Đề thi tuyển sinh vào 10 môn Ngữ văn tỉnh Nam Định

Đề thi văn 9
ĐỀ CHÍNH THỨC

SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

NAM ĐỊNH

 

ĐỀ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT

Năm học 2016 – 2017

Môn: NGỮ VĂN

Thời gian làm bài: 120 phút

                                                                                                          (Đề thi gồm 02 trang)

 

Phần I: Tiếng Việt (2,0 điểm)

            Hãy viết chữ cái đứng trước phương án đúng vào bài làm.

Câu 1: Nói giảm nói tránh là phép tu từ liên quan đến phương châm hội thoại nào?

  1. Phương châm về lượng        C. Phương châm quan hệ
  2. Phương châm về chất         D. Phương châm lịch sự

Câu 2: Trong các từ sau, từ nào không phải là từ Hán Việt?

  1. tế cáo              C. trời đất
  2. hoàng đế       D. niên hiệu

Câu 3: Xét về cấu tạo ngữ pháp, câu “Mồm bỏm bẻm nhai trầu, cặp mắt hung hung đỏ hấp háy.” (Kim Lân) thuộc kiểu

  1. câu đơn. C. câu đặc biệt.
  2. câu ghép. D. câu rút gọn.

Câu 4: Từ in đậm trong câu thơ “Ôi! Hàng tre xanh xanh Việt Nam” (Viễn Phương) thuộc thành phần

  1. gọi – đáp. C. phụ chú.
  2. tình thái.                      D. cảm thán.

Câu 5: Câu văn “Chúng mày đâu rồi, ra thầy chia quà cho nào.” (Kim Lân) thuộc loại câu

  1. trần thuật. C. cầu khiến.
  2. nghi vấn.                         D. cảm thán.

Câu 6: Câu văn nào sau đây có khởi ngữ?

  1. Về trí thông minh thì nó là nhất.   C. Nó là một học sinh thông minh.
  2. Nó thông minh nhưng hơi cẩu thả.  D. Người thông minh nhất lớp là nó.

Câu 7: Các câu “Văn nghệ đã làm cho tâm hồn họ thực sự được sống. Lời gửi của văn nghệ là sự sống” (Nguyễn Đình Thi) đã sử dụng phép liên kết gì?

  1. Phép lặp từ ngữ                                     C. Phép nối
  2. Phép thế                                        D. Phép đồng nghĩa, trái nghĩa

Câu 8: Trong câu thơ “Mặt trời của bắp thì nằm trên đồi/Mặt trời của mẹ, em nằm trên lưng”, Nguyễn Khoa Điềm đã sử dụng biện pháp tu từ

  1. hoán dụ.    B. ẩn dụ.               C. so sánh.              D. nói quá.

 

Phần II: Đọc-hiểu văn bản (3,0 điểm)

            Em hãy đọc văn bản và thực hiện các yêu cầu nêu ở dưới:

Hai người bạn cùng đi qua sa mạc. Trong chuyến đi, giữa hai người có xảy ra một cuộc tranh luận, và một người nổi nóng không kiềm chế được mình đã nặng lời miệt thị người kia. Cảm thấy bị xúc phạm, anh không nói gì, chỉ viết lên cát: Hôm nay người bạn tốt nhất của tôi đã làm khác đi những gì tôi nghĩ .

Họ đi tiếp, tìm thấy một ốc đảo, và quyết định đi bơi. Người bị miệt thị lúc nãy bây giờ bị đuối sức và chìm dần xuống. Người bạn kia đã tìm cách cứu anh. Khi đã lên bờ, anh lấy một miếng kim loại khắc lên đá: Hôm nay người bạn tốt nhất của tôi đã cứu sống tôi.           Người kia hỏi: Tại sao khi tôi xúc phạm anh, anh viết lên cát, còn bây giờ anh lại khắc lên đá ?         
Anh ta trả lời:
Những điều viết lên cát sẽ mau chóng xóa nhòa theo thời gian, nhưng không ai có thể xóa được những điều tốt đẹp đã được ghi tạc trên đá, trong lòng người.
Vậy mỗi chúng ta hãy học cách viết những nỗi đau buồn, thù hận lên cát và khắc ghi những ân nghĩa lên đá. 

                                                      (Dẫn theo Ngữ văn 9, tập 1, NXB Giáo dục, 2016, tr.160)

  1. Nêu phương thức biểu đạt chủ yếu của văn bản. (0,5 điểm)
    2. Hãy cho biết yếu tố nghị luận thể hiện ở những câu văn nào? Chỉ ra vai trò của yếu tố ấy trong việc làm nổi bật nội dung của văn bản. (1,5 điểm)        
    3. “Tha thứ là một món quà vô giá ”. Viết một đoạn văn trình bày suy nghĩ của em về “món quà vô giá ” ấy. (1,0 điểm)

           

Phần III: Làm văn (5,0 điểm)

            Cảm nhận của em về đoạn thơ sau:

“Thình lình đèn điện tắt

                                    phòng buyn-đinh tối om

                                    vội bật tung cửa sổ

                                    đột ngột vầng trăng tròn

 

                                    Ngửa mặt lên nhìn mặt

                                    có cái gì rưng rưng

                                    như là đồng là bể

                                    như là sông là rừng

           

                                    Trăng cứ tròn vành vạnh

                                    kể chi người vô tình

                                    ánh trăng im phăng phắc

                                    đủ cho ta giật mình.

(Nguyễn Duy, Ánh trăng, Ngữ văn 9, tập 1, NXB Giáo dục, 2016, tr.156)

Họ và tên thí sinh ………………………………………    Giám thị số 1 ……………………………………………………

Số báo danh………………………..……………………..     Giám thị số 2…………………………………………………….

                                                                                  

SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

NAM ĐỊNH

ĐÁP ÁN VÀ HƯỚNG DẪN CHẤM

ĐỀ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10  THPT

Năm học 2016-2017

Môn: NGỮ VĂN

 

                                      (Đáp án và Hướng dẫn chấm gồm 02 trang)

            Toàn bài 10,0 điểm, phân chia cụ thể như sau:

Phần I: Trắc nghiệm khách quan (2,0 điểm) Mỗi câu trả lời đúng được 0,25 điểm

Câu 1 2 3 4 5 6 7 8
Đáp án D C B D C A A B

Phần II: Đọc-hiểu văn bản (3,0 điểm)

Câu 1:  Phương thức biểu đạt chủ yếu: tự sự.(0,5 điểm)

Câu 2: Yếu tố nghị luận được thể hiện trong 02 câu văn sau:

            C1: “Những điều viết lên cát sẽ mau chóng xóa nhòa theo thời gian, nhưng không ai có thể xóa được những điều tốt đẹp đã được ghi tạc trên đá, trong lòng người” (0,25 điểm)

            C2: “Vậy mỗi chúng ta hãy học cách viết những nỗi đau buồn, thù hận lên cát và khắc ghi những ân nghĩa lên đá”.(0,25 điểm)
Vai trò của các yếu tố nghị luận trong việc làm nổi bật nội dung:

+ Làm cho câu chuyện thêm sâu sắc, giàu tính triết lý và có tính giáo dục cao. (0,5 điểm)

+ Khắc sâu bài học về lòng nhân ái, bao dung, biết tha thứ và ghi nhớ ân nghĩa, ân tình. (0,5 điểm)

Câu 3:  (1,0 điểm)

Học sinh có thể có những suy nghĩ khác nhau song phải hiểu được vấn đề và có kĩ năng nghị luận. Đoạn văn không hạn định số dòng nhưng học sinh cần biết dựa vào số điểm để viết với dung lượng phù hợp. Sau đây là một số ý mang tính định hướng:
Ý1. Tha thứ là rộng lòng bỏ qua lỗi mà người khác gây ra cho mình. (Có thể hiểu là sự bao dung, độ lượng, vị tha).
Ý2. Ý nghĩa của sự tha thứ: Khi được tha thứ, người mắc lỗi sẽ bớt hoặc xóa đi được mặc cảm tội lỗi, có cơ hội vươn lên để hoàn thiện mình. Người biết tha thứ cho người khác thì tâm hồn trở nên nhẹ nhàng, thanh thản hơn, cao thượng hơn.

Ý3. Phê phán lối sống ích kỉ, gây thù chuốc oán (không biết tha thứ).

Ý4. Liên hệ bản thân và rút ra bài học nhận thức và hành động.

Cách chấm điểm:

+ Từ 0,75 điểm đến 1,0 điểm: Đảm bảo được 2-3 ý (trong đó có Ý2), triển khai ý một cách thuyết phục, diễn đạt trôi chảy.

+ Từ 0,25 điểm đến 0,5 điểm: Đảm bảo 1-2 ý, triển khai ý còn sơ lược, còn mắc lỗi diễn đạt.

+ Điểm 0: Không làm hoặc có làm nhưng lạc nội dung.

Phần III: Làm văn (5,0 điểm)

 Yêu cầu chung: Học sinh cần có năng lực cảm thụ văn chương, nắm được phương pháp làm bài nghị luận, trình bày cảm nhận của mình về  đoạn thơ  một cách thuyết phục, mạch lạc.

Yêu cầu cụ thể:

  1. Giới thiệu: (0,75 điểm)

– Giới thiệu tác giả, tác phẩm và hoàn cảnh ra đời (sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước). (0,5 điểm)

– Giới thiệu đoạn thơ.  (0,25 điểm)

  1. Cảm nhận về đoạn thơ. (3,5 điểm)
    Học sinh có thể có những cảm nhận sáng tạo và kết cấu bài viết một cách linh hoạt song việc trình bày cảm nhận phải dựa trên những phân tích, nhận xét về nội dung cảm xúc, về ngôn từ, hình ảnh, giọng điệu…Cần tập trung vào đặc sắc nội dung, nghệ thuật của đoạn thơ. Sau đây là định hướng các ý cơ bản:

Ý 1. Vài nét về vị trí đoạn thơ. (0,5 điểm)

Bài thơ mang dáng dấp một câu chuyện kể, mạch cảm xúc, nghĩ suy của nhà thơ cũng bộc lộ theo dòng tự sự này. Ở phần đầu bài thơ đã có một biến đổi, một sự thực đáng chú ý: “hồi nhỏ”, “hồi chiến tranh” sống hồn nhiên, gần gũi với thiên nhiên, vầng trăng thành “tri kỉ”, thế mà “từ hồi về thành phố”, quen sống cùng tiện nghi hiện đại, vầng trăng “tri kỉ”, “tình nghĩa” đã như “người dưng qua đường”.

Và sự việc bất thường ở đoạn thơ này chính là bước ngoặt để từ đó tác giả bộc lộ cảm xúc, nghĩ suy.

Ý 2. Sự xuất hiện bất ngờ của vầng trăng. (0,5 điểm)

Phân tích chuỗi sự việc “đèn điện tắt”, “phòng…tối om ” , “vội bật tung cửa sổ” để thấy rõ tính chất bất ngờ tự nhiên của tình huống dẫn đến sự  xuất hiện vầng trăng tròn. (chú ý các từ láy “thình lình”, “đột ngột” và hình ảnh “vầng trăng tròn” ngời sáng  trong không gian bên ngoài đối lập với “phòng buyn-đinh tối om”).

Ý 3. Vầng trăng làm thức dậy trong tâm trí nhà thơ những kỷ niệm về đất nước quê hương vừa bình dị vừa hiền hậu, thân thương. (1,25 điểm)

– Trong tư thế lặng im đối diện với vầng trăng có sự dâng trào của bao xúc cảm, tâm trạng (chú ý tư thế “ngửa mặt lên nhìn mặt” và cách diễn tả “có cái gì rưng rưng“).

– Cùng với dòng cảm xúc tha thiết là sự trở về của bao kỷ niệm về những năm tháng quá khứ với hình ảnh thiên nhiên đất nước thân thương, bình dị (thể hiện qua  điệp ngữ và  phép liệt kê “như là đồng là bể/như là sông là rừng”).

Ý 4.  Suy tư trước vầng trăng. (1,25 điểm)

– Vầng trăng “tròn vành vạnh” là biểu tượng cho quá khứ đẹp đẽ, vẹn nguyên, cho vẻ đẹp bình dị, vĩnh hằng của đời sống (lưu ý: cách nói “cứ” – “kể chi ” gợi sự đối lập giữa trăng và con người, nhấn mạnh sự không đổi thay của quá khứ; con người có thể vô tình, lãng quên nhưng thiên nhiên, nghĩa tình quá khứ thì luôn tròn đầy, bất diệt).

– Trăng như là người bạn – nhân chứng nghĩa tình, độ lượng. “Ánh trăng im phăng phắc” nhưng “đủ” để nhà thơ và mỗi người giật mình nhận ra sự vô tình, sự lãng quên và tự nhắc nhở về lối sống ân tình, chung thủy.

Cách cho điểm:

+ Từ 2,75 điểm đến 3,5 điểm: Hiểu đoạn thơ, có kỹ năng  nghị luận, đảm bảo các ý cơ bản. Cách triển khai ý rõ ràng, có sức  thuyết phục, diễn đạt trôi chảy.

+ Từ 1,75 điểm đến 2,5 điểm: Hiểu đoạn thơ, có kỹ năng nghị luận nhưng đôi chỗ còn lúng túng. Hệ thống ý chưa thật  đầy đủ hoặc còn có ý  triển khai chưa rõ ràng, thuyết phục.

+ Từ 1,0 điểm 1,5 điểm:  Hiểu đoạn thơ nhưng kỹ năng nghị luận còn nhiều hạn chế, có khi sa vào thuật, diễn xuôi. Ý sơ sài

+ Từ 0,25 điểm đến 1,0 điểm: Chưa hiểu thấu đáo đoạn thơ, cảm nhận sơ sài, mắc nhiều lỗi diễn đạt.

  1. Đánh giá (0,75 điểm)

– Đoạn thơ kết bài thể hiện tập trung tư tưởng của tác phẩm. Đó là lời tự nhắc nhở thấm thía về thái độ với quá khứ, gợi nhắc, củng cố ở người đọc thái độ sống “uống nước nhớ nguồn”, ân nghĩa, thủy chung. (0,5 điểm)

– Đoạn thơ có giọng tâm tình tự nhiên, có sự kết hợp giữa tự sự và trữ tình, xây dựng được hình ảnh giàu tính  biểu cảm. (0,25 điểm) 

Lưu ý: Điểm của bài thi là tổng điểm của các câu, không làm tròn./.

………………… Hết …………………….

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *