Đề thi tuyển sinh vào 10 chuyên văn 2017 Phú Yên

Đề thi văn 9

SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO 

TỈNH PHÚ YÊN

KỲ THI TUYỂN SINH LỚP 10 THPT

NĂM HỌC 2016 – 2017

Môn: NGỮ VĂN (chuyên)

Thời gian làm bài: 150 phút, không kể thời gian giao đề

ĐỀ CHÍNH THỨC

   

Câu 1. (4,0 điểm)

       Đọc đoạn thơ sau và trả lời các câu hỏi bên dưới:

“…Kiều càng sắc sảo mặn mà,

                                      So bề tài sắc lại là phần hơn:

                                              Làn thu thủy nét xuân sơn,

                                      Hoa ghen thua thắm liễu hờn kém xanh…

                                              (Trích Truyện Kiều – Nguyễn Du)

  1. a) Dụng ý của Nguyễn Du trong việc gợi tả vẻ đẹp của Thúy Kiều sau khi gợi tả vẻ đẹp của Thúy Vân (chứ không phải ngược lại)?
  2. b) Nét đặc sắc của bút pháp nghệ thuật trong việc gợi tả đôi mắt Thúy Kiều qua câu thơ “Làn thu thủy nét xuân sơn“? Từ đó hãy lí giải tại sao tác giả gợi tả đôi mắt Thúy Kiều mà không gợi tả đôi mắt Thúy Vân?

Câu 2. (6,0 điểm)

Cuộc sống sẽ ra sao nếu thiếu những nụ cười?

Câu 3. (10,0 điểm)

Bàn về sứ mệnh của nhà văn trong sáng tác văn chương, có ý kiến cho rằng:               “Nhà văn có thể viết về bóng tối nhưng từ bóng tối phải hướng đến ánh sáng”.

Từ các tác giả, tác phẩm văn học em biết, hãy làm sáng tỏ ý kiến trên.

               —–Hết —–

 

Thí sinh không sử dụng tài liệu. Giám thị không giải thích gì thêm.

 

Họ và tên thí sinh:……………………………………………Số báo danh:……………………………………

Chữ kí của giám thị  1: ……………………………………Chữ kí của giám thị 2: ………………………

      SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO 

ĐỀ CHÍNH THỨC

TỈNH PHÚ YÊN

                           KỲ THI TUYỂN SINH LỚP 10 THPT

                                        NĂM HỌC 2016 – 2017

                                    Môn: NGỮ VĂN (chuyên)

           Thời gian làm bài: 150 phút, không kể thời gian giao đề

 

 

HƯỚNG DẪN CHẤM

(Bản Hướng dẫn chấm gồm có 03 trang)

  1. Hướng dẫn chung

– Giám khảo cần nắm vững yêu cầu của Hướng dẫn chấm để đánh giá tổng quát bài làm của thí sinh, tránh cách chấm đếm ý cho điểm.

– Do đặc trưng của bộ môn Ngữ văn nên giám khảo cần chủ động, linh hoạt trong việc vận dụng Hướng dẫn chấm; khuyến khích những bài viết có cảm xúc và sáng tạo.

– Việc chi tiết hoá điểm số của các ý (nếu có) phải đảm bảo không sai lệch với tổng điểm của mỗi ý và được thống nhất trong Hội đồng chấm thi.

– Điểm của toàn bài thi vẫn được giữ nguyên, không làm tròn số.

  1. Hướng dẫn chấm cụ thể

Câu 1. (4,0 điểm)

* Yêu cầu về kĩ năng

– Hiểu được dụng ý nghệ thuật của Nguyễn Du trong việc gợi tả Thúy Kiều sau khi tả Thúy Vân; bút pháp nghệ thuật tượng trưng, ước lệ (bút pháp nghệ thuật cổ điển) trong việc gợi tả đôi mắt Thúy Kiều.

– Trình bày ngắn gọn, không mắc lỗi diễn đạt về các mặt chính tả, dùng từ, đặt câu. Cách lập luận chặt chẽ, thuyết phục, kiến giải sâu sắc, hợp lí.

* Yêu cầu về kiến thức

Học sinh có thể trình bày bài làm theo nhiều cách khác nhau miễn là làm sáng tỏ vấn đề, thuyết phục người đọc. Bài làm cần giải quyết được những nội dung sau đây:

  1. a) (2,0 điểm)

Nguyễn Du tả kĩ về diện mạo, dáng vẻ bề ngoài của Thúy Vân trước là để làm nổi bật vẻ đẹp của Thúy Kiều (nghệ thuật đòn bẩy – lấy Thúy Vân làm nền để gợi tả Thúy Kiều). Tả Thúy Kiều, Nguyễn Du không cần tả nhiều, chỉ cần một câu so sánh “Kiều càng sắc sảo mặn mà, So bề tài sắc lại là phần hơn” đã đủ gợi rất nhiều về vẻ đẹp, độ sắc sảo cả về nhan sắc, tài năng của Kiều.

  1. b) (2,0 điểm)

– Nét đặc sắc của câu thơ “Làn thu thủy nét xuân sơn” là sử dụng bút pháp nghệ thuật ước lệ cổ điển, lấy vẻ đẹp của thiên nhiên để miêu tả vẻ đẹp của con người. Hình ảnh làn thu thủy (làn nước mùa thu) gợi tả vẻ đẹp trong sáng, long lanh, sâu thẳm của đôi mắt; nét xuân sơn (nét núi mùa xuân) gợi tả đôi lông mày thanh tú trên gương mặt trẻ trung, càng làm tăng thêm vẻ đẹp của đôi mắt Thúy Kiều. (1,0 điểm)

– Lí giải: so với chân dung Thúy Vân, chân dung Thúy Kiều được tác giả gợi tả với điểm nhấn là đôi mắt, bởi đôi mắt biểu hiện sự tinh anh của trí tuệ và chiều sâu vẻ đẹp tâm hồn con người. Đó là vẻ đẹp sắc sảo mặn mà của riêng Thúy Kiều mà Thúy Vân không có được. (1,0 điểm)

Câu 2. (6,0 điểm)

            * Yêu cầu về kĩ năng

– Xây dựng một bài văn nghị luận xã hội về một tư tưởng, đạo lí.

– Bố cục bài viết rõ ràng, lập luận chặt chẽ, mạch lạc, dẫn chứng phong phú, tiêu biểu, hành văn trong sáng, có cảm xúc, thuyết phục, có nét riêng. Không mắc lỗi diễn đạt về các mặt chính tả, dùng từ, đặt câu.

            * Yêu cầu về kiến thức

Học sinh được tự do trình bày những suy nghĩ của riêng mình và có thể kết cấu bài làm theo nhiều cách khác nhau miễn là các ý đưa ra lập luận chặt chẽ, có cơ sở và có sức thuyết phục người đọc. Dưới đây là một số gợi ý, không áp đặt đối với những bài làm có cách hiểu khác nhưng hợp lí và thuyết phục.

­­Nụ cười là một phản xạ tự nhiên của con người, là biểu hiện của cảm xúc khi con người đạt được ý nguyện, thành công, hạnh phúc… Trong cuộc sống có rất nhiều nụ cười: có nụ cười thể hiện niềm vui, hạnh phúc; có nụ cười thân thiện, cổ vũ, động viên, khích lệ; có nụ cười hài hước, châm biếm, phê phán nhẹ nhàng…

Nếu cuộc sống thiếu những nụ cười thì đời sống tâm hồn con người sẽ trở nên nghèo nàn, buồn tẻ, vô cảm, chai sạn; thiếu sự thân thiện, gần gũi trong giao tiếp; tình yêu của con người sẽ thiếu bền vững; niềm tin, hi vọng, lạc quan về cuộc đời bị phai mờ…

Nụ cười đúng lúc, đúng chỗ không chỉ làm đẹp cho bản thân, góp phần tăng cường sức khoẻ mà còn biểu hiện của lối sống văn minh, của tiến bộ xã hội. Ngược lại sẽ gây ra nhiều phiền toái, mất thiện cảm, gây thêm hiềm khích, vô duyên…

Rút ra bài học nhận thức, hành động đối với bản thân.

* Cách cho điểm

– Điểm 5,6: văn cảm xúc, mạch lạc; cảm nhận sâu sắc, tinh tế. Bố cục rõ ràng, hợp lí; lập  luận tương đối chặt chẽ. Có thể còn vài sai sót nhỏ về chính tả, dùng từ.

– Điểm 3,4: tỏ ra hiểu đề, trình bày được cảm nhận và lí giải cảm nhận của riêng mình. Diễn đạt cơ bản mạch lạc, trong sáng. Đôi lúc còn mắc một số lỗi về chính tả, dùng từ, đặt câu.

Điểm 1,2: cảm nhận lan man, xa đề. Lập luận không rõ ràng; diễn đạt lủng củng. Mắc nhiều lỗi dùng từ, đặt câu.

– Điểm 0: không làm bài hoặc hoàn toàn lạc đề.

Câu 3. (10,0 điểm)

         * Yêu cầu về kĩ năng

– Học sinh nắm vững kĩ năng làm bài nghị luận về một vấn đề văn học.

– Bố cục hợp lí, lập luận chặt chẽ, chữ viết rõ ràng, diễn đạt trôi chảy, không mắc lỗi chính tả, dùng từ, ngữ pháp.

            * Yêu cầu về kiến thức: thí sinh có thể trình bày bài làm theo nhiều cách khác nhau miễn là làm sáng tỏ vấn đề, thuyết phục người đọc. Có thể giải quyết được những nội dung sau đây:

– Giải thích ý kiến:

+ Bóng tối: trạng thái tiêu cực (khổ đau, chán nản, tuyệt vọng…), cái xấu xa, đen đặc của hiện thực hay tâm hồn con người.

+ Ánh sáng: trạng thái sống tích cực (hạnh phúc, niềm tin, hi vọng…); điều tốt đẹp, tươi sáng.

[ Sứ mệnh và yêu cầu đặt ra đối với nhà văn: nhà văn có thể viết về cái xấu, cái ác, nỗi khổ đau tuyệt vọng nhưng nhân sinh quan của tác giả luôn cần phải tươi sáng, thấm đẫm tinh thần nhân văn để hướng con người tới những điều tốt đẹp.

– Bàn luận: nói “nhà văn có thể viết về bóng tối nhưng từ bóng tối phải hướng đến ánh sánglà vì:

+ Phản ánh hiện thực cuộc sống một cách toàn vẹn, chân thật là nhiệm vụ của người cầm bút và cũng là quy luật tất yếu của văn học. Mà hiện thực cuộc sống thì luôn tồn tại trong nhau và vì nhau những điều tích cực, tốt đẹp, hạnh phúc lẫn tiêu cực, xấu xa, bất hạnh, khổ đau…Do vậy, viết về bóng tối bên cạnh việc nâng niu ánh sáng cũng là yêu cầu cần thiết của văn học.

+ Chức năng – giá trị của văn học là “nhân đạo hoá” con người, “làm cho người gần người hơn”. Do vậy, nếu viết về cái xấu, cái ác, cái buồn tiêu cực mà ngòi bút của nhà văn không biết hướng người đọc đến điều tốt, cái thiện, niềm tin thì nhà văn đó khó trở thành một nghệ sĩ chân chính, thực thụ; văn học sẽ khó thực hiện được sứ mệnh cao cả của mình.

+ Viết về bóng tối là sứ mệnh nhưng cũng là thử thách nghệ thuật đối với nhà văn. Để làm được điều đó, đòi hỏi nhà văn phải có cái tài, có tâm thực sự. Đến lượt mình, người đọc cũng cần có một cách nhìn sâu, tinh tế để từ bóng tối mà tự bật thức ánh sáng.

+ Từ bóng tối hướng tới ánh sáng là một yếu tố cấu thành, là một tiêu chí định giá tinh thần nhân đạo sâu sắc của tác phẩm văn học, qua đó khẳng định tên tuổi, giá trị của nhà văn.

– Phân tích, chứng minh:  thí sinh có thể chọn những tác giả, tác phẩm tiêu biểu để làm rõ ý kiến trên.

* Cách cho điểm

Điểm 9,10: đáp ứng tốt các yêu cầu trên; dẫn chứng phong phú, tiêu biểu. Bố cục rõ ràng, mạch lạc, diễn đạt trôi chảy, trong sáng, có cảm xúc và sáng tạo.

– Điểm 7,8: đáp ứng 3/4 các yêu cầu trên. Biết cách chọn dẫn chứng tiêu biểu để triển khai vấn đề. Bố cục rõ ràng, diễn đạt trôi chảy. Còn mắc một vài lỗi về chính tả, dùng từ, đặt câu.

– Điểm 5,6: đáp ứng được 2/3 các yêu cầu trên. Đưa ra một số dẫn chứng phù hợp, diễn đạt tương đối trôi chảy. Còn mắc một số lỗi về chính tả, dùng từ, đặt câu.

– Điểm 3,4: đáp ứng 1/2 các yêu cầu nêu trên, dẫn chứng còn nghèo, diễn đạt hạn chế.

– Điểm 1,2: hiểu chưa đúng vấn đề, thiếu dẫn chứng, diễn đạt yếu.

– Điểm 0: lạc đề, diễn đạt kém.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *