Chi tiết nghệ thuật trong tác phẩm văn chương tự sự

Tài liệu Văn

Chuyên đề:

CHI TIẾT NGHỆ THUẬT TRONG TÁC PHẨM VĂN CHƯƠNG TỰ SỰ

 

 

A/ PHẦN MỞ ĐẦU

  1. LÍ DO CHỌN ĐỀ TÀI

Tự sự là phương thức nghệ thuật phản ánh đời sống theo nguyên tắc khách quan bằng cái nhìn từ bên ngoài vào. Nhà văn thể hiện tình cảm gián tiếp qua thế giới được miêu tả và tái hiện. Để có cái nhìn khách quan, tác phẩm tự sự tập trung phản ánh đời sống qua các sự kiện, hệ thống sự kiện. Vì vậy nhiều nhà lý luận cho rằng tính sự kiện có một ý nghĩa quan trọng và là đặc điểm hàng đầu của tác phẩm tự sự. Nhưng những biến cố, sự kiện này không được miêu tả trực tiếp mà được xem như là đối tượng đem ra phân tích, nhận biết. Tác phẩm tự sự phản ánh thế giới trong khoảnh khắc hoặc thời gian dài nhiều thế kỷ, trong hiện tại hoặc lùi về dĩ vãng. Do tính chất, phản ánh rộng lớn và bao quát nên hệ thống chi tiết trong tác phẩm tự sự rất phong phú và đóng vai trò quan trọng. Chúng ta có thể bắt gặp những chi tiết về chân dung, ngoại hình, tâm lý, phong tục, tập quán, tôn giáo, chính trị… bao gồm những chi tiết có thực và cả hoang đường, kỳ ảo. Tìm hiểu tác phẩm văn chương tự sự bao giờ cũng phải thông qua hệ thống chi tiết nghệ thuật. Theo giáo sư Nguyễn Đăng Mạnh: “Ở mỗi truyện ngắn, chi tiết đều có vị trí quan trọng như mỗi chữ trong bài thơ tứ tuyệt. Trong đó những chi tiết đóng vai trò đặc biệt như những nhãn tự trong thơ vậy”. Phân tích, đọc hiểu tác phẩm văn chương tự sự là công việc thường xuyên của giáo viên và học sinh. Điều đó càng quan trọng đối với công việc dạy – học chuyên. Từ thực tế giảng dạy ở lớp chuyên trong các năm qua, tôi đã suy nghĩ và mạnh dạn trình bày cùng các bạn đồng nghiệp chuyên đề: Chi tiết nghệ thuật trong tác phẩm văn chương tự sự.

  1. PHẠM VI NGHIÊN CỨU

Phạm vi của tác phẩm tự sự rất rộng lớn và có thể được phân loại ở nhiều góc độ khác nhau. Dựa vào hình thức lời văn có thể nói tới các thể loại cơ bản như: anh hùng ca (sử thi), truyện thơ, trường ca (văn vần), tiểu thuyết, truyện vừa, truyện ngắn, truyện ngụ ngôn. Dựa vào nội dung thể loại có thể phân thành các tác phẩm có chủ đề dân tộc, thế sự, đạo đức, đời tư…Tuy nhiên trong khuôn khổ đề tài này chúng tôi chỉ đề cập đến truyện ngắn, thể loại phổ biến và chiếm dung lượng lớn trong chương trình Ngữ văn trung học phổ thông.

III.  PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

Mô tả, phân tích, giải thích, so sánh, thống kê….

B/ PHẦN NỘI DUNG

  1. CHI TIẾT VÀ CHI TIẾT NGHỆ THUẬT TRONG TÁC PHẨM VĂN CHƯƠNG TỰ SỰ
  2. Chi tiết

Vốn là một từ ngữ quen thuộc trong giao tiếp hàng ngày. Theo Từ điển Tiếng Việt ( NXB Đà Nẵng năm 2000) thì “Chi tiết là phần rất nhỏ, điểm nhỏ trong nội dung sự việc hoặc hiện tượng. Ví dụ: kể rành rọt từng chi tiết. Thành phần riêng lẻ hoặc tổ hợp đơn giản nhất của chúng, có thể tháo lắp được. Ví dụ: chi tiết máy. Có đầy đủ những điểm nhỏ nhất, tỉ mỉ. Ví dụ: Dàn bài rất chi tiết”.

Như vậy, từ “chi tiết” được hiểu và dùng để chỉ những bộ phận, thành tố rất nhỏ của một chỉnh thể tổng hợp, hoàn chỉnh. Nó là một thành phần thuộc về cấu tạo của sự việc hoặc sự vật. Tuy nhỏ nhặt nhưng không thể thiếu vắng chi tiết trong cấu thành chỉnh thể.

  1. Chi tiết nghệ thuật trong tác phẩm văn chương tự sự

Chi tiết nghệ thuật là những hiện thực đời sống được nhà văn tái hiện trong tác phẩm, là yếu tố nhỏ, lẻ nhưng mang sức chứa lớn về cảm xúc và tư tưởng. Nói cách khác, chi tiết nghệ thuật là những bộ phận nhỏ, tự nó đứng riêng thì không có giá trị nhưng khi kết lại theo một trật tự nào đó thì lại có khả năng biểu hiện ý nghĩa, giá trị to lớn. Mỗi hình tượng nghệ thuật được thêu dệt nên bằng nhiều chi tiết lớn nhỏ khác nhau. Tuỳ theo sự thể hiện cụ thể mà chi tiết có khả năng giải thích, tái hiện, biểu hiện… khiến hình tượng nghệ thuật trở nên cụ thể, gợi cảm và sống động, khiến dụng ý của nhà văn được hiện hình rõ nét, trở thành tiêu điểm, điểm hội tụ tư tưởng của tác giả trong tác phẩm. Chi tiết chính là điểm nhìn, thể hiện quan niệm nghệ thuật và tâm hồn tác giả với đối tượng phản ánh. Vì vậy, một chi tiết dù nhỏ cũng là kết quả lựa chọn, sắp xếp và mô tả của nhà văn, gắn với quá trình tư duy và sáng tạo nghệ thuật. Nó xuất hiện ở vị trí nào trong mạch vận động của tác phẩm, nó được thể hiện ra sao hoàn toàn phụ thuộc vào con mắt nhìn, khả năng thấu hiểu con người và cuộc đời của nhà văn. Đọc hiểu một văn bản tự sự không thể không gắn với quá trình phân tích, lí giải, đánh giá chi tiết nghệ thuật. Theo sách Làm văn 12, NXB Giáo dục năm 2000: “ Nội dung khái quát của tác phẩm được gửi gắm qua các chi tiết ( lời nói của nhân vật, bộ điệu, cử chỉ, nét mặt, đồ vật, cảnh tượng…). Chi tiết bao giờ cũng có khả năng thuyết minh, biểu hiện cái toàn thể ( phạm vi ý nghĩa mà nó phụ thuộc vào)”.

  1. VAI TRÒ CỦA CHI TIẾT TRONG TÁC PHẨM VĂN CHƯƠNG TỰ SỰ
  2. Chi tiết góp phần khái quát hiện thực và làm nổi bật hình tượng nghệ thuật.

Tác phẩm tự sự khác tác phẩm thơ ở sức khái quát hiện thực rộng lớn thông qua  các hình tượng nghệ thuật.  Nhà văn phản ánh đời sống theo nguyên tắc khách quan, thể hiện tình cảm gián tiếp qua thế giới nghệ thuật được miêu tả và tái hiện. Mà hiện thực đời sống và hình tượng nghệ thuật đều được tạo thành từ những chi tiết cụ thể thậm chí nhỏ nhặt. Hình tượng nghệ thuật là các đối tượng và hiện tượng của đời sống và con người được tái hiện một cách sống động trong tác phẩm văn học. Đặc điểm cơ bản của hình tượng là tái hiện cuộc sống qua các chi tiết nghệ thuật. Đó có thể là các chi tiết về nghề nghiệp, chi tiết ngoại hình, chi tiết nội tâm, chi tiết sự kiện… Thông qua việc tổ chức các chi tiết nghệ thuật một cách đặc biệt, nhà văn tái hiện cuộc sống, làm cho con người và cảnh vật trong văn học trở nên có màu sắc, hình khối, âm thanh, hương vị, biết cựa quậy, vận động y như thật. Các chi tiết về ngoại hình, tướng mạo, lai lịch, hành vi của Mã Giám Sinh đều có tác dụng thông báo với người đọc về một kẻ lưu manh giả danh trí thức. Cũng vậy, ta nhớ Chí Phèo vì cái mặt hắn “ không còn phải là mặt người” vì thói quen “ cứ rượu xong là hắn chửi” và cả những rung động rất “người”  khi ở bên Thị Nở. Theo PGS – TS La Khắc Hoà: “ Phân tích tác phẩm tự sự thực chất là phân tích các chi tiết”.

  1. Chi tiết gắn với quan niệm nghệ thuật về con người và cuộc sống của nhà văn.

Nhận thức và phản ánh đời sống trong văn học không tách rời với việc thể hiện tư tưởng, tình cảm, ước mơ và khát vọng của nhà văn đối với con người và cuộc sống. Đằng sau bức tranh hiện thực được miêu tả, tái hiện bao giờ cũng chứa đựng cái khát vọng thiết tha muốn thể hiện một tư tưởng, một quan niệm riêng của người sáng tác. Gắn với khát vọng đó là một cảm hứng mãnh liệt muốn khẳng định điều này, phủ định điều kia, muốn nhìn thấy lẽ phải của cuộc sống được thực hiện. Nhưng trong tác phẩm tự sự, nhà văn chỉ được phép bộc lộ tình cảm gián tiếp qua thế giới được miêu tả và tái hiện, cũng không thể biến nhân vật thành cái loa phát ngôn cho tư tưởng một cách lộ liễu. Thế nên, yếu tố quan trọng bậc nhất của tác phẩm tự sự là những chi tiết và lối hành văn mang nhiều ẩn ý, tạo cho tác phẩm chiều sâu chưa nói hết. Đọc truyện ngắn “Chiếc thuyền ngoài xa” của Nguyễn Minh Châu chúng ta đều nhận thấy điểm nhìn trần thuật của tác giả gửi vào nhân vật Phùng nhưng Phùng chưa hẳn là Nguyễn Minh Châu. Tác giả để cho nhân vật Phùng đi từ những ngộ nhận, phiến diện đến sự “vỡ lẽ” về hiện thực cuộc sống và con người thời kì Đổi mới qua tình huống truyện, qua những chi tiết được miêu tả, tự sự trong tác phẩm. Từ  câu chuyện về sự thật cuộc đời trong một gia đình hàng chài, từ ý thức về vai trò, sứ mệnh của văn chương chân chính,  tác giả đã đặt ra một số giải pháp đồng thời là lối thoát cho con người. Những giải pháp ấy được  gợi mở qua một số chi tiết như: con dao trong tay thằng Phác, mảnh đất xã cấp cho gia đình người đàn bà hàng chài, thiếu nữ mặc áo tím…Những chi tiết đó đã giúp nhà văn thể hiện niềm lo âu khắc khoải trước số phận và những nguy cơ đối với con người trong cuộc mưu sinh nhọc nhằn trên biển. Tuy nhiên, đó mới chỉ là tầng ý nghĩa “bề nổi” của tác phẩm. Bằng tiên cảm của một nhà văn thiết tha với số phận con người và đất nước, Nguyễn Minh Châu đặt kì vọng vào một giải pháp khác, đó là Cách mạng. Nhà văn đã kín đáo gửi niềm mong đợi đó vào một chi tiết rất nhỏ trong câu chuyện của người đàn bà hàng chài ở toá án huyện. Câu văn này có hình thức lời nửa trực tiếp, nghĩa là về nội dung nó là lời người đàn bà kể về cảnh ngộ éo le của mình nhưng về hình thức lại là câu bình luận của người kể chuyện: “ Trong cái đám con cái đông đúc đang sống dưới thuyền, mụ không yêu một đứa nào bằng thằng Phác, cái thằng con từ  tính khí đến mặt mũi giống như lột ra từ cái lão đàn ông đã từng hành hạ mụ và không khéo sẽ còn hành hạ mụ đến khi chết – nếu không có cách mạng về”. Nhà văn đã “gói rào” tình cảm, thái độ của mình trong chi tiết mơ ước về một cuộc  “cách mạng” khác – cuộc cách mạng sẽ cứu những con người trong gia đình thuyền chài ra khỏi tình trạng mông muội, hoang hoá trong hiện tại. Viết những dòng chữ này vào năm 1983, Nguyễn Minh Châu đã chứng minh sứ mệnh của nhà văn là: “ cảnh tỉnh với đời một điều gì đó tiên cảm thấy trong đời sống”.

 

 

3) Chi tiết đóng vai trò làm tiền đề cho sự phát triển của cốt truyện

Không chỉ góp phần thể hiện nội dung sự kiện được phản ánh  và tư tưởng của nhà văn, mà chi tiết còn tham gia vào sự phát triển của cốt truyện, làm nên cấu trúc đặc biệt của tác phẩm. Nam Cao đã mở đầu truyện ngắn “Chí Phèo” bằng chi tiết: “ Hắn vừa đi vừa chửi, bao giờ cũng vậy, cứ rượu xong là hắn chửi…”. Chi tiết này ngoài tác dụng giới thiệu những đặc điểm, thuộc tính của hình tượng nhân vật thì còn có ý nghĩa khơi gợi sự hấp dẫn, thu hút sự chú ý của độc giả vào câu chuyện đang được nói tới. Nhưng quan trọng hơn cả là với chi tiết mở đầu như thế, truyện mở ra một trường không gian, thời gian từ quá khứ đến hiện tại và hé mở cả một phần tương lai trong cuộc đời nhân vật. Nghĩa là, nhà văn không mất thời gian kể lể nhiều sự kiện mà gói trọn nội dung cốt truyện chỉ trong một chi tiết nhỏ. Tương tự như thế, chi tiết “cuộc gặp gỡ giữa Chí Phèo và  Thị Nở” có ý nghĩa đặc biệt quan trọng làm nên sự phát triển của mạch truyện. Giả sử không có chi tiết này, tác giả làm thế nào để thể hiện bước ngoặt trong nhận thức của nhân vật và sự phát triển đi lên của câu chuyện được kể?

4) Chi tiết mang bản chất sáng tạo của người nghệ sĩ, bản chất văn hoá của một cộng đồng.

   Yếu tố quan trọng làm nên giá trị của một tác phẩm văn chương nói chung là sự sáng tạo. Nhà văn bao giờ cũng lưu lại dấu ấn phong cách, sự khám phá, phát hiện riêng trong “đứa con tinh thần” của mình. Chi tiết nghệ thuật là cấp độ đầu tiên thể hiện sự sáng tạo của nhà văn và bản chất văn hoá của cộng đồng mà nhà văn đó sống và sáng tác. Đọc “Chữ người tử tù” dễ nhận thấy phong cách tài hoa, uyên bác và có phần ngông nghênh kiêu bạc của Nguyễn Tuân và văn hoá phương Đông trong từng chi tiết nghệ thuật. Ví như khi ông so sánh gương mặt viên quan coi ngục với “ mặt nước ao xuân, bằng lặng, kín đáo và êm nhẹ”, miêu tả vẻ đẹp những dòng chữ của Huấn Cao: “những nét chữ vuông tười tắn nó nói lên những cái hoài bão tung hoành của một đời con người”…Những chi tiết đó một mặt thông báo với độc giả về giá trị của những đối tượng được nói tới, mặt khác khắc in dấu ấn phong cách nhà văn cả đời lặn lội trên hành trình kiếm tìm cái Đẹp. Cũng chỉ Nguyễn Tuân mới tưởng tượng ra được chi tiết “ Một người tù cổ đeo gông, chân vướng xiềng, đang dậm tô nét chữ trên tấm lụa trắng tinh căng trên mảnh ván”. Đó là chi tiết miêu tả cảnh ông Huấn Cao cho chữ quản ngục. Từ chi tiết này, chủ đề tư tưởng của tác phẩm đã hiện hình rõ nét: ca ngợi sự thắng thế của cái Đẹp trong nghịch cảnh, từ đó mà bày tỏ mối bất hoà sâu sắc với hiện thực ô trọc của xã hội đương thời. Rõ ràng mỗi chi tiết nghệ thuật trong “Chữ người tử tù” đều hàm chứa thông điệp của “vương quốc những người tài hoa” mà Nguyễn Tuân là chủ soái.

III. MỘT SỐ LOẠI CHI TIẾT THƯỜNG GẶP TRONG TÁC PHẨM VĂN CHƯƠNG TỰ SỰ.

1) Chi tiết nhân vật

Là những yếu tố ngôn ngữ, lời văn được dùng để miêu tả, tự sự nhằm làm sống dậy hình tượng nhân vật trong tác phẩm tự sự. Những chi tiết liên quan đến nhân vật chiếm số lượng lớn nhất trong tác phẩm và cũng được độc giả chú ý nhiều bởi nhân vật là yếu tố quan trọng nhất, duy trì sự phát triển và sức hấp dẫn của câu chuyện được kể. Đó là những chi tiết về lai lịch, hoàn cảnh xuất thân, ngoại hình, hành động, nội tâm… của nhân vật mà người đọc không thể bỏ qua khi tiếp xúc với hình tượng nghệ thuật. Tìm hiểu tác phẩm “Chí Phèo” của Nam Cao, chúng ta đều nhớ chi tiết về sự ra đời của nhân vật: “ Một anh đi thả ống lươn, một buổi sáng tinh sương đã thấy hắn trần truồng và xám ngắt trong một cái váy đụp để bên một cái lò gạch bỏ không… ” để từ đó cảm nhận về nỗi đau thân phận một con người sinh ra đã bị tước đoạt quyền làm người. Tương tự thế, những chi tiết về ngoại hình và hành động của Chí Phèo từ khi ra tù đến trước khi gặp thị Nở đều có giá trị thông báo với độc giả về sự tha hoá khủng khiếp trong tâm hồn “con quỷ dữ” của làng Vũ Đại. Nam Cao đã tỏ rõ bản lĩnh sáng tạo và phẩm chất thiên tài của mình khi dụng công sắp xếp các chi tiết tưởng như vô tình, ngẫu nhiên. Thực tế, không một chi tiết nào trong “ Chí Phèo” thừa hoặc vụn đã đành mà mỗi chi tiết có thể xem như một mắt xích của sợi dây chuyền đã được nhà văn tính toán công phu từ trước đó. Ở đây xin nêu một dẫn chứng về một chi tiết nhỏ đôi khi bị lãng quên trong khi phân tích nhân vật Chí Phèo, đó là chi tiết “quên báo thù”. Vào cái buổi chiều mùa hè oi bức, Chí vác dao đi báo thù mà không biết báo thù ai. Nếu hai lần trước, Chí còn biết tìm đến nhà Bá Kiến thì lần này con dao của Chí đã mất phương hướng, không biết nhằm vào ai. Thế rồi bước chân vô thức đưa Chí đến nhà Tự Lãng, để hai kẻ “ tri kỉ cuồng” chết vùi trong triết lí: “uống đến đái ra rượu thì mới thích”. Như vậy, con dao của Chí đã chết chìm trong đáy nông cốc rượu làm Chí lạc đường. Chi tiết “quên báo thù” khiến cái bóng lảo đảo, thảm hại dưới trăng của Chí trở thành biểu tượng sâu sắc cho sự mất thăng bằng toàn diện và dữ dội trong tâm hồn y.

2) Chi tiết đồ vật

Trong tác phẩm văn chương tự sự, đồ vật cũng là một chi tiết nghệ thuật quan trọng. Ví như vũ khí được miêu tả nhiều trong sử thi Hi Lạp, đặc biệt là chiếc khiên của hiệp sĩ. Truyện Hồng Lâu Mộng của tào Tuyết Cần có cả một thế giới đồ vật mà nhà văn tốn nhiều công phu miêu tả chẳng phải ngẫu nhiên hay tuỳ hứng. Bởi vì, những đồ vật đó đã thay nhà văn thể hiện những suy nghĩ về cuộc đời, con người hoặc bộc lộ một tiên cảm nào đó về số phận, định mệnh, tín ngưỡng…. Chi tiết viên ngọc “Thông linh bảo ngọc” của Giả Bảo Ngọc và chiếc lắc khoá cổ bằng vàng của Bảo Thoa là một ví dụ. Hai thứ đó hợp thành “Kim ngọc lương duyên” khiến Bảo Thoa hi vọng còn Lâm Đại Ngọc mặc cảm thân phận mình là “Mộc” (Lâm – Cây) sao sánh được với “Ngọc”. Trong khi đó Giả Bảo Ngọc lại rất coi thường viên ngọc, khi giận dữ còn dứt ra, ném đi. Đến khi mất ngọc, câu chuyện lâm vào kết thúc bi thương. Rõ ràng những chi tiết đồ vật có tác dụng thể hiện cả một thế giới tinh thần của con người. Chúng ta cũng có thể nói như thế về các chi tiết như: “chiếc bánh bao tẩm máu người” ( Thuốc – Lỗ Tấn),  “bát cháo hành của Thị Nở” ( Chí Phèo – Nam Cao), “cái ấm nước của Từ” ( Đời thừa – Nam Cao)…Đọc “Chữ người tử tù” của Nguyễn Tuân dễ nhận thấy dụng ý của tác giả gửi gắm trong một loạt các chi tiết đồ vật như: “chiếc hèo hoa”, “giá gươm”, “góc án thư vàng đã nhợt, son đã mờ”, “ cây đèn nến vơi lần mực dầu”, “tấm lụa bạch còn nguyên vẹn lần hồ”… Trước hết những đồ vật được miêu tả gắn với không khí cổ kính, trang nghiêm như một vang bóng trong thời gian. Sau nữa, chúng có giá trị gợi lại một nếp sống thanh bạch cùng những lễ nghi, trật tự của thời phong kiến mà dư âm còn vọng lại trong kí ức người hiện đại. Nói tóm lại, thế giới đồ vật trong tác phẩm văn chương tự sự đóng vai trò đáng kể vào việc miêu tả tâm hồn, tính cách nhân vật cùng những phong tục, tập quán, tín ngưỡng của con người một thời.

3) Chi tiết khung cảnh

Trong tác phẩm tự sự, không gian nghệ thuật là phương thức tồn tại, triển khai của thế giới nghệ thuật. Là một hiện tượng nghệ thuật, không gian nghệ thuật mang tính ước lệ, giàu ý nghĩa cảm xúc. Nhà văn đã mượn ý niệm về không gian để thể hiện những đặc điểm, thuộc tính của con người. Những chi tiết khung cảnh góp phần hoàn thiện không gian nghệ thuật trong tác phẩm. Với tác phẩm “ Chữ người tử tù”, Nguyễn Tuân đã rất thành công khi miêu tả chi tiết “bóng tối” và “ánh sáng” trong không gian nghệ thuật. Truyện được xây dựng dựa trên không gian nhà tù – một “trại giam tối om”, một cõi nhân sinh mà “bóng tối” nhiều hơn ánh sáng. Trước hết là “bóng tối” trong tự nhiên: “ trời tối mịt”, “một buống tối chật hẹp, ẩm ướt”. Sau nữa nó là biểu tượng cho “bóng tối” trong tâm hồn con người. Ngục quan hiện ra trong thế giới tối tăm với tâm hồn nặng trĩu nỗi cô đơn. Xung quanh ông chỉ một ngọn đèn leo lét, bóng tối mịt mù quạnh quẽ, tiếng kiểng, tiếng mõ thưa thớt, tiếng chó sủa ma…Những bóng ma huyền bí, nỗi sợ hãi mơ hồ cứ ám mãi vào màn đêm hoang vắng tạo thành vòng dây trói vô hình tròng lên cuộc đời những con người buộc phải ăn đời ở kiếp với “bóng tối”. Mẩu đối thoại ngắn ngủi đầy e dè, kiêng kị lẫn nhau giữa quản ngục và thơ lại như khắc hoạ rõ hơn số phận những con người bị cầm tù trong màn đêm âm u. Tuy nhiên, trong khi miêu tả “bóng tối”, Nguyễn Tuân đã có chủ ý gợi ra “ánh sáng” phía xa xa. Chút “ánh sáng” tuy nhỏ nhoi nhưng không dễ gì dập tắt là niềm tin của nhà văn vào sự vươn dậy của thiên lương con người dù trong bất kì hoàn cảnh nào. Đó là “ánh sáng” khuất lấp nơi đáy hồn viên quan coi ngục có cơ hội vươn dậy nhờ sự tác động của cái Đẹp.

4) Chi tiết cốt truyện

Đây thực chất là những tình tiết của cốt truyện góp phần dẫn dắt mạch truyện phát triển theo một chiều hướng nào đó nằm trong ý đồ của nhà văn. Những chi tiết này đôi khi rất nhỏ, thậm chí người đọc không để ý nhưng lại có ý nghĩa quan trọng giúp duy trì sự vận động của câu chuyện kể một cách tự nhiên, linh hoạt, tạo hứng thú nơi độc giả và làm nên những bước ngoặt trong nhận thức hoặc hành động của nhân vật. Đọc tác phẩm “Đời thừa” của Nam Cao, độc giả đều biết đến bi kịch tinh thần của Hộ nhưng không phải ai cũng đã để ý đến một chi tiết rất nhỏ đó là cái lần Hộ ra tỉnh lĩnh tiền rồi trở về say khướt dù trước đó chính anh đã quyết tâm sẽ về ngay, sẽ mang bánh và thịt về cho các con…Theo dõi truyện có thể thấy, Hộ đã thực hiện đúng kế hoạch của mình và chỉ một chút nữa thôi, anh đã hoàn thành bổn phận làm cha với đàn con thơ ngây, háu ăn ở nhà. Nhưng rồi, chính anh lại rủ bạn đi uống bia, uống rượu để rồi sáng hôm sau tỉnh dậy trong niềm ân hận, dằn vặt không nguôi. Điều gì đã biến Hộ thành kẻ thất hứa với vợ con, hưởng thụ cho riêng mình như vậy? Ai đọc truyện cũng biết ngay đó là vì cuốn “Đường về” được dịch ra tiếng Anh nhưng tình tiết quan trọng hơn chính là vì, vào cái lúc Hộ định rẽ vào quán mua bánh cho con thì trong đó lại có “một thiếu nữ đẹp đang mặc cả”. Vậy là một chút lịch sự với phụ nữ đã khiến Hộ không thực hiện được lời hứa của mình. Truyện ngắn “Vợ nhặt” của Kim Lân cũng có những chi tiết về kết cấu, cốt truyện rất đặc sắc. Đó là tiếng hờ khóc tỉ tê của những nhà có người chết đói, tiếng trống thu thuế ngoài đình. Cả hai chi tiết đều tập trung thể hiện một điều: hạnh phúc của Tràng trở nên mong manh khi đặt cạnh những ám ảnh chết chóc. Hãy đọc lại đoạn văn miêu tả tiếng trống: “ Ngoài đình bỗng dội lên một hồi trống dồn dập, vội vã. Đàn quạ trên những cây gạo cao chót vót ngoài bãi chợ hốt hoảng bay vù lên, lượn thành từng đám vẩn trên nền trời như những đám mây đen”. Một chi tiết nhỏ nhưng có sức khái quát vấn đề lớn: hiện thực tăm tối của xã hội nông thôn Việt Nam trước Cách mạng. Những con quạ, biểu tượng của sự chết chóc, vậy mà chúng phải hốt hoảng, sợ hãi bay lên khi nghe tiếng trống. Thế thì tiếng trống hay là chính sách tàn bạo, dã man của thực dân Pháp như lưỡi hái tử thần khiến “Xóm làng ta xơ xác héo hon” (Tố Hữu).

  1. TÌM HIỂU VAI TRÒ CỦA CHI TIẾT NHỎ QUA TRUYỆN NGẮN: “CHÍ PHÈO” (NAM CAO) VÀ “VỢ CHỒNG A PHỦ” (TÔ HOÀI)
  2. Truyện “Chí Phèo” của Nam Cao

Tác phẩm viết về đề tài nông thôn, nông dân Việt Nam trước Cách mạng. Nhà văn đã tập trung miêu tả, phản ánh bi kịch khốn cùng của những kẻ sinh ra là người nhưng chưa bao giờ được đối xử bình đẳng như một con người trong xã hội cũ. Chủ đề tư tưởng đó được gửi gắm trong nhiều chi tiết từ lai lịch, hoàn cảnh xuất thân, ngoại hình, số phận… của nhân vật Chí Phèo mà người phân tích tác phẩm không thể bỏ qua.Ở đây, chỉ nhấn mạnh một số chi tiết nhỏ như những tín hiệu nghệ thuật lấp láy nằm trong dụng ý của nhà văn nhưng đôi khi bị độc giả lãng quên hoặc không để ý tới. Trước hết là những chi tiết về “giá trị” của Chí Phèo. Khi hắn “trần truồng, xám ngắt” được “anh đi thả ống lươn” “rước lấy” đem “cho” một bà goá mù. Bà goá này lại “bán hắn cho một bác phó cối”.Khi bác phó cối chết đi, Chí làm canh điền cho nhà Bá Kiến, bị Bá Kiến chồng biến thành con trâu làm giàu cho hắn còn Bá Kiến vợ biến Chí thành công cụ nhằm thoả mãn dục vọng đê tiện của người đàn bà lẳng lơ. Như vậy “giá trị” của Chí tăng dần theo tuổi đời và chưa bao giờ người ta coi Chí là Người với sự tồn tại thống nhất cả tâm hồn và thể xác. Sau này cũng thế, Chí muốn sống thì phải bán rẻ nhân cách còn muốn lương thiện thì đành tự kết thúc sự sống của mình. Trong cuộc đời tha hoá khủng khiếp, Chí đã đến nhà Bá Kiến nhiều lần nhưng những lần Chí đến xin tiền thì được đáp ứng còn lần cuối đến đòi lương thiện thì phải chết. Xã hội ấy thừa tiền và thủ đoạn để mua chuộc, làm tha hoá một con người nhưng lại thiếu một điều bình thường nhất: sự lương thiện. Những chi tiết nhỏ đã thay nhà văn nói được nhiều hơn thế về thân phận con người, về tội ác của giai cấp thống trị và những nguy cơ đối với con người trong xã hội đó. Phân tích tác phẩm Chí Phèo chúng ta đều chú ý tới những bi kịch trong cuộc đời nhân vật như: bi kịch bị tha hoá, bi kịch bị ruồng bỏ, xa lánh, bi kịch bị từ chối quyền làm người lương thiện, bi kịch hoàn lương… tuy nhiên có một khía cạnh trong chuỗi bi kịch đó mà đôi khi người đọc không nhìn thấy, đó là bi kịch bị đối xử bất công. Bi kịch này được nhà văn gửi gắm trong mấy chi tiết nhỏ. Trước hết là chi tiết Chí Phèo uống rượu với Tự Lãng say đến mức Tự Lãng bò ra sân và hỏi: “ Người ta đứng lên bằng cái gì?” Chí Phèo đã không trả lời được câu hỏi đó nên bỏ mặc Tự Lãng rồi lảo đảo ra về. Tiếp đó là chi tiết Thị Nở sau khi “trút vào mặt hắn tất cả những lời bà cô” thì “ngoay ngoáy cái mông đít đi ra về”. Chí Phèo đuổi theo, gọi lại, nắm lấy tay thì bị “Thị gạt ra, lại giúi thêm cho một cái. Hắn lăn khoèo xuống sân”. Như vậy, nếu mấy hôm trước Chí không biết người ta đứng lên bằng cái gì thì hôm nay chính Chí cũng lại bò lê trên mặt đất. Thị Nở dù xấu “ma chê quỷ hờn” vẫn lấy cái quyền của người “trong đê” để mà sỉ nhục, ruồng rẫy Chí. Thì ra có những kẻ sinh ra là người nhưng chưa bao giờ được đối xử bình đẳng như một con người. Bi kịch đau đớn nhất của Chí Phèo không phải là bị bóc lột sức lao động, bị mua chuộc làm cho tha hoá mà chính là phải sống trong sự ghẻ lạnh, ráo cạn tình người . Cái chết của Chí Phèo như nhiều người nhận định do tội ác của bọn cường hào ác bá trực tiếp hoặc gián tiếp gây ra. Điều này tất nhiên đúng nhưng chưa đủ. Nam Cao còn muốn nói với chúng ta một điều thấm thía hơn thế. Hãy chú ý đến những  chi tiết như: đáp lại tiếng chửi của Chí: “ chỉ có ba con chó dữ”, nơi ở của Chí cách làng Vũ Đại một con đê, “từ khi hắn đến, người ta tìm một lối khác xa hơn” để ra sông kín nước, câu nói của bà cô Thị Nở: “Đàn ông chết hết cả rồi hay sao mà lại đâm đầu đi lấy một thằng…chỉ có một nghề là rạch mặt ra ăn vạ” và đặc biệt là lời bàn tán của dân làng Vũ Đại sau cái chết của Bá Kiến với Chí Phèo: “Thằng nào chứ hai thằng ấy chết thì không ai tiếc!”…Thì ra, Chí Phèo đã luôn bơ vơ, cô độc trong xã hội làng Vũ Đại. Mặc dù Chí đã ăn năn hối cải nhưng không ai hiểu và cảm thông cho khát vọng chính đáng đó. Ngăn cản con đường trở lại nguồn gốc thiện căn của Chí không chỉ có giai cấp thống trị và bà cô Thị Nở mà còn cả những người dân làng nghèo khổ, bất hạnh. Đó mới là tột cùng bi kịch trong cuộc đời anh canh điền làng Vũ đại.

 

 

  1. Truyện “Vợ chồng A Phủ” của Tô Hoài.

Chủ đề của truyện phản ánh thân phận khổ đau, tăm tối của người nông dân miền núi dưới ách thống trị của các thế lực phong kiến đồng thời là bài ca về sức sống, khát vọng tự do của con người cùng nỗ lực vươn tới một cuộc sống tốt đẹp, hạnh phúc hơn nhờ Cách mạng. Vì vậy, khi phân tích tác phẩm chúng ta thường tập trung khai thác các chi tiết thể hiện nỗi khổ đau, bất hạnh, sức sống, niềm tin và sự trỗi dậy của khao khát tự do trong tâm hồn những con người nghèo khổ, bất hạnh. Bên cạnh đó là các chi tiết như: hoàn cảnh, lai lịch, ngoại hình, phẩm chất, tâm hồn hai nhân vật Mị và APhủ. Tác phẩm hấp dẫn độc giả còn bởi những chi tiết miêu tả thiên nhiên, phong tục, tập quán của người Mèo trên núi cao… Xin dẫn ra đây một vài chi tiết nhỏ nhưng không kém phần quan trọng và đặc sắc trong tác phẩm. Bằng lời văn đẹp như cổ tích, tác giả đưa người đọc thâm nhập vào không gian nghệ thuật là khung cảnh nhà thống lí Pá Tra cùng sự xuất hiện của nhân vật Mị: “ Ai ở xa về, có việc vào nhà thống lí Pá Tra thường trông thấy có một cô con gái ngồi quay sợi gai bên tảng đá trước cửa, cạnh tàu ngựa.” Giữa khung cảnh tấp nập, giàu có của nhà thống lí “ nhiều nương, nhiều bạc, nhiều thuốc phiện nhất làng”, Mị xuất hiện với dáng ngồi câm lặng“ bên tảng đá, trước cửa, cạnh tàu ngựa”. Chọn chi tiết nghệ thuật này, tác giả đã gửi vào đó nhiều dụng ý. Cô gái được đặt cạnh “tảng đá, tàu ngựa” như gắn chặt với những vật kia tạo nên một mảng sống riêng âm thầm tăm tối. Rõ ràng, Mị hoàn toàn cô đơn, lạc lõng xa lạ trong ngôi nhà ấy. Bên cạnh đó, chi tiết “ tàu ngựa” còn gợi một liên tưởng đối sánh giữa kiếp người và kiếp vật, để rồi ở phần sau của truyện, tác giả đã để Mị cay đắng nghĩ: “con trâu con ngựa làm còn có lúc, đêm nó còn được đứng gãi chân, nhai cỏ, đàn bà con gái nhà này thì vùi đầu vào việc cả đêm cả ngày”. Để chứng minh thân phận trâu ngựa của người con dâu gạt nợ không thể bỏ qua chi tiết căn buồng ngủ với ô cửa sổ bằng bàn tay, chi tiết Mị “lúc nào cũng cúi mặt”, “mặt buồn rười rượi”, “lùi lũi như con rùa nuôi trong xó cửa”… Biệt tài miêu tả phong tục tập quán của Tô Hoài thể hiện qua nhiều chi tiết trong đó phải kể đến cảnh xử kiện ở nhà thống lí Pá Tra. Một bọn người ăn trên ngồi trốc đắm chìm trong khói thuốc phiện, một bọn khoẻ mạnh cường tráng ra sức đánh người bị trói. Sau mỗi lần đánh, chửi là một lần khói thuốc phiện bay ngào ngạt qua lỗ cửa sổ hun hút xanh như khói bếp. Lẫn trong màu khói thuốc, xã hội phân chia những kiếp người: kẻ trên có quyền định đoạt số phận của người dưới. Chi tiết “con ma” nhà thống lí cũng đặc sắc không kém. Nó vô hình mà ghê gớm, là hiện thân của thần quyền đã bao đời kìm nén, hành hạ con người. Mị luôn bị trói buộc bởi ý nghĩ đã bị “trình ma” thì chỉ còn biết đợi ngày “rũ xương ở đây”. Tiếng ngạc sinh tiền cúng ma ngày A Sử cướp Mị về làm vợ đã trở thành vòng dây trói tàn độc, kéo chùng mọi ước mơ, khát vọng trong cô để rồi nó còn trở đi trở lại như một ám ảnh kinh hoàng. Miêu tả sức sống tiềm tàng, mãnh liệt trong tâm hồn Mị, nhà văn chú ý đến  những chi tiết như: bức tranh thiên nhiên mùa xuân ở Hồng Ngài, tiếng sáo gọi bạn tình… mà người đọc và phân tích văn bản không thể bỏ qua. Chi tiết “dòng nước mắt” của A Phủ cho thấy tài năng xử lí tình huống và phân tích tâm lí con người của nhà văn. Với A Phủ, “dòng nước mắt” là biểu hiện của sự đau đớn, uất ức khi khát vọng sống mãnh liệt mà đành buông tay chờ chết. Còn với Mị, nước mắt là hình ảnh quen thuộc. Trước hết, nó gợi nhớ những đau khổ cô từng trải qua, nhớ tới lần bị A Sử trói, “nước mắt chảy xuống miệng, xuống cổ mà không lau đi được”. Sau nữa, chính dòng nước mắt khiến Mị liên tưởng đến người đàn bà đời trước từng bị chồng trói đến chết trong ngôi nhà này. Như vậy, nước mắt là phương tiện xâu chuỗi những thân phận khổ đau, bất hạnh trong ngôi nhà tù ngục. Chính vì thế, “dòng nước mắt” của A Phủ đã đánh thức trong Mị những cảm xúc, cảm giác mãnh liệt để lần đầu tiên cô ý thức về tội ác của bố con thống lí và dấy lên cảm giác thương thân, thương người…Tất cả đã thôi thúc Mị đi tới một hành động táo bạo: cắt dây cởi trói cho A Phủ. Chi tiết “Mị đứng lặng trong bóng tối” tuy chỉ trong khoảnh khắc nhưng chất chứa bao giông bão bởi dường như đang diễn ra một cuộc đấu tranh gay gắt trong tâm hồn cô giữa nỗi sợ cố hữu con ma nhà thống lí và khát vọng tự do, hạnh phúc. Cuối cùng, Mị vùng chạy theo A Phủ vì sức sống và tình yêu tự do chưa bao giờ ngừng lặng, nguôi quên trong tâm hồn người con gái đẹp của núi rừng Tây Bắc.

 

C/ PHẦN KẾT LUẬN

Chi tiết nghệ thuật là những biểu hiện nhỏ nhặt nhưng rất quan trọng. Con đường đi vào thế giới nghệ thuật của một tác phẩm văn chương tự sự không thể thiếu chi tiết. Hiểu và nắm được vai trò cũng như cách phân loại chi tiết nghệ thuật, giáo viên và học sinh sẽ tiếp nhận tư tưởng chủ đề của tác phẩm và dụng ý của nhà văn một cách dễ dàng và chính xác. Một vài suy nghĩ xin được trình bày cùng đồng nghiệp, rất mong nhận được sự góp ý, bổ sung để hoàn thiện hơn!

 

******************

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *