Đề thi thử THPT quốc gia môn văn 2019, đề 16 Vợ nhặt

Đề thi THPT Quốc Gia

ĐỀ  “VỢ NHẶT” – KIM LÂN

Câu 1 (NB):  Đề tài của truyện ngắn Vợ nhặt (Kim Lân) viết về vấn đề gì?

  1. Viết về người dân lao động sau Cách mạng tháng Tám.
  2. Viết về người dân lao động trong nạn đói năm 1945.
  3. Viết về số phận của người phụ nữ ở nông thôn Việt Nam.
  4. Viết về đời sống nông dân trong xã hội cũ.

Câu 2 (NB): Những khuôn mặt hốc hác, u tối của họ bỗng dưng rạng rỡ hẳn lên. Có cái gì lạ lùng và tươi mát thổi vào cuộc sống đói khát, tăm tối ấy của họ.

“Họ” trong hai câu trên là chỉ cho những ai?

  1. Tràng và người vợ nhặt.
  2. Bà cụ Tứ, Tràng và người vợ nhặt.
  3. Người dân xóm ngụ cư.
  4. Tràng và người dân xóm ngụ cư.

Câu 3 (TH): Nhan đề “Vợ nhặt” gợi ra cho chúng ta điều gì?

  1. Hình ảnh một người đàn bà rách rưới.
  2. Hình ảnh một người đàn ông may mắn.
  3. Một tình huống truyện độc đáo.
  4. Một cuộc hôn nhân không hạnh phúc.

Câu 4 (TH):  Nhận xét nào sau đây không chính xác về nhân vật Tràng trong Vợ nhặt của Kim Lân?

  1. Tràng có ngoại hình xấu xí, thô kệch.
  2. Đối với Tràng, có vợ là bước ngoặt của cả cuộc đời: sống quan tâm hơn, lo lắng đến gia đình hơn.
  3. Tràng là người suy tính kĩ càng, cân nhắc thiệt hơn mọi việc rồi mới làm.
  4. Lấy vợ chẳng phải vì tình, chỉ là “nhặt vợ” một cách dễ dàng, nhưng không vì thế mà Tràng coi thường người vợ của mình.

Câu 5 (VD): Thông điệp sâu sắc mà tác giả Kim Lân gửi đến người đọc qua tác phẩm Vợ Nhặt là gì?

  1. Khẳng định cái đói khát, chết chóc có thể khiến con người trở nên liều lĩnh, thấp hèn, họ hành động chỉ vì miếng ăn.
  2. Khẳng định cái đói khát, chết chóc có thể làm thay đổi nhân hình và tính cách của con người, làm cho con người bị tha hóa.
  3. Khẳng định cái đói khát, cái chết chóc không thể giết chết niềm tin vào cuộc sống, khao khát hạnh phúc của những người lao động nghèo khổ.
  4. Khẳng định cái đói khát, cái chết chóc không thể giết chết tình yêu thương của những con người lao động nghèo khổ.

Câu 6 (VDC):  Kết thúc tác phẩm Vợ nhặt của Kim Lân, so với các tác phẩm viết về số phận người dân lao động của các nhà văn hiện thực giai đoạn 1930 – 1945 có điểm gì đặc biệt?

  1. Tiến bộ hơn ở chỗ: nhân vật tuy vẫn đang ở trong hiện thực đói khát, trong tiếng trống thúc thuế dồn dập nhưng ở họ đã hướng niềm tin đổi đời về cách mạng.
  2. Khác nhau ở chỗ: người lao động cuối cùng đã tự giải thoát được cho mình thoát khỏi hiện thực đói khát.
  3. Tiến bộ hơn ở chỗ: người lao động đã phản kháng bằng cách đoàn kết, chung sức với nhau để lật nhào ách áp bức của phong kiến, địa chủ.
  4. Đều giống nhau ở chỗ: số phận người lao động đều rơi vào bế tắc, tuyệt vọng. 

ĐỀ TỰ LUẬN – VỢ NHẶT

– Họ và tên người soạn: Nguyễn Thị Kiều

PHẦN ĐỌC HIỂU: 3.0 điểm.

Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu nêu bên dưới:

Chúng ta ai cũng khao khát thành công. Tuy nhiên, mỗi người định nghĩa thành công theo cách riêng. Có người gắn thành công với sự giàu có về tiền bạc, quyền lực, tài cao học rộng; có người lại cho rằng có một gia đình êm ấm, con cái nên người là thành công, v.v. Chung quy lại, có thể nói thành công là đạt được những điều mong muốn, hoàn thành mục tiêu của mình.

Nhưng nếu suy ngẫm kỹ, chúng ta sẽ nhận ra rằng thật ra, câu hỏi quan trọng không phải là “Thành công là gì?” mà là “Thành công để làm gì?” Tại sao chúng ta khát khao thành công? Suy cho cùng, điều chúng ta muốn không phải bản thân thành công mà là cảm giác mãn nguyện và dễ chịu mà thành công đem lại, khi chúng ta đạt được mục tiêu của mình. Chúng ta nghĩ rằng đó chính là hạnh phúc. Nói cách khác, đích cuối cùng mà chúng ta nhắm tới thật ra là hạnh phúc, còn thành công chỉ là phương tiện.

Quan niệm cho rằng thành công hơn sẽ giúp chúng ta hạnh phúc hơn chỉ là sự ngộ nhận, là ảo tưởng.

Bạn hãy để hạnh phúc trở thành nền tảng cuộc sống, là khởi nguồn giúp bạn thành công hơn chứ không phải điều ngược lại! Đó chính là ‘bí quyết’ để bạn có một cuộc sống thực sự thành công.

(Theo http://songhanhphu c.net/tin-tuc)

 

Câu 1 (NB): (0.5 điểm).

Nêu ra những định nghĩa về thành công được tác giả đề cập trong văn bản trên?

Trả lời: Thành công là sự giàu có về tiền bạc, quyền lực, tài cao học rộng;  có một gia đình êm ấm, con cái nên người là thành công; thành công là đạt được những điều mong muốn, hoàn thành mục tiêu của mình.

Câu 2 (TH):  (0.5 điểm).

Theo tác giả, điều nào quan trọng hơn: thành công là gì? Hay thành công để làm gì?

Trả lời: Theo tác giả, lợi ích của thành công quan trọng hơn. Đó là cảm giác mãn nguyện và dễ chịu mà thành công đem lại, khi chúng ta đạt được mục tiêu của mình

 Câu 3 (TH): (1.0 điểm).

Vì sao tác giả cho rằng: quan niệm thành công hơn sẽ giúp chúng ta hạnh phúc hơn chỉ là sự ngộ nhận, là ảo tưởng?

Trả lời: Tác giả cho rằng: quan niệm thành công hơn sẽ giúp chúng ta hạnh phúc hơn chỉ là sự ngộ nhận, là ảo tưởng vì: Trên thực tế, chúng ta chứng kiến biết bao nhiêu người thành công vượt bậc, nổi tiếng và giàu có nhưng vẫn bất hạnh, trầm cảm, nhiều người bế tắc và phải tìm đến cái chết.

Câu 4 (VD): (1.0 điểm).

Anh/chị có đồng tình với quan niệm hạnh phúc là nền tảng cuộc sống không? Vì sao?

Trả lời: Nêu rõ quan điểm đồng tình hay không đồng tình; lý giải hợp lý, thuyết phục.

PHẦN LÀM VĂN: 7.0 điểm.

Câu 1: (2.0 điểm) Từ nội dung văn bản phần Đọc hiểu, anh/ chị hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ về mối quan hệ giữa thành công và hạnh phúc.

 

Hướng dẫn chấm

  1. Đảm bảo hình thức đoạn văn. (0.25 điểm)
  2. Xác định đúng vấn đề nghị luận: Suy nghĩ về mối quan hệ giữa thành công và hạnh phúc. (0.25 điểm)
  3. Thí sinh vận dụng hợp lý các thao tác lập luận để triển khai vấn đề: (1.0 điểm)

– Lí giải thế nào là thành công, thế nào là hạnh phúc.

– Bàn về mối quan hệ hai chiều của thành công và hạnh phúc:

+ Thành công có giúp chúng ta hạnh phúc?

+ Hạnh phúc có phải là sự thành công?

– Đánh giá xem thành công hay hạnh phúc giữ vai trò nền tảng, là yếu tố quyết định hơn, là cái đích hướng đến.

– Bài hoc nhận thức và hành động: Làm gì để có thành công và hạnh phúc.

  1. Sáng tạo: Thí sinh có những cái nhìn mới mẻ, có bài học sâu sắc … (0.25 điểm)
  2. Chính tả, dùng từ, đặt câu: Đảm bảo yêu cầu về chính tả, dùng từ, đặt câu. (0.25 điểm)

 

Câu 2: (5.0 điểm).

Trong truyện ngắn Vợ nhặt, nhà văn Kim Lân đã miêu tả tâm trạng của bà cụ Tứ. Chiều hôm trước, khi biết con trai mình dắt vợ: “Bà lão cúi đầu nín lặng. Bà lão hiểu rồi. Lòng người mẹ nghèo khổ ấy còn hiểu ra biết bao nhiêu cơ sự, vừa ai oán vừa xót thương cho số kiếp đứa con mình. Chao ôi, người ta dựng vợ gả chồng cho con là lúc trong nhà ăn nên làm nổi, những mong sinh con đẻ cái mở mặt sau này. Còn mình thì…Trong kẽ mắt kèm nhèm của bà rỉ xuống hai dòng nước mắt…Biết rằng chúng nó có nuôi nổi nhau sống qua được cơn đói khát này không.” Và sáng hôm sau, trong buổi cơm “Bà cụ vừa ăn vừa kể chuyện làm ăn, gia cảnh với con dâu. Bà lão nói toàn chuyện vui, toàn chuyện sung sướng về sau này.”

(Kim Lân – Ngữ văn 12, Tập hai, NXB Giáo dục Việt Nam, 2015, tr28 và tr31)

Phân tích tâm trạng  bà cụ Tứ trong hai lần miêu tả trên, từ đó là nổi bật thông điệp mà nhà văn muốn gửi gắm qua nhân vật này.

…HẾT…

 

          Hướng dẫn chấm:

  1. Đảm bảo hình thức bài văn nghị luận văn học. (0.25 điểm)
  2. Xác định đúng vấn đề nghị luận: (0.5 điểm)
  3. Thí sinh vận dụng hợp lý các thao tác lập luận để triển khai vấn đề:

* Giới thiệu vài nét về tác giả, tác phẩm và nêu vấn đề nghị luận. (0.5 điểm)

* Phân tích tâm trạng của bà cụ Tứ qua hai lần miêu tả(2.0 điểm):

– Giới thiệu chung: Trong tác phẩm, bà cụ Tứ – một người mẹ nghèo khổ, chỉ xuất hiện ở giữa truyện khi anh Tràng đưa vợ về nhà, nhưng nhân vật này vẫn thu hút được sự quan tâm của người đọc bởi những vẻ đẹp tâm hồn, tính cách.

Tâm trạng của bà cụ Tứ ở buổi chiều hôm trước: ai oán xót thương cho tình cảnh của con trai và bản thân mình, lo lắng cho tình cảnh của con  à Người mẹ rất mực thương con, hiểu lẽ đời.

Tâm trạng của bà cụ tứ ở buổi sáng hôm sau: vui tươi, phấn khởi à Bà muốn mang lại niềm tin cho đôi vợ chồng trẻ à Tinh thần lạc quan, có niềm tin vào tương lai và hạnh phúc tươi sáng.

– Nhận xét:

+ Sự thay đổi trong diễn biến tâm trạng của bà cụ Tứ đã góp phần cho thấy bà là người mẹ rất thương con, có tinh thần lạc quan, luôn tin vào cuộc sống và tương lai.

+ Thể hiện ngòi bút phân tích tâm lí tinh tế. Ngôn ngữ mộc mạc, giản dị nhưng chắt lọc và giàu sức gợi.

Thể hiện tài năng và  tấm lòng nhân đạo  sâu sắc của tác giả dành cho nhân vật.

* Thông điệp của tác giả (1.0 điểm):

Ý nghĩa nhân bản mà nhà văn muốn gửi gắm qua nhân vật này là con người dù có đặt vào hoàn cảnh khốn cùng, cận kề cái chết nhưng vẫn không mất đi những giá trị tinh thần và phẩm chất tốt đẹp: lòng yêu thương con người và thái độ lạc quan, hi vọng vào tương lai tươi sáng dù cho chỉ có một tia hi vọng mỏng manh.

“Dù kề bên cái đói, cái chết, người ta vẫn khát khao hạnh phúc, vẫn hướng về ánh sáng, vẫn tin vào sự sống và vẫn hi vọng ở tương lai.”

* Đánh giá chung vấn đề nghị luận (0.25 điểm)

  1. Sáng tạo: (0.25 điểm)
  2. Chính tả, dùng từ, đặt câu (0.25 điểm)

 

 

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *