Đề thi tuyển sinh vào lớp 10 môn Ngữ văn có đáp án

Đề thi văn 9
ĐỀ  DỰ BỊ

SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

NAM ĐỊNH

ĐỀ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT

Năm học 2016-2017

Môn: NGỮ VĂN

Thời gian làm bài: 120 phút

(Đề thi gồm 02 trang)

 

Phần I: Tiếng Việt (2,0 điểm)

Hãy chọn phương án trả lời đúng và viết chữ cái đứng trước phương án đó vào bài làm

Câu 1: Trong các câu sau đây, câu nào có trạng ngữ?

  1. Trời ấm áp vô cùng, dễ chịu vô cùng.
  2. Em đuổi theo nó và vồ hụt ba lần liền.
  3. Họ đến trước một ngôi nhà nhỏ, quét vôi trắng, hết sức sạch sẽ.
  4. Ngày hôm sau, khi em bé đến trường, một tiếng cười ác ý đón em.

Câu 2: Câu văn: “Con đường qua trước hang, kéo lên đồi, đi đến đâu đó, xa!” (Lê Minh Khuê) được dùng với mục đích

  1. bày tỏ nghi vấn.                                         C. bộc lộ cảm xúc.
  2. trình bày một sự việc.    D.thể hiện sự cầu khiến.

Câu 3: Trong các từ sau đây, từ nào không phải là từ láy ?

  1. nho nhỏ                                                     C. nhè nhẹ
  2. nhường nhịn                                                    D. nhàn nhạt

Câu 4:  Phần in đậm trong câu: “Thưa ông, chúng cháu ở Gia Lâm lên đấy ạ” (Kim Lân) là thành phần

  1. gọi – đáp.            C. phụ chú.
  2. tình thái.           D. cảm thán.

Câu 5: Thành ngữ “đánh trống lảng” liên quan đến phương châm hội thoại nào?

  1. Phương châm về chất                    C. Phương châm cách thức
  2.   Phương châm về lượng                                      D. Phương châm quan hệ

Câu 6: Trong các từ Hán- Việt sau, yếu tố “phong” nào có  nghĩa là “gió”?

  1. phong lưu                                              C. cuồng phong
  2. phong kiến.                                           D.  tiên phong

Câu 7: Câu thơ “Hoa ghen thua thắm, liễu hờn kém xanh” (Nguyễn Du) không dùng biện pháp tu từ

  1. nhân hóa.                  C. so sánh.
  2. hoán dụ.                                                           D. nói quá.

Câu 8: Quan hệ giữa các vế trong câu: “Nhưng vì bom nổ gần, Nho bị choáng” (Lê Minh Khuê) là quan hệ

  1. nguyên nhân.  C. tương phản.
  2. điều kiện.  D. nhượng bộ.

 

Phần II: Đọc-hiểu văn bản (3,0 điểm)

          Em hãy đọc văn bản và thực hiện các yêu cầu nêu ở dưới:

Ngạn ngữ có câu: Thời gian là vàng. Nhưng vàng thì mua được mà thời gian không mua được. Thế mới biết vàng có giá mà thời gian là vô giá.

Thật vậy, thời gian là sự sống. Bạn vào bệnh viện mà xem, người bệnh nặng, nếu kịp thời chạy chữa thì sống, để chậm là chết.

Thời gian là thắng lợi. Bạn hỏi các anh bộ đội mà xem, trong chiến đấu, biết nắm thời cơ, đánh địch đúng lúc là thắng lợi, để mất thời cơ là thất bại.

Thời gian là tiền. Trong kinh doanh, sản xuất hàng hóa đúng lúc là lãi, không đúng lúc là lỗ.

Thời gian là tri thức. Phải thường xuyên học tập thì mới giỏi. Học ngoại ngữ mà bữa đực, bữa cái, thiếu kiên trì, thì học mấy cũng không giỏi được.

Thế mới biết, nếu biết tận dụng thời gian thì làm được bao nhiêu điều cho bản thân và cho xã hội. Bỏ phí thời gian thì có hại và về sau hối tiếc cũng không kịp.
(Dẫn theo SGK Ngữ văn 9, tập 2, NXB Giáo dục, 2016, tr.36)
1. Hãy cho biết phương thức biểu đạt chính của văn bản. (0,5 điểm)
2. Nội dung của văn bản là gì? Chỉ ra các luận điểm chính của văn bản. (1,5 điểm)
3. “Vì sao phải tiết kiệm thời gian?”  Viết một đoạn văn trình bày suy nghĩ của em  để trả lời câu hỏi đó. (1,0 điểm)

 

Phần III: Làm văn (5,0 điểm)

Cảm nhận của em về tình đồng chí của những người lính cách mạng trong đoạn thơ sau:

Anh với tôi biết từng cơn ớn lạnh

                                    Sốt run người vừng trán ướt mồ hôi.

                                    Áo anh rách vai

                                    Quần tôi có vài mảnh vá

                                    Miệng cười buốt giá

                                    Chân không giày

                                    Thương nhau tay nắm lấy bàn tay.           

 

                                    Đêm nay rừng hoang sương muối

                                    Đứng cạnh bên nhau chờ giặc tới

                                    Đầu súng trăng treo.”

(Chính Hữu, Đồng chí, Ngữ văn 9, tập 1

NXB Giáo dục, 2016, tr.129)

_____________HẾT______________

Họ và tên thí sinh …………………………….    Giám thị số 1 ………………………..

Số báo danh ………………. …………………     Giám thị số 2 ………………………

                                

SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

NAM ĐỊNH

ĐỀ DỰ BỊ

                  ĐÁP ÁN VÀ HƯỚNG DẪN CHẤM THI

ĐỀ THI TUYỂN SINH LỚP 10  THPT NĂM HỌC 2016-2017

                                     Môn: NGỮ VĂN

                                                                                   

Toàn bài 10,0 điểm, phân chia cụ thể như sau:

Phần I: Trắc nghiệm khách quan (2,0 điểm)

Mỗi câu trả lời đúng được 0,25 điểm:

 

Câu 1 2 3 4 5 6 7 8
Đáp án D C B A D C B A

 

Phần II: Đọc-hiểu văn bản (3,0 điểm)

Câu 1: Phương thức chính của văn bản là nghị luận (0,5 điểm)

Câu 2: (1,5 điểm)

– Nội dung của văn bản: bàn về giá trị của thời gian. (0,5 điểm)

– Các luận điểm chính của văn bản: (1,0 điểm)

+ Thời gian là sự sống  (0,25 điểm)

+ Thời gian là thắng lợi (0,25 điểm)

+ Thời gian là tiền         (0,25 điểm)

+ Thời gian là tri thức   (0,25 điểm)

 Câu 3: (1,0 điểm)

Học sinh có thể có những suy nghĩ khác nhau song phải hiểu được vấn đề và có kĩ năng nghị luận. Sau đây là một số ý mang tính định hướng:

Ý1: Thời gian của tự nhiên thì vô hạn còn quỹ thời gian của mỗi người thì rất hữu hạn.

Ý2: Thời gian là tuyến tính: một đi không bao giờ trở lại.

Ý3: Thời gian rất quan trọng với mỗi người nhất là tuổi trẻ. Tuy nhiên trong cuộc sống còn nhiều thanh niên đã không biết tiết kiệm thời gian, sống hoài sống phí tuổi trẻ của mình một cách vô ích.

Ý4: Rút ra bài học cho bản thân.

Cách chấm điểm:

+ Từ 0,75 điểm đến 1,0 điểm: Đảm bảo được 2-3 ý (trong đó có Ý3) ; triển khai ý một cách thuyết phục; diễn đạt trôi chảy.

+ Từ 0,25 điểm đến 0,5 điểm: Đảm bảo 1-2 ý, triển khai ý còn sơ lược; còn mắc lỗi diễn đạt.

+ Điểm 0: Không làm hoặc có làm nhưng lạc nội dung.

Phần III: Tập làm văn (5,0 điểm)

Yêu cầu: Thí sinh nắm được phương pháp làm bài nghị luận, trình bày cảm nhận của mình về tình đồng chí của những người lính cách mạng một cách thuyết phục, mạch lạc.

Bài viết cần đạt được các ý sau:

  1. Giới thiệu: (0,75 điểm)

– Tác giả, tác phẩm và hoàn cảnh ra đời . (0,5 điểm)

– Giới thiệu đoạn thơ và vấn đề cần nghị luận (0,25 điểm)

  1. Cảm nhận về tình đồng chí của những người lính cách mạng.

Thí sinh có thể kết cấu bài viết một cách linh hoạt song việc trình bày cảm nhận về tình đồng chí trong đoạn thơ phải dựa trên những phân tích, nhận xét, đánh giá về nội dung cảm xúc, về ngôn từ, hình ảnh, giọng điệu…. Sau đây là các ý cơ bản cần đảm bảo:

Ý 1. Sự thể hiện tự nhiên, bình dị mà sâu sắc của tình đồng chí trong hoàn cảnh gian lao, thiếu thốn của cuộc đời người lính.  (2,0 điểm)

– Hoàn cảnh gian lao thiếu thốn của đời sống quân ngũ. (Thể hiện qua những chi tiết, hình ảnh chân thực: “sốt run người”, “trán ướt mồ hôi”, “áo rách vai, quần có vài mảnh vá”, “chân không giày”…. ) Liên hệ với hoàn cảnh sáng tác để nhấn mạnh tính chất khắc nghiệt của hoàn cảnh và tính chân thực của hình ảnh thơ. (0,75 điểm)

– Chính hoàn cảnh khó khăn càng làm nổi bật vẻ đẹp của tình đồng chí. Đồng chí là gắn bó, đồng cảm, sẻ chia (chú ý nghệ thuật sóng đôi “anh với tôi”, “áo anh…/quần tôi…”); là “thương nhau” mộc mạc, chân thành. Tình đồng chí  mang đến cho người lính niềm lạc quan, nghị lực và sức mạnh vượt lên hoàn cảnh (hình ảnh “miệng cười buốt giá” và “tay nắm bàn tay”). (1,25 điểm)

Ý 2. Bức tranh đẹp về tình đồng chí: thể hiện sức mạnh và vẻ đẹp tinh thần của người lính.  (1,5 điểm)

– Hình ảnh những người lính sát cánh bên nhau với tư thế sẵn sàng chiến đấu trong hoàn cảnh hết sức khắc nghiệt (đêm khuya, “rừng hoang, sương muối“) đã thể hiện sức mạnh của tình đồng chí. Tình đồng chí đã sưởi ấm lòng người lính, tiếp thêm cho các anh ý chí, nghị lực. (0,75 điểm)
– Hình ảnh “đầu súng trăng treo” vừa hiện thực vừa lãng mạn, gợi nhiều liên tưởng phong phú sâu xa, thể hiện vẻ đẹp tâm hồn của người lính và ý nghĩa cao cả của cuộc chiến đấu. (0,75 điểm)

  1. Đánh giá (0,75 điểm)

– Tác giả đã thể hiện một cách sâu sắc vẻ đẹp của tình đồng chí của người lính cách mạng trong kháng chiến chống Pháp: tình đồng chí thể hiện tự nhiên, bình dị mà sâu sắc trong mọi hoàn cảnh, nó góp phần quan trọng tạo nên vẻ đẹp và sức mạnh tinh thần của người lính cách mạng. (0,25 điểm)

– Đặc sắc trong nghệ thuật biểu hiện: chi tiết và hình ảnh tự nhiên, bình dị mà cô đọng, giàu sức biểu cảm. (0,25 điểm)

– Lý giải thành công của đoạn thơ, bài thơ: Tác giả là nhà thơ chiến sĩ nên đã có sự cảm hiểu sâu sắc, xúc cảm chân thành. Đóng góp của bài thơ cho nền thơ ca kháng chiến.  (0,25 điểm)

 

Lưu ý:

– Ở phần Tập làm văn nếu bài viết không đúng bố cục ba phần (Mở bài, thân bài, kết luận) trừ 0,25 điểm;

– Mắc nhiều lỗi diễn đạt, chính tả trừ 0,25 điểm;

– Toàn bài làm tròn đến 0,25 điểm.

………………… Hết …………………….

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *