Rèn kĩ năng đọc hiểu tác phẩm văn học ngoài chương trình cho học sinh chuyên văn-bài 14

Tài liệu Văn

PHẦN 1

PHẦN MỞ ĐẦU

 

I.LÍ DO CHỌN ĐỀ TÀI

Đặc thù của một học sinh chuyên văn và đặc biệt là của học sinh giỏi văn so với các học sinh khác ở chỗ: Phải đọc nhiều hơn, phải hiểu nhiều hơn, phải có năng lực cảm thụ tốt các kiến thức về văn chương, phải có khả năng so sánh, tích hợp kiến thức. Chính vì thế, đối với người dạy chuyên văn và học chuyên văn, nếu chỉ tìm hiểu các đơn vị kiến thức có trong sách giáo khoa là chưa đủ. Ngoài những bài học yêu cầu bắt buộc trong sách giáo khoa, một giáo viên chuyên cần thiết phải có phương án mở rộng nội dung và các đơn vị tác phẩm ngoài chương trình  để tạo phông nền kiến thức rộng lớn, toàn diện cho học sinh.

Qua kinh nghiệm giảng dạy chuyên văn nhiều năm chúng tôi nhận thấy, rất nhiều học sinh thi vào chuyên với điểm số môn chuyên cao ( có thể đạt 9 đến 9,5 điểm) nhưng khi đưa ra một tác phẩm ngoài chương trình mà em đó chưa hề biết thì không phân tích, cảm thụ được. Lí do dẫn đến tình trạng này là những học sinh đó chỉ là những con vẹt, học thuộc bài giảng của thầy cô, đến khi trúng đề là chép lại như một bài văn mẫu. Học sinh thi đầu vào có điểm môn chuyên cao nhưng thực chất không có năng khiếu và năng lực học môn chuyên. Như vậy có thể thấy, giúp học sinh đọc hiểu các tác phẩm ngoài chương trình là một chìa khóa vàng giúp người dạy phát hiện những nhân tố học sinh có năng khiếu, năng lực văn chương. Đây là điều rất quan trọng để giáo viên có thể lựa chọn chính xác học sinh giỏi văn. Cũng có thể chính lí do này mà đề thi học sinh giỏi quốc gia cách đây khoảng hơn chục năm có một phần thi xuất hiện những tác phẩm mới, lạ, ngoài chương trình để kiểm tra khả năng cảm thụ của học sinh giỏi.

Những tác phẩm văn học trong chương trình chính thức có quá nhiều tài liệu, được thầy cô luyện đi luyện lại nhiều khi trở nên nhàm chán, sáo mòn. Do đó ở những đề thi không hạn định phạm vi dẫn chứng, nếu học sinh sử dụng dẫn chứng ngoài chương trình sẽ dề chiếm được cảm tình của người chấm hơn.

Căn cứ vào những lí do trên, ở chuyên đề này chúng tôi hướng tới việc cung cấp một số tác phẩm ngoài chương có phẩm chất văn học để giúp học sinh chuyên nâng cao tầm uyên bác trong bài viết.

  1. LỊCH SỬ VẤN ĐỀ

Chúng tôi đã tìm hiểu vấn đề đang nghiên cứu và nhận thấy : chưa có công trình nào nghiên cứu về vấn đề này. Vì thế công tác khảo cứu không thể thực hiện được. Trong chương trình riêng của Bộ giáo dục qui định cho bộ môn Ngữ văn chuyên, cơ bản là yêu cầu mở rộng kiến thức các chuyên đề chuyên sâu lí luận văn học hoặc tác giả văn học, ít có yêu cầu tìm hiểu tác phẩm văn học ngoài chương trình. Thực tiễn trên đã khiến chúng tôi quyết tâm thực hiện chuyên đề này với mong mỏi đây có thể là nguồn tài liệu thực sự hữu ích trong công tác giảng dạy học sinh chuyên văn.

III. NHIỆM VỤ, PHẠM VI NGHIÊN CỨU VÀ ĐÓNG GÓP MỚI CỦA ĐỀ TÀI.

  1. Nhiệm vụ nghiên cứu.

Nhằm mục đích nâng cao khả năng đọc- hiểu văn bản một cách chủ động cho học sinh chuyên, mở rộng kiến thức tạo phông nền cho học sinh giỏi và phát hiện những học sinh có năng lực cảm thụ thực sự ,đề tài hướng tới việc giải quyết các nhiệm vụ sau:

  • Thứ nhất: Hệ thống ngắn gọn kĩ năng đọc-hiểu văn bản văn học để học sinh hình thành phương pháp đọc hiểu tác phẩm một cách chuyên nghiệp.
  • Thứ hai: Đề xuất giáo án đọc – hiểu một số tác phẩm ngoài chương trình như những ví dụ minh họa để giáo viên và học sinh thuận tiện hơn trong việc tiếp nhận lí thuyết.
  1. Phạm vi nghiên cứu

Các tác phẩm ngoài chương trình rất phong phú và đa dạng. Tuy nhiên chuyên đề tập trung nghiên cứu một số tác phẩm có liên quan tới các tác giả, trào lưu văn học mà học sinh đã biết trong chương trình. Ví dụ: Tác giả Thạch Lam có thể mở rộng đọc hiểu thêm Tối ba mươi, Sợi tóc, Cô hàng xén, Dưới bóng hoàng lan…; Nam Cao có thể đọc – hiểu thêm Trẻ con không được ăn thịt chó, Mua nhà, Sống mòn…

  1. Đóng góp mới của chuyên đề.
  • Chuyên đề hệ thống lại các kĩ năng cơ bản nhất để đọc hiểu văn bản văn học.
  • Chuyên đề cũng giới thiệu một ví dụ minh họa, khả dĩ có thể phục vụ thiết thực cho công tác rèn kĩ năng đọc hiểu tác phẩm ngoài chương trình cho giáo viên và học sinh.
  1. PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU.

Trong quá trình thực hiện chuyên đề chúng tôi kết hợp sử dụng nhiều phương pháp như: Phân tích, liên ngành, so sánh, tổng hợp….

  1. CẤU TRÚC CHUYÊN ĐỀ.

Phần 1: Phần mở đầu.

Phần 2: Phần nội dung.

  1. Hệ thống kĩ năng đọc – hiểu văn bản văn học
  2. Đề xuất một ví dụ đoc- hiểu tác phẩm ngoài chương trình.

Phần 3: Phần kết luận.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

PHẦN 2

NỘI DUNG CHUYÊN ĐỀ

A.Hệ thống kĩ năng đọc – hiểu văn bản văn học

  1. Khái quát về khái niệm đọc – hiểu văn bản .
  2. Khái niệm đọc hiểu .

– Đọc: là hoạt động dùng mắt để nhận biết các kí hiệu và chữ viết, dùng trí óc để tư duy và lưu giữ những nội dung mà mình đã đọc và sử dụng bộ máy phát âm phát ra âm thanh nhằm truyền đạt đến người nghe.

– Hiểu: là phát hiện và nắm vững mối liên hệ của sự vật, hiện tượng, đối tượng nào đó và ý nghĩa của mối quan hệ đó. Hiểu còn là sự bao quát hết nội dung và có thể vận dụng vào đời sống.

à Khái niệm đọc – hiểu văn bản có thể hiểu khái quát là: đọc văn bản văn học kết hợp với các kĩ năng tư duy như giải thích, phân tích, khái quát, so sánh…để có thể cảm nhận sâu sắc nhất một tác phẩm văn học. Và nếu hiểu như vậy thì đọc – hiểu văn học là quá trình cảm thụ tác phẩm hết sức đặc thù, là khái niệm khoa học chỉ mức độ cao nhất của hoạt động dạy và học. Nó cao hơn, toàn diện hơn khái niệm phân tích tác phẩm.

b.Các cấp độ đọc hiểu.

Có nhiều ý kiến về các cấp độ đọc- hiểu đã được nêu ra. Trong chuyên đề có tên Đọc văn bản văn học nghệ thuật đăng trên trang Học văn văn học ngày 15-9-2017 tác giả cho rằng: Có 5 cấp độ đọc- hiểu là :

  • Đọc tái hiện
  • Đọc giải thích
  • Đọc sáng tạo
  • Đọc đánh giá
  • Đọc nghiên cứu
  • Đọc suy ngẫm và liên tưởng

Trong một bài đăng trên báo Giáo dục thời đại, một nhóm giáo viên của Tuyên Quang đã đưa ra kĩ năng đọc –hiểu văn bản văn học với bốn bước mà chúng tôi cho rằng tương tự như bốn cấp độ của đọc- hiểu văn bản. Dưới đây là các bước mà các thầy cô đã đưa ra.

Bước 1: Đọc – hiểu ngôn từ: Hiểu được các từ khó, từ lạ, các điển cố, các phép tu từ, hình ảnh… (đối với thơ). Đối với tác phẩm truyện phải nắm được cốt truyện và các chi tiết từ mở đầu đến kết thúc.

Khi đọc văn bản cần hiểu được các diễn đạt, nắm bắt mạch văn xuyên suốt từ câu trước đến câu sau, từ ý này chuyển sang ý khác, đặc biệt phát hiện ra mạch ngầm – mạch hàm ẩn, từ đó mới phát hiện ra chất văn. Bởi thế, cần đọc kĩ mới phát hiện ra những đặc điểm khác thường, thú vị.

Bước 2: Đọc – hiểu hình tượng nghệ thuật: Hình tượng trong văn bản văn học hàm chứa nhiều ý nghĩa. Đọc – hiểu hình tượng nghệ thuật của văn bản văn học đòi hỏi người đọc phải biết tưởng tượng, biết “cụ thể hóa” các tình cảnh để hiểu những điều mà ngôn từ chỉ có thể biểu đạt khái quát.

Đọc – hiểu hình tượng nghệ thuật còn đòi hỏi phát hiện ra những mâu thuẫn tiềm ẩn trong đó và hiểu được sự lôgic bên trong của chúng.

Bước 3: Đọc – hiểu tư tưởng, tình cảm của tác giả trong văn bản văn học: Phải phát hiện được tư tưởng, tình cảm của nhà văn ẩn chứa trong văn bản. Tuy nhiên tư tưởng, tình cảm của tác giả trong văn bản Văn học thường không trực tiếp nói ra bằng lời.

Chúng thường được thể hiện ở giữa lời, ngoài lời, vì thế người ta đọc – hiểu tư tưởng tác phẩm bằng cách kết hợp ngôn từ và phương thức biểu hiện hình tượng.

Bước 4: Đọc – hiểu và thưởng thức văn học: Thưởng thức văn học là trạng thái tinh thần vừa bừng sáng với sự phát hiện chân lí đời sống trong tác phẩm, vừa rung động với sự biểu hiện tài nghệ của nhà văn, vừa hưởng thụ ấn tượng sâu đậm đối với các chi tiết đặc sắc của tác phẩm. Đó là đỉnh cao của đọc – hiểuvăn bản Văn học. Khi đó người đọc mới đạt đến tầm cao của hưởng thụ nghệ thuật.

Đó là những ý kiến gợi mở lớn cho chúng tôi trong quá trình hướng dẫn học sinh đọc hiểu văn bản văn học. Tuy có thể có rất nhiều quan niệm về các cấp độ đọc hiểu nhưng có thể nhận thấy quan niệm có thể khác nhau nhưng mục đích cao nhất của quá trình đọc hiểu vẫn là quá trình cảm thụ tác phẩm để chiếm lĩnh giá trị thẩm mĩ của tác phẩm nghệ thuật.

  1. Khái quát về văn bản văn học.
  2. Khái niệm.

Văn bản văn học là một thuật ngữ có nội hàm khá rộng lớn, phong phú và phức tạp. Khái niệm có thể dùng để chỉ các loại hình văn học nghệ thuật bao gồm thơ ca, tiểu thuyết, tản văn, kịch bản văn học, ký, kịch bản điện ảnh…Những văn bản này tổ chức bằng ngôn từ, xoay quanh một chủ đề nhất định nhằm vào một định hướng giao tiếp nhất định.

  1. Đặc trưng.

Văn học là nghệ thuật ngôn từ

– Văn học phản ánh đời sống qua hình tượng nghệ thuật

– Văn học có tính đa nghĩa, phi vật thể và có giá trị khái quát lớn.

à Đọc hiểu văn bản văn học là một hoạt động mang tính đặc thù.

  1. Kĩ năng đọc hiểu văn bản văn học

– Điều kiện đầu tiên của quá trình đọc hiểu , của mọi sự phân tích, đánh giá, thẩm định giá trị của văn bản nghệ thuật là người đọc có cảm thấy văn bản đó hay, hấp dẫn và xúc động thực sự khi đọc hay không. Nghĩa là thao tác thứ nhất cần có phải là đọc.

Sau khi đọc kĩ tác phẩm ,người đọc phải sử dụng quá trình tư duy phức tạp trong đó có sự đan xen các yếu tố tri giác, lý giải, cắt nghĩa, tưởng tượng,liên tưởng, cảm xúc để phán đoán các mối liên hệ, các hình tượng nghệ thuật được tái hiện trong  tác phẩm. Quá trình này chúng tôi gọi là quá trình Chiếm lĩnh thế giới nghệ thuật của thi phẩm qua các tín hiệu nghệ thuật ( quá trình cảm thụ). Trong cấu trúc của cảm thụ văn học các nhân tố lý tính và xúc cảm  đã hoà tan vào nhau như muối, như đường hoà tan trong nước, không thể nhận biết trở thành siêu lý tính. Chỉ có như vậy người đọc hiểu mới có thể cảm nhận, phát hiện, khám phá, chiếm lĩnh bản chất thẩm mỹ của văn chương.

– Đọc hiểu văn bản nghệ thuật ở mỗi một thể loại lại có những phương pháp chiếm lĩnh riêng. Người đọc hiểu nhất định phải nắm được đặc trưng văn học, đặc trưng của từng thể loại mới có thể hoàn thành tốt quá trình đọc hiểu. Ở đây chúng tôi chỉ gợi ý ba thể loại cơ bản nhất.

  1. Đối với thể loại thơ.

 Học sinh cần đặc biệt chú ý tới một số vấn đề:

– Hoàn cảnh sáng tác

– Cấu tứ, chủ đề tư tưởng , mạch cảm xúc của thi phẩm a

– Các biện pháp tu từ thường dùng trong thơ

– Cần chú ý cách ngắt nhịp, cách gieo vần, giọng điệu, thể thơ, những từ ngữ gợi cảm, những động từ mạnh, những từ gợi màu sắc, âm thanh, những từ ngữ biểu hiện tâm hồn tinh tế của tác giả…

– Nếu đọc hiểu thơ trung đại cần chú ý thêm một số vấn đề liên quan tới thi pháp trung đại:  bút pháp tả cảnh ngụ tình, lấy thiên nhiên làm chuẩn mực để quy định vẻ đẹp của con người, gợi nhiều hơn tả, hình ảnh mang tính ước lệ tượng trưng, sử dụng điển cố, điển tích, lấy động để tả tĩnh, từ Hán Việt, so sánh giữa phần nguyên âm chữ Hán với bản dịch thơ…

b.Đối với thể loại truyện.

Học sinh cần đặc biệt chú ý tới một số vấn đề:

  • Hoàn cảnh sáng tác, chủ đề tư tưởng tác phẩm
  • Tình huống, cốt truyện, cách tổ chức cốt truyện, nghệ thuật trần thuật
  • Nhân vật, nghệ thuật xây dựng nhân vật
  • Ngôn ngữ, giọng điệu tác phẩm
  1. Đối với thể loại kịch
  • Hoàn cảnh sáng tác, chủ đề tư tưởng tác phẩm
  • Mâu thuẫn, xung đột chủ yếu
  • Tình huống, cốt truyện, cách tổ chức cốt truyện
  • Nhân vật, nghệ thuật xây dựng nhân vật ( Đặc biệt chú ý tới lời thoại)
  • Ngôn ngữ, giọng điệu tác phẩm
  1. Đề xuất ví dụ đoc- hiểu tác phẩm ngoài chương trình.

 Đọc hiểu văn bản: Tiếng thu ( Lưu Trọng Lư).à Vận dụng mở rộng khi dạy chuyên đề về Thơ mới

Văn bản thơ:

Tiếng thu

Em không nghe mùa thu
Dưới trăng mờ thổn thức?

Em không nghe rạo rực
Hình ảnh kẻ chinh phu
Trong lòng người cô phụ?
Em không nghe rừng thu
Lá thu kêu xào xạc
Con nai vàng ngơ ngác
Đạp trên lá vàng khô?

( Dẫn theo Thivien.net)

  1. Hướng dẫn học sinh tìm hiểu về tác giả.

– Lưu Trọng Lư ( 1912-1991), là người huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình. Ông sinh trưởng trong một gia đình quan lại, có xuất thân Nho học.

– Lưu Trọng Lư là một tác giả có vai trò rất quan trọng trong phong trào Thơ mới. Ông được đánh giá là người khởi xướng và cổ vũ tích cực cho sự ra đời và phát triển thơ Việt Nam hiện đại và là nhà thơ xuất sắc của phong trào này.

– Thơ Lưu Trọng Lư nổi bật với vẻ đẹp huyễn hoặc, hư ảo trong xây dựng hình ảnh thơ, nỗi buồn ngơ ngác, cô đơn thời Thơ mới ( Chữ dùng của Chu Văn Sơn). Nhà phê bình Hoài Thanh từng rất yêu thích Lưu Trọng Lư, ông từng nhận xét về thơ của thi nhân như sau:

Mỗi lúc buồn đến tôi lại trở về với Lưu Trọng Lư. Có những bài thơ cứ vương vấn trong trí tôi hằng tháng, lúc nào cũng như văng vẳng bên tai. Bởi vì thơ Lư nhiều bài thực không phải là thơ, nghĩa là những công trình nghệ thuật mà chính là tiếng lòng thổn thức cùng hòa theo tiếng thổn thức của lòng ta.

  1. Hướng dẫn học sinh đọc hiểu văn bản
  2. Đọc bài thơ
  3. Đề tài, cấu tứ

– Đề tài: Mùa thu, một đề tài quen thuộc trong thơ xưa và nay.

– Cấu tứ: Thể hiện ngay trong nhan đề Tiếng thu (Âm thanh của mùa thu). Chu Văn Sơn Sơn khi lí giải về cấu tứ này cho rằng Tiếng thu là bản hòa âm vừa mơ hồ vừa hiển hiện của bao nỗi xôn xao, thổn thức, ngấm ngầm chảy trong lòng tạo vật và tâm hồn thi nhân. ( Thơ điệu hồn và cấu trúc). Bài thơ được kết nối qua mạch âm thanh của nhiều đối tượng – tiếng thổn thức của trăng, tiếng rạo rực của lòng người, tiếng lá vàng xào xạc, tiếng bước chân của chú nai vàng. Và bản hòa âm của mùa thu đã tìm thấy cho mình bản hòa âm của ngôn từ để làm nên tiếng thu.

  1. Chiếm lĩnh thế giới nghệ thuật của thi phẩm qua các tín hiệu nghệ thuật.

( GV cần hướng dẫn học sinh tìm ra những điểm nhấn nghệ thuật tụ nghĩa của ngôn từ, hình ảnh thơ. Khi dạy bài thơ này chúng tôi đã hướng vào lí giải một số điểm cơ bản sau)

*  Có ba hình tượng cụ thể được tái hiện trong bài thơ tương ứng với ba câu hỏi tu từ theo trình tự bài thơ.

+ Em không nghe mùa thu
Dưới trăng mờ thổn thức?à hình tượng trăng mờ

+ Em không nghe rạo rực
Hình ảnh kẻ chinh phu
Trong lòng người cô phụ?à Hình tượng người cô phụ

+ Em không nghe rừng thu
Lá thu kêu xào xạc
Con nai vàng ngơ ngác
Đạp trên lá vàng khô?à hình tượng con nai vàng đạp trên lá vàng.

*Ba hình tượng đều hiện diện đằng sau cụm từ để hỏi: em không nghe và còn gắn với các loại âm thanh: thổn thức, rạo rực, xào xạc là những tín hiệu nghệ thuật cần giải mã để có thể đọc hiểu, chiếm lĩnh sâu sắc bài thơ.

– Cụm từ: em không nghe được lặp đi lặp lại tạo nhịp điệu khá đặc biệt cho bài thơ. Tại sao tác giả lại không dùng câu hỏi “ Em có nghe mùa thu” mà lại dùng câu phủ định “Em không nghe mùa thu”? Cái hay nằm ở từ “ không”, câu hỏi muốn diễn tả băn khoăn, khắc khoải của nhà thơ: Em có nghe thấy không? Giáo sư Trần Đình Sử phân tích rất đắc địa về từ không này: Chọn từ “không” nhà thơ thể hiện cái mặc cảm vô thức về nỗi cô đơn không người chia sẻ. Nhạc thu, cảnh thu tuy có thể hay và đẹp, nhưng thế gian ai người đồng cảm đây ? Vấn đề xốn xang của bài thơ là ai đồng cảm, chứ không phải cảnh có hay, màu có đẹp hay không. Cái trớ trêu của cuộc đời là ở đây : tiếng thu thật tha thiết, vậy mà dường như em không nghe. Có những dự cảm nào đó về sự thờ ơ của em và bài thơ hỏi ba lần : “Em không nghe… mùa thu… ? … ?”. Câu hỏi nêu ra nhẹ nhàng êm ái để khêu gợi lòng đồng cảm, nhưng trong khi nêu đã mang sẵn mặc cảm cô đơn, vừa khao khát đồng cảm, vừa không tin vào khả năng đồng cảm. Anh đã nghe tất cả, đó là một tiền giả định của câu hỏi. Vậy em không nghe thấy sao, một tiền giả định khác. Trong câu hỏi ở thể phủ định của các câu thơ đã hàm chứa một mâu thuẫn nội tại, tiềm ẩn mơ hồ giữa hai tâm hồn. Đó là cái buồn sâu xa, mới mẻ của bài Tiếng thu, mà cũng là của Thơ mới nói chung. Cùng trong một tiếng thu mà người thì nghe thấy, người thì không nghe.

– Các âm thanh thổn thức, rạo rực, xào xạc cũng rất đặc biệt:  thổn thức, rạo rực không phải là thứ âm thanh có thể nghe bằng thính giác, đó là tiếng lòng mà người đọc chỉ có thể cảm nhận bằng linh cảm, tâm hồn . Và cả ba âm thanh đều gợi buồn, gợi cô đơn.

– Hình ảnh của chú nai ngơ ngác cuối bài thơ là hình ảnh đáng chú ý. Có nhiều ý kiến xoay quanh hình ảnh này. Người cho rằng đó là hình ảnh thật của thiên nhiên, có ngươi khẳng định đó là sự tưởng tượng của cá nhân thi sĩ. Ở đây nên hiểu là hình ảnh mang tính biểu trưng thì hợp lí hơn.Cái ngơ ngác của nai cũng là cái ngơ ngác của chính nhà thơ và của nhiều thi nhân khác trong thời đại thơ mới khi mà họ luôn thấy cô đơn, bơ vơ, buồn bã  mà lại bế tắc không biết hướng đi của chính bản thân mình.

* Vần điệu của bài thơ cũng rất thú vị:

Vần điệu bài thơ đã tạo nên nhạc điệu độc đáo của tác phẩm. Toàn bài vần bằng chiếm số lượng nhiều hơn hẳn vần trắc, tạo nên âm điệu khá êm đềm. Tuy nhiên có thể nhận thấy thanh trắc tuy ít hơn nhưng lại được đặt ở cuối câu : chín dòng thơ mà có năm tiếng trắc ở cuối dòng, ba cặp vần liền là trắc, bốn cặp từ láy là trắc. Các vần : ức, ực, ụ, ạc, ác làm cho tiếng thu không ngân vang lên được, mà thu lại, tắc nghẹn lại trong lòng

à Tiếng thu lời ít mà mở ra mênh mông suy tư trong lòng người đọc. Thi phẩm là bản nhạc của tiếng thu thiên nhiên và tiếng lòng đầy tâm trạng. Đằng sau tiếng thu là khát khao được đồng cảm, đồng điệu như là tiếng lòng muôn đời của thi sĩ.

PHẦN 3

PHẦN KẾT LUẬN

Rèn kĩ năng đọc hiểu tác phẩm ngoài chương trình cho học sinh chuyên văn là vấn đề cần thiết đối với công tác phát hiện và bồi dưỡng học sinh giỏi mà giáo viên cần quan tâm. Đây chưa phải là chuyên đề sâu mang tính khoa học lí luận mà chỉ là những chia sẻ của cá nhân  với các bạn đồng nghiệp. Chuyên đề cũng vẫn còn nhiều thiếu sót như chưa nêu lên được cách thức đọc hiểu của tất cả các thể loại văn học, dẫn chứng còn ít ỏi, rất mong nhận được sự góp ý của các bạn đồng nghiệp.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *