Tuyển chọn 10 đề thi thử Ngữ Văn THPT Quốc Gia – Đề 10

Đề thi THPT Quốc Gia

 

  

 

 

 

 

 

ĐỀ 10

ĐỀ  THI THỬ THPT QUỐC GIA 2020

MÔN NGỮ VĂN

Thời gian: 120 phút

 

I.Đọc hiểu: (3.0 điểm)

   Đọc đoạn trích sau đây và trả lời các câu hỏi

  • Ứng xử là thái độ, hành vi, lời nói thích hợp trong quan hệ giao tiếp giữa người với người, giữa người với thiên nhiên. Thuật ngữ văn hóa đặt trước ứng xử có nghĩa là tô đậm chiều cao phẩm chất, chiều rộng quan hệ của người ứng xử. Có con người là có cách ứng xử giữa họ với nhau, giữa họ với môi trường sống. Nhưng văn hóa ứng xử được hình thành từ khi văn minh phát triển ở một cấp độ nào đó nhằm diễn đạt cách ứng xử của con người đối với thiên nhiên, đối với xã hội và đối với chính mình…
  • Ở các nền văn hóa khác nhau có hệ chuẩn không giống nhau, nhưng vẫn có giá trị chung. Đó là sống có lí tưởng, trung với nước, hiếu với cha mẹ, tình thương đối với đồng bào, trung thực với bạn bè, giữ chữ tín trong mọi quan hệ. Trong văn hóa phương Đông, Khổng Tử khuyên mọi người tu tâm dưỡng tính với sáu chữ: nhất nhật tam tĩnh ngô thân. Đối với người Nhật, nhân cách văn hóa được công thức hóa : thiện, ích, đẹp. Nước ta coi trọng mục tiêu giá trị : chân, thiện, mĩ. Ở châu Âu, người ta nói tính cách ,khi bàn giá trị nhân cách tiêu biểu dân tộc. Tính cách Nga được thể hiện ở lòng đôn hậu, tình thủy chung, nghĩa cử quốc tế cao cả. Khẩu hiệu tri thức là sức mạnh được nhiều nước tư bản châu Âu viện dẫn và ảnh hưởng tới hành động đã mấy trăm năm. Bí quyết hàng đầu của người Do Thái là sự trọng học, đề cao vai trò của trí tuệ, tôn sùng học vấn và tài năng. Để con gái lấy được học giả, hoặc lấy được con người là học giả làm vợ thì không tiếc tài sản. Tuy nhiên họ cũng coi tri thức mà thiếu thực tiễn chẳng khác nào chú lừa chỉ biết thồ trên lưng sách vở.

 

Câu 1: Nêu nội dung chính của mỗi đoạn văn trong đoạn trích trên .( 0.5 điểm)

Câu 2: Theo người viết, giá trị chung của văn hóa ứng xử là gì ? ( 0,5 điểm)

Câu 3 : Hãy nêu ít nhất 3 tiêu chí  giao tiếp thể hiện văn hóa ứng xử giữa con người với nhau trong cuộc sống hàng ngày. ( 1.0 điểm)

Câu 4. Thông điệp nào của đoạn trích mà anh ( chị) thấy tâm đắc nhất ? ( 1.0 điểm)

  1. Làm văn: (7.0 điểm)

Câu 1: (2.0 điểm)

Hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh /chị về cách ứng xử của con người với chính mình

Câu 2:  (5.0 điểm)

Trong truyện ngắn Vợ nhặt, nhà văn Kim lân đã nhiều lần miêu tả giọt nước mắt và nụ cười của bà cụ Tứ. Buổi chiều hôm trước: “Trong kẽ mắt kèm nhèm của bà rỉ xuống hai dòng nước mắt;… Bà lão nghẹn lời không nói được nữa, nước mắt cứ chảy xuống ròng ròng” và trong bữa ăn sáng hôm sau: “ Bà lão đặt cái nồi xuống bên cạnh mẹt cơm, cầm cái môi vừa khuấy vừa cười:

      – Chè đây. – Bà lão múc ra một bát- Chè khoán đây, ngon đáo để cơ”.

( Kim Lân- Ngữ văn 12, Tập hai, NXB Giáo dục Việt Nam, 2015, tr28,29 và 31)

Phân tich nỗi niềm của nhân vật người mẹ trong những lần miêu tả trên để thấy rõ tài năng và tấm lòng của nhà văn Kim Lân trong việc phát hiện và mô tả con người.

—— Hết —–

 

HƯỚNG DẪN CHẤM

  1. HƯỚNG DẪN CHUNG:

1.Thầy cô giáo nắm vững yêu cầu của Hướng dẫn chấm và Đáp án-Thang điểm  để đánh giá tổng quát bài làm của học sinh. Do đặc trưng của bộ môn Ngữ văn,thầy cô giáo cần linh hoạt trong quá trình chấm, tránh đếm ý cho điểm, khuyến khích những bài viết sáng tạo.

2.Việc chi tiết hóa điểm số của các câu (nếu có) phải được thống nhất chung trong tổ chấm và đảm bảo không sai lệch với tổng điểm toàn bài.

3.Bài thi được chấm theo thang điểm 10, lấy đến 0.25; không làm tròn điểm.

  1. HƯỚNG DẪN CỤ THỂ:

 

NỘI DUNG Điểm
I.ĐỌC HIỂU 3.0
Câu 1:.Nội dung mỗi đoạn văn

(1)   Giải thích khái niệm “ văn hóa ứng xử”

(2)   Các nền văn hóa khác nhau có hệ chuẩn không giống nhau, nhưng vẫn có giá trị chung

0.5
Câu 2:Theo người viết, giá trijchung của văn ứng xử là : sống có lí tưởng, trung với nước, hiếu với cha mẹ, tình thương đối với đồng bào, trung thực với bạn bè, giữ chữ tín trong mọi quan hệ. 0.5
Câu 3:Nêu được 3 tiêu chí giao tiếp thể hiện văn hóa ứng xử giữa con người với nhau trong cuộc sống hàng ngày. ( chẳng hạn: biết thưa gửi, nhường lựọt lời cho người đối thoại; chúý lắng nghe, khuyến khích người đối thoại tự nói về họ, tránh nói nhiều về mình; xin lỗi khi làm phiền, có lỗi và cảm ơn khi nhận được sự giúp đỡ của ai đó…) 1.0
Câu 4: Học sinh có nhiều lựa chọn và cóthể trả lời theo nhiều cách , miễn sao hợp lí và sát với nội dung đoạn trích.

-Mỗi nền văn hóa có những chuẩn riêng về giao tiếp ứng xử nhưng vẫn có những giá trị chung mà chúng ta cần hiểu và tôn trọng

Hoặc

– Văn hóa ứng xử là thước đo giá trị, phẩm chất của mỗi con người

1.0
II. LÀM VĂN 7.0
Câu 1: 2.0
1.    1. Yêu cầu chung:

– Thí sinh biết kết hợp kiến thức và kĩ năng để viết đoạn văn nghị luận.

– Lập luận thuyết phục, diễn đạt mạch lạc; không mắc lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu

– Những bài đạt điểm tối đa phải đảm bảo yêu cầu về hình thức và cả nội dung đoạn văn

 
2.    2. Yêu cầu cụ thể:  
a.Đảm bảo hình thức đoạn văn 0.25
b.Xác định đúng vấn đề nghị luận:  Cách ứng xử của con người với chính mình 0.25
c.Triển khai vấn đề nghị luận

Thí sinh lựa chọn các thao tác lập luận phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận theo nhiều cách nhưng cần làm rõ các nội dung theo hướng sau:

– Giải thích:  cách ứng xử với chính mình là thái độ, suy nghĩ, đánh giá về chính bản thân mình.

– Biểu hiện của cách ứng xử văn hóa với chính mình:

+ Hiểu rõ điểm mạnh, điểm yếu của bản thân;

+Không tự đánh giá quá cao về bản thân nhưng cũng không tự hạ thấp mình;

+Biết phát huy điểm mạnh và hạn chế,  khắc phục điểm yếu;

+ Trân trọng, giữ gìn cả vẻ đẹp hình thức và tâm hồn.

– Bình luận: Con người cần có thái độ ứng xử văn hóa với chính bản thân mình vì :

+ Mỗi người đều có những điểm mạnh và điểm yếu ( nhân vô thập toàn).

+ Hiểu rõ bản thân, có thái độ, suy nghĩ đúng đắn, tích cực về mình ,con người mới có thái độ, suy nghĩ tích cực về người khác ( Ta không thể ứng xử văn hóa với người khác nếu không biết ứng xử văn hóa với mình).

+ Thật đáng buồn khi hiện nay có không ít người  ứng xử không văn hóa với mình và với người khác .

– Bài học nhận thức, hành động:

+ Ứng xử văn hóa với chính mình giúp nâng cao giá trị bản thân và là cơ sở để hình thành văn hóa ứng xử với người xung quanh.

+ Trước khi đánh giá về nguười khác cần biết nhận thức, đánh giá về mình.

1.0
d.Chính tả, dùng từ, đặt câu: Đảm bảo quy tắc chính tả, dùng từ, đặt câu. 0.25
e.Sáng tạo: Có cách diễn đạt mới mẻ, thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận. 0.25
Câu 2:Phân tích nỗi niềm của nhân vật người mẹ ( bà cụ Tứ) qua những giọt nước mắt và nụ cười để thấy rõ tài năng và tấm lòng của nhà văn Kim Lân trong việc phát hiện và mô tả con người. 5.0
1. Yêu cầu chung:

Thí sinh biết kết hợp kiến thức và kĩ năng để viết bài văn nghị luận văn học.

Bài viết phải có bố cục đầy đủ, rõ ràng; văn viết có cảm xúc; thể hiện năng lực cảm thụ văn học tốt; diễn đạt trôi chảy, đảm bảo tính liên kết; không mắc lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu.

 
2. Yêu cầu cụ thể:  
2.1. Đảm bảo cấu trúc bài văn nghị luận: Mở bài giới thiệu được vấn đề; Thân bài triển khai được vấn đề; kết bài khái quát được vấn đề. 0.25
2.2. Xác định đúng vấn đề cần nghị luân: nỗi lòng của nhân vật bà cụ Tứđể thấy rõ tài năng và tấm lòng của nhà văn Kim Lân trong phát hiện và mô tả con người. 0.5
2.3. Triển khai vấn đề nghị luận:

Vận dụng tốt các thao tác lập luận; kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng.

 
* Giới thiệu khái quát về tác giả, tác phẩm, vấn đề nghị luận. 0.5
*Phân tích nỗi niềm của nhân vật bà cụ Tứ:

-Buổi chiều hôm trước

+Hiểu ra cơ sự ( việc Tràng nhặt vợ), tâm trạng người mẹ trở nên nặng nề với sựđan xen của những cảm xúc phức tạp: xót thương cho sự thua thiệt của con trai;  buồn tủi vì bổn phận là mẹ mà bà không thể giúp gì cho con khi cảnh nhà nghèo khó và còn vì hiểu rằng cuộc hôn nhân này cũng chỉ là bất đắc dĩ…nên “ kẽ mắt của bà rỉ xuống hai dòng nước mắt”.

+Thương con trai lấy vợ lúc đói quay đói quắt, bà cũng thấu hiểu cái trớ trêu của nghich cảnh “ người ta có gặp bước khó khăn, đói khổ này, người ta mới lấy đến con mình. Mà con mình mới lấy được vợ “ để rồi bà  thấy thươngcon dâu nhiều hơn.

+Lo lắng cho tương lai của các con, trong căn nhà rúm ró, xiêu vẹo,lòng người mẹ như cũng tối sầm lại với những ý nghĩ u ám khổ đau. Nỗi buồn tủi, xót thương lại khiến bà rơi nước mắt.

1.5

 

 

– Trong bữa ăn sáng hôm sau

+ Dường như những buồn đau, lo lắng qua đi, chỉ còn lại niềm vui, sự hi vọng. Nó được biểu hiện không chỉ ở dáng vẻ, nét mặt mà cả trong lời nói và việc làm.

+ Nồi cháo cám đắng chát, bứ nghẹn mà bà cụ xem như chè khoán ( một thức quà ngon) được mang ra để đãi các con trong tâm thế vui vẻ ( vừa khuấy vừa cười)  chứa trong nó tấm lòng người mẹ thương con và một nghị lực sống kiên cường.

+ Thái độ, lời nói của bà cụ tạo không khí ấm cúng và ngăn giữ sự xâm lấn trở lại của những cảm xúc ai oán, bi quan.

ó Bà cụ Tứ mang tính cách của một bà mẹ nông dân nghèo, từng trải trong cuộc sống và cũng rất mực thương con; chất phác, hiền hậu, nhân từ và cũng rất sâu sắc trong tình người.

1.0

 

 

 

 

 

 

*Tài năng và tấm lòng của nhà văn:

– Kim Lân đã chọn được những chi tiết đặc sắc, sắp xếp hợp lí, hoàn hảo để tạo được logic và tính hợp lí của những biểu hiện, diễn biến tâm lí nhân vật. Nhà văn đã kết hợp nhiều điếm nhìn trần thuật- nhìn từ bên trong để diễn tả đến tận cùng sự phức tạp của tâm lí và chiều sâu của những tình cảm, nỗi niềm trong lòng nhân vật; nhìn từ bên ngoài để có những đánh giá khách quan.

– Tấm lòng yêu thương con người của nhà văn được thể hiện phong phú ở sự cảm thông sâu sắc với nỗi khổ, ở niềm tin tưởng vào những phẩm chất quý giá, ở tinh thần khẳng định sức sống, khát vọng sống của con người. Tất cả tạo nên chiều sâu nhân đạo cho nội dung tác phẩm.

0.5
d/ Chính tả, dùng từ, đặt câu

Chữ viết rõ ràng;đảm bảo chuẩn chính tả, từ ngữ , ngữ pháp Tiếng Việt.

0.25
e/ Sáng tạo

Có cách diễn đạt mới mẻ, thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận.

0.5

 

—————–Hết—————-

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *