Đề thi chọn đội tuyển HSG môn Ngữ văn lớp 9 tỉnh Nam Định

Đề thi văn 9

 

SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

NAM ĐỊNH

ĐỀ CHÍNH THỨC

 

 

ĐỀ THI CHỌN HỌC SINH GIỎI

NĂM HỌC 2017 – 2018

 

Môn: NGỮ VĂN – Lớp: 9 THCS

Thời gian làm bài: 150 phút

(Đề thi gồm: 02  trang)

Phần I (4,0 điểm)

            Đọc đoạn văn bản sau và trả lời các câu hỏi:

Hãy luôn tâm niệm rằng, cuộc sống, thực chất là một cuộc trải nghiệm lớn, mà trong đó bạn phải đi tìm những mảnh ghép là những trải nghiệm nhỏ để từ đó ghép nên cuộc đời mình. Khi tâm niệm cuộc đời chỉ là một cuộc trải nghiệm, bạn sẽ không quá áp lực trước mọi sự lựa chọn của mình trong cuộc đời. Đó là cuộc chơi, không ai thắng và cũng không ai thua cả, vì suy cho cùng, ai cũng phải đến lúc giã từ cuộc sống, nhưng người may mắn hơn, là người sống được nhiều hơn những người khác. Sống được nhiều hơn không có nghĩa là sống lâu hơn mà là sống được nhiều khoảnh khắc hơn trong đời, như Jean Jacques Rousseau nói: “Người sống nhiều nhất không phải là người sống lâu năm nhất mà là người có nhiều trải nghiệm phong phú nhất”.

            Mục tiêu của thế hệ trẻ, có lẽ nên thay đổi ngay việc sống sung sướng hơn, sống tốt hơn, sống lâu hơn, thành “sống nhiều hơn”, thế là đủ.

            Nhưng làm thế nào để sống nhiều hơn? Cách duy nhất là hãy biến từng phút giây có thể đều trở nên ý nghĩa và giải pháp là hãy không ngừng đặt bản thân vào tâm thế sẵn sàng trải nghiệm mọi thứ xung quanh mình, đừng ngại ngùng, đừng lười biếng, đừng sợ hãi.

            Còn làm thế nào để trải nghiệm cuộc sống ư? Hãy thay suy nghĩ bằng hành động, thay lời nói bằng hành động, hành động ngay đi thôi. Hãy ngưng nói mà làm, ngưng suy tính quá kĩ càng, ngưng nghi ngờ và sợ hãi. Như Steve Job nói câu nổi tiếng nhất: “Hãy cứ khát khao, hãy cứ dại khờ”. Henry David Thoreau nói: “Những người trẻ tuổi học sống thế nào nếu không phải là ngay lập tức thử trải nghiệm cuộc sống?”.

(Không có trải nghiệm, tuổi trẻ không đáng một xu – Phi Tuyết, đăng trên Facebook của tổ chức cộng đồng Volunteer For Educaition, 07/01/2015)

Câu 1. Chỉ ra phương thức biểu đạt chính của đoạn văn bản trên. (0,5 điểm)

Câu 2. Em hiểu thế nào về quan niệm: cuộc sống, thực chất là một cuộc trải nghiệm lớn, mà trong đó bạn phải đi tìm những mảnh ghép là những trải nghiệm nhỏ để từ đó ghép nên cuộc đời mình? (1,0 điểm)

Câu 3. Nêu những yếu tố tạo nên sức hấp dẫn của đoạn văn bản. (1,5 điểm)

Câu 4. Hãy viết về một trải nghiệm của bản thân mà em cho là có ý nghĩa đối với cuộc sống của mình. (viết trong khoảng 5 đến 7 dòng) (1,0 điểm)

Phần II (16,0 điểm)

Câu 1 (6,0 điểm)

Hãy viết một đoạn văn trình bày suy nghĩ của em về câu nói của Jean Jacques Rousseau: Người sống nhiều nhất không phải là người sống lâu năm nhất mà là người có nhiều trải nghiệm phong phú nhất.

 

Câu 2 (10,0 điểm)

Trong tham luận tại hội thảo Việt Nam – nửa thế kỉ văn học, nhà thơ Nguyễn Đình Thi viết: Tác phẩm nghệ thuật là cái riêng biệt nhất của một người sáng tạo, không ai bắt chước được, và đồng thời nó lại là cái chung nhất của mọi con người, ai cũng tìm thấy mình trong đó. (Báo Văn nghệ số 143, ngày 28 – 10 – 1995)

Em hiểu ý kiến trên như thế nào? Hãy làm sáng tỏ ý kiến qua bài thơ Con cò của Chế Lan Viên.

—–HẾT—–

 

Họ và tên thí sinh:……………………………………………………….…………..Số báo danh:…………….

Họ, tên, chữ ký của GT1:………………..…………Họ, tên, chữ ký của GT2:……………………………..       

SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

NAM ĐỊNH

ĐỀ CHÍNH THỨC

 

 

ĐÁP ÁN VÀ HƯỚNG DẪN CHẤM

ĐỀ THI CHỌN HỌC SINH GIỎI

NĂM HỌC 2017 – 2018

 

Môn: NGỮ VĂN – Lớp: 9 THCS

(HDC gồm: 04 trang)

Phần I (4,0 điểm)

Câu 1. Phương thức biểu đạt chính: nghị luận. (0,5 điểm)

Câu 2. Quan niệm của tác giả có nghĩa là:

 – Cuộc đời mỗi con người là kết quả của hành trình không ngừng tự mình cảm nhận và khám phá cuộc sống từ chuỗi hoạt động thực tiễn để làm nên giá trị sống cho bản thân. (0,75 điểm)

– Cuộc sống của mỗi người là do người đó tạo nên. (0,25 điểm)

Câu 3. Chỉ ra được các yếu tố sau:

– Về nội dung: Đề xuất được quan niệm sống mới mẻ. (0,5 điểm)

– Về nghệ thuật: Lập luận chặt chẽ; Giọng điệu thay đổi linh hoạt, phù hợp với nội dung. (0,5 điểm)

– Thái độ của tác giả: đầy nhiệt hứng khẳng định. (0,5 điểm)

Câu 4.

– Nêu trải nghiệm của bản thân. (0,25 điểm)

– Ý nghĩa của trải nghiệm đó đối với cuộc sống của mình.

(Ý nghĩa sâu sắc: từ 0,5 đến 0,75 điểm; Nêu chung chung: 0,25 điểm)

Phần II (16,0 điểm)

Câu 1 (6,0 điểm)

Giải thích: Hiểu được nội dung câu nói: Tác giả đưa ra một thước đo về giá trị cuộc sống của con người – không phải được tính bằng thời gian tồn tại của người đó trong cõi đời (số lượng) mà là bằng những gì người đó tự mình trải qua và cảm nhận cuộc sống (chất lượng) để từ đó cỗ vũ cho lối sống tích cực trải nghiệm.

Bày tỏ suy nghĩ của bản thân: Chấp nhận những suy nghĩ khác nhau của thí sinh song phải là những suy nghĩ tích cực, có sức thuyết phục. Sau đây là một đề xuất:

2.1. Người sống nhiều nhất không phải là người sống lâu năm nhất bởi: sống lâu mà sống tẻ nhạt, thụ động, dựa dẫm,…thì chỉ là tồn tại, cuộc sống không ý nghĩa.

2.2. Người sống nhiều nhất là người có nhiều trải nghiệm phong phú nhất bởi: trải nghiệm cho con người lối sống tích cực, chủ động và cuộc sống tốt đẹp hơn, có ý nghĩa hơn. Ví dụ:

– Khi có nhiều trải nghiệm, con người được sống cuộc sống phong phú hơn: được sống nhiều cuộc đời, trải qua nhiều cảnh ngộ, nhiều tình huống, nhiều tâm trạng,…

– Khi trải nghiệm, con người được mở mang về trí tuệ, rèn luyện về kĩ năng, thái độ để nâng cao chất lượng cuộc sống.

– Khi trải nghiệm, con người được sống là mình, sống cuộc sống của mình, sống có ý nghĩa.

3.3. Mở rộng

– Đề cao sự trải nghiệm cuộc sống song cũng cần trang bị cho mình những kiến thức và kĩ năng cơ bản, thái độ sống đúng đắn.

– Không sống thụ động, buồn tẻ song cũng không nên có những trải nghiệm liều lĩnh không phù hợp với lứa tuổi, khi chưa có điều kiện phù hợp,…

Bài học: Hiểu ý nghĩa đúng đắn của trải nghiệm và tăng cường trải nghiệm để tăng thêm giá trị sống cho bản thân.

Thang điểm:

Từ 5,0 đến 6,0 điểm: Hiểu vấn đề, lập luận chặt chẽ, thuyết phục bằng lí lẽ và dẫn chứng, diễn đạt có giọng điệu.

Từ 3,0 đến 4,75 điểm: Hiểu vấn đề, biết lập luận nhưng độ thuyết phục chưa cao, mắc một số lỗi về diễn đạt, chính tả.

Từ 0,5 đến 2,75 điểm: Hiểu vấn đề nhưng chưa biết lập luận, thiếu dẫn chứng, mắc nhiều lỗi về diễn đạt, chính tả.

Mắc lỗi về hình thức đoạn văn: trừ 0,5 điểm.

Câu 2 (10,0 điểm)

* Yêu cầu về kĩ năng: Có kĩ năng xác định yêu cầu của đề; làm bài nghị luận văn học; phân tích tác phẩm có định hướng; diễn đạt trôi chảy, có giọng điệu.

* Yêu cầu về kiến thức: Đảm bảo các ý sau:

Giải thích ý kiến (2,0 điểm): Ý kiến đã nêu ra những tiêu chuẩn của tác phẩm nghệ thuật chân chính – là kết tinh sáng tạo của nghệ sĩ song đồng thời phải mang cái chung phổ quát:

Tác phẩm nghệ thuật là cái riêng biệt nhất của một người sáng tạo: tác phẩm nghệ thuật là sản phẩm của sự sáng tạo độc đáo, văn chương không bao giờ chấp nhận sự sao chép, bắt chước, lặp lại nguyên xi những kiểu mẫu đã có. Sự sáng tạo sẽ tạo nên cái mới (nội dung tư tưởng và hình thức biểu hiện) và khẳng định vị trí, sự đóng góp của nhà văn cho nền văn học.

Tác phẩm nghệ thuật là cái chung nhất của mọi con người, ai cũng tìm thấy mình trong đó: tác phẩm nghệ thuật phải đề cập và giải quyết những vấn đề mang ý nghĩa nhân sinh sâu sắc, mang tầm phổ quát để người đọc khi đến với nó có thể cảm nhận, sẻ chia, đồng cảm trở thành tiếng lòng chung của nhiều người.

Làm sáng tỏ ý kiến qua bài thơ Con cò (7,0 điểm)

2.1. Bài thơ thể hiện sự sáng tạo độc đáo của Chế Lan Viên (5,0 điểm)

2.1.1. Về nội dung (3,0 điểm)

Qua hình tượng trung tâm – con cò – được khai thác từ ca dao, tác giả đã mở rộng, phát triển ý nghĩa biểu tượng để ngợi ca tình mẹ và ý nghĩa của lời ru đối với cuộc sống của con người. Điều này được thể hiện qua 3 phần của bài thơ:

– Hình ảnh con cò đến với tuổi thơ của con qua những lời hát ru của mẹ.

– Hình ảnh con cò đi vào tiềm thức của tuổi thơ, gần gũi và trở thành bạn đồng hành của con trên mọi chặng đường đời. Đằng sau hình ảnh cánh cò là hình ảnh người mẹ dịu dàng, bền bỉ chăm chút, nâng đỡ con.

– Từ hình ảnh con cò, tác giả thể hiện những suy ngẫm và triết lí về ý nghĩa lời ru của mẹ.

2.1.2. Về nghệ thuật (1,5 điểm)

– Thể thơ: thể thơ tự do nhưng vẫn mang âm hưởng lời hát ru.

– Giọng điệu: giọng suy ngẫm, triết lí hướng tâm trí nhiều hơn vào sự suy ngẫm, phát hiện.

– Hình ảnh: gần gũi, quen thuộc mà vẫn có khả năng hàm chứa những ý nghĩa mới và có giá trị biểu cảm.

2.1.3. Đánh giá (0,5 điểm): Những sáng tạo mang đậm dấu ấn phong cách thơ Chế Lan Viên; góp phần làm mới đề tài quen thuộc.

*Lưu ý: Trong quá trình phân tích cần so sánh với những tác phẩm khác (trong ca dao, thơ của Nguyễn Duy, Nguyễn Khoa Điềm,…) để thấy sự độc đáo của thơ Chế Lan Viên.

2.2. Bài thơ là tiếng lòng chung của mọi người (2,0 điểm)

– Phong cách thơ đậm chất suy tưởng – triết lí thấm vào hình tượng thơ tạo nên những câu thơ đúc kết sự suy ngẫm, triết lí về những quy luật của đời sống tình cảm bền vững, rộng lớn và sâu sắc: Con dù lớn vẫn là con của mẹ/ Đi hết đời lòng mẹ vẫn theo con; Một con cò thôi/ Con cò mẹ hát/ Cũng là cuộc đời/ Vỗ cánh qua nôi.

– Những triết lí không cao xa mà gần gũi, dễ hiểu, có sức lay động thấm thía dễ đi vào lòng người.

Đánh giá, mở rộng (1,0 điểm)

– Khẳng định ý kiến.

– Để tác phẩm là cái riêng biệt, độc đáo, nhà văn cần nâng cao năng lực sáng tạo, mài sắc tư duy, có ý thức tìm tòi, khám phá. Nhưng để tác phẩm trở thành cái chung nhất của mọi người thì sự sáng tạo ấy không thể là sự cực đoan, lập dị, những tìm tòi khám phá không thể là cái dị biệt, xa lạ, khó hiểu.

Thang điểm:

Từ 8,0 đến 10,0 điểm: Đáp ứng tốt các yêu cầu trên; có kĩ năng giải thích tốt; phân tích tác phẩm có định hướng, có chiều sâu; văn viết có giọng điệu; làm chủ được bài viết.

Từ 6,0 đến 7,75 điểm: Đáp ứng khá tốt các yêu cầu trên; có kĩ năng giải thích; hiểu và phân tích tác phẩm có định hướng; diễn đạt mạch lạc.

Từ 4,0 đến 5,75 điểm: Chưa đầy đủ yêu cầu; phân tích có ý thức bám vào định hướng song chưa rõ; còn mắc lỗi về diễn đạt, chính tả.

Từ 2,0 đến 3,75 điểm: Bài viết sơ sài; phân tích chung chung; còn mắc lỗi về diễn đạt, chính tả.

Dưới 2,0 điểm: Không có kĩ năng làm kiểu bài; không hiểu tác phẩm; còn mắc lỗi về diễn đạt, chính tả.

Điểm 0,0: Làm sai hoàn toàn hoặc không làm bài.

Lưu ý:

Không đếm ý cho điểm, cân nhắc toàn bài để đánh giá.

Khuyến khích những bài có ý sâu, có phát hiện riêng, diễn đạt có chất văn.

 

—HẾT—

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *