Bài văn NLXH của học sinh giỏi: Phía sau những lời khen

Nghị luận xã hội

Đề bài: Phía sau những lời khen…

Bài văn mẫu nghị luận xã hội

Mở bài NLXH

Lời khen như một thứ gia vị không thể thiếu trong cuộc sống của con người. Dù ở bất cứ lứa tuổi hay cương vị nào thì con người cũng thích những lời động viên, khen ngợi từ người khác dành cho mình. Tuy nhiên, lời khen luôn có hai mặt của nó. Nếu là lời khen chân thật, đúng hoàn cảnh thì nó sẽ có tác dụng khích lệ, động viên con người phát triển theo chiều hướng tích cực, còn những lời khen giả dối, lời khen không được sử dụng đúng lúc, đúng chỗ thì nó sẽ phản tác dụng, gây ra những hậu quả khôn lường bởi phía sau những lời khen luôn tiềm ẩn nhiều điều mà ta không thể biết trước được.

Thân bài

Giải thích : Lời khen và vai trò của lời khen

Lời khen là lời ngợi ca, tán thưởng, khâm phục của mọi người dành cho một cá nhân nào đó. Lời khen có hai loại là lời khen tốt và lời khen xấu. Lời khen tốt là lời khen xuất phát từ tận đáy lòng, từ sự chân tình, không vụ lợi, và là động lực để con người phấn đấu vươn lên. Còn lời khen xấu là những lời khen không thật lòng, ẩn chứa nhiều mưu đồ và sự giả dối. Đó chỉ là những lời khen xã giao nhằm mục đích lấy lòng hoặc để đạt được một mục đích nào đó. Lời khen giống như một con dao hai lưỡi, nó có thể là lời khích lệ động viên cũng có thể là cái bẫy đẩy con người tới một việc làm xấu. Bởi vậy, con người cần phải tỉnh táo trước những lời khen của người khác.

Có người đã từng nói rằng “Người khen ta mà khen phải là bạn ta. Những kẻ vuốt ve nịnh bợ là kẻ thù của ta”. Những lời khen chân thành, đúng lúc, đúng chỗ sẽ giúp người được khen có được niềm vui, niềm hạnh phúc, sự sung sướng và tự tin. Khi chúng ta làm được một việc tốt, một lời khen kịp thời sẽ giúp ta có thêm sức mạnh, niềm tin, khiến niềm vui được lan tỏa đến với mọi người xung quanh. Lời khen tốt là phần thưởng mà con người xứng đáng được nhận sau những cống hiến, hi sinh và sự nỗ lực của bản thân, giúp con người có thêm sức mạnh và ý chí để đi đến thành công. Một lời khen tốt có thể giúp một học sinh học yếu có ý chí phấn đấu. Một lời khen tốt có thể giúp cho người sa ngã muốn hướng thiệncó thêm sức mạnh để làm lại cuộc đời. Một lời khen tốt giúp con người vượt qua thử thách…

Phân tích tác dụng và tác hại của lời khen

Tuy nhiên, không phải lúc nào lời khen cũng mang lại những tác dụng tốt. Lời khen là liều thuốc tốt cho đời sống tinh thần nhưng đôi khi nó trở thành một mối nguy hại vì có biết bao mầm mống của sự ảo tưởng, kiêu ngạo có thể sinh ra từ đó. Những lời khen với mục đích xã giao, không xuất phát từ cái nhìn thực tế thường là những lời khen có cánh, nó tức thì làm lan tỏa xung quanh ta thứ hương thơm ngọt dịu, xây dựng trước mắt ta một lâu đài ảo mộng khiến ta đắm chìm trong giấc mộng ảo đó. Bản chất của con người thường kiêu ngạo, vậy nên khi nghe lời khen giả tạo hay thực chất đó là những lời xua nịnh thì con người dễ trở nên kiêu ngạo hơn là sự khiêm nhường. Có thể cá nhân đó mới đạt được chút thành công bé nhỏ mà họ đã tự xem mình là trung tâm của vũ trụ, xem mình là hơn tất cả, đến khi thất bại dễ trở nên yếu đuối.

Không chỉ vậy, phía sau những lời khen giả tạo còn là cả một sự áp lực nặng nề cho người được khen. Vì được khen nên cá nhân đó phải gồng mình lên để sống tốt, làm việc tốt, học thật giỏi…. Những cố gắng đó đôi khi khiến con người trở nên căng thẳng vì sợ lúc nào mọi người xung quanh cũng đang theo dõi việc làm của mình. Lời khen giả tạo có thể làm cho con người ngộ nhận, ảo tưởng để rồi phải sống như một con rô bốt, như một con vẹt, chỉ dám nói hành động theo dư luận mà không dám sống là chính mình.

Dẫn chứng

Tôi đã từng được nghe một câu chuyện kể về một vị tướng tài ba, có tài cầm quân. Ông chỉ huy trận nào là thắng trận đó. Rồi ông trở thành quốc vương của cả một vùng đát rộng lớn. Ông được mọi người tung hô, khen ngợi, nhưng rất ít lời khen thật lòng. Những đại thần thường vây quanh ông, khen ngợi ông hết lời để được ông ban thưởng vàng, lụa. Họ nịnh bợ ông, khẳng định với ông mình sẽ mãi trung thành và dù biết là nịnh bợ nhưng ông lại rất thích và  rất tin vào điều đó. Cho đến một ngày, đát nước xảy ra biến cố, ông kêu gọi sự hợp sức của các đại thần nhưng họ đều lần lượt bỏ rơi ông. Đến khi ông nhận ra mình đã tin tưởng một cách mù quáng thì đát nước đã rơi vào tay kẻ khác.

Bàn luận mở rộng vấn đề

Trong cuộc sống không phải ai cũng có thể tỉnh táo trước lời khen của người khác. Bên cạnh những người đã biết biến lời khen thành sức mạnh để phấn đấu thì một số người dẫu biết những lời khen chỉ mang tính chất “cho vừa lòng nhau” nhưng họ vẫn ngộ nhận, tin là thật. Một số khác lại quá coi thường lời khen hoặc lạm dụng lời khen để trêu chọc người khác, làm mất đi những mối quan hệ tốt đẹp trong xã hội. Đó đều là những hiện tượng xấu mà chúng ta cần khắc phục.

Một lời khen có thể khiến con người đến được tới đỉnh vinh quang nhưng cũng có thể khiến con người rơi xuống vực sâu của sự thất bại. Vì vậy, chúng ta cần phải tỉnh táo để phân biệt được đâu là lời khen tốt, đâu là lời khen xấu, lời khen giả tạo. Tâm lí con người rất thích được khen bởi vậy mỗi người trong chúng ta không nên tiết kiệm lời khen nhưng cũng không nên lạm dụng nó. Hãy học cách khen chân thành, đúng lúc, đúng chỗ và lắng nghe lời khen có chọn lọc. Đó mới là cách sống của một người hiểu biết và thông minh.

Là một học sinh còn ngồi trên ghế nhà trường, mỗi chúng ta hãy biết tỉnh táo trước mọi lời khen. Chúng ta không nên quá khiêm tốn cũng không nên tự kiêu trước lời khen mà mình nhận được mà hãy luôn trau dồi bản thân để trở thành một công dân có ích cho xã hội.

Kết bài

Lời khen là một phần không thể thiếu trong cuộc sống, là động lực để chúng ta đi tới những thành công, là bài học để mỗi người trở nên trưởng thành, cúng cáp. Bởi vậy chúng ta hãy sử dụng lời khen đúng lúc, đúng chỗ như một món quà mà cuộc sống ban tặng cho con ngườsức sống tiềm tàng của nhân vật.

Xem thêm : Tuyển tập bài văn mẫu dành cho học sinh giỏi

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *