Nghị luận xã hội: suy nghĩ về bài thơ Hỏi của Hữu Thỉnh

Nghị luận xã hội

Đề bài : suy nghĩ của em về bài học rút ra từ những vần thơ sau của nhà thơ Hữu Thỉnh

Tôi hỏi đất: – Đất sống với đất như thế nào?

Chúng tôi tôn cao nhau.

Tôi hỏi nước: – Nước sống với nước như thế nào?

Chúng tôi làm đầy nhau.

Tôi hỏi cỏ: – Cỏ sống với cỏ như thế nào?

Chúng tôi đan vào nhau

Làm nên những chân trời.

Tôi hỏi người: – Người sống với người như thế nào?

Tôi hỏi người: – Người sống với người như thế nào?

Tôi hỏi người: – Người sống với người như thế nào?

(Trích Hỏi – Hữu Thỉnh)

Những bài học về lối sống mà bài thơ trên mang lại cho anh (chị)?

Bài văn mẫu số 1

Mở bài : Giới thiệu bài thơ Hỏi của Hữu Thỉnh

Giữa vòng xoáy của nền kinh tế thị trường đầy biến động, trong phút chốc một người giàu nhất có thể trở thành người không có chút của cải nào. Không ít người hoang mang: Đâu mới là giá trị bền vững? Ý nghĩa của cuộc sống là gì? Những câu hỏi tha thiết được đặt ra. Nhà thơ Hữu Thỉnh cũng “hỏi”, câu hỏi thật đặc biệt vì nó hàm chứa sẵn lời giải đáp:

Tôi hỏi đất: – Đất sống với đất như thế nào?

Chúng tôi tôn cao nhau.

Tôi hỏi nước: – Nước sống với nước như thế nào?

Chúng tôi làm đầy nhau.

Tôi hỏi cỏ: – Cỏ sống với cỏ như thế nào?

Chúng tôi đan vào nhau

Làm nên những chân trời.

Tôi hỏi người: – Người sống với người như thế nào?

Tôi hỏi người: – Người sống với người như thế nào?

Tôi hỏi người: – Người sống với người như thế nào?

Thân bài

Bài thơ gồm hai cuộc đối thoại: một có lời đáp và một không có câu trả lời. Một dành cho tự nhiên vô tri và một dành cho con người. Nhưng thực chất, tất cả đều hướng tới cuộc sống của chúng ta, chứa đựng những bài học nhân sinh đáng giá ngàn vàng đòi hỏi người đọc phải ngẫm ngợi để thực thấu hiểu. Đó là những chuẩn mực về lối sống đẹp và ý nghĩa của cuộc sống được tác giả gửi gắm trong lời đáp của thiên nhiên. Đồng thời cũng gióng lên những tiếng chuông cảnh tỉnh về hiện trạng lối sống của nhiều người hiện nay.

Hãy lắng nghe lời của đất: –Chúng tôi tôn cao nhau.

Tôn cao: đó là hành động đắp thêm cho vững, cho cao, cho nổi bật. Trong cuộc sống con người, “tôn cao” có thể hiểu là thái độ tôn kính giữa người với người. Nhưng sâu sắc hơn cả, đó là tinh thần vị tha, biết đặt lợi ích của người lên trên lợi ích của mình, thậm chí có phải hi sinh thầm lặng. Có người thắc mắc: “Tại sao phải sống vì người khác? Ai cũng hi sinh hạnh phúc của mình thì xã hội này chẳng có ai hạnh phúc cả!”. Thật không mấy ai hiểu được rằng, khi con người âm thầm công hiến và hi sinh, họ nhận được nhiều hơn tất cả những hạnh phúc vị kỉ có thể khư khư giữ riêng cho mình. Nếu mỗi người biết sống vị tha, hiện hữu trong cuộc sống là thương yêu, con người chúng ta mới nhận được hạnh phúc đích thực, lớn lao hơn hết: đó là hạnh phúc được sống trong một xã hội đáng sống.

Nhưng con người đã biết sống vị tha chưa? Có lẽ bức tranh về cuộc sống sẽ đẹp hơn rất nhiều, nếu không có những mảng loang lổ được tạo nên bởi lối sống hẹp hòi vị kỉ của một số người. Để trục lợi về mình, những giám đốc công ti nào đã dửng dưng, xả nước thải xuống sông, quay mặt trước nguy cơ tính mạng của hàng nghìn người dân bị đe dọa? Những kẻ nhẫn tâm nào giẫm đạp lên cả quyền lợi của dân mà bòn rút tiền của, lấy những thứ không phải của mình để hưởng thụ? Những người đã trực tiếp gây ra lí do tạm ngừng nguồn vốn ODA của Nhật Bản vào Việt Nam, nghĩ sao trước bao công trình, bao vùng quê nghèo đang rất cần đến những nguồn viện trợ? Hậu quả của lối sống vị kỉ thật đáng giật mình!

Từ câu trả lời của nước, ta cũng rút ra được những bài học quý giá: Chúng tôi làm đầy nhau. Trong cuộc sống, không ai có thể tự hoàn thiện. Con người sống được cạnh nhau là vì thế. Được sống cạnh nhau, phải chăng là sự sắp đặt của tạo hóa, những mong con người sẽ có ý thức trách nhiệm giúp đỡ hoàn thiện lẫn nhau? Lối sống đẹp nhà thơ muôn gửi gắm ở đây chính là tinh thần rộng lượng biết “cho đi”, biết “làm đầy” và hoàn thiện đồng loại. Hoàn thiện những gì mà người khác còn thiếu về kiến thức, nhân cách… Nhưng có một thứ cần cho đi hơn cả, một thứ mà khi thiếu vắng con người sẽ đau khổ và bất hạnh hơn bao giờ hết: đó là tình thương yêu. Ngược lại với những con người “rộng lượng”, trong cuộc sống còn không ít người “keo kiệt”. Không ai thích những người keo kiệt tiền bạc. Nhưng đáng lên án hơn cả là những người “keo kiệt tình thương”. Thật buồn và căm phẫn khi tôi nhìn thấy một người tâm thần ngồi trên hè đường, đang rên xiết với tấm thân bỏng rát trong dòng người qua lại hờ hững. Người ấy hay quanh quẩn bên quán phở nọ và đã bị chủ quán dội nước sôi vào người! Rồi những người trẻ nào keo kiệt “lương tâm”, thản nhiên quay cuồng với những lạc thú phù phiếm trong khi không biết đến bao giọt nước mắt mồ hôi của mẹ cha… Những con người ích kỉ nhẫn tâm ấy, tưởng rằng mình có tất cả nhưng hóa ra lại chẳng có gì. Vì giá trị bền vững và cao quý nhất để con người tự hào được suy tôn trên động vật là tình thương thì họ đã đánh mất rồi.

Cỏ đem đến cho ta bài học về tinh thần đoàn kết:

Chúng tôi đan vào nhau

Làm nên những chân trời.

Có lẽ không ai trong chúng ta không hiểu giá trị và ý nghĩa của tình đoàn kết, tương thân tương ái giữa người với người. Nhân loại vẫn đang phải từng ngày đối diện với những cuộc chiến gay go và khốc liệt. Đó là cuộc chiến với nghèo đói, bệnh dịch, mù chữ, tội ác, thiên tai… Nếu không đoàn kết, con người sao có thể giải quyết được những vấn đề toàn cầu ấy! Chỉ có đoàn kết mới tạo ra sức mạnh. Chỉ có đoàn kết mới có thể vươn tới ước mơ về những điều kì diệu.

Vị tha, rộng lượng và đoàn kết, ba lối sống đẹp mà nhà thơ Hữu Thỉnh gửi gắm trong bài thơ có mối quan hệ thật gắn bó. Ví như con người không sẵn sàng rộng lượng cho đi – “làm đầy” thì không thể nào có tinh thần vị tha. Không có tinh thần vị tha thì không thể có điểm tựa để đoàn kết. Vẻ đẹp của tất cả các cách “đối nhân” trên đều có một điểm sáng chung. Đó là tình yêu thương. Đó phải chăng cũng là giải pháp duy nhất cho lối sống cá nhân hẹp hòi kia? Chắc chắn vậy! Biết yêu thương, con người sẽ biết hi sinh cho những gì mình nâng niu quý trọng. Biết yêu thương, con người còn tiếc gì mà không cống hiến tất cả những gì mình có. Và cũng chỉ yêu thương mới khiến con người ta tha thiết hòa nhập và ao ước tạo nên những chân trời mới. Bài học lớn nhất ở đây phải chăng là: con người hãy biết thương yêu và quan tâm đến mọi người quanh mình, đừng chỉ chăm chú vào hạnh phúc bé nhỏ vị kỉ của mình nữa!

Tôi lại nhớ ngày thơ bé, say mê dạo chơi trong những chân trời cổ tích của Grim, An-đéc-xen. Tôi nuôi ao ước lớn lên sẽ được sống trong thế giới cổ tích lộng lẫy. Và cổ tích cứ xa mãi, xa mãi… Nhưng càng lớn, tôi càng nhận ra rằng: những gì tạo nên cổ tích đâu phải là vàng son, mũ miện, phép màu. Chỉ có thể là cổ tích khi chân lí cuối cùng là thương yêu. Nếu con người biết yêu thương nhau, trẻ em sẽ không còn phải ao ước xa vời về một thế giới cổ tích nữa.

Câu hỏi của nhà thơ Hữu Thỉnh thật đặc biệt. Câu hỏi của một người mà trách nhiệm tìm câu trả lời của hàng triệu triệu người. Câu hỏi của một thời mà sẽ còn phải giải đáp đến muôn đời.

Nguyễn Thị Nga My

Lớp 12E chuyên Văn – THPT Chu Văn An – TP. Lạng Sơn

Bài văn mẫu số 2

Tôi hỏi người:–Người sống với người như thế nào?

Câu hỏi mà nhà thơ Hữu Thỉnh đặt ra trong bài thơ Hỏi của mình vẫn luôn da diết, khắc khoải như một kết thúc mở đầy ám ảnh, gợi ra muôn vàn phong ba trong lòng người đọc. Cuộc sống là một cuộc hành trình đầy khó khăn thách thức nhưng cũng là một trò chơi thú vị, một món quà lớn, đầy bất ngờ mà một cá nhân không bao giờ khám phá hết được. Người sống với người như nào? Câu hỏi mà tất cả chúng ta cần suy ngẫm và tìm câu trả lời. Một lúc nào đó khi bình tâm quan sát cuộc sống và nghĩ suy về nó, ta sẽ có được câu trả lời ta của riêng mình, dù có thểcòn chưa đầy đủ.

Con người đã sống với nhau như đất. Đất thì tôn trọng nhau còn con người thì dựa vào nhau, nâng đỡ nhau mà sống. Cuộc đời biết bao gian nan, trắc trở đôi khi ta khó mà vượt qua được. Giữa lúc ấy có những bàn tay luôn sẵn sàng chìa ra cho ta nắm, có những tấm lòng luôn rộng mở và ta biết mình may mắn và hạnh phúc nhường nào! Họ có thể là bạn nhưng cũng có thể là người chỉ từng quen biết. Đôi khi, tình người cao quý được xây đắp vô cùng tự nhiên như vậy. Đi hết quãng đường đời, lúc bạn thật sự chán nản là khi bên mình không còn ai, không có lấy một tấm lòng, một sự giúp đỡ, chia sẻ. Con người cần có nhau để sống tốt cuộc sống của mình và còn làm cho cuộc đời chung thêm tươi đẹp, như một bài ca muôn điệu mà những nốt nhạc lòng được ngân lên từ mọi nẻo trên thế gian này. Trong những năm tháng bom đạn chiến tranh, những bà cụ từ tâm như mẹ (Bầm ơi! – Tố Hữu) đã cưu mang, đùm bọc các chiến sĩ, tạo thêm niềm tin cho các anh góp phần làm nên chiến thắng của dân tộc:

Con nhớ mế! Lửa hồng soi tóc bạc   

Năm con đau, mế thức một mùa dài.

(Tiếng hát con tàu – Chế Lan Viên)

Tôi gõ cửa ngôi nhà tranh nhỏ bé bên đồng chiêm

Bà mẹ đón tôi trong gió đêm                            

Nhà mẹ hẹp nhưng còn mê chỗ ngủ

Mẹ chỉ phàn nàn chiếu chăn chả đủ                  

Rồi mẹ ôm rơm lót ổ tôi nằm.

(Hơi ấm ổ rơm – Nguyễn Duy)

Các anh đi đến đâu cũng được nhân dân che chở, yêu mến, không quản ngại khó khăn, nguy hiểm: “Vắt xôi nuôi quân em giấu giữa rừng” (Tiếng hát con tàu). Quả thật, tình cảm mà con người dành cho nhau cũng mộc mạc như đất mà thôi, nồng ấm mà đơn sơ, chân thành mà bền chắc. Chính tình cảm ấy đã “tôn cao” con người, làm cho những cá nhân nhỏ bé cũng trở nên cao cả, đẹp đẽ. Dân gian có câu: “Một miếng khi đói bằng một gói khi no”. Có những sự giúp đỡ đúng lúc, kịp thời có thể cứu sống một sinh mạng. Cuộc đời có lúc thăng trầm và con người là bạn đồng hành của nhau trên con đường gian nan ấy, có khi nâng đỡ, có khi giúp bạn đường của mình tiến xa hơn mà không ngại hi sinh.

Con người đã sống với nhau như nước. Nước làm đầy nhau, nước tràn từ trên cao đến nơi thấp, từ sông hồ ra biển cả mênh mông, hòa vào nhau để dâng lên theo từng con sóng. Người với người “làm đầy nhau” bằng tình yêu thương, sự cảm thông và chia sẻ. Hơn thế nữa, con người xoa dịu, khỏa lấp được những nỗi đau đớn, những vết thương lòng của nhau bằng liều thuốc từ trái tim mình. Suốt cuộc đời mỗi người, ai cũng đã từng, dù nhiều hay ít, được sống trong tình yêu thương kì diệu ấy. Từ những lời ru âu yếm của mẹ lúc ta lọt lòng, tâm hồn ta được làm đầy bởi những câu ca ngọt ngào, êm dịu, có cánh cò trắng rập rờn bay, trái tim ta được bồi đắp bởi tình mẹ bao la, sâu sắc. Càng lớn lên, hiểu biết nhiều điều về thế giới xung quanh, ta càng có được nhiều bạn bè, sống và chia sẻ với nhau lúc vui, lúc buồn và chính ta cũng chủ động hòa mình vào cuộc sống này, hòa mình vào dòng chảy mênh mông của cuộc đời. Tình cảm con người dành cho nhau cũng mát lành và hiền hòa tựa như dòng nước kia, nó có thể len lỏi vào những tâm hồn sắt đá nhất, làm tan đi băng giá những trái tim cứng rắn và phá đi cánh cửa của những tấm lòng còn đồng khép. Dòng nước còn có thể đi rất xa mang tình yêu thương khắp năm châu bốn bể bởi lẽ ở nơi đâu con người cũng là bạn, không phân biệt màu da chủng tộc hay ngôn ngữ, chỉ cần thôi: một tấm lòng…

Và con người đã sống với nhau như cỏ. Cỏ đan vào nhau, làm nên những chân trời. Mỗi người, mỗi cá nhân riêng rẽ chỉ như cọng cỏ nhỏ bé kia mà thôi thế nhưng với tình yêu đan dệt từ những cọng cỏ ấy, con người đoàn kết một lòng tạo nên những chân trời vô biên. Làm thế nào để sống tốt cuộc sống của mình đã khó nhưng khó khăn hơn là làm thế nào để làm cho cuộc sống của những người ta yêu quý, của đồng loại ta tốt đẹp hơn dù biết sức mình là rất nhỏ bé, còn khó hơn rất nhiều. Bất cứ một tập thể nào cũng cần có sự đoàn kết. Từ những cầu thủ chơi chung một đội bóng đoàn kết với nhau để làm nên vinh quang cho màu cờ sắc áo cho đến một dân tộc đoàn kết chống lại kẻ thù. Từ ngàn xưa con người đã biết dựa vào sức mạnh của tập thể. Không chỉ đoàn kết mà con người còn cần phải học cách sống hài hòa trong cuộc sống chung, không tách mình ra khỏi tập thể mà mình gắn bó, hướng tới mục đích cao cả trong cuộc đời là cái thiện, cái đẹp, những giá trị chân thực mà cũng là vô giá. Trong truyện ngắn Chữ người tử tù của mình, nhà văn Nguyễn Tuân đã xây dựng thành công hai nhân vật Huấn Cao và viên quản ngục. Bất chấp địa vị xã hội, bất chấp những khác biệt và hiểu nhầm, họ đã nhận ra tấm lòng của nhau và trở thành tri kỉ ngay khi Huấn Cao đã gần kề cái chết. Có thể nói, Huấn Cao đã toại nguyện và thanh thản vì đã không để phụ mất một tấm lòng trong thiên hạ. Họ đã soi sáng những nét nhân cách tốt đẹp của nhau, cùng hướng đến một tình yêu cái đẹp chân thành, bền vững. Phải chăng đó chính là ý nghĩa thực sự của cuộc sống?

Con người đã sống với nhau như vậy đấy, nâng đỡ, yêu thương, hòa hợp cảm thông, chia sẻ. Đó là lí do vì sao loài người sinh sôi và tồn tại đến bây giờ. Thế nhưng con người không phải không mắc những sai lầm. Đôi khi vì mục đích cá nhân mà có kẻ bán rẻ cả bạn bè, hay vì nguồn lợi không chính đáng mà họ tàn sát các dân tộc khác, biến đồng loại của mình thành nô lệ. Có những điều đáng phải bị lên án như cuộc chiến tranh thế giới, chủ nghĩa phân biệt chủng tộc A-pác-thai, chính sách diệt chủng của bọn phát xít… Con người có không ít những phút mù quáng, sai lầm. Chính vì thế ta càng cần sống tốt với nhau để kéo họ ra khỏi sai lầm, để loài người lại tiếp tục đồng hành với nhau trên bước đường thời gian vô cùng, vô tận.

Có thể nói, một vài suy nghĩ về cuộc sống con người chưa thể trả lời đầy đủ cho câu hỏi mang đậm tính nhân văn sâu sắc của nhà thơ Hữu Thỉnh: “Người với người sống với nhau như thế nào?”. Chỉ biết rằng, để tồn tại một cách có ý nghĩa, con người ta cần phải sống vì nhau, sống có tình yêu thương để vượt qua bao đau thương, bất trắc mà ta không thể lường trước được để cuộc sống thêm đẹp, bởi lẽ:

Có gì đẹp trên đời hơn thế

Người với người, sống để yêu nhau.

(Một khúc ca xuân – Tố Hữu)

Phạm Thị Hoài Phương

Lớp Văn K40 – THPT chuyên – ĐHSP Hà Nội

Xem thêm những bài văn Nghị luận xã hội

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *