Chi tiết nghệ thuật trong tác phẩm tự sự

Tài liệu Văn

Chuyên đề tham dự hội thảo:

Chi tiết nghệ thuật trong tác phẩm tự sự

 ————————————————————————————

A-PHẦN MỞ ĐẦU

I-Lí do chọn đề tài

Tác phẩm văn học là một chỉnh thể thẩm mĩ được cấu thành từ nhiều yếu tố trong sự thống nhất giữa nội dung và hình thức nghệ thuật được tạo nên bởi tài năng của nhà văn. Một tác phẩm văn học ví như một tấm lưới được dệt nên từ muôn vàn chi tiết trong sự đan cài móc nói rất chặt chẽ không thừa không thiếu bởi bàn tay khéo léo tài hoa của người nghệ sĩ . Muốn nắm bắt được tư tưởng –linh hồn của tác phẩm và cá tính sáng tạo của nhà văn ta cần thiết phải tìm hiểu từng chi tiết nghệ thuật trong sự sắp xếp vô cùng chặt chẽ đó.

Xu hướng thi những năm gần đây(thi tốt nghiệp, đại học, học sinh giỏi) hay có câu hỏi về chi tiết nghệ thuật trong tác phẩm văn xuôi tự sự . Nhiều học sinh còn lúng túng với dạng đề này. Đề thi học sinh giỏi quốc gia những năm gần đây có câu hỏi về phong cách nhà văn,  cảm thụ tác phẩm văn chương cho dù không hỏi riêng về chi tiết nghệ thuật như thi tốt nghiệp, đại học nhưng để làm một bài văn đạt yêu cầu thi sinh cũng phải hiểu sâu sắc về chi tiết bởi chi tiết góp phần quan trọng làm nên tiếng nói nghệ thuật độc đáo của nhà văn. Vậy để giúp các em đạt kết quả cao nhất trong thi cử, cần thiết phải có sự định hướng cách thức làm bài  về kiểu đề cảm nhận chi tiết nghệ thuật cho học sinh.

II-Mục đích của đề tài.

Trong chuyên đề này chúng tôi xin được trình bày những hiểu biết của mình về khái niệm chi tiết nghệ thuật với những đặc điểm nổi bật và vai trò của nó trong tác phẩm văn xuôi, khảo sát một số dạng đề tiêu biểu về phân tích, cảm thụ chi tiết nghệ thuật. Chuyên đề nhằm hai mục đích:

Với học sinh : Giúp học sinh nâng cao năng lực phân tích thẩm bình, để hiểu sâu sắc giá trị tác phẩm văn học nói chung và tác phẩm văn xuôi tự sự nói riêng;  Giúp các em có kĩ năng làm bài văn cảm thụ chi tiết, đáp ứng được yêu cầu của việc thi cử theo tinh thần đổi mới của những năm gần đây.

Với giáo viên: ý thức soạn bài và giảng dạy cần bám vào đặc trưng thể loại, phân loại được chi tiết nghệ thuật, biết chọn chi tiết tiêu biểu quan trọng để thẩm bình làm nổi bật đặc điểm tính cách nhân vật, tư tưởng và dấu ấn cá tính sáng tạo nhà văn.

B- PHẦN NỘI DUNG

I- GIỚI THUYẾT VỀ KHÁI NIỆM

  1. Tác phẩm tự sự

        Khác với tác phẩm trữ tình và kịch, nếu kịch phản ánh cuộc sống qua các mâu thuẫn, xung đột, trữ tình phản ánh hiện thực qua những cảm xúc, tâm trạng, ý nghĩ của con người, tự sự là phương thức tái hiện đời sống qua các sự kiện, biến cố và hành vi con người trong toàn bộ tính khách quan của nó. Có nghĩa là ở  tác phẩm tự sự tư tưởng tình cảm của nhà văn thâm nhập sâu sắc vào sự kiện và hành động của con người, nhà văn kể lại tả lại những gì xảy ra bên ngoài mình, khiến cho người đọc có cảm giác rằng hiện thực được phản ánh trong tác phẩm là một thế giới tạo hình xác định đang tự tồn tại, phát triển, không phụ thuộc vào tình cảm, ý muốn của nhà văn.

Loại tác phẩm tự sự bao gồm các thể loại cụ thể: thần thoại, truyền thuyết, sử thi, truyện cổ tích, truyện cười, ngụ ngôn, truyện thơ, tiểu thuyết, truyện vừa, truyện ngắn, kí sự , phóng sự…. Tác phẩm tự sự có cốt truyện và cách kể. Cốt truyện là chuỗi diễn biến phát triển tới tận cùng cho đến khi kết thúc. Cách kể là cách trình bày cốt truyện, có thể bắt đầu từ khâu phát triển hay khâu đỉnh điểm. Cách kể cung cấp một điểm nhìn để cảm nhận thế giới theo một ý nghĩa nào đó.

Nhân vật là chủ thể của các diễn biến, là yếu tố tham gia vào cốt truyện. Nhân vật tự sự là phương tiện cơ bản phản ánh đồ sống con người trong tác phẩm tự sự. Nó có thể được miêu tả đầy đặn, nhiều mặt, nhất là trong tiểu thuyết, truyện ngắn, bao gồm tên gọi nghề nghiệp xuất thân, ngoại hình, nội tâm, hành động, ngôn ngữ và có tính cách xã hội tiêu biểu. Tác phẩm tự sự là một thế giới rất phong phú về các hình thức lời nói. Có giọng điệu của người kể chuyện( trực tiếp, gián tiếp), có các lời đối thoại, độc thoại, có các ngôn ngữ cá thể hoá cao độ. Đọc tác phẩm tự sự ta có thể nghe thấy nhiều giọng nói đa dạng của cuộc đời.

Gắn với đặc điểm sự kiện và nhân vật, hệ thống chi tiết nghệ thuật trong tác phẩm tự sự cũng phong phú đa dạng hơn hai loại kịch và trữ tình. Chi tiết trong tác phẩm trữ tình thường gắn với chất thơ. Chí tiết trong tác phẩm tự sự thường mang chất văn xuôi, và mặt khác chi tiết  trong tác phẩm tự sự cũng đa dạng phong phú, nhiều kiểu loại nhất.

Từ các đặc điểm trên đây muôn cảm nhận tác phẩm tự sự cần chú ý phân tích nhân vật, cốt truyện, lời kể cách kể mà còn phái chú ý phân tích hệ thống chi tiết nghệ thuật phong phú nói trên để nắm bắt cách nhìn, quan niệm, thái độ, tình cảm của nhà văn.

2.Chi tiêt nghệ thuật trong tác phẩm văn học

2.1.Chi tiết nghệ thuật là gì?

Chi tiết là một từ ngữ quen thuộc trong giao tiếp hằng ngày. Theo Từ điển Tiếng Việt thì chi tiết là: phần rất nhỏ, điểm nhỏ trong nội dung sự việc hoặc hiện tượng(Ví dụ kể rành rọt từng chi tiết). Chi tiết là phần riêng rẽ hoặc đơn giản nhất của chúng có thể tháo lắp được (Ví dụ chi tiết máy).

Như vậy trong đời sống hằng ngày từ “chi tiết” được hiểu và dùng như một thành tố, một bộ phận nhỏ của một sự việc, tổng thể. Chi tiết được hiểu như là một thành phần thuộc về cấu tạo.

Trong văn học, theo cuốn “Từ điển thuật ngữ văn học”,  các tác giả cho chi tiết nghệ thuật là: “các tiểu tiết của tác phẩm mang sức chứa lớn về cảm xúc và tư tưởng”.

       Sách giáo khoa ngữ văn 11- Nâng cao cho rằng chi tiết nghệ thuật “là những biểu hiện cụ thể, lắm khi nhỏ nhặt, nhưng lại cho thấy tính cách nhân vật và diễn biến quan hệ của chúng, đồng thời cũng biểu hiện sự quan sát và nghệ thuật kể chuyện của tác giả. Do đó chi tiết rất quan trọng đối với nhân vật, vừa tạo ra sức hấp dẫn, thú vị vừa bộc lộ ý nghĩa của chúng”.

Như vậy chi tiết nghệ thuật là những yếu tố nhỏ lẻ của tác phẩm nhưng mang sức chứa lớn về cảm xúc và tư tưởng. Sức chinh phục của hình tượng nghệ thuật là ở sự truyền cảm thi góp phần quyết định tạo ra sức truyền cảm hấp dẫn lôi cuốn người đọc là nhờ chi tiết.

 2.2. Đặc điểm và vai trò của chi tiết trong tác phẩm tự sự.

2.2.1.Tính  tạo hình của chi tiết nghệ thuật.

        Hình tượng nghệ thuật cụ thể, gợi cảm, sống động nhờ các chi tiết về môi trường, phong cảnh chân dung, nội thất, cử chỉ, phản ứng nội tâm, hành vi lời nói.Trong tác phẩm tự sự chi tiết có khả năng gợi ra hình ảnh về sự vật, cảnh vật, con người… đặc biệt là vai trò khắc hoạ tính cách nhân vật. Nhà văn sử dụng rất nhiều chi tiết- những nét cụ thể để miêu tả ngoại hình, nội tâm, hành động của nhân vật, cũng như cảnh vật, sự kiện có liên quan đến nhân vật đó. Đan dệt hàng loạt các chi tiết với nhau mới có được một bức tranh bằng ngôn ngữ có thể tạo nên một ấn tượng tương đối xác định về nhân vật.

Ví dụ:- Chi tiết đồ vật tàn trong “Hai đứa trẻ”- Thạch Lam  hiện ra chân thực với  chiếc chõng tre, cửa hàng tạp hoá “nhỏ xíu”, gánh hàng nước của mẹ con chị Tí, manh chiếu rách, chiếc thau sắt rúm ró, cây đàn bầu cũ kĩ…góp phần làm nên bức tranh phố huyện nghèo nàn héo hắt tiêu điều mà trong đó cuộc sống của con người cứ lay lắt héo mòn từng ngày.

– Trong truyện ngắn “Chí Phèo”-Nam Cao, nhân vật Chí được hiện ra sinh động với các chi tiết về ngoại hình ngôn ngữ và nội tâm.

+Sự tha hoá của Chi được khắc hoạ bằng những chi tiết về ngoại hình và ngôn ngữ, hành động của nhân vật.

+Sự thức tỉnh với chi tiết miêu tả nội tâm của Chí Phèo từ sau khi gặp Thị Nở.

Không chỉ gợi ra hình ảnh về sự vật, khắc hoạ tính cách nhân vật mà  chi tiết nghệ thuật còn có vai trò cá biệt hoá nhân vật. Nhờ những chi tiết đắt giá sắc nét được tạo nên bởi tài năng của nhà văn mà các nhân vật văn học trở thành những gương mặt “quen mà lạ”, “con người này” không hề trộn lẫn mặc dù xuất hiện giữa đám đông cùng loại. Đều là những người nông dân nhưng Chí Phèo khác hẳn với Tràng. Bá Kiến cũng rất khác với Nghị Quế mặc dù đều là điển hình cho bọn cường hào ác bá.

2.2.2- Chi tiết gắn với quan niệm nghệ thuật về con người.

Trong truyện cổ tích  nhân vật được xây dựng theo kiểu chức năng theo  hai tuyến thiện ác. Nhân vật không có tâm lí chỉ có chi tiết hành động thực hiện hai chức năng đó. Tấm với chi tiết diễn tả sự hoá thân liên tiếp( chim vàng anh, khung cửi, cây xoan đào, quả thị ) thể hiện sức sống dẻo dai mãnh liệt của cái thiện. Kết lại tác phẩm với hành động Tấm dội nước sôi vào Cám là sự trừng  phạt  đích đáng của cái thiện với cái ác qua đó thể hiện mơ ước của nhân dân về sự chiến thắng của cái thiện trong cuộc đấu tranh giành và giữ hạnh phúc.

Con người văn học trung đại được quan niệm như con người siêu cá thể. Tư tưởng và hành động cũng như cách ứng xử của con người đều theo khuôn mẫu, quy ước chung bởi bị chi phối của thi pháp nặng về tính qui phạm , ước lệ và tính phi ngã. Con người được đặt trong những mối quan hệ cơ bản( tam cương), những đức tính chủ yếu trong hệ thống đạo đức của nho giáo ( ngũ thường) chi phối đời sống tình cảm của con người. Khi nội tâm có sự giống nhau thì không có bí ẩn để khám phá. Do vậy lựa chọn những chi tiết thể hiện tâm lí chủ yếu bằng những chi tiết ngoại hiện như ngôn ngữ, hành động. Điều đó lí giải vì sao Kiều cứ nhất định phải bằng hành động bán mình chuộc cha mới là có hiếu. Nhân vật Vũ Nương với những chi tiết hành động và ngôn ngữ thể hiện vẻ đẹp “công dung ngôn hạnh” của người phụ nữ trung đại. Nhân vật Tử Văn khẳng khái nóng nảy, thấy chuyện bất bằng không tha cũng được khắc hoạ với các chi tiết hành động và ngôn ngữ. Đặc biệt là chi tiết Tử Văn đốt đền tà của viên Bách hộ họ Thôi.

Văn học hiện đại những năm 1930-1945: ở mỗi nhà văn có sự thức tỉnh về ý thức cá nhân, họ đã đi vào khám phá đời sống cá nhân mỗi con người, trong đó mỗi cá nhân là một tiểu vũ trụ chứa đầy bí mật có cử chỉ, ngôn ngữ, đời sống nội tâm riêng. Nam Cao thuộc lớp nhà văn ấy, ông đã hướng ngòi bút vào khai thác thế giới nội tâm- chỗ tinh vi huyến diệu nhất của con người…Nam Cao đã miêu tả tâm lí nhân vật bằng rất nhiều thủ pháp với những chi tiết vô cùng đặc sắc. Những trang văn miêu tả sự thức tỉnh khát khao lương thiện của Chí Phèo được xem là thành công nhất kết tinh cho biệt tài phân tích tâm lí đạt đến trình độ bậc thày ở Nam Cao là nhờ những  chi tiết khơi sâu vào nội tâm nhân vật.

Văn học giai đoạn 1945-1954: với quan niệm con người riêng –chung, con người nhỏ bé bất hạnh trong xã hội cũ được đổi đời trong xã hội mới. Hạnh phúc của họ tìm thấy trong hạnh phúc chung của dân tộc. Xuất phát từ quan niệm này nên số phận của nhân vật có khác so với nhân vật trong văn xuôi hiện thực phê phán 1930-1945 là do cách lựa chọn chi tiết kết thúc khác nhau. Kết thúc của Chí Phèo là bi kịch với chi tiết cái lò gạch cũ, còn Tràng trong “Vợ nhặt” chắc chắn sẽ có một tương lai tươi sáng được kết chi tiết lá cờ đỏ sao vàng bay trong gió.

Văn học kháng chiến 1945-1975: với quan niệm con người mang tính sử thi,  tạc dáng đứng hào hùng vào lịch sử do vậy việc lựa chọn chi tiết để xây dựng nhân vật cũng khác, nhà văn chọn những chi tiết để lí tưởng hoá nhân vật, nhân vật toả ánh hào quang, họ đẹp ở mọi phương diện trong chiến đấu và trong cả đời thường.Trong truyện Rừng xà nu, Tnú là một nhân vật anh hùng toàn diện. Tnú anh hùng từ nhỏ, lớn lên trở thành người chiến sĩ cách mạng kiên trung và còn là người chồng người cha giàu yêu thương. Việt, Chiến ở “Những đứa con trong gia đình” cũng đẹp ở mọi phương diện và nhà văn cũng đã lựa chọn những chi tiết tiêu biểu để khắc hoạ vẻ đẹp lí tưởng ấy.

Văn xuôi sau 1975 vận động đổi mới theo hướng dân chủ hoá và trên tinh thần nhân bản sâu sắc, văn học hướng tới hiện thực đa chiều, con người đa diện. Mọi mặt của đời sống con người được văn học quan tâm phản ánh: con người cá nhân, đời thường, con người với cả hạnh phúc và bi kịch, con người phi lí tưởng, nhân loại, tự nhiên bản năng…Do vậy việc lựa chọn chi tiết để khắc hoạ nhân vật cũng khác với văn học giai đoạn trước.  Số phận của Mị  trong “Vợ chồng A Phủ” có khác với người đàn bà hàng chài trong “Chiếc thuyền thuyền ngoài xa” bởi do xuất phát từ quan niệm nghệ thuật về con người có khác nhau nên cách chọn chi tiết kết thúc truyện cũng khác nhau. Mị được đổi đời trong xã hội mới với chi tiết Mị giải thoát cho APhủ và chạy theo APhủ tới Phiềng Sa và hai người được tham gia vào đội quân giải phóng quê hương. Người đàn bà hàng chài cuối cùng vẫn phải cam chịu chấp nhận số phận không dám rời bỏ người chồng vũ phu, chấp nhận cảnh đòn roi như cơm bữa “ba ngày một trận nhẹ, năm ngày một trận nặng” và con thuyền gia đình chị vẫn đang chao đảo trong con bão cấp 11.

Gắn với quan niệm nghệ thuật về con người do vậy chi tiết nghệ thuật  có vai trò quan trọng làm nên diện mạo nhân vật văn học của từng thời . Khi phân tích nhân vật cần phải đặt nó trong típ người của từng thời kì văn học và cần phải lựa chọn những chi tiết nghệ thuật tiêu biểu để thẩm bình, làm nổi bật đặc điểm của nhân vật.

2.2.3.Với bản chất sáng tạo, chi tiết có vai trò biểu lộ tư tưởng, chủ đề tác phẩm.

Chi tiết nghệ thuật trong văn xuôi không chỉ có trị tạo hình mà nó còn có một đặc điểm vô cùng quan trọng nữa, đó là bản chất sáng tạo, khái quát, biểu hiện của nó, khả năng nói nhiều bản thân nó. Tuỳ theo sự thể hiện cụ thể, chi tiết nghệ thuật trở thành tiêu điểm, hội tụ tư  tưởng của tác giả trong tác phẩm. Tuy ngắn gọn cô đúc, nhưng chi tiết nghệ thuật lại chứa đựng một chiều sâu ý nghĩa khôn cùng mà dường như ta khơi mãi cũng không thấy đáy “chi tiết nghệ thuật như một giọt nước mà qua đo ta thấy được cả đại dương”. Chi tiết nhỏ nhưng lại làm nên nhà văn lớn. Với bản chất sáng tạo chi tiết nghệ thuật có vai trò không nhỏ làm nên tiếng nói nghệ thuật độc đáo của nhà văn.

Chi tiết được tạo thành phải qua quá trình thai nghén của nhà văn. Để làm nên một chi tiết nhỏ đòi hỏi nhà văn phải có sự thăng hoa về cảm xúc và tài năng nghệ thuật chân chính. Chi tiết là điểm sáng nhất trong tác phẩm tự sự,  nó giúp nhà văn thể hiện ý đồ nghệ thuật mà mình muốn biểu đạt, giúp bạn đọc thoả mãn sự khám phá mong muốn khám phá tận cùng ý nghĩa tác phẩm và nó cũng biểu hiện được phần hồn của tác phẩm, tạo nên những tầng sâu khai phá mãi mà không đến đáy. Nhưng muốn tạo được chiều sâu khôn cùng của tác phẩm tự sự, tức là “phần chìm”, ý nghĩa biểu chưng, nhà văn không chỉ biết tạo ra những chi tiết đắc địa mà còn phải có biệt tài trong lựa chọn giữa dòng đời xuôi ngược một khoảnh khắc thời gian mà ở đó cuộc sống đậm đặc nhất, chứa đựng nhiều ý nghĩa và nhiều áp lực buộc con người phải bộc lộ phần sâu kín nhất của tâm hồn mình. Chi tiết cô đúc ngắn gọn nhưng lại chứa đựng tầng sâu khôn cùng mà dường như khơi mãi cũng không hết ý nghĩa.

Nghệ thuật là lĩnh vực đặc thù,  tầm vóc của người nghệ sĩ có thể làm nên từ những điều nhỏ nhất.  Nhà văn có khả năng sáng tạo ra những chi tiết nhỏ có giá trị góp phần đắc lực trong việc thể hiện tư tưởng, chủ đề tác phẩm. Do vậy để tạo nên những chi tiết đắc địa đòi hỏi nhà văn phải có đủ ba yếu tố: tài, tâm và tầm. Một chi tiết hay không phải chỉ hay ở xác chữ mà là cái “đẹp” trong hồn văn. Đó phải là sự trăn trở không ngừng của nhà văn trước cuộc đời, là sự thăng hoa trong cảm xúc đến cao và là sự dung nạp của một ngòi bút tài hoa.

Chi tiết có vai trò quan trọng đúng như giáo sư Nguyễn Đăng Mạnh từng nói: “ở truyện ngắn, mỗi chi tiết có vị trí quan trọng như một chữ trong bài thơ tứ tuyệt, trong đó có những chi tiết đóng vai trò đặc biệt như những nhãn tự trong thơ vậy”. Với một tác phẩm văn xuôi tự sự, chi tiết có vai trò biểu lộ tư tưởng, chủ đề tác phẩm, tạo chiều sâu ý nghĩa khôn cùng. Với bạn đọc, chi tiết làm khơi dậy bản năng khám phá ở tầm khái quát hơn, giúp bạn đọc hiểu đúng và hay hơn về tác phẩm. Nhưng có lẽ vai trò lớn nhất của chi tiết nghệ thuật chính là việc thể hiện tài –tâm của tác giả. Chi tiết chỉ thể hiện tư tưởng mà còn in dấu ấn cá tính sáng tạo của nhà văn, bởi chi tiết nhỏ làm nên nhà văn lớn. Không chỉ thế chi tiết còn giúp nhà văn khẳng định cái tầm của mình.  Xây dựng chi tiết nhỏ không phải là điều dễ dàng, để chi tiết tồn tại theo thời gian còn là điều rất khó. Chắc chắn phải dụng công dụng tâm lắm nhà văn mới làm nên một đứa con tinh thần trường cửu với thời gian. Chi tiết nhỏ nhưng lại làm nên nhà văn lớn là vì thế. Chi tiết nghệ thuật góp phần làm nên phong cách nhà văn, in đậm dấu ấn tài năng sáng tạo của người nghệ sĩ.

+ Chi tiết bát cháo hành, giọt nước mắt… trong “Chí Phèo” là những chi tiết đắt gía làm nên tiếng nói nhân đạo sâu sắc trong sáng tác của Nam Cao khẳng định chính tình người đã cứu được tính người.

+Chi tiết Phán mọc sừng màn hạ huyệt cứ oặt người đi mà khóc, khóc mãi không thôi“ Hứt!…Hứt !…Hứt!..” trong khi đó hắn lén dúi tờ giấy bạc năm đồng gấp tư vào tay Xuân như sự thanh toán sòng phằng cho cuộc doanh thương. Với chi tiết này Phán quả là một diễn viên siêu hạng qua đó tác giả đã bóc trần bản chất giả dối cao độ của xã hội thượng lưu tư sản đương thời.

+Bát bánh đúc trong “Vợ nhặt” cũng là một chi tiết đặc sắc qua đó thấy được số phận thảm thương tội nghiệp  của người được ăn-thị vợ nhặt và vẻ đẹp của tình người hào hiệp ở người cho ăn đó là Tràng. Chi tiết nhỏ nhưng lại có vai trò lớn để soi sáng chủ đề của tác phẩm: phản ánh số phận thảm thương tội nghiệp của người nông dân trong nạn đói khủng khiếp năm 1945, đồng thời còn làm sáng lên vẻ đẹp trong tâm hồn của người lao động trước Cách mạng. Và nếu đem so sánh với bát cháo hành trong “Chí Phèo” thì  bát bánh đúc cũng là chi tiết thể hiện tiếng nói nghệ thuật độc đáo của Kim Lân khi viết về người nông dân.

2.2.4.Chi tiết đóng vai trò làm tiền đề cho sự phát triển của cốt truyện.

Mọi chi tiết trong tác phẩm tự sự không phải đều có vai trò, vị trí và giá trị như nhau. Có chi tiết đóng vai trò vật liệu xây dựng, làm tiền đề cho cốt truyện phát triển thuận lơi và hợp lí. Vì vậy khi phân tích tìm hiểu tác phẩm văn học, ta không thể không chú ý đến các chi tiết đó.  Chi tiết bát cháo hành trong “Chí Phèo” có vai trò rất lớn trong việc thúc đẩy cốt truyện, nếu không có liều thuốc giải độc ấy Chí Phèo chưa chắc đã tỉnh để rồi có diễn biến câu chuyện như nó đã diễn ra trong tác phẩm. Và cũng chính nhờ chi tiết này mà bi kịch đau đớn khi bị cự tuyệt quyền làm người của một kẻ khát khao cháy bỏng lương được khơi sâu hơn, nhờ đó ý nghĩa truyện được nâng thêm một tầng cao mới. Chi tiết Mị cắt dây trói giải thoát cho A Phủ, rồi cùng APhủ trốn khỏi Hồng Ngài là những chi tiết có vai trò lớn trong việc thúc đẩy của cốt truyện. Nếu Mị không chạy theo APhủ chắc chắn Mị phải chết và như vậy câu chuyện sẽ không có phần sau. Điều này đồng nghĩa với ý đồ tư tưởng là ca ngợi công lao trời biển của Đảng mà Tô Hoài muốn giử gắm vào tác phẩm sẽ không thành. Như vậy chi tiết có vai trò quan träng cho sự phát triển của cốt truyện.

II Cách cảm nhận chi tiết trong tác phẩm tự sự.  

  • Các bước cảm nhận chi tiết:

Bước 1: Trước hết phải đọc kĩ văn bản để nắm cốt truyện, ý đồ sáng tạo của nhà văn cùng với tư tưởng chủ đề của tác phẩm.

Bước 2: Tìm những chi tiết đắt giá có vai trò: thúc đẩy sự phát triển của cốt truyện;  thể hiện số phận, phẩm chất, số phận của nhân vật; thể hiện tư tưởng, chủ đề của tác phẩm… Nếu trong giảng văn người giáo viên không biết hướng dẫn học sinh lựa chọn khai thác chi tiết tiêu biểu, quan trọng chắc chắn bài giảng sẽ không có độ sâu. Bài viết văn của học sinh cũng vậy sẽ không thực sự thuyết phục và để lại ấn tượng cho người đọc nếu như không chọn, bình những chi tiết đặc sắc.

Bước 3: Phân tích cảm thụ, bình giá chi tiết về nội dung tư tưởng và nghệ thuật.

2- Cách làm bài văn cảm nhận chi tiết.

2.1. Dạng câu hỏi nhận diện đặc điểm và nêu ngắn gọn ý nghĩa của chi tiết nghệ thuật.

– Đây là dạng câu hỏi 2 điểm mà đề thi tốt nghiệp và đại học những năm gần đây hay ra.

– Cách làm:

+ Bước1: nêu đặc điểm chi tiết.

+ Bước 2: tìm ý nghĩa của chi tiết.

Ví dụ-đề bài:  Sau khi viết chữ tặng viên quản ngục, Huấn Cao khuyên viên quản ngục điều gì ? Ý nghĩa của lời khuyên ấy với việc thể hiện vẻ đẹp Huấn Cao và chủ đề tác phẩm ?

-Đáp án:

– Đặc điểm chi tiết: Huấn cao khuyên viên quản ngục “nên tìm về quê mà ở”, “hãy thoát khỏi cái nghề này đi đã, rồi hãy nghĩ đến chuyện chơi chữ. Ở đây,  khó giữ thiên lương cho lành vững và rồi cũng nhem nhuốc mất cả đời lương thiện đi.”

– Ý nghĩa của chi tiết:

+ Góp phần hoàn thiện vẻ đẹp lí tưởng ở nhân vật Huấn Cao: đẹp không chỉ ở tài hoa và khí phách mà còn bởi thiên lương trong sáng đến vô ngần. Huấn Cao rất trách nhiệm với đời qua lời di huấn đầy tâm huyết ấy.

+ Thể hiện quan niệm của Nguyễn Tuân về cái đẹp:  cái đẹp toàn mĩ, đẹp gắn với cái thiện, đẹp không ở chung với cái ác, muốn đến với cái đẹp phải tránh xa cái ác.

2.2.Dạng đề viết một bài văn nghị luận phân tích, cảm nhận một chi tiết nghệ thuật trong tác tự sự.

Các bước:

a- Mở bài

– Giới thiệu khái quát về tác giả, tác phẩm.

– Giới thiệu chi tiết đặc sắc cần phân tích.

b- Thân bài

– Hoàn cảnh dẫn đến sự xuất hiện của chi tiết và vị trí của chi tiết trong tác phẩm.

– Đặc điểm và tần số xuất hiện của chi tiết.

– Ý nghĩa của chi tiết:

+Thể hiện số phận, tích cách, phẩm chất nhân vật.

+ Giá trị tư tưởng: giá trị hiện thực và nhân đạo của tác phẩm, tư tưởng yêu nước…

+ Nghệ thuật: ngôn ngữ giọng điệu khi kể về chi tiết. Chi tiết thúc đẩy cốt truyện, thể hiện tính cách nhân vật, làm nên tiếng nói nghệ thuật độc đáo của nhà văn ra sao?

c- Kết bài

– Khẳng định vai trò của chi tiết: chi tiết nhỏ làm nên nhà văn lớn.

– Khẳng định sức sống của chi tiết.

2.3. Dạng đề cảm nhận hai chi tiết trong thế đối sánh.

a- Mở bài

– Giới thiệu khái quát về vị trí và phong cách hai tác giả, tác phẩm.

– Giới thiệu hai chi tiết đặc sắc của hai tác phẩm.

b- Thân bài

* Cảm nhận chi tiết 1 theo các bước:

– Hoàn cảnh dẫn đến sự xuất hiện của chi tiết và vị trí của chi tiết trong tác phẩm.

– Đặc điểm và tần số xuất hiện của chi tiết.

– Ý nghĩa của chi tiết:

+ Thể hiện số phận, tích cách, phẩm chất nhân vật.

+ Giá trị tư tưởng: giá trị hiện thực và nhân đạo, tư tưởng yêu nước của tác phẩm…

+ Nghệ thuật: ngôn ngữ giọng điệu khi kể về chi tiết. Chi tiết thúc đẩy cốt truyện,  thể hiện tính cách nhân vật,  làm nên tiếng nói nghệ thuật đọc đáo của nhà văn như thế nào ?

* Cảm nhận chi tiết 2 theo các bước nêu trên.

* So sánh hai chi tiết

– Điểm tương đồng

+ Nội dung

+ Nghệ thuật

  • Điểm khác biệt

+ Nội dung

+ Nghệ thuật

*Lí giải nguyên nhân

c- Kết bài

– Khẳng định vai trò hai chi tiết.

– Sức sống của hai chi tiết.

C- HƯỚNG DẪN LUYỆN TẬP MỘT SỐ ĐỀ VĂN

I-Dạng đề cảm nhận một chi tiết nghệ thuật trong tác phẩm văn xuôi.

Đề bài: Cảm nhận của anh/ chị về chi tiết bát bánh đúc trong truyện ngắn “Vợ nhặt” của Kim Lân.

1- Đặt vấn đề

– Vị trí tác giả, tác phẩm : Kim Lân là một cây bút truyện ngắn xuất sắc của văn học Việt Nam hiện đại. “Vợ nhặt” là truyện ngắn đặc sắc của Kim Lân.

– Bát bánh đúc chi tiết đắt giá góp phần làm nên giá trị cho tác phẩm.

2- Giải quyết vấn đề

2.2.Giới thiệu về xuất xứ và chủ đề, tình huống truyện

2.3.Hoàn cảnh và vị trí của chi tiết

– Lần thứ hai gặp gỡ Tràng.

– Đoạn  hai của truyện.

2.4. Đặc điểm chi tiết

– Món quà quê dân giã nhưng rất quí với người nông dân xưa.

– Sau khi được mời người vợ nhặt ăn một chặp bốn bát bánh đúc, ăn xong thị còn theo không Tràng về làm vợ.

2.5. Ý nghĩa

*Thể hiện số phận, phẩm chất của nhân vật:

– Số phận thảm thương tội nghiệp của người ăn; giá trị rẻ mạt của con người trong nạn đói khủng khiếp 1945.

+ Đói khát đến cùng đường khi gợi ý để được ăn “ăn gì chứ chả ăn giàu”

+ Thị đã đánh mất hết vẻ đẹp nữ tính bởi cái đói khi sà xuống ăn một chặp bốn bát bánh đúc.

+ Thị theo không Tràng về làm vợ cũng là để chạy trốn cái đói.

– Niềm ham sống, vì sự sinh tồn nên thị ăn một chặp bốn bát liền, ăn để sống. Và bám vào câu nói đùa “rích bố cu” “có về với tớ thì ra khuân hàng lên xe rồi cùng về”, rồi  thị đã theo không Tràng làm vợ.

+Bánh đúc nên duyện vợ chồng, sau này thị thay đổi trở nên hiền thục, nữ tính sau khi làm vợ Tràng.

-Thể hiện vẻ đẹp của tình người hào hiệp ở người cho ăn- Tràng người nghèo xấu trai nhưng lại có tấm lòng nhân hậu, biết cưu mang đồng loại.

+ Không dư dật gì, trong buổi đói khát miếng ăn là cả vấn đề sinh mệnh Tràng cho thị ăn là hành động nghĩa cử cao đẹp.

+ Tràng đã cứu sống thị

  • Bánh đúc nên duyên vợ chồng, Tràng có được hạnh phúc bất ngờ, sung sướng

khi có vợ. Sau này tâm tính Tràng thay đổi, thấy mình nên người gắn bó và có trách nhiệm với gia đình.

2.6. Tư tưởng:

+Phán ánh hiện thực về nạn đói trong đó con người bị coi như cỏ rác, giá trị rẻ mạt hết đỗi của con người qua chi tiết bốn bát bánh đúc này.

+Giá trị nhhân đạo sâu sắc:  cảm thông với nỗi khổ, lên án tố cáo, ca ngợi vẻ đẹp tình người ở người lao động.

2.7.Nghệ thuật:

– Là chi tiết quan trọng góp phần quan trọng làm nên và thúc đẩy cốt truyện, khắc hoạ số phận, phẩm chất, tính cách nhân vật.

– Miêu tả tâm lí bằng chi tiết ngoại hiện- sự đói khát cùng đường với chi tiết trên, đã thể hiện tài năng của Kim Lân.

– Là chi tiết làm nên tư tưởng lớn- tư tưởng nhân đạo sâu sắc và ở tầm cao mới so với văn học hiện thực phê phán trước đó.

– Tiếng nói nghệ thuật độc đáo của Kim Lân khi viết về nạn đói khủng khiếp năm Ất Dậu được thể hiện qua chi tiết độc đáo này.

3- Kết thúc vấn đề

– Chi tiết đắt giá, góp phần làm nên ý nghĩa lớn lao cho truyện ngắn.

– Chi tiết nhỏ làm nên nhà văn lớn, chi tiết có sức ám ảnh với người đọc.

II-Dạng đề cảm nhận về hai chi tiết trong một tác phẩm.

Đề bài: cảm nhận của anh/chị về chi tiết ngọn đèn con trên chõng hàng Tí  và chi tiết ánh sáng của đoàn tàu trong truyện ngắn “Hai đứa trẻ” của Thạch Lam.

1- Đặt vấn đề

– Thạch Lam là một  tác giả tiêu biêu của nhóm Tự lực văn đoàn, là một trong những cây bút truyện ngắn xuất sắc nhất của văn học Việt Nam hiện đại. “Hai đứa trẻ” in trong tập “Nắng trong vườn”(1938) là truyện ngắn đặc sắc, tiêu biểu cho loại truyện trữ tình.

– Trong tác phẩm tác giả đã xây dựng thành công nhiều hình ảnh, chi tiết nghệ thuật có sức ám ảnh dư ba trong người đọc, có lẽ ấn tượng và gợi nhiều suy nghĩ nhất là chi tiết ngọn đèn con trên chõng hàng chị Tí và ánh sáng của đoàn tàu đêm đi qua phố huyện.

2-Giải quyết vấn đề

  • Chi tiết ngọn đèn con trên chõng hàng chị Tí
  • Hoàn cảnh xuất hiện.

+ “Hai đứa trẻ”  xoay quanh tâm trạng của Liên và An. Hai chị em  được mẹ giao trông một gian hàng tạp hoá nhỏ bé ở phố huyện nghèo. Hàng ngày cho đến lúc đêm về mặc dù buồn ngủ ríu cả mắt, chi em Liên vẫn cố thức để được nhìn chuyến tàu đêm từ Hà Nội về đi qua phố huyện.

+Thời gian đi vào cuộc sống của người dân phố huyện không vụt nhanh hay tan biến vào đêm. Khi đêm về phố huyện “tối hết cả”. “Đường phố và các ngõ con dần dần chứa đầy bóng tối”. Bóng tối phủ dày đặc trên “con đường thăm thẳm ra sông, con đường qua chợ về nhà…”. Dọc theo cái nhìn của Thạch Lam trong đêm tối mênh mang kia vẫn còn ánh sáng, thứ ánh sáng nhỏ nhoi quanh quất tháp thoáng nơi phố huyện:  những tia sáng hắt ra từ khe cửa, ánh áng từ bếp lửa bác Siêu, ánh sáng của ngọn đèn lồng của người nhà thày Thừa đi gọi chân tổ tôm, ánh sáng của hàng ngàn ngôi sao lấp lánh… Đặc biệt con ánh sáng leo lét nhỏ bé trên chõng hàng chị Tí đã được tác giả chớp lấy để rồi đặc tả nó thành ấn tượng ám ánh mãi người đọc.

  • Đặc điểm và tần số xuất hiện.

Ánh sáng từ ngọn đèn con nó tù mù, nhỏ nhoi, hiu hắt bị bao vây trong mang đêm dày đặc của phố huyện chỉ “chiếu sáng một vùng đất cát” và được lặp đi lặp lại bốn lần trong tác phẩm tạo nên một quầng sáng “thân mật” trên mặt đất. Khi đoàn tàu đi qua,  ánh sáng đoàn tàu vụt tắt thì hình ảnh ngọn đèn con “chỉ chiếu sáng một vùng đất nhỏ”lại trở về trong giấc ngủ của Liên.

  • Ý nghĩa của chi tiết

+ Trước hết hình ảnh ngọn đèn nhỏ nhoi ấy  là một thủ pháp nghệ thuật –mượn sáng nói tối để tô đậm cho cảnh đêm tối. Ngọn đèn leo lét nhỏ bé bao nhiêu  thì đêm tối lại càng mênh mang đặc quánh nơi phố huyện. Màn đêm như đậm dần ngập dần ngự trị cả phố huyện.

+ Ngọn đèn tù mù ấy còn mang ý nghĩa biểu tượng gợi liên tưởng cho người đọc nhớ tới những kiếp người nhỏ bé vô danh sống lay lắt trong đêm tối mênh mang của xã hội cũ để rồi cuộc đời họ đến cùng đời mãn kiếp chìm trong đêm đen. Ngọn đèn là biểu tượng cho cuộc sống thực tại leo lét  đầy buồn chán của con người nơi phố huyện . Khi tàu đi Liên thấy mình sống giữa bao nhiêu sự xa xôi như chiếc đèn con này. Ngọn đèn là hình ảnh của cuộc sông thực tại đầy buồn tẻ.

+ Ngọn đèn dù nhỏ bé nhưng nó vẫn leo lét toả sáng trong đêm dù chỉ là một vùng đất cát nhỏ nhoi. Ngọn đèn ấy không tắt, nhỏ bé nhưng kiên cường nên nó cũng là biểu tượng của sức sống của tia hi vọng của niềm tin được thắp lên không bao giờ tắt trong Liên và trong tâm trí mọi người.

+Qua hình ảnh này tác giả bày tỏ niềm xót thương với những kiếp sống sống mòn mỏi lay lắt không hạnh phúc tương lai, đồng thời cũng phản ánh thực trạng sống tăm tối mỏi mỏi tù đọng của nhân dân ta những năm trước Cách Mạng  và gửi vào đó còn là sự đồng cảm với tia hi  vọng dù là nhỏ nhoi đang thắp lên trong tâm hồn của những người dân phố huyện nghèo này.

+ Nghệ thuật: đây là hình ảnh giàu ý nghĩa biểu tượng, được nhà văn đặc tả tô đậm trong sự tương phản với ánh sáng đoàn tàu, chi tiết này được xem như nhãn tự trong trong bài thơ trữ tình đầy “xót thương”. Thạch Lam kể về chi tiết này với một giọng điệu tâm tình sâu lắng.

* Chi tiết ánh sáng đoàn tàu.

– Hoàn cảnh xuất hiện:

Buồn chán khi chứng kiến những cảnh sống mòn mỏi lay lắt quanh mình và trong đó có cả chính mình, Liên đã tìm lối thoát bằng cách hướng đến các nguồn sáng (ánh sáng vì sao, ngọn đèn chị  Tí…) và Liên tìm về Hà Nội- một vùng sáng rực và lấp lánh nhưng nó lại thuộc về quá khứ, tương lai thì mù mịt nên chỉ còn cách duy nhất là đợi tàu. Đoàn tàu cùng với ánh sáng rực rỡ của nó đã xuất ở đoạn văn thứ ba- đoạn kết của truyện.

-Đặc điểm và tần số xuất hiện:

Đoàn tàu chỉ xuất hiện một lần trong ngày và trong sự chờ đợi của Liên. Ánh sáng của đoàn tàu cũng vậy, được Thạch Lam chớp lấy và đặc tả thành ấn tượng khó phai mờ trong tâm trí người đọc. Đó là thứ ánh sáng khác thường, lấp lánh và vận động toả ánh hoà quang.

+ Tàu sắp tới: “Liên trông thấy ngọn lửa xanh biếc, sát mặt đất như ma trơi”.

+ Tàu tới: “Một làn khói bừng sáng trắng lên đằng xa”, “các toa đèn sáng trưng, chiếu ánh cả xuống đường”, “đồng và kền lấp lánh, và các cửa kính sáng”.

+ Tàu đi: “để lại những đốm than bay tung trên đường sắt”, ánh sáng của đoàn tàu chỉ còn là “cái chấm nhỏ của chiếc đèn xanh treo trên toa sau cùng, xa xa mãi rồi khuất sau rặng tre”.

-Ý nghĩa của chi tiết

+Thứ ánh sáng này nó đối lập hiện thực tăm tối tiêu điều của phố huyện. Nó  hiện thân của thế giới sáng rực lấp lánh đáng sống xua đi vẻ nghèo nàn tăm tối ở nơi đây.

+ Ánh sáng đoàn tàu còn là hình ảnh của tương lai- một tương lai tươi sáng, một cuộc sống tốt đẹp hơn  mà Liên và người dân phố huyện đang khát khao hướng tới

+ Thạch Lam thể hiện thái độ trân trọng khát vọng đổi thay cuộc sống- cần phải thay đổi cái thế giới tăm tối này đi, cần đêm đến một thế giới đáng sống hơn cho con người. Khát vọng cao đẹp này chính là kết quả của sự thức tỉnh sâu sắc về cái tôi cá nhân ở nhà văn.

– Nghệ thuật: đặc tả, tương phản với hình ảnh ngọn đèn.

* Sự tương đồng

+ Đều là ánh sáng của niềm tin hi vọng.

+ Tương phản với bóng đêm dày đặc nơi phố huyện.

+ Hai hình ảnh đều được đặc tả, có ý nghĩa biểu tượng giàu sức gợi.

+ Hai chi tiết đắt giá góp phần không nhỏ làm nên giá trị nhân đạo sâu sắc mới mẻ cho tác phẩm.

*Sự khác biệt

+Ngọn đèn lặp lại nhiều lần, còn ánh sáng đoàn tàu xuất hiện một lần xuất hiện trong màn đêm của phố huyện như một ngôi sao băng rồi vụt tắt trong sự tiếc nuối của Liên.

+ Là hai hình ảnh đối lập nhau, hiện thân của hai thế giới tương phản nhau. Chi tiết ngọn đèn con thiên về tô đậm thực tại buồn chán cần phải đổi thay thì ánh sáng đoàn tàu lại là hiện thân của một thế giới sáng rực đáng sống cần hướng tới.

+ Cùng làm nên giá trị nhân đạo cho tác phẩm nhưng chi tiết ngọn đèn con thiên về tiếng nói xót thương, còn ánh sáng của đoàn tàu thể hiện khát vọng đổi thay hướng tới một tương lai tốt đẹp cho những cư dân phố huyện.

III- Kết thúc vấn đề

– Đây là hai chi tiết mà Thạch Lam đã dụng công miêu tả, đem lại những ý nghĩa sâu sắc, góp phần thể hiện tư tưởng chủ đề của tác phẩm.

– Chi tiết làm nên tiếng nói nghệ thuật độc đáo, in đậm dấu ấn sáng tạo của nhà văn

III-Dạng đề cảm nhận về hai chi tiết tương phản trong hai tác phẩm.

Đề bài: Cảm nhận của anh/ chị về hình ảnh Đám ma-Đám cưới kì lạ trong “Vợ nhặt”-Kim Lân và chương “Hạnh phúc của một tang gia” (Số đỏ)-Vũ Trọng Phụng.

1- Đặt vấn đề.

– Vũ Trọng Phụng là một nhà văn hiện thực xuất sắc, một ngòi bút trào phúng bậc thày tên tuổi của ông bất hủ với kiệt tác “Số đỏ”. Kim Lân là một cây bút truyện ngắn tài năng của văn xuôi Việt Nam hiện đại. “Vợ nhặt” là truyện ngắn đặc sắc của Kim Lân.

– Hai tác phẩm đã khắc hoạ một đám ma kì lạ và một đám cưới kì lạ- Một đám ma trong gia đình danh giá hà thành mà tưng bừng náo nhiệt khác chi đám rước của ngày hội và một đám cưới đơn sơ giữa không khí nặng nề, chết chóc của xã hội. Đó chính là đám tang cụ cố tổ và đám cưới của anh cu Tràng.

2- Giải quyết vấn đề

LĐ 1: Hai nhà văn đã khắc hoạ thành công một đám ma và một đám cưới kì lạ.

a-  Chi tiết đám ma cụ cố tổ- một đám ma lạ lùng mà chẳng như đám tang theo lẽ thường:

– Bầy con cháu “chí hiếu” ấy đã rất mong mỏi cụ cố tổ chết để được chia nhau cái gia tài kếch xù kia. Mỗi người không chỉ có hạnh phúc chung mà còn có niềm hạnh phúc riêng thành thử trong tang gia ai cũng vui vẻ cả.

– Buồn thương bối rối chỉ là cái vỏ bề ngoài che đậy bản chất đáng khinh bỉ. Những kẻ bịp bợm rởm đời đang cố đắp lên mình cái mác hiếu nghĩa để thiên hạ phải trầm trồ ngợi khen.

b- Đám cưới của Tràng-một đám cưới kì lạ không dạm hỏi cưới xin theo lẽ thường:

– Tràng xấu, nghèo, dân ngụ cư, ế vợ bỗng dưng có vợ mà vợ lại theo không.

– Chỉ bằng có mấy câu nói đùa tầm phơ tầm phào và bốn bát bánh đúc mà Tràng có vợ khiến cho xóm ngụ cư, bà cụ Tứ, và chính Tràng phải ngỡ ngàng.

– Lấy vợ trong cơn đói khát, lúc nuôi thân chẳng nổi.

– Đám cưới của Tràng trong một đám ma khổng lồ.

LĐ 2: Tình người là điều thiếu thốn trong cái đám ma danh giá “to tát” đủ đầy kia nhưng là điều dư thừa của đám cưới giản đơn thiếu đủ đường.

  • Đám ma cụ cố tổ
  • To tát, hoành tráng:

+ Nghi thức theo cả lối Ta, Tàu, Tây.

+ Không khí huyên náo như hội chợ.

+ Cách cử hành trùng trình bình tĩnh như một đám rước.

+ Con người đi đưa: từ người trong gia đình đến người ngoài ai cũng hạnh phúc hả hê sung sướng, mãn nguyện.

  • Thiếu điều quan trọng để trở thành một đám tang bình thương đó sự xót thương với người đã khuất.

+ Vẻ mặt bên ngoài thì buồn rầu, đau khổ.

+ Ai đến dự cũng với mục đích để tìm thú vui, tìm hạnh phúc.

+ Chỉ có Phán vô cùng đau khổ, cứ oặt người đi mà khóc, ai ngờ hắn là diễn viên điêu luyện víi b¶n chÊt giả dối đến cực độ với cử chỉ dúi tiền vào tay Xuân.

  • Đám cưới của Tràng:

– Đơn giản đến mức tội nghiệp: thiếu tất cả, cả những nghi thức tối thiểu nhất.

– Giàu tình người, tình yêu thương. Tình người dư thừa trong đám cưới vô cùng đơn giản thiếu thốn của Tràng.

+ Tràng không rẻ rúng người vợ nhặt: đi ăn cơm, mua thúng, mua dầu thắp…

+ Bà cụ Tứ chấp nhận thị với tấm lòng bao dung của người mẹ giàu đức hi sinh, bà còn nhen nhóm niềm tin cho các con.

+ Tràng thấy mình nên người cần phải có trách nhiệm với gia đình.

+ Thị vợ thành vợ hiền dâu thảo đồng cam cộng khổ cùng mọi người.

LĐ 3:  So sánh- Đánh giá

a-Sự tương đồng

-Đều là đám ma, đám cưới kì lạ không theo lẽ thường.

-Nghệ thuật tạo tình huống độc đáo.

b-Sự khác biệt

* Đám ma cụ cố tổ:

– Nghệ thuật: tài nghệ trào phúng bậc thày của Vũ Trọng Phụng được thể hiện:

+ Dựng tình huống: tang gia đem lại hạnh phúc, sự mãn nguyện cho tất cả mọi người.

+ Phóng đại: cảnh tượng, chân dung, hành vi, ngôn ngữ giọng điệu…

– Ý nghĩa:  phơi bày bộ mặt giả dối bất nhân của cái xã hội tư sản thành thị đương thời mà ông gọi là “khốn nạn”, “chó đểu”.  Xuất phát từ khát vọng về một xã hội tốt đẹp có luân thường đạo lí trong đó nhân tình thế thái biết coi trọng tình người hơn đồng tiền mà Vũ Trọng Phụng đã khắc hoạ thành công đám ma kì lạ kia.

*Đám cưới của Tràng

– Nghệ thuật:

+ Tạo tình huống vô cùng độc đáo mà đầy eo le cảm động.

+ Tài năng miêu tả tâm lí bậc thầy của Kim Lâm.

  • Ý nghĩa : ca ngợi vẻ đẹp trong tâm hồn người lao động- vẻ đẹp tình

người và niềm tin không bao giờ mất trong người lao động cho dù hoàn cảnh có bi đát đến đâu. Với chi tiết đặc sắc đó đã góp phần làm nên giá trị nhân đạo sâu sắc được nâng lên ở tầm cao mới của tác phẩm so với văn học hiện thực phê phán trước đó.

3- Kết thúc vấn đề

– Vũ Trọng Phụng bằng tài năng trào phúng bậc thày đã khắc hoạ thành công một đám ma kì lạ như một đám rước để bóc trần bộ mặt giả dối, đồi bại đến cực điểm của xã hội thượng lưu tư sản đương thời.

– Kim Lân “nhà văn một lòng đi về với đất với ngưới với những gì thuần hậu nguyên thuỷ của cuộc sống nông thôn” đã ca ngợi vẻ đẹp tình người và niềm tin vào cuộc sống người lao động qua đám cưới lạ lùng trong đám tang khổng lồ.

– Đây là hai chi tiết nghệ thuật độc đáo làm nên tư tưởng lớn và toả sáng tên tuổi hai tác giả.

  1. Dạng đề cảm nhận hai chi tiết trong thế đối sánh

Đề bài:  Cảm nhận của anh/ chị về chi tiết khắc hoạ hành động Huấn Cao viết chữ trong nhà giam (“Chữ người tử tù”-Nguyễn Tuân) và Phán mọc sừng dúi tiền vào tay Xuân (“Hạnh phúc của một tang gia” trích “Số đỏ” của Vũ Trọng Phụng).

  • Đặt vấn đề
  • Giới thiệu vị trí hai tác giả, tác phẩm:

Nguyễn Tuân là một nhà văn, nhà văn hoá lớn, một nghệ sĩ suốt đời săn tìm cái đẹp cái thật ở đời. “Chữ người tử tù” là kiệt tác của Nguyễn Tuân in trong “Vang bóng một thời”(1940). Vũ Trọng Phụng là một nhà văn hiện thực xuất sắc, một ngòi bút trào phúng bậc thày tên tuổi của ông bất hủ với kiệt tác “Số đỏ” trong đó “Hạnh phúc của một tang gia” là một chương truyện tiêu biểu.

  • Giới thiệu hai chi tiết đặc sắc: mang lại sức hấp dẫn cho hai tác phẩm

không chỉ ở những hình tượng nhân vật độc đáo, tình huống giàu kịch tính, mà còn bởi hệ thống các chi tiết đặc sắc trong đó đắt giá nhất là chi tiết khắc hoạ hành động Huấn Cao viết chữ trong nhà giam tặng viên quản ngục và Phán mọc sừng dúi tiền vào tay Xuân Tóc Đỏ .

II- Giải quyết vấn đề

1- Cảm nhận hai chi tiết

  • Chi tiết Huân Cao viết chữ trong nhà giam tặng viên quản ngục.
  • Hoàn cảnh và vị trí :

+Đêm trước của ngày Huấn Cao vào kinh thụ án.

+Xuất hiện ở gần cuối  và cũng chỉ một lần duy nhất trong tác phẩm.

  • Đặc diểm:

+ Hoàn cảnh viết: thời gian vào ban đêm và diễn ra ở trại giam tăm tối bẩn thỉu.

+Tư thế viết: Huấn Cao cổ đeo gông chân vướng xiềng.

+Nét chữ : vuông vắn tươi tắn .

*Ý nghĩa của hành vi cho chữ:

– Chi tiết nhỏ nhưng là sự chung đúc của cả ba vẻ đẹp của nhân vật. Nguyễn Tuân chọn chi tiết này làm nổi bật vẻ đẹp của tài hoa, khí phách, thiên lương ở Huấn Cao.

+ Trước hết đây là sự trổ tài sáng tạo của Huấn Cao với bậc tri âm có tâm hồn nghệ sĩ, có khiếu thẩm mĩ, có sở thích cao quí- thú chơi chữ. Viết chữ trong nhà giam, Huấn Cao đã  sáng tạo ra cái đẹp. Qua đây Nguyễn Tuân muốn khẳng định cái đẹp sinh thành ngay trong cõi chết.

+ Huấn Cao viết chữ trong khi bị gông cùm xiếng xích “cổ đeo gông chân vướng xiềng”, vậy mà ông vẫn đường hoàng bình thản “giậm tô nét chữ trên tấm lụa trắng tinh căng trên mảnh ván”. Điều đó chứng tỏ gông cùm, uy vũ không khuất phục nổi dũng khí của Huấn Cao.

+ Hành vi viết chữ tặng viên Quản ngục còn thể thiện cái tâm đẹp của Huấn Cao. Ông đã viết chữ để đáp lại một tấm lòng trong thiên hạ. Chính cái tâm điều khiển cái tài, tài hoà vào tâm tạo nên vẻ đẹp của tình người.

– Chi tiết Huấn Cao cho chữ thể hiện quan niệm về cái đẹp của Nguyễn Tuân: đẹp gắn với cái thiện, tâm đi với tài đó mới là cái đẹp toàn mĩ. Hành vi cho chữ trong nhà giam cũng khẳng định niềm tin vào sự chiến thắng của cái đẹp, cái đẹp bất khả chiến bại dù trong cõi chết cái đẹp vẫn thăng hoa toả sáng .

– Vai trò của chi tiết này trong tổ chức cốt truyện: nếu không có chi tiết này tình huống giàu kịch tính trên sẽ không được mở nút. Đây là chi tiết có vai trò lớn trong tổ chức cốt truyện và làm sáng lên vẻ đẹp của nhân vật.

– Nghệ thuật thể hiện chi tiết: với thủ pháp điện ảnh, bút pháp tô đậm đặc tả hành ấn tượng , lí tưởng hoá , thủ pháp tương phản, giọng điệu hết sức trang trọng nhà văn đã làm nổi bật hành động viết chữ của Huấn Cao trong nhà giam tặng viên Quản ngục.

– Chi tiết làm nên tiếng nói nghệ thuật độc đáo, in đậm cá tính sáng tạo của nhà văn Nguyễn Tuân- một người nghệ sĩ suốt đời đi săn tìm cái đẹp. Chi tiết Huấn Cao viết chữ trong nhà giam tặng viên Quản ngục có vai trò vô cùng quan trọng trong việc góp phần tạo nên phong cách Nguyễn Tuân trước Cách mạng.

b- Hành vi Phán mọc sừng dúi tiền vào tay Xuân

– Hoàn cảnh và vị trí của chi tiết

+ Đám tang cụ cố tổ lúc hạ huyệt

+ Xuất hiện một lần ở cuối của chương V.

– Đặc điểm chi tiết

+ Phán “khóc quá”, “muốn lặng người thì may có Xuân đỡ khỏ ngã”. Phán cứ oặt người đi, khóc mãi không thôi “Hứt !…Hứt!…Hứt!..”

+ Xuân Tóc Đỏ muốn bỏ quách ra thì chợt ông Phán dúi vào tay nó một cái giấy bạc năm đồng gấp tư…

– Ý nghĩa

+ Khắc hoạ bản chất giả dối cao độ của Phán cũng là của đám con cháu đại bất hiếu kia.

+ Tiếng nói đả kích mãnh liệt của Vũ  Trọng Phụng với xã hội tư sản thành thị đương thời.

+ Vũ Trọng Phụng với quan niệm văn chương: “tiểu thuyết là sự thực ở đời” và là một nhà văn có thiên hướng, tài tình trong việc diễn tả những mặt trái của xã hội .

  • Nghệ thuật: lối quay cận cảnh, đặc tả phóng đại hành vi trào phúng.

C-Tương đồng và khác biệt

*Tương đồng

– Hành vi đều thể hiện cái tài của mỗi nhân vật:

+ Huấn cao là nghệ sĩ thư pháp tài hoa siêu phàm.

+ Phán mọc sừng là một diễn viên siêu hạng.

– Cả hai tác giả đều khát khao về một xã hội tốt đẹp trong đó cái “chân thiện mĩ” được lên ngôi. Vì niềm khát khao này mà hai tác giả đã khăc hoạ sinh động hai hành vi điển trên. Đây là hai chi tiết nhỏ nhưng đều làm nên tư tưởng lớn-giá trị nhân văn sâu sắc cho hai tác phẩm.

– Nghệ thuật:

+ Lối quay cận cảnh bởi kĩ thuật điện ảnh cùng với tài quan sát chọn lọc chi tiết rất kĩ lưỡng của hai tác giả.

+Đặc tả rồi phóng đại chi tiết thành ấn tượng khó quên.

+Tương phản.

*Khác biệt

– Hành vi khắc hoạ tính cách hai nhân vật:

+ Huấn Cao cho chữ để đáp lại tấm lòng trong thiên hạ. Hành vi này là kết tinh của vẻ đẹp tài hoa, khí phách, thiên lương ở Huấn Cao-hiện thân cho cái đẹp. Cái đẹp đã thăng hoa toả sáng chốn lao tù

+Phán làm xiếc trước mấy trăm người đi đưa tang. Hành vi mua bán để giữ chữ tín cho một cuộc doanh thương này có ý nghĩa như sự thanh toán cho một bản hợp đồng trước đó với Xuân đã bóc trần bản chất giả dối bịp bợm đế vô liêm sỉ của Phán. Với hành vi này  cái xấu trong xã hội tư sản đương thời đã thực sự được lên ngôi, nó làm băng hoại tình người.

  • Cảm hứng, tư tưởng của hai nhà văn qua hai chi tiết:

+ Cảm hứng của Nguyễn Tuân là ngợi ca, tôn vinh và bày tỏ niềm tin vào sự chiến thắng của cái đẹp trong “buổi Tây Tàu nhô nhăng”.

+Vũ Trọng Phụng là tiếng nói tố cáo cái xấu xa đồi bại nhố nhăng, là tiếng căm hờn mãnh liệt xã hội mà ông cho là “khốn nạn” “chó đểu”.

  • Nghệ thuật:

+Bằng cảm hững lãng mạn, Nguyễn Tuân đã lí tưởng hoá nhân vật; giọng trang trọng ngợi ca.

+Với tài năng trào phúng bậc thầy, VTP không chỉ tạo ra mâu thuẫn  mà còn phóng đại hành vi trào phúng này; giọng hài hước giễu nhại.

d- Lí giải nguyên nhân: có điểm tương đồng và khác biệt là do thời đại, lí tưởng thẩm mĩ, phong cách độc đáo,  do tấm lòng của từng nhà văn tạo nên.

3- Kết thúc vấn đề

– Khẳng định đây là hai chi tiết đắt giá góp phần soi sáng chủ đề từng tác phẩm.

– Chi tiết nhỏ nhưng làm nên nhà văn lớn, qua đây ta thấy được cái tầm, tâm, tài của Nguyễn Tuân và VTP.

V.Đề luyện tập về nhà

– Cảm nhận chi tiết chị em Chiến, Việt khiêng bàn thờ sang gửi chú Năm trong truyện “Những đứa con trong gia đình”-Nguyễn Thi.

– Cảm nhận chi tiết bàn tay Tnú trong “Rừng xà nu”-Nguyễn Trung Thành.

-Cảm nhận về chi tiết hạt bụi vàng trong truyện “Một người Hà Nội”-Nguyễn Khải

– Cảm nhận chi tiết giọt nước mắt của Mị(Vợ chồng APhủ-Tô Hoài) với giọt nước mắt của người đàn bà hàng chài(Chiếc thuyền ngoài xa-Nguyễn Minh Châu).

– Cảm nhận về chi tiết “tiếng chim hót ngoài kia vui vẻ quá” trong “Chí Phèo”-(Nam Cao) với chi tiết “tiếng sáo” trong đêm tình mùa xuân trong “Vợ Chồng APhủ”-(Tô Hoài).

-Cảm nhận về chi tiết khắc hoạ hành vi đánh vợ trong hai tác phẩm “Vợ chồng APhủ”-Tô Hoài và “Chiếc thuyền ngoài xa”- Nguyễn Minh Châu

*      *     *

*

C-KẾT LUẬN

– Trong phạm vi của một chuyên đề hội thảo, chúng tôi cố gắng trình bày những hiểu biết sơ lược và quan trọng nhất về chi tiết, đặc điểm và vai trò của chi tiết nghệ thuật trong tác phẩm văn xuôi tự tự. Từ đó giúp học sinh biết cách lựa chọn thẩm bình những chi tiết đặc sắc để nắm bắt được tư tưởng của tác phẩm cũng như nhận ra tiếng nói nghệ thuật độc đáo, cá tính sáng tạo của nhà văn, và hơn nữa còn giúp học sinh có kĩ năng làm một bài văn nghị luận ở các dạng đề liên quan đến cảm nhận chi tiết nghệ thuật trong các tác phẩm văn xuôi.

– Với vốn hiểu biết còn nhiều hạn chế chúng tôi không hi vọng đưa tất cả các dạng đề và cách làm bài văn với  liên quan đến chi tiết nghệ thuật. Do vậy rất mong được học hỏi và có được sự  đóng ý kiến của các bạn đồng nghiệp.

– Kiến nghị:

+Với các bạn đồng nghiệp: soạn và giảng bài theo đặc trưng thể loại, khi phân tích tác phẩm văn xuôi cần biết chọn chi tiết tiêu biểu quan trọng để bình thẩm.

+Với giám khảo: khi ra đề thi về chi tiết nghệ thuật,  không nên ra những câu hỏi có tính chất đánh đố, phải biết chọn chi tiết đặc sắc, tránh hỏi về những chi tiết vụn vặt không góp phần thể hiện chủ đề tác phẩm.

 

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *