Nghị luận xã hội : Suy nghĩ về nhận thức của con người trong cuộc sống

Nghị luận xã hội

F. Ăng-ghen từng nói: Thà phải thức suốt đêm để tìm hiểu sự thật còn hơn phải nghi ngờ suốt đời. Các-Mác lại cho rằng: Hãy hoài nghi tất cả. Suy nghĩ của anh (chị) về ý kiến trên?

BÀI LÀM THAM KHẢO

Mở bài : Giới thiệu câu nói của Các mác và Ăng Ghen

Câu hỏi cuối cùng cho thế giới vẫn còn đó (Anh-xtanh).

Nói đến Các-Mác và F. Ăng-ghen là nói đến hai vị lãnh tụ tinh thần tối cao của phong trào vô sản thế giới, và cũng là nói đến một đôi bạn thiên tài. Ở họ có rất nhiều tư tưởng chung mà tư tưởng về sự nhận thức là một trong số đó. F. Ăng-ghen có phương châm: Thà phải tìm hiểu sự thật suốt đêm còn hơn nghi ngờ nó suốt đời. Các-Mác thì thích câu châm ngôn: Hoài nghi tất cả. Có lẽ ta sẽ tìm thấy trong lời hai bậc vĩ nhân chân lí về việc nhận thức của con người.

Thân bài

Giải thích câu nói

Nhận thức là việc tìm tòi, khám phá thế giới vạn vật xung quanh ta, hay đi sâu vào kho tàng nhân loại để tìm những chân trời tri thức. Rộng hơn, nhận thức là sự hấp thụ những tinh hoa kiến thức nhân loại, tạo ra nguồn nội lực bản thân để có thể vươn tới chân lí vĩnh hằng. Chính vì vậy, Ăng-ghen khuyên ta tìm hiểu sự thật suốt đêm là muốn ta không ngừng nhận thức những quy luật của vạn vật, của vũ trụ. Nhưng điều quan trọng là sự nhận thức có đứng yên không, liệu có cái gọi là “chân lí cuối cùng” không? Các-Mác lại tiếp tục khai sáng cho ta một con đường nhận thức: Hoài nghi tất cả.

Hoài nghi là một phương thức phủ định triết học; người biết hoài nghi là người luôn nhìn sự vật ở quy luật duy vật biện chứng, tức là không có gì đứng yên; luôn có sự thay đổi tương đối về chất và lượng trong chúng. Vì vậy sự hoài nghi là một bước phát triển cao hơn của nhận thức; là khả năng nhìn nhận sự vật ở bề sâu, bề rộng nội tại của nó. Trên lập trường mác-xít, Các-Mác đã nhận ra: Hoài nghi tất cả là một phương diện triết học của mình.

Giải thích vì sao ta luôn phải nhận thức và hoài nghi trong cuộc sống

Nhưng vì sao ta luôn phải nhận thức và hoài nghi trong cuộc sống? Không cần phải là nhà triết học, bạn cũng thấy vũ trụ này rộng lớn đến thế nào? Có  không biết bao nhiêu điều cần khám phá, cần khai mở mà ta chưa nhận thấy. Tất cả đã ở bên ta rồi, chỉ có điều ta chưa khám phá ra à thôi. Chỉ cần đi sâu vào một lĩnh vực khoa học, người ta cũng thấy hàng trăm mối quan hệ phức tạp giữa nó và các bộ môn khác. Thế giới này như một mê lộ của tri thức; nếu như ta không liên tục nhận thức để tìm đường ra, đến với những chân trời mới thì ta cứ đi lạc mãi mà thôi. Đến Niu-tơn, một nhà bác học uyên thâm, am hiểu sâu rộng nhiều lĩnh vực từ toán học, vật lí đến triết học, thiên văn học… cũng chỉ dám nhận mình là hạt cát trước đại dương mênh mông tri thức nhân loại. Chính sự trái ngược giữa kho tàng tri thức khổng lồ với sự hạn hẹp của tầm nhận thức cá nhân con người đã thúc đẩy loài người liên tục tìm về phía trước để vươn tới những phát kiến mới. Nếu không khao khát nhận thức cái mới, thì cái lâu đài văn hóa suốt hàng vạn năm của nhân loại không chóng thì chầy sẽ đến ngày sụp đổ. Vì thế, có thể coi nhận thức không ngừng là một tín ngưỡng căn bản của loài người.

 

Nhận thức không ngừng vẫn chưa đủ. Ngày nay, chúng ta sống trong một xã hội biến đổi như vũ bão từng phút, từng giây, nếu “thỏa mãn tức là chết”. Mới mấy chục thế kỉ mà bộ mặt thế giới thay đổi không biết bao nhiêu lần. Từ lửa đến bom nguyên tử, từ giáo mác đến đại bác… những vườn địa đàng đã biến mất; con người bị thần thánh bỏ rơi giữa cái hỗn mang của cuộc sống. Họ chỉ còn biết không ngừng lao động và sáng tạo để cải biến cuộc sống này ngày một tốt đẹp hơn. Trong mười năm, ti vi từ màn hình lồi sang màn hình tinh thể lỏng chẳng phải là minh chứng đó sao. Dòng lịch sử luôn có những biến thiên vã đại mà cá nhân không cưỡng lại nổi; vì thế mỗi người phải luôn thay đổi, luôn hoài nghi những cái cũ để tiến kịp bước nhân loại. Sự hoài nghi ở đây đồng nghĩa với sự tiến bộ tất yếu của lịch sử. Và thế giới “hậu hiện đại” ngày nay đang là sự hỗn loạn những tư tưởng. Người ta còn đòi “phản tự sự” để lập ra học thuyết “không cái gì hết”. Thật đáng buồn biết bao khi họ biến hoài nghi thành một sự phủ định vô căn cứ. Vì thế, bạn ơi, hãy biết hoài nghi nhưng đừng bi quan để hoài nghi không biến thành phá hoại hoặc thúc thủ bó tay hay biến mình thành “kẻ ghét đời”.

Sự nhận thức của ta trước thế giới được biểu hiện như thế nào? Điều đó tùy thuộc mỗi cá nhân. Nhưng ở ai cũng vậy, muốn nhận thức được phải thay đổi nguồn nội lực của mình trước đã. Phải không ngừng trau dồi năng lực, nâng cao tư duy… mới có đủ tâm thế để nhận thức xung quanh. Nhớ khi xưa, Dương Vương Minh bỏ mười năm đọc sách chỉ để nâng cao tri thức đến mức tìm hiểu ra “cách vật” mới thôi. Ngày nay, ở những công ty liên doanh, không có trình độ vi tính, ngoại ngữ… thì tấm bằng chuyên môn của anh cũng bỏ đi. Thế mới biết, nâng cao nội lực quan trọng thế nào. Sau khi nhận thức lại chính mình, ta lại phải thay đổi nhận thức, phải “hoài nghi” để phù hợp với xung quanh. Cứ nhìn việc nước ta gia nhập WTO là ta đã hiểu rõ việc hoài nghi chính mình quan trọng thế nào. Các doanh nhân, các nhà lãnh đạo phải biết dẫn con tàu đất nước theo những con đường quanh co, khúc khuỷu của toàn nhân loại, chứ nhất quyết không đi theo con đường đơn tuyến của một nước Việt Nam. Trong thời buổi toàn cầu hóa này, biết rõ đâu là bạn đâu là thù là điều kiện tiên quyết để kinh tế nước nhà đi lên.

Bàn bạc

Là người công dân của Việt Nam, tôi biết rõ trách nhiệm đang đè nặng lên đôi vai mình. Nhưng vui gì hơn làm người lính đi đầu (Mùa thu tới – Tố Hữu), tôi sẽ không ngừng trau dồi bản thân và học theo những tinh hoa văn hóa thế giới để cùng toàn dân tộc bước vào kỉ nguyên ánh sáng.

Ngoài ra, tôi còn muốn đi theo con đường nghiên cứu văn học. Không chỉ học văn như trên ghế nhà trường, tôi tự biết mình phải nỗ lực không ngừng mới theo kịp bước tiến của văn chương thế giới. Tôi đọc Pa-víc, Oe Ken-za-bu-zô, Am-bét-tô Ê-cô, Ốc-ta-vi-ô Pát, Mi-lan Kun-đơ-ra… để hiểu những tác gia quan trọng đương thời; cũng như đọc thuyết giải cấu trúc, nhân học tưởng tượng, phân tâm học, kí hiệu học… để biết được phê bình – lí luận thế giới đang diễn ra thế nào. Ngoài ra, tôi còn muốn mình phải hiểu thêm triết học, mĩ học, ngôn ngữ học, xã hôi học… để “hiện đại hóa” cái tầm vóc tí hon của mình trước bước đi vĩ đại của văn chương thế giới. Trước mắt tôi là con đường sương mù, nhưng tôi biết mình phải đi, chẳng còn nghi ngờ gì nữa.

Sự hoài nghi của Các-Mác là điểm khởi đầu cho việc tìm hiểu bản chất của Ăng-ghen. Thế nhưng, đó không thể là sự hoài nghi để mất lòng tin vào tất cả như lão Gô-ri-ô trong thiên truyện của Balzắc, cũng không thể chỉ là sự hoài nghi vu vơ. Câu nói của Ăng-ghen đã phát triển rõ ràng hơn tư tưởng của Các-Mác: đừng  hoài nghi vu vơ rồi để mặc cho nỗi hoài nghi ám ảnh mà hãy bỏ công sức ra, dù chỉ là suốt đêm để tìm hiểu sự thực, để tìm được bản chất của vấn đề. Sự hoài nghi để tin tưởng mới là sự hoài nghi có giá trị.

Mở rộng vấn đề

Hai lời phát biểu trong thế đối sánh và bổ sung cho nhau ta sẽ rút ra được nhiều bài học có giá trị trong việc nhận thức. Hoài nghi để tin tưởng – đó chính là con đường đến với ánh sáng của tri thức. Trước mọi sự việc trong nhận thức phải biết đặt ra câu hỏi cho bản chất của vấn đề để tìm tòi, để khám phá. Tôi còn nhớ ngày xưa, tôi rất thích câu hát: Vì sao lại thế, tại vì sao lại thế, sao không thế này mà lại là thế kia. Vì sao lại thế phải tìm ra ngọn ngành, càng thêm hiểu biết chúng ta càng lớn nhanh trong một chương trình khoa học cho thiếu nhi. Sự hoài nghi tốt đẹp luôn là khởi nguồn của sự sáng tạo. Đừng hoài nghi để mất lòng tin, mà phải hoài nghi để tìm ra bản chất, đó chính là sự hoài nghi chân chính cần phải có trong hành trình nhận thức thế giới, tự nhận thức bản thân của con người.

Nếu thiếu hoài nghi, hẳn nhân loại đã không có một Men-đen từng làm chấn động giới nghiên cứu sinh học.

Nếu không có hoài nghi, liệu có không một Ê-đi-xơn, một Giêm Oát, một Niu-tơn?

Và chắc chắn cũng không có một Các-Mác, một Ăng-ghen vĩ đại nếu thiếu đi sự hoài nghi cần thiết ấy.

Kết bài

Biết hoài nghi để tin tưởng, biết đâu một ngày nào đó không xa, sẽ có thêm tên bạn, tên tôi trong cuốn biên niên hành trình khám phá tri thức của nhân loại!

Lê Nguyễn Thảo Nguyên

Lớp 12V – THPT chuyên Lê Quý Đôn – TP. Vũng Tàu

Xem thêm những bài văn Nghị luận xã hội

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *