trong dạng đề này có thể trích từ chương trình sách giáo khoa nhưng phần nhiều là các tác phẩm ngoài chương trình. Để thực hiện bài viết ở dạng đề này, học sinh cần vận dụng kĩ năng đọc hiểu tác phẩm ngoài chương trình.

Câu 1 trong Đề thi Học sinh giỏi Quốc gia môn Ngữ văn năm 2017 là một ví dụ tiêu biểu cho dạng đề nghị luận về vấn đề xã hội trong một tác phẩm văn học ngoài chương trình:

Câu 1. (8 điểm)

Ngày xưa, ở một xứ nọ, có một vị vua rất yêu đàn gia súc của mình. Khi phải chuyển chúng từ vườn thượng uyển ra nuôi ở ngoài đồi núi, ngài cần một người hoàn toàn tin cậy để trông nom. Cất công đi khắp nơi, cuối cùng, quan quân tìm được bác nông dân Masaro người được coi là thật như đếm. Vua truyền cứ cuối tuần, bác phải vào cung bẩm báo trung thực về đàn gia súc. Mọi việc đều diễn ra tốt đẹp. Sự trung thực của Masaro làm nhà vua rất hài lòng và cũng khiến ngài nhận ra tư cách thấp kém của nhiều cận thần. Do đố kị, quan tể tướng đã dèm pha rằng, trên đời làm gì có người thật thà như thế, và xúc xiểm: lần tới Masaro sẽ nói dối vua. Do tin tưởng Masaro, nhà vua đặt cược: nếu Masaro nói dối, sẽ bị chém đầu. Còn tể tướng cũng cược cả mạng sống của mình, nếu Masaro vẫn nói thật.

Để giúp chồng thắng cược, vợ tể tướng đã cải trang thành một phụ nữ sang trọng, quyến rũ, tìm gặp Masaro ngỏ ý sẵn sàng đổi tất cả trang sức, vàng ngọc cùng nụ hôn để lấy một con cừu, đồng thời bày cho Masaro cách nói dối vua sao cho trót lọt. Nhưng Masaro đã kiên quyết từ chối. Thất bại, bà ta bèn sắm vai một người mẹ đau khổ đang cần sữa bò để cứu đứa con trai duy nhất khỏi trọng bệnh. Lần này Masaro đã mủi lòng, mà tự ý cho đi con bò yêu quý của vua. Đem được con bò về cung, vợ chồng tể tướng yên chí mình thắng cược.

Biết đã phạm trọng tội, Masaro tìm cách nói dối. Nghĩ được cách nào, bác đều tập theo cho nhập vai. Cuối cùng bác đã chọn được cách ưng ý nhất. Khi vào chầu, trước mặt đức vua và quần thần, Masaro đã kể ra hết sự thật. Bác nói rõ ràng con bò ấy cần cho người đàn bà khổ hạnh hơn là cần cho nhà vua, và sẵn sàng chịu tội. Nghe xong, nhà vua khen ngợi Masaro là người không sợ quyền uy và muốn trọng thưởng cho bác. Thật bất ngờ, phần thưởng mà Masaro xin nhà vua lại chính là tha chết cho kẻ thua cược. Hơn thế, bác còn cám ơn ông ta vì nhờ có tình thế này, bác mới biết chắc chắn mình là Masaro Thật – Như – Đếm.

(Phỏng theo Masaro Thật – Như – Đếm, truyện cổ tích Italia,

bản dịch của Nguyễn Chí Được, Báo văn nghệ, số 50/10-12-2016)

Bài học cuộc sống mà anh chị tâm đắc nhất từ câu chuyện trên?

Để thực hiện tốt dạng bài như trên, điểm trọng yếu trước tiên là học sinh cần xác định đúng vấn đề nghị luận đang được “ẩn giấu” trong một tác phẩm văn học ngoài chương trình. Học sinh chưa được giáo viên hướng dẫn đọc hiểu, thậm chí chưa từng biết đến tác phẩm. Để không bị “choáng ngợp” trước ngữ liệu hoàn toàn mới mẻ này, học sinh cần vận dụng tốt kĩ năng đọc hiểu tác phẩm ngoài chương trình. Sau khi đọc tác phẩm được dẫn trong đề bài, học sinh tự mình tiến hành các bước đọc hiểu theo các mức độ nhận thức từ nhận biết, thông hiểu đến vận dụng và vận dụng cao. Mục đích cuối cùng của các thao tác tư duy này là phát hiện ra vấn đề xã hội được gửi gắm trong tác phẩm và soi chiếu vấn đề đó trong đời sống xã hội để bàn luận về đúng- sai, tốt- xấu… Các tác phẩm được dẫn ra trong đề thi Học sinh giỏi thường ẩn chứa nhiều thông điệp nhân sinh. Nếu có kĩ năng tốt, học sinh sẽ thực hiện thao tác tìm và phát hiện vấn đề nghị luận một cách nhanh chóng và chính xác tránh được lan man, thiếu thời gian làm bài và nhất là, lạc đề.

1.3. Bên cạnh việc vận dụng kĩ năng đọc hiểu tác phẩm ngoài chương trình để phát hiện vấn đề nghị luận, học sinh cũng có thể vận dụng kĩ năng này để tìm kiếm và sử dụng các dẫn chứng cho phần bàn luận của bài nghị luận xã hội.

Chất lượng bài văn nghị luận xã hội được thể hiện ở hệ thống lập luận sắc sảo thuyết phục. Muốn vậy học sinh cần đưa ra các lí lẽ và dẫn chứng hợp lí. Về lí lẽ, các em cần có sự am hiểu sâu sắc về các vấn đề đời sống. Điều này được tích lũy không chỉ trong quá trình sống mà còn từ quá trình đọc các tác phẩm văn học, đặc biệt là các tác phẩm ngoài chương trình. Mỗi tác phẩm tựa như một dòng sông bồi đắp cho tâm hồn các em lớp phù sa màu mỡ của tình cảm, tư tưởng để các em sống sâu sắc hơn, suy nghĩ thấu đáo hơn, nhân văn hơn. Nhờ thế, ngòi bút cũng “có hồn” hơn. Về dẫn chứng, học sinh có thể dùng dẫn chứng trong thực tế đời sống để chứng minh cho luận điểm của mình. Ngoài ra, các em cũng có thể sử dụng dẫn chứng lấy từ các tác phẩm văn học trong chương trình và ngoài chương trình để bài văn sinh động, giàu sức thuyết phục. Khi viết bài văn nghị luận với đề bài “Phải chăng sống là tỏa sáng?” (đề thi Học sinh giỏi Quốc gia năm 2014)  một học sinh viết trong phần bàn luận như sau:

Tuy nhiên sống tỏa sáng không phải dễ dàng. Ai cũng có cơ hội tỏa sáng. Nhưng con đường nào trải hoa hồng cũng ẩn giấu vô số mũi gai. Và không phải ai cũng có đủ dũng khí, quyết tâm, tài năng để đi hết con đường ấy. Đề có thể đội lên đầu chiếc vòng nguyệt quế cao quý kia, mỗi con người cần có ý chí kiên cường và cũng phải rèn luyện tài năng của mình. Tôi chợt nhớ đến câu chuyện về một chú chim chỉ hót một lần trong đời nhưng hót hay nhất thế gian. Có lần chú bay đi tìm bụi mận gai và giữa đám cành gai góc, chú cất kên bài ca của mình và lao ngực vào chiếc gai dài nhất, nhọn nhất. Nhưng bài ca kia đã khiễn cho thế giới im lặng lắng nghe, cho sơn ca họa mi phải ghen tị và cả thượng đế cũng phải mỉm cười. “Bởi vì mọi điều tốt đẹp của có thể có được nếu chịu trả giá bằng nỗi đau khổ vĩ đại…” (Tiếng chim hót trong bụi mận gai)

Khi “sống tỏa sáng”, họ sẽ được mọi người kính phục, noi theo. Chàng thanh niên Pa-ven dù phải chịu bao hi sinh, bao đau đớn nhưng vẫn một lòng phục vụ cách mạng, theo đuổi lí tưởng (Thép đã tôi thế đấy). Một Ri-va-rếch dù phải hi sinh cả tình cảm cá nhân và cả tính mạng mình vẫn sống với lí tưởng của mình, sống với cuộc đấu tranh thống nhất nước Ý (Ruồi trâu)

(trích theo sách Tuyển chọn Những bài văn đoạt giải quốc gia học sinh giỏi Trung học phổ thông 2004-2014)

Trong đoạn trích trên, học sinh đã vận dụng rất tốt kĩ năng đọc hiểu tác phẩm ngoài chương trình. Em học sinh đã đọc và nắm vững các tác phẩm không có trong chương trình học như Tiếng chim hót trong bụi mận gai, Thép đã tôi thế đấy, Ruồi trâu. Em cũng biết kết hợp tốt với kĩ năng đưa dẫn chứng trong bài nghị luận xã hội. Đây là một trong những bài viêt đạt giải Nhì trong cuộc thi Học sinh giỏi Quốc gia năm 2014.

Như vậy, vận dụng kĩ năng đọc hiểu tác phẩm văn học ngoài chương trình, học sinh có thể nâng cao năng lực viết bài văn nghị luận xã hội. Đây được xem là kĩ năng cốt yếu để xác định vấn đề nghị luận đồng thời cũng là kĩ năng bổ trợ cho việc bàn luận bằng hệ thống lí lẽ và dẫn chứng. Bên cạnh các kĩ năng khác cần có của bài văn nghị luận xã hội, kĩ năng đọc hiểu tác phẩm ngoài chương trình đóng vai trò quan trọng nhằm nâng cao chất lượng bài thi học sinh giỏi.

  1. Vận dụng kĩ năng đọc hiểu tác phẩm ngoài chương trình vào bài văn nghị luận văn học.

2.1. Nghị luận văn học là một dạng nghị luận mà các vấn đề đưa ra bàn luận là các vấn đề về văn học: tác phẩm, tác giả, thời đại văn học, phong cách văn học, đặc trưng thể loại, quá trình sáng tác…. Các dạng đề của nghị luận văn học rất phong phú. Đề nghị luận văn học trong các kì thi học sinh giỏi lại càng đa dạng và được “mở” về nhiều mặt (cấu trúc, ngữ liệu, vấn đề nghị luận…) để thử thách và kích thích năng lực của học sinh chuyên. Câu hỏi nghị luận văn học bao giờ cũng chiếm số điểm nhiều nhất trong một đề thi học sinh giỏi. Nghĩa là học sinh cần vận dụng thuần thục và hiệu quả các kĩ năng để vượt qua thử thách lớn nhất trong đề thi. Riêng với kĩ năng đọc hiểu tác phẩm ngoài chương trình, các em có thể vận dụng rất hiệu quả để nâng cao chất lượng bài làm.

2.2. Trước hết, kĩ năng đọc hiểu tác phẩm ngoài chương trình được vận dụng để xác định vấn đề nghị luận. Điều này được thể hiện rõ nét ở dạng đề yêu cầu học sinh nghị luận về một tác phẩm hoặc một đoạn trích thuộc tác phẩm không có trong chương trình học. Dạng câu hỏi này tuy gần đây không xuất hiện nhiều nhưng đã từng được ra trong các kì thi học sinh giỏi cấp tỉnh thành và cả cấp quốc gia.

Câu 3 trong đề thi Học sinh giỏi quốc gia năm 2008 như sau:

Cảm nhận của anh chị về hai đoạn thơ sau:

  • Quê hương tôi có con sông xanh biếc

Nước gương trong soi tóc những hàng tre

Tâm hồn tôi là một buổi trưa hè

Tỏa nắng xuống lòng sông lấp loáng

(Tế Hanh- Nhớ con sông quê hương)

  • Anh đưa em về sông Đuống

Ngày xưa cát trắng phẳng lì

Sông Đuống trôi đi

Một dòng lấp lánh

Nằm nghiêng nghiêng trong kháng chiến trường kì

(Hoàng Cầm- Bên kia sông Đuống)

Trong đề bài trên có một đoạn thơ được giảng dạy trong chương trình Ngữ văn 12 và có một đoạn thơ ngoài chương trình. Rõ ràng để thực hiện đề trên, học sinh cần vận dụng tốt kĩ năng đọc hiểu tác phẩm ngoài chương trình từ nhận biết đặc điểm của văn bản đến thông hiểu giá trị nội dung nghệ thuật của đoạn thơ Nhớ con sông quê hương. Tiếp theo đó, vận dụng và vận dụng cao để so sánh với đoạn thơ Bên kia sông Đuống và nhận xét, lí giải, bình luận về điểm giống và khác.

2.3. Ngoài ra, với kĩ năng đọc hiểu tác phẩm ngoài chương trình, học sinh có thể trang bị cho mình nguồn dẫn chứng phong phú sinh động để thực hiện các thao tác lâp luận phân tích, chứng minh, bình luận hiệu quả hơn.

Dạng đề nghị luận văn học xuất hiện nhiều nhất trong các kì thi học sinh giỏi văn gần đây là nghị luận về một hoặc hai  ý kiến bàn về văn học. Dạng đề này thường có yêu cầu mở về phạm vi dẫn chứng. Trong bài viết, học sinh phải tự huy động và lựa chọn dẫn chứng thích hợp. Bên cạnh các tác phẩm trong chương trình, học sinh có thể sử dụng các dẫn chứng từ tác phẩm ngoài chương trình để đem lại sự sinh động mới mẻ cho bài viết.

Đề thi học sinh giỏi quốc gia năm 2014 ở câu 2 nghị luận văn học như sau:

Văn học chân chính ngay cả khi nói về cái xấu cái ác cũng chỉ nhằm thể hiện khát vọng về cái đẹp cái thiện

Suy nghĩ của anh chị về ý kiến trên.

Sau đây là một đoạn trong bài viết của học sinh đạt giải Nhất với số điểm 18/20 toàn bài:

Ý kiến trên đã gợi cho ta cái nhìn xác đáng về đặc điểm của văn chương chân chính, đồng thời gợi nhớ những suy ngẫm về cái xấu cái ác trong văn chương và con đường để nhà văn thể hiện nó trong tác phẩm của mình. Từ đó mà soi vào văn học từ cổ chí kim để nhận ra biết bao áng văn chương chân chính, bao ngòi bút tài năng tha thiết với cuộc đời và con người.

Từ thủa hồng hoang, khi con người mới bắt đầu có những nhận thức đầu tiên về thế giới, người ta đã mang cả cái thiện và cái ác vào những câu chuyện kể ngàn xưa.  Thần thoại Hy Lạp mở ra cả một thế giới những vị thần ngự trên đỉnh cao mà chi phối cả thế gian. Mỗi cuộc giao tranh của họ làm biến đổi cả thế giới. Thế nhưng dù tôn kính thần linh đến vậy con người cũng không chỉ biết có ngợi ca. Họ cũng nói tới những thói tật, những khiếm khuyết của cả người và thần… Họ chẳng phải cũng quá vô tình khi ăn thịt cả đứa con để bảo vệ ngai vàng trên đỉnh Ô-lym-pi-a? Chẳng phải họ cũng đấu đá lẫn nhau chỉ vì một thỏi vàng, họ cũng có lòng tham? Thần thánh ấy cũng là hiện thân của loài người. Và tất cả đều có những điều chưa hoàn mĩ, những gót chân Asin. Nhưng thần thoại trưng ra cái tầm thường của cả người và thánh không phải để ngợi ca hay khuyến khích cũng không phải để bào chữa cho sự bất toàn của thế gian mà để làm nổi bật lên hình dáng của những người anh hùng mang khao khát hạnh phúc và công lí, khao khát muôn thuở của loài người. Héc-quyn bị bỏ rơi dưới trần gian nhưng rồi chàng đã quay trở về đòi lại công bằng. Trải qua bao cuộc chiến với những vị thần tối  thượng, Héc-quyn với sức vóc được con người nuôi dưỡng đã chiến thắng tất cả. Chàng thắng bởi chàng không tàn bạo. Cuối cùng thần thánh cũng chỉ hơn loài người ở sự bất tử mà thôi…”

(trích theo sách Tuyển chọn Những bài văn đoạt giải quốc gia

học sinh giỏi Trung học phổ thông 2004-2014)

Trong đoạn văn trên, để bàn luận về vấn đề cái xấu cái ác- cái đẹp cái thiện trong văn học theo yêu cầu của đề bài, học sinh đã vận dụng tốt kiến thức tích lũy được trong quá trình đọc tác phẩm ngoài chương trình. Cụ thể là, tác phẩm Thần thoại Hy Lạp được vận dụng để trở thành nguồn dẫn chứng thuyết phục cho đoạn văn nghị luận. Điều này cho thấy học sinh phải được rèn luyện về kĩ năng đọc hiểu, có khả năng chiếm lĩnh kiến thức và sử dụng hiệu quả trong bài viết.

2.4. Với học sinh chuyên văn, đọc hiểu tác phẩm ngoài chương trình không chỉ đem lại kho tư liệu quý để sử dụng làm dẫn chứng trong bài viết mà còn giúp củng cố kiến thức về thời đại văn học, trào lưu văn học, tác giả văn học, đặc trưng thể loại…

Khác với học sinh đại trà, học sinh chuyên được học tập và nghiên cứu môn học ở mức độ sâu rộng hơn. Kĩ năng đọc hiểu tác phẩm ngoài chương trình chính là trang bị cần thiết để các em tự mình chiếm lĩnh kiến thức bên ngoài kiến thức được cung cấp trong sách giáo khoa. Ví dụ như khi học về tác giả Xuân Diệu trong chương trình Ngữ văn 11 nâng cao, học sinh được học một bài về tác giả, được học tác phẩm Vội vàng và hai tác phẩm đọc thêm. Khi có kĩ năng đọc tác phẩm văn học ngoài chương trình, học sinh có khả năng tự đọc và cảm thụ các bài thơ khác của Xuân Diệu. Từ đó, kiến thức về tác giả sẽ được củng cố vững chắc. Ngoài ra, kiến thức về thể loại cũng được bồi đắp. Những kiến thức nền tảng này sẽ nâng cao năng lực của học sinh chuyên, khơi dậy sự say mê yêu thích môn học, tăng cường chất lượng bài làm.

  1. Một số bài tập thực hành

Bài tập 1

Đọc văn bản và thực hiện các yêu cầu dưới đây:

Gió thổi mùa thu vào Hà Nội

Phố dài xao xác heo may

Nắng soi ngõ vắng

Thềm cũ lối ra đi

Lá rụng đầy.

(Sáng mát trong như sáng năm xưa, Nguyễn Đình Thi, SGK Ngữ văn Nâng cao 12, Tập 1, NXB Giáo dục 2008, tr 110)

Sáng chớm lạnh trong lòng Hà Nội

Những phố dài xao xác hơi may

Người ra đi đầu không ngoảnh lại

Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy

(Đất nước, Nguyễn Đình Thi, SGK Ngữ văn Nâng cao 12, Tập 1, NXB Giáo dục 2008, tr 110)

Câu 1

Anh/chị hãy nhận xét về một nét độc đáo, không lặp lại chính mình của Nguyễn Đình Thi trong hai đoạn thơ trên.

Câu 2

Hai đoạn thơ gợi cho anh/chị suy nghĩ gì về những điều bỏ lại và những điều mang theo cho mỗi chuyến đi trong cuộc đời con người.

Bài tập 2

Đọc văn bản và thực hiện các yêu cầu dưới đây:

Sao tôi rất nhớ những cây bàng dọc đường. Đặc biệt, tôi đã quan sát một cây. Một cây bàng cuối đông, cao to, thân vạm vỡ, cành xòe ra như tán. Nó đen đủi lắm. Tất cả lá của nó bị cháy rét; lá vàng pha, lá son đỏ của mùa thu thơ mộng nay đã xịt lại một màu gỉ sắt […]. Nhưng kia kìa, bỗng đâu một trận gió rét thốc tới! Tức thì khối lá ào ào xao động, cây bàng buông xuống một loạt lá sạm đen, lá bay trong gió, có lá bay vèo. Một trận gió nữa xốc tới! Cây bàng lại trút lá, say sưa. Cành của nó nhẹ bớt đi, chọc lên cao hơn. Bây giờ tôi mới nhìn kĩ, thì ra ở cành trụi nhất đã ló những chút màu xanh rồi. Cây bàng! Có phải ngươi là hình ảnh của những cuộc đấu tranh mới, cũ? Có phải ngươi dạy ta một bài học về cuộc chiến đấu để giành lấy mùa xuân?

(Trích Mùa xuân thắng, Xuân Diệu, theo Bài tập Ngữ văn 10, Tập 1, NXB Giáo dục, 2014, tr 45)

Dưới hai hàng cây

Tay ấm trong tay

Cùng anh sóng bước

Nắng đùa mái tóc

Chồi biếc trên cây

Lá vàng bay bay

Như ngàn cánh bướm

 

Lá vàng rụng xuống

Cho đất thêm màu

Có mất đi đâu

Nhựa lên chồi biếc

(Trích Chồi biếc, Xuân Quỳnh, Xuân Quỳnh thơ và đời, NXB Văn hóa thông tin, 2004, tr 7)

Câu 1(1,0 điểm)

Nhận xét về sự độc đáo trong cách gợi tả hình ảnh lá rụng ở hai văn bản trên.

Câu 2(2,0 điểm)

Hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về thông điệp cuộc sống được gửi gắm qua hình ảnh lá vàngchồi biếc trong đoạn thơ của Xuân Quỳnh.

Bài tập 3

Đọc đoạn thơ sau và thực hiện các yêu cầu

Dưới màu hoa như lửa cháy khát khao

Anh nắm tay em bước dọc con đường vắng

Chỉ có tiếng ve sôi chẳng cho trưa hè yên tĩnh

Chẳng chịu cho lòng ta yên.

Anh mải mê về một màu mây xa,

Về cánh buồm bay qua ô cửa nhỏ

Về cái vẻ thần kì của ngày xưa.

Em hát một câu thơ cũ,

Cái say mê một thời thiếu nữ.

Mỗi  mùa hoa đỏ về

Hoa như mưa rơi rơi

Cánh mỏng manh tan tác đỏ tươi

Như máu ứa một thời trai trẻ.…

(Thời hoa đỏ – Thanh Tùng,Thivien. net)

Câu 1 (1,0 điểm)Từ hai câu thơ: “Cánh mỏng manh tan tác đỏ tươi/ Như máu ứa một thời trai trẻ” trong đoạn thơ trên của nhà thơ Thanh Tùng, khi phổ nhạc, nhạc sĩ Nguyễn Đình Bảng đã thay đổi thành: “Cánh mỏng manh xao xác đỏ tươi/ Như nuối tiếc một thời trai trẻ”. Hãy chỉ ra nét riêng biệt trong mỗi cách diễn đạt.

Câu 2 (2,0 điểm) Đoạn thơ trên đã cho anh (chị) những thức nhận như thế nào về một “thời hoa đỏ” trong cuộc đời mỗi một con người?

Bài tập 4

Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu:

TRÊN XE BUS

Xe bus vắng.

Người lái da đen chậm rãi chuyện trò

Xe bus ngừng bất chợt.

Một chiếc xe lăn đợi bên đường.

Người lái bus chầm chậm hạ thang rước xe lăn lên bus.

 

Từ chối bàn tay chìa ra

bà già chầm chậm

lái xe lăn vào chỗ dành riêng

khoang phía trước.

– Thank you! (cảm ơn ông)

– You are! (không có chi)

Xe bus lại đi

người lái xe tiếp câu chuyện dở.

 

Chuyện có vậy thôi sao nao lòng thế.

Giản dị cuộc đời tử tế

Bao giờ… ở đất nước tôi?

(Hoàng Hưng – Theo lethieunhon.com)

Câu 1. Xác định thể thơ của bài thơ trên. (0,5 điểm)

Câu 2. Câu thơ “Bao giờ… ở đất nước tôi?” chứa hàm ý gì? (0,75 điểm)

Câu 3. Nêu nội dung chính của bài thơ trên. (0,75 điểm)

Câu 4. Bài thơ đã gợi cho anh (chị) suy nghĩ gì về cách đối xử với người khuyết tật trong xã hội ta hiện nay. (1,0 điểm)

Bài tập 5

Đọc văn bản sau:

HỎI

Tôi hỏi đất:

  • Đất sống với đất như thế nào?
  • Chúng tôi tôn cao nhau

 

Tôi hỏi nước:

  • Nước sống với nước như thế nào?
  • Chúng tôi làm đầy nhau

 

Tôi hỏi cỏ:

  • Cỏ sống với cỏ như thế nào?
  • Chúng tôi đan vào nhau

Làm nên những chân trời

 

Tôi hỏi người:

  • Người sống với người như thế nào?

 

Tôi hỏi người:

  • Người sống với người như thế nào?

 

Tôi hỏi người:

  • Người sống với người như thế nào?

(Hữu Thỉnh)

Câu 1. Anh (chị) hãy giúp nhà thơ trả lời câu hỏi trong bài thơ trên bằng một, hai câu ngắn gọn?

Câu 2. Hãy nêu thông điệp mà nhà thơ muốn gửi đến bạn đọc?

Bài tập 6

Đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi:

Nắng mới

Lưu Trọng Lư

Mỗi lần nắng mới hắt bên song.
Xao xác gà trưa gáy não nùng;
Lòng rượi buồn theo thời dĩ vãng,
Chập chờn sống lại những ngày không.

Tôi nhớ Me tôi thuở thiếu thời,
Lúc Người còn sống, tôi lên mười;
Mỗi lần nắng mới reo ngoài nội,
Áo đỏ Người đưa trước giậu phơi.

Hình dáng Me tôi chửa xoá mờ
Hãy còn mường tượng lúc vào ra
Nét cười đen nhánh sau tay áo
Trong ánh trưa hè, trước giậu thưa.

 

Câu 1: Nêu nội dung cảm xúc của bài thơ?

Câu 2: Phát hiện những tương phản đối lập được sử dụng trong bài thơ? Nêu tác dụng của chúng?

Câu 3: Cảm nhận về cái hay của hình ảnh “Nét cười đen nhánh sau tay áo

Câu 4: Từ bài thơ, hãy trình bày suy nghĩ của anh chị về ý nghĩa của tình mẫu tử và ký ức tuổi ấu thơ trong cuộc đời mỗi con người?

Bài tập 7

Đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi:

Chân quê

Nguyễn Bính

Hôm qua em đi tỉnh về
Đợi em ở mãi con đê đầu làng
Khăn nhung quần lĩnh rộn ràng
Áo cài khuy bấm, em làm khổ tôi!

Nào đâu cái yếm lụa sồi?
Cái dây lưng đũi nhuộm hồi sang xuân?
Nào đâu cái áo tứ thân?
Cái khăn mỏ quạ, cái quần nái đen?

Nói ra sợ mất lòng em
Van em em hãy giữ nguyên quê mùa
Như hôm em đi lễ chùa
Cứ ăn mặc thế cho vừa lòng anh!

Hoa chanh nở giữa vườn chanh
Thầy u mình với chúng mình chân quê
Hôm qua em đi tỉnh về
Hương đồng gió nội bay đi ít nhiều

Câu 1: Nêu thông điệp tư tưởng tác giả gửi gắm qua bài thơ.

Câu 2:  Xác định biện pháp tu từ được sử dụng trong những câu thơ dưới đây và nêu hiệu quả nghệ thuật của biện pháp tu từ đó:

 Nào đâu cái yếm lụa sồi?
Cái dây lưng đũi nhuộm hồi sang xuân?
Nào đâu cái áo tứ thân?
Cái khăn mỏ quạ, cái quần nái đen?

Câu 3: Anh chị hiểu như thế nào về lời van nài của chàng traiVan em em hãy giữ nguyên quê mùa

Câu 4: Suy nghĩ của anh chị về hiện tương một bộ phận trong giới trẻ Việt Nam hiện nay đang làm Hương đồng gió nội bay đi ít nhiều

Bài tập 8

Đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi:

Từ biệt

Gaxia lorca

Nếu tôi chết đi

Xin cứ để ban công rộng mở       

Em nhỏ đang ăn trái cam

Từ trên ban công tôi còn được thấy

Những người gặt mùa đi gặt lúa mì

Từ trên ban công tôi còn được nghe

Nếu tôi chết đi

Xin cứ để ban công rộng mở.

(Bằng Việt dịch)

Câu 1: Nêu nội dung cảm xúc của bài thơ?

Câu 2:  Cấu trúc bài thơ có gì đặc biệt? Chỉ ra hiệu quả nghệ thuật của cấu trúc ấy.

Câu 3: Theo anh chị vì sao tác giả lại đề nghị Xin cứ để ban công rộng mở?

Câu 4: Thông điệp sâu sắc nhất đối với anh chị sau khi đọc bài thơ trên?

Bài tập 9

Đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi:

Lời

Trần Quang Quý

Tôi không nói bằng chiếc lưỡi của người khác

Chiếc lưỡi đi qua ngàn cơn bão từ vựng

chiếc lưỡi trồi sụt trên núi đồi thanh âm, trên thác ghềnh cú pháp

chiếc lưỡi bị hành hình trong một tuyên ngôn.

 

Tôi không nói bằng chiếc lưỡi của người khác  

cám dỗ xui nhiều điều dại dột

đời cũng dạy ta không thể uốn cong

dù phần thắng nhiều khi thuộc những bầy cơ hội

 

Trên chiếc lưỡi có lời tổ tiên

Trên chiếc lưỡi có vị đắng sự thật

Trên chiếc lưỡi có vị ngọt môi em

Trên chiếc lưỡi có lời thề nước mắt

 

Tôi không nói bằng chiếc lưỡi của người khác

dẫu những lời em làm ta mềm lòng

dẫu tình yêu em từng làm ta cứng lưỡi.

Tôi không nói bằng chiếc lưỡi của người khác

một chiếc lưỡi mang điều bí mật

và điều này chỉ người biết mà thôi.

Câu 1: Anh/ Chị hiểu như thế nào về câu thơ “Tôi không nói bằng chiếc lưỡi của người khác” ?

Câu 2: Xác định biện pháp tu từ được sử dụng trong những câu thơ dưới đây và nêu hiệu quả nghệ thuật của biện pháp tu từ đó:

Trên chiếc lưỡi có lời tổ tiên

Trên chiếc lưỡi có vị đắng sự thật

Trên chiếc lưỡi có vị ngọt môi em

Trên chiếc lưỡi có lời thề nước mắt

Câu 3: Thông điệp ý nghĩa nhất mà anh/chị thu nhận được khi đọc bài thơ trên ? Câu 4: Từ bài thơ, anh/chị có suy ngẫm gì về cách nói năng cũng như ứng xử của mỗi người trong đời sống hiện đại ?

Bài tập 10.

Đọc bài thơ sau đây và thực hiện các yêu cầu:

CÂU HÁT

Câu hát ru, giai điệu quyện với lời

mẹ vẫn hát về áo nâu, mưa nắng

Cánh đồng lo toan, con cò đứng lặng

mẹ ru, thời con gái có ngủ đâu!

 

Câu hát ru thời cắt cỏ trăn châu

thời túm tụm vô tư mùa xuân ấy

Đêm hát chèo có người trai níu lại

thành tơ duyên trĩu xuống vai gầy.

 

Mẹ nuôi con câu hát cũng vơi đầy

những trái gió trở trời, những chiêm khê mùa lụt

Trên mái nhà bão bao lần xô giật

câu hát ru giông tố hóa bình yên.

 

Câu hát ru ngon giấc tuổi thơ con

lại thức dậy trong lời bà ru cháu

Câu hát ru một thời đau đáu

những sớm chiều bay lên…

(Nguyễn Trọng Hoàn, Bến quê,

NXB Quân đội Nhân dân, 2012, tr. 96-97)

Câu 1. Nhân vật trữ tình trong bài thơ trên là ai?

Câu 2. Trong bài thơ, ai là người hát câu hát ru? Câu hát ấy gắn với tuổi thơ của ai và lại thức dậy trong hoàn cảnh nào?

Câu 3. Anh/Chị có cảm nhận gì về câu thơ sau?

Trên mái nhà bão bao lần xô giật 

câu hát ru giông tố hóa bình yên.

Câu 4. Theo anh/chị, hát ru có phải là di sản văn hóa cần được bảo lưu không? Vì sao? (Trả lời bằng khoảng 5 – 10 câu).

Bài tập 11

Đọc bài thơ sau và thực hiện các yêu cầu bên dưới:

Thời gian qua kẽ tay

Làm khô những chiếc lá

Kỷ niệm trong tôi

Rơi

những tiếng sỏi

trong lòng giếng cạn

Riêng những câu thơ

còn xanh

Riêng những bài hát

còn xanh

Và đôi mắt em  

như hai giếng nước.

Xuân Đinh Mão, 2.1987

(Theo Văn Cao, cuộc đời và tác phẩm,

NXB Văn học, 1996, tr.80)

Câu 1. Bài thơ được viết theo thể thơ nào?

Câu 2. Sự trôi chảy của thời gian làm thay đổi, lãng quên những điều gì nhưng lại không thể khuất phục những điều gì?

Câu 3. Nêu hiệu quả của phép tu từ ẩn dụ được sử dụng trong các diễn đạt: những câu thơ còn xanh, những bài hát còn xanh.

Câu 4. Theo anh/chị, chúng ta cần làm gì khi ý thức được sự trôi chảy của thời gian.

Bài tập 12

Đọc đoạn thơ sau và thực hiện các yêu cầu bên dưới:

Bởi nơi ta về có mười tám thôn vườn trầu, mỗi vườn trầu có bao nhiêu mùa hạ

Chị đợi chờ quay mặt vào đêm

Hai mươi năm mong trời chóng tối

Hai mươi năm cơm phần để nguội

Thôi Tết đừng về nữa chị tôi buồn

Thôi đừng ai mừng tuổi chị tôi

Chị tôi không trẻ nữa, xóm làng thương ý tứ vẫn kêu cô

Xóm làng thương không khoe con trước mặt

Hai mươi năm chị tôi đi đò đầy

Cứ sợ đắm vì mình còn nhan sắc

Vẫn được tiếng là người đứng vậy

 

[…]

Nhưng chị tôi không thể làm như con rắn que cời

Lột cái xác già nua dưới gốc cây cậm quẫy

Chị thiếu anh nên chị bị thừa ra

Trong giỗ tết họ hàng nội ngoại

Bao nhiêu tiếng cười vẫn côi cui một mình

Những đêm trở trời trái gió

Tay nọ ấp tay kia

Súng thon thót ngoài đồn dân vệ

Một mình một mâm cơm

Ngồi bên nào cũng lệch

Chị chôn tuổi xuân trong má lúm đồng tiền

(Trích Đường tới thành phố – Hữu Thỉnh,

theo www.dantri.com.vn, 27/ 4/2014)

Câu 1. Chỉ ra phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong đoạn thơ.

Câu 2. Nỗi cô đơn, lẻ bóng của chị tôi được thể hiện qua những từ ngữ, hình ảnh nào?

Câu 3. Nêu ý nghĩa biểu đạt của từ côi cui trong câu thơ: Bao nhiêu tiếng cười vẫn côi cui một mình.

Câu 4. Ghi lại cảm nhận của anh/chị về câu thơ: Chị chôn tuổi xuân trong má lúm đồng tiền.

Bai tập 13

Đọc và cảm nhận về một nét độc đáo trong đoạn văn bản sau:

con đường mòn bước chân lặng lẽ
chị hối hả quay về trạm xá
nơi những thương binh đang chờ

có giấc mơ như mây bay nóc rừng
có giấc mơ buồn như cây cụt ngọn
có giấc mơ bé bỏng

“Đêm qua tôi mơ thấy hòa bình”

vào đúng lúc chị Trâm mơ thấy hòa bình súng nổ

những viên đạn găm vào giấc mơ
găm vào mối tình dang dở

(Trích Đêm qua tôi mơ thấy hòa bình – Thanh Thảo)

Cảm nhận về một nét độc đáo trong văn bản.

Bài tập 14

Đọc đoạn văn bản sau :

Người đánh bò đi kéo xe thuê

Người đẻ con đàn nheo nhóc

Mụn vải, mẩu đinh người đều nhặt nhạnh

Mất nắm rơm cũng cãi vã kêu ca

Nhưng khi cần mang tất cả đem cho

Sẻ áo nhường cơm quên mình cứu bạn

Người mài mực cho Nguyễn Trãi viết Bình Ngô, người cùng Quang Trung           đi đánh giặc

Quang Trung ngồi trên bành voi, người cầm giáo xông lên phía trước

Quang Trung lên làm vua người về nhà cày ruộng

                          …

Nhưng mỗi lần đất nước sắp suy vong

Người đều cứu cỗ xe ra khỏi vực

(Trích Người cùng tôi in trong tập Gió và tình yêu thổi trên đất nước tôi – Lưu Quang Vũ – NXB Hội Nhà văn – 2010)

Cảm nhận nét độc đáo về hình tượng Người trong đoạn văn bản trên.

Bài tập 15

Nêu nhận xét của anh (chị) về hiệu quả thẩm mỹ của hình ảnh cỏ trong hai câu thơ sau:

Ánh xuân lướt cỏ xuân tươi.

(Tiếng sáo thiên thai – Thế Lữ, Thi nhân Việt Nam, Nxb Văn học 1995, tr. 56)

Sóng cỏ xanh tươi gợn tới trời.

(Mùa xuân chín – Hàn Mặc Tử, Thi nhân Việt Nam, Nxb Văn học 1995, tr. 186)

Bài tập 16

Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu dưới đây:

Em đi như chiều đi

Gọi chim vườn bay hết.

 

Em về tựa mai về

Rừng non xanh lộc biếc


Em ở trời trưa ở

Nắng sáng màu xanh tre


Tình em như sao khuya

Rãi hạt vàng chi chít


Sợ gì chim bay đi

Mang bóng chiều đi hết


Tình ta như lộc biếc

Gọi ban mai lại về.


Dù nắng trưa không ở

Ta vẫn còn sao khuya


Hạnh phúc trên đầu ta

Mọc sao vàng chi chít


Mai, hoa em lại về.

(Tình ca ban mai – Chế Lan Viên)

Câu 1. Nhận xét về cấu trúc độc đáo của bài thơ.

Câu 2. Anh/chị hãy cho biết trong cảm nhận của chủ thể trữ tình em điem về đem lại điều gì khác biệt?

Câu 3. Anh/chị hãy nêu hiệu quả của biện pháp nghệ thuật so sánh được tác giả sử dụng trong bài thơ trên

ĐÁP ÁN

Bài tập 1

1 Chỉ ra một nét độc đáo, không lặp lại chính mình của Nguyễn Đình Thi. Ví dụ: thể thơ, hình ảnh, ngôn ngữ, cảm xúc…
Nêu hiệu quả của việc thay đổi đó. Ví dụ:

–         Thể thơ: Thơ tự do phóng túng, số lượng chữ giảm dần thể hiện sự hụt hẫng, trống trải; Thơ bảy chữ trang trọng, thể hiện sự kìm nén cảm xúc…

–         Hình ảnh: Đoạn thơ trong Sáng mát trong như sáng năm xưa không có hình ảnh người ra đi, chỉ có lối ra đi nhằm tô đậm sự trống vắng. Đoạn thơ trong Đất nước xuất hiện hình ảnh người ra đi với tư thế đầu không ngoảnh lại để làm nổi bật quyết tâm lên đường.

–         Cảm xúc: Đoạn thơ trong Sáng mát trong như sáng năm xưa là hoài niệm về mùa thu Hà Nội với nỗi buồn nhớ da diết. Đoạn thơ trong Đất nước có sự đan xen giữa nỗi niềm bâng khuâng và sự dứt khoát lên đường…

–         …

2 Học sinh có thể tự do bày tỏ suy nghĩ của bản thân về:

–         Những điều bỏ lại (quê hương, mái nhà, người thân…) và những điều mang theo ( tình yêu, nỗi nhớ, sự quyết tâm, khát vọng…).

–         Ý nghĩa của những điều bỏ lại và những điều mang theo cho mỗi chuyến đi trong cuộc đời con người.

Bài tập 2

1 – Hình ảnh lá rụng trong văn bản Mùa xuân thắng của Xuân Diệu được miêu tả cụ thể (quá trình, màu sắc…): buông xuống, sạm đen, bay trong gió, bay vèo, trút lá…nhấn mạnh sự tàn phai.

– Hình ảnh lá rụng trong văn bản Chồi biếc của Xuân Quỳnh được gợi tả qua nghệ thuật so sánh: Lá vàng – ngàn cánh bướm làm nổi bật vẻ đẹp lãng mạn, thơ mộng

Sự khác biệt về thể loại và cách cảm nhận riêng của mỗi người nghệ sĩ đã đem đến nét độc đáo cho hình ảnh lá rụng trong hai văn bản.
2 HS có thể tự do bày tỏ suy nghĩ của bản thân về thông điệp được Xuân Quỳnh gửi gắm qua hình ảnh lá vàng – chồi biếc (mối quan hệ giữa cái cũ – cái mới, niềm tin vào sự sống…)

Bài tập 3

1 -Học sinh có cách hiểu riêng, nhưng có thể là:

+ Tan tác, máu ứa:  cảm xúc đau đớn,  mất mát chia lìa được hình dung qua sắc màu, hình khối, gây ấn tượng mạnh về thị giác, nhấn mạnh tâm trạng bi bịch.

+ Xao xác, nuối tiếc: cảm xúc khắc khoải, da diết của một nỗi buồn man mác, dịu nhẹ, trong sáng, nghiêng về cảm giác ít mang tính bi kịch.

2 Thời hoa đỏ–  một thời tuổi trẻ mê say, sôi nổi đầy đam mê và khát vọng trong tình yêu; là khoảng thời gian đẹp và quý giá của mỗi người.

– Là quãng đời ngắn ngủi, nó trôi qua một đi, không trở lại.

– Khoảng thời gian dẫu trôi qua nhưng có khẳ năng tiếp thêm năng lượng cho mỗi người. Ai cũng có “một thời hoa đỏ” riêng, tùy thuộc vào hoàn cảnh sống, vào quan niệm, nhận thức mà có những cảm xúc, dư vị về nó nhưng đó sẽ là những kí ức đẹp, đầy ý nghĩa của cuộc đời.

– Cần biết trân trọng từng khoảnh khắc thời gian trôi đi trong cuộc đời để có một “thời hoa đỏ” ngọt ngào, đáng nhớ.

Bài tập 10

1 Nhân vật trữ tình trong bài thơ là người con.
2 Người hát câu hát ru là mẹ. Câu hát ấy gắn với tuổi thơ con và lại thức dậy trong lời bà ru cháu.
3 Hai câu thơ thể hiện những cảm nhận về ý nghĩa của câu hát ru. Tuy bao tố xô giật nhưng lời ru của người mẹ vẫn khiến con ngủ ngon giấc. Rộng hơn nữa, hình ảnh giông bão là biểu tượng chỉ những biến động, tai ương trong đời. Chính câu hát ru đã truyền cho con niềm tin, nghị lực để hóa giải những tai ương.
4 Trả lời ngắn gọn, thể hiện rõ quan niệm và lí giải vì sao chọn quan niệm như vậy. Tránh chung chung hoặc sáo rỗng.

Bài tập 11

1 Bài thơ được viết theo thể thơ tự do.
2 Sự trôi chảy của thời gian làm những chiếc lá từ tươi xanh trở nên khô héo, khiến kỉ niệm chỉ còn vang vọng như tiếng sỏi rơi vào lòng giếng cạn nhưng lại không thể khuất phục được những câu thơ, những bài hátđôi mắt em.
3 Hiệu quả của phép tu từ ẩn dụ: Khẳng định vẻ đẹp, sức sống vĩnh cửu của những câu thơ, những bài hát – những giá trị tinh thần của cuộc đời.
4 Học sinh có thể trả lời theo nhiều cách nhưng nhưng dù cách nào cũng cần ngắn gọn, có quan điểm riêng, tránh diễn đạt chung chung hoặc hô hào khẩu hiệu sáo rỗng.

Bài tập 12

1 Phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong đoạn thơ: Biểu cảm.
2 Nỗi cô đơn, lẻ bóng của chị tôi được thể hiện thông qua hàng loạt các chi tiết, hình ảnh: chị quay mặt vào đêm, mong chờ bóng tối, cơm phần để nguội, thiếu anh nên chị bị thừa ra, côi cui một mình, tay nọ ấp tay kia, một mình một mâm cơm.
3 Từ côi cui đặc tả sự lầm lũi và nỗi cô đơn của nhân vật chị tôi khi chồng đi chiến trận.
4 Câu thơ vừa tô đậm vẻ đẹp duyên dáng, đằm thắm của chị tôi, người phụ nữ có chồng đi chiến đấu, vừa khắc hoạ bi kịch cá nhân của người phụ nữ trong hoàn cảnh chiến tranh (tuổi xuân phai tàn, khát vọng hạnh phúc bị chôn vùi bởi chiến tranh đã chia cắt, làm biệt li đôi lứa vợ chồng).

Bài tập 13

– Thể thơ tự do: những câu thơ không viết hoa đầu dòng, không có dấu câu, cắt chữ, phân câu không  theo trật tự thông thường.

->tạo ra những kết cấu ngôn ngữ mới, thể hiện những cảm nhận chủ quan của người viết, để cho cảm xúc, suy tư tuôn trào một cách tự nhiên; lời thơ giàu tính nhạc.

– Sáng tạo hình ảnh, kết hợp từ ngữ theo lối lạ hóa: kết cấu ngôn ngữ theo lối sắp đặt, tỉnh lược quan hệ từ (hòa bình súng nổ), sử dụng so sánh (có giấc mơ như mây bay nóc rừng/ có giấc mơ buồn như cây cụt ngọn ), những liên tưởng, đối lập (những viên đạn găm vào giấc mơ / găm vào mối tình dang dở)

-> Lời thơ giàu màu sắc triết luận: Gợi lên số phận của con người trong chiến tranh với những khao khát về hạnh phúc, hòa bình (giấc mơ, mối tình) vô cùng tha thiết nhưng cũng hết sức mong manh trước sự tàn phá khốc liệt của chiến tranh (súng nổ).

Bài tập 14

Học sinh có thể trả lời theo nhiều cách, nhưng cần đáp ứng được các yêu cầu sau:

Nhà thơ có cái nhìn đa chiều về hình tượng “Người” – nhân dân:

+  Trong cuộc sống lao động đời thường, nhân dân được khắc họa với hình ảnh bình dị, lam lũ: “đánh bò đi kéo xe thuê”; “đẻ đàn con nheo nhóc”; “nhặt nhạnh” từng “mụn vải, mẩu đinh”; “cãi vã kêu ca” khi chỉ “mất nắm rơm”.

+  Nhưng trong những hoàn cảnh đặc biệt, họ lặng thầm phát huy sức mạnh vốn có góp phần làm nên lịch sử hào hùng của dân tộc.

à Hình tượng Người- nhân dân có sự kết hợp giữa hai phương diện: cao cả và đời thường.

àQua đó, đoạn thơ thể hiện tấm lòng của nhà thơ với nhân dân: thấu hiểu, trĩu nặng yêu thương, tự hào, ngưỡng mộ…

Bài tập 15

– Qua hình ảnh cỏ, Thế Lữ và Hàn Mặc Tử đã vẽ ra một bức tranh mùa xuân với vẻ đẹp xanh mát, tươi tắn, căng tràn sức sống. Trong thơ Thế Lữ, hình ảnh cỏ như đánh thức vẻ đẹp của mùa xuân. Từ lướt diễn tả chuyển động nhẹ, nhanh, gợi liên tưởng ánh xuân như khẽ chạm vào cỏ, tô đậm sức sống bất tận của thiên nhiên tạo vật. Hình ảnh cỏ trong thơ Hàn Mặc Tử lại gợi ra vẻ đẹp tươi non, mượt mà, mềm mại. Những thảm cỏ được hình dung như những làn sóng – sóng cỏ, nối tiếp nhau đến tận chân trời tạo thành cả một không gian xanh ngút ngàn.
– Cả hai nhà thơ đã lựa chọn được những hình ảnh giàu sức gợi. Thế Lữ không nhắc đến chữ xanh nhưng vẫn gợi ra vẻ đẹp xanh tươi của cỏ xuân. Còn Hàn Mặc Tử không nhắc đến chữ xuân mà vẫn gợi tả sức sống bất tận của mùa xuân nhờ sự chảy tràn của sóng cỏ xanh.

Bài tập 16

1 Bài thơ gồm những khổ thơ ngắn đăng đối với nhau. Mỗi khổ gồm hai câu chia thành hai vế: em điem về soi chiếu nhấn mạnh ý thơ, như hai cung bậc cảm xúc trong lòng nhân vật trữ tình.
2 Em đi khiến tâm hồn chủ thể trữ tình trống trải, cô đơn, lạnh lẽo, tựa như khu vườn không ánh sáng (chiều đi), không âm thanh (tiếng chim), tẻ ngắt và u tối.

Em về khiến tâm hồn chủ thể trữ tình bừng tỉnh, tươi vui, tràn trề sức sống, tựa như khu rừng được ánh bình minh (mai về) soi rọi, hồi sinh lộc non, lá biếc.

3 Nghệ thuật so sánh làm nổi bật vai trò của em, sức mạnh của tình yêu đối với chủ thể trữ tình.

 

  1. KẾT LUẬN

Rèn luyện kỹ năng đọc hiểu tác phẩm ngoài chương trình cho học sinh chuyên là công việc cần thiết và quan trọng đối với thầy và trò trong nhà trường THPT. Chuyên đề đã xây dựng được lý thuyết về đọc hiểu, hệ thống các bài tập theo4 mức độ nhận thức, phù hợp với đối tượng học sinh chuyên. Đồng thời chuyên đề giúp học sinh biết vận dụng dạng bài tập đọc hiểu tác phẩm ngoài chương trình vào việc tạo lập bài viết, nâng cao kỹ năng làm bài nghị luận xã hội và nghị luận văn học. Áp dụng vào quá trình dạy học, chúng tôi nhận thấy những hiệu quả tích cực. Học sinh chuyên không chỉ có kỹ năng làm tốt dạng bài đọc hiểu theo cấu trúc đề thi THPT Quốc gia, mà còn có kiến văn phong phú;năng lực ngôn ngữ, năng lực cảm thụ thẩm mỹ được nâng cao. Ở phần kết luận, chúng tôi muốn đưa ra một vài kiến nghị trong quá trình thực hiện chuyên đề:

– Việc rèn luyện kỹ năng đọc hiểu tác phẩm ngoài chương trình cần gắn với đọc hiểu tác phẩm trong chương trình, không nên tách rời, nên có sự kết hợp để so sánh đối chiếu, mở rộng.

– Cần chọn các tác phẩm ngoài chương trình theo chủ đề để tạo sự liên kết nội dung và nghệ thuật; tránh chọn tản mát, tùy hứng.

– Các tác phẩm ngoài chương trình đưa vào phần đọc hiểu cần đảm bảo nguyên tắc: đảm bảo giá trị văn học, tinh giản tránh ôm đồm, có sự kết hợp giữa tính tiêu biểu và trường hợp ngoại lệ, được sắp xếp khoa học và logic.

– Cần vận dụng các phương pháp giảng dạy đọc hiểu tác phẩm ngoài chương trình linh hoạt: câu hỏi gợi mở, phiếu bài tập, giảng bình…Cần chú trọng lấy học sinh làm trung tâm; tránh nhồi nhét kiến thức cho học sinh chuyên, cần khơi dậy tình yêu với văn học, biến quá trình học văn thành quá trình tự khám phá, đồng sáng tạo và tri âm.

Thực hiện chuyên đề này, chúng tôi mong muốn đóng góp những kinh nghiệm thực tế để “Rèn luyện kĩ năng đọc hiểu tác phẩm ngoài chương trình cho học sinh chuyên”. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện vẫn còn một số thiếu sót. Chúng tôi rất mong nhận được sự chia sẻ và các ý kiến đóng góp của các bạn đồng nghiệp. Xin chân thành cảm ơn!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *