Đề thi thử bài Việt Bắc Tố Hữu soạn theo đề minh họa 2019

Đề thi khối 12

Trong bốn dòng thơ đầu của bài thơ Việt Bắc, người ở lại có hỏi người về xuôi:

Mình về mình có nhớ ta

Mười lăm năm ấy thiết tha mặn nồng.

Mình về mình có nhớ không

   Nhìn cây nhớ núi, nhìn sông nhớ nguồn?

Có khi đáp lại, người về xuôi vừa hỏi, vừa gửi gắm nỗi nhớ:

 Ta về, mình có nhớ ta

Ta về ta nhớ những hoa cùng người

Rừng xanh hoa chuối đỏ tươi

Đèo cao nắng ánh dao gài thắt lưng.

Ngày xuân mơ nở trắng rừng

  Nhớ người đan nón chuốt từng sợi giang

Ve kêu rừng phách đổ vàng

  Nhớ cô em gái hái măng một mình.

Rừng thu trăng rọi hòa bình

Nhớ ai tiếng hát ân tình thủy chung.

(Trích Việt Bắc – Tố Hữu, Ngữ Văn 12, Tập một, tr.109 – 111, NXB Giáo Dục – 2008)

Cảm nhận của anh/ chị về tâm trạng kẻ ở – người đi trong các đoạn thơ trên. Từ đó, rút ra nhận xét về tính dân tộc trong đoạn thơ.

a. Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận
Mở bài nêu được vấn đề, thân bài triển khai được vấn đề, kết bài khái quát được vấn đề.
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận
Tâm trạng kẻ ở – người đi trong các đoạn thơ; tính dân tộc trong đoạn thơ.
c. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm
HS có thể triển khai theo nhiều cách, nhưng cần vận dụng tốt các thao tác lập luận, kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng; đảm bảo các yêu cầu sau:
*Giới thiệu khái quát về tác giả, tác phẩm và vấn đề nghị luận
*Cảm nhận về tâm trạng kẻ ở – người đi trong các đoạn thơ
– Tâm trạng người ở lại (đồng bào VB):Tâm trạng lưu luyến, dành hết những tình cảm thiêng liêng sâu đậm gửi theo người về xuôi.
+ Gợi lại tình cảm sâu đậm, gắn bó: Cách xưng hô mình – ta; Tính từ: thiết tha, mặn nồng.
+ Nhắc nhở người về xuôi đừng quên nghĩa tình Việt Bắc: Câu hỏi tu từ, điệp cấu trúc “Mình về… có nhớ…”.
+ Khẳng định những tình cảm sâu đậm: Khoảng thời gian 15 năm gắn bó đầy gian khổ nhưng đầy ắp tình cảm, kỷ niệm đẹp. Hình ảnh cây – núi, sông – nguồn: vẻ đẹp của núi rừng VB; ẩn dụ: VB là cội nguồn của CM với tấm lòng tha thiết không bao giờ vơi cạn.
– Tâm trạng của người về xuôi (cán bộ, chiến sĩ CM):
+ 2 câu đầu: Thể hiện tấm lòng của người về xuôi với VB, luôn thủy chung, son sắt; khẳng định tình cảm, lời nhắn nhủ VB đừng quên mình và nhấn mạnh ấn tượng về vẻ đẹp của “hoa và người”.
+ 8 câu sau: Thể hiện những ấn tượng sâu đậm, khó phai trong lòng người về xuôi; cách cảm nhận xuất phát từ tình cảm tha thiết với VB; vẻ đẹp hài hòa, gắn bó cùng tôn lên vẻ đẹp của nhau giữa thiên nhiên và con người.
Mùa đông: màu đỏ của hoa, màu xanh của lá tương phản, tươi tắn đầy sức sống của rừng chuối; người đi lên nương rẫy dáng vẻ khỏe khoắn, tự tin, đầy sinh khí, nhiệt huyết.
Mùa xuân: màu trắng tinh khiết, bung nở của hoa mơ; dáng điệu lao động với sự tỉ mỉ chăm chút trên từng chiếc lá giang.
Mùa hè: không gian ngập tràn màu sắc rực rỡ, âm thanh rộn rã; hình ảnh thân thương của người em dịu dàng, thướt tha nhưng vẫn đậm chất lao động.
Mùa thu: ánh trăng tràn ngập tạo nên sắc màu lung linh, không gian huyền ảo, lãng mạn, gợi ước mơ thanh bình; tiếng hát ca ngợi ân tình thủy chung càng làm đẹp hơn tâm tình của người VB.
– Những đặc sắc nghệ thuật: Thể thơ lục bát với âm hưởng nhẹ nhàng, sâu lắng; lối xưng hô mình – ta; kết cấu đối đáp của ca dao dân ca; hình ảnh bình dị mà gợi cảm; giọng thơ tha thiết, đậm chất trữ tình.
*Nhận xét về tính dân tộc trong đoạn thơ
– Về nội dung:
+ Tình cảm sâu đậm của người đi kẻ ở đã thể hiện những phẩm chất tốt đẹp từ ngàn đời của nhân dân ta: coi trọng tình nghĩa hơn của cải vật chất; tình cảm sâu đậm không dễ xóa nhòa, quên lãng; sống thủy chung có trước có sau; tấm lòng tri ân, hướng về cội nguồn đã cho mình khôn lớn; tinh thần lạc quan: chia tay nhưng không bi ai, gợi nhớ kỉ niệm CM dù gian khổ nhưng vẫn luôn chứa đựng những cái nhìn tích cực…
+ Vẻ đẹp trong cả hai đoạn đều là vẻ đẹp hướng nội, khai thác từ sự dung dị, mộc mạc mà đầy sức gợi cảm của con người và thiên nhiên cảnh vật. Đó chính là quan niệm thẩm mỹ thuần Việt: không chú trọng vẻ đẹp sắc sảo, rực rỡ mà đề cao sự thanh khiết, nhẹ nhàng; nét đẹp của tâm hồn luôn hướng vào trong với những cung bậc sâu lắng; vẻ đẹp của thiên nhiên tồn tại trong chính cuộc sống quanh ta…
+ Hai đoạn thơ cũng cho thấy cách cảm nhận của nhà thơ về những vấn đề chính trị: luôn đề cao những sự kiện lớn lao, liên quan đến vận mệnh đất nước nhưng cách thể hiện không phù phiếm, cố tạo ra vẻ hoành tráng mà rất nhẹ nhàng, sâu lắng.
– Về nghệ thuật: Tố Hữu đã khai thác triệt để những vốn quý trong kho tàng văn học dân gian của dân tộc: thể thơ lục bát; hình ảnh, con người gắn liên với vùng đất Việt Bắc; chất liệu từ những câu tục ngữ; đại từ nhân xưng mình – ta mượn từ ca dao, dân ca; giọng điệu nhẹ nhàng mà chân thành, sâu lắng phù hợp với cách cảm, cách tả, cách gợi về vẻ đẹp của ân tình, của cảnh và người, của những hoài niệm trong buổi chia tay.
d. Chính tả, ngữ pháp
Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp tiếng Việt.

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *