Đề thi học sinh giỏi Ngữ văn lớp 9

Đề thi văn 9
SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

ĐỀ DỰ BỊ

 

NAM ĐỊNH

ĐỀ THI CHỌN HỌC SINH GIỎI NĂM HỌC 2014-2015

Môn: NGỮ VĂN – Lớp 9

Thời gian làm bài: 150 phút

(Đề thi gồm 01 trang)

Câu 1. (4,0 điểm)

Quen rồi. Một ngày chúng tôi phá bom đến năm lần. Ngày nào ít: ba lần. Tôi có nghĩ tới cái chết. Nhưng một cái chết mờ nhạt, không cụ thể. Còn cái chính: liệu mìn có nổ, bom có nổ không? Không tnhì làm cách nào để châm mìn lần thứ hai? Tôi nghĩ thế, nghĩ thêm: đứng cẩn thận, mảnh bom ghim vào cánh tay thì khá phiền. Và mồ hôi thấm vào môi tôi, mằn mặn, cát lạo xạo trong miệng.

(Lê Minh Khuê, Những ngôi sao xa xôi, Ngữ văn 9, tập hai, NXB Giáo dục, 2005, tr 118)

  1. Các câu Quen rồi; Ngày nào ít: ba lần  trong đoạn văn thuộc kiểu câu gì? Nhận xét cách sử dụng câu trong đoạn văn và tác dụng của cách sử dụng đó. (1,0 điểm)
  2. Những từ ngữ in đậm trong các câu Tôi có nghĩ tới cái chết. Nhưng một cái chết mờ nhạt, không cụ thể. Còn cái chính: liệu mìn có nổ, bom có nổ không? thể hiện phép liên kết nào ? Hiệu quả của phép liên kết đó trong đoạn văn? (2,0 điểm)
  3. Viết đoạn văn từ 3 đến 5 câu về  Vẻ đẹp người lính thời chống Mỹ, trong đó có câu chứa thành phần khởi ngữ (chỉ rõ thành phần khởi ngữ). (1,0 điểm)

Câu 2. (6,0 điểm)

Viết đoạn văn nghị luận với chủ đề: Tôi tự hào là người Nam Định

Câu 3. (10,0 điểm)                       

Bài thơ Ánh trăng của Nguyễn Duy đã hấp dẫn người đọc bằng vẻ đẹp dung dị của một câu chuyện riêng, một tâm tình riêng.

Từ việc cảm nhận về bài thơ, em hãy làm sáng tỏ điều đó.

 

———–HẾT———

 

Họ và tên thí sinh:……………………………Họ, tên chữ ký GT1:……….……………………

Số báo danh:………………………………… Họ, tên chữ ký GT2:………..……………………

 

SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

NAM ĐỊNH

HƯỚNG DẪN CHẤM THI HỌC SINH GIỎI NĂM HỌC 2014-2015

Môn: NGỮ VĂN – Lớp 9

(Hướng dẫn chấm gồm 03 trang)

Câu 1. (4,0 điểm)

  1. Kiểu câu: Câu rút gọn (0,5 điểm)

Nhận xét cách sử dụng câu: sử dụng đa dạng các kiểu câu(theo cấu tạo ngữ pháp – câu rút gọn, câu đơn, câu phức, theo mục đích nói: câu trần thuật, câu nghi vấn…) (0,25 điểm)

Tác dụng: thể hiện rõ tâm trạng của con người trong hoàn cảnh chiến trường khốc liệt (0,25 điểm)

  1. Phép liên kết câu và hiệu quả (2,0 điểm)

– Phép liên kết: phép nối (0,5 điểm)

– Hiệu quả

+ Tạo ra liên kết hình thức trong đoạn văn (0,5 điểm)

+ Khắc họa rõ nét hình ảnh nhân vật tôi- nữ thanh niên xung phong thời chống Mỹ : giữa cái hiểm nguy, khốc liệt của bom rơi đạn lửa có giây phút con người đã nghĩ đến cái chết song tinh thần trách nhiệm với công việc, lòng dũng cảm đã mạnh hơn tất cả.(1,0 điểm)

  1. Viết đoạn có câu chứa thành phần khởi ngữ (1,0 điểm)

– Nội dung: viết đúng chủ đề, thể hiện thái độ, tư tưởng đúng đắn, khách quan (0,5 điểm)

– Hình thức : viết đúng đoạn văn(0,5 điểm)

Nếu viết đúng kiểu câu yêu cầu song không đủ số câu trừ 0,25 điểm, viết câu không đúng thành phần trừ 0,5 điểm.

Câu 2. (6,0 điểm)

* Yêu cầu chung

– Hiểu vấn đề nghị luận,  biết vận dụng các thao tác lập luận, kết hợp lí lẽ, dẫn chứng, diễn đạt trong sáng, phù hợp với kiểu bài

– Lưu ý: đề bài không hạn định số câu, học sinh cần biết cân đối cho phù hợp với yêu cầu của đề, không viết đúng một đoạn văn, trừ 0,5 điểm

*Yêu cầu cụ thể

  1. Những lí do tôi tự hào là người Nam Định

Tự hào: Tình cảm, thái độ này phải phù hợp với vẻ đẹp đáng trân trọng, những thế mạnh, những nét riêng độc đáo của người Nam Định, của mảnh đất Nam Định

– Vì sao tự hào: có thể tự hào về vẻ đẹp của thiên nhiên,  truyền thống văn hóa, giáo dục, phẩm chất con người Nam Định…

Trân trọng những quan điểm, cách nhìn riêng của HS song những quan điểm, cách nhìn đó phải khách quan, đúng đắn, thể hiện tư tưởng lành mạnh, tích cực, phải có lập luận thuyết phục

  1. Để luôn được tự hào là người Nam Định

– Mỗi người cần đóng góp dựng xây quê hương bằng những việc làm cụ thể, biết khắc phục những hạn chế, phát huy những thế mạnh…

– Thái độ của bản thân: không chỉ bằng tình cảm, tư tưởng mà bằng hành động thiết thực

Câu 3. (10,0 điểm)

 Yêu cầu:

  1. Về kĩ năng: Thí sinh biết cách làm bài nghị luận văn học; sử dụng thành thạo các thao tác phân tích, so sánh, bình luận; bố cục rõ ràng, lập luận chặt chẽ, diễn đạt lưu loát, văn viết có hình tượng, không mắc, hoặc mắc rất ít lỗi về diễn đạt.
  2. Về kiến thức:

Khuyến khích những cách kiến giải khác nhau, thể hiện quan điểm riêng của người viết, miễn là bài viết đảm bảo tính lô gic chặt chẽ, có sức thuyết phục.

Sau đây là một số gợi ý:

Giới thiệu về vấn đề cần nghị luận (0,5 điểm)

Giải thích (0,5 điểm)

– Bài thơ là một câu chuyện riêng: là một bài thơ nhưng cảm xúc được nương theo một câu chuyện, có trình tự thời gian

– Bài thơ là một tâm tình riêng: thể hiện tiếng lòng, suy ngẫm riêng của Nguyễn Duy

-> Nhận định vừa nói được nét riêng trong cảm xúc vừa là nét riêng trong cách bộc lộ cảm xúc của nhà thơ.

Phân tích, chứng minh (8,0 điểm)

Bài thơ là câu chuyện riêng (3,0 điểm)

– Bài thơ mang dáng dấp một câu chuyện nhỏ, được kể theo trình tự thời gian:

+ Hồi nhỏ, trong chiến tranh: sống gần gũi với thiên nhiên, sống với đồng, với sông, với bể, sống giữa cái mênh mông, phóng khoáng của thiên  nhiên, đất trời; giữa những năm tháng khốc liệt của chiên tranh, thiên nhiên trở thành tri kỉ; những gắn bó với thiên nhiên tưởng như không bao giờ phai nhạt, vầng trăng tình nghĩa tưởng như đi  theo đến hết cuộc đời

+ Chiến tranh qua đi, rời xa chiến trường, xa đồng, xa sông, xa bể, cuộc sống của đô thị với ánh sáng văn minh, với những tiện nghi hiện đại đã khiến vầng trăng tình nghĩa trở thành người dưng qua đường

+ Giây phút mất điện, phòng buyn – đinh tối om, vầng trăng bất ngờ xuất hiện gợi lại bao kỉ niệm nghĩa tình.

– Câu chuyện được kể là câu chuyện riêng của nhà thơ, gắn bó với cuộc đời của một con người cụ thể, với hoàn cảnh cụ thể, góp phần làm cho cảm xúc trong bài thơ trở nên chân thực, những điều nhà thơ muốn nói từ câu chuyện ấy trở thành những chiêm nghiệm thấm thía.

– Câu chuyện được kể theo trình tự thời gian từ quá khứ đến hiện tại, từ hồi nhỏ đến hôm nay – khi đã trưởng thành, đã đi qua những năm tháng cuộc đời đầy gian khổ, từ thời chiến tranh thiếu thốn gắn bó với nhân dân nghĩa tình đến cuộc sống hòa bình- cuộc sống của văn minh, hiện đại giúp cho tâm tình riêng của tác giả được bộc lộ một cách đầy đủ, có sức truyền cảm sâu sắc

Bài thơ là tâm tình riêng (5,0 điểm)

– Bài thơ là tâm tình riêng của nhà thơ: lời tự nhắc nhở thấm thía về thái độ, tình cảm với những năm tháng quá khứ gian lao, tình nghĩa, đối với thiên nhiên, đất nước bình dị, hiền hậu.

– Những tâm tình được bộc lộ qua dòng cảm xúc:

+  Cảm xúc dâng trào về những ngày xưa: suốt thời thơ ấu và những tháng năm chiến tranh ở rừng. Vầng trăng là hình ảnh của thiên nhiên hồn nhiên, tươi mát và là người bạn tri kỉ. Ánh trăng của thiên nhiên đất nước hiền hòa, bình dị Như là đồng là bể – Như là sông là rừng

+ Cảm xúc rưng rưng của một con người đang sống giữa phố phường hiện đại bất ngờ gặp lại ánh trăng Thình lình đèn điện tắt… Đột ngột vầng trăng tròn. Niềm xúc động nghẹ ngào và thiết tha, thành kính trong tư thế lặng im Ngửa mặt lên nhìn mặt – Có cái gì rưng rưng. Sự xuất hiện đột ngột của vầng trăng như ùa về trong tâm trí của nhà thơ bao kỉ niệm của những năm tháng gian lao, bao hình ảnh của thiên nhiên đất nước bình dị.

+ Sự “giật mình” trước những nhắc nhở không nên lãng quên, vô tình: ánh trăng biểu tượng cho quá khứ nghĩa tình, là vẻ đẹp bình dị và vĩnh hằng của đời sống. Trăng cứ tròn vành vạnh như quá khứ đẹp vẹn nguyên chẳng thể phai mờ. Ánh trăng im phăng phắc – phép nhân hóa ánh trăng hiện ra như người bạn, như nhân chứng nghĩa tình nhưng cũng nghiêm khắc khiến con người “giật mình” nhận ra sự vô tình không nên có, sự lãng quên đáng trách của mình.

Đánh giá chung (1,0 điểm)

– Bài thơ đúng là câu chuyện riêng và là tâm tình riêng của nhà thơ Nguyễn Duy. Tuy nhiên câu chuyện, tâm tình ấy không chỉ của một người mà còn có ý nghĩa với cả một thế hệ (thế hệ  từng trải qua những năm tháng chiến tranh gian khổ, từng gắn bó với thiên nhiên, với nhân dân nghĩa tình, giờ được sống trong hòa bình, trong đời sống hiện đại). Đó còn là câu chuyện và tâm tình có ý nghĩa với nhiều người và nhiều thời. Và câu chuyện, tâm tình đó còn gợi lên đạo lí sống thủy chung đã thành truyền thống tốt đẹp của dân tộc.

– Câu chuyện và tâm tình trong bài thơ làm nên vẻ độc đáo, hấp dẫn riêng của hồn thơ Nguyễn Duy; giúp hiểu hiểu thêm về tâm hồn, tài năng của nhà thơ Nguyễn Duy.

 III. Cách cho điểm

– Điểm từ 8,0 đến 10,0: Đáp ứng tốt các yêu cầu trên, lập luận chặt chẽ, kiến thức phong phú, hành văn lưu loát, văn phong giàu hình ảnh, cảm xúc, bài viết có những sáng tạo và kiến giải riêng độc đáo.

– Điểm từ  6,0- đến dưới 8,0: Đáp ứng khá tốt các yêu cầu trên nhưng phần giải thích ý kiến còn vụng về, sơ lược hoặc phần phân tích, chứng minh  ý kiến chưa thật tốt. Có thể còn một số sai sót về diễn đạt.

– Điểm từ 4,0 đến dưới 6,0: Đáp ứng cơ bản các yêu cầu trên nhưng phần giải thích ý kiến và phân tích, chứng minh đều chưa thật tốt còn mắc nhiều lỗi về diễn đạt, chính tả.

– Điểm từ 2,0 đến dưới 4,0: Đáp ứng khoảng một nửa yêu cầu của đề bài, văn nghèo cảm xúc

– Điểm từ 0,5 đến dưới 2,0: Không hiểu đề hoặc bài viết có ý nhưng sơ lược, chưa làm nổi bật vấn đề, mắc nhiều lỗi diễn đạt

– Điểm 0: Không làm bài.

Lưu ý:

   + Người chấm tránh đếm ý cho điểm, cân nhắc toàn bài để đánh giá. 

   + Những cách kết cấu bài làm, ý sáng tạo, kiến giải riêng hợp lí, thuyết phục đều được chấp nhận và khuyến khích

   + Thang điểm trên đây ghi điểm tối đa cho mỗi phần. Nếu thí sinh chưa đáp ứng được những yêu cầu về kĩ năng làm bài tốt thì không thể đạt được số điểm tối đa này.

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *