Đề thi thử THPT Quốc gia môn văn 2019 theo hướng mới. đề 10

Đề thi THPT Quốc Gia

LUYỆN THI QUỐC GIA MÔN NGỮ VĂN NĂM 2019-                                                                                                                                                                  ( Thời gian: 120 phút)

Phần I. Đọc hiểu (3,0 điểm)

Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu:

Có những người luôn dè bỉu người khác và cho rằng nếu bản thân làm việc đó chắc chắn sẽ tốt hơn hoặc đôi khi lại săm soi họ tại sao làm như vậy. Nếu bạn cả cuộc đời chỉ biết đi trong đôi giày của chính mình bạn sẽ mãi là kẻ đơn độc, thế nhưng nếu bạn biết đặt mình vào đôi giày của người khác, bạn sẽ cảm nhận được những khó khăn, sự cố gắng và hoàn cảnh của họ. Đặt mình vào vị trí của người khác là cách mà bạn thay đổi cái nhìn về cuộc đời khách quan hơn. Đừng bao giờ để bản thân mình lên trên người khác, vì cho dù bạn có thành công cũng là thành công của một kẻ ích kỷ.

(https://thegioitre.vn/9-bai-hoc-cuoc-song-ma-tuoi-tre-phai-ghi-nho-55383.html)

  1. Chỉ ra tác hại của hành động luôn dè bỉu người khác được nêu trong đoạn trích.
  2. Xác định và nêu tác dụng biện pháp tu từ trong câu: Nếu bạn cả cuộc đời chỉ biết đi trong đôi giày của chính mình bạn sẽ mãi là kẻ đơn độc, thế nhưng nếu bạn biết đặt mình vào đôi giày của người khác, bạn sẽ cảm nhận được những khó khăn, sự cố gắng và hoàn cảnh của họ.
  3. Anh/ chị hiểu thay đổi cái nhìn về cuộc đời khách quan hơn như thế nào?
  4. Anh/Chị có cho rằng biết đặt mình vào đôi giày của người khác là điều tuổi trẻ cần ghi nhớ hay không? Vì sao?

Phn II. Làm văn (7,0 đim)

Câu 1. (2,0 đim)

Hãy viết 01 đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về ý nghĩa của việc “Đừng bao giờ để bản thân mình lên trên người khác, vì cho dù bạn có thành công cũng là thành công của một kẻ ích kỷ. đối với tuổi trẻ trong cuộc sống hôm nay được trích ở phần Đọc -hiểu.

Câu 2. (5,0 đim)

Trong truyện ngắn Vợ chồng A Phủ, ở phần mở đầu truyện,nhà văn Tô Hoài tả nhân vật Mị: “một cô gái ngồi quay sợi gai bên tảng đá trước cửa, cạnh tầu ngựa.Lúc nào cũng vậy, dù quay sợi, thái cỏ ngựa, dệt vải, chẻ củi hay đi cõng nước dưới khe suối lên, cô ấy cũng cúi mặt, mặt buồn rười rượi.” . Đến cuối truyện, khi chứng kiến “dòng nước mắt lấp lánh bò xuống hai hõm má đã xám đen” của A Phủ khi bị trói, Mị  suy nghĩ: “Trời ơi nó bắt trói đứng người ta đến chết. Nó bắt mình chết cũng thôi. Nó đã bắt trói đến chết người đàn bà ngày trước ở cái nhà này. Chúng nó thật độc ác. Chỉ đêm mai là người kia chết, chết đau, chết đói, chết rét, phải chết. Ta là thân đàn bà, nó đã bắt về trình ma rồi, chỉ còn biết đợi ngày rũ xương ở đây thôi… Người kia việc gì mà phải chết. A Phủ…”

(Tô Hoài – Ngữ văn 12, Tập hai, NXB Giáo dục Việt Nam, 2015, tr.4 và tr.13)

Phân tích hình ảnh nhân vật Mị trong hai lần được miêu tả như trên, từ đó làm nổi bật sự thay đổi của nhân vật này.

.———–HẾT———-

HƯỚNG DẪN CHẤM 

 

Phần Câu/Ý Nội dung Điểm
I   Đọc hiểu 3.0
  1 Tác hại của hành động luôn dè bỉu người khác được nêu trong đoạn trích:

-Dè bỉu người khác sẽ làm cho người dè bỉu trở nên tự cao, tự phụ vào bản thân mình.

– Luôn đánh giá thấp về người khác, khinh dễ họ dù họ có giỏi hơn mình gấp nhiều lần.

– Người bị dè bỉu họ sẽ cảm thấy bị tổn thương, không có đủ tự tin để tiếp tục cố gắng.

– Dè bỉu người khác là một trong những biểu hiện xuống dốc đạo đức của con người.

0.5
  2 -Biện pháp tu từ : Ẩn dụ: “đôi giày” là hoàn cảnh trong cuộc sống.

-Tác dụng: gợi hình ảnh cụ thể, giúp người đọc hình dung rõ ràng về việc chúng ta phải thấu hiểu cho hoàn cảnh của người khác. Không nên lấy suy nghĩ của mình áp đặt cho mọi người, mọi vấn đề.

1.0
  3       Thay đổi cái nhìn về cuộc đời khách quan hơn là cách suy nghĩ tích cực với mọi việc và mọi người. Phải biết thấu hiểu và thông cảm cho mọi người. Phải biết nhìn nhận mọi việc, để từ đó cư xử cho phù hợp theo chiều hướng khách quan. Luôn luôn thấu hiểu, luôn luôn sẻ chia. Vì cuộc đời không phải ai cũng có hoàn cảnh số phận như nhau. 0.5

 

 

 

  4 Biết đặt mình vào đôi giày của người khác là điều tuổi trẻ cần ghi nhớ vì: Sống trên đời, mỗi người đều có một hoàn cảnh, một số phận khác nhau ; tính cách và cách suy nghĩ cũng không thể giống nhau. Phải biết đặt bản thân mình vào vị trí của người khác để cảm nhận được sâu sắc những khó khăn thử thách của họ. Từ đó, mỗi chúng ta  sẽ có sự cảm thông và thấu hiểu. 1.0

 

 

 

 

II   Làm văn  
  1 Viết đoạn văn (khoảng 200 từ) bày tỏ suy nghĩ của bản thân ý nghĩa của việc “Đừng bao giờ để bản thân mình lên trên người khác, vì cho dù bạn có thành công cũng là thành công của một kẻ ích kỷ. đối với tuổi trẻ trong cuộc sống hôm nay được trích ở phần Đọc hiểu. 2.0
a. Đảm bảo cấu trúc đoạn văn nghị luận 200 chữ

Có đủ các phần mở đoạn, phát triển đoạn, kết đoạn. Mở đoạn nêu được vấn đề, phát triển đoạn triển khai được vấn đề, kết đoạn kết luận được vấn đề.

( Nếu HS viết từ 2 đoạn trở lên thì không cho điểm cấu trúc)

b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận về một tư tưởng đạo lí: “Đừng bao giờ để bản thân mình lên trên người khác, vì cho dù bạn có thành công cũng là thành công của một kẻ ích kỷ.

0.25

 

 

 

 

0.25

 

c. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm; vận dụng tốt các thao tác lập luận; các phương thức biểu đạt, nhất là nghị luận; kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng; rút ra bài học nhận thức và hành động. Cụ thể:

c.1. Câu mở đoạn:

-Nêu dẫn ý: Ông bà ta có câu “Cao nhân tắc hữu cao nhân trị” :(người tài cao thì sẽ có người tài cao hơn trị ).

– Nêu câu trích: “Đừng bao giờ để bản thân mình lên trên người khác, vì cho dù bạn có thành công cũng là thành công của một kẻ ích kỉ”.

-Vấn đề cần bàn: Sự kiêu căng, xem thường người khác luôn đem lại những hậu quả không ngờ. Nếu có thành công cũng là thành công một cách “thất bại” của con người ích kỷ.

c.2. Các câu phát triển đoạn:

– Giải thích:

+Để bản thân mình lên trên người khác là gì? Là luôn xem mình là tài giỏi hơn người khác, từ đó xem thương họ và luôn để cao bản thân mình

+Ích kỉ là gì? Là người chỉ biết sống vì lợi ích bản thân mình mà không quan tâm đến suy nghĩ của người khác.

+Nghĩa cả câu: đừng bao giờ xem mình là giỏi hơn người mà xem thường họ, vì cho dù bạn có thành công cũng là thành công của một kẻ  chỉ biết nghĩ đến bản thân mình.

– Phân tích, chứng minh về ý nghĩa câu nói đối với tuổi trẻ:

+ Tại sao tuổi trẻ đừng bao giờ để bản thân mình lên trên người khác?

++ Vì một khi đặt bản thân mình lên trên người khác thì bạn trẻ sẽ làm bất cứ điều gì để chứng minh cho người khác thấy rằng mình đang tài giỏi hơn mọi người. Từ đó dẫn đến chủ quan mà quyết định sai lầm, do không có suy nghĩ chín chắn.

++Sống mà tự cao quá mức, sẽ dễ dàng dẫn đến thất bại vì không có sự học hỏi tìm hiểu những thành công của những người khác. Người ta có thể yêu thương đùm bọc giúp đỡ người biết nhìn nhận lỗi lầm của mình sau khi vấp ngã, chứ ít ai san sẻ hay bảo vệ người cho mình là giỏi hơn hết. Chúng ta sẽ cô độc trong cuộc sống mà chính chúng ta đã tạo ra.

+ Bàn bạc mở rộng: Phê phán biểu hiện lối sống ích kỉ, tự cao, tự đại, xem bản thân mình là duy nhất. Bắt người khác làm theo suy nghĩ và hành động của mình. Như thế sẽ làm cho mọi người mất thiện cảm với bạn. Dù bạn có thành công, mọi người vẫn không xem bạn là người thành công đích thực mà chỉ xem như là thành công của kẻ thất bại.

c.3. Câu kết đoạn: đưa ra bài học nhận thức và hành động phù hợp:

-Nhận thức: Cần hiểu ý nghĩa của việc biết thấu hiểu, cảm thông cho người khác;

-Hành động: cần sống hòa đồng, gắn bó với sự đồng cảm, biết chia sẻ, giúp đỡ mọi người xung quanh, đấu tranh với những suy nghĩ tiêu cực ảnh hưởng đến người khác.

1.00
d. Sáng tạo

Có cách diễn đạt sáng tạo, thể hiện suy nghĩ sâu sắc, mới mẻ về vấn đề nghị luận.

0,25
e. Chính tả, dùng từ, đặt câu: Đảm bảo quy tắc chính tả, dùng từ, đặt câu. ( Sai từ 2 lỗi trở lên sẽ không tính điểm này) 0,25
  2 Phân tích hình ảnh nhân vật Mị trong hai lần được miêu tả, từ đó làm nổi bật sự thay đổi của nhân vật này. 5,0
1. Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận

Có đủ các phần mở bài, thân bài, kết bài. Mở bài nêu được vấn đề, thân bài triển khai được vấn đề, kết bài kết luận được vấn đề.              

(0,25)
2. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận

Hình ảnh nhân vật Mị trong hai lần được miêu tả, từ đó làm nổi bật sự thay đổi của nhân vật này.

(0,25)
3. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm; thể hiện sự cảm nhận sâu sắc và vận dụng tốt các thao tác lập luận; kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng. Cụ thể:

3.1.Mở bài: 0.25

-Tô Hoài là nhà văn xuất sắc của văn xuôi Việt Nam hiện đại;

– Sáng tác theo xu hướng hiện thực, thiên về phản ánh những sự thật của cuộc sống đời thường của con người, nhất là người dân miền núi trong những trang viết bình dị, tinh tế và giàu chất thơ.

-Truyện tiêu biểu của ông là tập Truyện Tây Bắc, trong đó có truyện Vợ chồng A Phủ ;

– Trong truyện, ở đầu và cuối truyện, nhà văn tập trung miêu tả hình ảnh nhân vật Mị, tiêu biểu cho số phận và vẻ đẹp tâm hồn của người phụ nữ miền núi Tây Bắc.

3.2.Thân bài: 3.50

a. Khái quát tác phẩm: Truyện “Vợ chồng A Phủ” được nhà văn Tô Hoài sáng tác năm 1952, in trong tập “Truyện Tây Bắc”. Tác phẩm gồm hai phần: phần đầu kể về cuộc sống tủi nhục của Mị và A Phủ ở Hồng Ngài, là nô lệ nhà thống lí Pá Tra; cuối phần một là cảnh Mị cứu và chạy theo A Phủ. Phần sau kể về Mị và A Phủ ở Phiềng Sa. họ trở thành vợ chồng, được giác ngộ cách mạng.

   b. Phân tích nhân vật Mị qua 2 lần miêu tả:

   * Về nội dung:

-Nhân vật Mị trong lần miêu tả thứ nhất:

+Quãng đời quá khứ:

++Mị là một cô gái trẻ đẹp, yêu đời, chăm chỉ lao động, nhà nghèo và rất hiếu thảo

++Đang tuổi thanh xuân, vì món nợ truyền kiếp của gia đình mà cô trở thành con dâu gạt nợ cho nhà thống lí Pá Tra

++Từ đó, Mị bắt đầu chìm đắm trong đau khổ tột cùng. Có đến hàng mấy tháng đêm nào Mị cũng khóc. Có lúc, cô định tìm cái chết, nhưng không đành lòng chết. Mị chết thì bố Mị còn khổ hơn bao nhiêu lần bây giờ.

+Cuộc sống hiện tại

++Mị xuất hiện ngay đầu truyện. Tô Hoài đã phác họa chân dung nhân vật để gợi mở nội tâm: mặt buồn rười rượi. Bên cạnh nhà thống lí giàu lắm, nhà có nhiều nương, nhiều bạc, nhiều thuốc phiện nhất vùng đối lập và in đậm một hình bóng im lìm, tăm tối, nhọc nhằn của Mị.

++Từ lúc bị bắt về nhà thống lí Pá Tra, Mị đã bị bóc lột sức lao động đến  cùng cực, chịu khổ nhục triền miên: quay sợi, thái cỏ ngựa, dệt vải, chẻ củi hay đi cõng nước dưới khe suối…

++ Mị bị giam hãm trong không gian chật hẹp và tù đọng, giữa căn buồng lúc nào cũng âm u, cửa sổ là một lỗ vuông bằng bàn tay, trong thời gian ngưng đọng như không dĩ vãng, không hiện tại và không tương lai, lùi lũi như một con rùa nuôi trong xó cửa.

++ Cùng với ách áp bức nặng nề ấy là sự mê tín, thần quyền. Mị đã bị trình ma nhà thống lí thì chỉ còn biết đợi ngày rũ xương ở đây thôi…

++Cuộc sống đó hoàn toàn cùng khổ về vật chất, bế tắc về tinh thần. Mị nghĩ rằng: … đến bao giờ chết thì thôi.

-Nhân vật Mị trong lần miêu tả thứ hai: diễn biến tâm trạng của Mị trong đêm cứu A Phủ:

+Chính tác động của ngoại cảnh: đêm tình mùa xuân ở Hồng Ngài đã làm cho Mị có sức sống tiềm tàng, khao khát tự do

+ Sức sống ấy đã thổi bùng lên ngọn lửa của tinh thần phản kháng mãnh liệt: đêm đông nơi rẻo cao, Mị đã cứu và chạy theo A Phủ:

++Tâm trạng của Mị trước đêm cởi trói cho A Phủ :

Cuộc sống đọa đày trong nhà thống lý Pá Tra của Mị vẫn tiếp diễn. Thời gian đọa đày biến cô trở thành người câm lặng trước mọi sự. Những gì diễn ra xung quanh không khiến Mị quan tâm. Những đêm đầu Mị thổi lửa hơ tay. Tâm hồn Mị như tê dại trước mọi chuyện, kể cả lúc ra sưởi lửa, bị A Sử đánh ngã xuống bếp, hôm sau Mị vẫn thản nhiên ra sưởi lửa như đêm trước. Sống lâu trong cái khổ đã làm cho trái tim của Mị chai sạn, tê liệt ý thức. Mị trở nên vô cảm khi nhìn thấy A Phủ bị thống lí Pá Tra trói đứng vào cây cọc

++Tâm trạng của Mị khi chứng kiến nước mắt của A Phủ :

*Thương người cùng cảnh ngộ:

Chính nhờ ngọn lửa đêm ấy, Mị trông sang A Phủ và nhìn thấy một dòng nước mắt lấp lánh bò xuống má đã xám đen lại. Dòng nước mắt ấy khiến Mị chợt nhớ lại đêm năm trước A Sử trói Mị, Mị cũng phải đứng trói như thế kia. Nhiều lần khóc, nước mắt chảy xuống miệng, xuống cổ, không lau đi được. Rồi Mị phảng phất nghĩ gần nghĩ xa: Cơ chừng này chỉ đêm mai là người kia chết, chết đau, chết đói, chết rét, phải chết. Ta là thân đàn bà, nó đã bắt ta về trình ma nhà nó rồi thì còn biết đợi ngày rũ xương ở đây mà thôi…Người kia việc gì phải chết thế?

*Tình thương lớn hơn cái chết:

Mị xót xa cho A Phủ như xót xa cho chính bản thân mình. Mị thương cho A Phủ không đáng phải chết. Cô cũng sợ nếu mình cởi trói cho chàng trai ấy, bố con Pá Tra biết được sẽ trói Mị vào đấy và lại chết trên cái cọc ấy…Nhưng có lẽ tình thưởng ở Mị đã lớn hơn cả sự chết. Tình thương khiến cô đi đến hành động cắt dây cởi trói cho A Phủ, dù vẫn còn lo sợ: hốt hoảng, rón rén, thì thào hai tiếng: Đi ngay!

*Từ cứu người đến cứu mình:

Khi cởi trói cho A Phủ xong, Mị đứng lặng trong bóng tối. Nhưng chính ngay lúc ấy, trong lòng người đàn bà khốn khổ kia mọi chuyện diễn ra rất nhanh. Mị cũng vụt chạy ra. Trời tối lắm, nhưng Mị vẫn băng đi. Vì ở lại đây Mị sẽ chết.

Đây không phải là hành động mang tính bản năng. Đúng hơn, cùng với sự trỗi dậy của kí ức, khát vọng sống tự do đã khiến Mị chạy theo người mà mình vừa cứu. Mị giải thoát cho A Phủ và cũng giải thoát cho chính bản thân. Hành động táo bạo và bất ngờ ấy là kết quả tất yếu của sức sống tiềm tàng khi người con gái yếu ớt dám chống lại cả cường quyền và thần quyền.

     * Nghệ thuật:

-Nhà văn Tô Hoài đã miêu tả diễn biến tâm trạng của nhân vật Mị rất tự nhiên, hợp lí và chân thật.

-Tác phẩm in rõ dấu ấn phong cách nghệ thuật đặc sắc của Tô Hoài: màu sắc dân tộc đậm đà, chất trữ tình thấm đượm, ngôn ngữ và lời văn giàu tính tạo hình

– Nghệ thuật kể chuyện: lối trần thuật hấp dẫn, lôi cuốn người đọc, giọng văn trầm lắng

– Nghệ thuật miêu tả tâm lí nhân vật

+ Nhà văn ít miêu tả hành động mà chủ yếu là khắc họa tâm tư, thế giới đời sống nội tâm nhân vật.

+ Giọng kể hòa nhập vào tâm tư nhân vật

c.Nhận xét sự thay đổi nhân vật Mị qua 2 lần miêu tả:

– Giống nhau: Cả lần 1 và lần 2 đều nói lên sự thống khổ của Mị. Mị luôn bị đày đọa cả thể xác và tâm hồn.

– Khác nhau

+Ở lần miêu tả 1: Lúc đầu Mị là người còn gái cam chịu, vô cảm, bị tê liệt tinh thần phản kháng. Mị đau khổ trong cuộc đời bất hạnh của chính mình, bị 2 thế lực thần quyền và cường quyền chà đạp. Mị phải sống một cuộc đời đau khổ về vật chất và bế tắc về tinh thần. Lần này nhà văn Tô Hoài chủ yếu tập trung miêu tả chân dung Mị từ xa đến gần, nhất là tả gương mặt để bộc lộ nỗi đau thân phận của nhân vật;

+Ở lần miêu tả 2: Khi nhìn thấy được thấy giọt nước mắt của A Phủ, Mị đã hồi sinh trong tâm hồn. Mị đã ý thức được nỗi đau cuộc đời của mình và của người cùng cảnh ngộ. Mị đã phản kháng mạnh mẽ, thể hiện khát vọng sống mãnh liệt và tinh thần đấu tranh để được tự do. Lần này nhà văn chủ yếu tập trung miêu tả diễn biến nội tâm rất phong phú và sâu sắc của Mị, trước khi đi đến hành động táo bạo nhất: cởi trói cho A Phủ, cũng là cởi trói cuộc đời nô lệ của 2 người…

+ Qua sự thay đổi của nhân vật Mị, nhà văn gửi gắm tấm lòng nhân đạo: thể hiện tình yêu thương, sự đồng cảm với thân phận đau khổ của người dân miền núi Tây Bắc; ngợi ca vẻ đẹp tâm hồn, sức sống mãnh liệt, khát khao tự do và sức mạnh phản kháng của họ; đồng thời là lời gửi gắm niềm tin của tác giả vào sự đổi đời của con người; chỉ ra con đường giải phóng cho người dân lao động thoát khỏi cuộc đời tăm tối, đó là về với cách mạng. Chỉ có cách mạng mới đem lại sự sống bất diệt.

3.3.Kết bài: 0.25

– Tóm lại vấn đề đã nghị luận

– Cảm nghĩ bài học cuộc sống từ nhân vật Mị

 

(4.00)
4. Sáng tạo

Có cách diễn đạt sáng tạo, thể hiện suy nghĩ sâu sắc, mới mẻ về vấn đề nghị luận.

( 0,25)
5. Chính tả, dùng từ, đặt câu

Đảm bảo quy tắc chính tả, dùng từ, đặt câu.( Sai từ 2 lỗi trở lên sẽ không tính điểm này)

( 0,25)

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *