Rèn kĩ năng đọc hiểu tác phẩm văn học ngoài chương trình cho học sinh chuyên văn-bài 17

Tài liệu Văn

RÈN KĨ NĂNG ĐỌC, HIỂU TÁC PHẨM NGOÀI CHƯƠNG TRÌNH

CHO HỌC SINH CHUYÊN VĂN

 

PHẦN MỞ ĐẦU

  1. Tại sao phải rèn kĩ năng đọc, hiểu tác phẩm ngoài chương trình cho học sinh Chuyên Văn?

          Việc rèn kĩ năng đọc hiểu tác phẩm văn học cho học sinh chuyên Văn hiện nay là một hoạt động rất cần thiết. Nếu Christine de Pisan đã từng cho rằng “Đọc sách là một phần đối với bổn phận của người phong nhã” thì cũng có thể nói việc đọc tác phẩm văn học là một phần đối với bổn phận của học sinh chuyên Văn vậy.

Tại sao như thế? Bởi việc tích lũy kiến thức Văn học là một yêu cầu quan trọng của người học Văn. Có kiến thức rộng, sâu, chắc về văn học, mới có thể bàn chuyện văn chương được, mới bồi đắp tâm hồn, thể hiện năng lực văn chương. Nó cũng biểu thị mức độ yêu văn chương.

Trong bối cảnh xã hội hiện đại, khi mà việc đọc ít sách đang là một nguy cơ đáng báo động đối với con người nói chung, với giới trẻ nói riêng thì việc rèn kĩ năng đọc sách văn học cho học sinh chuyên Văn lại càng cần thiết. Lợi ích của công nghệ, các loại hình giải trí hiện đại, sống động đang lấn lướt, giảm bớt thời gian đọc. Những con chữ đơn giản, đòi hỏi phải cảm nhận một cách sâu sắc, chậm rãi, đòi hỏi phải trải nghiệm… có lẽ khó cạnh tranh nổi với thức ăn nhanh, mì ăn liền của giải trí tinh thần. Mười năm trở lại đây, ngay cả ở các bài văn của học sinh giỏi quốc gia khi lấy dẫn chứng cũng chỉ đơn thuần gói ghém trong các tác phẩm sách giáo khoa, không có sự mở rộng ra bên ngoài. Điều đó cho thấy việc đọc sách văn học, tiếp nhận tác phẩm văn học của các em đang dần bị thu hẹp.

Trong khi đó, văn chương, dù nhìn ở góc độ nào, cũng đòi hỏi phải sâu rộng. Người sáng tác sẽ không thể sáng tác văn chương đích thực, nếu cứ mãi “đóng cửa phòng văn hì hục viết’, nếu chỉ đào sâu mãi cái giếng cạn của cuộc đời mình. Phải sống thật sâu, phải đi thật nhiều, tai nghe trăm thứ chuyện, mắt nhìn trăm cảnh đẹp, phải buồn, vui, yêu, ghét, đau đớn, tủi hổ, hân hoan… với mình với người, mới có thể dùng ngôn ngữ mà thành bất tử. Người đọc, nếu chỉ quẩn quanh với dăm ba tác phẩm, cũng không thể nói đã cảm nhận được tinh túy của văn chương. Đọc nhiều, đọc kĩ, có so sánh, đối chiếu… mới có thể hiểu rõ, hiểu sâu.

  1. Mục đích của việc chú trọng rèn kĩ năng

Mục đích đầu tiên chính là rèn cho học sinh chuyên Văn kĩ năng đọc hiểu tác phẩm văn học.

– Việc đọc không chỉ làm theo hứng thú, cảm tính, mà cần có kế hoạch, có định hướng, trở thành thói quen.

– Cung cấp lí thuyết về kĩ năng đọc và hiểu văn bản, giúp học sinh có các công cụ hỗ trợ và có sách đọc – hiểu đúng, tiếp nhận được giá trị tác phẩm, quay lại nâng cao hứng thú đọc.

– Định hướng cách ghi chép, lưu giữ và vận dụng sau khi đọc, giúp học sinh tự làm giàu vốn văn học của mình.

Thứ hai, trong bối cảnh sách văn học rất phong phú (do in ấn hiện đại, do lượng tác giả lớn, con đường tiếp cận hiện đại phong phú) nhưng cũng rất khó lựa chọn, cũng không thể đọc hết. Thêm nữa, do điều kiện in ấn và mục tiêu dạy học, sách giáo khoa Ngữ văn thường chỉ có thể giới thiệu các tác phẩm, trích đoạn phù hpự với thời gian, tiến trình dạy học, làm cho cách nhìn về gia đoạn văn học, tác giả, tác phẩm còn phiến diện một chiều, khó có thể bao quát, tổng thể. Vì thế,  mục tiêu của hoạt động còn giúp học sinh định hướng việc đọc, ngoài việc làm giàu vốn văn chương nói chung, còn phục vụ thiết thực cho việc học bộ môn và tham gia các cuộc thi chọn học sinh giỏi.

  1. Đối tượng nghiên cứu

– Kĩ năng đọc hiểu tác phẩm văn học

– Một số tác phẩm cần đọc đối với học sinh chuyên Văn và đội tuyển Văn.

  1. Kế hoạch thực hiện

– HS nghiên cứu PPCT, kế hoạch dạy học

– GV chuẩn bị tài liệu

– GV hướng dẫn lí thuyết đọc hiểu và cùng HS xây dựng danh sách các tác phẩm văn học cần đọc

– HS thực hiện đọc hiểu các tác phẩm đã được giới thiệu và có phản hồi.

– GV nhận phản hồi, nhận xét, định hướng tiếp cho HS.

  1. NỘI DUNG
  2. Cơ sở lý luận

Đọc hiểu là một trong những tập hợp kĩ năng quan trọng của môn Ngữ văn trong nhà trường phổ thông. Hơn thế, đó cũng là kĩ năng cần thiết cho mỗi người. Giáo sư Hoàng Tuệ  có đưa ra định nghĩa: “Đọc hiểu là sự hiểu biết, sử dụng và phản hồi lại trước một văn bản viết, nhằm đạt được mục đích, phát triển tri thức và tiềm năng cũng như việc tham gia hoạt động của một ai đó trong xã hội”.  Đó là một nhận định rất sâu sắc. Nội dung khái niệm đọc rất rộng, nhưng cấp độ sơ đẳng nhất người đọc phải nắm bắt đúng thông tin trong văn bản thì mới có thể nói tới các khâu tiếp theo như cảm thụ thẩm mỹ, tiếp nhận giáo dục, năng lực tư duy sáng tạo.

Một trong những nội dung quan trọng là GV phải cung cấp được các hiểu biết, kĩ năng đọc hiểu cơ bản.

Có nhiều cách đọc khác nhau:

– Đọc lướt: Trước khi bắt tay vào việc học, cần đọc lướt qua hướng dẫn, tài liệu GV cung cấp… Đọc lướt là lật nhanh từng trang, hoặc mở ngẫu nhiên một số trang nào đó để định hình cho mình một ấn tượng nhất định về cuốn sách, về tác phẩm.

– Đọc có suy nghĩ: Khi đọc cần phải tập trung tư tưởng, chỗ chưa thông, chưa nắm vững cần phải ngưng để đọc chậm, đọc kĩ, ôn lại. Đọc để hiểu những điều tác giả nói và cả những điều tác giả không nói, mà người đọc tự suy nghĩ, mở rộng đến những điều liên quan mà sách không đề cập đến.

– Đọc có hệ thống: Khi đọc bất kì cuốn sách nào, nên đọc lướt nhanh toàn bộ phần tổng quát của sách để nắm sơ bộ nội dung cuốn sách. Sau đó, tuỳ vào mục đích đọc mà đọc kĩ  một lần hay nhiều lần.

– Đọc có chọn lọc: Đọc có chọn lọc là đọc để tìm những điểm cốt lõi, chọn ý tưởng hay nhất, đúng nhất và có ích cho việc học sẽ rèn được tư duy phê phán, làm tiền đề cho năng lực giải quyết vấn đề sau này.

– Đọc có ghi nhớ:  Đọc sách là học tập tích cực nên cần kèm theo việc ghi chép để nhớ lâu. Các ý chính cần ghi chép cẩn thận, gạch chân hoặc tô màu vì đó là ý cơ bản mà từ đó có thể suy luận ra các ý khác liên quan. Những phần chưa hiểu hoặc chưa nắm vững cũng cần đánh dấu để tiếp tục suy nghĩ, tìm người giải đáp.

Mỗi cách đọc sách trên đây có thể đáp ứng cho những mục đích đọc và loại sách khác nhau.Với các loại sách khoa học và kĩ thuật; đọc với mục đích học tập nghiên cứu phải đọc một cách chủ động, nghiền ngẫm sâu sắc, đi sâu vào nội dung từng vấn đề, trong sách. Đọc sách khoa học nhằm mục đích học tập, nghiên cứu vì vậy, để thẩm thấu sách, chúng ta không chỉ đọc một lần, mà có khi phải đọc nhiều lần mới đạt được mục đích đã đề ra, V.I. Lênin đã khuyên “Sau lần đọc đầu tiên phải ghi lại những chỗ chưa hiểu hoặc chưa rõ ràng để trở lại đọc lần thứ hai, lần thứ ba, thứ tư…”.

Văn bản văn học là dạng văn bản đặc biệt, sử dụng chất liệu ngôn từ có tính nghệ thuật, tạo ra các hình tượng nghệ thuật, nên việc hiểu biết, thưởng thức không hề dễ dàng, dù có thể đem lại cho người thưởng thức nhiều khoái cảm nghệ thuật. Muôn tiếp nhận đúng các giá trị tư tưởng, nghệ thuật của văn bản văn học, người đọc phải có một trình độ ngôn ngữ, văn hóa, hiểu biết chung nhất định; phải thường xuyên đọc, lại biết tra cứu, tưởng tượng, suy ngẫm, tạo thành thói quen tiếp nhận và thưởng thức, hình thành sự đánh giá đối với các giá trị văn học đem lại.

Sách giáo khoa lớp 10 Nâng cao tập 1[1] có bài hướng dẫn các bước đọc hiểu văn bản Văn học.

Bước 1: Đọc – hiểu ngôn từ: Hiểu được các từ khó, từ lạ, các điển cố, các phép tu từ, hình ảnh… (đối với thơ). Đối với tác phẩm truyện phải nắm được cốt truyện và các chi tiết từ mở đầu đến kết thúc.

Khi đọc văn bản cần hiểu được các diễn đạt, nắm bắt mạch văn xuyên suốt từ câu trước đến câu sau, từ ý này chuyển sang ý khác, đặc biệt phát hiện ra mạch ngầm – mạch hàm ẩn, từ đó mới phát hiện ra chất văn. Bởi thế, cần đọc kĩ mới phát hiện ra những đặc điểm khác thường, thú vị.

Bước 2: Đọc – hiểu hình tượng nghệ thuật: Hình tượng trong văn bản văn học hàm chứa nhiều ý nghĩa. Đọc – hiểu hình tượng nghệ thuật của văn bản văn học đòi hỏi người đọc phải biết tưởng tượng, biết “cụ thể hóa” các tình cảnh để hiểu những điều mà ngôn từ chỉ có thể biểu đạt khái quát.

Đọc – hiểu hình tượng nghệ thuật còn đòi hỏi phát hiện ra những mâu thuẫn tiềm ẩn trong đó và hiểu được sự lôgic bên trong của chúng.

Bước 3: Đọc – hiểu tư tưởng, tình cảm của tác giả trong văn bản văn học: Phải phát hiện được tư tưởng, tình cảm của nhà văn ẩn chứa trong văn bản. Tuy nhiên tư tưởng, tình cảm của tác giả trong văn bản Văn học thường không trực tiếp nói ra bằng lời.

Chúng thường được thể hiện ở giữa lời, ngoài lời, vì thế người ta đọc – hiểu tư tưởng tác phẩm bằng cách kết hợp ngôn từ và phương thức biểu hiện hình tượng.

Bước 4: Đọc – hiểu và thưởng thức văn học: Thưởng thức văn học là trạng thái tinh thần vừa bừng sáng với sự phát hiện chân lí đời sống trong tác phẩm, vừa rung động với sự biểu hiện tài nghệ của nhà văn, vừa hưởng thụ ấn tượng sâu đậm đối với các chi tiết đặc sắc của tác phẩm. Đó là đỉnh cao của đọc – hiểu văn bản Văn học. Khi đó người đọc mới đạt đến tầm cao của hưởng thụ nghệ thuật.

Tóm lại, đọc hiểu văn bản văn học là hoạt động cơ bản của con người để lĩnh hội tri thức và bồi dưỡng tâm hồn từ các sáng tạo nghệ thuật bằng ngôn từ.

“Đọc” là một hoạt động của con người, dùng mắt để nhận biết các kí hiệu và chữ viết, sử dụng bộ máy phát âm phát ra âm thanh nhằm truyền đạt đến người nghe, và dùng trí óc để tư duy và lưu giữ những nội dung mà mình đã đọc.

“Hiểu” là khả năng có thể trả lời được các câu hỏi: Cái gì? Như thế nào? Làm thế nào?… tức là phát hiện và nắm vững mối liên hệ của sự vật, hiện tượng, đối tượng nào đó và ý nghĩa của mối quan hệ đó; nhận biết, lí giải và thậm chí là thưởng thức giá trị của đối tượng. “Hiểu” còn là khả năng vận dụng vào đời sống. Nhà phê bình G.Létxinh đã phát biểu về vai trò của việc “hiểu” này: “Ai đọc sách mà không biết được nhiều hơn những điều viết trong sách, người đó mới sử dụng sách có một nửa. Sách làm trí tuệ con người sâu sắc hơn và sáng sủa hơn”.

Đọc hiểu là đọc kết hợp với sự hình thành năng lực giải thích, phân tích, khái quát, biện luận đúng- sai về logic, nghĩa là kết hợp với năng lực, tư duy và biểu đạt.

Khi đọc một văn bản văn học, người đọc hiểu phải thấy được:

– Thể loại của văn bản, nội dung của văn bản; mối quan hệ ý nghĩa của cấu trúc văn bản do tác giả tổ chức và xây dựng;

– Thấy được tư tưởng, ý đồ, mục đích của tác giả gửi gắm trong tác phẩm;

– Cảm nhận được giá trị đặc sắc của các hình tượng, yếu tố nghệ thuật; ý nghĩa của từ ngữ được dùng trong cấu trúc văn bản.

Như vậy, đọc hiểu là hoạt động đọc và giải mã các tầng ý nghĩa của văn bản văn học thông qua khả năng tiếp nhận của người đọc, là quá trình thâm nhập vào văn bản với thái độ tích cực, chủ động. Đọc hiểu tác phẩm văn chương là tiếp xúc với văn bản, hiểu được nghĩa hiển ngôn, nghĩa hàm ẩn, các biện pháp nghệ thuật, thông hiểu các thông điệp tư tưởng, tình cảm của người viết và giá trị tự thân của hình tượng nghệ thuật.

Hướng dẫn cách đọc mới là một phần của chuyên đề dạy học. Một phần nữa cũng không kém quan trọng, là định hướng cho HS đọc cái gì?

Thực ra, càng đọc nhiều, kĩ năng cảm thụ càng được trau dồi, vốn kiến thức về văn học càng dồi dào. Nhưng trong điều kiện học tập, việc định hướng đọc sẽ giúp cả GV và HS đạt đến kết quả nhanh hơn.

Định hướng chọn tác phẩm đọc thêm đối với HS chuyên Văn và HS đội tuyển Văn để phục vụ cho việc học tập:

– Toàn văn các đoạn trích được giới thiệu trong sách giáo khoa: Đọc hiểu các tác phẩm này giúp HS có cái nhìn tổng thể; nắm được rõ hơn vị trí, giá trị đoạn trích.

– Các tác phẩm được nhắc đến trong phần giới thiệu, có mối liên hệ với các tác phẩm được học: Đọc các tác phẩm được giới thiệu sẽ giúp nắm rõ, hiểu rõ các vấn đề có liên quan (đặc điểm của gia đoạn văn học, phong cách tác giả…); có thêm cơ sở để so sánh, đối chiếu với các tác phẩm, đoạn trích trong sách giáo khoa theo những tiêu chí nhất định (cùng thời đại, cùng tác giả, cùng đề tài, cùng cách thức biểu đạt…hoặc khác thời đại, khác tác giả, khác loại hình …)

– Các tác phẩm văn học kinh điển, nổi tiếng của thế giới và văn học dân tộc: Là những tác phẩm giúp người đọc có được những ấn tượng, cảm xúc, đánh giá sâu sắc về văn học; hiểu rõ hơn về sức sống, giá trị, chức năng của ngôn từ nghệ thuật; làm giàu những trải nghiệm đời sống và thưởng thức nghệ thuật.

– Các tác phẩm đương đại của các tác giả mới: Các tác phẩm nhóm này sẽ giúp HS bắt kịp với các xu hướng mới của văn học, không quá xa rời đời sống văn học.

  1. Thực trạng việc đọc tác phẩm văn học của học sinh

Thực trạng việc đọc tác phẩm văn học của HS hiện nay rất đáng báo động. Ngay với HS chuyên Văn và HS đội tuyển Văn là đối tượng cần đọc nhất, thì vẫn rất ít ỏi. Hầu như các em chỉ biết các trích đoạn, tác phẩm được giới thiệu trong sách giáo khoa, không quan tâm nhiều tới các tác phẩm kinh điển, các tác phẩm có đoạn trích được giới thiệu, hay các tác phẩm của các tác giả trong sách… Việc đọc, nếu có, lại theo nhu cầu và sở thích cá nhân, và chủ yếu loanh quanh ở truyện tranh, manga, tiểu thuyết ngôn tình, kiếm hiệp, xuyên không … ít hỗ trợ việc học Văn, chưa kể, ít nhiều làm giảm khả năng viết văn, diễn đạt.

Đọc ít như thế, nên khi viết bài, dẫn chứng của các em thường nghèo nàn, khô cứng, đóng khung trong những thứ quen thuộc, cũ mòn. Ngay cả cách viết, cách diễn đạt, lập luận cũng thường sáo rỗng, một chiều, đơn giản, ít sáng tạo. Bài văn vì thế rất nghèo chất văn, không gây ấn tượng gì với người chấm dù có đúng. Và làm cho việc học bộ môn Văn, bồi dưỡng đội tuyển Văn trở thành một công việc nhàm chán, thậm chí, là một việc nặng nhọc.

  1. Các việc đã làm để rèn kỹ năng đọc, hiểu tác phẩm ngoài chương trình cho học sinh chuyên Văn.

3.1. Định hướng việc đọc và sách đọc cho học sinh

Việc đầu tiên là giúp HS thấy được, việc đọc sách, đọc tác phẩm văn học là yêu cấu thiết yếu của việc học Văn.

Có thể yêu cầu HS đọc các tác phẩm, đoạn trích sách giáo khoa bằng cách đọc thông thường, như tiếp xúc với tác phẩm văn học ngoài đời sống, cảm nhận nó bằng xúc cảm nghệ thuật tự nhiên, để có được những ấn tượng, cảm nhận đầu tiên.

Tìm đọc thêm các tác phẩm ngoài chương trình để làm giàu thêm vốn văn học của mình, hiểu rõ hơn các tác phẩm trong chương trình.

Cụ thể:

– Tìm đọc các tác phẩm có trích đoạn được giới thiệu trong sách giáo khoa: Bài ca Đăm San, Ô-đi-xê, Truyện Kiều, Tam quốc diễn nghĩa (lớp 10); Chí Phèo, Số đỏ, Những người khốn khổ, Lão Gô-ri-ô, Rô-mê-ô và Giu-li-et, Người trong bao (lớp 11); Việt Bắc, Mặt đường khát vọng, Vợ chồng A Phủ, Vợ nhặt, Rừng xà nu, Những đứa con trong gia đình, Chiếc thuyền ngoài xa (lớp 12)

– Các tác phẩm được giới thiệu, được nhắc đến trong các bài Khái quát giai đoạn văn học, các bài học về tác gia văn học; các tác phẩm của các tác giả được giới thiệu trong sách giáo khoa; các tác phẩm viết về các nhân vật, hình tượng có trong các tác phẩm được học…

– Các tác phẩm văn học kinh điển, nổi tiếng của văn học thế giới và Việt Nam: Thần thoại Hy Lạp, I-li-at, Chiến tranh và hòa bình (V.Huy-gô), Tấn trò đời (H.Ban-dắc), Cuốn theo chiều gió (Mac-ga-ret Mit-chen), Cuộc phiêu lưu của Tôm Xoy-ơ (Mác-tuên), Đảo giấu vàng (Rô-bet Lu-it Sti-ven-xơn), Những tấm lòng cao cả (Et-mun-đô đơ A-mi-xi), Không gia đình (Hec-to Ma-lo), Thơ Pus-kin, Thơ Mai-a-côp-xki, Thơ E-xê-xin, Đôn-ki-hô-tê (Xec-van-tec)… Tuổi thơ dữ dội (Phùng Quán), Đất Phương Nam (Đoàn Giỏi), Búp sen xanh (Sơn Tùng), Truyện Chu Lai, Truyện Nguyễn Huy Thiệp, Thơ Nguyễn Quang Thiều, Truyện Nguyễn Ngọc Tư…

Học sinh có thể đọc bản in sách, có thể tìm đọc trên mạng ở các trang: sachtot.vn, waka.vn, gacsach.com, docsachonline.vn, komo.vn, tiki.vn/ebook, ybook.vn.

3.2. Hướng dẫn đọc hiểu

Việc rèn kĩ năng đọc hiểu tác phẩm văn học là việc làm lâu dài, theo từng bài học, nội dung học cụ thể. Để hướng dẫn học sinh đọc hiểu, tiếp nhận tác phẩm ngoài chương trình, GV cần giúp HS hình thành kĩ năng này qua các bài học về các tác phẩm trong chương trình, từ đó, định hướng cách đọc để nắm được thông tin, để hiểu, để cảm nhận và thưởng thức các tác phẩm ngoài chương trình, không có GV dẫn dắt định hướng.

Hướng dẫn đọc hiểu cần chú trọng các bước:

– Cung cấp lí thuyết

– Đưa ra các cách thức cụ thể; tổ chức đọc hiểu chung

– Cho HS thực hành và kiểm tra: đọc – hiểu – vận dụng

– Yêu cầu HS tự thực hiện và báo cáo kết quả
Ở bước cung cấp lí thuyết, chú ý nhấn mạnh các hoạt động sau:

  1. Tìm hiểu về thời đại và tác giả: Hoạt động này sẽ giúp hiểu rõ hơn các sự kiện chính, đặc điểm con người, xã hội theo thời đại và các nền văn hóa cụ thể
  2. Đọc theo đặc trưng thể loại: Mỗi thể loại có những đặc trưng riêng, cách tiếp cận vì thế cũng có những yêu cầu riêng.

Đọc thơ phải nắm được đặc trưng thơ về: cách biểu đạt, hình ảnh thơ, nhân vật trữ tình, đối tượng trữ tình, tứ thơ, ngôn ngữ thơ.

Đọc truyện ngắn và tiểu thuyết phải trên cơ sở đặc trưng tự sự: nhân vất, sự kiện, cốt truyện, người kể chuyện, ngôn ngữ kể và ngôn ngữ nhân vật, điểm nhìn trần thuật và giọng điệu, phương thức kết cấu.

Đọc kịch thì phải nắm được cốt truyện kịch, nhân vật kịch, đặc điểm của lời thoại trong kịch.

  1. Vận dụng các kĩ năng đọc hiểu văn bản văn học để đọc và cảm thụ: xác định đặc điểm, thể loại, nội dung văn bản; các phương tiện ngôn ngữ được sử dụng trong văn bản: chữ viết, ngữ âm; từ ngữ; cú pháp; các biện pháp tu từ; bố cục.
  2. Ghi chép, lưu giữ: Việc ghi chép, lưu giữ sau khi đọc, biến cái đã đọc thành “tài sản” riêng là một yêu cầu quan trọng.

– Đọc diễn cảm, đọc thuộc lòng văn bản thơ

– Sơ đồ hóa cốt truyện, diễn biến sự việc, cuộc đời nhân vật, hệ thống các nhân vật…

– Ghi nhớ, ghi chép các câu văn, chi tiết, lời nói, lời bình…

  1. Vận dụng:

– Sử dụng làm dẫn chứng khi viết bài văn

– Học cách diễn đạt, dùng từ, viết câu… từ văn học, sử dụng trong lời nói, câu văn viết.

– Viết cảm nhận, suy nghĩ sau khi đọc một tác phẩm.

Trong quá trình dạy học, GV cần luôn đôn đốc, kiểm tra về việc đọc hiểu tác phẩm ngoài chương trình, giúp HS giải đáp các thắc mắc, nhận xét cho HS việc làm được và chưa được.

Ví dụ: Đọc hiểu bài thơ “Lối nhỏ” – Dư Thị Hoàn

LỐI NHỎ (Dư Thị Hoàn)

Có lối nhỏ chia đôi thảm cỏ
Em thả bước chán chường
Có lối nhỏ gập ghềnh sỏi đá
Gót chân em nện xuống dữ dằn

Có lối nhỏ vương cây xấu hổ
Em sợ nó khép cành

Biết làm sao bây giờ
Chính lối này đưa em tới anh…

  1. Tác giả và thời đại:

– Nhà thơ Dư Thị Hoàn tên thật là Vương Oanh Nhi, sinh năm 1947 tại Hải Phòng. Chị từng là công nhân máy tiện tại xí nghiệp Z21 trong thời chiến tranh chống Mĩ. Sau năm 1979 chị chuyển sang làm kinh doanh, từng là trưởng đại diện một doanh nghiệp Hồng Kông tại Hải Phòng. Nhà thơ còn có bút danh khác là Nữ Lang Trung.

– Con người tài hoa nhưng cuộc đời riêng nhiều bất hạnh: túng quẫn, bệnh tật. Cách đặt bút danh của nhà thơ đã chứa 1 nỗi ngậm ngùi chua xót: Hoàn là sắp xếp lại chữ Oanh (thêm dấu huyền cho đẹp), Dư là thừa – bút danh Dư Thị Hoàn ngậm nghĩa đắng cay là Cái Oanh thừa!

– Ra mắt công chúng 2 tập thơ: Lối nhỏ (1988), Bài mẫu giáo sáng thế (1993). Ngoài làm thơ chị còn viết tiểu thuyết tự truyện, viết sách du ký, dịch một số tác phẩm đương đại của Trung Quốc.

– Làm thơ trong bối cảnh đang có sự chuyển mình, đổi mới của văn học và đất nước, cho phép những tiếng nói khắc khoải và đau đớn được trình bày trên văn đàn một cách bình đẳng với những âm thanh vỗ về và xưng tụng giữ vai trò chủ đạo trong sinh hoạt nghệ thuật Việt Nam suốt một thời gian dài.

  1. Thể thơ: tự do

– Rất đặc trưng và phổ biến của thơ ca hiện đại

– Có khả năng lớn trong việc thể hiện cái giọng điệu riêng, tạng riêng của nhà thơ.

  1. Đọc hiểu bài thơ

– Bài thơ ngắn gọn, đơn giản: số câu chữ ít, hình ảnh thơ giản dị, quen thuộc, được lặp lại nhiều lần: Hình ảnh lối đi nhỏ bé dưới chân. Từ hình ảnh ấy, nhà thơ diễn đạt một ý nghĩa ẩn dụ, gợi nhiều suy nghĩ, cách hiểu.

– Điệp từ “lối nhỏ” lặp lại nhiều lần, mỗi lần được miêu tả ở 1 đặc điểm: chia đôi thảm cỏ/ gập ghềnh sỏi đá/ vương cây xấu hổ, gợi hình ảnh lối đi có thật, nhỏ bé, khó đi, thưa vắng. Các hành động của “em” gợi nên sự chán nản, e dè. “Lối nhỏ” vừa rất thực, là lối đi nhỏ mà ta gặp vô vàn, nhưng cũng là hình ảnh về một hướng đi, một cách sống.

– Bài thơ thể hiện sự ngập ngừng, băn khoăn, dò hỏi: lối đi nhỏ, gập ghềnh – nhưng là lối tới Anh. Từ cái lối đi, người phụ nữ ấy suy nghĩ về con đường đời, con đường tình yêu đầy trắc trở, khó khăn.

– Dư Thị Hoàn ký gửi vào thơ nỗi buồn khó nói, nỗi đau khó diễn tả, những nỗi giằng xé trong tâm can mình. Đó cũng chính là những “lối nhỏ” để nhà thơ giãi bày lòng mình, những suy nghĩ, quan điểm của mình trước bản thân, con người và thời đại.

  1. Hiệu quả

4.1. Đối với giáo viên:

– Đã xây dựng được một đội ngũ HS có nền tảng vốn văn học khá vững vàng ; không mất nhiều thời gian cho việc đọc, tóm tắt ; khả năng lấy dẫn chứng khi dạy học được rộng mở.

– Có những thay đổi nhất định trong cách dạy, cách hướng dẫn học sinh tiếp cận vấn đề của GV khi HS đã có kiến thức nền tốt.

4.2. Đối với học sinh:

– Học sinh nhiệt tình, nghiêm túc tham gia tìm tòi, đọc sách, cùng giáo viên có được kết quả bài học và nhận thức.

– Học sinh biết cách tư duy, vận dụng kiến thức, hứng thú với việc đọc hiểu tác phẩm văn học; có kĩ năng đọc hiểu khá tốt, biết cảm nhận, đánh giá, thưởng thức văn học. Một số em khi trả bài có những bài cảm nhận tác phẩm khá sâu sắc (có giới thiệu ở phần Phụ lục)

– Học sinh tiến bộ về kỹ năng tổng hợp, phân tích thông tin, kiến thức, chủ động vận dụng kiến thức trong việc học tập.

– Học sinh có vốn kiến thức văn học khá phong phú.

– Học sinh được định hướng và rèn giũa các kĩ năng, hoạt động học tập, giao tiếp, chung sống.

Đây cũng đồng thời là kết quả đạt được sau khi thực hiện dạy chuyên đề.

III. KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ

  1. Kết luận

Từ việc hình thành và rèn cho HS kĩ năng kĩ năng đọc hiểu văn bản văn học ngoài nhà trường, tôi nhận thấy việc này tuy nhỏ nhưng có ý nghĩa và tác động rất lớn đến việc dạy học các tác phẩm trong nhà trường. Các em biết cách cảm nhận, đánh giá các giá trị văn học, biết so sánh, đối chiếu làm nổi bật giá trị, biết nhìn vấn đề trong tổng thể của nó… Từ vốn kiến thức rộng, khả năng dùng ngôn ngữ giao tiếp, viết bài của các em cũng chắc chắn, mạch lạc hơn. Dẫn chứng trong các bài viết phong phú, sinh động hơn.

  1. Kiến nghị:

– Có định hướng để xây dựng thư viện của trường, Tổ chuyên môn Ngữ văn, của Đội tuyển văn ở mỗi trường học hoặc nhóm trường; vừa tạo điều kiện tốt hơn cho việc đọc sách, vừa có thể giao lưu sách.

– Ngoài kiểm tra, đánh giá việc đọc sách qua việc học, có thể tổ chức các cuộc thi viết cảm nhận, ấn tượng về sách, vừa để thúc đẩy việc đọc sách, vừa có kết quả việc đọc sách của HS để đánh giá./.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Chương trình giáo dục THPT

(Bộ Giáo dục và Đào tạo, 2006)

  1. Dạy văn học văn

(Đặng Hiển – Nhà xuất bản Đại học Sư phạm, 2005)

  1. Một số phương pháp và kĩ thuật dạy học tích cực

(Nguyễn Bá Quý – Nhà xuất bản Đại học sư phạm)

  1. Sách giáo khoa Ngữ văn Nâng cao lớp 10, 11, 12

(Bộ Giáo dục và Đào tạo – Nhà xuất bản Giáo dục, 2012)

  1. Tài liệu tập huấn dạy học và kiểm tra đánh giá kết quả học tập theo định hướng phát triển năng lực học sinh môn Ngữ văn cấp THPT

(Vụ Giáo dục trung học, 2014)

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

PHỤ LỤC

MỘT SỐ TÁC PHẨM ĐƯỢC GIỚI THIỆU

TRONG CHUYÊN ĐỀ CHUYÊN SÂU

 

LỐI NHỎ (Dư Thị Hoàn)

Có lối nhỏ chia đôi thảm cỏ
Em thả bước chán chường
Có lối nhỏ gập ghềnh sỏi đá
Gót chân em nện xuống dữ dằn

Có lối nhỏ vương cây xấu hổ
Em sợ nó khép cành

Biết làm sao bây giờ
Chính lối này đưa em tới anh…

 

BÓNG CHỮ (Lê Đạt)

“Chia xa rồi anh mới thấy em

Như một thời thơ thiếu nhỏ

Em về trăng đầy cong khung nhớ

Mưa mấy mùa,

Mây mấy độ thu

Vườn thức một mùi hoa đi vắng

Em vẫn đây mà em ở đâu

Chiều Âu Lâu

Bóng chữ đọng chân cầu”

 

CỜ LAU ĐINH BỘ LĨNH (Chế Lan Viên)

Tôi chỉ là nhà thơ cưỡi trâu

Đánh trận giặc cờ lau

Thế mà không đâu

Gặp Thập nhị sứ quân đầu rừng cuối quận

Thành ra người dẹp loạn

Rồi làm tướng, làm vua

Lắm chuyện nhức đầu

Cho tôi về với cành lau

Vàng vọ

Về với con trâu nghé ngọ

Có cặp sừng bỡ ngỡ

Chiều buồn không nghe hồn lau gọi nữa

Xe tiếng gió xạc xào

Xa mùi bùn, mùi trâu, rơm rạ…

Chỉ nghe danh vọng ầm ào

Vinh quang xí xố

Hoa Lư ở đâu?

Hoa lau ở đâu?

Hồn lau ở đâu?

Hồn ta ở đâu?

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

MỘT SỐ BÀI VIẾT CẢM NHẬN CỦA HỌC SINH

SAU KHI ĐỌC HIỂU

 

BẠN ĐÃ ĐỌC “NẾU BIẾT TRĂM NĂM LÀ HỮU HẠN…”?

Một vài năm trở lại đây, người trẻ có xu hướng đề cập và coi trọng đến khái niệm “đúng thời điểm”. Đó là khi gặp đúng một người vào thời điểm thích hợp cho cả hai, đó là khi tìm thấy một điều gì đúng lúc mình cần nó nhất. Cũng như vậy, đọc một cuốn sách “đúng thời điểm”, theo tôi cũng là một quyết định có ý nghĩa như vậy. Vì lẽ ấy, nếu bạn đang cầm cuốn sách này trên tay, và bạn mười sáu tuổi, thì chúc mừng bạn!

“Nếu biết trăm năm là hữu hạn…” là một câu văn được trích dẫn trong tản văn cùng tên được lựa chọn để định danh cho tập tản văn viết chung của cặp vợ chồng Đặng Nguyễn Đông Vy và Phạm Công Luận. Cuốn sách gồm 40 bài tản văn, là những chia sẻ giàu chất trữ tình và đối thoại. Đến với tác phẩm, độc giả có cảm giác như mình đang được ngồi đối diện với tác giả, nói những chuyện bâng quơ một chút, bình thường một chút, bằng một giọng điệu rất đỗi giản dị. Để rồi, những chuyện tưởng chừng như bình thường, bâng quơ ấy, hóa ra lại có ý nghĩa sâu xa, có sức lan tỏa mạnh mẽ ngấm ngầm và thật tự nhiên, nối kết những tâm hồn đồng điệu.

Đó là câu chuyện về chàng trai phụ hồ dáng thư sinh luôn hát ca có ước mơ thi đỗ vào Nhạc viện. Vấn đề không phải ước mơ có xứng tầm với anh ta hay không, mà là anh có ước mơ và quyết tâm theo đuổi nó. Những giấc mơ không bao giờ biến mất, nếu ta không theo đuổi, một ngày, nó sẽ trở về đánh thức trong ta sự nuối tiếc, băn khoăn “Ta đã làm chi đời ta?”

Đó là xúc cảm được gợi nên từ những từ ngữ “buồn” hay “cô độc” cứ lặp đi lặp trong entry của nhiều bạn trẻ. Những trạng thái ấy, ai lớn lên mà không từng trải qua? Trưởng thành chính là quá trình mà con người nhận ra những nỗi buồn, những khoảng trống trong lòng mình, khi “biết buồn” tức là ta đã đến “tuổi mới lớn”. Nhưng trưởng thành cũng là khi, chúng ta hiểu được rằng, “Có những khoảng trống không phải để lấp đầy”, hãy bình thản đối diện, chấp nhận nó như một phần của cuộc đời. Mỗi khi buồn hay cô độc, hãy tìm một chốn cho riêng mình, lặng yên trong đó, rồi lại bình thản bước ra, trở về với cuộc sống thường nhật vốn lắm nỗi buồn nhưng cũng không thiếu niềm vui.

Đó là lời nhắc nhở, rằng “Bản thân chúng ta là giá trị có sẵn”. Ghi nhớ điều này để chúng ta thêm tự tin vào mình, để dù chúng ta sinh ra là ai, trong một hoàn cảnh thế nào thì cũng không ngừng cố gắng để hoàn thiện và khẳng định giá trị của mình. Hơn ai hết, chính chúng ta chứ không phải ai khác phải nhận ra và trân trọng điều đó. Trân trọng chính mình là cơ sở để chúng ta nhận ra giá trị của những người xung quanh, hiểu và trân trọng người khác dẫu họ giàu sang hay nghèo khó, xuất chúng hay chỉ là người bình thường… Bởi, mỗi người luôn là một giá trị có sẵn!

Đó là những đối thoại về tình yêu, hạnh phúc, về những điều giản đơn như một tâm sự cần phải được nói ra, như một đôi lần chúng ta vô tình để ai đó “lạc loài” bên đời, như một cái chạm khẽ: “Khi bạn đau lòng, đừng ngại rơi nước mắt”, về những nỗi buồn khi chia tay một “tình bạn nhạt nhòa”, về phát hiện chẳng còn lạ lẫm “Nếu biết trăm năm là hữu hạn…”

Mỗi bài viết là một lời nhắn gửi nho nhỏ, cho mỗi người. Và bạn biết không, nếu bạn đang hoặc sắp 16 tuổi, bạn sẽ tìm thấy một điểm tựa, một niềm tin hay chỉ đơn giản là “một người bạn” để cùng tâm sự từ cuốn sách này. Bởi tuổi 16 là tuổi chạm ngưỡng những nỗi buồn đầu tiên, những hoài nghi và tin tưởng, là tuổi, theo sự hiểu biết hạn hẹp của tôi, người ta bắt đầu hiểu về ước mơ của chính mình.

Nếu bạn không phải 16 tuổi thì hãy cứ thử cầm cuốn sách này lên, lật giở một vài trang, tôi tin, bạn ít nhiều sẽ thấy hình bóng của mình trong đó. Bởi vì, mỗi chúng ta, ai cũng có một tuổi 16 của riêng mình!

(Bài của HS Triệu Thị Minh Thanh, Đội tuyển Văn K26, Giải Nhì HSGQG)

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

CẢM NHẬN VỀ “NỖI BUỒN CHIẾN TRANH” – BẢO NINH

Đó là một câu chuyện của Kiên – người từng tham gia chiến đấu trong cuộc chiến tranh Việt Nam – Mĩ. Đó đồng thời không chỉ là câu chuyện của Kiên, mà là một kí ức, ám ảnh chung cho tất cả những người từng tham gia vào cuộc chiến ấy, nhưng ít người dám nói hoặc có thể nói. Đó, là một cuốn sách mà bất cứ ai cũng nên đọc, để hiểu về chiến tranh, hiểu về con người, hiểu về đời sống… Đó, là “Nỗi buồn chiến tranh”.

Nỗi buồn chiến tranh mở đầu bằng hình ảnh nhân vật chính – Kiên – ngủ lại trên thùng xe chứa đầy hài cốt tử sĩ sau một ngày anh cùng đội tìm kiếm hài cốt, lùng sục khắp nơi xưa kia là chiến trường ác liệt mà chính anh tham gia. Trên thùng xe ấy, cả khi ngủ cũng như khi thức, những mộng mị từ ký ức vẫn chập chờn, vây quyện lấy anh. Từng bước, ký ức của Kiên dẫn người đọc quay về năm tháng chiến tranh khi anh còn là lính trinh sát, bên cạnh bao đồng đội trẻ trung sôi nổi… Những mất mát, những cuộc tấn công, phản công, những người chết và những người sống lần lượt xuất hiện, một cách tự nhiên, như mọi câu chuyện kinh điển về chiến tranh khác. Nhưng, tác phẩm của Bảo Ninh không chỉ tái hiện những điều đó – những điều đã được hàng ngàn người kể. “Nỗi buồn chiến tranh” vượt lên những tác phẩm viết về chiến tranh khác bởi nó được viết không chỉ để nói về chiến tranh mà đi sâu vào khai thác góc nhìn về số phận cá nhân, tâm lí cá nhân trong cuộc chiến, một điều rất khác với những tác phẩm cùng đề tài đương thời mang nặng tinh thần chủ nghĩa tập thể.

Trong tác phẩm, chúng ta sẽ gặp những người lính kiên cường, quả cảm nhưng cũng gặp những con người bạc nhược, sợ hãi trước cuộc chiến mà tìm đường trốn khỏi chiến trường. Chúng ta sẽ gặp những người lính vướng phải những cám dỗ về “hoa hồng ma, về phụ nữ, những người lính bình thản ăn mừng, lục lọi đồ đạc quý giá trên những xác người trong ngày giải phóng… Hình ảnh người lính không còn là một biểu tượng của cái đẹp toàn vẹn, không tì vết, người lính trong “Nỗi buồn chiến tranh” được nhìn nhận ở những cảm xúc, suy tưởng chân xác nhất với tâm lí người. Bởi, trước khi là một người lính, họ là một con người. Nói như vậy, không có nghĩa là Bảo Ninh phủ nhận hoàn toàn vẻ đẹp về hình tượng người lính Việt Nam đáng trân trọng, bằng trải nghiệm của chính mình, ông muốn tái hiện một hình ảnh đầy đủ, chân thực hơn, “người” hơn về những người anh hùng thường được thần thánh hóa trong văn học.

Bước ra khỏi cuộc chiến, Kiên không thể trở về và hòa nhập với con người ở một đời sống mà anh và bạn bè, đồng chí anh đã dành cả tuổi trẻ, mạng sống để cố gắng đạt được. Tâm trí Kiên mãi mãi ở lại trong cuộc chiến, với những kí ức không thể nào nhòa mờ, mà mỗi ngày lại càng hiển hiện rõ nét hơn. Anh trở về sống giữa đời nhưng là người lạc đời, sống giữa mọi người như một kẻ dị biệt bởi ám ảnh quá khứ quá lớn. Không ai hiểu anh, chỉ có người phụ nữ câm lặng trên căn phòng áp mái, câm lặng lắng nghe Kiên những đêm anh say, câm lặng lưu giữ những bản thảo về cuốn tiểu thuyết của Kiên khi anh bỏ ra đi. Đời sống của “tay nhà văn phường” khiến cho người đọc có những suy cảm vừa chơi vơi vừa vô định, về cuộc sống của những người lính thời hậu chiến.

Đan cài trong những kí ức về chiến tranh là câu chuyện tình giữa Kiên và Phương – người bạn gái từ khi còn là học sinh trung học. Mối tình đẹp đẽ ấy vì cuộc chiến mà chia lìa. Lại là một tình huống quen thuộc về tình yêu trong chiến tranh. Nhưng, sự chia lìa ấy khốc liệt, tàn bạo và đau đớn hơn nhiều. Ngay trước khi bước chân vào bậc thềm của cuộc chiến, Kiên và Phương đã chứng kiến và trực tiếp gánh chịu nỗi đau từ cuộc chiến mang lại. Và đau xót hơn cả, là nỗi đau ấy không phải do những người phía bên kia chiến tuyến gây ra. Sau nỗi đau về thể xác và tinh thần trên chuyến tàu tiễn Kiên vào Nam ấy, Kiên và Phương có lẽ đã vĩnh viễn mất nhau rồi. Bởi vậy mà khi cuộc chiến qua đi, Kiên trở về khu tập thể xưa, gặp lại Phương nhưng đã không còn gặp lại tình yêu của mình nữa. Phương, vì tổn thương đầu đời, vì những đổi thay của bản thân, ra đi vì tự thấy không còn xứng đáng với tình yêu của Kiên, tự thấy bản thân không còn là người con gái trong tình yêu của Kiên nữa. Thế là kết cấu “chiến tranh – chia ly – đoàn tụ” quen thuộc về những tình yêu trong chiến tranh, bị phá vỡ. Nhưng, đó mới chính là sự thực. Chiến tranh và tình yêu, tình yêu và chiến tranh, đó là hai thái cực đối lập nhau của đời sống nhưng rất nhiều khi buộc phải sống trong nhau. Không có một cuộc chiến giữa chúng nhưng thường thì tình yêu sẽ phải chịu tổn thương. Tình yêu giữa Kiên và Phương, là một tình yêu như thế. “Nỗi buồn chiến tranh”dường như cũng là “nỗi buồn tình yêu”, “nỗi buồn tình yêu” hòa lẫn trong những “Nỗi buồn chiến tranh”.

Nhưng có lẽ, điều lớn nhất làm nên giá trị của “Nỗi buồn chiến tranh” chính là bởi tác phẩm đã thể hiện một cái nhìn nhân bản về cuộc chiến. Với Bảo Ninh, ranh giới giữa người lính Việt Nam và những người phía bên kia chiến tuyến dường như bị xóa mờ. Chỉ có con người ở đó, con người tham chiến, con người bị thương, con người chết chóc. Cuộc chiến đó, dù phần thắng thuộc về bên nào, thì con người cũng vẫn thua.Và bởi vậy, mà cuốn sách vượt ra ngoài khuôn khổ của bối cảnh cuộc chiến mà nó được xây dựng, nó có tầm phổ quát rộng lớn đến khắp mọi nơi đã, đang và có nguy cơ xảy ra những cuộc chiến. Chiến tranh có thể xảy ra với những cách thức, thủ đoạn khác nhau nên cho đến khi nào mà ý niệm về nó vẫn tồn tại thì cuốn sách này còn có giá trị.

Là những người trẻ, chưa từng biết thế nào là “nỗi buồn chiến tranh”, chúng tôi chỉ biết rằng cuộc chiến đã từng xảy đến, con người đã từng mất mát. Chúng tôi biết về “nỗi đau” mà cuộc chiến gây ra, bởi trên khắp dải đất hình chữ S này vẫn còn những người đang chịu đựng nó. Nhưng với “nỗi buồn”, với những suy cảm mà ít người dám nói và có thể nói thì với tác phẩm này, Bảo Ninh đã đem đến cho độc giả mọi thời, đặc biệt là chúng tôi, một hiểu biết, cảm nhận thực sự sâu sắc.

Người ta không viết về chiến tranh để cổ súy nó. Người ta viết về chiến tranh để biết rằng hòa bình là điều đáng trân trọng. Mà khi sống giữa hòa bình, nhiều người lỡ quên đi. Viết về chiến tranh để chúng ta trân trọng hòa bình, để sống tốt hơn, để luôn nhắc nhở mình về nhân tính, điều mà sau mỗi cuộc chiến, sau những máu và chết chóc, dễ bị thờ ơ. Bảo Ninh viết “Nỗi buồn chiến tranh”, không nằm ngoài tinh thần ấy.

(Bài của HS Trần Thu Trang, Đội tuyển Văn K29, Giải Khuyến khích HSGQG)

ĐỜI RẤT “VÔ THƯỜNG”…

(Về “Vô thường” của Nguyễn Bảo Trung)

  1. Tác giả của cuốn sách là một bác sĩ.
  2. Mỗi câu chuyện Vô Thường đưa lên đều khiến nhiều, rất nhiều bạn đọc rơm rớm nước mắt, nhưng sau những lay động ấy, là sự thức tỉnh, khiến mọi người tu thân, tu tâm một cách vô thức và tự nguyện.
  3. Những dòng viết của bác sĩ Nguyễn Bảo Trung khiến người ta thấy buồn, nhưng trong nỗi buồn vẫn lóe lên sự ấm áp tim cậy vào trái tim nhân hậu, giàu lòng trắc ẩn của người bác sĩ, lóe lên niềm tin vào những điều tử tế vẫn hiện diện trên cõi đời này, ở cả những nơi tận cùng đau khổ ở chốn nhân gian.
  4. Trong cuốn sách này là những câu chuyện có thật ghi ở phòng cấp cứu, đọc những mẩu chuyện đó giúp người biết thương người hơn, giúp cuộc sống bớt đi những khổ đau, những nuối tiếc, những ân hận vốn vẫn ẩn sau hai chữ “giá như” khi mọi chuyện không còn cứu vãn được nữa.
  5. Sách mỏng và chuyện cũng ngắn, nhưng sự rung động mạnh mẽ cuốn sách mang lại cho người đọc chắc chắn sẽ không dễ dàng tan biến đi khi trang sách cuối cùng khép lại.
  6. Nổi bật ở quyển sách này là cái cách tác giả lồng những lời nhạc Trịnh Công Sơn vào bài viết của mình, cũng như cách tác giả đưa triết lý Phật giáo vào trong câu chữ.
  7. Hạnh phúc đâu tự có. Con người lại quá nhỏ bé trước cuộc đời bao la.
  8. Rồi một ngày, chúng ta vẫy vùng trong cơn hấp hối. Chúng ta chợt thèm sống, thèm ngồi dậy, thèm ăn bữa cơm chiều với trái khổ qua đắng nhặng. Thèm chạy tung tăng trên cánh đồng xanh mát. Thèm ngắm ánh trăng đêm chênh chếch nơi mái đình…

Muộn mất rồi!

(Bài của HS Tống Khánh Duyên,

Đội tuyển Văn K26, Giải Khuyến khích HSGQG)

 

 

 

 

 

 

 

 

 

ĐIỀU BÍ MẬT (Về “Nhà giả kim” – Paulo Coelhe)

“Cuộc đời rất hào phóng với người nào chịu theo đuổi vận mệnh mình”. Đó là lời đúc kết của anh chàng Santiago, người đi theo tiếng gọi của định mệnh, đi theo một giấc mơ đã mơ hai lần. Và rồi, cậu chạm được đến những điều, thậm chí vượt ra cả khuôn khổ giấc mơ ấy.

Giống như một câu chuyện cổ tích, nhưng không chỉ là thế giới tưởng tượng, Paulo Coelhe đã kể “Nhà giả kim” như một dẫn chứng, một điểm tựa để những người dám ước mơ và có ước mơ, thêm niềm tin để hiện thực hóa ước mơ ấy. Anh chàng Santiago chọn nghề chăn cừu để thỏa mãn ước mơ đi đây đi đó, khám phá về những vùng đất, biết đến những con người mà nếu không đi, cả đời cậu sẽ không biết đến. Tin theo giấc mơ đã lặp lại hai lần, bán đi đàn cừu sáu chục con, Santiago lên đường vượt biển, vượt sa mạc để đi tìm kho báu được báo mộng là dành cho mình. Nhưng tất nhiên, như mọi cuộc thám hiểm, phiêu du khác, hành trình ấy chẳng hề dễ dàng, nếu không muốn nói là thực sự rất khó khăn. Sự nhẹ dạ cả tin khiến cậu mất sạch số tiền bán cừu, hoàn toàn trơ trọi giữa một khu chợ châu Phi xa lạ. Dễ thường thất bại luôn khiến người ta muốn từ bỏ, cậu đến làm thuê cho một tiệm pha lê một năm trời để gom góp tiền trở về. Nhưng chính vào lúc đã có thể quay lại cuốc sống của một chàng chăn cừu tự do, Santiago lại bị thôi thúc bởi tiếng nói của trái tim, bởi sự chỉ dẫn của những “dấu hiệu”, cậu lại tiếp tục lên đường để tìm kho báu, ở Kim Tự Tháp xa xôi. Vượt qua sa mạc mênh mông, vượt qua những thời khắc cận kề cái chết khi chạm trán những bộ lạc đang có xung đột, Santiago cuối cùng cũng đã gặp được “nhà giả kim” – người có thể làm cho mọi thứ biến thành vàng và chế tạo được thuốc trường sinh bất tử, trở thành một học trò xuất sắc của ông và tìm thấy kho báu của riêng mình.

Với một kết cấu đã quá quen thuộc như thế thì tại sao “Nhà giả kim” lại trở thành một tác phẩm kinh điển và có sức ảnh hưởng rộng lớn đến vậy? Vấn đề chính là ở cách kể. Hành trình của Santiago không đơn thuần là đi tìm một kho báu. Đó là hành trình khám phá sự bí ẩn của vũ trụ, tìm hiểu về thế giới con người và đặc biệt là hành trình tìm kiếm giá trị của chính bản thân mình. Paulo Coelhe đã để cho nhân vật của mình được tự do suy nghĩ, thường trực trăn trở bởi những sự kiện anh ta trải qua, bởi những con người anh ta gặp, bởi những cuộc đối thoại, có khi chỉ là thoáng chốc. Xuyên suốt tác phẩm, người đọc luôn gặp những câu chuyện, phát biểu mang tính chủ đề, giàu chất suy tưởng và chiêm nghiệm trong suy nghĩ của các nhân vật. Đó là câu chuyện về chàng trai muốn đi tìm bí quyết để hạnh phúc, là ông chủ tiệm pha lê mơ ước được hành hương đến Mekka nhưng lại sợ bản thân sẽ thất vọng vào giây phút thực hiện được điều đó nên “chỉ mơ ước thôi”, là những suy nghĩ, câu hỏi của Santiago, là những lời nói, câu trả lời của nhà giả kim… Tất cả đều gợi đến cho người đọc một sự liên tưởng chân thực đến cuộc đời và những suy tưởng trong đời chính mình. Paulo Coelhe để nhân vật của mình kể, nói ra những điều đó nên những gì ông gửi vào tác phẩm không giống như thứ triết lí được ban phát bởi một học giả uyên bác. Đó, chỉ là những điều được đúc rút khi con người ta biết quan sát thế giới xung quanh, tin vào các “dấu hiệu” của đời sống và lắng nghe trái tim mình. Hãy cứ ước mơ, và đi theo ước mơ. Hãy cứ trải nghiệm và thất bại. Dù “những gì đã xảy ra với anh một lần có thể không bao giờ xảy ra nữa; nhưng những gì xảy ra hai lần thì nhất định sẽ thêm lần thứ ba” nhưng hãy luôn ghi nhớ, “thời điểm bầu trời đêm tối nhất chính là trước lúc rạng đông”. Santiago đã chọn con đường của mình, đã đi dù nhiều khi muốn bỏ cuộc, đã yêu và tin tình yêu là sức mạnh của vũ trụ và đã biết được rằng: “Bất kể giàu hay nghèo, sang hay hèn, ai cũng có một vai trò chính trong lịch sử thế giới. Có điều phần nhiều người ta không biết đó thôi”.

Đó, có lẽ là điều hiển nhiên bí mật nhất trong thế giới chúng ta. Bằng “Nhà giả kim”, Paulo Coelhe đã khẳng định điều đó.

(Bài của HS Nguyễn Ngọc Sơn,

Đội tuyển Văn K29, Giải Khuyến khích HSGQG)

 

[1] Sách giáo khoa Ngữ văn 10 Nâng cao, tập 1 – Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *