Nghị luận về vấn đề xã hội đặt ra trong tác phẩm văn học

Nghị luận xã hội

 

Chuyên đề:

RÈN LUYỆN KĨ NĂNG NGHỊ LUẬN VỀ VẤN ĐỀ XÃ HỘI ĐẶT RA TRONG TÁC PHẨM VĂN HỌC

A.MỞ ĐẦU

  1. Lí do chọn đề tài
  2. 1. Ý nghĩa lí luận:

1.1. Văn học là một môn học khá đặc biệt trong nhà trường vì có tính chất hai mặt: vừa là môn nghệ thuật, vừa là môn học. Học sinh học văn để trau dồi vốn sống, tư duy, bồi dưỡng cách cảm thụ thẩm mĩ, mặt khác cũng là để có các kĩ năng liên quan đến ngôn ngữ và diễn đạt, cụ thể nhất là kĩ năng tiếp nhận và tạo lập văn bản. Hiện nay, cả kĩ năng đọc và viết văn bản đều được coi trọng ngang nhau với mục đích thực dụng nhất là ngay cả các em học sinh sau này không theo ngành văn chương cũng có khả năng đọc, viết tốt trong lĩnh vực công việc và nghề nghiệp của mình. Với mục đích thiết thực đó, việc dạy-học phân môn làm văn trong nhà trường càng được đề cao. Mà nhiệm vụ chính của phân môn làm văn là giúp học sinh hình thành kĩ năng cần thiết để tạo lập được nhiều kiểu văn bản. Vì thế, chúng tôi nghĩ đề tài “Rèn luyện kĩ năng nghị luận về vấn đề xã hội đặt ra trong tác phẩm văn học” có thể là một đóng góp trong việc hình thành phương pháp, kĩ năng viết văn bản nghị luận cho học sinh.

1.2. Sách giáo khoa Ngữ văn THPT hiện nay được thiết kế tích hợp ba phân môn: Đọc văn, Làm văn và Tiếng Việt. Ưu điểm của sự tích hợp này là học sinh có thể kết nối bài học của từng phân môn: học ngữ để áp dụng vào đọc văn, viết văn, đọc văn và ngược lại viết văn đề soi vào ngữ, vào các văn bản văn học. Theo chúng tôi, dạng đề nghị luận về vấn đề xã hội đặt ra trong tác phẩm văn họ là một cách giúp học sinh củng cố sâu sắc hơn phần đọc văn trong chương trình và gián tiếp rèn kĩ năng đọc hiểu văn bản (cả văn bản mới) cho các em.  Đặc biệt, viết về một vấn đề xã hội đặt ra trong tác phẩm văn học, các em còn rèn cách đọc sâu, nghiềm ngẫm và sáng tạo, phát huy được ý kiến riêng của bản thân về tác phẩm và có cơ hội để tiếp cận với những văn bản mới, kích thích khả năng cảm thụ văn học.

  1. Ý nghĩa thực tiễn:

2.1. Hiện nay, trong phân môn làm văn, nghị luận xã hội là dạng bài đang được coi trọng. Cấu trúc của các đề thi văn quốc gia (cả THPT quốc gia lẫn học sinh giỏi văn quốc gia) đều xuất hiện dạng bài này. Một tạp chí thân thiết với giáo viên và học sinh văn trên toàn quốc là Văn học và tuổi trẻ cũng bám sát dạng bài trên và đã cho in 2 tập “Tuyển tập đề bài và bài văn nghị luận xã hội”… Học sinh đang có nhu cầu rất lớn được rèn luyện, củng cố kĩ năng làm văn nghị luận xã hội. Bản thân giáo viên dạy văn cấp THPT  ngoài việc tự học, tự thiết kế bài giảng, cũng rất cần nguồn tư liệu tham khảo về dạng bài này khi mà nguồn sách tham khảo đang rất mông mênh, “vang thau lẫn lộn”…  Vì thế, chúng tôi mong muốn chuyên đề này có thể còn góp một tài liệu tham khảo về văn nghị luận xã hội cho giáo viên và học sinh.

2.2. Sau mỗi kì thi văn cấp quốc gia, báo chí, dư luận đều quan tâm đặc biệt đến câu nghị luận xã hội trong đề thi. Vì bản thân nghị luận xã hội là một dạng đề văn mở (nếu xét mở theo nghĩa không thể có một đáp án chung tối ưu, người viết có thể tự do và độc lập nêu lên suy nghĩ, quan điểm và thể hiện sự diễn đạt của mình…) nên nó là cái phần hấp dẫn, phóng khoáng nhất trong cấu trúc đề thi. Bởi thế, bên cạnh những đề bài đơn giản, truyền thống để hình thành kĩ năng cơ bản về kiểu bài, việc ra đề hay, đề mới để học sinh (đặc biệt là học sinh giỏi) rèn luyện luôn là thách thức với giáo viên. Theo chúng tôi, dạng bài nghị luận về vấn đề xã hội đặt ra trong một tác phẩm văn học có thể coi là một “lối thoát”. Với sự phong phú của các tác phẩm trong và ngoài sách giáo khoa, với sự đa nghĩa của văn bản văn học và sự vận động không ngừng của văn bản trong sự tiếp nhận của người đọc, chúng tôi nghĩ, dạng bài này sẽ luôn mới mẻ, hấp dẫn, kích thích học sinh. Vì thế, chuyên đề này còn có mục đích nữa là giúp giáo viên và học sinh tạo ra những đề bài và bài làm văn thực sự mới mẻ, sáng tạo.

  1. Cấu trúc chuyên đề:

Ngoài phần mở đầu và kết luận, phần nội dung của chuyên đề bao gồm các mục:

  1. Khái quát chung về văn nghị luận xã hội và dạng bài “Nghị luận về vấn đề xã hội đặt ra trong tác phẩm văn học”.
  2. Các kiểu đề bài “Nghị luận về vấn đề xã hội đặt ra trong tác phẩm văn học” và gợi ý về phương pháp làm bài.

III. Một số đề bài luyện tập.

 

 

B.NỘI DUNG

  1. Khái quát chung về văn nghị luận xã hội và dạng bài “Nghị luận về vấn đề xã hội đặt ra trong tác phẩm văn học”

1.Văn nghị luận xã hội

1.1. Khái niệm và đặc trưng của văn nghị luận

“Nghị luận” theo cách giải thích của Từ điển Tiếng Việt hiện hành là bàn bạc một vấn đề nào đó cho rõ phải trái, đúng sai. Từ đó, văn nghị luận có thể hiểu là bài văn dùng phán đoán, lí lẽ, dẫn chứng, lập luận để đánh giá, bàn luận về vấn đề nào đó một cách thuyết phục.

Đặc trưng cơ bản của văn nghị luận có thể nói ngắn gọn: là văn nói lí, nói lẽ. Đây là loại văn bản thiên về trình bày các ý kiến lí lẽ, tác động mạnh vào lí trí, trí tuệ của người đọc. Phương thức biểu đạt chủ yếu của bài văn là nghị luận: người viết chỉ nhằm bàn bạc, đánh giá một luận đề chứ không nhằm phản ánh hiện thực hay xây dựng hình tượng… Vì thế, việc viết văn bản nghị luận giúp học sinh hình thành tư duy lí luận và kĩ năng lập luận chặt chẽ, giàu sức thuyết phục.

1.2. Khái niệm và vai trò của văn nghị luận xã hội trong nhà trường

Có nhiều tiêu chí để phân loại văn nghị luận. Cách phổ biến hiện nay là chia theo đề tài (đối tượng) gồm: nghị luận xã hội và nghị luận văn học.

Nghị luận văn học là bài văn nghị luận bàn về các vấn đề văn chương nghệ thuật. Còn nghị luận xã hội là bài văn bàn về các vấn đề xã hội, tức là các vấn đề thuộc mọi quan hệ và hoạt động của con người trên tất cả các các bình diện của xã hội như: chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục, đạo đức, môi trường…  Tuy nhiên, nghị luận xã hội trong nhà thường hiện nay chủ yếu hướng vào đề tài đạo đức-nhân sinh, những vấn đề giúp học sinh hình thành quan niệm sống, thái độ sống, lối sống đúng đắn để từ đó tự hoàn thiện nhân cách của bản thân và xác lập được mối quan hệ tốt đẹp với xung quanh.

Nghị luận xã hội là một dạng bài văn khá quan trọng trong nhà trường vì không phải học sinh nào rồi cũng sẽ theo con đường văn chương nhưng ai cũng phải đối diện với những vấn đề xã hội. Trong nhiều công việc, nhiều trường hợp, ta vẫn phải giải thích, chứng minh, phải thể hiện thái độ, tư tưởng trước một vấn đề nào đấy và phải thuyết phục một đối tượng nào đó theo lẽ phải của mình.  Vì thế, với tác dụng rèn luyện tư duy logic, kĩ năng lập luận chặt chẽ, nghị luận xã hội là một dạng bài mà học sinh nào cũng cần biết viết để thỏa mãn được những yêu cầu của công việc và cuộc sống đặt ra sau này.

1.3.Yêu cầu của bài văn nghị luận xã hội trong nhà trường

Một câu hỏi cần đặt ra trước khi nêu lên yêu cầu đó là: nhìn đại thể, bài văn nghị luận xã hội của học sinh đang ở mức độ chất lượng như thế nào? Chúng tôi nghĩ rằng, từ góc độ đại trà, bài viết của học sinh vẫn là một bài tập làm văn- tức là tập viết theo một yêu cầu, một quy cách, khuôn hình nào đó về bố cục, cấu trúc, diễn đạt… Thêm nữa, không phải học sinh nào cũng có năng lực ngôn ngữ, khả năng tư duy lí luận tốt nên bài viết của các em khó có thể trở thành một tác phẩm văn học (nếu hiểu văn học theo nghĩa rộng). Tuy nhiên, trường hợp đặc biệt, các em học sinh khá, giỏi khi gặp những đề bài khơi gợi hứng thú, chọn lựa những hình thức sáng tạo để nghị luận: bức thư, trang nhật kí… thì hoàn toàn có thể coi đó là một tác phẩm văn học nhỏ. Để đạt được mục đích là bàn bạc thuyết phục, mỗi học sinh sẽ có cách viết khác nhau song cũng cần đặt ra một vài yêu cầu cần đảm bảo với bài văn nghị luận xã hội đúng:

– Trước tiên, bài viết phải đảm bảo màu sắc của văn nghị luận như: có hệ thống luận điểm, lí lẽ và cách lập luận thuyết phục, dẫn chứng xác đáng, vận dụng đúng và linh hoạt các thao tác nghị luận, thể hiện rõ thái độ, cách đánh giá của người viết về vấn đề.

-Sau đó, bài văn phải đảm bảo màu sắc xã hội như: thể hiện được hiểu biết xã hội, lấy được những dẫn chứng thực tế, liên hệ với thực tế và bản thân…, từ ngữ phải có tính xã hội, tính học thuật cao…

– Cuối cùng, bài viết phải đảm bảo được cách trình bày khoa học của một bài văn nói chung với bố cục 3 phần: mở, thân, kết (ngay cả những bài viết sử dụng hình thức trình bày sáng tạo như nhật kí, bức thư…).

1.4.Các dạng bài văn nghị luận xã hội:

Hiện nay nghị luận xã hội được chia thành 3 dạng nhỏ sau:

-Nghị luận về một tư tưởng, đạo lí là bài văn  bàn về một vấn đề thuộc lĩnh vực tư tưởng, đạo đức, quan điểm nhân sinh. Các tư tưởng, đạo lí đó thường có tính khái quát, tính quy luật cao.

-Nghị luận về một hiện tượng xã hội là kiểu bài văn bàn về một sự việc, hiện tượng có thật trong đời sống xã hội, có vấn đề đáng suy nghĩ.

-Nghị luận về vấn đề xã hội đặt ra trong tác phẩm văn học là bàn về một hiện tượng xã hội hoặc một tư tưởng, đạo lí có ý nghĩa, đáng suy ngẫm được gợi mở từ một tác phẩm văn học.

  1. Dạng bài nghị luận về vấn đề xã hội đặt ra trong tác phẩm văn học

2.1. Thế nào là vấn đề xã hội đặt ra trong tác phẩm văn học?

Tác phẩm văn học là sản phẩm nghệ thuật bằng ngôn từ “thể hiện những khái quát bằng hình tượng về cuộc sống con người và biểu hiện tâm tư, tình cảm, thái độ của chủ thể trước thực tại” (Theo “Từ điển thuật ngữ văn học- Lê Bá Hán, Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi đồng chủ biên). Nó luôn là một chỉnh thể thẩm mĩ được cấu thành từ nhiều yếu tố trong sự thống nhất giữa nội dung và hình thức.

Qua định nghĩa đó, có thể thấy, tác phẩm văn học là một sự mã hóa những ấn tượng, nhận thức, tình cảm, tâm trạng của nhà văn về thế giới hiện thực khách quan.  Đó là nơi nhà văn kí thác, gửi gắm, khẳng định những quan điểm nhân sinh, lí tưởng thẩm mĩ của mình. Khi nhà văn phản ánh, tái hiện hiện thực (mà điều cốt lõi là thể hiện những khám phá về con người) dựa trên những quan niệm nhân sinh, khả năng hình dung, tưởng tượng về thực tại thì đồng thời anh ta cũng bày tỏ thái độ, tình cảm, tư tưởng, đưa ra những đánh giá đạo đức và thẩm mĩ nhất định về cái mà mình phản ánh. Vì thế, tác phẩm văn học nào cũng có mối liên hệ với hiện thực đời sống và chứa đựng những quan niệm, tư tưởng sâu sắc về con người, cuộc đời.

Như vậy, có hai cơ sở để nhận thấy vấn đề xã hội trong một tác phẩm văn học:  Một là, hiện thực khách quan được phản ánh trong tác phẩm luôn chứa đựng những vấn đề bản chất nhất hoặc những hiện tượng phổ quát của đời sống xã hội. Các vấn đề xã hội luôn hòa tan và tiềm ẩn trong hình tượng văn học, trong thế giới nghệ thuật của tác phẩm. Hai là, sau thế giới hình tượng, ta luôn nhận được những thông điệp nhất định ở tầng hàm nghĩa của văn bản chính là những tư tưởng, quan niệm nhân sinh của nhà văn.  Vì thế, bàn về một tác phẩm văn học, không thể tránh các vấn đề xã hội dù bản chất nghệ thuật của văn học là sự hư cấu, tưởng tượng.

Nhưng tác phẩm văn học không bao giờ là sự mã hóa có tính cố định, bất biến. Sáng tạo tác phẩm là tác giả, song làm nên sự sống thực sự cho tác phẩm lại là người đọc. Trong sự tiếp nhận của người đọc, tác phẩm văn học là một quá trình vận động, biến đổi bởi sự cảm thụ của người đọc về tác phẩm là khác nhau ở mỗi thời kì, giai đoạn lịch sử… Người đọc không hoàn toàn “thụ nghĩa” mà còn tham gia tạo nghĩa cho tác phẩm bằng những tưởng tượng, suy tư, liên hệ của mình… Vì thế, ngoài những vấn đề xã hội được nhà văn “đặt ra” trong tác phẩm, người đọc còn có thể tự đặt ra hoặc liên hệ đến các vấn đề xã hội gần gũi khi tiếp nhận tác phẩm. Hai chữ “đặt ra” không nên hiểu chỉ là sự “đặt để” của nhà văn mà còn là những “đặt để” hoặc liên hệ của chính người đọc khi tiếp nhận tác phẩm. Tuy nhiên, vì tác phẩm văn học vẫn có tính xác định nên sự cảm thụ của ngươi đọc luôn phải phù hợp, hài hòa với tác phẩm, tránh áp đặt, khiên cưỡng.

Như vậy, từ góc độ lí luận văn học, ta thấy rằng mọi tác phẩm văn học đều có thể trở trở thành nguồn đề tài cho văn nghị luận xã hội. Tác phẩm văn học nào cũng là cũng chứa đựng ít nhiều những vấn đề xã hội, quan trọng là vấn đề xã hội đó phải đáng suy ngẫm, có tính thời sự, tính giáo dục và phù hợp với tâm lý lứa tuổi học đường.

Từ cơ sở trên, chúng tôi hiểu “vấn đề xã hội đặt ra trong tác phẩm văn học” như sau:

-Một tư tưởng, quan niệm nhân sinh, một hiện tượng xã hội mà nhà văn đặt ra, gửi gắm trong tác phẩm.

-Một tư tưởng, quan niệm nhân sinh, hiện tượng xã hội mà người đọc được gợi mở hoặc có thể liên hệ khi tiếp nhận ý nghĩa của tác phẩm.

2.2. Mục đích và yêu cầu của dạng bài

Về mục đích, dạng bài này giúp học sinh:

-Tích hợp đọc-văn và làm văn, rèn cả kĩ năng đọc-hiểu văn bản văn học và kĩ năng viết nghị luận xã hội.

– Hiểu sâu hơn tác phẩm văn học và liên hệ được với bản thân, với hoàn cảnh thực tế.

– Hình thành những quan niệm thẩm mĩ và nhân sinh tích cực.

Về yêu cầu, chúng tôi tạm thời đặt ra một số yêu cầu sau:

Yêu cầu về nội dung: xác định đúng vấn đề cần bàn từ tác phẩm văn học, bày tỏ rõ ràng thái độ, cách đánh giá vấn đề trong bài viết, có những liên hệ xác đáng và sâu sắc.

Yêu cầu về kĩ năng:

+Có kĩ năng phân tích, cảm thụ văn bản/tác phẩm văn học và kĩ năng nghị luận cơ bản. Tuy nhiên, đây không phải dạng bài nghị luận văn học nên học sinh không được sa đà vào phân tích, cảm thụ tác phẩm mà phải hiểu đó chỉ là một thao tác để xác định chính xác vấn đề nghị luận.

+ Diễn đạt lưu loát, biểu cảm, không sai ngữ pháp, chính tả.

2.3. Phương pháp chung triển khai vấn đề

Văn chương không chấp nhận công thức chung nhưng bài làm văn của học sinh luôn cần có sự định hướng về các thao tác triển khai vấn đề. Vì thế, chúng tôi xin được đưa ra cách thức chung triển khai vấn đề của dạng bài này như sau:

Bước 1: Phân tích (có kèm tóm tắt nếu cần) đoạn trích hoặc tác phẩm văn học để rút ra vấn đề xã hội có ý nghĩa.

+Nếu đề văn nêu sẵn vấn đề xã hội thì chỉ cần phân tích qua vấn đề đó đã được thể hiện như thế nào trong tác phẩm.

+Nếu đề văn chưa nêu sẵn vấn đề xã hội thì cần phân tích kĩ lưỡng để xác định chính xác và đủ những vấn đề xã hội được đặt ra trong tác phẩm hoặc gợi mở từ tác phẩm.

Bước 2: Bàn luận vấn đề

Theo chúng tôi, với dạng bài này, đề bài thường yêu cầu nêu suy nghĩ có nghĩa là sự bàn luận sẽ sử dụng thao tác nghị luận hỗn hợp, trong đó, thao tác cơ bản là phân tích, lí giải và bình luận, đánh giá… để người viết có thể làm sáng tỏ vấn đề một cách thuyết phục.

Nếu vấn đề xã hội là tư tưởng, đạo lí, học sinh tiến hành các thao tác sau:

+Giải thích khái niệm gắn với vấn đề (nếu cần)

+Phân tích, chứng minh biểu hiện của vấn đề (nếu cần)

+Lí giải cơ sở của tư tưởng, đạo lí cần bàn (với câu hỏi “Tại sao nói như vậy?”)

+Đánh giá tính đúng-sai, tích cực-tiêu cực và tác dụng, ý nghĩa của tư tưởng, đạo lí với con người, với xã hội (với câu hỏi: tư tưởng, quan niệm ấy có đúng đắn, sâu sắc không?, có ý nghĩa gì với tâm hồn, nhân cách con người, với xã hội…?).

+Mở rộng, liên hệ (đây cũng là một khâu của thao tác bình luận): xem xét tư tưởng, đạo lí đó ở những phương diện, góc độ khác nhau (cần bổ sung gì? có mặt nào chưa được? có thể đối chiếu với vấn đề tương đồng hoặc tương phản nào? có thể liên hệ với thực tế nào hiện nay?…)

+Cuối cùng là rút ra bài học nhận thức và hành động cho bản thân (ta có được nhận thức sâu sắc nào? Bản thân cần phải có những hành động thiết thực, cụ thể ra sao?)

Nếu vấn đề là hiện tượng đời sống, học sinh tiến hành các thao tác sau:

+ Giải thích khái niệm gắn với vấn đề (nếu cần).

+ Phân tích thực trạng và biểu hiện của hiện tượng.

+Phân tích nguyên nhân của hiện tượng.

+Đánh giá ảnh hưởng của hiện tượng với cá nhân, xã hội (nếu hiện tượng tiêu cực thì nêu hậu quả, nếu hiện tượng tích cực thì nêu vai trò, tác dụng).

+Mở rộng bằng cách nêu giải pháp cho hiện tượng.

+Rút ra bài học nhận thức và hành động  cho bản thân.

Lưu ý với một số kiểu đề bài đặc biệt có sự giao thoa giữa tư tưởng, đạo lí và hiện tượng đời sống thì sự bàn luận phải kết hợp linh hoạt cả hai cách triển khai trên.

  1. Các kiểu đề bài nghị luận về vấn đề xã hội trong tác phẩm văn học và gợi ý về phương pháp làm bài

1.Tiêu chí phân loại:

Chúng tôi đặt ra hai tiêu chí sau đề phân loại các kiểu đề bài của dạng bài này:

-Thứ nhất, dựa vào nguồn gốc, phạm vi của vấn đề xã hội cần bàn, ta có:

+Bàn về một vấn đề xã hội đặt ra trong tác phẩm văn học trong nhà trường.

+Bàn về một vấn đề xã hội đặt ra trong một tác phẩm văn học mới (một bài thơ, một câu chuyện ngắn gọn).

-Thứ hai, dựa vào cấu trúc nội dung của tác phẩm văn học, ta có:

+Bàn về  ý nghĩa chung của tác phẩm văn học.

+Bàn về một ý nghĩa cụ thể của tác phẩm văn học.

+Bàn về một ý nghĩa được gợi mở từ tác phẩm văn học.

Chúng tôi tạm thời lựa chọn cách phân loại theo tiêu chí thứ hai.

2.Phương pháp triển khai vấn đề của từng kiểu đề bài:

2.1. Kiểu đề bài yêu cầu bàn về  ý nghĩa chung của tác phẩm văn học

2.1.1. Nhận diện:

Kiểu đề này có thể gắn với tác phẩm văn học đã học hoặc với một tác phẩm văn học mới. Tác phẩm văn học mới thường là một bài thơ ngắn giàu ý nghĩa triết lí hoặc là một truyện ngụ ngôn, một truyện cực ngắn có dáng dấp ngụ ngôn- được viết ra với mục đích gửi tới người đọc một thông điệp, một bài học giàu ý nghĩa. Cần phân biệt truyện văn học với những câu chuyện thời sự, câu chuyện danh nhân, ứng xử… bởi những câu chuyện như vậy không thể coi là tác phẩm văn học.

Còn với tác phẩm văn học đã học trong chương trình, đề bài không cần đưa ra văn bản tác phẩm mà chỉ nêu yêu cầu trình bày suy nghĩ về ý nghĩa của tác phẩm. Có thể chọn một đoạn trích trong tác phẩm đề học sinh bàn về ý nghĩa của nó.

Ý nghĩa tác phẩm ở đây trước tiên là tất cả những ý nghĩa mang tính xác định mà nhà văn gửi gắm trog văn bản tác phẩm và sau nữa có thể là một ý nghĩa nào đấy người đọc cung cấp cho văn bản với cách kiến giải thuyết phục.

Chúng tôi xin đưa ra một số đề văn tham khảo như sau:

“Một bài học sâu sắc với anh chị sau khi đọc bài thơ “Tôi yêu em” của nhà thơ Nga Pu-skin.”

“Suy nghĩ về những thông điệp mà nhà văn Lưu Quang Vũ gửi đến người đọc qua đoạn trích “Hồn Trương Ba, da hàng thịt” .

“Anh chị có suy nghĩ gì về ý nghĩa của bài thơ “Tự do” của nhà thơ Pháp P.Ê-luya.

“ Suy nghĩ của anh/chị về ý nghĩa của câu chuyện “Hai hạt mầm”  (Có văn bản)

“Đọc bài thơ “Dặn con” của Trần Nhuận Minh (Có văn bản). Anh/chị suy nghĩ gì về ý nghĩa của bài thơ?”

“Anh chị suy nghĩ như thế nào về ý nghĩa được gợi ra từ bài thơ sau:

“Mùa đông đang đến gần

Những bầy chim bắt đầu thấy lạnh

Rủ nhau bay về phương Nam lẩn tránh

Dù suốt mùa hè ca ngợi quê hương

 

Chỉ có đại bàng vẫn ngồi im

Lặng lẽ nhìn những hàng cây trút lá

Khi quê hương gặp những ngày băng giá

Đại bàng không bỏ bay đi”

(Raxun Gam-za-tốp)

 

2.1.2. Cách thức triển khai phần thân bài

  1. a) Bước 1: Phân tích văn bản để tìm ra những ý nghĩa xã hội sâu sắc của tác phẩm, từ đó khái quát chính xác vấn đề xã hội cần bàn.

Với tác phẩm mới, nếu là truyện, học sinh nên tóm tắt sơ lược rồi căn cứ vào tình huống, sự việc, các chi tiết hành động, lời nói, tâm trạng… của nhân vật, nếu là thơ, học sinh cần tìm ra bố cục, mạch luận lí, những hình ảnh, từ ngữ quan trọng… để phát hiện ra ý nghĩa văn bản. Điều cần chú ý là một văn bản có thể có chủ đề chính, phụ, tức là tồn tại nhiều ý nghĩa và mỗi văn bản đều có tính xác định nên tránh gán ghép ý nghĩa không phù hợp.

  1. b) Bước 2: Bàn luận về vấn đề xã hội đặt ra trong tác phẩm (theo cách triển khai ở phần hướng dẫn chung).

Nếu văn bản đa nghĩa, ví như, học sinh tìm được hai vấn đề tư tưởng, đạo lí trong văn bản thì nên tiến hành bàn song song, lồng ghép hai vấn đề sao cho linh hoạt đúng theo các bước cơ bản của dạng bài mà ta đưa về.

Ví dụ, từ đoạn trích  “Hồn Trương Ba, da hàng thịt” (Lưu Quang Vũ), ta có thể xác định được chủ đề, thông điệp chính của tác phẩm là: con người chỉ hạnh phúc khi được sống là chính mình, sự tồn tại không gắn với bản ngã thực sự sẽ gây ra những bi kịch tinh thần đau đớn, đồng nghĩa với cái chết. Nhưng bên cạnh đó, có thể có một chủ đề khác liên quan đến quan niệm nghệ thuật về con người của nhà văn, rằng: con người là một bản ngã đầy phức tạp, không thuần nhất, có phần tầm thường, xấu xa, có phần thanh cao, thánh thiện… nên để sống cho ra sống, ta cần phải không ngừng đấu tranh với cái tầm thường, dung tục, cái xấu xa trong con người mình… Học sinh có thể bàn luận song song cả hai chủ đề này theo cách thức: lí giải cho từng quan điểm, tư tưởng; gộp hai chủ đề vào một vấn đề lớn hơn là thông điệp về lẽ sống để đánh giá xem tư tưởng của nhà văn có đúng đắn, sâu sắc hay không và nó có ý nghĩa gì với tâm hồn, nhân cách của con người?… Sự liên hệ, mở rộng có thể xuất phát từ một hoặc cả hai chủ đề… Nói chung, người viết cần linh hoạt hơn với các văn bản không đơn nghĩa.

Thêm nữa,với văn bản đa nghĩa, ta nên chấp nhận việc học sinh có thể chỉ phát hiện và bàn luận một vấn đề hoặc thậm chí có thể đưa ra cách hiểu riêng của mình về ý nghĩa tác phẩm, miễn là sự bàn luận thuyết phục.

2.2. Kiểu đề bài yêu cầu bàn về một ý nghĩa cụ thể của tác phẩm văn học

2.2.1. Nhận diện:

Kiểu bài này thường gắn nhiều hơn với các tác phẩm văn học đã học. Đề bài nêu lên một vấn đề xã hội cụ thể xuất phát từ một ý nghĩa của tác phẩm để người viết bàn bạc. Tính mở của đề ít hơn bởi người viết đã có sẵn vấn đề nghị luận ở đề bài.

Chúng tôi xin đưa ra một số đề tham khảo như sau:

“Bài ca dao hài hước “Cưới nàng anh toan dẫn voi…” (SGK Ngữ văn 10-Tập 1) gợi cho anh chị suy nghĩ gì về lối sống cần có của con người?”

“Từ đoạn trích “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia” (Thân Nhân Trung- SGK Ngữ văn 10- tập 2), anh/chị hãy bàn về vai trò của người hiền tài với quốc gia?”

“Hãy bình luận về quan niệm “dại”, “khôn” của Nguyễn  Bỉnh Khiêm qua bài thơ “Nhàn” (SGK Ngữ văn 10, tập 2).

“Suy nghĩ về lối sống “trong bao” sau khi đọc xong truyện ngắn “Người trong bao” (SGK Ngữ văn 11, tập 2) của Sê-khốp.”

“Từ bài thơ “Tôi yêu em” (SGK Ngữ văn 11, tập 2) của Pu-skin, hãy trình bày suy nghĩ của anh/chị về cách ứng xử cao thượng trong tình yêu.”

“Hãy cùng Ta-go nói về những nghịch lí đầy bí ẩn của tình yêu từ “Bài thơ số 28”.

“Từ truyện ngắn “Vợ nhặt” (SGK Ngữ văn 12, Tập 2), anh/chị hãy bình luận về sức mạnh của tình thương trong cuộc sống.”

“Suy nghĩ về giá trị của tự do sau khi đọc bài thơ “Tự do”  (SGK Ngữ văn 12, tập 2) của nhà thơ Pháp P.Ê-luya.

“Đọc bài thơ “Quán hàng phù thủy” (có văn bản) và trình bày suy nghĩ về bài học: Hạnh phúc phải do chính mình tạo ra.

“Đọc bài thơ “Dặn con” (có văn bản) của Trần Nhuận Minh và suy nghĩ về lòng trắc ẩn trong cuộc sống.”

Theo chúng tôi, kiểu đề bài này có thể trích dẫn một đoạn trong tác phẩm và yêu cầu học sinh suy ngẫm về nội dung, ý nghĩa cụ thể của đoạn trích:

Ví dụ: “Từ cảm nhận những câu thơ sau của Nguyễn Khoa Điềm: “Em ơi em Đất Nước là máu xương của mình/Phải biết gắn bó và san sẻ/ Phải biết hóa thân cho dáng hình xứ sở/ Làm nên Đất Nước muôn đời” (Trích “Mặt đường khát vọng”), anh/chị có suy nghĩ gì về mối quan hệ giữa mỗi con người với đất nước?”

Hoặc gần đây nhất là đề thi tốt nghiệp môn văn THPT năm 2014: người ra đề cho một đoạn trích trong “Hồn Trương Ba, da hàng thịt” yêu cầu học sinh cảm nhận rồi sau đó trình bày suy nghĩ về khát vọng được sống là chính mình của nhân vật hồn Trương Ba.

2.2.2. Cách thức triển khai phần thân bài:

a)Bước 1: Phân tích để thấy vấn đề xã hội nêu ở đề bài được thể hiện như thế nào trong tác phẩm (hoặc đoạn trích).

Với tác phẩm đã học, chỉ cần phân tích ngắn gọn để thể hiện người viết hiểu nguồn gốc của vấn đề trong tác phẩm.

Với đoạn trích trong một đoạn của tác phẩm thì học sinh cần phân tích kĩ lưỡng  hơn để rút ra nội dung, ý nghĩa của đoạn và khái quát thành vấn đề cần bàn.

Với tác phẩm mới, người viết cần tóm tắt, phân tích tình huông (với truyện), nêu bố cục, mạch nội dung, phân tích hình ảnh (với thơ) để rút ra vấn đề xã hội cụ thể mà đề bài nêu.

b)Bước 2: Bàn luận vấn đề theo hướng một tư tưởng, đạo lí hoặc một hiện tượng xã hội (xem phần hướng dẫn chung).

2.3. Kiểu đề yêu cầu bàn về một ý nghĩa cụ thể được gợi mở từ tác phẩm văn học

2.3.1. Nhận diện:

Với kiểu đề này, vấn đề xã hội được nêu cụ thể ở đề bài song nó không phải là ý nghĩa đã xác định của tác phẩm mà là một ý nghĩa nào đó được gợi mở, liên hệ từ tác phẩm. Vấn đề xã hội sẽ xuất phát từ mọi thành tố trong cấu trúc tác phẩm như: nội dung của một đoạn, tư tưởng, cảm hứng của tác phẩm, một bức tranh đời sống, một hình tượng thiên nhiên, con người, một chi tiết nghệ thuật giàu ý nghĩa…

Đây là kiểu đề bài rất mở bởi người viết không minh họa lại nội dung, ý nghĩa nào đó của tác phẩm mà phải mở rộng, liên hệ với các vấn đề xã hội gần gũi, có liên quan.

Điều cần lưu ý là người ra đề tránh đặt ra những vấn đề xã hội xa rời với ý nghĩa của yếu tố mà nó xuất phát vì sẽ khiên cưỡng, áp đặt và gây cảm giác hụt hẫng, khó hiểu với  học sinh.  Ví như, từ hình tượng nhân vật Chí Phèo mà yêu cầu học sinh bàn về sức sống tiềm tàng của con người, hay từ ý nghĩa của truyện ngắn “Người trong bao” bàn về cuộc đấu tranh giữa cái cũ và cái mới…

Đặc biệt, nếu vấn đề xã hội xuất phát từ một cảnh tượng, một hình tượng, chi tiết…trong tác phẩm thì cần nêu cụ thể ở đề bài để học sinh có thể khoanh vùng nguồn gốc, hoàn cảnh xuất hiện vấn đề cần bàn. Ví dụ, theo chúng tôi, đề bài sau chưa thật sự cụ thể, khoa học: “Từ truyện ngắn “Chiếc thuyền ngoài xa” của Nguyễn Minh Châu, anh/chị hãy bàn về nạn bạo hành gia đình”. Cách ra vấn đề như thế tạo cảm giác khiên cưỡng, áp đặt bởi Nguyễn Minh Châu không viết truyện này để tuyên truyền cho vấn đề bạo hành gia đình.  Đề văn trên có thể sửa lại như sau: “Từ cảm nhận về cảnh tượng người đàn bà hàng chài bị chồng đánh trên bãi biển trong truyện ngắn “Chiếc thuyền ngoài xa” của Nguyễn Minh Châu, anh/chị hãy bàn về nạn bạo hành gia đình”.

Chúng tôi xin đưa ra một số đề bài tham khảo như sau:

“Qua truyện cổ tích “Tấm Cám” (SGK Ngữ văn 10-Tập 1), anh/ chị có suy nghĩ gì về cuộc đấu tranh giữa cái thiện và cái ác trong xã hội xưa và nay?”

“Qua bài thơ  “Độc Tiểu Thanh kí” (SGK Ngữ văn 10- Tập 2) của Nguyễn Du, hãy trình bày suy nghĩ của anh/chị về sự tri âm trong cuộc sống?”

“Đọc bài thơ “Tiến sĩ giấy” (có văn bản) của Nguyễn Khuyến, anh/chị có suy nghĩ gì về mối quan hệ giữa danh và thực trong cuộc sống hôm nay?”

“Từ cảm nhận về chi tiết nước mắt của nhân vật Chí Phèo trong truyện ngắn “Chí Phèo” (SGK Ngữ văn 11-Tập 1) của Nam Cao, anh/chị hãy viết bài văn bàn về nước mắt trong cuộc sống.”

“Từ cảm nhận về hình tượng tiếng đàn trong bài thơ “Đàn ghi-ta của Lorca” (Thanh Thảo) anh chị suy nghĩ gì về vẻ đẹp và sức mạnh của âm nhạc?”

“Từ cảm nhận về trận thủy chiến giữa sông Đà và người lái đò trong tùy bút “Người lái đò sông Đà” của Nguyễn Tuân, anh chị hãy trình bày suy nghĩ về mối quan hệ giữa thiên nhiên và con người.”

“Từ việc cảm nhận hai câu thơ sau trong bài “Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa” của Nguyễn Duy: “Ta đi trọn kiếp con người/ Cũng không đi hết mấy lời mẹ ru”, anh/chị hãy phát biểu suy nghĩ của mình về tình mẫu tử trong xã hội hiện đại ngày nay.”

Hay như một đề văn tham dự cuộc thi “Ra đề và viết văn theo hướng mở” của ThS Phan Thị Mỹ Tiên trên “Tạp chí Văn học và Tuổi trẻ” số tháng 3, năm 2013:

Đọc đoạn thơ sau:

Với đôi cánh đẫm nắng trời

Bầy ong bay đến trọn đời tìm hoa

Không gian là nẻo đường xa

Thời gian vô tận mở ra sắc màu

 

Tìm nơi thăm thẳm rừng sâu

Bập bùng hoa chuối, trắng màu hoa ban

Tìm nơi bờ biển sóng tràn

Hàng cây chắn bão dịu dàng mùa hoa.

Tìm nơi quần đảo khơi xa

Có loài hoa nở như là không tên…

 

Bầy ong rong ruổi trăm miền

Rù rì đôi cánh nối liền mùa hoa

Nối rừng hoang với biển xa

Đất nơi đâu cũng tìm ra ngọt ngào

 

Chắt trong vị ngọt mùi hương

Lặng thầm thay những con đường ong bay

Trải qua mưa nắng vơi đầy

Men trời đất đủ làm say đất trời.

Bầy ong giữ hộ cho người

Những mùa hoa đã tàn phai tháng ngày

                                            (Trích “Hành trình của bầy ong”- Nguyễn Đức Mậu)

Từ hình ảnh bầy ong trong đoạn thơ trên, em hãy viết một bài văn nghị luận nêu suy nghĩ về những phẩm chất đáng quý của con người trong bài ca cống hiến cho xã hội, đất nước.

2.3.2. Cách triển khai phần thân bài:

a)Bước 1: Nêu và phân tích ý nghĩa của yếu tố trong tác phẩm gợi mở vấn đề xã hội cần bàn (một bức tranh xã hội, một cảnh tượng, một hình tượng, một chi tiết, nội dung của một đoạn hay của cả tác phẩm…).

Ví dụ:  Với đề gắn với “Độc Tiểu Thanh kí” cần phân tích được mối tri âm của Nguyễn Du với Tiểu Thanh và niềm khao khát được tri âm qua câu hỏi: “Bất tri tam bách dư niên hậu/Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như? ” rồi từ đó đặt ra vấn đề sự tri âm giữa con người với con người trong cuộc sống.

Với đề gắn với  “Đàn ghi-ta của Lorca”, người viết cần phân tích, cảm nhận chung về hình tượng tiếng đàn và ý nghĩa của hình tượng này trong bài thơ rồi từ đó khái quát v đề: vẻ đẹp, sức mạnh của âm nhạc trong cuộc sống.

b)Bước 2: Bàn luận vấn đề

-Nếu vấn đề xã hội được gợi mở từ một triết lý, quan niệm, thông điệp tư tưởng trong tác phẩm… thì nên bàn luận, đánh giá ngắn gọn những nội dung đó rồi mới đi vào bàn luận vấn đề mà đề bài yêu cầu.

-Nếu vấn đề xã hội được gợi mở từ một cảnh tượng, hình tượng, chi tiết… trong  tác phẩm thì sau khi phân tích, người viết đi vào bàn luận ngay.

III. Một số đề bài luyện tập

  1. Kiểu đề yêu cầu bàn về ý nghĩa chung của tác phẩm văn học

Đề 1: Đọc câu chuyện sau:

Con lừa

Một ngày nọ, con lừa của một ông chủ trang trại xảy chân rơi xuống một cái giếng. Con vật kêu la hàng giờ liền. Người chủ trang trại cố nghĩ xem nên làm gì. Cuối cùng ông quyết định: con lừa đã già, dù sao cái giếng cũng cần được lấp lại và không ích lợi gì trong việc cứu con lừa lên cả.

Ông nhờ vài người hàng xóm sang giúp mình. Họ xúc đất đổ vào giếng. Ngay từ đầu, lừa đã hiêu chuyện gì đang xảy ra và nó kêu la thảm thiết. Nhưng sau đó lừa trở nên im lặng. Sau một vài xẻng đất, ông chủ trang trại nhìn xuống giếng và vô cùng sửng sốt. Mỗi khi bị một xẻng đất đổ lên lưng, lừa lắc mình cho đất rơi xuống và bước chân lên trên. Cứ như vậy, đất đổ xuống, lừa lại bước lên cao hơn. Chỉ một lúc sau mọi người nhìn thấy chú lừa xuất hiện trên miệng giếng và lóc cóc chạy ra ngoài.

                                                                                          (Theo “Tài hoa trẻ”)

Suy nghĩ của em về ý nghĩa của câu chuyện?

A.Gợi ý chung:

-Vấn đề nghị luận: Cách thức tốt nhất vượt qua khó khăn trong cuộc sống là không bao giờ đầu hàng trước số phận. Như vậy, vấn đề sâu xa cần bàn là ý chí, nghị lực vượt lên nghịch cảnh của con người.

-Thao tác nghị luận hỗn hợp: bình luận, giải thích, phân tích, chứng minh…

  1. Gợi ý triển khai vấn đề:

1.Giải thích ý nghĩa câu chuyện

-Hạt nhân của truyện là tình huống một con lừa vượt qua nghịch cảnh. Từ chỗ kêu la thảm thiết khi bị rơi xuống giếng và có nguy cơ bị người chủ chôn sống, con lừa đã ngừng kêu và tự cứu sống mình một cách dễ dàng: cứ một lớp đất đổ xuống, nó lại dẫm lên trên và cuối cùng lên đến miệng giếng.

-Câu chuyện về con lừa ẩn chứa bài học: dù cuộc sống có đổ lên ta rất nhiều khó khăn, có đẩy ta xuống vực thẳm của cái chết và sự tuyệt vọng thì ta vẫn có thể giải quyết và thoát khỏi nó bằng cách thức vô cùng đơn giản là không bao giờ đầu hàng  và tìm cách biến khó khăn thành những bậc thang để vươn lên. Hàm nghĩa sâu hơn của truyện là đề cao sức mạnh ý chí, nghị lực của con người.

  1. Bàn luận:

2.1. Lí giải:

?Tại sao con người không bao giờ được phép đầu hàng trước nghịch cảnh?

-Đầu hàng đồng nghĩa với sự thất bại, với cái chết (hoặc thể xác, hoặc tinh thần). Ý chí, nghị lực là một thứ sức mạnh tinh thần vô cùng kì diệu có thể giúp con người “tìm ra tia sáng dưới đường hầm tăm tối”, thấy được cơ may, cơ hội trong những hoàn cảnh ngặt nghèo nhất.

-Không có nghịch cảnh nào, khó khăn nào lại không có cách giải quyết nếu ta có niềm tin, ý chí, nghị lực vượt qua.

2.1. Đánh giá ý nghĩa câu chuyện:

– Câu chuyện đem đến một bài học giản dị mà sâu sắc về cách thức vượt qua những khó khăn, thử thách của cuộc sống đó là phải có niềm tin, ý chí, nghị lực.

-Câu chuyện cũng củng cố niềm tin của chúng ta vào sức mạnh tinh thần bên trong của mỗi con người, nhất là trong hoàn cảnh xã hội hiện đại nhiều biến động, bất an như hiện nay.

2.3. Mở rộng và liên hệ:

-Phê phán những con người yếu đuối, đầu hàng trước số phận; khẳng định những con người giàu ý chí, nghị lực trong cuộc sống…

-Liên hệ đến lối sống thiếu ý chí, nghị lực của nhiều bạn trẻ ngày nay…

  1. Bài học rút ra:

-Ý chí, nghị lực chính là sức mạnh giúp con người vượt qua mọi khó khăn, trở ngại trong cuộc sống.

-Tìm ra thuận lợi trong từng khó khăn, biết đứng dậy, vươn cao sau những vấp ngã, thất bại… là những hành động cần thiết để tôi rèn ý chí, nghị lực cho mỗi chúng ta.

Đề 2:

Thuốc chữa đau buồn

Chuyện kể về một người phụ nữ vừa mất con trai. Trong nỗi đau thương tột cùng, bà tìm đến một nhà hiền triết. “Có lời cầu nguyện nào, câu thần chú nào mà ông biết có thể làm con trai tôi sống lại không?”- lời của người mẹ thật sự tuyệt vọng.

Thay vì từ chối hoặc khuyên bà mẹ hãy nguôi ngoai, nhà hiền triết đáp: “Hãy tìm về đây cho ta một hạt giống cây mù tạc từ gia đình nào chưa từng biết đến đau khổ. Nó có thể dùng để xua tan đi nỗi đau của bà”.

Người phụ nữ cảm tạ và lập tức lên đường tìm hạt giống cây thần kì. Đầu tiên, bà tìm đến một căn nhà lớn rất sang trọng, gõ cửa và hỏi: “Tôi đang tìm hạt giống cây mù tạc từ ngôi nhà không bao giờ biết đến đau khổ. Có phải nơi này không?” Họ trả lời rằng bà đã nhầm chỗ. Họ kể với bà những chuyện bi thảm đã đến với mình. Nghe chuyện, bà ngồi lại và an ủi họ.

Rồi bà lại tiếp tục cuộc tìm kiếm gia đình hạnh phúc nhất. Nhưng bất cứ nơi nào bà ghé vào, từ những căn nhà cao sang hay gác xép tồi tàn, bà đều được trả lời bằng những câu chuyện buồn. Bà trở nên quan tâm và muốn giúp đỡ, chia sẻ nỗi bất hạnh của người khác, đến nỗi sau cùng bà đã quên mất câu hỏi về hạt giống cây mù tạc kia. Mà tự bao giờ, hạt giống cây mù tạc thần kì đó cũng đã mang nỗi đau trước kia ra khỏi cuộc đời bà rồi”

                                                                              (Theo “Thế giới trong ta”)

Suy nghĩ của anh chị sau khi đọc xong câu chuyện trên?

A.Gợi ý chung:

-Vấn đề cần bàn: sức mạnh của sự cảm thông, chia sẻ trong cuộc sống.

-Thao tác nghị luận hỗn hợp: bình luận, giải thích, phân tích, chứng minh…

B.Gợi ý triển khai vấn đề:

1.Giải thích, phân tích ý nghĩa câu chuyện:

-Câu chuyện kể về một người đàn bà đang đau buồn, tuyệt vọng vì mất con trai và bà tìm đế một nhà hiền triết để xin một câu thần chú làm con trai mình sống lại. Xin một điều không bao giờ có thể xảy ra, điều này vừa cho thấy nỗi khổ đau tột cùng, vừa cho thấy niềm khao khát được giải thoát khỏi nỗi đau của người mẹ.

-Nhà hiền triết mách cho người mẹ một phương thuốc thần kì có thể chữa đau buồn: hạt giống cây mù tạc ở một gia đình chưa từng biết đến đau khổ.

-Nhưng hành trình người mẹ đi tìm hạt giống thần kì ấy chính là hành trình nhận thức của người mẹ về một thực tế thật khắc nghiệt của đời sống: nỗi buồn đau hiện diện ở khắp nơi, từ những căn nhà cao sang hay những căn gác xép tồi tàn.  Đó cũng là hành trình để bà xua tan nỗi đau khổ:  bà quên đi câu hỏi về hạt giống thần kì mà chỉ còn sự quan tâm, mong muốn sẻ chia nỗi bất hạnh của người khác.

-Ý nghĩa câu chuyện: Chẳng có câu thần chú, phép màu nào có thể xua tan nỗi buồn đau. Liều thuốc chữa đau buồn tốt nhất là mở rộng lòng để sẻ chia nỗi buồn đau với những người xung quanh và ngược lại, đồng cảm, sẻ chia với nỗi buồn đau của họ. Truyện khẳng định sức mạnh của sự cảm thông, chia sẻ trong cuộc sống.

  1. Bàn luận:

2.1. Lí giải

?Vì sao sự cảm thông, chia sẻ có thể là liều thuốc chữa đau buồn?

-Khi ta mở rộng lòng chia sẻ nỗi buồn đau của mình với người khác, ta sẽ nhận được sự đồng cảm, nỗi buồn tự khắc vơi đi.

-Khi ta chia sẻ, đồng cảm với nỗi buồn đau của người khác, ta sẽ quên đi, vượt qua nỗi buồn đau của chính mình bởi nhận ra rằng buồn đau là một thuộc tính của cuộc đời này, chẳng có ai hoàn toàn hạnh phúc… Ta sẽ hiểu hơn về mất mát và trân trọng hơn sự sống của ta, những điều ta đang có…

2.2. Đánh giá

-Câu chuyện đem đến bài học vô cùng sâu sắc về cách ứng xử với nỗi buồn đau trong cuộc sống, giúp ta hiểu hơn sức mạnh của tình yêu thương, sự đồng cảm, sẻ chia. Nỗi đau sẽ vơi đi rất nhiều nếu con người biết nắm lấy tay nhau…

2.3. Mở rộng và liên hệ

-Tuy nhiên, sự sẻ chia, đồng cảm của người khác sẽ chỉ là vô nghĩa nếu ta không có ý chí, nghị lực để chấp nhận và vượt qua nỗi buồn đau của mình. Người khác không thể nâng ta dậy nếu ta không muốn đứng dậy.

-Sự đồng cảm, sẻ chia phải chân thành, xuất phát từ trái tim yêu thương nếu không sẽ hời hợt, giả dối và chỉ gây thêm tổn thương cho người khác.

-Sự đồng cảm, sẻ chia đang ngày một hiếm hoi trong xã hội hiện đại khi căn bệnh vô cảm đang trầm kha, lối sống thực dụng, ích kỉ lên ngôi.

  1. Bài học rút ra:

-Sự đồng cảm, sẻ chia chính là một trong những động lực sống của con người, làm cho mối quan hệ giữa người với người tốt đẹp, nhân văn hơn.

-Cần có những hành động sẻ chia thiết thực trong cuộc sống: với người thân, với bạn bè, với những con người bất hạnh, kém may mắn trong xã hội.

2.Kiểu đề bài yêu cầu bàn về một ý nghĩa cụ thể của tác phẩm văn học

Đề 1: Đọc bài thơ sau:

       Bản hợp đồng cuối cùng

Buổi sáng tôi đi trên con đường lát đá

Và rao lên: “Nào, ai thuê tôi thì đến thuê”

Ông vua ngồi trên xe đi tới,

 kiếm cầm trong tay.

Ông nắm tay tôi và bảo

“Ta muốn thuê ngươi bằng quyền lực của ta”

Nhưng quyền lực của y thì có gì đáng kể,

và thế là y lại đi

 

Dưới trời trưa nóng bỏng

Những ngôi nhà đóng của đứng yên.

Tôi lang thang trên con đường nhỏ quanh co

Một ông già bước ra, mang một túi vàng.

Ông suy nghĩ rồi bảo:

“Ta sẽ thuê ngươi bằng tiền bạc của ta”.

Ông ta nhấc tiền lên, đồng này rồi đồng khác

nhưng tôi đã quay lưng.

 

Chiều đã xuống, khu vườn nở hoa đầy giậu.

Một cô gái xinh đẹp đến vào bảo

“Tôi sẽ thuê anh bằng một nụ cười”

Nụ cười của cô ta đã nhạt đi

và tan thành nước mắt,

và cô trở về trong bóng tối một mình

 

Ánh mặt trời long lanh trên cát

và sóng vỗ rì rào

Một cậu bé ngồi chơi với dăm vỏ ốc

Cậu ngẩng đầu lên và dường như cậu nhận ra tôi

rồi nói: “Tôi thuê anh với hai bàn tay trắng”

Và từ khi bản hợp đồng được kí chơi với cậu bé

tôi đã thành người tự do.

              (Thơ Ta-go- Bản dịch của Đào Xuân Quý)

Từ ý nghĩa của “bản hợp đồng cuối cùng” trong bài thơ, anh/chị hãy bình luận quan niệm về tự do của Ta-go.

A.Gợi ý chung:

-Vấn đề nghị luận: quan niệm về tự do của Ta-go: tự do nghĩa là sự giải thoát khỏi ràng buộc của những dụng vọng, ham muốn tầm thường.

-Thao tác nghị luận hỗn hợp: bình luận, phân tích, giải thích, chúng minh…

  1. Gợi ý triển khai vấn đề:

1.Phân tích ý nghĩa của bài thơ:

-Bài thơ có dáng dấp như một câu chuyện dân gian với tình huống đặc biệt: một chàng trai ra giá thuê mình, đi tìm kiếm một bản hợp đồng. Lần lượt,  nhà vua thuê bằng quyền lực, ông già thuê bằng tiền bạc, cô gái xinh đẹp thuê bằng nhan sắc… nhưng anh ta đều không đồng ý. Cuối cùng, chàng trai kí kết một bản hợp đồng đặc biệt với một cậu bé, một thứ hợp đồng như trò chơi thuần túy tinh thần và phi vật chất: chơi với cậu bé một ngày trên bãi biển, cậu bé chẳng có gì trả cho anh và thực ra, anh không phải lao động đúng nghĩa. Chính lúc kí bản hợp đồng cuối cùng này, anh cảm thấy “mình thành người tự do”.

-Ẩn sau mạch tự sự là mạch triết lí. Chàng trai ra giá thuê mình mà tại sao lại không chấp nhận kí hợp đồng với người có quyền lực, có tiền bạc, có nhan sắc? Là bởi vì những điều đó đều khiến anh ta thấy mất tự do. Bản hợp đồng với cậu bé đã được kí kết vì anh thấy mình tự do. Như vậy, bài thơ là hành trình tìm kiếm tự do, hành trình của một khát vọng. Từ đó, triết lí nảy ra: chỉ khi nào tâm hồn con người được giải thoát khỏi sự cám dỗ, ràng buộc của quyền lực, tiền tài, sắc đẹp… nghĩa là những ham muốn, dục vọng vật chất, thì mới có được sự tự do đích thực trong tinh thần.

2.Bàn luận quan niệm về tự do của Ta-go

2.1. Giải thích khái niệm

-Tự do (của cá nhân) là trạng thái con người tự mình làm chủ mình, không lệ thuộc vào người khác, không bị người khác chi phối và được nghĩ, được hành động theo đúng những đòi hỏi của tâm hồn mình trên cơ sở nhận thức về lẽ phải.

-Tự do vừa là bản chất tự nhiên, vừa là khát vọng thường trực của mỗi con người. Tìm kiếm tự do trở thành bản năng sống của mỗi người. Càng thiếu tự do, con người càng khao khát tự do.

2.2. Lí giải quan niệm của Ta-go

?Vì sao giải thoát khỏi quyền lực, tiền bạc, sắc đẹp con người sẽ có tự do?

-Bản chất của con người khi sinh ra là tự do. Đó là quyền tự nhiên của mỗi con người. Quyền lực, tiền bạc, sắc đẹp… là hiện thân cho những mong muốn, dụng vọng vật chất có thể điều khiển, chi phối suy nghĩ, hành động của con người, khiến con người không được sống đúng với mong muốn thực sự của mình, nghĩa là mất tự do. Ngược lại, thoát khỏi cái nhà tù vô hình của dục vọng, con người sẽ có được tự do trong tinh thần- một biểu hiện cao nhất, sâu sắc nhất của tự do.

?Vì sao tự do tinh thần là biểu hiện cao nhất, sâu sắc nhất của tự do?

-Tinh thần và thể xác của con người dù thống nhất nhưng luôn có sự độc lập tương đối. Tự do thể xác đôi khi không đồng nghĩa với tự do tinh thần. Và tự do tinh thần lại quyết định tự do thể xác. Tinh thần cảm thấy không tự do thì thể xác tự do cũng vô nghĩa. Tinh thần tự do thì ngay cả khi thể xác bị cầm tù, con người vẫn thấy tự do. Vì thế, tự do tinh thần là biểu hiện cao nhất và sâu sắc nhất của tự do.

-Tự do tinh thần đem đến sự thanh thản và cảm giác sung  sướng thỏa nguyện, tức là cảm giác hạnh phúc nên nó là thứ tự do cao nhất mà con người luôn khao khát, kiếm tìm.

2.3. Đánh giá quan niệm của Ta-go

-Bài thơ thể hiện một quan niệm đúng đắn, sâu sắc về tự do.

-Quan niệm này định hướng cho con người cách giải thoát khỏi những ràng buộc của cuộc sống, tìm được sự an nhiên, thanh thản trong tâm hồn để có niềm vui, niềm hạnh phúc đích thực.

2.4. Mở rộng, liên hệ:

-Tự do tinh thần phải đi cùng với hiểu biết về lẽ phải, nó không bao giờ có nghĩa là vô chính phủ, là hoang dã, không luật lệ… Không thể dựa vào tự do để làm những điều bất nghĩa, phi nghĩa, không có đạo đức và văn hóa…

-Tự do không có nghĩa là không ham muốn bất kì điều gì… mà chỉ là làm như lời nhà Phật dạy: “tri túc, tiểu dục” (biết đủ, muốn ít).

-Tự do của mỗi cá nhân phải gắn liền với tự do, độc lập của đất nước, dân tộc…

– Lối sống thực dụng của con người hiện đại cho thấy con người đang đánh mất tự do tinh thần của chính mình…

3.Bài học rút ra:

Để có được hạnh phúc trong cuộc sống, con người cần tìm cho mình sự tự do trong tinh thần.

-Giảm bớt ham muốn, làm điều thiện, sống đúng với suy nghĩ, mong muốn của chính mình ta sẽ cảm thấy tự do.

 

Đề  2: Đọc câu chuyện sau:

Một ông già đốn củi và gánh về nhà. Đường thì xa, gánh củi thì nặng, ông già kiệt sức, đặt bó củi xuống và nói:

-Chà chà, thần Chết mang ta đi có phải hơn không!

Thần Chết đến và bảo:

-Ta đây, lão cần gì nào?

Ông già sợ hãi bảo:

-Lão muốn ngài nhắc hộ bó củi lên cho lão.

                              (Lep-tôn-xtôi- Phỏng theo truyện ngụ ngôn Ê-dốp)

Từ câu chuyện trên, em  hãy viết bài văn bàn về giá trị của sự sống?

A.Gợi ý chung:

-Vấn đề nghị luận là ý nghĩa tư tưởng của truyện: sự sống vô cùng quý giá.

-Thao tác nghị luận: bình luận, giải thích, phân tích, chứng minh.

  1. Gợi ý triển khai vấn đề:

1)Giải thích ý nghĩa câu chuyện

-Câu chuyện đặt ra tình huống một ông già phải gánh một bó củi nặng, đường thì xa mà ông đã kiệt sức tới mức mong muốn thần Chết đến mang mình đi. Có nghĩa là ông muốn được giải thoát khỏi nỗi khổ cực bằng cái chết. Nhưng khi thần Chết xuất hiện, ông lão nói rằng muốn được nhấc hộ bó củi nghĩa là không còn muốn chết nữa.

-Câu chuyện đem đến một triết lí sống sâu sắc: sự sống vô cùng quý giá, nhất là khi con người cận kề với cái chết.

  1. Bàn luận:

2.1. Lí giải: (Vì sao sự sống của con người là đáng quý, đáng trân trọng?)

– Vì quyền sống là quyền tự nhiên, bình đẳng, chính đáng mà mỗi người được tạo hóa ban cho. Được sống, được trải nghiệm, được cống hiến và tận hưởng cuộc sống là quyền và cũng là niềm hạnh phúc lớn lao của mỗi con người.

-Vì mỗi người chỉ sống có một lần và đời người là hữu hạn nên nếu không biết trân trọng, quý giá sự sống, ta sẽ sống hoài, sống phí, sống vô nghĩa. Nếu ta tự hủy hoại sự sống của bản thân là có tội với những người sinh ra, có tội với chính mình.

2.2. Đánh giá

-Câu chuyện đặt ra một vấn đề nhân sinh giàu ý nghĩa, cho thấy niềm tin vào sức sống của con người trước những khó khăn, thử thách của cuộc sống rằng trong mỗi con người, lòng ham sống luôn giành chiến thắng.

-Câu chuyện truyện có khả năng truyền động lực sống cho con người, nhất là những người đang buồn đau, tuyệt vọng…

2.3. Mở rộng, liên hệ:

-Cuộc sống luôn đặt ra cho con người muôn vàn khó khăn, thử thách nên bên cạnh lòng ham sống, con người cần có ý chí, nghị lực để vượt qua và để sự sống có thể chiến thắng cái chết.

-Trân trọng, quý giá sự sống không đồng nghĩa với ham sống, sợ chết, với thái độ sống ích kỉ, hèn nhát, chỉ chăm chăm giữ lấy sự sống của mình, kể cả phải hi sinh mang sống của người khác.

-Xã hội hiện đại với nhiều cạnh tranh, sức ép khiến con ngươi rơi vào những căn bệnh tâm lí trầm kha, có xu hướng tự hủy hoại sự sống của bản thân. Bản chất của những căn bệnh tâm lý ấy chính là nhận thức lệch lạc về giá trị sự sống.

2.4. Bài học rút ra

-Mỗi người cần trân trọng sự sống của mình bằng cách nỗ lực vượt qua những giới hạn của bản thân để sống mạnh mẽ và có ý nghĩa.

-Một trong những cách thức thể hiện lòng ham sống, quý giá sự sống chính là tích cực học tập, đặt ra những mục tiêu để vươn tới và không chịu khuất phục khi gặp khó khăn.

  1. Kiểu đề bài yêu cầu bàn về một ý nghĩa cụ thể được gợi mở từ tác phẩm văn học

Đề bài: Đọc câu chuyện sau:

Con cáo và con báo

Một lần nọ, cáo và báo cãi nhau xem ai đẹp hơn. Báo khoe từng cái đốm trên khắp bộ da của mình. Còn cáo vốn tự hào về trí khôn của nó hơn vẻ bề ngoài, sau cùng đã cắt ngang sự khoe khoang của báo bằng một câu nói như thế này:

-Có nói gì thì nói, tôi vẫn đẹp hơn anh nhiều, tôi không chỉ có vẻ đẹp bên ngoài mà vẻ đẹp của tôi còn thể hiện qua trí tuệ của tôi nữa kia”

                                                                                                 (Ngụ ngôn Ê-dốp)

Từ ý nghĩa của câu chuyện trên, anh/chị hãy viết bài văn bàn luận về sự nhận thức giá trị bản thân của giới trẻ hiện nay?

A.Gợi ý chung:

-Vấn đề nghị luận: từ quan niệm đúng về vẻ đẹp, giá trị đích thực của một con người mà câu chuyện đặt ra, học sinh liên hệ để bàn về sự nhận thức giá trị bản thân của giới trẻ hiện nay. Vấn đề có sự giao thoa của hai dạng bài: tư tưởng đạo lí và hiện tượng đời sống.

-Thao tác nghị luận: phân tích, giải thích, bình luận, chứng minh…

  1. Gợi ý triển khai vấn đề:

1.Giải thích ý nghĩa câu chuyện:

– Câu chuyện ngụ ngôn xoay quanh một tình huống nhận thức: cuộc tranh luận xem ai đẹp hơn giữa cáo và báo. Mỗi con vật có một lí giải riêng cho vẻ đẹp của mình. Báo dựa vào bộ da đẹp. Còn cáo cho rằng mình đẹp hơn bởi nó không chỉ có vẻ đẹp bên ngoài mà còn có vẻ đẹp bên trong là trí tuệ. Lời nói kết thúc truyện của cáo chứa đựng triết lý: trí tuệ mới tạo nên vẻ đẹp thực sư, vượt trội ở con người, hình thức đẹp chỉ thực sự tỏa sáng khi đi cùng trí tuệ. Tóm lại, truyện nhằm đề cao, khẳng định vẻ đẹp của trí tuệ ở con người hay rộng hơn, là giá trị bên trong con người.

  1. Bàn luận ngắn gọn về ý nghĩa câu chuyện

-Trí tuệ: là khả năng nhận thức lí tính, là trí thông minh, óc hiểu biết của con người.

-Trí tuệ là vẻ đẹp, phẩm chất quan trọng của con người, phân biệt con người với các loài động vật khác: giúp con người làm chủ hành tinh, chế ngự thiên nhiên, sáng tạo ra các giá trị vật chất và tinh thần làm cho cuộc sống ngày một tiến bộ, văn minh hơn…; giúp con người nhận thức được những giá trị đích thực của cuộc sống.

-Câu chuyện giản dị nhưng thể hiện một quan niệm sâu sắc về vẻ đẹp, giá trị của con người; giúp ta tránh được cái nhìn, cánh đánh giá hời hợt về con người và tự xác lập được giá trị cần thiết để hoàn thiện bản thân.

  1. Bàn về sự nhận thức giá trị bản thân của giới trẻ hiện nay
  2. Giải thích:

-Giá trị: là cái làm cho một vật có lợi ích, có ý nghĩa, đáng quý về một mặt nào đó.

-Giá trị bản thân: là giá trị cái tôi của mỗi người, cụ thể là những điều giúp một cá nhân khẳng định bản sắc riêng, sống có ích, có ý nghĩa và trở nên đáng quý trọng trong mắt người khác.

3.2. Thực trạng:

-Giới trẻ hiện nay có nhiều quan niệm khác nhau, thậm chí là đối ngược về giá trị bản thân, qua cách mà họ thể hiện cái tôi của mình:

+Nhiều bạn trẻ khẳng định cái tôi bằng phẩm chất trí tuệ trên nhiều lĩnh vực khác nhau: học tập, nghiên cứu khoa học, kinh doanh, hoạt động xã hội… (Dẫn chứng).

+Nhưng có không ít bạn trẻ chưa nhận thức đúng về giá trị bản thân cần theo đuổi, bỏ qua những phẩm chất trí tuệ, tâm hồn, khẳng định cái tôi qua những giá trị bên ngoài, nhất thời, hời hợt: khoe thân phản cảm, tung ra những phát ngôn, hình ảnh gây sốc trên mạng xã hội; chạy theo các trào lưu thời trang mà không quan tâm đến việc đọc sách để nâng cao hiểu biết, bồi bổ trí tuệ…

3.3. Nguyên nhân:

Những bạn trẻ có nhận thức đúng đắn về giá trị bản thân là do ý thức được về trách nhiệm với chính mình và xã hội; biết đâu là giá trị bền vững và có ý nghĩa…

-Những bạn trẻ có nhận thức chưa đúng đắn về giá trị bản thân là do chưa ý thức cao về trách nhiệm của mình; do sự nông nổi của tuổi trẻ, khao khát khẳng định cái tôi quá mạnh mẽ đến mức cực đoan; do tiếp nhận những tư tưởng, trào lưu, lối sống tiêu cực từ bên ngoài…

3.4. Ảnh hưởng của hiện tượng:

-Nhận thức đúng đắn về giá trị bản thân sẽ giúp các bạn trẻ tự hoàn thiện nhân cách, có những phẩm chất cần thiết để thành công và từ đó, có những đóng góp nhất định với sự phát triển của xã hội.

-Những bạn trẻ nhận thức lệch lạc về giá trị bản thân không những không khẳng định được mình mà còn đánh mất mình; tạo nên những trào lưu sống tiêu cực, thiếu lành mạnh, ảnh hưởng đến văn hóa, đạo đức của xã hội.

3.5.Giải pháp:

-Mỗi người trẻ cần nhận thức được mình là ai?, mình sống trên đời để làm gì? và tự xác lập những giá trị đúng đắn cần theo đuổi để tạo nên bản ngã của mình.

-Gia đình, nhà trường và xã hội cần có sự định hướng cách thể hiện bản thân cho các bạn trẻ vào tạo ra những môi trường lành mạnh, tự do để người trẻ có cơ hội thể hiện giá trị bản thân.

4.Bài học rút ra

-Nhận thức đúng giá trị bên trong như trí tuệ, tâm hồn sẽ giúp con người hoàn thiện nhân cách bản thân và biết cách để thể hiện cái tôi lành mạnh, đúng đắn, phù hợp với chuẩn mực vă hóa, đạo đức của xã hội.

-Mỗi người trẻ tuổi cần nỗ lực học tập, rèn luyện để có được cả vẻ đẹp thể chất và trí tuệ để có cơ hội khẳng định bản thân.

Đề 2: “Từ cảm nhận về chi tiết nước mắt của nhân vật Chí Phèo trong truyện ngắn “Chí Phèo” (SGK Ngữ văn 11-Tập 1) của Nam Cao, anh/chị hãy viết bài văn bàn về nước mắt trong cuộc sống.”

A.Gợi ý chung:

Vấn đề cần bàn: từ ý nghĩa của hình tượng nước mắt trong truyện ngắn “Chí Phèo”  bàn về ý nghĩa của nước mắt trong cuộc sống.

-Thao tác nghị luận hỗn hợp: bình luận, giải thích, phân tích, chứng minh…

  1. Gợi ý triển khai vấn đề:

1.Phân tích ý nghĩa của hình tượng nước mắt trong truyện “Chí Phèo”

-Chí Phèo là một người nông dân có thân phận  khốn khổ, phải chịu đựng rất nhiều bi kịch: bi kịch bị bỏ rơi, bi kịch bị tha hóa, lưu manh hóa và đau đớn nhất là bi kịch bị từ chối quyền làm người.

-Trong tác phẩm, Nam Cao đã hai lần miêu tả Chí khóc và đó đều là những chi tiết nghệ thuật giàu ý nghĩa:

+Lần thứ nhất, khi Thị Nở mang bát cháo hành vào, Chí thấy “mắt hình như ươn ướt”. Nước mắt thể hiện sự xúc động, cảm động và sự thức tỉnh của nhân tính khi một con quỷ dữ cảm nhận được tình yêu thương chân thành, giản dị.

+Lần thứ hai, khi Chí bị Thị Nở cự tuyệt, “hắn ôm mặt khóc rưng rức”. Nước mắt thể hiện nỗi đau khổ,tuyệt vọng và sự thức tỉnh cao độ của nhân tính khi một con người bị từ chối quyền làm người chính đáng.

-Đây là chi tiết nghệ thuật gợi nhiều suy tư về ý nghĩa của nước mắt trong cuộc sống.

  1. Bàn luận

2.1. Giải thích khái niệm:

-Nước mắt là một biểu hiện cụ thể cho những trạng thái cảm xúc, tâm trạng nói lên sự xúc động cao độ, mãnh liệt của con người.

2.2. Biểu hiện của nước mắt trong cuộc sống

-Giọt nước mắt của niềm vui, niềm hạnh phúc…

– Giọt nước mắt của nỗi xúc động, nghẹn ngào…

-Giọt nước mắt của tình thương, sự đồng cảm, sẻ chia….

-Giọt nước mắt ăn năn, hối hận, thể hiện sự thức tỉnh lương tri, vẻ đẹp của nhân tính…

2.3. Vai trò của nước mắt trong cuộc sống:

-Nước mắt không thể thiếu trong cuộc sống con người vì:

+Nước mắt là một thứ tín hiệu của nội tâm, giúp con người giải tỏa và bày tỏ tình cảm, cảm xúc, tâm trạng.

+Nước mắt giúp con người gần nhau hơn, cảm thông, chia sẻ với nhau dễ dàng hơn.

+Nước mắt là “tấm kính biến hình vũ trụ” (Nam Cao), có khả năng thanh lọc tâm hồn con người, khiến ta nhìn đời trong sáng hơn, nhân văn, nhân ái hơn.

2.4. Mở rộng, liên hệ:

-Tuy nhiên, nước mắt không phải lúc nào cũng cần thiết: như giọt nước mắt yếu đuối, thất bại, giọt nước mắt giả dối, không có tình thương…

-Nước mắt cần đi liền với lí trí sáng suốt để tình thương, lòng tốt của con người không bị lợi dụng.

-Biết rơi nước mắt, con người cũng cần biết hành động để làm cuộc sống này ít đi những giọt nước mắt đau buồn.

3.Bài học rút ra:

-Cuộc sống rất cần những giọt nước mắt. Nước mắt là một biểu hiện của nhân tính, tình người.

-Đừng ngại ngùng khi ta cần phải rơi nước mắt vì hạnh phúc, vì tình thương, vì sự ăn năn, sám hối hay thậm chí, vì đau buồn. Hãy biết rơi nước mắt và cũng biết lau nước mắt để đứng dậy, vượt qua mọi khó khăn thử thách của cuộc đời

 

 

 C.KẾT LUẬN

  1. 1. Như vậy, kiểu bài nghị luận về vấn đề xã hội đặt ra trong tác phẩm văn học có thể quy về ba kiểu đề bài và cách xử lí của mỗi kiểu đề này cơ bản là giống nhau, chỉ khác nhau ở điểm xuất phát của vấn đề xã hội và một vài điểm trong thao tác triển khai vấn đề. Sự phân chia này của chúng tôi không nhằm phức tạp hóa mà chỉ nhằm giúp giáo viên và học sinh có thể tư duy chính xác về trình tự thao tác nghị luận để có thể đảm bảo tốt kĩ năng làm bài với mọi cách ra đề của kiểu bài này.
  2. Chúng tôi muốn kết thúc chuyên đề này bằng một vài chia sẻ về việc ra đề văn nghị luận về một vấn đề xã hội đặt ra trong tác phẩm văn học.

GS Nguyễn Đăng Mạnh trong cuốn “Muốn viết bài văn hay” đã đề cập đến dạng đề yêu cầu nghị luận ở cả hai đối tượng: văn học và xã hội. Ông cho rằng không nên ra đề tổng hợp như vậy vì có những đề bài đã cố tình gán ghép vấn đề xã hội vào tác phẩm. Có thể, ông chưa có quan điểm dạy-học tích hợp ở thời điểm đó, thời điểm  kiểu bài độc tôn là nghị luận văn học, song lo lắng của ông thì rất đáng suy nghĩ. Khi ra đề văn nghị luận về một vấn đề xã hội đặt ra trong tác phẩm văn học, giáo viên cần suy xét cẩn thận sao cho không áp đặt, khiên cưỡng.

Lưu ý tiếp theo có thể áp dụng rộng ra với đề nghị luận xã hội nói chung. Người ra đề còn cần đổi mới vấn đề như thế nào để học sinh thấy thiết thực, gần gũi, hữu ích trong cuộc sống hàng ngày. Không nên ra những vấn đề chính trị, xã hội, triết học quá trừu tượng, xa rời thực tế.

Thế nhưng cũng không nên ra đề văn nghị luận xã hội theo kiểu biến học sinh thành những nhà bình luận tin nhanh. Kiểu đề văn như thế ít có khả năng kích thích và rèn luyện tư duy lí luận cũng như khiến học sinh trở nên hời hợt trong suy nghĩ.  Một đề nghị luận xã hội hay phải phát triển được cả tư duy lí luận lẫn nhận thức thực tiễn của học sinh.

Như vậy, việc ra đề văn nghị luận xã hội đòi hỏi người giáo viên phải đầu tư không ít tâm huyết và công sức. Có như thế, học sinh mới được kích thích cảm hứng sáng tạo và người giáo viên sẽ có niềm hạnh phúc được thưởng thức những bài văn hay.

 

THƯ MỤC THAM KHẢO

1.Nguyễn Thanh Hùng, Đọc và tiếp nhận văn chương, NXB Giáo dục, 2002.

2.Trần Ngọc Hiếu, Môn văn, nơi học sinh phải được thể hiện văn hóa cá nhân, Tạp chí Tia sáng số 14, ngày 20/07/2015.

  1. 3. Nguyễn Đăng Mạnh (chủ biên), Muốn viết bài văn hay, NXB Giáo dục, 2001.
  2. 4. Nhiều tác giả, Những bài làm văn nghị luận xã hội chọn lọc, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, 2010.
  3. Đỗ Ngọc Thống (chủ biên), Nguyễn Thanh Huyền, Dạy và học nghị luận xã hội, NXB Giáo dục Việt Nam, 2010.

6.Nguyễn Văn Tùng, Thân Phương Thu (Tuyển chọn), Tuyển tập đề bài và bài văn nghị luận xã hội (2 tập), NXB Giáo dục Việt Nam, 2014.

  1. Tạp chí Văn học và tuổi trẻ, số tháng 3, năm 2013.

 

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *