Đề đọc hiểu và Nghị luận xã hội 200 chữ : rèn luyện tư duy phản biện ở mỗi người

Đề thi THPT Quốc Gia Nghị luận xã hội

ĐỀ 1

ĐỌC HIỂU (3 điểm):

Đọc đoạn trích sau:

  • Tư duy phản biện (Critical thinking) là khả năng suy nghĩ rõ ràng và có lập luận đúng đắn về niềm tin bạn tin vào hay những gì bạn đang làm. Nó bao gồm khả năng vận dụng suy nghĩ độc lập (indepentdent thinking) và suy nghĩ phản chiếu (reflective thinking). Tư duy phản biện không phải chỉ là tích lũy thông tin. Người có trí nhớ tốt và biết nhiều thứ về cơ bản không hẳn sẽ là có tư duy phản biện tốt. Người có tư duy phản biện có thể suy luận ra những hệ quả từ những gì họ biết và biết cách sử dụng thông tin để giải quyết vấn đề, đồng thời tìm kiếm những nguồn thông tin liên quan để tăng hiểu biết của mình về vấn đề đó (…)
  • Không nên nhầm lẫn tư duy phản biện với việc thích tranh cãi hay chỉ trích người khác. Mặc dù các kỹ năng tư duy phản biện có thể được sử dụng để vạch trần những thiếu sót và cách lập luận sai lầm, nhưng tư duy phản biện cũng đóng vai trò quan trọng trong việc phối hợp để đưa ra các cách lập luận đúng đắn và có tính xây dựng. Tư duy phản biện giúp chúng ta thu nạp kiến thức, tăng mức độ thấu hiểu lý thuyết đã biết, củng cố các lập luận, nang cao hiệu quả xử lý công việc và giải quyết vấn đề.
  • Một vài người tin rằng tư duy phản biện cản trở khả năng sáng tạo bởi vì trong khi tư duy phản biện đòi hỏi phải tuân thủ những quy tắc logic và lập luận nhất định thì khả năng sáng tạo có lẽ cần đến nhiều hơn việc “phá luật” (breaking the rules). Đây là quan điểm sai lầm. Tư duy phản biện khá hòa hợp với cách suy nghĩ “ngoài chiếc hộp” (thinking out-of-the-box), thử thách các nhận thức chung và theo đuổi những hướng đi ít người biết. Tư duy phản biện là một phần cơ bản của sáng tạo bởi vì chúng ta cần tư duy phản biện để đánh giá và cải thiện các ý tưởng sáng tạo.

(http://www.formyour soul.com/ tu-duy-phan-bien-critical-thinking-4).

Thực hiện những yêu cầu sau:

Câu 1. Tác giả định nghĩa như thế nào về tư duy phản biện?

Câu 2. Thao tác lập luận nào được sử dụng trong đoạn (3) của văn bản?

Câu 3. Theo anh/chị, người thích tranh cãi hay chỉ trích người khác là người như thế nào?

Câu 4. Cho biết nhận xét của anh/chị về ý kiến của tác giả: “Tư duy phản biện là một phần cơ bản của sáng tạo bởi vì chúng ta cần tư duy phản biện để đánh giá và cải thiện các ý tưởng sáng tạo”.

LÀM VĂN (7 điểm):

Câu 1 (2 điểm)

Từ nội dung đoạn trích ở phần Đọc hiểu, hãy viết 01 đoạn văn (khoảng 200 chữ) trả lời câu hỏi: Làm thế nào để rèn luyện tư duy phản biện  ở mỗi người?

GỢI Ý GIẢI ĐỀ:

ĐỌC HIỂU (3,0 điểm):

Câu 1. Tác giả định nghĩa về tư duy phản biện: Tư duy phản biện (Critical thinking) là khả năng suy nghĩ rõ ràng và có lập luận đúng đắn về niềm tin bạn tin vào hay những gì bạn đang làm.

Câu 2. Thao tác lập luận được sử dụng trong đoạn (3) của văn bản: thao tác bác bỏ.

Câu 3. Có thể trả lời: người thích tranh cãi hay chỉ trích người khác là người hiếu thắng, hay soi mói khuyết điểm của người khác để phê phán với thái độ thiếu thiện chí.

Câu 4. Có thể nhận xét về ý kiến của tác giả: “Tư duy phản biện là một phần cơ bản của sáng tạo bởi vì chúng ta cần tư duy phản biện để đánh giá và cải thiện các ý tưởng sáng tạo”: Đây là ý kiến đúng đắn, làm bật lên tầm quan trọng của tư duy phản biện trong sự sáng tạo của con người; khích lệ mỗi người hãy rèn luyện tư duy phản biện…

LÀM VĂN (7 điểm):

Câu 1 (2 điểm)

Yêu cầu: Đảm bảo dung lượng (khoảng 200 chữ); hình thức, nội dung của đoạn văn; HS có thể trình bày đoạn văn theo cách diễn dịch, quy nạp, tổng phân hợp, song hành, móc xích; có thể lựa chọn các thao tác lập luận phù hợp để triển khai vấn đề cần nghị luận: Làm thế nào để rèn luyện tư duy phản biện ở mỗi người?

Sau đây là một số gợi ý:

  • Để có tư duy phản biện tốt, cần học cách quan sát, đánh giá vấn đề một cách khách quan; luôn đặt những câu hỏi thắc mắc khi đứng trước vấn đề; không a dua theo số đông mà phải có chính kiến;
  • Tự tin vào chính mình để mạnh dạn tranh luận, nhưng cũng phải biết cách lắng nghe và chấp nhận lý lẽ của người khác, nếu họ đúng…

*Các đoạn văn tham khảo:

Đoạn văn 1:

Rèn luyện tư duy phản biện thoạt nghe có vẻ phức tạp, nhưng trên thực tế, quá trình này lại diễn ra xoay quanh hai cách thức cơ bản mang tính cốt lõi. Đầu tiên, không ngừng tò mò, đi tìm lời giải đáp cho mọi vấn đề là bước khởi đầu cần thiết cho những ai muốn rèn luyện tư duy phản biện. Nếu khi xưa Einstein cũng tin vào giả thuyết của Newton về trọng lực như đông đảo dân chúng thời bấy giờ, có lẽ ngày nay chúng ta đã không biết đến học thuyết tương đối của ông – vốn là bước ngoặt trong cách con người nhìn nhận thiên nhiên và vũ trụ. Ngoài ra, tư duy phản biện tốt cũng cần được xây dựng dựa trên sự thấu hiểu và biết lắng nghe người khác. Tư duy phản biện không phải là công cụ giúp ta chiến thắng trong mọi cuộc tranh luận, mà đó là một kĩ năng giúp ta biết cách đàm phán để dẫn đến mục tiêu cuối cùng là tìm được giải pháp cho các vấn đề. Thế nên ta cần học cách phân biệt khi nào ta đang bàn luận vì mục tiêu chung và khi nào ta đang tranh cãi vì cái tôi riêng. Lúc này, việc bình tĩnh lắng nghe ý kiến của đối phương và đặt bản thân vào vị trí của họ sẽ giúp ta hiểu hơn về những gì đối phương muốn truyền đạt, và từ đó đánh giá khách quan hơn về những lập luận của đối phương. Một khi đã nắm được hai nguyên tắc cốt lõi này thì việc rèn luyện tư duy phản biện sẽ trở nên thuận lợi với tất cả mọi người.

*Đoạn văn 2:

Làm thế nào để rèn luyện được tư duy phản biện vẫn còn là một câu hỏi lớn. Trước hết, mỗi người cần tập cho mình thói quen đặt câu hỏi. Nghĩa là đối với những việc dã làm, ta cần biết thắc mắc – đồng nghĩa với việc nghĩ sâu hơn, dự đoán và chuẩn bị cho mình trước những tình huống hay bất trắc có thể xảy ra. Nhưng để trả lời cho những câu hỏi mình tự mình đặt ra thì cần phải có kiến thức, thông tin về nhiều lĩnh vực. Có được chiếc chìa khóa tri thức, ta mới có cơ hội mở được những cánh cửa lớn hơn. Nhưng quan trọng nhất là phải rèn luyện cho bản thân mình góc nhìn khách quan. Trước những vấn đề, con người có xu hướng đánh giá, nhìn nhận theo qua lăng kính chủ quan mà khó lòng nhìn nhận góc nhìn, ý kiến của người khác. Không nên vội vàng đưa ra quyết định, hãy suy nghĩ để biến quyết định của bản thân thành những quyết định sáng suốt nhất. Hãy mạnh dạn bày tỏ chính kiến cùng lập luận để bảo vệ chính kiến của mình. “Mọi thứ đều khó trước khi dễ”. (Goethe), mọi thứ mới mẻ đều là khó khăn, nhưng phải biết chấp nhận nó như một thử thách thú vị nhất!

*Đoạn văn 3:

Làm sao để rèn luyện được khả năng tư duy phản biện ở mỗi người? Trước hết, để rèn được khả năng tư duy phản biện, cần phải luyện được kĩ năng lắng nghe, nhưng không phải để soi mói hay chỉ trích, mà là để đánh giá và hoàn thiện. Khi lắng nghe những quan điểm xung quanh, ta không chỉ thể hiện được sự tôn trọng và thái độ cầu thị mà thông qua quá trình này, ta sẽ hiểu được góc nhìn của những người khác, sẽ bổ sung cho vốn kiến thức và tầm nhìn của chính mình. Sau quá trình lắng nghe, cần rèn cả khả năng tái trình bày ý kiến của người khác. Đây không phải hành động mang tính quy phục, mà cao hơn, kĩ năng này bộ lộ sự khách quan và tôn trọng đối với người cùng tranh luận. Việc tái trình bày cần diễn ra với tâm thế của người ngoài cuộc, nghĩa là càng công tâm, càng rõ ràng và toàn diện trong cách trình bày càng tốt. Bởi lẽ, khi ta nhắc lại lời người khác bằng cách nói thuyết phục, ta đã chuẩn bị cho cả ta và người cùng đối thoại một nền tảng lập luận mang tính cơ sở, một tâm thế an tâm rằng sẽ không có vấn đề hiểu thiếu hoặc sai. Cuối cùng mới tới khả năng phản biện – nêu ý kiến về lập luận của người khác và trình bày ý kiến bản thân. Quá trình này đòi hỏi tính xây dựng cao cùng sự tích cực hơn là gay gắt, nóng nảy. Càng bình tĩnh, càng giữ được độ lạnh cho cái đầu, kết quả thu được sẽ càng cao, quá trình phản biện càng diễn ra thuận lợi.

======

Đề văn sưu tầm

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *