Đề thi thử THPT Quốc gia môn văn 2019 theo hướng mới. Rừng xà nu. đề 13

Đề thi THPT Quốc Gia

LUYỆN THI QUỐC GIA MÔN NGỮ VĂN NĂM 2019                                                                                                                                                                  ( Thời gian: 120 phút)

Phần I. Đọc hiểu (3,0 điểm)

Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu:

Một cô giáo ở Quảng Bình đã trừng phạt học sinh bằng cách ra lệnh cho cả lớp mỗi người tát bạn 10 cái, ai tát nhẹ sẽ bị bạn tát lại. Sự đau đớn thật không thể nào tả nổi, nhất là khi nhà trường và chính quyền xin gia đình không làm to chuyện vì ảnh hưởng đến thành tích. Nhiều bài bình luận chĩa mũi dùi vào vấn nạn bạo lực. Tuy nhiên, tôi cho rằng đó không phải là gốc của vấn đề. Bạo lực, từ khía cạnh tâm lý, nhìn chung, đều xuất phát từ sợ hãi.(…)

Trong lời trần tình, cô giáo sợ lớp mình bị xếp hạng cuối. Nhà trường sợ mất thi đua. Chính quyền địa phương sợ bêu tiếng xấu. Và những đứa trẻ phải tát bạn, chúng làm điều đó cũng vì sợ hãi: sợ bị lạc loài, sợ bị coi là cá biệt,nỗi khát khao được trở thành một con cừu ngoan ngoãn. Và trên nhất, là sợ cô giáo.

Ngoài nỗi sợ, ngoài tâm lý số đông, còn lý do gì khác lý giải cả lớp đều nghe theo lời cô giáo ở tình huống này? Có chăng tình huống một bộ phận các em thấy nó “vô lý” mà “khước từ” yêu cầu của cô giáo? Trong tình huống này, tư duy độc lập và khả năng phản biện cá nhân đã vắng bóng hoàn toàn. Chừng nào còn quan niệm trẻ nào chăm chăm nghe ba mẹ, thầy cô mới là ngoan; lối học truyền thụ một chiều còn duy trì thì không thể có tư duy cá nhân và tính phản biện.(…)

Bạo lực không phải là vấn đề đau đớn nhất ở đây. Đó phải là sự sợ hãi. Cách giải quyết không phải là thủ tiêu sự sợ hãi, mà là xác định lại đối tượng của nó. Sợ hãi uy quyền một cách u mê có thể khiến ta thoái hoá, tàn nhẫn với bản thân và đồng loại. Nhưng sự sợ hãi vì đi ngựợc lại lẽ phải sẽ khiến ta cất lên tiếng nói phản kháng, góp phần làm cuộc sống của chính mình và xã hội tốt đẹp hơn…”

(Trích “Những cái tát” – Nguyễn Phương Mai, dẫn theoVn Express, thứ Hai, 26/11/2018)

Thực hiện các yêu cầu:

Câu l:Xác định phương thức biểu đạt chính của văn bản.

Câu 2:Theo tác giả, nguyên nhân nào khiến cho những đứa trẻ phải tát bạn?

Câu 3: Phát hiện và phân tích hiệu quả tu từ trong các câu văn sau: Ngoài nỗi sợ, ngoài tâm lý sổ đông, còn lý do gì khác lý giải cả lớp đều nghe theo lời cô giáo ở tình huống này? Có chăng tình huống một bộ phận các em thấy nó “vô lý” mà “khước từ” yêu cầu của cô giáo? Trong tình huống này, tư duy độc lập và khả năng phản biện cá nhân đã vắng bóng hoàn toàn.

Câu 4: Anh/chị có đồng tình với quan điểm: Sợ hãi uy quyền một cách u mê có thể khiến ta thoái hoá, tàn nhẫn với bản thân và đồng loại không? Vì sao?

Phn II. Làm văn (7,0 đim)

Câu 1. (2,0 đim)

Từ nội dung đoạn trích ở phần văn bản Đọc hiểu, anh/chị hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ về những giải pháp để giải tỏa tâm lí sợ hãi, góp phần làm cho cuộc sống của chính mình và xã hội tốt đẹp hơn.

Câu 2. (5,0 đim)

Trong truyện ngắn “Rừng xà nu ”, nhân vật cụ Mết có nói: “Chúng nó đã cầm súng, mình phải cầm giáo“.(Nguyễn Trung Thành – Ngữ văn 12, Tập hai, NXB Giáo dục Việt Nam, 2015, tr.46 ).

Anh/chị hãy phân tích nhân vật Tnú và hình ảnh dân làng Xô Man khi chưa cầm giáo và khi đã cầm giáo để làm sáng tỏ câu nói trên, từ đó làm nổi bật con đường đấu tranh đến với cách mạng của người dân Tây Nguyên.

HƯỚNG DẪN CHẤM 

 

Phần Câu/Ý Nội dung Điểm
I   Đọc hiểu 3.0
  1 Phương thức biểu đạt: Nghị luận/phương thức nghị luận 0.5
  2 Theo tác giả, nguyên nhân khiến những đứa trẻ phải tát bạn là vì: sợ hãi, sợ bị lạc loài, sợ bị coi là cá biệt, nỗi khát khao được trở thành một con cừu ngoan ngoãn. Và trên nhất là sợ cô giáo. 0.5
  3 Biện pháp tu từ: Câu hỏi tu từ /lặp cú pháp có câu hỏi tu từ

Hiệu quả: Thể hiện sự trăn trở, day dứt của người viết về một hệ quả giáo dục: thủ tiêu tư duy độc lập và khả năng phản biện của cá nhân học sinh.

1.0

 

 

  4  HS lí giải: Sợ hãi uy quyền một cách u mê có thế khiến ta thoái hoá, tàn nhẫn với bản thân và đồng loại.

Có thể theo hướng làm rõ, đồng tình hoặc phản đối ý kiến nêu trên nhưng cần thuyết phục có cơ sở và không lệch chuẩn đạo đức, văn hóa, thẩm mĩ, pháp luật của xã hội hiện nay.

1.0

 

 

 

 

II   Viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ về những giải pháp để giải tỏa tâm lí sợ hãi, góp phần làm cho cuộc sống của chính mình và xã hội tốt đẹp hơn. 2.0
  1 a. Đảm bảo cấu trúc đoạn văn nghị luận 200 chữ

Có đủ các phần mở đoạn, phát triển đoạn, kết đoạn. Mở đoạn nêu được vấn đề, phát triển đoạn triển khai được vấn đề, kết đoạn kết luận được vấn đề. ( Nếu HS viết từ 2 đoạn trở lên thì không cho điểm cấu trúc)

0.25

 

b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận về một vấn đề xã hội: những giải pháp để giải tỏa tâm lí sợ hãi, góp phần làm cho cuộc sống của chính mình và xã hội tốt đẹp hơn. 0.25

 

c.    Thí sinh có thể lựa chọn các thao tác lập luận phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận theo nhiều cách nhưng cần làm rõ vấn đề sự sợ hãi trong nhà trường, trong tâm lí HS. Tập trung vào việc đề xuất những giải pháp để giải tỏa tâm lí sợ hãi, góp phần làm cho cuộc sống của chính mình và xã hội tốt đẹp hơn.Cụ thể:

– Xác định rõ nguồn gốc nỗi sợ hãi;

– Đối mặt để vượt qua nỗi sợ:

+ Cần tạo cho mình sự tự tin vào bản thân khi bắt đầu thực hiện công việc mà trước đó ta rất lo sợ khi đối mặt.

+Cần phải có lòng dũng cảm để đối diện với nỗi lo sợ tiềm tàng trong tâm thức.

– Phê phán những người nhụt chí, thiếu mạnh mẽ, cam chịu, bạc nhược, đồng loã với cái xấu;

– Rút ra bài học nhận thức và hành động cho bản thân:

+ Nhận thức: thấy được ý nghĩa quan trọng của việc chiến thắng nỗ sợ hãi

+ Hành động: học tập và rèn luyện, nhất là học kĩ năng sống, tạo cho mình bản lĩng vững vàng để vượt qua nỗi sợ hãi.

1.00
d. Sáng tạo

Có cách diễn đạt sáng tạo, thể hiện suy nghĩ sâu sắc, mới mẻ về vấn đề nghị luận.

0,25
e. Chính tả, dùng từ, đặt câu: Đảm bảo quy tắc chính tả, dùng từ, đặt câu. ( Sai từ 2 lỗi trở lên sẽ không tính điểm này) 0,25
  2 Anh/chị hãy phân tích nhân vật Tnú và hình ảnh dân làng Xô Man khi chưa cầm giáo và khi đã cầm giáo để làm sáng tỏ câu nói của cụ Mết, từ đó làm nổi bật con đường đấu tranh đến với cách mạng của người dân Tây Nguyên. 5,0
1. Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận

Có đủ các phần mở bài, thân bài, kết bài. Mở bài nêu được vấn đề, thân bài triển khai được vấn đề, kết bài kết luận được vấn đề.               

(0,25)
2. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận

Nhân vật Tnú và hình ảnh dân làng Xô Man khi chưa cầm giáo và khi đã cầm giáo để làm sáng tỏ câu nói của cụ Mết, từ đó làm nổi bật con đường đấu tranh đến với cách mạng của người dân Tây Nguyên.

(0,25)
3. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm; thể hiện sự cảm nhận sâu sắc và vận dụng tốt các thao tác lập luận; kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng. Cụ thể:

I.Mở bài: Giới thiệu khái quát về tác giả, tác phẩm và vấn đề nghị luận 0.25

-Nguyễn Trung Thành là một nhà văn quân đội gắn bó với Tây Nguyên suốt hai cuộc kháng chiến, có nhiều tác phẩm thành công về mảnh đất và con người nơi đây.

-Tác giả thành công với truyện ngắn Rừng xà nu – được xem là hịch tướng sĩ  trong kháng chiến chống Mĩ.

-Một trong những câu nói trở thành chân lí là lời của cụ Mết: Chúng nó đã cầm súng, mình phải cầm giáo. Nhân vật Tnú và hình ảnh dân làng Xô Man khi chưa cầm giáo và khi đã cầm giáo để làm sáng tỏ điều đó, đồng thời làm nổi bật con đường đấu tranh đến với cách mạng của người dân Tây Nguyên.

II.Thân bài: 3.50

1. Khái quát tác phẩm:

-Truyện ngắn “Rừng xà nu” được nhà văn Nguyễn Trung Thành viết năm 1965, in trong tập “Trên quê hương những anh hùng Điện Ngọc”.

-Truyện miêu tả rừng xà nu và kể chuyện Tnú sau ba năm đi “lực lượng” về thăm làng. Tối hôm đó, tại nhà cụ Mết, dân làng mừng đón Tnú, Cụ Mết kể cho dân làng nghe câu chuyện về cuộc đời Tnú và cuộc nổi dậy của làng Xô Man chống kẻ thù tàn bạo. Sáng hôm sau, cụ Mết và Dít tiễn chân Tnú trở về đơn vị.

   2. Phân tích nhân vật Tnú và hình ảnh dân làng Xô Man khi chưa cầm giáo và khi đã cầm giáo để làm sáng tỏ câu nói của cụ Mết:

   a. Về nội dung:

-Hoàn cảnh xuất hiện câu nói của cụ Mết:

+ Tnú về thăm làng Xô Man sau ba năm đi lực lượng;

+ Cụ Mết kể cho dân làng nghe về việc vợ con Tnú bị kẻ thù tra tấn dã man. Tnú xông ra cứu vợ con nhưng không thành

+ Cụ cũng không kìm nổi sự tiếc thương, đau đớn và xúc động, cụ “vụng về trở bàn tay lau một giọt nước mắt” như muốn che giấu lòng mình. Và cụ đã dặn dò con cháu qua câu nói trở thành chân lí: Chúng nó đã cầm súng, mình phải cầm giáo;

+ Ý nghĩa câu nói: phải chống lại bạo lực bằng bạo lực, phải dám đứng lên tiến hành chiến tranh vũ trang cách mạng để chống lại chiến tranh phản cách mạng của kẻ thù.

Nhân vật Tnú và hình ảnh dân làng Xô Man khi chưa kịp cầm giáo mà kẻ thù đã cầm súng:

+Lúc ấy, nhân vật Tnú và dân làng Xô Man đã có trong mình cả lí tưởng cách mạng, cả ý thức văn hoá (kí ức về những sử thi anh hùng của Tây Nguyên, ý thức học chữ để làm cách mạng) và những phẩm chất tốt đẹp (Mai hiền dịu, giàu đức hi sinh; Tnú khoẻ mạnh, gan góc, tuyệt đối trung thành với cách mạng; làng Xô Man giàu tình nghĩa… ). Với chừng ấy những thứ quý báu, họ cũng không thể tự bảo vệ mình và những gì mình yêu thương (cái chết của anh Xút, bà Nhan, Mai và đứa con của Mai với Tnú… Chính Tnú cũng bị đốt cụt 10 đầu ngón tay).

+Lí do: “Mày chỉ có hai bàn tay trắng. Tau không nhảy ra cứu mày vì tau cũng chỉ có hai bàn tay không”. Khi chúng ta chỉ có hai bàn tay không, đơn độc giữa kẻ thù đầy vũ khí thì chúng ta không thể cứu được mọi người và cũng không thể tự cứu bản thân mình.

Nhân vật Tnú và hình ảnh dân làng Xô Man khi đã cầm giáo đứng lên:

+Khi lũ làng ào ào xông lên với giáo mác trong tay, lửa đã tắt trên bàn tay Tnú, đau thương ngừng lại, kẻ thù phải trả giá (Cái chết của 10 thằng ác ôn dưới mũi mác, mũi giáo của cụ Mết và thanh niên làng Xô Man, cái chết của thằng chỉ huy dưới bàn tay tàn tật của Tnú).

+Khi cầm vũ khí đứng lên, cuộc sống của làng Xô Man đã hoàn toàn thay đổi: âm thanh tiếng chày giã gạo dồn dập của làng Xô Man khi Tnú trở về, câu nói của cụ Mết: “Năm nay làng không đói. Gạo đủ ăn tới mùa suối. Nhưng phải để dành, dự trữ mỗi bếp cho được 3 năm. Mày đi cách mạng, người chỉ huy cũng dạy mày rồi, đánh thằng Mĩ phải đánh lâu dài” chính là biểu hiện cụ thể của sự thay đổi ấy.

+Khi cầm vũ khí đứng lên, dân làng Xô Man cũng như cánh rừng xà nu trở nên bất diệt: con đường đến làng Xô Man chằng chịt hầm chông, hố chông, giàn thò, những chỗ ác chiến điểm sẵn sàng đợi giặc. Rừng xà nu thì ào ào rung động, đại bác của kẻ thù không ngăn nổi sự sống, sức sống của những mầm cây đang tiếp tục nhú lên.

+Khi cầm vũ khí đứng lên, con người Xô Man trở nên hoàn thiện hơn: Dit giống Mai. Song Mai chỉ có tình yêu thương còn Dít có thêm cả sự cứng cỏi, hiểu biết và đầy bản lĩnh để bảo vệ những gì mình yêu thương. Heng giống Tnú song có thể thấy Heng sẽ đi xa hơn Tnú. Ở tuổi của Tnú ngày xưa, cậu bé Heng đã có tư thế của một người lính thực thụ, có những hiểu biết và ý thức hơn hẳn Tnú ngày xưa.

b. Nghệ thuật:

– Đặc sắc, đậm đà chất sử thi hùng tráng. Chất sử thi toát lên qua đề tài, chủ đề, cốt truyện, nhân vật, các chi tiết nghệ thuật, giọng điệu, ngôn ngữ của tác phẩm:

+ Đề tài có ý nghĩa lịch sử: sự vùng dậy của dân làng Xô man chống Mỹ Diệm.

+ Các nhân vật tiêu biểu được miêu tả trong bối cảnh trang nghiêm, hùng vĩ, vừa mang phong cách Tây Nguyên vừa mang phẩm chất của anh hùng thời đại.

+ Cách trần thuật: Chuyện về sự nổi dậy của dân làng và cuộc đời Tnú được kể lại trong một đêm anh về thăm làng, qua lời cụ Mết, bên bếp lửa bập bùng;

– Giọng kể trang trọng như truyền cho thế hệ con cháu những trang sử bi thương và anh hùng của cộng đồng. Chuyện về thời hiện tại được kể bằng giọng điệu và ngôn ngữ sử thi.

c.Nhận xét con đường đấu tranh đến với cách mạng của người dân Tây Nguyên:

– Qua tác phẩm, Nguyễn Trung Thành đã khái quát được con đường đấu tranh đến với cách mạng của người dân Tây Nguyên từ tự phát đến tự giác, từ bóng tối bước ra ánh sáng, từ nô lệ đến tự do;

– Tác giả khẳng định được sức sống bất diệt của Tây Nguyên trong cuộc đối mặt với kẻ thù.

III.Kết bài: 0.25

– Tóm lại vấn đề đã nghị luận

– Cảm nghĩ bài học cuộc sống từ lời nói của cụ Mết, từ nhân vật Tnú và dân làng Xô Man…

(4.00)
4. Sáng tạo

Có cách diễn đạt sáng tạo, thể hiện suy nghĩ sâu sắc, mới mẻ về vấn đề nghị luận.

( 0,25)
5. Chính tả, dùng từ, đặt câu

Đảm bảo quy tắc chính tả, dùng từ, đặt câu.( Sai từ 2 lỗi trở lên sẽ không tính điểm này)

( 0,25)

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *