Nghị luận về ý nghĩa câu chuyện Những vết đinh

Nghị luận xã hội

Những vết đinh
Một cậu bé nọ có tính xấu là hay nổi nóng. Một hôm, cha cậu bé đưa cho cậu một túi đinh rồi nói với cậu: “Mỗi khi con nổi nóng với ai đó thì hãy chạy ra sau nhà và đóng một cái đinh lên chiếc hàng rào gỗ.” Ngày đầu tiên, cậu bé đã đóng tất cả 37 cái đinh lên hàng rào. Nhưng sau vài tuần, cậu bé đã tập kiềm chế dần cơn giận của mình và số lượng đinh cậu đóng lên hàng rào ngày một ít đi. Cậu nhận thấy rằng kiềm chế cơn giận của mình dễ hơn là phải đi đóng một cây đinh lên hàng rào. Đến một ngày, cậu bé đã không nổi giận một lần nào trong suốt cả ngày. Cậu đến thưa với cha và ông bảo: “Tốt lắm, bây giờ nếu sau mỗi ngày mà con không hề giận với ai dù chỉ một lần, con hãy nhổ đinh ra khỏi hàng rào”. Ngày lại ngày trôi qua, rồi cũng đến một hôm cậu bé đã vui mừng hãnh diện tìm cha mình bảo rằng đã không còn một cây đinh nào trên hàng rào nữa. Cha cậu liền đến bên hàng rào. Ở đó, ông nhỏ nhẹ nói với cậu: “Con đã làm rất tốt, nhưng con hãy nhìn những lỗ đinh còn để lại trên hàng rào. Hàng rào đã không còn như xưa nữa rồi”

Bài làm:
Không phải ai trên cuộc đời này đều có lòng vị tha và bao dung đủ lớn, để tha thứ cho ta những lần ta phạm lỗi và khiến họ bị tổn thương. Và hẳn trong cuộc đời không ai từng chưa một lần khiến người khác đau lòng, những kí ức đau buồn ấy không phải chỉ có người nhận mới cảm thấy  tổn thương, mà cả người làm điều đó cũng sẽ day dứt trong một khoảng thời gian dài. Đọc xong câu truyện nhỏ – những chiếc đinh. Ta mới chợt nhận ra sự vô tâm của mình, và câu truyện chính là một bài học cảnh tỉnh đáng nhớ và thấm thía cho những ai đã từng khiến người khác bị tổn thương.
Câu truyện ngắn, nhưng rất hay và sâu sắc phải không? Một chú bé có tật xấu là hay nóng giận, rồi cậu tìm ra cách kiềm chế sự nóng giận ấy của mình bằng cách hằng ngày, sẽ đóng những chiếc đinh lên hàng rào, càng đóng được bao nhiêu, cơn tức giận của ngày qua ngày sẽ giảm xuống và cuối cùng không còn nữa. Nhưng cậu không biết rằng, hàng rào đẹp đẽ ngày nào, nay vì những sự nóng nảy vô cớ và nhẫn tâm của cậu, đã khiến hàng rào không còn nguyên vẹn như trước. Lúc này cậu mới chợt nhận ra thời gian qua rốt cuộc vì chính bản thân mình, đã khiến hàng rào trở nên xấu xí hơn, và điều đó cũng xảy ra tương tự, với những ai cậu từng tiếp xúc và cậu nổi nóng với họ. Người cha trong câu truyện đã ứng xử một cách rất hay, hành động của người cha không những làm giảm tính xấu của chú bé, còn khiến cậu nhận ra một bài học nhân văn vô cùng thấm thía và sâu cay, mà đến khi bình tĩnh lại rồi, cậu mới nhận ra lỗi lầm mình đã gây ra cho những người khác.

Trong câu truyện ấy, cậu bé cũng là người đại diện cho sự nóng nảy trong mỗi chúng ta, hẳn trong chúng ta chẳng có ai chưa từng một lần khiến người khác tổn thương. Sự nóng nảy của cậu bé cũng giống với sự nóng nảy của mỗi người, chúng ta cũng đã như cậu, những vết đinh còn sót lại trên hàng rào tượng trưng cho những sự tổn thương, còn đọng lại mãi mãi trong kí ức người khác, và sự tổn thương ấy như một nỗi ám ảnh và nó sẽ kéo dài, day dứt đến mãi về sau. Khi nóng giận con người ta thường mất đi sự kiểm soát của lý trí, tất cả chỉ còn lại những cảm xúc cực đoan và một thái độ tàn nhẫn chỉ muốn tất cả mọi thứ phải tuân theo cảm xúc nóng giận của mình. Và khi ấy ta không thể kiềm chế được sự nóng giận của bản thân. Nếu chúng ta đã từng để lại những lời nói không hay, những hành động thô lỗ với người khác, và kể cả khi người khác làm những điều đó với chúng ta, chắc chắn ta sẽ cảm thấy đau lòng và sự tổn thương sẽ khắc sâu trong lòng ta không thể nào quên đi được, mà mỗi khi nhớ lại, sẽ lại thấy buồn, tủi thân. Hàng rào có sơn mới cũng không thể nào che được những vết đinh lồi lõm xấu xí, lời nói gây tổn thương nói ra cũng sẽ để lại những kí ức, ấn tượng xấu xí trong lòng lẫn nhau.

Câu truyện là một bài học nhân văn dạy ta cách ứng xử tốt hơn trong cuộc sống. Cuộc đời không thể thiếu những vòng tay, không  thể thiếu những người thân bên cạnh, quan tâm và yêu thương ta. Nếu vì một lý do nào đấy ta không thể kiềm chế sự tức giận trong lòng mà bột phát ra ngoài, thì điều đó sẽ không những khiến mỗi người trở nên đau lòng, mà tình cảm dần dần theo thời gian cũng trở nên xa cách, chán nản và mệt mỏi lẫn nhau. Và đáng tiếc nhất là chúng ta có thể vì điều đó mà đánh mất đi những người bạn, người yêu, người thân… đã từng nhẫn nhịn và bao dung mình vô bờ bến. Vì vậy mỗi người hãy tự nhận thức những nỗi đau, để từ đó học cho mình một thái độ ứng xử đúng đắn và chuẩn mực nhất. Trong cuộc sống không khó kiếm những ví dụ minh chứng về sự mất kiểm soát của tính nóng giận, và đã là con dao hai lưỡi, giết chết chính người khác và giết chết luôn cả chính mình. Như xã hội ngày nay có biết bao vụ án giết người vì ghen tuông vô cớ, hay những vụ việc nữ sinh đánh nhau trong trường học vì ghen tuông, tức giận vì lời nói của nhau, gây ra hiện tượng bạo lực học đường. Và để rồi sau khi chuyện đó xảy ra, ta mới nhận ra mình đã phạm một lỗi lầm rất lớn, có thể còn đã nguy hại đến tính mạng của người khác.

Giận thì mất khôn, không ai muốn điều đó xảy ra với mình, vậy thì hãy học cách tránh xa điều đấy, biết kiềm chế đúng lúc, đúng chỗ, đúng người. Và tránh các hành động thô lỗ, thiếu văn hóa, chửi tục, chửi thề, để học thành thói quen, và dần dần bản thân cũng sửa đổi đi nhiều. Cố gắng xây dựng những mối quan hệ thân thiết, gắn bó lành mạnh. Tập yêu thương người khác chân thành, và khi ấy ta sẽ thấy họ luôn đáng yêu trong mọi hành động, và ta sẽ không trở nên thô bạo và hung hãn với người khác dễ dàng nữa.

Câu truyện thật ý nghĩa, nó dạy cho chúng ta bài học về cách ứng xử, và là một liều thuốc xoa dịu chính bản thân mỗi người khi có tính xấu là nóng giận vô cớ và hay gây tổn thương người khác. Hãy luôn biết trân trọng các mối quan hệ quanh mình, và đừng vì lý do gì khiến những tình cảm ấy xa rời mình vì những điều không đáng, các bạn nhé!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *