Nghị luận xã hội bàn về hạnh phúc của con người trong cuộc sống

Nghị luận xã hội

Có ý kiến cho rằng: Hạnh phúc không chỉ là được cha mẹ quan tâm. Hạnh phúc còn là quan tâm tới cha mẹ.

Anh (chị) suy nghĩ như thế nào về ý kiến trên?

BÀI LÀM THAM KHẢO

Có bao giờ bạn tự hỏi, hạnh phúc là gì? Tại sao cả đời chúng ta vẫn luôn mải miết đi tìm điều đó? Có người thấy hạnh phúc khi đạt được thành công trong công việc. Có người lại mãn nguyện tận hưởng một bữa cơm gia đình đầm ấm. Niềm hạnh phúc đối với mỗi người thật không giống nhau. Nhưng riêng niềm hạnh phúc khi được cha mẹ quan tâm và khi quan tâm tới cha mẹ lại là điểm chung của mọi người con trên cuộc đời này:“Hạnh phúc không chỉ là được cha mẹ quan tâmHạnh phúc còn là quan tâm tới cha mẹ.

 

Được cha mẹ quan tâm, đó là niềm hạnh phúc vô bờ của con cái. Lo lắng cho con từ những điều nhỏ nhặt nhất cho đến việc cùng con vượt qua những giông bão cuộc đời, đó là cha mẹ. Trước tiên, cha mẹ trao cho con sinh mạng và rồi truyền hơi ấm vào trái tim, truyền ý chí vào khối óc cho con cái mình. Hạnh phúc là được lớn lên trong lời ru à ơi ngọt ngào của mẹ, trong vòng tay vững chắc, ấm áp của cha. Hạnh phúc là khi được cha mẹ lo cho từng bữa ăn giấc ngủ để con vô tư vui chơi, học hành… Hạnh phúc là khi con thức dậy mỗi sáng đã thấy bữa ăn cha mẹ chuẩn bị sẵn trên bàn. Hạnh phúc là khi đi học có cha mẹ đón đưa. Hạnh phúc là khi con đau ốm, cha mẹ túc trực lo lắng không một lời ca thán. Hạnh phúc là được cha mẹ răn dạy cách sống, cách làm người để con dần lớn khôn, trưởng thành. Hạnh phúc là cả những lần con phạm lỗi, cha mẹ trách mắng vì mong con không bao giờ lặp lại lỗi lầm… Tất cả những niềm hạnh phúc vừa bình dị, vừa lớn lao ấy khiến tim ta xúc động và khắc ghi đến cuối đời. Khi chứng kiến biết bao bạn nhỏ cơ nhỡ, lấy đường làm nhà, lấy mái hiên làm giường, lấy hình ảnh gia đình người khác chăm chút cho nhau để hình dung về cha mẹ, ta mới thấm thía hơn nữa niềm hạnh phúc mà mình đang có.

Bước qua những cạm bẫy, những giông bão của cuộc đời, những nghịch cảnh và cô đơn, ta càng thấm thía: “Cha mẹ yêu con vô điều kiện, trong khi cả thế giới này phải có điều kiện mới yêu con”. Đôi khi, hạnh phúc là nhận ra, dù trái tim ta vụn vỡ vì cả thế giới quay lưng nhưng vẫn ấm lại vì luôn có cha mẹ bên mình.

Một niềm hạnh phúc lớn lao nữa đó là khi chúng ta quân tâm tới cha mẹ. Niềm hạnh phúc không chỉ ánh lên trong đôi mắt mẹ khi đón nhận đóa hoa con tặng nhân ngày Quốc tế phụ nữ 8 – 3, mà ánh mắt ấy còn lan tỏa sự ấm áp đến cả tâm hồn người trao tặng. Hạnh phúc biết bao khi nhìn cha trân trọng, giữ gìn chiếc khăn len con đan tặng từ mùa đông năm ngoái. Hay khi mẹ rung rung ăn hết món ăn lần đầu con nấu cho mẹ, khi mắt cha lấp lánh uống cốc trà gừng con pha. Những điều con cái có thể làm cho cha mẹ thật chẳng thể sánh bằng những điều cha mẹ dành cho con. Được quan tâm tới cha mẹ, thấy cha mẹ hạnh phúc vì sự quan tâm nhỏ bé của mình, chắc hẳn không có người con nào lại không cảm thấy vui sướng, tự hào.

Niềm hạnh phúc được quan tâm và quan tâm tới những bậc sinh thành có thể là điều kiện dễ dàng với người này nhưng lại là giấc mơ đối với người khác. Nhiều bạn tuổi còn nhỏ nhưng đã phải gồng gánh nỗi lo toan cơm áo gạo tiền vì bố mẹ mất sớm. Có những bạn nhìn cuộc đời bằng ánh mắt ngơ ngác trong trại trẻ mồ côi, chưa một lần biết đến mặt cha mẹ. Nhiều bạn nhỏ thèm khát được cha mẹ quan tâm, thèm khát được sống trong tình yêu thương, sự bao bọc chở che của cha mẹ mà không thể có được. Xót xa hơn, có những bạn đủ cha mẹ, sống trong giàu sang nhưng gia đình lạnh nhạt, li tán, không yêu thương và quan tâm đến nhau. Những hoàn cảnh éo le ấy đều khiến người ta phải đau lòng. Nói tới tình cảm gia đình, truyện ngắn Cuộc chia tay của những con búp bê của Khánh Hoài mà chúng ta đã được học ở lớp 7 là câu chuyện cảm động và ám ảnh về sự chia li của hai anh em Thành và Thủy khi cha mẹ li hôn. Cuộc chia tay đẫm nước mắt gây xúc động cho người đọc. Cái mà hai an hem mất đi không chỉ là không còn được sống bên nhau nữa, mà từ đây hai đứa trẻ sẽ chỉ còn nhận được sự quan tâm của cha hoặc mẹ. Thực tế nghiệt ngã khiến hai dứa trẻ mãi mãi không còn được hưởng hạnh phúc tròn đầy bởi đã khuyết đi tình yêu thương của cha hoặc của mẹ.

Thời đại ngày nay, mói quan hệ giữa cha mẹ và con cái có nhiều biểu hiện khác hơn so với trước đây. Trong nhiều gia đình, việc thể hiện tình cảm giữa các thành viên đã trở nên tự nhiên và dễ dàng hơn. Bên cạnh đó, con cái được cha mẹ quan tâm nhiều hơn tới tâm lí đời sống tình cảm bên trong chứ không đơn thuần lo cho đủ no, đủ ấm và được học hành. Dù vậy, cùng không hiếm các bậc phụ huynh mải mê kiếm tiền, đặt chuyện công việc lên trên con cái. Nhiều người trẻ cũng mải mê phấn đấu cho sự nghiệp, dành thời gian cho tình yêu, bạn bè… mà quên đi cha mẹ vẫn đang ở nhà chờ đợi bên mâm cơm. Ngay cả khi gia đình bên nhau, buồn thay khi mỗi người chú tâm vào một chiếc điện thoại để lướt facebook, chơi game thay vì hỏi han, lắng nghe lẫn nhau. Trên các phương tiện truyền thông, cũng không hiếm khi ta phải nghe những câu chuyện đáng buồn, có bạn trẻ chỉ vì một tấm vé xem phim thần tượng biểu diễn, một chiếc túi xách hàng hiệu, một chiếc thẻ game… mà buông lời xúc phạm, thậm chí hành hung cha mẹ. Đó không chỉ là biểu hiện đau đớn về sự suy đồi đạo đức mà con là sự đáng thương khi con người tự gạt bỏ niềm hạnh phúc của chính mình.

Mái ấm gia đình là tài sản vô giá, là niềm hạnh phúc không gì có thể thay thế được. Đó là cái nôi của đời người với những tình cảm cao quý và thiêng liêng nhất. Hạnh phúc là được cha mẹ quan tâm và được quan tâm tới cha mẹ. Mỗi người chúng ta hãy trân trọng sự qua tâm của cha mẹ và dành nhiều thời gian cho cha mẹ hơn nữa. Bởi lẽ, thời gian trôi qua rất nhanh, cha mẹ chẳng thể ở bên ta mãi mãi. Đừng đợi một ngày nào đó, khi cha mẹ không còn trên cõi đời này, chúng ta mới hối hận vì đã đối xử với Người quá thờ ơ, hững hờ:

Công cha nghĩa mẹ cao vời vợi

Nhọc nhằn chẳng quảnsuốt đời vì ta

Nên ngườicon phải xót xa

Đáp đền nghĩa nặngnhư là trời cao

Đội ơn chín chữ cù lao

Sinh thành kể mấy non cao cho vừa.

(Ca dao)

Tống Kiều Thanh

Lớp 11B8 – THPT Vũng Tàu – Vũng Tàu

Xem thêm những bài văn  : Nghị luận xã hội

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *