Bồi dưỡng học sinh giỏi môn văn phần Lí luận văn học

Tài liệu Văn

THAM LUẬN TRẠI HÈ PHƯƠNG NAM

BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI PHẦN LÍ LUẬN VĂN HỌC

Trương Thanh Tòng – Trần Ngọc Thư

Trường THPT Chuyên Nguyễn Thiện Thành

Tỉnh Trà Vinh

  1. MỞ ĐẦU

J.Paul. Sartre từng quan niệm rằng, “Tác phẩm văn học như con quay kì lạ, chỉ có thể xuất hiện trong vận động.Muốn làm cho nó xuất hiện, cần phải có một hoạt động cụ thể là sự đọc.Và tác phẩm văn học chỉ kéo dài chừng nào sự đọc còn có thể tiếp tục.Ngoài sự đọc ra, nó chỉ còn là những vệt đen trên giấy trắng”. Theo thiển nghĩ của chúng tôi, hoạt động đọc, tiếp cận và tiếp nhận tác phẩm văn chương của học sinh sẽ thú vị hơn, hiệu quả hơn nếu các em được trang bị chuyên sâu mảng kiến thức lý luận văn học trong nhà trường phổ thông.

Sẽ mãi là “Một câu hỏi lớn. Không lời đáp” nếu học sinh không nắm vững khái niệm văn học: nhân vật điển hình. Một câu hỏi được đặt ra là chị Dậu trong “Tắt đèn” của Ngô Tất Tố và Phăng-tin trong “Những người khốn khổ” của Vích-to Hu-go có phải là những nhân vật điển hình? Và còn rất nhiều câu hỏi khác liên quan đến mảng kiến thức lý luận văn học cũng luôn được đặt ra với học sinh trong các kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia, …

Như vậy, để hoạt động bồi dưỡng học sinh giỏi có hiệu quả, đối với bộ môn Văn, ngoài việc trang bị kiến thức tác phẩm, rèn luyện kỹ năng làm bài thì việc hiểu trúng, vận dụng linh hoạt kiến thức lý luận văn học là một trong những năng lực cần được hình thành cho học sinh.

  1. NỘI DUNG

Trước hết, lý luận văn học giúp khắc phục nhược điểm bài văn thiếu chiều sâu. Bởi lẽ trong quá trình học Văn, nhất là khi làm bài, trong nhận thức của học sinh còn hiện tượng hay hiểu sai hoặc nhầm lẫn các khái niệm, thuật ngữ chuyên môn. Quan trọng hơn, điều đó dẫn đến học sinh chưa giải quyết được một cách chính xác, đầy đủ các nội dung theo yêu cầu đề bài, hoặc viết còn rất sơ sài, mơ hồ, chung chung…

Việc trang bị thêm kiến thức lý luận văn học giúp học sinh khắc phục được những nhược điểm đó. Đối với đối tượng là học sinh giỏi, được trang bị kiến thức lý luận văn học giúp học sinh có những bình giá, nhận xét chuẩn xác hơn về một hiện tượng văn học nào đó; bài viết của các em trở nên sâu sắc hơn về ý tưởng, chặt chẽ hơn về lập luận, thuyết phục hơn khi đưa ra luận cứ.

Bên cạnh đó, điều kiện chương trình sách giáo khoa hiện nay trang bị ít kiến thức lý luận văn học: Trong chương trình môn Ngữ văn hiện hành ở bậc THPT, tuy có một số bài lý luận văn học, nhưng như thế là chưa đủ đối với học sinh giỏi. Thực tế trong các kỳ thi học sinh giỏi đã cho thấy rõ điều đó.

  1. Nắm vững kiến thức lý luận văn học

Theo Từ điển Thuật ngữ văn học, “Lí luận văn học là bộ môn nghiên cứu văn học ở bình diện lý thuyết khái quát, bao gồm trong đó sự nghiên cứu bản chất của sáng tác văn học, chức năng xã hội – thẩm mĩ của nó, đồng thời xác định phương pháp luận và phương pháp phân tích văn học”.

Trong phạm vi nhà trường phổ thông, học sinh cần được trang bị những kiến thức cốt lõi như: Đặc trưng văn học, các giá trị văn học, phong cách nghệ thuật, tiếp nhận văn học, … những thuật ngữ lý luận văn học,…

Nếu học sinh nắm vững đặc điểm của nhân vật điển hình thì câu hỏi được đặt ra ở phần mở đầu sẽ được lý giải một cách sáng tạo. Có thể các em sẽ biện bác rằng chị Dậu không phải là nhân vật điển hình ngay cả khi chị có thể bán con, bán đi tất cả nhưng quyết không thể bán đi nhân phẩm của một con người. Lấy chị Dậu làm hình mẫu cho sự hi sinh và lòng thương con thì có phải hơi phi lí, mâu thuẫn và thiếu tính nhân văn hay không. Vì có người mẹ nào mà muốn bán đi “khúc ruột” của mình? Có thể, đâu đó trong cuộc đời này, chúng ta phải can đảm khẳng định rằng có. Thế nhưng, tuyệt nhiên điều đó không thể là phổ biến, là “điển hình”.

Và, cũng có thể các em quả quyết rằng Phăng-tin không phải là nhân vật điển hình“vì văn học lãng mạn làm gì có nhân vật điển hình”.Thế nhưng, ở Phăng-tin, người đọc lại tìm thấy những đặc điểm của một nhân vật điển hình.

“Khi nói đến nhân vật của Hu-go người ta ít nói đến điển hình, mà thường nói đến những ‘trừu tượng hoá sinh động’, những ‘hình tượng lý tưởng’…” [2] . Phăng-tin cũng được viết theo kiểu quen thuộc ấy.Nói đến nhân vật nữ trong Những người khốn khổ, có lẽ khi gấp trang sách lại, người ta nghĩ ngay đến Phăng-tin – “bông hoa mọc lên từ quần chúng”.

Phần lớn Hu-go tái hiện quãng đời bất hạnh của nàng, có lẽ vì thế mà, nhớ đến Phăng-tin, người ta không nhớ nhiều đến sắc đẹp của nàng, mà người ta nhớ nhiều hơn cả đến tình mẫu tử thiêng liêng.Nói cách khác, người ta nhớ đến một NGƯỜI MẸ.Tình thương con đã chi phối toàn bộ suy nghĩ và hành động của Phăng-tin. Cảm động thay cái cảnh một người mẹ bán tóc, bán rang – những tài sản duy nhất – của mình lấy tiền với niềm vui: “Ta đã lấy tóc dệt cho con mặc”, “con tôi sẽ không chết vì cái bệnh ác nghiệt ấy nữa vì có thuốc rồi”. Hugo tái hiện rất thành công và sâu sắc tâm trạng lạ lùng của Phăng-tin mỗi khi nàng nhận thư của vợ chồng Tê-nác-đi-ê gửi đến đòi tiền: nàng đọc đến nhàu nát những bức thư trong đó báo tin con nàng bị rét vì thiếu áo, bị bệnh mà không có tiền mua thuốc… nàng “cười rộ lên như điên hoặc chạy ra phố, vừa chạy vừa cười khanh khách…”Với nhân vật này, Hugo ít đi sâu vào miêu tả tâm trạng, không có độc thoại nội tâm mà chỉ có những hành động. Người phụ nữ khốn khổ ấy vì con, cuối cùng đã phải tự nhủ“đành bán nốt vậy”và đi làm gái điếm. Trước cảnh ấy, nhà văn phải thốt lên một cách xót xa: “Hỡi ơi, những vận mệnh bị xô dồn như thế là thế nào nhỉ? Họ bị đẩy đi đâu?Vì sao lại thế”. Giữa cảnh bùn nhơ mà Phăng-tin bị đẩy vào, nàng sáng ngời lên như một biểu tượng của tình mẫu tử thiêng liêng, biểu tượng về tấm lòng của người mẹ. Phăng-tin được xem là nhân vật điển hình là vì qua nhân vật này, người đọc nghĩ ngay đến “kì quang tuyệt diệu nhất” của trái tim NGƯỜI MẸ.

Một trường hợp nữa cũng xin được chia sẻ với quý đồng nghiệp.Nếu học sinh nắm vững kiến thức về thể loại văn học thì các em sẽ hiểu vì sao đã từng có ý kiến cho rằng: “Chiến tranh và hòa bình” của Lép Tôn-xtôi không phải là “tiểu thuyết”. Như chúng ta biết, khi vừa ra đời, tác phẩm này đã gây nên những cuộc tranh cãi gay gắt trên văn đàn.Trong bốn năm, cuốn sách tái bản đến ba lần và bán hết với tốc độ nhanh chóng chưa từng thấy thời đó.Người ta đi đến chỗ thừa nhận rằng tác phẩm này đã đánh dấu sự ra đời của một loại hình tiểu thuyết mới.Nói cách khác, Lép Tôn-xtôi đã mở ra một con đường mới cho tiểu thuyết.“Chiến tranh và hòa bình” khẳng định con đường mới đó. Bằng tác phẩm này, Lép Tôn-xtôi đã vượt lên ngang tầm với những nhà văn lớn nhất trong lịch sử văn học nhân loại. Trên báo “Thế kỉ XIX”, một tờ báo có uy tín ở châu Âu, ngày 20/01/1880 có đăng bức thư giới thiệu với độc giả nước ngoài của nhà văn Tuôc-ghê-nhép gửi cho Tổng biên tập Edmon Abu. Trong thư có đoạn viết: “Lép Tôn-xtôi là nhà văn được biết rộng rãi nhất trong các nhà văn Nga đương thời, còn Chiến tranh và hòa bình thì tôi có thể mạnh dạn nói rằng, đó là một trong những tác phẩm tuyệt diệu nhất của thời đại chúng ta…”

Và, “truyện hay đến mộtmức nào đó thì thành thơ” (Pau-tốp-xki). (Pau-tốp-xki) là nhà văn theo khuynh hướng lãng mạn chủ nghĩa. Tác phẩm của ông thường tạo cảm giác nhẹ nhàng, êm dịu, đầy hình ảnh, như một chuyến tàu đêm, một lẵng quả thông, những bông hồng vàng. Đây là lời nhận định đung nhất với các truyện ngắn lãng mạn. Truyện hay đạt đến các tiêu chuẩn thẩm mĩ như ngôn từ, hình ảnh, hệ thống tín hiệu nghệ thuật đặc sắc, tư tưởng đậm tính nhân văn,… sẽ hướng con người đến cái đẹp, cái chân, cái thiện, được đánh giá trở thành thơ.

Truyện ngắn “Hai đứa trẻ” của nhà văn Thạch Lam là một bài thơ trữ tình đượm buồn: ngôn ngữ giàu chất thơ, tính nhạc, gợi cảm giác man mác buồn, going lên một cái gì ở tương lai, bút pháp tương phản tạo hiệu ứng hình ảnh làm nổi bật tư tưởng, giá trị nhân đạo, một truyện không có cốt truyện, hấp dẫn ở sự gợi tả những cảm giác mong manh, mơ hồ, khó nắm bắt.

  1. Khai thác và vận dụng yếu tố lý luận văn học – quá trình kép

Thực tế các kỳ thi học sinh giỏi, nhất là kỳ thi học sinh giỏi quốc gia cho thấy đề thi có liên quan đến kiến thức lý luận văn học chiếm một tỉ lệ khá lớn, dù với những dạng khác nhau.

(a) Có những đề thi yêu cầu trực tiếp kiến thức lý luận để giải quyết vấn đề, giải quyết một hiện tượng văn học (Lý luận văn học là một xuất phát điểm).

(b) Có những đề thi tuy không trực tiếp yêu cầu sử dụng kiến thức lý luận, chỉ thuần túy là phân tích tác phẩm văn học, nhưng ngay cả dạng đề này, trong quá trình giải quyết vấn đề vẫn cần kiến thức này để cho bài văn thêm vững vàng về luận điểm, chặt chẽ trong lập luận, từ đó sẽ có sức thuyết phục hơn (Tác phẩm văn học là một xuất phát điểm).

Nhưng dù là dạng đề nào thì học sinh cũng nên ý thức rằng, việc vận dụng một tỉ lệ kiến thức lý luận nhất định, phù hợp sẽ giúp cho bài viết sẽ được khơi sâu hơn, hiệu quả hơn.

Ví dụ 1:

Nhà thơ Hoàng Cầm cho rằng: “Nhạc là cỗ xe chở hồn thi phẩm”.

Anh/Chị hiểu ý kiến trên như thế nào?Hãy cảm nhận về hồn thi phẩm“Đàn ghi ta của Lorca” (Thanh Thảo) qua nhạc tính của bài thơ?

– Giải thích vấn đề:

+ “Nhạc” (của thơ): là yếu tố bộc bạch, kí thác của cảm xúc thơ nhờ khả năng biểu đạt của ngôn ngữ. Nhạc là hình thức hoá phần hồn của thơ cũng là một đặc tính cốt yếu của thơ.

+ “Hồn thi phẩm”: là tư tưởng, cảm xúc, tình cảm, là thông điệp nghệ thuật được nhà văn gửi gắm qua thi phẩm.

Ý kiến đã đề cập tới một phương diện trong khả năng biểu đạt cảm xúc, tư tưởng của ngôn ngữ thơ cũng là một đặc trưng cơ bản của thơ, đó là nhạc tính.

– Bàn luận vấn đề:

+ Dáng dấp ca khúc và lối diễn tấu trong hình thức văn bản: Khúc dạo đầu của bản nhạc với những nốt trầm êm dịu, tiết tấu chậm giới thiệu khái quát về chân dung nhân vật trữ tình trên nền văn hóa Tây Ban Nha. Kế tiếp là đoạn phát triển của bản nhạc với nhiều nốt thăng ở cuối câu tái hiện giây phút đau thương, bi phẫn của cuộc đời Lorca. Cao trào của bản nhạc với tiết tấu nhanh, âm thanh xô đẩy dồn dập thể hiện vẻ đẹp tâm hồn, dũng khí Lorca. Đoạn kết của bản nhạc từ từ đổ xuống bằng những nốt trầm êm ái và chậm lila lila li la… như sức ngân vang của tiếng đàn, với niềm tin mãnh liệt về sức sống của nghệ thuật và sự bất tử của Lorca.

+ Các cách kết hợp từ lạ, ngẫu hứng: ghi ta nâu, ghi ta lá xanh … làm hiện lên thanh âm tiếng đàn với những cung bậc, ý nghĩa biểu hiện phong phú.

+ Những từ mô phỏng âm thanh của các nốt đàn, giai điệu đàn ghita: li la , li la, li la cùng hình thứclặp đi lặp lại hình ảnh, từ ngữ, tạo nên những điệp khúc, cao trào: tiếng ghi ta, tiếng đàn, hình ảnh bọt nước … biểu đạt sâu sắc sức hấp dẫn của tiếng đàn, của nghệ thuật và vẻ đẹp tâm hồn, khí phách, nỗi đau thân phận, bi kịch cùng sự bất tử của nghệ thuật, của người nghệ sĩ Lorca.

+ Hình thức câu thơ tự do dài ngắn đan xen, dòng thơ chảy tràn, không có dấu chấm câu, không có chữ viết hoa đầu câu thơ, dòng thơ… tự do thể hiện dòng cảm xúc mãnh liệt, phóng túng, những suy tư đa chiều.

– Đánh giá vấn đề:

+ Đàn ghi ta của Lor-ca là một bài thơ dồi dào nhạc tính, là minh chứng thuyết phục cho nhận định về giá trị của nhạc tính trong thơ ca.

+ Nhạc tính của bài thơ góp phần thể hiện thành công vẻ đẹp, sức ám ảnh của hình tượng tiếng đàn, tôn vinh người nghệ sĩ Lorca cùng nỗi niềm đồng cảm, tri âm, yêu kính, ngưỡng mộ của nhà thơ Thanh Thảo dành cho Lorca.

+ Sức hấp dẫn của bài thơ do nhạc tính mang lại góp phần khẳng định sự thành công và đóng góp của ngòi bút Thanh Thảo trên hành trình cách tân thơ Việt.

Ví dụ 2:

Nhà văn Nga K.Pau-tôp-xki cho rằng:

Cuộc sống được miêu tả trong văn xuôi không chứa đựng chất thơ sẽ trở thành thô thiển, thành một thứ chủ nghĩa tự nhiên không cánh, không thúc gọi, không dẫn dắt ta đi đâu cả.

Anh/Chị hiểu ý kiến trên như thế nào?Từ cảm nhận về một vài tác phẩm văn xuôi yêu thích, anh/chị hãy bình luận ý kiến trên.

– Giải thíchvấn đề:

+ Chất thơ: là chất trữ tình thể hiện ở việc bộc lộ tình cảm, cảm xúc bằng ngôn ngữ giàu hình ảnh, nhạc điệu và sức biểu cảm.

+ Cuộc sống được miêu tả trong văn xuôi không chứa đựng chất thơ sẽ trở thành thô thiển: là một cuộc sống chân thực đến trần trụi, thô ráp.

+ Cuộc sống được miêu tả trong văn xuôi không chứa đựng chất thơ sẽ trở thành một thứ chủ nghĩa tự nhiên không cánh, không thúc gọi, không dẫn dắt ta đi đâu cả: là hiện thực phản ánh không mang tính định hướng, không có khả năng tác động đến tư tưởng, tâm hồn người đọc.

Bằng cách nói phủ định, ý kiến đã khẳng định ý nghĩa của chất thơ trong văn xuôi: chất thơ chính là đôi cánh nâng đỡ để cuộc sống được phản ánh vừa trở nên thi vị, trong sáng, giàu tính thẩm mĩ vừa thúc gọi, dẫn dắt, bồi đắp những tư tưởng, tình cảm nhân văn cho tâm hồn bạn đọc.

– Bàn luận vấn đề:

+ Phương thức biểu đạt chủ yếu của văn xuôi là tự sự, nhà văn thường chú ý đến xây dựng cốt truyện, nhân vật, sự kiện, tình tiết, tình huống. Trong khi đó phương thức biểu đạt chủ yếu của thơ là biểu cảm, nhà thơ tập trung bộc lộ tiếng nói tâm hồn mình bằng vần điệu. Vậy nên, khi văn xuôi chứa đựng chất thơ sẽ tạo nên phong vị ngọt ngào, dễ lan thấm vào tâm hồn người đọc.

+ Trong thực tế sáng tác, các nhà văn thường có xu hướng phối hợp, đan xen nhiều thể loại. Đưa chất thơ vượt biên giới thể loại sang văn xuôi chính là sự vận dụng kết hợp linh hoạt, sáng tạo nhiều phương thức biểu đạt của nhà văn.

Thí sinh được tự do lựa chọn một vài tác phẩm văn xuôi yêu thích để cảm nhận. Tuy nhiên đây không phải là cảm nhận toàn bộ tác phẩm mà cần tập trung hướng sự cảm nhận vào hai phương diện:

+ Chỉ ra được biểu hiện của chất thơ trong tác phẩm trên cả nội dung và hình thức nghệ thuật.

+ Phân tích được ý nghĩa của chất thơ trong việc phản ánh hiện thực ở tác phẩm văn xuôi trên hai khía cạnh:

++ Thứ nhất, làm cho cuộc sống trong trang văn trở nên thi vị, trong sáng, vút cao.

++ Thứ hai, khiến hiện thực đó có thể định hướng, dẫn dắt tâm hồn người đọc.

– Đánh giá vấn đề:

+ Khẳng định câu nói của nhà văn Nga K.Pau-tôp-xki là sự đề cao, đánh giá ý nghĩa của chất thơ trong văn xuôi. Đồng thời cũng là sự chia sẻ kinh nghiệm quý giá của một nhà văn đã không ngừng lao động sáng tạo viết nên những áng văn xuôi đẹp, thấm đẫm chất thơ.

+ Đây cũng chính là sự gợi nhắc, cổ vũ cho người cầm bút vận dụng kết hợp nhiều phương thức biểu đạt để mong có được những tác phẩm văn chương giá trị.

+ Đưa chất thơ vào trong văn xuôi không có nghĩa là nhà văn thoát li hiện thực cuộc sống, tô hồng và thi vị hóa cuộc sống.

 

Kiến thức lý luận văn học thường tồn tại dưới dạng nguyên lý nên thường khô khan, khái quát, trừu tượng, khó hiểu, khó có thể gây hứng thú cho học sinh trong quá trình tiếp nhận.Nhận thức rõ điều này, trong quá trình nghiên cứu, tìm tòi, trong khả năng của mình có thể, giáo viên cần cố gắng diễn giải lại một cách đơn giản hơn, dễ hiểu hơn.Mặt khác, in thành tài liệu cho học sinh đọc và tìm hiểu trước theo định hướng trước với mục đích để học sinh bước đầu có những hiểu biết nhất định những nội dung chính của từng chuyên đề.Tiếp theo, trong quá trình tự nghiên cứu, học sinh sẽ ghi nhận lại những từ ngữ, khái niệm, thuật ngữ khó hiểu, những nguyên lý còn cảm thấy mơ hồ để sau đó sẽ trao đổi trong nhóm học tập với nhau hoặc trao đổi lại với giáo viên nếu thấy cần thiết.

Nếu là học sinh giỏi, sẽ trao đổi trong giờ bồi dưỡng; nếu là học sinh bình thường thì sẽ trao đổi ngoài giờ học hoặc qua các kênh giao tiếp khác nhau.Giáo viên sẽ trực tiếp giải đáp giúp học sinh hiểu rõ, nắm vững hơn vấn đề.Khi không còn thắc mắc, học sinh sẽ được giáo viên yêu cầu trình bày lại kiến thức mình đã nắm bắt được thông qua những hình thức như thuyết trình trước lớp học, viết bài kiểm tra trên giấy… Khi đó, học sinh sẽ tái hiện kiến thức theo cách hiểu của mình, giáo viên sẽ bổ sung nếu chưa đầy đủ, sẽ sửa chữa nếu hiểu chưa đúng…

Trên cơ sở nắm khá vững lý thuyết, giáo viên sẽ cho đề bài viết tại lớp hoặc về nhà, học sinh sẽ vận dụng những kiến thức mình có để giải quyết vấn đề cụ thể, giáo viên chấm bài, sửa chữa hoàn chỉnh từng bài trả lại cho học sinh tự kiểm tra lại mình.Một trong những điều rất cần thiết là từ những kiến thức có tính nguyên lý, yêu cầu học sinh tìm dẫn chứng qua những tác phẩm cụ thể đã học, hoặc vận dụng để phân tích những hiện tượng văn học cụ thể nào đó, để từ đó giúp các em càng nắm vững kiến thức hơn.

  1. Nhìn lại đề thi học sinh giỏi quốc gia môn Ngữ văn ba năm gần đây

3.1. Năm 2015 – 2016

Marcell Proust quan niệm: “Thế giới được tạo lập không phải một lần, mà mỗi lần người nghệ sĩ độc đáo xuất hiện thì lại một lần thế giới được tạo lập”.

Tô Hoài cho rằng: “Mỗi trang văn đều soi bóng thời đại mà nó ra đời”.

Bằng trải nghiệm văn học của bản thân, anh/ chị hãy bình luận những nhận định trên.

 

2.2. Năm 2016 – 2017

Mỗi nhà văn chân chính bước lên văn đàn, về thực chất, là sự cất tiếng bằng nghệ thuật của một giá trị nhân văn nào đó được chưng cất từ những trải nghiệm sâu sắc trong trường đời.

Bằng những hiểu biết về văn học, anh/ chị hãy bình luận ý kiến trên.

2.3. Năm 2017 – 2018

Chế Lan Viên viết trong bài thơ Tổ quốc bao giờ đẹp thếnày chăng? : “Hãy biết ơn vị muối của đời cho thơ chất mặn!”

Trong bài Làm thế nào để có tác phẩm tốt?, Lưu Trọng Lư cho rằng : “ Sự sống phải được chắc lọc, phải được trau chuốt, phải được nâng lên, phải được “tập trung” cao độ, nó mới biến thành nghệ thuật,  cũng như dâu xanh phải biến thành kén vàng, gạo trắng phải bốc thành men rượu. Sự thực phải được sáng tạo, phải nâng cao lên đôi cánh của tư tưởng để lại tác động vào lòng người còn sâu mạnh hơn cả sự sống”.

Bằng những hiểu biết về văn học, anh/ chị hãy bình luận những quan niệm trên.

Các đề nghị luận văn học ba năm gần đây khác nhau về hình thức (năm 2015 – 2016 bình luận về hai ý kiến; năm 2016 – 2017 bình luận về một ý kiến; năm 2017 – 2018 bình luận về hai ý kiến) nhưng chúng đều có điểm chung là cùng đề cập đến các vấn đề lí luận văn họcvà không giới hạn cụ thể phạm vi tư liệu. Điều này giúp học sinh thể hiện quan điểm cá nhân về các vấn đề văn học cũng như phát huy vốn hiểu biết, năng lực của bản thân thông qua việc lựa chọn dẫn chứng để làm rõ vấn đề.

* Cách ra đề như trên đòi hỏi học sinh phải nắm vững kiến thức lí luận xoay quanh những vấn đề như sau:

– Đặc trưng văn học.

– Hình tượng văn học.

– Nhà văn – cuộc sống – tác phẩm.

– Nội dung và hình thức của văn bản văn học.

– Tiếp nhận văn học và giá trị văn học.

– Thơ và đặc trưng ngôn ngữ thơ, sức phản ánh của thơ.

– Phong cách và cá tính sáng tạo của tác giả.

– Tác phẩm văn xuôi và những yếu tố như: tình huống truyện; không gian, thời gian nghệ thuật; kết cấu; chi tiết, vai trò của chi tiết trong truyện ngắn…

– Một số vấn đề lí luận khác…

* Từ đó nắm được phương pháp làm bài nghị luận văn học trong kì thi học sinh giỏi quốc gia, có thể tiến hành theo các bước sau:

– Giải thích vấn đề/ các ý kiến (nếu đề yêu cầu bình luận về hai ý kiến).

– Bàn luận, chứng minh vấn đề/ bình luận vấn đề (đồng tình hoặc không đồng tình với các ý kiến?  Vì sao? (nếu đề yêu cầu bình luận về hai ý kiến)).

– Đánh giá mở rộng vấn đề/ bàn luận mối quan hệ giữa hai ý kiến (nếu đề yêu cầu bình luận về hai ý kiến).

  1. Hướng dẫn học sinh vận dụng kiến thức lí luận để giải quyết yêu cầu của đề thi học sinh giỏi quốc gia

Trong bài viết, phần kiến thức lí luận văn học được sử dụng khi học sinh giải thích vấn đề, bàn luận vấn đề, đánh giá mở rộng.Trong đó kiến thức lí luận văn học được sử dụng nhiều nhất ở phần bàn luận vấn đề.

Kiến thức lí luận văn học được sử dụng trong bài phải phù hợp với yêu cầu của đề, trình bày vừa phải không ôm đồm, phô trương kiến thức một cách không cần thiết(Không nên phô diễn kiến thức lí luận một cách tùy tiện, không gắn với nội dung đề bài hoặc đưa vào mà không phân tích, lý giải). Tuy nhiên tránh trường hợp học sinh vận dụng kiến thức lí luận một cách mờ nhạt, chung chung, không đủ sức thuyết phục người đọc.Bài văn đạt hiệu quả cao là nhờ vận dụng một cách linh hoạt, hợp lí giữa nhiều kiến thức lí luận, kiến thức văn học được diễn đạt giàu cảm xúc và hình ảnh.

Những nhận định, câu nói về lí luận văn học rất phong phú, giáo viên cần chọn lọc theo chủ đề cho học sinh vận dụng dễ dàng. Kiến thức lí luận phải được trình bày một cách tự nhiên, rành mạch bằng lời văn, cách hiểu của học sinh chứ không nên sao chép máy móc kiến thức sách vở hay lời dạy rập khuôn của thầy cô.Nếu không bài viết sẽ khô khan thiếu sự truyền cảm.

Ví dụ1:“Giá trị của một tác phẩm nghệ thuật trước hết là ở giá trị tư tưởng của nó. Nhưng là tư tưởng đã được rung lên ở các cung bậc của tình cảm, chứ không phải là cái tư tưởng nằm thẳng đơ trên trang giấy.  Có thể nói, tình cảm của người viết là khâu đầu tiên và là khâu sau cùng trong quá trình xây dựng một tác phẩm nghệ thuật” (Theo Nguyễn Khải, Các nhà văn nói về văn)

Bằng những trải nghiệm văn học của bản thân, anh/chị hãy trình bày suy nghĩ về ý kiến trên.

Ở đề bài này đề cập đến mối quan hệ gắn bó, không thể tách rời giữa tư tưởng và tình cảm của nhà văn.Vì vậy, khi giải thích vấn đề học sinh cần vận dụng kiến thức lí luận sau cho linh hoạt, nhằm giúp người đọc hiểu rõ được tầm quan trọng, sự cần thiết của mối quan hệ ấy.Giải thích từng ý, từ đó đi đến giải thích ý cả câu. Có thể trích dẫn một đoạn giải thích trong bài làm của học sinh như sau:

…Có thể nói tình cảm của người viết chính là khâu đầu tiên của quá trình xây dựng tác phẩm nghệ thuật. Điều này có căn nguyên sâu xa từ đặc trưng của văn học. Văn học là tiếng nói tâm hồn, tình cảm của cá nhân người nghệ sĩ trước cuộc đời.Làm sao nhà văn có thể viết nên tác phẩm – sản phẩm của thế giới tinh thần của mình – nếu như tâm hồn trơ như đá trước cuộc đời? Nhà văn chỉ có thể sáng tạo nên tác phẩm khi cảm thấy bức xúc trước cuộc sống con người, cảm thấy tiếng nói thôi thúc mãnh liệt con tim. Nhiều nghệ sĩ đã gọi đó là giây phút “bùng nổ cảm hứng” hay “cú hích của sáng tạo” là vì vậy. Không phải vô cớ mà Lê Qúy Đôn cho rằng: “Thơ khởi phát tự trong lòng người ta”…

 

Ví dụ 2: Nhà văn Nga Lêônit Lêônôp có viết: “Mỗi tác phẩm phải là một phát minh về hình thức và một khám phá về nội dung”.Anh/Chị hãy bình luận ý kiến trên.

Ở đề bài này đề cập đến sự sáng tạo, độc đáo về nội dung và hình thức của tác phẩm tạo nên phong cách riêng của người nghệ sĩ. Vì vậy ở phần bàn luận học sinh cần vận dụng kiến thức lí luận khéo léo, kết hợp với lí lẽ, dẫn chứng nhằm làm sáng tỏ vấn đề để thuyết phục người đọc. Chẳng hạn đoạn văn sau:

Là “phát minh về hình thức” nhưng đồng thời cũng phải là sự “khám phá về nội dung”.Người đọc đến với văn học không chỉ để giải trí mà trước hết để tâm hồn thêm phong phú, giàu có.Những “khám phá về nội dung” của mỗi tác giả khác nhau đem đến cho độc giả những cảm nhận khác nhau.Những “khám phá về nội dung” ấy không phải là những gì xa lạ, phù phiếm ở một thế giới xa vời mà ở ngay chính cuộc đời trần thế.Những đề tài trong cuộc sống là có hạn, nhưng lại trở thành vô hạn trong sự tìm tòi vô hạn của người nghệ sĩ.Nhà văn phải “khơi những nguồn chưa ai khơi” – nguồn ấy là nguồn đời, nguồn tình không bao giờ vơi cạn.Đề có được những “khám phá về nội dung” ấy, nhà văn phải có cách nhìn riêng mới mẻ. “Cái đẹp không phải ở đôi má hồng của người thiếu nữ mà ở đôi mắt của kẻ si tình”… Nếu các nhà thơ cùng thời chán đời trần thế, tìm đến cõi Thiên thai, hay đi về nước Chàm xa xưa, thì Xuân Diệu yêu đời, khát khao giao cảm với đời. với vẻ đẹp trần thế. Tất cả cuộc sống hiện lên thật đẹp qua ánh mắt xanh non của nhà thơ:

Của ong bướm này đây tuần tháng mật

Này đây hoa của đồng nội xanh rì

Nỗi đau của con người là bể khơi vô tận. Nếu V. Huygo khơi sâu vào nỗi đau của những người khốn khổ dưới đáy xã hội thì L.Tônxtoi đi vào bi kịch tinh thần của người phụ nữ thuộc tầng lớp quý tộc như Anna Karênina. …

 

Ví dụ 3:Nhà nghiên cứu văn học Đặng Thai Mai có viết: “Điều quan trọng hơn hết trongsự nghiệp của những nhà văn vĩ đại ấy lại là cuộc sống, trường đại học chân chính của thiên tài. Họ đã biết đời sống xã hội của thời đại, đã sâu sắc cảm thấy mọi nỗi đau đớn của con người trong thời đại, đã rung động tận đáy tâm hồn với những nỗi lo âu, bực bội, tủi hổ và những ước mong tha thiết nhất của loài người. Đó chính là cái hơi thở, cái sức sống của những tác phẩm vĩ đại”. (Quá trình bồi dưỡng nghề viết văn của tôi, trang 81)

Bình luận ý kiến trên.

Ở đề bài này đề cập đến sự liên hệ giữa nhà văn và cuộc sống, đó là sợi dây vững chắc cho mọi cánh diều tài năng bay bổng vươn tới tầm cao của thời đại, của con người. Vì vậy, khi đánh giá mở rộng vấn đề học sinh cần có những nhận xét mang tính khái quát, mở rộng hơn. Chẳng hạn, đoạn văn sau:

Nét dự cảm của văn chương, với Đặng Thai Mai có căn nguyên từ sự đào sâu khám phá hiện thực thời đại của người nghệ sĩ. Đấy chính là sự tiếp cận cuộc sống trên nhiều bình diện khác nhau trong mối tương quan của quá khứ với tương lai.Đó chính là cơ sở của dự báo trong văn học. Song có lẽ điều thú vị và sâu xa hơn trong nhận định của Đặng Thai Mai là ở chỗ đặt “ước mong tha thiết của loài người” cạnh nỗi đau trên, chính là một sự khẳng định: văn học bao giờ cũng phải vượt lên nỗi đau để hướng về một cái gì đó cao đẹp hơn của con người. Nỗi đau tự nhận thức cũng là một biểu hiện sống đẹp.Và đó chính là định hướng cho tính dự báo của văn chương.

 III. KẾT LUẬN

Trong quá trình bồi dưỡng học sinh giỏi, việc dạy các em nắm được các kiến thức cơ bản của lí luận văn học đã giúp cho học sinh có cơ sở vững chắc để cảm thụ tác phẩm văn học.

Việc trang bị cho học sinh những vấn đề cơ bản của lí luận và hướng dẫn học sinh cách làm bài có dạng đề lí luận là vô cùng cần thiết, nhằm khắc phục nhược điểm bài văn thiếu chiều sâu, để từ đó cảm thụ, phân tích tác phẩm văn học, đánh giá một hiện tượng văn học sẽ sâu sắc và thuyết phục hơn.

Mỗi đoạn văn được trích trong bài viết này dù ít, dù nhiều đều phản ánh sự hiểu biết, đời sống tình cảm, tâm hồn riêng của người viết; và đều có thể gợi mở cho những “sĩ tử” hiện tại và tương lai của chúng ta không ít điều bổ ích trong việc học Văn nói chung và làm bài thi học sinh giỏi nói riêng. Chúng tôi mong rằng, với tinh thần cầu thị, tinh thần ham học hỏi và nhất là sự tự chủ, quý đồng nghiệp sẽ khai thác bài viết này một cách sáng tạo và có hiệu quả, phục vụ tốt nhất cho công tác bồi dưỡng học sinh giỏi tại đơn vị. Rất mong nhận được sự phản hồi của quý đồng nghiệp.

Trân trọng cảm ơn./.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1] Đặng Thị Hạnh, Lê Hồng Sâm (1985), Văn học lãng mạn và văn học hiện thực phương Tây thế kỷ XIX, NXB. Đại học và Trung học chuyên nghiệp, tr.65, tr. 66, tr. 147, tr. 172

[2]. Đỗ Hữu Châu (1990), Một số luận điểm về cách tiếp cận ngôn ngữ học các tác phẩm văn học. Tạp chí ngôn ngữ, số 2, 1990.

[3]. Đỗ Ngọc Thống(2012), Tài liệu chuyên Văn, Tập I, II, III. NXB Giáo dục Việt Nam.

[4]. Hà Bình Trị(2003), Những bài văn đoạt giải Quốc gia. NXB Giáo dục.

[5]. Jean-Paul Sartre – Nỗi đam mê làm người trong thế kỷ

[6]. Lại Nguyên Ân (2003), Sống với văn học cùng thời, NXB. Thanh Niên, Hà Nội, tr. 473

[7]. Lê Bá Hán, Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi (đồng chủ biên 2011), Từ điển thuật ngữ văn học. NXB Giáo dục Việt Nam.

[8]. Nhiều tác giả. (2015), Chuyên đề chuyên sâu bồi dưỡng Ngữ văn 10, 11, 12.NXB Giáo dục.

[9]. Nguyễn Thuỳ, Viết văn, Đọc văn: “Đối thoại với chính mình, với người”

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *