Rèn kĩ năng đọc hiểu tác phẩm văn học ngoài chương trình cho học sinh chuyên văn-bài 18

Tài liệu Văn

MỞ ĐẦU

Lý do chọn đề tài

1.1. Năm 2013, GS.TS Trần Đình Sử trong bài viết “Đọc – hiểu văn bản – một khâu đột phá trong nội dung và phương pháp dạy văn hiện nay” đã khẳng định: Dạy văn là dạy cho học sinh năng lực đọc, kỹ năng đọc để học sinh có thể đọc – hiểu bất cứ văn bản nào cùng loại. Từ đọc – hiểu văn mà trực tiếp tiếp nhận các giá trị văn học, trực tiếp thể nghiệm các tư tưởng và cảm xúc được truyền đạt bằng nghệ thuật ngôn từ, hình thành cách đọc riêng có cá tính. Đó là con đường duy nhất để bồi dưỡng cho học sinh năng lực của chủ thể tiếp nhận thẩm mỹ. Do đó hiểu bản chất môn văn là môn dạy đọc văn vừa thể hiện cách hiểu thực sự bản chất của văn học, vừa hiểu đúng thực chất việc dạy văn là dạy năng lực, phát triển năng lực là chủ thể của học sinh.

Từ đó đến nay, dạy đọc – hiểu văn bản là một trong hai nhiệm vụ chủ yếu của môn Ngữ Văn trong nhà trường THPT. Việc rèn kĩ năng đọc – hiểu cho học sinh nói chung, đặc biệt là học sinh chuyên Văn nói riêng là một quá trình đòi hỏi nhiều tâm sức của người giáo viên.

1.2. Với học sinh chuyên Văn, việc đọc – hiểu các tác phẩm không chỉ giới hạn trong chương trình SGK. Bởi tiếp cận các tác phẩm ngoài chương trình chính là một kênh tham khảo hữu ích giúp các em mở mang tri thức, rèn luyện kĩ năng, bồi đắp tình cảm trong cả lĩnh vực văn chương và cuộc sống.

Văn bản là phương thức tồn tại thực tế của tác phẩm, do đó, việc lựa chọn văn bản ngoài chương trình phù hợp, đáp ứng các yêu cầu về nhận thức, kĩ năng, thái độ cho học sinh cũng là công việc cần có sự đầu tư tâm huyết.

Như vậy, xuất phát từ nhiệm vụ dạy học môn Ngữ Văn trong nhà trường THPT và từ thực tế giảng dạy đối tượng học sinh chuyên Văn, chúng tôi lựa chọn đề tài nghiên cứu: “Rèn kĩ năng đọc, hiểu tác phẩm ngoài chương trình cho học sinh chuyên Văn”.

  1. Mục đích của đề tài

Lựa chọn triển khai đề tài này, chúng tôi xác định hai mục đích trọng tâm:

Về phía học sinh, chúng tôi hướng tới việc hướng dẫn, rèn luyện cho học sinh chuyên Văn kĩ năng đọc – hiểu văn bản ngoài chương trình – một phương pháp tiếp cận văn chương, tiếp cận thế giới nghệ thuật của nhà văn, nhà thơ đem lại nhiều ý nghĩa thiết thực, hiệu quả.

Về phía giáo viên, chúng tôi mong muốn góp phần nâng cao hiệu quả cho công tác giảng dạy và nghiên cứu văn học của bản thân và đồng nghiệp.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

  1. NỘI DUNG

CHƯƠNG I: GIỚI THUYẾT VỀ ĐỌC HIỂU VĂN BẢN

  1. Quan niệm về đọc – hiểu

Đọc – hiểu là hoạt động cơ bản của con người để chiếm lĩnh văn hóa. Khái niệm đọc – hiểu (comprehension reading) có nội hàm khoa học phong phú có nhiều cấp độ gắn liền với lí luận dạy học văn, lí thuyết tiếp nhận tâm lí học nghệ thuật, lí thuyết giao tiếp thi pháp học, tường giải học văn bản học …

Đọc là một hoạt động của con người, dùng mắt để nhận biết các kí hiệu và chữ viết, dùng trí óc để tư duy và lưu giữ những nội dung mà mình đã đọc và sử dụng bộ máy phát âm phát ra âm thanh nhằm truyền đạt đến người nghe.

Hiểu là phát hiện và nắm vững mối liên hệ của sự vật, hiện tượng, đối tượng nào đó và ý nghĩa của mối quan hệ đó. Hiểu còn là sự bao quát hết nội dung và có thể vận dụng vào đời sống. Hiểu là phải trả lời được các câu hỏi: Cái gì? Như thế nào? Làm thế nào?

Đọc – hiểu là đọc kết hợp với sự hình thành năng lực giải thích, phân tích, khái quát, biện luận đúng- sai về logic, nghĩa là kết hợp với năng lực, tư duy và biểu đạt. Trong tác phẩm văn chương, mục đích của đọc – hiểu là phải thấy được: nội dung của văn bản; mối quan hệ ý nghĩa của văn bản do tác giả tổ chức và xây dựng; ý đồ, mục đích; thấy được tư tưởng của tác giả gửi gắm trong tác phẩm; giá trị đặc sắc của các yếu tố nghệ thuật; ý nghĩa của từ ngữ được dùng trong cấu trúc văn bản; thể loại của văn bản, hình tượng nghệ thuật…

Như vậy, đọc – hiểu là hoạt động đọc và giải mã các tầng ý nghĩa của văn bản thông qua khả năng tiếp nhận của học sinh. Đọc – hiểu là tiếp xúc với văn bản, hiểu được nghĩa hiển ngôn, nghĩa hàm ẩn, các biện pháp nghệ thuật, thông hiểu các thông điệp tư tưởng, tình cảm của người viết và giá trị tự thân của hình tượng nghệ thuật. Với quan điểm phát huy vai trò chủ thể của học sinh, xuất phát từ đặc thù của văn chương (nghệ thuật ngôn từ), mà vấn đề đọc – hiểu văn bản ngày càng được quan tâm.

  1. Phương pháp dạy đọc – hiểu văn bản

ThS. Phạm Thị Thu Hiền (Vụ Giáo dục trung học, Bộ GD-ĐT) trong bài viết: “Phương pháp dạy đọc – hiểu văn bản” đã khẳng định: Dạy đọc – hiểu văn bản hoàn toàn khác với giảng văn.

Về khái niệm, dạy đọc – hiểu là việc giáo viên (GV) hướng dẫn học sinh (HS) sử dụng những kỹ năng để đọc – hiểu VB thông qua các hoạt động, thao tác và theo một quy trình nhất định nào đó. Đọc – hiểu VB đề cao vai trò của chủ thể tích cực, sáng tạo của HS trong hoạt động đọc. Song điều quan trọng là chúng ta cần thay đổi quan điểm về việc sử dụng phương pháp dạy học (PPDH) Ngữ Văn nói chung và PPDH đọc – hiểu nói riêng, nghĩa là không có một PPDH đọc – hiểu duy nhất nào cả. Tùy thuộc vào loại VB, mục đích đọc và đối tượng HS, người thầy được tự do lựa chọn bất kỳ phương tiện giảng dạy và cách hướng dẫn nào mà họ muốn.

Trong dạy đọc – hiểu VB, GV chỉ là người hướng dẫn, dìu dắt, nêu vấn đề để HS trao đổi, thảo luận; là người dạy về phương pháp đọc chứ không phải đọc thay, đọc giùm, biến HS thành thính giả thụ động của mình. Giáo án của GV chủ yếu phải là giáo án về phương pháp đọc cho HS. Cái nhầm chủ yếu của người thầy hiện nay là giáo án nội dung dùng cho người dạy chứ không phải là giáo án để dạy phương pháp đọc cho người học.

Tuy nhiên, dù sử dụng phương pháp và phương tiện nào thì GV cũng cần thiết kế các hoạt động sao cho có thể giúp HS tự đọc VB và biết vận dụng các kỹ năng phân tích, suy luận để đưa ra được các dẫn chứng trong VB làm cơ sở cho các nhận định, phân tích của mình. Đồng thời có lúc phải để cho mỗi HS có quyền đọc hiểu theo kinh nghiệm cảm xúc của mình. Từ đó hình thành cho các em khả năng phân tích và tổng hợp VB. Ngoài ra, GV cũng nên tạo thật nhiều cơ hội cho HS nghiên cứu, thử sức mình qua các bài tập lớn về VB được đọc. Tuy nhiên, không phải HS nào cũng có khả năng làm được như vậy. Cụ thể, với những HS yếu hơn, GV có thể gợi ý hoặc đưa ra các yêu cầu đơn giản hơn. Và dù sử dụng phương pháp gì, dạy đọc – hiểu VB nào trong môn Ngữ Văn cũng cần tổ chức các hoạt động hướng dẫn HS sử dụng các kỹ năng thao tác để đọc chính xác và đọc có tính đánh giá về các yếu tố hình thức, nội dung và ý nghĩa của VB. Từ đó ứng dụng kiến thức và kỹ năng đã đọc vào thực tiễn đời sống.

GV có nhiều cách hướng dẫn HS đọc hiểu những VB khác nhau. Đầu tiên GV lựa chọn VB thích hợp để hướng dẫn HS đọc. VB đó phải đáp ứng được yêu cầu về đề tài, chủ đề, dung lượng và phù hợp với đối tượng HS. Sau đó sẽ giới thiệu qua về VB như xuất xứ, tác giả, đề tài… để làm rõ các khái niệm hoặc các từ mới có thể khó đối với HS; gợi ý các em đọc theo một chiến lược nhất định hoặc theo một mục đích khái quát, chuẩn bị cho HS tự đọc VB. Tiếp theo, HS sẽ đọc thầm hoặc đọc thành tiếng VB. Trong khi nghe đọc, GV sẽ quan sát và hỗ trợ các em những kiến thức cần thiết. Sau khi HS kết thúc việc đọc, GV sẽ yêu cầu các em thảo luận về những điều đã đọc bằng cách nhắc lại những chi tiết trong VB hoặc đưa ra những suy nghĩ của cá nhân về những điều đã đọc. Đây cũng là lúc để thảo luận bất kỳ một câu hỏi nào mà HS gặp hoặc phải làm trong quá trình đọc, nhất là những vấn đề liên quan đến đặc trưng thể loại, đề tài, chủ đề, nội dung tư tưởng… của VB. Trao đổi xong, GV cũng có thể gợi ý HS xem lại VB để khẳng định lại những điều đã phân tích và tổng hợp về VB hoặc có thể sử dụng VB để dạy một kỹ năng hoặc một khái niệm mới nào đó. Các hoạt động mở rộng ra ngoài VB từ nội dung hoặc ứng dụng những điều đã đọc vào thực tiễn cũng có thể được thực hiện trong thời điểm này. Một điều đáng chú ý là trong và sau khi HS đọc VB, GV quan sát và ghi chép lại những kết quả liên quan đến thái độ và sự tiến bộ của các em ở các khía cạnh như sử dụng chiến lược đọc, sự chủ động trong các hoạt động, sự chính xác trong các câu trả lời để làm tư liệu đánh giá HS sau này.

 

 

 

 

CHƯƠNG II: RÈN KĨ NĂNG ĐỌC – HIỂU VĂN BẢN

NGOÀI CHƯƠNG TRÌNH CHO HỌC SINH CHUYÊN VĂN

 

  1. Kĩ năng lựa chọn văn bản đọc – hiểu ngoài chương trình

Thực tế cho thấy văn bản đọc – hiểu nói chung rất đa dạng và phong phú. Có bao nhiêu loại văn bản trong cuộc sống thì có bấy nhiêu loại được dạy trong nhà trường. Trong chương trình Ngữ Văn THPT nêu hai loại văn bản để dạy đọc – hiểu, đó là: Văn bản văn học và văn bản nhật dụng. Trong đó các văn bản văn học đa dạng hơn các văn bản nhật dụng. Trong phạm vi đề tài nghiên cứu này, chúng tôi hướng tới đối tượng là các văn bản văn học – ngữ liệu để học sinh khai thác.

Văn bản văn học ngoài chương trình thực tế cũng là một nguồn tư liệu vô tận. Với thời lượng số tiết trên lớp hạn định, chúng tôi khuyến khích học sinh dành thêm thời gian ở nhà tìm kiếm, chọn lọc các văn bản văn học để phục vụ cho quá trình đọc – hiểu. Chúng tôi cũng đặt ra các tiêu chí cụ thể giúp định hướng cho quá trình lựa chọn của học sinh. Đó là:

  • Lựa chọn văn bản văn học theo tác giả

VD: với tác giả Nguyễn Du, ngoài bài thơ Độc Tiểu Thanh kí (SGK 10), HS tìm đọc thêm các văn bản thơ chữ Hán: Long thành cầm giả ca, Sở kiến hành, Điếu la thành ca giả, Thái Bình mại ca giả, Phản chiêu hồn,…

Với tác giả Nam Cao, ngoài hai truyện ngắn Chí Phèo, Đời thừa (SGK 11), HS tìm đọc thêm Sống mòn, Tư cách mõ, Trăng sáng, Một bữa no, …

  • Lựa chọn văn bản văn học theo thể loại

VD: thể loại truyện ngắn trữ tình của Thạch Lam (Hai đứa trẻ), HS tìm đọc thêm các truyện ngắn của Thanh Tịnh, Hồ Dzếnh để có cái nhìn đối sánh.

  • Lựa chọn văn bản văn học theo khuynh hướng / trào lưu

VD: thơ Mới (1930 – 1945) HS tìm đọc các tác phẩm thơ của nhiều tác giả được trích dẫn trong Thi nhân Việt Nam (Hoài Thanh – Hoài Chân),…

 

  • Lựa chọn văn bản văn học theo thời kì / giai đoạn lịch sử

VD: giai đoạn văn học sau 1975, ở thể loại truyện ngắn, ngoài Chiếc thuyền ngoài xa (Nguyễn Minh Châu), Một người Hà Nội (Nguyễn Khải) (SGK 12), HS tìm đọc các truyện ngắn khác của Nguyễn Minh Châu (Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành, Bến quê, Cỏ lau), Nguyễn Khải (Nắng chiều, Nếp nhà, Đất kinh kì), Nguyễn Huy Thiệp (Tướng về hưu, Kiếm sắc, Vàng lửa, Phẩm tiết, Chút thoáng Xuân Hương), Nguyễn Ngọc Tư (Cánh đồng bất tận),…

Qua những văn bản ngoài chương trình được lựa chọn đáp ứng được yêu cầu về thể loại, đề tài, chủ đề, dung lượng và phù hợp với đối tượng HS, chúng tôi sẽ tiến hành việc rèn kĩ năng đọc – hiểu văn bản.

 

  1. Kĩ năng đọc – hiểu văn bản ngoài chương trình

SGK Ngữ Văn 10 NC tập 1 cung cấp bài học “Đọc – hiểu văn bản văn học” với 4 bước đọc – hiểu cơ bản. Chúng tôi tiến hành rèn kĩ năng đọc – hiểu văn bản ngoài chương trình cho HS chuyên Văn theo trình tự các bước đọc – hiểu cụ thể đó.

  • Đọc – hiểu ngôn từ:

Văn bản văn học được sáng tạo bằng ngôn từ. Ngôn từ văn học có tính nghệ thuật và thẩm mĩ. Các yếu tố âm thanh, từ ngữ, kiểu câu trong văn bản văn học đều được lựa chọn, trau chuốt, sắp xếp theo một trật tự đặc biệt, nhiều khi khác thường nhằm tạo nên vẻ đẹp và sức hấp dẫn.

Vì vậy, đọc – hiểu ngôn từ là phải đọc thông suốt toàn văn bản, hiểu được các từ khó, từ lạ, các điển cố, các phép tu từ, hình ảnh… (đối với thơ). Đối với truyện, phải nắm được cốt truyện và các chi tiết từ mở đầu đến kết thúc. Khi đọc văn bản cần hiểu được các diễn đạt, nắm bắt mạch văn xuyên suốt từ câu trước đến câu sau, từ ý này chuyển sang ý khác, đặc biệt phát hiện ra mạch ngầm – mạch hàm ẩn, từ đó mới phát hiện ra chất văn. Bởi thế, cần đọc kĩ mới phát hiện ra những đặc điểm khác thường, thú vị.

VD: HS đọc – hiểu ngôn từ trong một bài thơ hai-cư của nữ tác giả Chiyo (Nhật Bản)

Hoa triêu nhan

Nở trên dây gầu sòng

Đành sang xin nước nhà bên

Hai sự vật thoạt nhìn chẳng liên kết với nhau cho lắm. Giữa chúng không có một sự hòa điệu nhịp nhàng, không có tính nhạc như những bài thơ miêu tả hoa khác: “Này đây hoa của đồng nội xanh rì”. Thế nhưng, sự im lặng giữa hai thực thể “hoa triêu nhan” và “dây gầu sòng” thực chất lại không hề tĩnh lặng vô hồn… 

Hoa triêu nhan người Nhật gọi là asagao – gương mặt của buổi sáng, đoá hoa nhỏ bé, vươn mình đón lấy những tia nắng đầu tiên của Thái Dương thần nữ, tượng trưng cho vẻ đẹp thanh khiết, mong manh. Còn dây gầu sòng lại là hình ảnh thô ráp, thẳng thớm của đời sống hằng ngày. Một cái là vẻ đẹp trong thơ ca, một cái là vẻ đẹp trần trụi của cuộc sống đời thực. Nhưng nếu lắng lòng mình lại để cảm nhận ta sẽ thấy giữa chúng dường như có một sự hòa hợp, quấn quyện đến kì lạ. Vẻ mạnh mẽ, cứng cỏi, dẻo dai của dây gầu sòng như là chỗ tựa nương, chỗ bám víu của đóa hoa mang màu trắng tinh khôi. Sự nâng đỡ và bù trừ vẻ đẹp cho nhau ấy khiến lòng người phải rung động, phải xôn xao, phải động lòng trắc ẩn: con người trong thơ không nỡ tách lìa chúng, không nỡ gỡ đóa hoa mỏng manh ấy ra khỏi dây gầu để lấy nước mà đành sang xin nước nhà bên. Một hành động rất nhỏ được diễn tả rất thoáng qua, bằng những từ ngữ chẳng hề hoa mĩ, trái lại còn gần gụi như khẩu ngữ hằng ngày, thế mà lại trở nên rất đẹp, rất nhân văn. Cái đẹp và sự nuối tiếc, trân trọng, nâng niu cái đẹp ấy giống như một thứ âm nhạc vừa nhẹ nhàng lại vừa lan tỏa, thấm đượm khe khẽ vào lòng người đọc, phảng phất lấp đầy sự im lặng trống trải mà họ cảm nhận từ những ngôn từ mộc mạc của bài thơ.

(Bài làm của HS 11 Văn, năm học 2017 – 2018)

 

 

  • Đọc – hiểu hình tượng nghệ thuật:

Hình tượng văn học là thế giới đời sống do ngôn từ gợi lên trong tâm trí người đọc. Từng câu từng chữ của văn bản với các chi tiết về hành vi, lời nói, chân dung của con người, màu sắc của ngoại cảnh cùng với cách kết cấu, bố cục của tác giả, … dần dần gợi ra thế giới của những con người có cuộc sống riêng. Hình tượng văn học không chỉ là thế giới đời sống mà còn là một thế giới “biết nói”. Thông qua các chi tiết, nhân vật, cảnh vật, quan hệ giữa các nhân vật, nhà văn truyền cho người đọc cách nhìn, cách cảm, cách nghĩ về cuộc đời, gợi lên một cách hiểu, một quan niệm về cuộc sống.

Do đó, đọc – hiểu hình tượng nghệ thuật của văn bản văn học đòi hỏi người đọc phải biết tưởng tượng, biết “cụ thể hóa” các tình cảnh để hiểu những điều mà ngôn từ chỉ có thể biểu đạt khái quát. Đọc – hiểu hình tượng nghệ thuật còn đòi hỏi phát hiện ra những mâu thuẫn tiềm ẩn trong đó và hiểu được sự lôgic bên trong của chúng.

VD: HS đọc – hiểu hình tượng nghệ thuật trong chùm ba bài thơ của Hoàng Cầm: “Lá diêu bông”, “Cây tam cúc” và “Quả vườn ổi”

Thơ ca nói riêng và văn học nói chung đã chạm đến những góc khuất, những mảng riêng tư thầm kín của con người, đã cất lên tiếng nói đầy nhân bản và nhân đạo cho những xúc cảm thành thực. Đề tài tình ái giữa chị và em cũng thuộc trong số đó. Hoàng Cầm thể hiện rất tinh tế về thứ tình cảm này qua ba bài thơ “Lá diêu bông”, “Cây tam cúc” và “Quả vườn ổi”

Những mối quan hệ chị – em xét về tình ái là sự đổ bóng của tình mẫu tử, tình gia đình, khi người con trai gặp những niềm đau tuổi thơ ấu sinh ra sự khao khát được yêu thương, chở che của một người mẹ, người chị. Sức trẻ, suối nguồn thanh tân, tươi mát của “người chị” – đã thức dậy trong “em” những niềm vui mới, những xúc cảm mới và cả những niềm đau mới, để “em” viết về “chị” như một tín ngưỡng, chỉ biết ngắm nhìn từ xa, không thể chạm vào, càng không thể để “chị “ là của riêng “em”.

Đọc những bài thơ viết về mối quan hệ chị – em, độc giả đều có chung cảm giác bấp bênh, bồng bềnh giữa hai bờ hư và thực.

Tình yêu của “em” dành cho “chị”, ngây ngô mà nồng thắm, non dại mà cuồng si.

Cỗ bài tam cúc mép cong cong 

Rút trộm rơm nhà đi trải ổ

Chị gọi đôi cây

Trầu cay má đỏ

Kết xe hồng đưa Chị đến quê Em

Nghé cây bài tìm hơi tóc ấm 

Em đừng lớn nữa Chị đừng đi

Tướng sĩ đỏ đen chui sấp ngửa

Ổ rơm thơm đọng tuổi đương thì 

“Ăn cơm tấm ấm ổ rơm”. Câu cửa miệng của người dân quê thường nói vậy. Hơi ấm ổ rơm phả từ câu thơ trong bài Cây tam cúc của thi sỹ Hoàng Cầm. Nó ấm hơn bởi hai chữ “rút trộm”, mà “rút trộm” của nhà mình. Cậu bé giấu mẹ, giấu cha, rút trộm rơm trải ổ thay chiếu để các bạn và người Chị hàng xóm chơi bài tam cúc. Vì vụng trộm mà ổ rơm thơm đọng tuổi đương thì, rơm thơm thôn nữ, và hẳn đương thì cũng là tuổi biết yêu!

Mối quan hệ đặc biệt giữa hai nhân vật Chị và Em, giữa những người chơi bài với tướng điều, sỹ đỏ, tịnh vàng. Màu vàng son vương triều qua những cây tam cúc cũ đã cong mép…

Giữa bài đã có “Chị gọi đôi cây/ Trầu cay má đỏ”. Một cây trầu cay, một cây má đỏ mà thành đôi. Đôi cây, đôi lứa, đúng đôi. Má Chị ửng hồng khi gọi đôi ở ván bài con trẻ trong trò chơi tam cúc làm ổ rơm thêm ấm, làm cậu Em phải mượn việc ghé cây bài để tìm hơi tóc ấm. Em muốn đưa Chị về quê mà phải đổi xe hồng, kết xe hồng thật sang trọng. Chữ “kết” có hai nghĩa. Cuối mỗi ván bài tam cúc, người cầm cái, còn đôi xe hồng, ngả bài, gọi là kết xe hồng. Nhưng kết xe hồng còn có nghĩa nữa là kết xe hoa, mời Chị lên xe hoa Em vừa kết để Em đưa Chị về quê Em! Cách nói ấy vẫn thấy trong cách nói ý nhị của người dân quê, không muốn nói thẳng ý định của mình. Ngay lúc ấy, em muốn thời gian như ngừng lại, dường như em muốn em và chị cứ mãi như khoảnh khắc này, để em được sống mãi trong cái tình yêu bé nhỏ mới chớm ấy, để chị đừng đi lấy chồng mà em phải ngóng trông!

Cái tình yêu em dành cho chị ấy, là thứ tình cảm mang theo cả nỗi buồn của em. Khi đọc bài thơ “Lá diêu bông”, nhiều người cùng chung một cảm nhận rằng: bài thơ là câu chuyện cổ tích về một mối tình cổ tích giữa em (Hoàng Cầm) và chị (Một người con gái có thật đã từng rất gắn bó với tuổi thơ Hoàng Cầm và hơn Hoàng Cầm đến 8 tuổi – Chị Vinh). Cả bài thơ là nỗi háo hức, miệt mài, kiên nhẫn của Em đi tìm Lá Diêu Bông để chứng thực cho tình yêu chị của mình. Và để rồi, bốn lần tìm thấy Lá là bốn lần không phải, chị đều từ chối, lắc đầu “Xòe tay phủ mặt không nhìn”. Bi kịch của tình yêu đầu đơn phương, một phía và nỗi đau trong lòng thi sỹ Hoàng Cầm. Cả bài thơ là hai quá trình trái ngược nhau của hai con người. Người em (thi sỹ Hoàng Cầm), vì yêu chị mà háo hức, miệt mài, kiên nhẫn đi tìm cho được “lá Diêu Bông” để chứng thực cho tình yêu chị của mình. Và càng tìm thì lại càng xa vời, càng tìm lại càng không phải Lá Diêu Bông. Để rồi suốt cuộc đời cứ đi đầu non cuối bể hời gọi Diêu Bông hời, Diêu Bông hỡi. Mà làm sao có thể tìm thấy được. Vốn dĩ không tồn tại trên đời một cây gọi là lá diêu bông. Nhân vật em đã từ cái thực (là tình yêu Chị của mình) để đi tìm một chiếc lá ảo Diêu Bông và suốt cuộc đời đi tìm chiếc lá ảo ấy cùng tình yêu và nỗi đắng cay như là không thực – như là trò đùa của số phận trong tình yêu của mình.Ngược lại, người chị (Chị Vinh – Người con gái hơn Hoàng Cầm 8 tuổi, người mà Hoàng Cầm yêu bằng một tình yêu như là cổ tích) lại có một quá trình như là ngược lại.Chiếc Lá Diêu Bông là chiếc lá không thực. Ngay từ đầu chị biết như thế, và như một trò đùa, một trò đùa không thực, một lời thách đố: “Ai tìm được Lá Diêu Bông, từ nay ta gọi làm chồng”. Chị thừa biết về mặt lý trí rằng, thực tế làm gì có lá Diêu Bông. Và làm sao có thể tìm được chiếc lá không thực ấy. Từ chiếc lá ảo của trò đùa ấy, để đến cuối cùng, sau 4 lần kiên nhẫn kiếm tìm của người em, sau khoảng thời gian rất dài, vừa cụ thể, đếm được (hai ngày sau, mùa đông sau) vừa trìu tượng không xác thực (ngày cưới chị, đến khi chị 3 con), người chị đã nhận ra, đã tìm được một tình yêu đích thực ở người em. Với nhân vật chị, lá Diêu Bông là một quá trình đi từ cái ảo của một trò đùa đến cái thực của một tình yêu.Người đọc bị ám ảnh mãi bởi tâm trạng của chị qua bốn lần em tìm thấy lá. Bốn lần tìm thấy lá là cả một thời gian rất dài, mỗi lần một cung bậc, một khắc khoải. Và bốn lần đứng trước lá là cả diễn biến tâm trạng của chị – hãy xem diễn biến phản ứng của chị mỗi lần đứng trước lá: Lần đầu chỉ sau 2 ngày khi có lời thách đố: “Chị chau mày, đâu phải lá Diêu Bông”. Đây là quá trình diễn biến tâm trạng của người chị rất phù hợp với quá trình đi từ cái ảo để dần dần phát hiện ra cái thực. Tâm trạng chị phản ứng ngược chiều với sự phát hiện ấy. Từ cái chau mày, đến cái lắc đầu, để đến nụ cười là một quá trình giảm dần của cái ảo để đến lần thứ tư là một sự phát hiện. Người chị phát hiện, hay nói khác đi là tìm thấy một tình yêu đích thực, trung trinh, thánh thiện, không còn là con trẻ, đủ độ từng trải, đủ độ thử thách qua bao nhiêu thời gian biến cải, ở người em. Và khi phát hiện ra nó, chị không dám đối mặt với nó, chị chạy trốn nó: “Xòe tay phủ mặt chị không nhìn”. Để rồi em lại ôm một nỗi cô đơn:

Em mười hai tuổi tìm theo Chị

Qua cầu bà Sấm, bến cô Mưa

Đi…

ngày tháng lụi

tìm không thấy

Giải yếm lòng trai mải phất cờ

Cách nhau ba bước vào vườn ổi

Chị xoạc cành ngang

Em gốc cây

– Xin chị một quả chín!

– Quả chín..

quá tầm tay

– Xin chị một quả ương

– Quả ương

chim khoét thủng

Lẽo đẽo Em đi vườn mai sau

Cúi nhặt chiều mưa dăm quả rụng.

Cái hay của đoạn thơ chính là ở chỗ Hoàng Cầm đã biết tìm cho thơ một lối biểu tượng hai mặt mang tính hàm súc. Bởi vì trong câu chuyện ngỡ như đùa ấy: trốn- tìm, xin- cho, vẫn thấp thoáng sau nó một thông điệp về cuộc tìm kiếm ái tình. Người chị kiêu sa, ẩn ức. Người em dại khờ, hăm hở, có khi tưởng đã chạm đến bến bờ của hạnh phúc chợt vỡ oà hết những hy vọng. Phía bên kia người chị, trái tim đã băng giá lâu rồi, mà bên này người em vẫn hăm hở tìm nơi để hồn yêu nương náu! Do vậy càng hy vọng càng thất vọng. Song điều gì cũng có nguyên do của nó. Ðiều tiên cảm ban đầu hẳn còn nguyên vẹn. Vậy mà người em đâu biết hay cố dối lòng để không biết điều đó.

Và có lẽ, người chị ở đây cũng hướng đến một sự kiếm tìm. Chỉ có điều người em lấy đích là “chị” còn người chị kiếm tìm điều cao cả hơn kia. Một tâm hồn đủ rộng để dung chứa một tình yêu mãnh liệt và sâu sắc, ít nhất là không nông nổi, dại khờ, cả tin như người em. Người chị buốt nhức với nỗi đau vô hình, người em ngược lại đau nỗi đau hiển hiện: hạnh phúc trước mắt mà không với tới…

(Bài làm của HS 11 Văn, năm học 2017 – 2018)

  • Đọc – hiểu tư tưởng, tình cảm của tác giả trong văn bản văn học:

Nhà văn sáng tác bao giờ cũng nhằm thể hiện tư tưởng, tình cảm trong tác phẩm. Đó là linh hồn của tác phẩm.

Vì vậy, đọc – hiểu văn bản văn học là phải phát hiện được tư tưởng, tình cảm của nhà văn ẩn chứa trong văn bản. Tuy nhiên tư tưởng, tình cảm của tác giả trong văn bản văn học thường không trực tiếp nói ra bằng lời. “Cái tư tưởng trong nghệ thuật là một tư tưởng náu mình, yên lặng” (Nguyễn Đình Thi). Chúng thường được thể hiện ở giữa lời, ngoài lời, vì thế người ta đọc – hiểu tư tưởng tác phẩm bằng cách kết hợp ngôn từ và phương thức biểu hiện hình tượng.

VD: HS đọc – hiểu tư tưởng của Hàn Mặc Tử qua những cảm nhận về màu trắng trong thơ ông.

Màu sắc có thể coi là một biểu tượng ngôn từ trong văn học, nhất là trong nghệ thuật ngôn ngữ thơ ca, ý nghĩa của màu sắc càng trở nên giàu có hơn. Mỗi một nghệ sĩ sẽ có một cách định nghĩa riêng cho mình về màu sắc, cũng như có một màu sắc yêu thích của riêng mình.

Đối với Hàn Mặc Tử, không rõ màu trắng có phải là màu sắc yêu thích của ông hay không nhưng có lẽ nó đã trở thành một màu ám ảnh, luôn trở đi trở lại trong tâm trí nhà thơ. Trong cuộc sống, màu trắng được coi là màu của sự khởi đầu bởi mọi vật đều bắt đầu từ màu trắng. Năng lượng phong thủy của màu trắng là khô, sáng sủa, sạch sẽ, tươi mới, có tác dụng làm dịu tâm hồn, lan truyền sự chữa lành bệnh của thuật phong thủy trong suốt không gian. Chính bởi vậy mà trong các bệnh viện, phòng bệnh nhân, màu trắng là màu sắc chủ đạo cho căn phòng, tường màu trắng, ga giường, chăn, gối đều là màu trắng, các bác sĩ và y tá cũng khoác trên mình bộ đồng phục màu trắng. Là một người bệnh, Hàn Mặc Tử không ít lần được gia đình đưa đi khám chữa bệnh ở mọi nơi có hy vọng chữa lành bệnh phong cho ông. Màu trắng quả thực có tác dụng xoa dịu bệnh nhân, nó tĩnh lặng và vô thanh.

Nhưng bị cái màu vô sắc ấy bao quanh nhiều tháng ngày, Hàn Mặc Tử có lẽ cũng bị ảnh hưởng rất nhiều tới tâm lý, màu trắng chi phối, choán lấy tâm trí ông, làm tâm thần sinh ra nỗi ghê rợn, sự cô đơn. Đặc điểm đặc trưng của bệnh viện đã khiến cho những bệnh nhân luôn ý thức được rằng họ đang ở trong phòng bệnh, ý thức mình là người mang bệnh, và đối với Hàn Mặc Tử, trong xã hội thời ấy, căn bệnh phong càng đem lại cho người nó đeo bám một nỗi sợ, một nỗi mặc cảm. Hàng ngày, bị xung quanh là các y tá, bác sĩ túc trực, Hàn Mặc Tử hẳn sẽ dần nảy sinh một cảm giác bơ vơ, trơ trọi, một cảm giác lẻ ra, thừa ra tới phát điên cuồng. Từ một người đang có tài năng triển vọng trong lĩnh vực thơ ca, lại phát hiện mình bị mắc căn bệnh không thể cứu chữa nổi, đó chính là một nỗi đả kích cực kì to lớn đối với nhà thơ bất hạnh.

Từ đó, Hàn Mặc Tử có một cách dùng màu trắng rất riêng biệt, đôi khi nó mang lại cảm giác rùng mình, kinh dị. Như trong bài thơ Nụ cười, Hàn Mặc Tử viết:

“Da thịt, trời ơi! Trắng rợn mình!”

Bình thường, miêu tả về vẻ đẹp da thịt, người ta hay dùng cụm từ “trắng nõn nà” ý chỉ một màu trắng dịu nhẹ của làn da, mềm mại và mịn màng của người con gái. Khi dùng “trắng rợn mình”, vẫn là màu trắng, nhưng ta cảm giác dường như đó là tông màu cao nhất của trắng, màu trắng tới gay mắt, chói mắt. Lại kết hợp thêm từ “rợn mình”, màu trắng của da thịt đặt giữa cảnh trở nên nổi bật trên nền không gian, nó trắng gần như không còn là của con người, màu trắng khiến người ta sững sờ, khiếp sợ hơn là màu trắng của vẻ đẹp người con gái thường thấy. Khi viết Nụ cười (trích trong tập Gái quê), Hàn Mặc Tử còn khá non tay so với các tác phẩm sau này, song, chỉ bằng một cụm từ “trắng rợn mình”, Hàn Mặc Tử đã tạo nên nhãn tự cho cả bài thơ, thu hút ánh nhìn, sự chú ý vào cụm từ này.

Thời điểm sáng tác tập Gái quê, Hàn Mặc Tử vẫn chưa bị cơn đau bệnh bám riết lấy, đó là cái thời mà tài năng của cây bút này nở rộ, báo trước cho một sự nghiệp thơ  “bội thu”. Song ngay từ trong tập thơ này, một màu “trắng rợn mình” đã xuất hiện kia như một dấu hiệu dự cảm báo trước cho những khổ đau sau này của Hàn Mặc Tử. Nói như vậy vì trong bài thơ “Nụ cười”, Hàn Mặc Tử thể hiện một nỗi si mê hết sức bình thường thậm chí là có chút tầm thường đối với nhiều người – đó chính là tính dục. Nỗi si mê, khao khát ấy một khi đi tới tột cùng sẽ hóa thành nỗi sợ, chính bởi càng khát khao, càng cuồng si thì càng dễ điên cuồng, điên loạn. Việc nhà thơ khát khao, ao ước nhưng lại không thể thực hiện được đã tạo ra một chất điên chỉ có riêng trong thơ Hàn Mặc Tử.

Màu trắng ông luôn thèm khát ấy không bao giờ thuộc về ông, nó xuất hiện trong thơ bằng mọi vẻ quyến rũ nhất, mời mọc nhất nhưng cũng đáng sợ vô cùng. Khi si vọng một điều gì đó quá lâu, bất giác con người ta lại có một tâm lý ngược là cảm thấy sợ hãi trước chính điều mà ta vẫn hằng mong mỏi. Hàn Mặc Tử cũng thế, màu trắng của da thịt tuy đẹp, nhưng không thể nào chạm với tới, nó ám ảnh tới đáng sợ. Những nỗi khát khao trực trào trong cả những cơn mộng mị khiến Hàn Mặc Tử càng yêu lại càng sợ hãi, càng muốn tới gần lại càng muốn đẩy mình ra xa hơn. Viết về màu trắng ấy, Hàn Mặc Tử có thái độ vừa cuồng vừa si, toan chạy trốn song lại không thể cất bước, vừa yêu lại vừa hận.

Màu trắng còn xuất hiện trong nhiều tác phẩm khác của Hàn Mặc Tử, trong bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ tiêu biểu, màu trắng cũng từng hiện lên trong câu thơ:  

“Mơ khách đường xa, khách đường xa

Áo em trắng quá nhìn không ra.”

 Đây phải chăng chính là câu thơ giải thích cho việc màu trắng xuất hiện nhiều và ám ảnh tới vậy trong thơ Hàn Mặc Tử? Có nhiều giả thuyết cho rằng người “khách đường xa” trong bài thơ ám chỉ tới bà Hoàng Cúc – người phụ nữ mà Hàn Mặc Tử thầm yêu đơn phương. Giờ đây trong trại phong Quy Hòa, căn bệnh phong càng làm Hàn Mặc Tử và Hoàng Cúc xa nhau, khiến ông tuyệt vọng và chết lặng. Tất cả đối với Hàn Mặc Tử có lẽ đã là một dấu chấm hết, nhưng vẫn cứ mênh mang, trôi nổi trong suốt dọc các bài thơ khác của Hàn Mặc Tử.

Màu trắng của “áo em” ở đây là “trắng quá” (trắng thường được dùng với sắc độ cao nhất trong thơ Hàn Mặc Tử) nhưng lại “nhìn không ra”. Có người nói rằng, bà Hoàng Cúc đã gửi tặng thi nhân tấm ảnh mặc áo dài trắng khi ông đang phải điều trị bệnh ở Gành Ráng, Qui Nhơn. Khi viết Đây thôn Vĩ Dạ, toàn bộ những màu sắc, những cảnh vật đều được viết lại từ kí ức, sự hồi tưởng của Hàn Mặc Tử. Màu áo trắng của người yêu đã gây ấn tượng sâu sắc cho nhà thơ, nó xuất hiện gần như chỉ là ảo ảnh, trắng thật nhưng lại nhìn không ra bởi nó đang dần hòa tan dần vào “sương khói mờ nhân ảnh” kia, không thể chạm với tới được.

Hàn Mặc Tử viết nên những câu thơ này, có lẽ là bằng toàn bộ những cảm xúc thống thiết nhất, giằng xé nhất, đau đớn nhất. Màu áo trắng vừa rõ ràng lại vừa như ảo ảnh, rõ ràng trong trí nhớ, trong hồi ức như xa xôi bởi chỉ còn ở lại trong quá khứ, chỉ có thể hồi tưởng mà chẳng thể nào một lần nữa tận tay, tận mắt trải nghiệm. Với bằng mọi nỗi nhớ nhung, màu trắng ấy quấn lấy Hàn Mặc Tử, nhưng lần này trong câu thơ, đó là một nỗi lòng da diết, tha thiết tới gần như là van vỉ, van lơn. Cảm tưởng như đây chính là lúc yếu lòng nhất của Hàn Mặc Tử, lúc cô đơn nhất, lúc tuyệt vọng nhất, muốn người ở bên nhất nhưng lại chẳng thể nào trở thành hiện thực. Không còn là cái màu trắng “rợn mình”, Hàn Mặc Tử vẫn khát khao màu trắng ấy nhưng bằng một thái độ trân trọng, trân quý tới tột bậc, tột cùng. Đó là toàn bộ tình yêu, nỗi niềm, những hồi ức quý giá chẳng bao giờ có thể có lại được. Hàn Mặc Tử thèm khát màu trắng trong trí nhớ nhưng lại sợ chỉ chạm tay vào, tất cả ảo ảnh sẽ hóa thành bong bóng xà phòng, sẽ hóa thành hư vô. Cảm xúc chi phối Hàn Mặc Tử là một nỗi sợ hãi vô hình, sự dè dặt vô danh làm cho nhà thơ càng thêm thu mình lại.

Về màu trắng xuất hiện trong những bài thơ về kí ức, sắc trắng thường mơ hồ, nhòa vào với cảnh vật, như phủ một lớp sương trắng giăng giăng lên những kí ức ấy. Trong Mùa xuân chín, giống như Đây thôn Vĩ Dạ, bài thơ này cũng có kết cấu lồng mộng như vậy. Mơ mộng ở đầu bài thơ là hiện thực nhìn thấy, chạm tới được nhưng rồi hiện thực bị đẩy đi xa hơn, mờ mịt nỗi buồn trong tâm tưởng:

“Khách xa gặp lúc mùa xuân chín

Lòng Trí bâng khuâng sực nhớ làng

Chị ấy năm nay còn gánh thóc

Dọc bờ sông trắng nắng chang chang.”

Ở câu thơ cuối, cách kết hợp giữa nghĩa của từ và vần “ang” đã mở ra một không gian rộng, tất cả dường như đều nhòa mờ trong cái chói chang của nắng, hình bóng người chị đi từ hiện thực vào màu trắng của thế giới u hoài trong tâm tưởng Hàn Mặc Tử. Ông u hoài, chiêm nghiệm về số phận, về cuộc đời. Khổ thơ cuối kết hợp với hai câu thơ khổ trên “Ngày mai trong đám xuân xanh ấy – Có kẻ theo chồng bỏ cuộc chơi” làm toát lên một nỗi buồn man mác của đời người. Cái mùa xuân xanh không còn nữa, chẳng bao giờ tìm lại về được nữa, tất cả chỉ còn đọng lại ở khoảnh khắc mùa xuân đã chín rồi kia. Hàn Mặc Tử buồn nỗi buồn cố hữu cho cái thời một đi không trở lại, thi sĩ ngậm ngùi cho biết bao cô thôn nữ, khó tránh khỏi cái quy luật này. Và chính từ nỗi buồn thương cho số phận người, Hàn Mặc Tử thương cho thân phận mình, cũng như nuối tiếc cho thân phận của những nhà thơ “lỡ đầu thai nhầm thế kỷ”.

Miền kí ức của Hàn Mặc Tử hỗn độn, ánh nắng chói chang, nắng tới trắng cả dòng sông làm cho người ta như chỉ nhìn thấy một màu trắng gay gắt, một màu trắng gợi về biết bao cảm xúc, bao tình cảm nhưng rồi cũng chỉ biết nuối tiếc, chỉ đành thở dài. Người lữ khách như Hàn Mặc Tử, một con người luôn mang cái tấm lòng, tình thương mến cho một làng quê thân thuộc quê hương. Màu trắng trong câu thơ gợi tới một tình cảm dịu êm nhưng lại buồn man mác, một tình cảm âm thầm, nâng niu, thao thức dù đã mờ dần đi trong ánh nắng ấy nhưng chẳng bao giờ có thể khuất lấp, có thể quên đi.

Xuyên suốt các bài thơ của Hàn Mặc Tử, ta thấy màu chủ đạo là màu trắng, nhưng sắc thái khác nhau, không đồng đều. Mỗi màu trắng là một màu riêng, một tâm trạng, cảm xúc rất riêng, mà khó ai có thể hiểu được. Đi từ màu trắng này tới màu trắng khác, tức là ta đang đi từng bước trên con đường đi vào nội tâm nhiều chiều, đầy trăn trở, băn khoăn, rất “con người” của Hàn Mặc Tử. Con người ấy, dù quãng thời gian mà cuộc sống này níu kéo không được bao lâu nhưng đó chắc chắn chính là những tháng ngày mà Hàn Mặc Tử sống thật nhất với chính bản thân mình, sống ý nghĩa nhất. Đã 78 năm kể từ ngày mất của thi sĩ, song, người ta vẫn không ngừng đi tìm “những màu sắc trong màu trắng”, thay thi nhân điểm tô những màu sắc đó vào đời người, lòng người.

(Bài làm của HS 11 Văn, năm học 2017 – 2018)

 

  • Đọc – hiểu và thưởng thức văn học:

Mọi sự hiểu đều là tự mình hiểu. Đọc – hiểu như vậy là sự tự khẳng định của người đọc về nhiều mặt. Người đọc sung sướng nhận ra tư tưởng của tác phẩm, nhận ra sự thống nhất toàn vẹn của văn bản xung quanh tư tưởng ấy, cảm nhận vẻ đẹp hài hòa của văn bản và có được khoái cảm về tinh thần.

Thưởng thức văn học là trạng thái tinh thần vừa bừng sáng với sự phát hiện chân lí đời sống trong tác phẩm, vừa rung động với sự biểu hiện tài nghệ của nhà văn, vừa hưởng thụ ấn tượng sâu đậm đối với các chi tiết đặc sắc của tác phẩm. Đó là đỉnh cao của đọc – hiểu văn bản văn học. Khi đó người đọc mới đạt đến tầm cao của rung cảm và hưởng thụ nghệ thuật.

Để rèn kĩ năng đọc – hiểu và thưởng thức văn học cho HS chuyên Văn, chúng tôi thường ra đề khái quát, đề mở, từ đó HS có thể tự do lựa chọn tác phẩm để thể hiện năng lực đọc – hiểu của mình.

Dưới đây là một đề bài cụ thể và bài làm của học sinh.

Đề bài: Trong bài viết “Văn học đã giúp ta biết gì về những kẻ khác”, nhà phê bình người Pháp Alexandre Gefen có đưa ra một nhận định:

“Một tác phẩm văn học được sáng tác ra không phải để đưa ra những chứng minh như trong toán học hay vật lí, không nhằm xác lập những quy luật hay thực tế phổ quát, mà ngược lại, nó cho phép ta được biết tới, được tiếp cận với những trường hợp rất đặc thù mang tính gợi mở, gây hoang mang, những tình huống độc đáo và ấn tượng, những ví dụ nhạy cảm và khó quên.”

Anh /chị có suy nghĩ gì về nhận định này? Minh họa quan điểm của mình bằng một vài tác phẩm tự sự tự chọn.

Bài làm của HS: đọc – hiểu bộ ba tác phẩm “Vàng lửa” – “Kiếm sắc” – “Phẩm tiết” của Nguyễn Huy Thiệp

Con người là đối tượng muôn đời của văn chương. Hơn thế nữa đó còn là những con người sống động, tinh vi – những cá thể dị biệt của cuộc đời. Chính nhờ cách tiếp cận con người như thế mà văn chương có được những đặc tính kì diệu: “Một tác phẩm văn học được sáng tác ra không phải để đưa ra những chứng minh như trong toán học hay vật lí, không nhằm xác lập những quy luật hay thực tế phổ quát, mà ngược lại, nó cho phép ta được biết tới, được tiếp cận với những trường hợp rất đặc thù mang tính gợi mở, gây hoang mang, những tình huống độc đáo và ấn tượng, những ví dụ nhạy cảm và khó quên.” Những “ví dụ nhạy cảm và khó quên” ấy, thực tôi đã thấy trong những trang văn Nguyễn Huy Thiệp.

Bất cứ thứ gì con người tạo ra cũng nhằm đem lại hạnh phúc, phục vụ con người. Chúng ta không thừa hơi đi trăn trở, cải tạo cuộc sống kẻ khác. Máy móc, nhà cửa, rồi sau đó là chính trị, khoa học, nghệ thuật, tôn giáo,… tất thảy đều lấy đích đến cuối cùng là con người. Vì thế điểm xuất phát của chúng phải nằm ở chính con người. Mối quan tâm hàng đầu của con người là chính chúng ta. Khoa học, các hình thái ý thức xã hội không nằm ngoài quy luật ấy. Như vậy, “đối tượng của văn chương là con người” dường như là một mệnh đề vừa vừa, chung chung, không cụ thể, cũng chẳng khái quát. Bởi lẽ, như đã nói, chẳng cứ gì văn học, hàng ti tỉ môn học khác cũng lấy con người làm đối tượng. Hơn nữa, con người ở những môn ấy cũng khai chiến ác liệt giành quyền lên ngôi trong cái “thượng tầng kiến trúc” của xã hội. Vậy điều gì có thể cứu văn học khỏi cái đặc trưng – “đối tượng là con người” – chung chung và mờ nhạt? Điều gì khiến văn học không bị nuốt gọn bởi một chính trị sít sao và quyền lực với cuộc sống, một đạo đức tôn kính và đáng nể vì, một tâm lí học sành sỏi và cũng khai thác “thế giới bên trong” của con người ra trò? Nhà phê bình người Pháp Alexandre đã chỉ ra: Bởi văn học là những “trường hợp đặc thù”, chông chênh, dễ gây “hoang mang” nhưng cũng vô cùng “gợi mở”. Bởi văn học là những “ví dụ nhạy cảm và khó quên”. Chỗ đứng của văn học chính ở chỗ: Trang văn cho thấy những con người cá thể, những con người bất ngờ và không hoàn chỉnh, nhưng con người dằn vặt, thậm chí vật lộn với thế giới bên trong mình. Họ là những con người đứng ngoài, nhưng con người chỉ xuất hiện một lần.

Tôi rất thích cách nói của nhà phê bình Gefen. Quả thực văn học nên và chỉ nên đưa ra những “ví dụ” – “nhạy cảm và khó quên”. Nếu vật lý, sinh học,… đưa ra những công thức, khái niệm để định danh cho sự hiện diện mang tính tồn tại của con người, thì văn học đem lại hơi thở cho đám số má ấy. Hơn thế nữa, văn học còn như những động từ bất quy tắc trong tiếng Anh, cứ có bao nhiêu quy tắc thì có bấy nhiêu trường hợp bất quy tắc. Khoa học có bao nhiêu định danh về tồn tại của con người thì văn học có bấy nhiêu số phận nằm ngoài quy định ấy. Trong văn học ta luôn tìm thấy những con người bơ vơ, những số phận lạc lõng, bị bỏ quên, rớt lại sau cáu đám chúng nhân xô đẩy rùng rùng tiến theo con thác của lịch sử. Chính ở những “ví dụ” nhỏ bé khiêm tốn ấy, ta thất cả hai gương mặt – đám đông “hợp thời” và cá nhân “lạc bầy”. Chính ở đó ta băn khoăn tự vấn liệu mình có phải gương mặt vô diện trong cái đám đông kia, và liệu không “lạc bầy” đã là lựa chọn đúng? Văn học khác đạo đức là ở chỗ đó. Đạo đức cho con người ta hai con đường: một là khuôn phép, hai là hỏng, anh bắt buộc phải nghe theo đạo đức. Văn học mềm mại hơn. Nó cho ta thấy, chờ ta suy ngẫm, và ngấm ngầm bắt ta ngẫm mãi, lâu rồi trở thành ăn năn, dằn vặt, quày quả chật vật. Có ba cái câu văn tả cảnh mà cũng làm anh Hộ vật lên vã xuống, đánh vợ đuổi con, khóc một cách đắng ghét. Đạo đức là tiếng răn của đám đông dành cho mỗi thành viên, văn học là câu chuyện tự thú của những cá nhân không được đạo đức chấp nhận. Tôi rất thích đọc văn Nguyễn Huy Thiệp. Con người trong văn ông bao giờ cũng là những ví dụ, cực kì nhạy cảm và không thể quên. Không khó nhận ra hay kiểu nhân vật quen thuộc trong những trang viết ấy: những kẻ tật nguyền, dị hợm, kì quái, luôn vật vã trong một niềm si mê khó hiểu nào đó, và những “con gái thủy thần”, nàng Vinh Hoa lộng lẫy và quý báu, nàng Mị Nương cao sang đẹp đẽ. Tôi muốn tìm hiểu con người trong văn học ở một kiểu nhân vật vừa là những kẻ đáng thương, vừa là những vật “quốc bảo” đáng sợ, đáng trân quý – những ông vua – trong truyện ngắn “Phẩm tiết”.

Muốn trở thành định nghĩa, phải là đúc kết, thế nhưng con người văn chương lại không chịu nằm yên một chỗ. Đó là những bản thể từ chối ngưng đọng, những bản thể luôn luôn xoay cần trong quá trình tiệm cận hoàn thiện của nó. Con người trong văn chương cứ luôn đang sấp ngửa một cái gì đó. Trên hành trình chạy và ngã của mình, con người mở ra biết bao nhiêu là khả năng – cái mà Gefen gọi là “gợi mở”. Bên cạnh hình ảnh một ông vua quát thét ra lửa, chỉ một câu nói có thể làm cho mạng người lay chuyển, vua Quang Trung còn có một diện mạo khác. Như bao bậc minh quân, sau chiến thắng, người vời những kẻ giàu có, trí lực đến kết giao, lấy đó làm điểm tựa xây dựng thái bình thiên hạ. Ông có là một nhà vua sáng suốt? Có. Khi tên nhà buôn ngạo mạn chê món ăn tiệc vua “có vị lợm”, người chỉ cười nhạt, ông có sâu sắc trải đời? Có. Khi nổi giận với đám lễ vật bất kính của Ngô Khải, người lập tức sai quân vây bắt, ông có oai phong quyền lực? Có. Nhưng đó là biên ghi của một nhà chép sử. Nguyễn Huy Thiệp còn cho ta thấy một nhà vua “đang đêm xõa tóc, đi chân đất, vừa đi vừa vấp, chạy vào báo cho Vinh Hoa việc Khải mất”. Sẽ không bao giờ có một ông vua như thế trong sử sách. Nhưng chính ở cái hoang mang này, ta mới thấy được phần nhân tính trong một ông vua – một con người như vao kẻ tầm thường nhỏ mọn trước tội lỗi của mình. Dẫu biết ngai vàng vua ngự đắp bằng những cục máu, ta phải xét lại: Phải chăng vua Quang Trung với các bộ tịch sấp ngửa ấy, ông cũng chỉ là một mầm sống với niềm kinh hãi tột độ khi gây ra cái chết của một mầm sống khác. Thì ra con người nào có thoát khỏi quy luật muôn đời của tạo vật – yêu sống, ham sống, hướng sống. Nguyễn Huy Tưởng đã đối thoại lại với định kiến của lịch sử, vua Quang Trung kia, cũng giống như chàng Rama phút chót vẫn nổi cơn ghen tuông với vợ, cũng chẳng khác chàng Asin nhỏ giọt nước mắt khóc người bạn bị giết, những con người ấy, dù có được thần thánh hóa, dù có là “thiên tử”, trước sau vẫn cứ là con người, mãi mãi nhỏ bé, không hoàn tất, không biết hết và cũng không được biết hết.

Đặc trưng con người văn chương không chỉ nằm ở bản chất đối tượng mà nó miêu tả cái làm nên sức hút cho con người văn chương còn ở chỗ: Văn chương tiếp cận con người ấy dưới góc độ cá thể. Luôn luôn ta thấy những con người cá nhân, tách biệt, nói một cách “bi kịch” hơn, đó là những con người lạc lõng, cô độc giữa cuộc đời. Chúng ta thấy một Vũ Như Tô không được hiểu, chết đi mang theo sự sụp đổ của Cửu Trùng đài – ước mơ “tranh tinh xảo với hóa công”, một hồn Trương Ba cứ nằng nặc “tôi muốn là tôi toàn vẹn” trong khi đến cả “Ngọc Hoàng nữa, chính người lắm khi cũng phải khuôn ép mình cho xứng với danh vị Ngọc Hoàng”, một ông lão Xan-tia-gô gồng mình lên, bải hoải đi để chiến đấu với biển khơi và rút cục mang về một bộ xương khổng lồ mà cũng chẳng ai biết để làm gì. Họ là những người cô độc, nhưng may mắn thay, cô độc trên con đường đi tìm chân lí. Họ có quyền được đứng trên thất bại và lạc lõng của số phận. Cái tôi muốn nói đến ở đây có lẽ không phải là sự cô độc cao thượng như thế. Cái cá nhân, cá thể của một ông vua có lẽ không cao quý như địa vị ông ta. Vua Gia Long nói: “Binh đao là trò chơi của trời. Sao mày lại hỏi ta? Ta chơi trò khác, chơi trò đế vương”. Cái trò đế vương ấy ông vua nào chẳng phải chơi. Ở đó, ông vua là con nhện khổng lồ nắm trong tay cái mạng vinh hoa phú quý mà đánh bắt những kẻ xấu số mon men, trái ngang ở chỗ, những kẻ xấu số ấy trong trường hợp này lại là những con nhện. Nhện vua vừa cần, vừa sợ những miếng mồi béo bở xung quanh, không biết mình ăn nó, hay nó ăn mình. Đọc “Phẩm tiết”, thấy kẻ nào thân với vua rồi cũng đến lúc chết. Vua Quang Trung giết Khải, ghét bọn Kỷ, vua Gia Long giết Vũ Văn Toàn, chửi Văn Thành. Hai ông vua cừu địch mà hóa ra đều lâm vào một bi kịch chung: Kẻ thiết lập đám đông, những tưởng sống giữa cái sôi nổi, đông đúc nhất của nhân quần hóa ra lại là một cá thể “lạc bầy”, nghi kị và cảnh giác ngay trong mảnh đất của mình. Không mấy ai đọc mỗi một “Phẩm tiết” trong bộ ba “Kiếm sắc” – “Vàng lửa” – “Phẩm tiết”, trong “Vàng lửa”, tác giả có một nhận định sắc sảo về vua Gia Long: “Nhà vua là một khối cô đơn khổng lồ. Ông đóng trò rất giỏi trong triều đình… Ông luôn lo sợ bởi quyền lực nắm trong tay, nó lớn ngoài sức chứa một con người”. Thiết nghĩ, đó là một nhận xét đúng cho cả hai hình tượng vua trong “Phẩm tiết”. Con người này cô đơn thực sự, cô đơn bởi tất cả những kẻ khác đều muốn hạ bệ mình, chiếm lấy phú quý. Đó là cái cô đơn đau đớn của một kẻ nhận ra: mọi cái gọi là trung quân, là hi sinh, là thờ phụng, đều chỉ là giả dối; bọn người kia đến với ta chẳng qua vì cái thứ mà ta đang ngồi lên, đang nắm giữ. Nếu một ngày có thằng ăn mày leo lên ngai vàng mà mặc long bào, thì chúng nó cũng vẫn cứ cum cúp thờ phụng, mà “trung quân”, mà “vạn tuế”. Đó là cái cô đơn còn đáng sợ hơn cả một người bị bỏ rơi ngoài đảo hoang, đáng sợ hơn cả cái cô đơn của thằng Chí Phèo “đói rét, ôm đau và cô độc”. Thà ghét thì cứ nói là ghét, không quan tâm thì cứ lơ đi, đằng này không, cái đời sống cộng sinh nó không cho phép. Cô đơn của những ông vua, đó là nỗi khổ của kẻ phải sống gần gũi với những kẻ giết người mà mỉm cười dịu dàng; nó đau hơn nhiều cô đơn bởi những kẻ giết người không che đậy, những kẻ ít nhất còn dám huỵch toẹt: “Thằng nào chứ hai thằng ấy chết thì mình không tiếc”

Tại sao viết về con người cá thể mà tôi lại cứ muốn “bi kịch hóa” nó thành cô độc?! Nhưng quả thực không cô độc không được. Muốn trở thành cá thể, con người phải biết sống tách khỏi bầy đàn, dám sống là mình chính mình, phải dũng cảm mà chiến đấu với cái bầy đàn đang lăm le trừ khử đi đứa con lạc bầy. Như vậy thì thử hỏi, không cô độc sao được? Nhưng chính ở chỗ tách bầy đó, ta mới thấy con người đáng quý. Nếu cuộc sống chỉ có ào ào đi lên theo lịch sử, vâng lệnh chính trị mà gạt đo mọi cái giá phải trả, thì có lẽ con người có thể định nghĩa được. Nhưng con người không chỉ cần đi lên, bước tiếp trên tiến trình lịch sử nhân loại, con người còn cần phải lắng, phải sống. Văn học cho ta thấy mặt sau của những tấm huy chương, cái giá đắt cho mỗi bước đi con người. Nó cho ta thấy những ông vua nhàu nát và trần trụi vì tính toán, vì trải đời, cho ta thấy kẻ bầy tôi chết bởi chính lưỡi gươm của mình, cho ta thấy chàng Trương Chi với giọng hát nghệ thuật trong trắng của mình ứ họng lên vì phải hát ca ngợi tiền, ca ngợi công danh. Ở cá nhân, mọi quy chuẩn có lí đều không vừa vặn, dường như cái gì cũng lệch chuẩn, thậm chí vượt khung, bịt chỗ này thì hở chỗ khác. Chính ở đó, văn học cho thấy sức mạnh của mình. Những trang viết cứ cần mẫn thâu góp mảnh đời nhỏ bé, cho ta thêm dày lên trải nghiệm. Trong chính bài viết “Văn học đã giúp chúng ta biết gì về “kẻ khác”?”, Gefen nói: “Văn học – kẻ duy nhất có tham vọng mở lại được cánh cửa mà Vulcain đã lỡ tay chốt chặt để giúp chúng ta nhìn thấy được tâm hồn của những kẻ khác”, hơn thế nữa, “trở thành những kẻ khác”. Trước khi thực hiện những chức năng giáo dục cao quý nào đó, văn học cho con người cảm giác và trải nghiệm, được sống qua bao thăng trầm mà có lẽ một số phận không thể có hết được. Văn học, là nơi nâng niu các giá trị thiểu số, cho chúng ta – những thứ gọi là đa số, biết chấp nhận “kẻ khác”, sống một cách có nhân tính hơn.

Sự bất toàn và cô độc của con người đi vào văn chương qua thế giới tinh thần. Mọi khía cạnh của con người suy cho cùng cũng chỉ quy về xuất phát điểm là sự vận động của dòng ý thức. Trong thế giới vi diệu và phức tạp ấy, các nhà văn đua tài, có người vụt lên sáng mãi, và tất nhiên, có kẻ chìm nghỉm vào bóng tối. Ở đó, con người chưa một lúc nào bị đơn giản hóa, bao giờ cũng được nhìn trong cái cá thể đa nhân cách, đa trị của mình. Từ những câu ca dao nho nhỏ:

“Trèo lên cây bưởi hái hoa

Bước xuống vườn cà hái nụ tầm xuân”

trong cái hình thức rất đỗi giản dị của văn học dân gian ấy, tâm trạng tiếc nuối, hờn ghen, dằn dỗi mơ hồ đã được cụ thể hóa qua bước chân dùng dằng, loanh quanh của con người. Đến những câu thơ Nguyễn Trãi nặng lòng ưu thời mẫn thế:

“Rồi hóng mát thuở ngày trường”

Ở đó, có cái nhẹ nhõm của con người nghệ sĩ hòa mình, lắng mình vào thiên nhiên, vừa dằn vặt, u uẩn tựa một tiếng thở dài – nén rồi mà vẫn trào ra – của con người bị buộc phải nhàn, thân nhàn mà trí không nhàn, tâm không nhàn. Bước vào thế giới hiện đại hơn của thế kỉ XX, ta bắt gặp một Hộ của Nam Cao với những giằng xé giữa bi kịch lí tưởng và bi kịch tình thương, nỗi đau đớn dai dẳng của con người đánh đu giữa những khát vọng, chẳng chạm đến cái nào, nhưng cũng không chịu bỏ cuộc. Cuộc đời của Hộ cứ phập phồng, hổn hển vì những lần bứt lưới tung ta muốn hi sinh tình thương, gia đình rồi lại thổn thức nhận ra mình chỉ là thằng “khốn nạn”, lại cần mẫn vá lưới chui vào. Văn chương nhân đạo chính ở những tâm hồn đa diện ấy. Văn chương nâng niu từng con người, bởi lẽ mỗi con người tiềm ẩn biết bao khả năng và giá trị chưa biết. Nếu chiến tranh có một triệu không trăm linh một người chết, chắc chắn lịch sử sẽ “làm tròn” thành một triệu. Thế nhưng rất có thể, số phận bị lãng quên ấy lại trở thành anh kĩ sư pháo binh Sáclơ Ơgiêni Lôngxêvin của Pauxtopxki – trở thành văn chương. Nếu trong cung vua có hàng nghìn phi tần, có bà Ngọc a lưu danh sử sách, thì cũng chẳng ai dám cản Nguyễn Huy Thiệp viết về Ngô Thị Vinh Hoa – người cung nữ thậm chí còn chưa thành thân với vua. Muôn đời trong văn chương là những số phận ngoài lề. Bởi, nằm ngoài thì mới có cái mà khai thác, nếu người đọc khăng khăng muốn nắm một cái nhìn “trên cao và toàn cảnh”, xin mời sang quầy sách chính trị và lịch sử. Ở đó, đám đông vô diện và và tượng đài chiến thắng đang vẫy gọi bạn, còn văn chương ư? Đó là tiếng thở dài, là lời rì rầm thủ thỉ, là điệu tâm hồn đa thanh phức hợp. Và ở đây, tuy bạn không giải mã được con người, nhưng văn chương sẽ cho bạn thấy: Tại sao con người lại phức tạp đến thế? Chân lí thì khó nắm bắt, và cuộc đời thì là những cuộc hành trình nhiều ngả cho câu hỏi “Tại sao”.

Bước vào “Phẩm tiết”, người đọc thấy một quy luật lịch sử muôn đời – nghi kị và tàn nhẫn là bạn đồng hành của bậc đế vương. Những kẻ theo gót Quang Trung và Gia Long lần lượt nộp mình dưới chân chủ. Nguyễn Huy Thiệp cho thấy: chơi với vua như đùa với hổ. Ngô Khải vì ngạo mạn ích kỉ mà ôm lấy cái chết, Vũ Văn Toàn vì ham tiền mê gái mà hết sống. Hơn thế nữa, lịch sử còn sờ gáy cả vua chúa. Đau đớn đáng thương thay: “Vua Quang Trung hỏi nhỏ: “Vận Tây Sơn được mấy đời?.” Vinh Hoa bảo: “Sao không hỏi được bao nhiêu ngày?.” Nhà vua hỏi vận nước trường đoản cũng là ngầm hỏi về sự vững chắc của ngôi vị chính mình. Sau câu trả lời của Vinh Hoa là nỗi khủng hoảng cực độ trong lòng vua, là tiếng thở dài lo âu của con người anh hùng hảo hán. Nỗi lòng ấy là gương mặt tinh thần ẩn khuất của vua Quang Trung – con người lo âu khổ sở trước sự chông chênh của ngai vàng, của số phận. Vua Gia Long lại hiện lên với nỗi khổ khác: “Sứ mệnh đế vương thật là sứ mệnh khốn nạn, chỉ được quyền cao cả, không được quyền ti tiện”. Hóa ra nơi người đăt ra quy phạm lại bùng cháy cái khao khát bất quy ấy. Bi kịch vua Gia Long là ở chỗ: con người khao khát những hạnh phúc nhỏ bé tầm thường, được một lần hạnh phúc vì đi ngược những phép tắc chuẩn mực – niềm mong mỏi chân thành và nhân bản – mà không thể được. Con người vốn không hoàn hảo – tốt co, xấu có, cao cả có, thấp hèn có. Bi kịch thay cho người nào “không được quyền ti tiện” – sống giả dối với chính bản thân mình.

Từ những gương mặt tinh thần đau khổ ấy, tác giả cho ta thấy quy luật muôn đời của cuộc sống. Thời nào cũng thế, kiếp nào cũng thế, con người như đám thiêu thân lao vào vinh hoa phú quý. Rũ sạch hết đi những danh từ phủ gấm, cai mộng của con người trần thế chẳng qua là hai chữ: Tiền và Tình. Nguyễn Huy Thiệp đã đi từ quá khứ đến hiện tại, đi từ thế giới tinh thần của vài cá thể để thấy cả thế giới bất trắc và phản nghịch của con người.

Nhưng văn chương nhạy cảm và nhân văn, nó không chỉ gây “hoang mang” mà còn muốn an ủi con người, không chỉ “khó quên” mà còn muốn để lại cho một cái mầm tốt đẹp nào đó trong lòng người. Chính vì lẽ ấy, văn Nguyễn Huy Thiệp không chỉ có những gã đàn ông cục súc, mù quáng và đê tiện, ở đây còn có cả những con người phái yếu. Đó là những người không đơn thuần là nữ tính. Đó là những người mang thiên tính nữ. Họ là ai? Là chị Sinh, chị Thắm, là con gái thủy thần, cô Quy, chị Hiên, là nàng Sinh ở bản Hua Tát, thậm chí, ở một góc độ nào đó, là cả con khỉ cái chung thủy và dũng cảm. Nhân vật của Nguyễn Huy Thiệp là những biểu tượng. Người nữ là biểu tượng cho một cái gì dịu dàng, trong sạch, ấm áp, một cái gì nhỏ bé nhưng bền bỉ như mầm sinh mầm sống. Với nàng Ngô Thị Vinh Hoa, đó còn là biểu tượng cho cái Đẹp, mong manh nhưng bất diệt. 

Vinh Hoa có một cuộc đời thực như cái tên của nàng, sinh ra ở chốn lầu son gác tía, lớn lên trong nhung lụa, hai lần được vào cung, lần nào cũng được vua yêu chiều trân quý, chết đi rồi lại được an táng rất hậu. Nàng xinh đẹp, tài hoa và có một thần thái lạ kì. Phải chăng Nguyễn Huy Thiệp muốn gửi vào đó tấm lòng nâng niu của mình với cái đẹp. Vạn người chỉ có một Vinh Hoa, nhưng nàng khiến tất thảy đều kính phục nể vì cái đẹp ấy khiến kẻ tầm thường phải kinh hãi, thất sắc, xây xẩm mà “ngã quay ra đất”. Cái đẹp ấy không chấp nhận dù chỉ chút nào sự vấy bẩn, ô trọc. Cái đẹp ấy tuy hiếm hoi, mong manh nhưng luôn tồn tại. Cái đẹp như phép màu nhiệm của trời đất, gửi xuống an ủi đám nhân quần hỗn loạn và u tối.

Vậy, viết về vua Quang Trung, Gia Long, viết về Vinh Hoa, Nguyễn Huy Thiệp muốn nói gì? Văn Nguyễn Huy Thiệp tựa như những bức tranh siêu thực- những mảnh ghép kì dị, chẳng ăn nhập gì với nhau, những hình ảnh bị bóp méo đi, biến dạng. Ở tác phẩm này, có sự pha trộn giữa hư và thực, lịch sử và hiện tại, tôn nghiêm và suồng sã. Dường như tính dân chỉ trong ngòi bút tác giả đã đưa đến một cái nhìn rất khác về cung vua phủ chúa, về những đấng bậc anh hào. Một bên là hiện thực trần trụi, “cô độc mới đủ, có phũ như chó mới giàu”, một bên là cái đẹp trong trắng trinh khiết. Hai thứ ấy như lửa với nước, không thể tồn tại cùng nhau, nhưng cái oái oăm thay lại cứ luôn giáp mặt. Đến tận bệ rồng, cái ti tiện tầm thường vẫn cứ thản nhiên diễn ra. Phải chăng, đó chính là con mắt nhìn đời chua chát, “kiêu bạc và tàn nhẫn” (Vương Trí Nhàn) – con mắt thấu suốt cõi nhân sinh quay cuồng vô nghĩa này?!

Thế nhưng, nhan đề của tác phẩm là “Phẩm tiết”. Điều tác giả muốn nói đến hẳn không chỉ là cuộc đời đen tối kia. Vượt lên trên bùn nhơ, con người cần có lẽ sống “phẩm tiết”. Phẩm tiết ở đây có lẽ đúng như lời đại thi hào Nguyễn Du – “Chữ trinh kia cũng có ba bảy đường”, không hoàn toàn là tiết hạnh. “Sự nhị quân, vinh thủ trinh tâm” – phẩm tiết ở đây thực sự là “trinh tâm” – là tấm lòng trinh trắng, cao hơn mọi toan tính lừa lọc vòng danh lợi. Đó là lẽ sống an thường. Sống, là bớt đi mưu đồ, sống nhân ái hơn, tử tế hơn. Dẫu biết “gió mấy có biến hóa”, tiếng đàn nàng Vinh Hoa vẫn thầm thì qua ngàn năm lịch sử:

“Giữ chữ “thường”

Chính đạo thuần vương”.

Cuộc đời này chỉ có một chân lí, chúng ta là vô số ví dụ cho chân lí ấy. Chẳng ai biết bí mật vĩ đại kia là gì, vì thế mà con người cần đến nhau. Khoa học hăm hở đi lên những muốn chinh phục đỉnh cao tri thức, triết học, chính trị, đạo đức vật vã tìm đến đỉnh cao của xã hội. Văn chương nghệ thuật không lấy đỉnh cao làm cứu cánh. Con người văn chương nhỏ bé thôi, yếu ớt thôi, nhưng chứa đựng thế giới tinh thần muôn đời sâu thẳm. Sức mạnh văn chương là ở đó, không cải tổ, không cách mạng, những trang viết chạm vào ta dần dần, từ từ, như mầm cây non cần mẫn chờ đợi ngày nảy nở. Một khi rễ đá bén, nó bền chặt và mạnh mẽ tựa tự nhiên. Cái gì tự nhiên, thì sẽ bất diệt.

KẾT LUẬN

Rèn kĩ năng đọc – hiểu tác phẩm ngoài chương trình cho học sinh chuyên Văn không chỉ là một đề tài nghiên cứu mà còn là một quá trình dạy học thực tế đòi hỏi sự dày công, nỗ lực của cả giáo viên và học sinh. Từ việc trang bị cho học sinh những kiến thức cơ bản về đọc hiểu văn bản văn học, chúng tôi đã tiến hành rèn luyện những kĩ năng cụ thể giúp học sinh có phương pháp đọc – hiểu văn bản ngoài chương trình một cách hiệu quả, thiết thực nhất.

Trong phạm vi một chuyên đề nhỏ, chúng tôi mong muốn chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm của bản thân nhằm định hướng tốt hơn cho quá trình dạy học đọc – hiểu tác phẩm văn học, đặc biệt là các tác phẩm ngoài chương trình.

Rất mong nhận được những ý kiến đóng góp quý giá từ các đồng nghiệp.

 

  1. DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
  2. Lại Nguyên Ân (biên soạn) (2004), 150 thuật ngữ văn học, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội.
  3. Nguyễn Đăng Mạnh (2005), Nhà văn Việt Nam hiện đại – Chân dung và phong cách, NXB Trẻ TP. HCM.
  4. Trần Đình Sử, Lê Bá Hán, Nguyễn Khắc Phi (2005), Từ điển thuật ngữ văn học, NXB Giáo dục, H.
  5. Đỗ Ngọc Thống (chủ biên) (2012), Tài liệu chuyên Văn, tập một, NXB Giáo dục, H.
  6. Nhiều tác giả (2012), Từ điển Tiếng Việt, NXB Thanh niên, H.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *